Header

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm B (Ga 20,19-31) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
06/04/2024
610
Những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín vì sợ người Do thái: Từ khi có biến cố ngôi mộ trống vào ngày thứ nhất trong tuần, dân chúng thì xôn xao, nhà cầm quyền thì điên đầu vì khó xử, các môn đệ nửa tin nửa ngờ, quy tụ nhau để bàn bạc, cầu nguyện, nhưng vì có tiếng đồn là các môn đệ đã lấy trộm xác Chúa nên các ngài sợ bị theo dõi vì thế đã đóng kín hết các cửa của phòng họp...
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM B
TIN MỪNG: Ga 20,19-31

Noel Quesson - Chú Giải

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở... Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà đó...

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai lần Đức Giêsu Phục sinh "hiện ra" cách nhau tám ngày. Tự nhiên chúng ta dễ để tâm chú ý đến lần hiện ra thứ hai với "Tô-ma" hơn, vì ta thường đồng hóa với ông, khi trên thực tế ta cũng thấy nơi mình một "kẻ hồ nghi", một “kẻ cứng lòng tin"…và có thể gặp được nơi ông một thứ biện minh cho thái độ thiếu đức tin của ta.

Nhưng dù có thông đồng với Tôma, ta cũng không thể bỏ qua việc đọc trọn vẹn bản văn trên.

Trước tiên, ta cần lưu ý, Đức Giêsu hằng sống thường hiện ra vào Chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần, đó có phải là điều ngẫu nhiên không? Ta quá biết rõ, thời đó các Kitô hữu tiên khởi đâu có ngày nào cũng họp nhau lại. Hằng ngày mỗi người đều phải lo sinh kế. Họ không thể luôn sống bên nhau. Vì thế, Đức Giêsu Phục sinh chỉ hiện “đến" trong khung cảnh buổi họp mặt hằng tuần của họ. Chúng ta có thể nhầm lẫn khi coi đức tin như một vấn đề hoàn toàn "riêng tư" hay "cá nhân": ta thấy rằng sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh đặc biệt được nhận biết, thấu cảm, và xác nghiện trong khuôn khổ một cuộc gặp gỡ tập thể. Họ cùng hiện diện với nhau, tập họp chung. . . "trong Giáo Hội".

Các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông...

Vào lúc thánh Gioan viết những dòng trên. Giáo hội đang gặp sợ hãi và bách hại. Các môn đệ Đức Giêsu đã có thói quen tụ họp này tại nhà ông này, mai tại nhà ông khác Họ đón tiếp nhau… Họ kiểm tra lẫn nhau: có những người rút lui, có những kẻ bồ đức tin, bỏ nhóm... Họ đâm hoảng sợ. Họ đóng kín cửa. Nhưng giờ đây mỗi Chúa nhật như "Chúa nhật đầu tiên" này, "dấu chỉ" bữa tiệc ly lại được cử hành và một cách huyền nhiệm, Đức Giêsu lại lướt qua những kẻ thuộc về Người, trong "nơi mà họ hiện diện" tại Ê-phê-xô, Cô-rin-tô, Giêrusalem, Rôma. Đúng vậy mỗi Chúa nhật là ngày Phục sinh! Chúa vẫn luôn hiện diện giữa cuộc sống chúng con. Chính Chúa làm cho chúng con sống động, dù không thấy Chúa nhưng chúng con vẫn tin.

Lạy Chúa, ngày nay chúng con cũng dễ khóa chặt cửa lại vì sợ hãi, khi Thánh Thần Chúa thổi đến, xin cho những bức tường vây hãm chúng con sụp đổ, để chúng con trở lại thời ca vang: Nào ta hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô Phục sinh.

Trước khi đi xa hơn trong việc suy niệm đoạn tin Mừng trên, chúng ta tự hỏi Đức Giêsu muốn giải thoát để phục sinh chúng ta khỏi những tình trạng nào? Khỏi tình trạng bí bứt không lối thoát, khỏi tình trạng sợ hãi, đóng cửa cài then, khỏi tình trạng "nguy tử" cho mình? Đó có thể là tội lỗi, thử thách về sức khỏe, đau đến và thất vọng, khó khăn thuộc phạm vi gia đình, nghề nghiệp. . . Đó là “Nơi các môn đệ đang hiện diện: đóng cửa cài then!”

