Header

Từ bên lề bước vào trung tâm – Năm Thánh của Người Khuyết Tật trong thời khắc chuyển giao Triều đại Giáo Hoàng

avatarby Huy SV
22/05/2025
23
Roma, tháng 4 năm 2025 – Trong khi cả Giáo hội hoàn vũ vẫn chìm trong bầu khí tĩnh lặng của tang lễ Đức Thánh Cha Phanxicô – người vừa được Chúa gọi về ngày 21/4 – và trong lúc các vị Hồng y đang dần quy tụ về Roma cho mật nghị hồng y, một biến cố tưởng như nhỏ bé lại đang âm thầm làm chứng cho một sứ điệp lớn lao mà chính Đức Phanxicô đã không ngừng lặp lại trong suốt triều đại của mình: không ai bị loại trừ. Sự kiện này không chỉ là một lời khẳng định đầy nhân bản, mà còn là một tuyên xưng thần học sâu sắc: mỗi người, trong sự mỏng giòn và dị biệt của mình, là một chi thể sống động và thiết yếu của Thân Thể Chúa Kitô.

CÂU CHUYỆN SUY TƯ
TỪ BÊN LỀ BƯỚC VÀO TRUNG TÂM – NĂM THÁNH CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG THỜI KHẮC CHUYỂN GIAO TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG

Roma, tháng 4 năm 2025 – Trong khi cả Giáo hội hoàn vũ vẫn chìm trong bầu khí tĩnh lặng của tang lễ Đức Thánh Cha Phanxicô – người vừa được Chúa gọi về ngày 21/4 – và trong lúc các vị Hồng y đang dần quy tụ về Roma cho mật nghị hồng y, một biến cố tưởng như nhỏ bé lại đang âm thầm làm chứng cho một sứ điệp lớn lao mà chính Đức Phanxicô đã không ngừng lặp lại trong suốt triều đại của mình: không ai bị loại trừ. Sự kiện này không chỉ là một lời khẳng định đầy nhân bản, mà còn là một tuyên xưng thần học sâu sắc: mỗi người, trong sự mỏng giòn và dị biệt của mình, là một chi thể sống động và thiết yếu của Thân Thể Chúa Kitô.

Một người khuyết tật không còn là người cần được giúp đỡ nữa. Họ là người phải lên đường, giúp đỡ và truyền giáo cho người khác.”

Cuộc hành hương của những người được đặt làm trung tâm

Ngày Năm Thánh dành cho người khuyết tật, diễn ra vào 28–29/4/2025, đã quy tụ hơn 10.000 người từ hơn 90 quốc gia về Roma. Họ là những người ngồi xe lăn, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động, những người vốn thường bị xếp ở “vị trí bên lề”. Nhưng trong hai ngày ấy, họ ở giữa trung tâm của Giáo Hội. Họ không đến để “xin đặc ân”, mà để trao ban niềm tin, đức cậy, tình yêu, bằng cách riêng của mình, không như cách mà thế giới quen với việc nói trôi chảy và hình thể hoàn hảo vẫn thường nghĩ. 

Ngày hành hương bắt đầu bằng cuộc rước bước qua Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô. Đó là cuộc rước của những chiếc xe lăn lăn trên nền đá cẩm thạch, những tiếng gậy gõ vang, và những ánh mắt hướng lên mái vòm Đền thờ ngập tràn ánh sáng. Vào buổi chiều cùng ngày, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và phụng vụ được dịch sang Ngôn ngữ Ký hiệu Quốc tế, để ai cũng có thể tham dự và không ai bị bỏ lại phía sau. Đức Tổng Giám mục đã nhắc đến phép lạ của Thánh Phêrô và Thánh Gioan chữa lành người bại liệt, không phải để anh ta “trở nên hoàn hảo”, mà để lấy lại phẩm giá và sự sống cách chủ động.

Khác biệt không phải là rào cản, mà là hồng ân

Năm Thánh của người khuyết tật không chỉ là một sự kiện phụng vụ. Đó là lời chứng sống động cho tầm nhìn mục tử của Đức Phanxicô, người đã không ngừng nhấn mạnh rằng người khuyết tật không là ngoại lệ trong đời sống Giáo hội, mà chính là một phần không thể thiếu.

Bà Cristina Gangemi, Thạc sĩ Thần học về Khuyết tật chia sẻ:

“Đức Giáo hoàng Phanxicô xem người khuyết tật là một chi thể bình thường của Giáo hội. Sự tồn tại hằng ngày của người khuyết tật trong Giáo hội là một phần của chúng ta với tư cách là Giáo hội.”

