Header

Trải nghiệm lên núi với Chúa và với nhau Trong hành trình mùa chay | Linh mục

avatarby
10/03/2023
3.2K
Sứ điệp Mùa Chay 2023 của Đức Thánh Cha Phanxicô với chủ đề: “Khổ chế Mùa Chay và lộ trình hiệp hành” được vị cha chung gợi lên từ biến cố “biến hình” trên núi. Hình ảnh ba môn đệ thân tín cùng lên núi với Chúa Giêsu cho ta thấy dáng dấp của những “trekker”- những người leo núi bằng chính đôi chân của mình. Tuy có những khó khăn khi leo núi, nhưng ba môn đệ không đi một mình mà với Chúa và với nhau. | Trải nghiệm lên núi với Chúa và với nhau Trong hành trình mùa chay | Linh mục | giáo phận phú cường, truyền thông giáo phận phú cường, truyền thông phú cường, phú cường, hiệp thông Loan bao Tin mừng

Linh mục
Trải nghiệm lên núi với Chúa và với nhau
Trong hành trình mùa chay

Trải nghiệm lên núi với Chúa và với nhau Trong hành trình mùa chay | Linh mục | hiệp thông Loan bao Tin mừng

“Nào cùng go trekking!” là lời mời gọi thu hút nhiều kẻ bộ hành trong vài năm gần đây. Những người tham gia (gọi là “trekker”) được dịp trải nghiệm và thử sức khám phá đồi núi với những con đường chưa có lối mòn vạch sẵn bằng chính đôi chân của mình. Điều đó đòi hỏi những kẻ bộ hành phải có sự quyết tâm và can đảm đối diện với mọi thách đố có thể xảy ra với mình trên cuộc hành trình.

Sứ điệp Mùa Chay 2023 của Đức Thánh Cha Phanxicô với chủ đề: “Khổ chế Mùa Chay và lộ trình hiệp hành” được vị cha chung gợi lên từ biến cố “biến hình” trên núi. Hình ảnh ba môn đệ thân tín cùng lên núi với Chúa Giêsu cho ta thấy dáng dấp của những “trekker”- những người leo núi bằng chính đôi chân của mình. Tuy có những khó khăn khi leo núi[1], nhưng ba môn đệ không đi một mình mà với Chúa và với nhau.

Trong bầu khí linh thánh của Mùa Chay hòa với không gian thinh lặng của dịp tĩnh tâm tháng, anh em chúng ta cùng nhau dừng lại ở kinh nghiệm leo núi với Chúa và với nhau của ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan; đồng thời, hãy thử một lần đặt chính chúng ta trong hành trình này để trải nghiệm và kín múc những kinh nghiệm thiêng liêng cho đời sống và sứ vụ linh mục của mình.

Trong hành trình lên núi với Chúa và với nhau của ba môn đệ năm xưa, ta nhìn ra 3 điểm thực tế và ý nghĩa:

1. Chấp nhận leo núi 

Người ta không thể thực hiện việc lên núi cao mà trước đó họ đã không chấp nhận việc leo núi. Để có thể lên núi, họ phải từ bỏ một điều gì đó đang ràng buộc mình dưới núi. Đó có thể là công việc thường ngày, là thói quen hằng ngày để có thể chinh phục ở môi trường mới với nhiều thách đố. Đó cũng có thể là lúc phải từ bỏ những dễ chịu hằng ngày của bản thân để đáp trả lời mời gọi lên đường đầy khổ chế của một ai đó có ý nghĩa với cuộc đời mình.

Sáu ngày kể từ khi Thầy Giêsu loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh lần đầu tiên với tập thể 12 môn đệ, có lẽ nhiều môn đệ chưa thể hiểu nổi những lời mà Thầy vừa nói. Vì lời loan báo ấy xa vời với những tư tưởng, ước muốn và cả dự phóng của họ. Đang trong tình cảnh ấy, trong số mười hai anh em, ba môn đệ thân tín mang tên Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người được chọn để “đi riêng ra một chỗ, tới ngọn núi cao” (Mc 9,2). Trước đó, ba môn đệ này đã được diễm phúc chứng kiến phép lạ Chúa làm cho con gái ông Giairô sống lại (Mc 5,37) và cũng ba môn đệ này sẽ được ở bên Chúa trong vườn Dầu sau này (Mc 14,33).