Người nói với các ông: "Chúc anh em được bình an". Thế rồi, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Chúc anh em được bình an!".

Niềm vui Phục sinh, niềm vui Kitô hữu, trước hết không phải là niềm vui dễ dàng, niềm vui tự phát. . . nghĩa là niềm vui tự nhiên làm ta thấy phấn khởi khi mọi sự đều ổn thỏa, tình trạng sức khỏe khả quan, "tuổi trẻ" vẫn tràn đầy sinh lực, công việc đều thành công, tương quan bạn hữu và gia đình luôn thoải mái… Nhưng niềm vui Phục sinh là niềm vui đến "sau' sự sợ hãi! Đó là niềm vui và sự bình an khơi dậy từ một tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng (từ cái chết của một kẻ bị đóng đinh) mà từ đó trở đi không có gì để cướp đi khỏi họ niềm vui này : đó là niềm vui và sự bình an phát xuất từ "lòng tin" vào Đức Giêsu. Cũng như ngày thứ nhất trong tuần đó, mỗi buổi họp mặt Chúa nhật, Đức Giêsu đều chúc bình an cho ta, qua tiếng nói của Linh mục: "Bình an của Chúa ở cùng anh chị em" và Công đồng Vatican II đã tái lập truyền thống xưa "hôn chúc bình an" : các Kitô hữu được mời gọi trao bình an cho nhau, nhân danh Đức Kitô : bắt tay nhau, ôm

hôn, mỉm cười với nhau và chào chúc: "Bình an Đức Kitô. Đó không phải là cử chỉ tầm thường, nhưng là "trở nên Đức Kitô" đối với người gần cận của mình… "khi nhiều người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy hiện diện ở đó giữa họ"

Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em.

Đó! Chúng ta đâu có thể tưởng tượng được một lời nói như vậy! Thế mà chính Đức Giêsu lập lại cho ta. Tôi là một con người đâu có ra gì, thế mà lại trở nên Đức Giêsu, được sai gởi đến với anh em tôi... y như Người đã được “Chúa Cha" sai gửi đến trần gian. Chúng ta đừng lướt qua nhanh những lời trên. Cũng đừng vội vàng gán cho Tôma là kẻ cứng lòng tin. Hãy dừng lại nơi những lời nói trên đây của Đức Giêsu. Ta hãy hiểu biết trách nhiệm trọng đại mà Người trao phó cho ta: "sứ vụ” của Đức Kitô được trao phó cho Giáo Hội và một phần cho tôi. Tôi được Đức Giêsu “sai đi"... như Đức Giêsu được Chúa Cha "sai đến". Một lần nữa tôi phải tìm hiểu ý nghĩa của hai từ trên: "sứ vụ” có nghĩa là "sự sai đi" (bởi tiếng La tinh là "missus") và "tông đồ” có nghĩa là "kẻ được sai đi" (bởi tiếng Hy Lạp là "apostolos). Khi tôi gặp một người nào trong công việc làm ăn, trong môi trường sống của tôi, thì không phải chỉ nhân danh cá nhân, hay vì lợi ích riêng của tôi, mà chính vì tôi được Đức Kitô sai đến? Tôi phải truyền thông cho bạn một sứ điệp của Đức Giêsu: chính Người nói với bạn những gì tôi sẽ nói với bạn . . . Người luôn "sống động" trong tôi . . . Tôi là “miệng lưỡi" của Người, là "thân thể" Người, kề cạnh bạn, để thông tỏ cho bạn tình yêu của Chúa Cha.

Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần".

Đó là việc ban Thánh Thần, một cuộc "tạo thành mới": Thần Khí của Đức Giêsu được thông truyền cho các môn đệ. Đức Giêsu đã chết "đã tiến về gặp gỡ Chúa Cha" các Kitô hữu tiếp tục công trình của Người. Họ sẽ mang hơi thở sống động của Người, mang Thần Khí Người... Họ sẽ tiếp tục thể hiện những việc làm của Người. Sau này thánh Phaolô sẽ nói: "Anh em là thân hình Đức Ki tô… Anh em là Đền thờ của Thánh Thần… " còn thánh Gioan cho ta biết, Đức Giêsu lập lại cử chỉ của Thiên Chúa Đấng tạo thành trong sách Sáng thế (St 2,7): "Ven Creator Spứitus ... Lạy Thánh linh tạo dựng, xin hãy đến!".