Từ khi phải ngồi xe lăn năm 2022 do đau đầu gối, Đức Phanxicô đã sống chứng tá bằng chính thân xác mình. Không phải vô cớ mà Đức Phanxicô, người đã nhiều lần lên tiếng chống lại “nền văn hoá loại trừ”, lại đặt người khuyết tật vào trung tâm của suy tư thần học về truyền giáo. Đối với ngài, họ không phải là những người bên lề được đưa vào, mà chính là người đang sống ở trung tâm Tin Mừng, nơi mà sự yếu đuối trở nên khí cụ của ơn thánh (x. 2Cr 12,9), trong trung tâm của sứ mạng Giáo Hội. 

Joe Apicella, một người làm mục vụ với người khuyết tật, kể lại kinh nghiệm đồng hành với những người thiểu năng trí tuệ: “Ngài nói với chúng tôi rằng tất cả những người khuyết tật đều có nghĩa vụ trở thành những người truyền giáo, đi ra vùng ngoại biên, truyền giáo cho những người khác. Một người khuyết tật không còn là người cần được giúp đỡ nữa. Họ là người phải lên đường, giúp đỡ và truyền giáo cho người khác.”

Chính trong sự im lặng và biểu cảm ấy, người khuyết tật giúp Giáo hội bước ra khỏi giới hạn của ngôn từ, để trở về với thứ ngôn ngữ thiêng liêng nguyên tuyền của tình yêu và đức tin.

Sáng tạo trong đức tin, tự do trong ân sủng

Trong ngày năm thánh dành cho những người khuyết tật, khi nói về linh đạo của sự yếu đuối, Đức Tổng Giám mục Fisichella đã kể câu chuyện về Erman, một cậu bé khuyết tật sống ở thế kỷ 11, không biết nói, không biết viết, nhưng đã để lại cho Giáo hội bài thánh ca “Salve Regina” – kinh Lạy Nữ Vương. Một cậu bé bị từ chối, nhưng khi được các tu sĩ chăm sóc và yêu thương, lại là người viết nên lời cầu nguyện mà Giáo hội lặp lại qua nhiều thế kỷ. Đây là một lời cầu nguyện đức tin nảy sinh từ một cậu bé khuyết tật, người “đã trải nghiệm được niềm hy vọng đích thực, đức tin và tình yêu đích thực dành cho Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót”. Vì thế, chúng ta không bao giờ được bỏ cuộc, “hãy trở nên sáng tạo hơn, vui tươi hơn, có khả năng truyền tải niềm hy vọng trong lòng các bạn”.

Với bà Cristina Gangemi, “những người thiểu năng trí tuệ sẽ cho thấy họ là những người sáng tạo trong đức tin. Họ sẽ bày tỏ niềm tin vào Chúa qua ngôn ngữ cơ thể trước Thánh Thể, bằng cách diễn tả những ơn của Chúa Thánh Thần sau khi chịu phép Thêm Sức theo những cách thức không phải bằng lời nói, những cách thức chúng ta chưa được học. Đó là những biểu hiện tự nhiên về cách ân sủng của Chúa đã chạm đến cuộc đời họ.”

Giáo hội không chỉ dạy người khuyết tật về đức tin, Giáo hội cần học từ họ một thứ thần học vô ngôn mà đầy sức sống – thứ thần học xuất phát từ cái nhìn, từ bàn tay run rẩy chạm vào Thánh Thể, từ sự hiện diện không hề giảng dạy nhưng lại đánh động tâm hồn. Và chính khi ấy, Giáo Hội học cách lắng nghe. Theo Đức Giám mục Paul Hendricks, TGP Southwark: “Trong tư cách là những linh mục, chúng ta thường có xu hướng đứng trên bục giảng và thích thuyết giảng cho mọi người. Nhưng điều quan trọng là thực sự lắng nghe.”

Không đứng ngoài lề Năm Thánh

Ngày Năm Thánh dành cho người khuyết tật có thể bị lãng quên giữa những dòng tin nóng bỏng về mật nghị và giáo hoàng mới. Nhưng nơi đó, chúng ta thấy tinh thần Phanxicô vẫn sống động: một Giáo hội đi ra, một Giáo hội bị thương tích, một Giáo hội học cách lắng nghe những tiếng nói yếu ớt nhất nơi Thân Thể mình.

Khi những người khuyết tật bước qua Cửa Thánh, họ mở ra cho Giáo hội một cánh cửa khác – cánh cửa dẫn đến trung tâm của Tin Mừng, nơi không ai bị loại trừ, nơi không cần phải hoàn hảo mới được yêu thương, và nơi sự yếu đuối không bị giấu đi, mà được nâng lên như nguồn mạch của đức tin, hy vọng và tình yêu.

Và chính họ, trong hai ngày thánh thiêng ấy, đã đứng giữa quảng trường, giữa đền thờ, giữa lòng Hội Thánh mà nói bằng tất cả sự hiện diện của mình: Chúng tôi có mặt ở đây. Không phải “mặc dù” chúng tôi khác biệt – mà là “chính vì” chúng tôi khác biệt.

Trần Đỉnh, S.J. & Lê Minh

Nguồn: dongten.net

CHIA SẺ BÀI VIẾT