Trong Kinh thánh, núi là nơi mà Thiên Chúa tỏ hiện và cũng là nơi mà con người có cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa. Quả thật, nơi ngọn núi cao hôm ấy, Chúa đã biến hình và ba môn đệ ấy đã có trải nghiệm gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa.

Trên hành trình 40 ngày chay thánh mà chúng ta đang sống và trải nghiệm, chúng ta cũng đọc được kinh nghiệm tuyệt vời của các môn đệ năm xưa nơi đời sống và sứ vụ của chúng ta hôm nay. 40 ngày ân phúc này không phải là thời gian “đến rồi lại đi” như những Mùa Chay trước nhưng nên chăng là một cơ hội mà chúng ta tận dụng để “đi riêng ra một chỗ, tới ngọn núi cao” nghĩa là được tách ra khỏi sự tầm thường và phù phiếm[2], tới nơi Thiên Chúa sẽ tỏ hiện và chúng ta có cơ hội gặp gỡ với Ngài. Đó là những khung giờ quen thuộc hằng ngày: thời gian của dâng ngày sáng, của nguyện gẫm, thánh lễ, kinh thần vụ, viếng Chúa và lần chuỗi Mân côi… Hay đó cũng là những dịp chúng ta tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm quý hay tĩnh tâm năm.

Nói đến cơ hội “tách riêng ra và gặp gỡ” với Chúa, anh em linh mục có đầy đủ những cơ hội đó trong ngày sống của mình. Nhưng phải chăng, bấy lâu nay, chúng chỉ là những việc bổn phận mà chúng ta buộc phải chu toàn hơn là cơ hội để chúng ta gặp gỡ; hoặc rất có thể, chúng là những việc mà chúng ta đã sắp xếp “đi riêng ra một chỗ” nhưng lúc ấy, cõi lòng chúng ta lại xốn xang và băn khoăn với nhiều công việc mục vụ đang dở dang.

Khi nhìn những “trekker” trong hành trình chinh phục núi đồi và bản thân, họ sẽ không đi theo lối mòn đã có sẵn, nhưng họ muốn chính mình tự tạo thêm những cơ hội để khám phá thiên nhiên.

Lắm lúc, chúng ta cũng thường xuyên đi theo lối mòn của những việc thiêng liêng “làm xong thì yên tâm”. Điều này tạo ra một sự nhàm chán hoặc đôi lúc trở nên một gánh nặng. Cho nên, ước mong các linh mục của Chúa không chỉ dừng lại ở việc chu toàn những chuyện “bấy nhiêu” nhưng biết tạo thêm những cơ hội cho riêng mình để có thể gặp gỡ Chúa trong đời sống hằng ngày và trong các công việc mục vụ, để tình bạn hữu với Chúa và chúng ta được gắn bó và triển nở hơn. Vì “cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện chúng ta nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện” (x. ĐHV 120).

Quả thật, nói đến việc “đi riêng ra một chỗ, tới ngọn núi cao” nơi biến cố biến hình này mở ra cho chúng ta thấy một thực hành quen thuộc mà Giáo hội vẫn kêu gọi con cái mình trong Mùa Chay đó là cầu nguyện. Và cách thức cầu nguyện mà Thiên Chúa ước mong nơi Tin mừng ngày thứ Tư lễ Tro - đầu Mùa Chay thánh chẳng phải là “vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện với Đấng thấu suốt mọi bí ẩn” (Mt 6,6) đó sao?