Đối với Gioan, việc Thánh Thần ngự đến đã xảy ra vào chiều ngày Phục sinh: hoạt động cốt thiết của Đức Giêsu sau khi chiến thắng tử thần, là thông ban "Thánh Thần, Đấng đã Phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết" (Rm 8,11). Trong kinh Tin kính đó là điều cốt yếu ta kháng định về Thánh Thần: "Người là Đức Chúa, và là Đấng ban sự sống". Thần Khí được trao ban cho các môn đệ ngay buổi chiều ngày Phục Sinh, sẽ hiện lộ ngời sáng trên công trường năm mươi ngày sau đó, vào ngày lễ Ngũ tuần. Đó là thần khí của Thiên Chúa vừa mới thành công rực rỡ, ta dám nói như thế - khi giật Đức Giêsu ra khỏi quyền lực tử thần, và mạc khải Ngài như con Thiên Chúa, nhờ cuộc Phục sinh. "Xét như Đấng đã được Thần Khí thánh hóa, Người đã được đặt làm con Thiên Chúa với tất cả quyền năng, do việc Người từ cõi chết sống lại" (Rm 1,4).

Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.

'Thắt buộc" và "tháo cỏ "... "tha giải. và "cầm giữ". Kiểu nói này là một hình thức văn phạm của tiếng A-ra-mên: theo đó, người ta dùng hai từ nghịch nghĩa nhau để xác nhận một thực tại cách mạnh mẽ hơn, và để nhấn mạnh tới từ mang tính "tích cực" . Như thể, khi trao ban cho các môn đệ Thần Khí Ngài, Đức Giêsu cũng thông nho họ quyền tháo gỡ con người khỏi sự ác: kể từ đó, ngay tại trần gian, các ông trở nên những kẻ mang" tình xót thương của Thiên Chúa cho mọi người . . . cũng như Đức Giêsu đã trở nên hiện thân của tình thương đó! "Như Chúa Cha đã sai Thầy thì bây giờ Thầy cũng sai anh em". Người Kitô hữu cũng được trao ban cho chính sứ vụ mà Đức Giêsu đã tuyên bố là của Người, trong Hội đường Na-da-rét, vào lúc khởi đầu tác vụ: "Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố một năm hồng ân của Chúa, trả lại tự do cho người bị áp bức..." (Lc, 4,18-19). Tôi có mang thần khí đó, Thần khí giải phóng, Thần khí ban sự sống, Thần khí yêu mến và tha thứ nhân danh Đức Giêsu không? Tha thứ là một ân huệ Phục sinh.

Một người trong nhóm Mười Hai, nên là Tô-ma, không có mặt khi Đức Giêsu đến...ông nói: "Nếu tôi không thấy... tôi chẳng có tin".

Đó là "con người chậm trễ". Sau buổi lễ gặp mặt, ông mới tới. Trong Tin Mừng, Tôma luôn là người chỉ tin vào lương tri của mình, là người thiết thực nên nghi ngại cả thái độ liều lĩnh của Đức Giêsu: "Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu ? (Ga. 14,15). Khi Đức Giêsu nói đến sự phục sinh cho La-da-rô, thì Tô-ma chỉ thấy trước mắt cái chết (Ga 11,15-16).

Tám ngày sau... Đức Giêsu lại đến và nói: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy Đừng cứng lòng tin nữa".

Một tuần. Tôi thấy như Đức Giêsu đang mỉm cười hóm hỉnh trao đổi với Tô-ma. Người có vẻ đang nói với ông: "Này anh bạn, bạn tưởng tôi đã chết và khuất mặt, khi bạn bày tỏ thái độ không tin... Nhưng tôi vẫn hiện diện lúc đó, cách vô hình, chứng kiến các bạn nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, lúc đó tôi không tỏ mình ra với các bạn". Đó là thái độ kiên nhẫn của Thiên Chúa. Người đã chọn thời gian của Người.

Ong Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”

Đó là tiếng kêu diễn từ một lòng tin của con người đã đòi "chạm, thấy". Ong đã hiểu được Đức Giêsu cho dù không hiện hình, vẫn có đó! Người hiện diện cả vào giờ phút ông nghi ngờ.

Vì thấy Thầy, nên anh đã tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.

Đó là mối phúc, mối phúc cuối cùng. Nhưng thực tại cao siêu nhất của Thiên Chúa không thể tự mình thấy được. Chỉ có “đức tin" dẫn đưa chúng ta tiến sâu vào những thực tại đó. Và đó chính là hạnh phúc đích thực!

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến"

BÀI TIN MỪNG: Ga 20. 19 - 31 

1. Ý CHÍNH:

Bài tin mừng này, Gioan kể lại hai lần Chúa hiện ra với các Tông đồ cách nhau một tuần.

Một lần hiện ra ngay chính buổi chiều ngày Chúa sống lại khi không có mặt Tôma. Và lần sau có mặt Tôma. Mục đích Chúa hiện ra là làm cho các Tông đồ tin rằng NGÀI ĐÃ SỐNG LẠI THẬT.

2. SUY NIỆM:

1/ " Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần ":

Theo người Do thái, ngày thứ bảy là ngày cuối tuần và là ngày lễ nghỉ, ngày thứ nhất trong tuần tức là ngày Chúa nhật bây giờ và là ngày Chúa sống lại. Thời Tân ước, Giáo Hội lấy ngày thứ nhất trong tuần tức là ngày Chúa nhật, ngày lễ nghỉ, ngày Chúa phục sinh.

+ Những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín vì sợ người Do thái: Từ khi có biến cố ngôi mộ trống vào ngày thứ nhất trong tuần, dân chúng thì xôn xao, nhà cầm quyền thì điên đầu vì khó xử, các môn đệ nửa tin nửa ngờ, quy tụ nhau để bàn bạc, cầu nguyện, nhưng vì có tiếng đồn là các môn đệ đã lấy trộm xác Chúa nên các ngài sợ bị theo dõi vì thế đã đóng kín hết các cửa của phòng họp.

2/ "Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói”:

* Việc Chúa Giêsu hiện đến trong phòng đóng cửa kín cho thấy thân xác phục sinh của Chúa không còn bị giới hạn bởi không gian nữa.

* Việc Chúa hiện đến đứng giữa các ông và nói: nêu lên ý nghĩa Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết thì bây giờ đã sống lại thật.

3/ " Bình an cho các con”:

Lời này được Chúa Giêsu nói sau khi Người phục sinh có ý diễn tả:

+ Ơn tha thứ cho các môn đệ: vì biến cố thương khó tử nạn đã làm cho các tông đồ sợ và đã bất trung với Thầy mình.

+ Ơn giao hoà giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau: vì Chúa Giêsu chịu chết đã chuộc tội cho nhân loại và Chúa Giêsu phục sinh đem lại sự sống cho nhân loại.

+ Ơn phúc lành: sự hiện diện của Chúa phục sinh là một phúc lành vì Người là sự bình an cho những ai đón nhận Người. Các tông đồ đã tin nhận Chúa phục sinh đem lại an bình, can đảm và dấn thân trong sứ mệnh truyền giáo.

4/ " Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người ":

Việc cho xem các vết thương này có mục đích cho thấy có sự liên tục giữa thân xác Chúa đã chịu khổ nạn và thân xác Chúa đã phục sinh là một.

5/ " Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con ":

Việc Chúa Giêsu xác định về giá trị của ơn gọi để làm phấn khởi các môn đệ:

+ Việc sai các môn đệ đi vào thế gian sau phục sinh chứng tỏ biến cố phục sinh là nền tảng ơn gọi và sứ mạng của các môn đệ.

+ Ơn gọi các môn đệ rập theo khuôn mẫu ơn gọi của Chúa Giêsu.

+ Trong bài Tin Mừng này không thấy Gioan nói tới sứ mạng phổ quát của các môn đệ là đi giảng dạy muôn dân, có lẽ vì điều này đã được các Tin Mừng nhất lãm nói trước rồi (Mt 28, 19; Lc 24, 47; Mc 16, 25).

6/ " Nói thế rồi, Người thổi hơi...:

Tác động này tương tự việc tạo dựng con người (St 2, 7) và cho thấy ở đây cũng có thể kể như một cuộc tạo dựng mới, đó là cuộc tạo dựng trong Thánh Thần.

7/ " Các con hãy nhận lấy Thánh Thần":

+ Chúa Thánh Thần như đã được hứa trong bài diễn văn sau bữa tiệc ly (Ga 10, 16 - 26; 16, 7-13) chỉ được ban đầy đủ vào lễ Ngũ tuần (Cv 2,2-12). Còn ở đây (Ga 20, 22) chỉ là nhận một phần đầu tiên của ơn Chúa Thánh Thần để cho các tông đồ có thể lãnh quyền tha tội, vì tuy có nhiều đặc ân khác nhau nhưng chỉ có một Chúa Thánh Thần (1Cr 12, 4).

+ Các con tha tội ... các con cầm tội ai ...: Chúa thiết lập Bí tích Giải tội bằng cách ban quyền giải tội cho các môn đệ. Quyền này được tiếp tục trong Giáo Hội.

8/ " Có ông Tôma gọi là Dyđimô không cùng ở với các ông":

+ Tô ma biệt hiệu là Dyđimô (con sinh đôi) vốn là người có tính thẳng thắn, rõ ràng và thực tiễn:

+ Khi Chúa nói với các môn đệ rằng: Con đường Thầy đi sau này các con cũng sẽ đi, Tôma liền thưa: nhưng chúng con không biết Thầy đi đâu, thì làm sao biết được đường lối của Thầy ( Ga 14, 5 ) .

Khi Thấy Chúa Giêsu dứt khoát muốn lên Giêrusalem bất chấp nguy hiểm thì Tôma lại bảo anh em: Nào cả chúng ta nữa, hãy lên Giêrusalem để chịu chết với Người.

+ Tôma vẫn giữ tính đó khi nghe nói Chúa sống lại, Tô mà đã không căn cứ vào sự kiện mồ trống, những bài Thánh Kinh, nhất là lời Chúa Giêsu nói trước về sự sống lại, ngay cả việc Chúa đã hiện ra với các môn đệ khác vào chiều thứ trong tuần. Nhưng Tôma đòi những điều kiện khả giác chắc chắn là nhìn thấy vết đinh, thọc ngón tay vào lỗ đinh ...

9/ " Tám ngày sau, các môn đệ họp nhau trong nhà, có Tôma ở với các ông:

Đây là lần thứ hai Chúa hiện ra với các tông đồ trong cùng một quang cảnh như lần trước, nhưng lần này có cả Tôma và Tôma như là một các cớ để Chúa hiện ra lần này.

Việc Chúa hiện ra ở đây nói lên rằng: Người kiên nhẫn và hiền lành chấp những điều kiện Tôma đưa ra. Nhưng khi Chúa hiện ra, ta không thấy Tin Mừng nói Tôma có sỏ ngón tay và bàn tay như ông đã đòi hỏi hay không. Nhưng ta hiểu Tôma đã không kiểm nghiệm như ông đã đòi hỏi. Chỉ nguyên việc gặp gỡ và nghe Lời Chúa đã đủ để đánh động con người ông.

10/ " Chờ cứng lòng nhưng hãy tin ":

Diễn tả kiểu nói không được tiếp tục công việc đang làm tức là hãy đừng cứng lòng, nhưng hãy tin. Sự hiện diện của Chúa như một mệnh lệnh bảo Tôma đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin vào Người.

11/ " Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!" :

Đây là lời tuyên xưng của Tôma, Tôma là môn đệ cuối cùng tin Chúa sống lại, nhưng lại là người đầu tiên tuyên xưng Chúa cách đầy đủ nhất: lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi !

+ Tôma thường bị mang tiếng là cứng lòng tin. Nhưng các môn đệ khác ở vào trường hợp ông cũng không hơn gì. Đàng khác, qua lời tuyên xưng, ta thấy Tôma có yếu kém phần nào về đức tin việc Chúa sống lại, thì Tôma lại đáng khen khi qua đó ông tuyên xưng Người là Thiên Chúa. Bản tính Thiên Chúa thì Tô ma đã không trông thấy nhưng ông đã tin.

12/ " Phúc cho những ai đã không trông thấy mà tin ":

+ Cái " Phúc " này đã được áp dụng suốt bộ Cựu ước cho những kẻ tin vào Thiên Chúa và vào sự hiện diện của Người trong đời họ.

+ Với Chúa Kitô, mối phúc này mang ý nghĩa: chính trong người Đấng đã phục sinh, có sự hiện diện của Thiên Chúa . Phúc cho những ai tin nhận Người.

Vì vậy, mối phúc này nhắm đến tất cả những ai đã hay sẽ tin, bắt đầu từ chính các môn đệ, tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa.

13/ " Để anh em tin ":

Cũng mang nghĩa "Anh em tiếp tục tin", vì ở đây nói với những người đã có đức tin. Vì vậy, nói lời này thánh Gioan muốn củng cố các tín hữu trong đức tin.

III. ÁP DỤNG:

A/ Áp dụng theo Tin Mừng:

Giáo Hội dùng bài Tin Mừng này của thánh Gioan để mời gọi chúng ta suy nghĩ về đức tin.

1/ Việc Chúa Giêsu hiện ra hai lần với nhóm mười một tông đồ là để củng cố niềm tin cho các ông. Giáo Hội cũng muốn chúng ta suy niệm bài Tin Mừng này để xác tín vào việc Chúa Giêsu phục sinh hầu giúp cho ta phấn khởi sống theo niềm tin ấy mà hy vọng vào sự phục sinh của mình ngày sau.

2/ Biến cố phục sinh là nền tảng ơn gọi và sứ mệnh của các tông đồ. chúng ta chỉ có thể làm tông đồ cho Chúa khi chúng ta xác tín vào Thiên Chúa.

Chúng ta chỉ có thể hướng dẫn người ta về sự sống đời sau khi chúng ta xác tín và sống hướng về sự sống đời sau.

3/ Đức tin là nguồn hạnh phúc đích thực của con người vì " Phúc cho những ai không thấy mà tin" và "để anh em tin mà được sống nhờ danh Người".

B/ Áp dụng thực hành:

1  Nhìn vào Chúa Giêsu:

a/ Chúa Giêsu đã sống lại như lời Người đã hứa: chúng ta thường hứa điều này, dốc quyết điều kia, nhưng chúng ta có dùng ý chí để thực hiện điều mình hứa hay dốc quyết không?

b/ Chúa Giêsu hiện đến và ban bình an cho các ông: chúng ta là người thuộc về Chúa Kitô, khi hiện diện ở đâu với ai ... thì cũng tạo nên sự bình an vui vẻ, hoà thuận hiệp nhất ... ở đó.

c/ Chúa Giêsu đã kiên nhẫn và nhân từ đối với sự cứng lòng của Tôma: chúng ta có đủ kiên nhẫn và quảng đại, dịu hiền đối với những người có thái độ cứng cỏi đối với chúng ta không?

d/ Nhìn vào Tôma: những gì ông không thể hiểu, không thể đo lường, sờ chạm đến, đều bị ông từ chối. Thật là nhà duy vật chủ nghĩa hạng nặng.

Phải chăng Tô ma thứ hai chính là tôi: nhưng "Phúc cho kẻ không thấy mà tin".

+ Tô ma sau khi đã được cảm nghiệm về Chúa phục sinh, ông đã tin, một niềm tin đầy đủ nhất "Lạy Chúa tôi". Chúng ta chỉ được vững mạnh về đức tin khi chúng ta có cảm nghiệm về niềm tin đó. Chúng ta tin vào tình thương Chúa khi chúng ta có cảm nghiệm bằng cách đón nhận tình thương của Chúa trong cuộc sống của mình qua đời sống cầu nguyện, thực hành lời Chúa và siêng năng lãnh nhận các Bí tích.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT