
Hãy trở nên những trụ cột | Suy Tư Tin Mừng CN Năm C – Lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

CÂU CHUYỆN SUY TƯ
HÃY TRỞ NÊN NHỮNG TRỤ CỘT | SUY TƯ TIN MỪNG CN NĂM C – LỄ KÍNH HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
Mỗi lần bước vào một ngôi nhà thờ cổ kính, ánh mắt tôi thường bị thu hút bởi những cây cột. Khi còn nhỏ, tôi chỉ thấy chúng cao vút, uy nghi và kiên vững. Lớn lên, tôi hiểu thêm: những trụ cột ấy không chỉ mang vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn giữ vai trò “sống còn” – chúng âm thầm gánh lấy toàn bộ sức nặng của mái vòm, nâng đỡ tòa nhà qua biết bao mùa gió mưa. Nếu không có những cột trụ vững chãi, nhà thờ dù đẹp đến đâu cũng không thể vững bền, có thể nhanh chóng nghiêng ngả và sụp đổ.
Và giờ đây, tôi nhận ra: những cây cột còn là một biểu tượng sống động. Chúng gợi nhắc đến sự nâng đỡ âm thầm, kiên vững và bền bỉ – những điều mắt thường khó thấy, nhưng lại giữ vai trò thiết yếu trong việc gìn giữ sự vững chãi và trường tồn của cả một công trình. Đời sống con người cũng cần đến những “cột trụ” như thế: những giá trị sống sâu xa, những điểm tựa thiêng liêng giúp người ta đứng vững giữa sóng gió, và hướng lòng về những điều cao cả hơn. Khi chiêm ngắm các cây cột trong thánh đường – to lớn mà khiêm nhu, mạnh mẽ mà thầm lặng – tôi tự hỏi: đâu là những cột trụ trong đời tôi? Điều gì đang nâng đỡ đời sống của tôi? Và hơn thế nữa: liệu tôi có thể trở thành “cây cột” nào cho người khác – một điểm tựa trong gia đình, trong cộng đoàn, giữa bao chênh vênh của cuộc sống?
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta mừng kính hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô – hai cột trụ nền tảng của Hội Thánh sơ khai. Mỗi vị mang một quá khứ riêng, một cá tính riêng, một hành trình riêng, nhưng đều để cho Thiên Chúa biến đổi và sử dụng theo cách của Người:
Thánh Phê-rô: một người chài lưới đơn sơ, bộc trực, từng yếu đuối đến mức chối Thầy ba lần, nhưng lại được Đức Giê-su chọn làm “đá tảng” để xây dựng Hội Thánh.
Thánh Phao-lô: một học giả lỗi lạc, từng bắt bớ đạo khốc liệt, nhưng sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường Đa-mát, ngài đã được hoàn toàn hoán cải và trở nên vị Tông đồ nhiệt thành giữa dân ngoại.
Cả hai vị đều không khởi đầu với sự hoàn hảo. Nhưng các ngài đã chọn đặt đời mình trên nền tảng Lời Chúa. Và từ những viên đá thô sơ, Thiên Chúa đã mài dũa để các ngài trở thành những cột trụ không thể thay thế của Hội Thánh. Điều gì đã làm nên sức mạnh và chiều sâu nơi hai vị Tông đồ ấy? Bài Tin Mừng hôm nay gợi mở câu trả lời: chính là việc nhận biết căn tính đích thực của mình, và để Lời Chúa trở thành điểm tựa sống động cho cuộc đời.
Khi Đức Giê-su hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?”, các ông đưa ra những câu trả lời theo dư luận: Gio-an Tẩy Giả, Ê-li-a, hay một vị ngôn sứ. Nhưng khi Ngài hỏi trực tiếp: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, thì Phê-rô mạnh mẽ tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Đây là một lời tuyên xưng cao cả, nhưng vào thời điểm ấy, các môn đệ vẫn chưa hiểu trọn ý nghĩa. Họ còn mường tượng về một Đấng Mê-si-a chiến thắng, quyền lực. Họ chưa sẵn sàng đón nhận một Mê-si-a chịu đau khổ, bị đóng đinh và sống lại để cứu độ nhân loại. Phải trải qua biến cố thập giá, phục sinh và được Chúa Thánh Thần soi sáng, các ông mới thực sự hiểu Đức Giê-su là ai – và từ đó, nhận ra căn tính đích thực của chính mình.
Đó cũng là hành trình của mỗi chúng ta hôm nay. Căn tính đích thực không đến từ ánh nhìn của người đời, không hệ tại ở danh vọng, chức vị hay thành công. Nó chỉ được tỏ lộ khi ta dám bước vào thinh lặng, để lắng nghe tiếng Chúa trong chiều sâu tâm hồn. Đức Giê-su không bị lay động bởi những lời khen chê của đám đông. Ngài biết mình là ai – không nhờ dư luận, mà nhờ sống gắn bó với Chúa Cha trong cầu nguyện. Thánh Phao-lô cũng vậy: ngài chỉ thực sự nhận ra con người mình sau cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô trên đường Đa-mát. Kể từ đó, ngài không còn sống cho mình, mà sống cho Đấng đã yêu thương và hiến mạng vì ngài.
Bạn thân mến,
Chúng ta cũng được mời gọi trở thành những “cột trụ” – không phải để nổi bật, nhưng để nâng đỡ. Có thể là một người bạn luôn hiện diện khi người khác cần, một người biết âm thầm khích lệ, hay một người sẵn sàng nắm lấy tay người thân khi họ yếu lòng.
Trong gia đình: là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ hay người con biết cùng nhau chia sẻ gánh nặng, nâng đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, bệnh tật hay khi đức tin lung lay.
Trong giáo xứ: là những người phục vụ bền bỉ, góp phần gìn giữ sự hiệp nhất và làm triển nở đức tin cộng đoàn.
Trong xã hội: là những Ki-tô hữu sống trung thực, sống yêu thương, và can đảm làm chứng cho chân lý và sự thiện.
Chúa không đợi chúng ta trở nên hoàn hảo mới sử dụng chúng ta. Người chỉ cần chúng ta đặt Người làm trung tâm và điểm tựa của đời mình. Từ nền tảng ấy, Người sẽ thanh luyện, nâng đỡ và biến đổi chúng ta, để trở nên những cột trụ âm thầm nhưng vững chắc cho anh chị em xung quanh.
Có thể bạn chỉ là một “cây cột bé nhỏ”, nhưng lại là chỗ dựa lớn cho ai đó đang chao đảo.
Đừng trở thành cột trụ lừng lững để đè người khác, nhưng hãy là cột trụ âm thầm để nâng đỡ người khác.
Đừng là tảng đá chai lì, khô cứng – mà hãy là đá tảng vững vàng, đầy lòng yêu thương.
Bài Tin Mừng hôm nay như một lời mời gọi mỗi người chúng ta dừng lại và tự vấn lòng mình: Điều gì đang nâng đỡ tôi giữa những chông chênh của cuộc sống? Những “cột trụ” nào giúp tôi đứng vững trước sóng gió cuộc đời? Và tôi được mời gọi trở nên điểm tựa thế nào cho những người thân cận đang cần được nâng đỡ? Ngày xưa, Chúa đã dùng Phê-rô để xây dựng Hội Thánh, dùng Phao-lô để mở rộng Hội Thánh đến tận chân trời. Ngày nay, Ngài cũng muốn dùng chính tôi và bạn – mỗi người theo cách riêng, trong hoàn cảnh riêng – để làm nên những “cây cột” khiêm tốn mà vững chắc cho gia đình, cho Giáo hội và cho thế giới đang cần được nâng đỡ.
Nguyện xin đức tin tiếp tục được gieo trồng, âm thầm lớn lên và sinh hoa trái nơi những tâm hồn đang miệt mài tìm kiếm Thiên Chúa. Xin hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô cầu bầu cho chúng con, để giữa bao thay đổi của cuộc sống, chúng con biết trở về với căn tính sâu xa nhất của mình – và từ đó, trở nên những “cột trụ” khiêm nhường nhưng vững vàng, âm thầm nâng đỡ đức tin, tình thương và niềm hy vọng cho những ai đang mỏi mệt, chênh vênh, cần một chỗ dựa để tiếp tục bước đi.
Nguồn: dongten.net