 Tuy nhiên, đời sống linh mục giáo phận không phải lúc nào cũng nhịp nhàng, chạy êm xuôi theo thời khóa biểu nhưng sẽ có những công việc đột xuất diễn ra. Dù vậy, chúng ta ý thức rằng: trong cả khi lao tác, làm việc mục vụ và chăm sóc bệnh nhân, chúng ta có thể biến chúng thành một giờ cầu nguyện. Đức TGM Fulton Sheen có lần đã chia sẻ:

Một cuộc sống quân bình không trì hoãn việc cầu nguyện cho đến khi làm xong công việc nhưng nó chuyển chính công việc thành lời cầu nguyện. Chúng ta làm điều này khi chúng ta hướng về Thiên Chúa lúc bắt đầu và khi kết thúc mỗi công việc và dâng chúng vì tình yêu Thiên Chúa… Bất cứ công việc lương thiện nào được thực hiện cách hoàn hảo đều có thể chuyển thành một lời cầu nguyện.[3]

2. Đón nhận Lời Chúa 

Từ trong đám mây có tiếng phán rằng:“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người” (Mc 9,7). Sau khi các ông được chiêm ngưỡng việc Chúa biến hình cách kỳ diệu, ba môn đệ đã được Chúa Cha mời gọi phải đón nhận lời của Thầy Giêsu và hết lòng vâng nghe.

Thật vậy, bởi vì Đức Giêsu đã thay cho Lề luật xưa. Trong mọi việc Người làm hay nói, chính Người thể hiện trọn vẹn và dứt khoát ý muốn của Chúa Cha. Người là vị tiên tri mà Môsê đã loan báo cho tương lai và truyền phải vâng nghe (x. Đnl 18,15).

Đức Giêsu còn hơn là một Môsê mới vì chính Người là Luật mới. Người không chỉ là trung gian mới của mặc khải mà còn là sự tự mặc khải mới cho con người trong viên mãn.[4] Như thế, lời mời gọi của Chúa Cha với ba môn đệ năm xưa đã thôi thúc các ông không chỉ vâng nghe bằng cả trí lòng mà bằng cả cuộc sống theo chân Thầy và chấp nhận những gian lao giống Thầy.

Những “trekker” cùng nhau tiến bước trên đồi núi dù chuyên nghiệp đến mấy nhưng vẫn cần sự hướng dẫn của chiếc la bàn trong hành trình di chuyển của mình để có thể đi đúng hướng, xuống núi và trở về. Nếu không nghe theo sự hướng dẫn ấy và tự tin với sức mình, đôi lúc họ sẽ lạc hướng và gục ngã.

Cũng thế, dù thông thạo tri thức triết-thần và các khả năng quản trị và mục vụ, các linh mục của Chúa cũng cần Lời Chúa như kim chỉ nam, như chiếc la bàn định hướng cho đời sống và sứ vụ của mình. Đôi lúc, các linh mục cảm thấy việc đọc và nguyện gẫm hằng ngày như một gánh nặng, nhất là những ngày đầy sự kiện và công việc mục vụ chồng chất. Với những điều đó, không ít người trong chúng ta đã dần dần nguội lạnh với Lời. Và đó phải chăng là lý do mà những bài chia sẻ hằng ngày với đoàn chiên thiếu “chất Tin mừng” mà toàn là những thông tin thời sự.

Cho nên, trong đời sống hằng ngày, khi anh em linh mục cố gắng tạo cho chính mình cơ hội để đọc, nghiền ngẫm, lắng nghe Lời và thực thi Lời thì điều đó trở nên như một của lễ hy sinh đáng trân quý. Ngay trong việc lắng nghe và thực thi Lời là một khổ chế thật sự trong Mùa Chay vì Lời Chúa đôi khi buộc chúng ta “lội ngược dòng” với đời sống của thế tục. Như thế, Mùa Chay thật sự là thời gian ân sủng để chúng ta lắng nghe Lời khi Ngài ngỏ lời với chúng ta trong Lời Chúa được công bố trong phụng vụ, qua khuôn mặt của những anh chị em cần sự giúp đỡ.[5] Nếu mỗi người biết dành thời gian nguyện gẫm với Lời Chúa, chúng ta nhận ra tình thương của Chúa dành cho mình, ý muốn của Chúa trên cuộc đời mình và quảng đại đáp trả bằng chính cuộc sống của mình. Thánh Bênađô nói thêm: “Nguyện gẫm thanh tẩy trí khôn, hướng dẫn tình cảm, điều khiển hành động, sửa chữa quá khích, tạo ra nếp sống, thanh lọc và trật tự hóa cuộc sống”[6].

Quả thật, việc ba môn đệ được mời gọi “đón nhận và vâng nghe Lời Chúa” nơi biến cố biến hình năm xưa mở ra cho chúng ta thấy một thực hành quen thuộc mà Giáo hội vẫn kêu gọi con cái mình trong Mùa Chay đó là luyện ăn chay, tập khổ chế. Ăn chay giúp ta nên giống Chúa và hãm dẹp bớt những sở thích, những đam mê mà đời sống thế tục vẫn thường làm và ưa chuộng. Ăn chay cũng là lúc biết từ bỏ những điều phù phiếm, thừa thãi để đi đến điều thiết yếu.[7] Chúng ta thường bị cám dỗ phớt lờ, không vâng nghe điều thiết yếu là Lời Chúa dạy mà lại nghe theo tiếng xác thịt của mình réo gọi. Dần dần cặp mắt tâm hồn chúng ta lại trở nên mù tối bởi những chiều chuộng cho thân xác của mình quá nhiều. Cho nên việc ăn chay sẽ giúp chúng ta xóa ý riêng dần dần, làm chủ đam mê và sở thích của mình để nhường chỗ cho Lời của Ngài. Và dần dần cặp mắt tâm hồn của chúng ta sẽ ngày càng trong sáng để nhìn thấy Chúa hiện diện nơi cuộc đời mình rõ nét hơn.

Thật thấm thía và ý nghĩa với lời nguyện nhập lễ của Chúa nhật II Mùa Chay mà Giáo hội khẩn cầu: “Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy Lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con”.

3. Chân nhận anh em

Với giây phút Chúa biến hình, Phêrô cùng với hai môn đệ Gioan và Giacôbê đã ngây ngất trước cảnh tượng vĩ đại này. Các ông đã được Chúa Cha cho thấy sự cao trọng thánh thiêng vốn được ẩn giấu che khuất bởi bề ngoài rất đỗi bình thường của Thầy mình. Phêrô muốn dựng lều để tìm kiếm một nơi ở, một chỗ nghỉ ngơi để kéo dài thời gian bên Chúa hơn nhưng Thầy Giêsu muốn các ông “xuống núi” và tiếp tục cuộc sống thường ngày. Bởi vì Thầy cũng cần “xuống núi” để tiếp tục sứ vụ và tiếp tục lên những ngọn núi khác. Bởi vì ba môn đệ vẫn còn sống cùng, sống với anh em nhóm Mười hai. Và quan trọng là cùng với Thầy, họ còn cả một sứ vụ cao cả với đoàn chiên phía trước là những người anh em con cùng một Cha đang chờ đợi sự chăm sóc và yêu thương.

Sau những ngày tháng lên núi để trải nghiệm, khi có dịp tiến bước cùng nhau, những “trekker” được cơ hội sống tinh thần hiệp thông và tương trợ lẫn nhau. Nhưng họ cũng không ở mãi với nhau trên núi mà “xuống núi” để tiếp tục sống mối tương quan với người khác, để tiếp tục sẻ chia những hiểu biết, những khám phá đầy mới mẻ ấy của họ cho những người mà họ gặp gỡ.

Cũng thế trong suốt hành trình “lên núi” và “xuống núi”, việc tiến bước cùng nhau và bên nhau của ba môn đệ năm xưa với sự đồng hành của Thầy Giêsu giúp chúng ta liên tưởng đến tiến trình hiệp hành của Giáo hội. Chính Chúa Giêsu muốn chia sẻ kinh nghiệm ân sủng này với ba môn đệ chứ không giữ lại cho riêng mình, cũng như toàn bộ đời sống đức tin của chúng ta là một trải nghiệm được sẻ chia. Chính trong sự liên đới với nhau mà chúng ta bước theo Chúa Giêsu. Và là một Hội thánh lữ hành giữa dòng thời gian, chúng ta cùng nhau trải nghiệm Mùa Chay; cùng tiến bước với anh chị em mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta như những người bạn đồng hành.[8]

Đồng thời, đời sống linh mục trở nên có ý nghĩa khi thường xuyên nghĩ về và sống hết mình với đoàn chiên. Đời sống các linh mục không chỉ được kết nên bằng những giây phút “đi riêng ra một chỗ, tới ngọn núi cao” để gặp gỡ Chúa nhưng còn là việc đem kinh nghiệm thiêng liêng của cuộc gặp gỡ đó “xuống núi” để trao gửi cho anh chị em của mình. Với ân sủng của Chúa trao ban, chúng ta sẽ trở nên “những nghệ nhân của tính hiệp hành” trong cuộc sống thường ngày tại các cộng đoàn của chúng ta.[9]

Cụ thể với giáo phận Phú Cường, trong tâm tình mục tử đầu năm Phụng vụ mới, Đức cha Giuse - Giám mục giáo phận - đã mời gọi toàn thể giáo phận sống chủ đề:“Hiệp thông loan báo Tin mừng” vì đó là một trách vụ quan trọng và cũng là một nhu cầu sống còn của cả giáo phận. Thiết nghĩ, để hiệp thông cùng nhau loan báo Tin mừng, chúng ta phải là người hiệp thông với Chúa, có mối tương quan gắn bó với Chúa trong việc chầu Thánh Thể, suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện, xét mình hằng ngày, lần chuỗi Mân côi…

 Kế đến, như ba môn đệ đã được ơn nhìn thấy Chúa Giêsu trong vinh quang - một vẻ đẹp trổi vượt hơn những nỗ lực leo núi của các ông - như trong bất kỳ cuộc leo núi gian nan nào, đang khi leo chúng ta phải hy sinh, chăm chú, nhưng bức tranh toàn cảnh cuối lộ trình gây bất ngờ và đền đáp cho chúng ta những điều hết sức kỳ diệu. Trong tiến trình hiệp hành, khi tiến bước cùng nhau, chúng ta gặp không ít những trục trặc, khó khăn, thiếu bác ái, gây nản chí. Tuy nhiên, chắc hẳn, ở phía cuối tiến trình này sẽ là những điều rất kỳ diệu đang chờ đợi chúng ta.[10]

Sau cùng, việc “chân nhận anh em” nơi biến cố biến hình này không chỉ mở ra cho chúng ta thấy một tiến trình hiệp hành mà còn gợi ý cho chúng ta một thực hành quen thuộc mà Giáo hội vẫn kêu gọi con cái mình trong Mùa Chay đó là làm việc bác ái. Khi chân nhận những đóng góp của người anh em, của người đồng hành là lúc chúng ta đang sống bác ái. Điều này rất quan trọng trong công cuộc loan báo Tin mừng vì nếu thiếu đi tình bác ái huynh đệ thì công cuộc loan báo Tin mừng cũng sẽ không tiến triển.[11] Khi nỗ lực tiến bước, cùng nhau làm việc, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng “trên núi” là chúng ta đang hiệp thông loan báo Tin mừng.

Cụ thể, trong những biến động trên thế giới hôm nay, chúng ta cùng nhau mở tai lắng nghe anh chị em đang gặp khó khăn trong đời sống gia đình, lắng nghe những tiếng kêu than của đồng bào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, với những tàn tích của cơn địa chấn; lắng nghe những đau khổ của những anh chị em sống dưới làn súng đạn tại Ukraine và hiệp ý cầu nguyện cho họ. Những điều đó cũng là điều đáng trân quý trên tiến trình hiệp hành mà Giáo hội, cách riêng giáo phận chúng ta đang sống và bước đi.

Đôi lúc, chúng ta cần để ý cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng hàng tháng cho một nhu cầu nào đó của tha nhân. Đây chính là lúc chúng ta đang chân nhận những người cùng tiến bước là anh chị em. Đặc biệt, trong Mùa Chay năm nay, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cách riêng cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ bởi chiến tranh tại đất nước Ukraine hơn 1 năm qua.

TẠM KẾT

Vào chiều ngày 21/02/2023 vừa qua, cha Grynevych - Tổng thư ký Caritas của Spes, Ukraine - đã yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà trọ Thánh Marta. Ngài đã chia sẻ cho vị cha chung về những gánh chịu của người dân Ukraine suốt 1 năm chiến tranh; và đồng thời, ngài trao tặng cho Đức Thánh Cha các bài suy niệm Đàng thánh giá - là những kinh nghiệm về chiến tranh của chính họ, và cây thánh giá làm từ kính vỡ và gạch vụn từ các tòa nhà bị phá hủy ở Kiev. Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã rất xúc động, đau đớn và ngài lặp đi lặp lại nhiều lần: “Hãy nói với mọi người rằng tôi nỗ lực làm mọi thứ mà tôi có thể làm, tất cả mọi thứ mà tôi có thể làm”.

Mùa Chay thánh năm nay của thế giới vẫn còn những tiếng khóc và đau đớn của chiến tranh, của hậu quả động đất. Trải nghiệm lên núi với Chúa và với nhau trong ít phút vừa qua cũng thế. Trải nghiệm này cũng đã cho chúng ta khám phá không ít những đau khổ trên con đường theo Chúa, đặc biệt trên tiến trình hiệp hành. Mùa Chay thánh năm nay, ước chi chúng ta biết kết hợp những khổ chế, hy sinh của đời mình trên hành trình leo núi với Chúa và với nhau để cầu nguyện cho anh chị em của chúng ta.

VẤN TÂM

Có lần Đức Giáo hoàng Phanxicô sánh ví cuộc sống chúng ta là một “quyển sách quý giá nhất” được trao cho chúng ta - một quyển sách mà nhiều người hối tiếc đã không đọc hoặc đọc quá muộn trước khi chết. Giây phút của dịp tĩnh tâm là thời gian cần thiết để ta đọc lại một lần nữa cuộc đời mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Trong chúng ta, không ai xa lạ với bà Chiara Lubich - người sáng lập phong trào Focolare. Bà đã chia sẻ sâu sắc liên quan đến chuyến đi của con người về với Thiên Chúa.[12] Bà đưa ra những câu hỏi cho các độc giả của mình xét mình. Qua đó, xin gợi mở thêm một vài ý hướng giúp ích cho đời sống và sứ vụ mục tử của chúng ta.

Hãy nghĩ xem mình đã thật sự dấn thân vào “chuyến đi” cuộc đời chưa? Chúng ta hãy dừng lại trong giây lát, đọc lại quyển sách đời mình:

1/ Trong đời sống cầu nguyện, chúng ta đã tiến đến đâu trong việc bỏ mình,“tách ra những cái tầm thường và phù phiếm” để tìm cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa?

2/ Trong khi luyện ăn chay, tập khổ chế, chúng ta đã tiến đến đâu trong việc thực thi ý muốn của Thiên Chúa? Chúng ta có ngoan ngùy và can đảm để cho Lời Chúa hướng dẫn mình?

3/ Trong tình bác ái huynh đệ, chúng ta đã tiến đến đâu trên lộ trình hiệp hành? Chúng ta có chia sẻ Tin mừng cho nhau, nâng đỡ nhau và cùng nhau loan báo Tin mừng cho người khác, có cầu nguyện cho anh chị em đang gặp đau khổ trên thế giới?

Nếu có, chúng ta hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục tiến bước; và nếu không, ngay thời gian Mùa Chay này, chúng ta hãy bắt đầu lại và tiến lên.

LM Phêrô Nguyễn Tuấn Anh

[1] Phan Tấn Thành, việc leo núi hàm ngụ sự vất vả (các giáo phụ liên kết ascensio - đi lên với ascesis - khổ chế. http://catechesis.net

[2] Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2023.

[3] Fulton Sheen, Cuộc đời đáng sống, chuyển ngữ Mortfort Phạm Quốc Huyên & Eymard Nguyễn Trọng Tôn (Đồng Nai, 2018) 110.

[4] Raniero Cantalamessa, Đức Kitô của cuộc biến hình, chuyển ngữ Lm.Trần Đình Quảng (Đồng Nai, 2022) 49.

[5] Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2023.

[6] Benoit Valuy S.T., Đời sống linh mục, 3.

[7] Phanxicô, 10 lời khuyên sống 40 ngày mùa chay (22/2/2023).

[8] Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2023.

[9] Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2023.

[10]Ibid.

[11] Phanxicô, Kinh Truyền Tin 12h trưa Chúa Nhật ngày 3/7/2022.

[12] Monfort Phạm Quốc Huyên O.Cist, Cuộc đời là một chuyến đi, 38.

TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT