Header

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm B (Ga 20,19-23) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
18/05/2024
3.1K
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chiều tối ngày Phục sinh, ngay sau khi Đức Giêsu sống lại, các môn đệ đã được ban Chúa Thánh Thần và Hội Thánh phát sinh từ hơi thở của Đức Giêsu. Trong bài tường thuật này, so với bài của Thánh Luca trong Công vụ Tông Đồ, hình như Đức Giêsu chiếm chỗ quan trọng hơn Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan đã thường cho chúng ta thấy màu sắc thần học dưới hình thức những biểu tượng Kinh Thánh trong Tin Mừng của Người.
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM B
TIN MỪNG: Ga 20,19-23

Noel Quesson - Chú Giải

Chiều tối ngày thứ nhất trong tuần …

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chiều tối ngày Phục sinh, ngay sau khi Đức Giêsu sống lại, các môn đệ đã được ban Chúa Thánh Thần và Hội Thánh phát sinh từ hơi thở của Đức Giêsu. Trong bài tường thuật này, so với bài của Thánh Luca trong Công vụ Tông Đồ, hình như Đức Giêsu chiếm chỗ quan trọng hơn Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan đã thường cho chúng ta thấy màu sắc thần học dưới hình thức những biểu tượng Kinh Thánh trong Tin Mừng của Người.

“Ngày đầu tuần”. Một thế giới bắt đầu, một tạo dựng mới. Đây là một sáng thế ký mới.Chúa đã “nắm đưỡc con người trong tay”, và nhồi nắn lại con người với một thứ đất sét mới.

Và từ ngày đó, các Kitô hữu đã luôn luôn tập họp lại, từ “ngày thứ nhất trong tuần” này đến “ngày thứ nhất trong tuần” kia, nghĩa là từ Chúa nhật này đến Chúa nhật khác. Hội Thánh được hình thành từ những cuộc tập họp như thế trong suốt thời gian và ngày nay vẫn còn tiếp tục. Cũng cần phải có những buổi họp mặt Chúa nhật để hình thành một Kitô hữu, dần dần theo tiến độ những lần Đức Giêsu “hiện đến”. Chúng ta đã xa rời sự bắt buộc phải xem lễ ngày Chúa nhật với vẻ pháp lý của nó: Bây giờ, việc xem lễ là một điều cần thiết cho cuộc sống “Chúng bị bắt buộc phải thở, để lấy hơi lại”. Và không phải chỉ một năm một lần mà thôi.

Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ…

Sự sợ hãi! Thế giới chúng ta luôn luôn ở trong sự sợ hãi. Nguy cơ về nguyên tử, đó là mối lo sợ!

Trước khi đi xa hơn trong việc cầu nguyện, tôi cần phải nhìn thẳng vào trong chính cuộc đời của tôi xem tôi sợ những gì? Nơi Chúa “hiện ra vào ngày Phục sinh”, là nơi các môn đệ đã tự khoá cửa lại, để tự bảo vệ, nơi các ông sợ hãi. “Nơi Chúa Thánh Thần có thể hiện ra trong đời tôi, đó chính là vết thương nội tâm của tôi, chỗ yếu nhược của tôi, nơi tôi có thể bị nguy hiểm hay đau khổ.

Tình trạng “khóa chặt cửa” của tôi như thế nào?

Những hoàn cảnh, tội lỗi, lo âu nào đang giam giữ tôi?

Thánh Phao lô đã có ý thức thực tại này như là một cái chết: “Cái chết đang tác động trong chúng ta. Nhưng chúng ta không mất can đảm, vì trong chúng ta, dù là con người bên ngoài đang đi đến sự hư mất, con người bên trong vẫn mỗi ngày một đổi mới – Những nguy nan chóng qua của ta thật nhẹ nhàng so với sự cao quý khôn lường của vinh quang đời đời mà Chúa chuẩn bị cho ta” (2 Cr 4,12-16-17).

Đức Giêsu đến đứng giữa các ông.

Không phải ngẫu nhiên mà Thánh Gioan đã liên kết việc Đức Giêsu Phục sinh với việc ban Chúa Thánh Thần. Trong kinh tin kính chúng ta khẳng định rằng: Chúa Thánh Thần là “Chúa, Đấng ban sự sống”. Ơn ban sự sống này, chính Đức Giêsu đã được nhận trước tiên, khi giải thoát Đức Giêsu khỏi quyền lực của sự chết, Chúa Thánh Thần đã làm được một kỳ công lớn lao.

Nơi chúng ta là tạo vật hữu hạn, không phải là Chúa “tinh thần” và “thể xác” luôn được liên kết, lúc thịnh cũng như lúc suy. Nhưng dù tinh thần của chúng ta có mạnh đến đâu, nó cũng sẽ bị một thất bại cuối cùng, nó không thể giữ lại thân xác của nó: “Con người” có nghĩa là “hay chết”. Nhưng đứng trước vũ trụ được tạo dựng và hay chết này, Đức Kitô chẳng những có khả năng giới hạn của trí khôn nơi con người mà còn có những khả năng vô hạn của Thiên Chúa.

Nơi Đức Kitô có một thần trí thức hơn hẳn trí khôn con người thường bị cái chết khống chế – Đức Kitô có được quyền năng Chúa Thánh Thần, là đấng ban sự sống.

Đức Giêsu phá vỡ mọi rào cản. Việc người đột nhiên xuất hiện với các môn đệ đang ở trong phòng đóng kín có nghĩa là Người không bị một trở ngại nào ngăn cản không cho đến “ngự giữa các môn đệ của Người”.

Sáng hôm đó, Người đã nhận được một “hơi thơ” mới, làm Người trở nên một “thân thể linh thiêng”, một thân thể sinh động do sự sống của Chúa Thánh Thần (1 Cr 15,44). Trước khi trực tiếp ban hơi thở đó cho các bạn hữu mình Đức Giêsu “được Phục sinh và tôn vinh nhờ quyền năng Thiên Chúa, Cha Ngài, đã nhận từ Chúa Thánh Thần”( Cv 2,23). Chính Thánh Phêrô nói lên mạc khải lạ lùng này trong ngày Lễ Hiện Xuống – Vâng, sự Phục sinh là công trình của Chúa Thánh Thần.

Người đưa cho các ông xem tay và cạnh sườn …

Bạn đang tìm nơi Đức Giêsu xuất hiện vào ngày Phục sinh chăng? Bạn thấy khó nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần chăng?

Vậy thì bạn hãy cố tìm ra những vết sẹo, những vết thương trong tim bạn, trong cuộc đời bạn, cũng như trong thế gian và trong Giáo Hội.

“Chúc anh em được bình an”. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa … Từ sợ hãi đến vui mừng, nhờ sự bình an…”

“Như Chúa đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”.

Các ông đã tự “ở trong nhà đóng kín”, bây giờ các ông “được sai đi”.

Việc phái các ông đi thi hành nhiệm vụ không hẳn được coi dưới góc độ của một tổ chức nào đó. Đây không phải là một bảng quảng cáo được dựng lên. Đức Giêsu cũng không nhắm đến những công cụ thực tiễn mà Giáo Hội sẽ tìm ra được để truyền giáo. “ Chỉ có một điều quan trọng đối với Người: Nguồn gốc của sứ mạng này. Đó là “mối liên hệ mật thiết kết hợp Đức Giêsu với Chúa Cha”. Nói cho cùng, chỉ một sứ mạng: Sứ mạng của Chúa Cha, cũng là sứ mạng của Chúa Giêsu, và trở thành sứ mạng của Giáo Hội.

Nói xong Người thổi hơi vào các ông …

Ở đây Thánh Gioan dùng ngôn ngữ của Thánh kinh, ám chỉ đặc biệt đến hai đoạn văn nổi tiếng:

Sự tạo dựng lúc đầu: “Chúa thổi vào mũi (của Adong) hơi thở sự sống”(St 2,7).

Sự tạo dựng sau cùng: “Hãy thổi lên đống xương khô này và chúng sẽ sống lại”(Ed 37,9).

Đã có một sự tạo dựng trong quá khứ, sự phát sinh sự sống vào lúc khởi đầu thời gian…, và sẽ có một sự tạo dựng trong tương lai, sự sống lại cuối cùng, vào ngày kết thúc. Nhưng cũng có một sự tạo dựng luôn luôn hiện thực: “Hơi thở” của Chúa vẫn đang tác động. “Tôi tin Chúa Thánh Thần là đấng ban sự sống”.

Hơi thở sự sống! Các bạn không nhận thấy sự tài tình khi mô tả sự hiện diện của Thiên Chúa và hoạt động của Người trong thế giới bằng việc thông thường và căn bản nhất là “thở” sao?. tất cả những sinh vật đến những giã thú to lớn, tất cả đều thở bằng khí Oxi, được ban cho chúng ta trên hành tinh này …, và chính tôi cũng đang thở hơi thở của những sinh vật. Đây là một hình ảnh cản kích của Thiên Chúa duy nhất. Đấng làm cho chúng ta sống! Với Nicôđêmô, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh đơn giản này: “Gió thổi đến nơi nào nó muốn và làm cho người ta sống” (Ga 3,6-8 ).

Anh em hãy lãnh nhận…

Tôi cầu nguyện với những lời này. Tâm thức con người ngày nay không thích “nhận lãnh”. Người ta khước từ, không muốn lệ thuộc kẻ khác. Đó là điều tội lỗi nhất: cao vọng được như “thần thánh”. Nhưng điều đó không thuộc quyền con người. Dù muốn dù không con người vẫn phải lệ thuộc và hoàn toàn lệ thuộc: Để sống con người phải nhận sự sống … Tôi nhận sự giúp đỡ của cha mẹ tôi, tôi nhận sự sống từ không khí tôi thở. Tôi tùy thuộc hàng ngàn sự vật, hàng ngàn con người, hàng vô vàn điều kiện khác.

“Các anh em hãy nhận lãnh Chúa Thánh Thần”. Chúng ta phải nhận lấy “Chúa Thánh Thần”. Lạy Chúa xin cho chúng con biết đón nhận những ân huệ Chúa trao ban.

Chúa Thánh Thần.

Nhân loại phải đón nhận mối thông hiệp Thần Khí giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nhiều nhưng chỉ một. Như thế, chúng ta nhận ra rằng, trong sứ vụ của Giáo hội, không chỉ có Chúa Cha và Chúa Con mà Chúa Cha sai đến, mà là mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Theo Công đồng Vatican II, Giáo Hội là sự quảng diễn cho con người nhận biết cộng đồng tình yêu liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa

Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.

Vai trò và nhiệm vụ của Giáo Hội là loan báo sự tha thứ và ơn cứu rỗi. Sự tiến triển trong trang Tin mừng này của Thánh Gioan thật là cảm kích.

Một cộng đồng con người có kinh nghiệm của người được sống lại.

Từ kinh nghiệm đó sai gởi cộng đồng này đi làm nhiệm vụ.

Sự trao ban Chúa Thánh Thần giúp cho sứ mạng này có thể được thi hành.

“Sứ mạng” này là để loan truyền sự cứu rỗi- sự tha thứ – sự thánh thiện…

Như vậy vai trò của Giáo hội là giải thoát! Là cống hiến cho con người tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Nói cách khác, về mặt tiêu cực, rõ ràng vai trò đo không có nghĩa là Giáo Hội có thể hành xử một thứ quyền võ đoán. Không bao giờ đặt câu hỏi: “Chúa có tha thứ cho tôi không?” Thập Giá của Đức Giêsu đã trả lời cho vấn nạn đó rồi. Nhưng câu hỏi luôn phải nêu lên là: “Tôi có lãnh nhận ơn tha thứ đó không?”.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

"Các con hãy nhận lấy Thánh Thần"

BÀI TIN MỪNG: Ga 20, 19 - 23

I. Ý CHÍNH:

Bài này được suy niệm trong Chúa nhật 2 phục sinh. Vì thế ở đây chỉ suy niệm mấy ý nghĩa về Chúa Thánh Thần.

1/ ý nghĩa phụng vụ đối với bài Tin Mừng này:

+ Phụng vụ chọn lựa bài Tin Mừng này trong ngày lễ mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống là vì trong bài này Gioan đã thuật lại việc Chúa Giêsu ban Thánh Thần xuống cho các Tông đồ "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần ".

+ Việc ban Thánh Thần biểu lộ ý nghĩa: Chúa Thánh Thần là căn nguyên sự sống và hoạt động của các Tông đồ. Vì thế, việc mừng lễ này, Giáo Hội muốn cho chúng ta xác tín hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và đời sống mỗi người chúng ta, để chúng ta tha thiết trong việc cảm tạ và cầu xin với Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày.

2/ Ý nghĩa thời gian đối với việc mừng lễ Chúa Thánh Thần.

+ Trong bài này Gioan thuật lại việc Chúa Giêsu ban Thánh Thần cho các Tông đồ vào "Buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần", điều này có ý nói lên rằng sau khi phục sinh Chúa Giêsu không còn bị lệ thuộc vào thời gian và không gian nữa. Vì vậy ngay sau khi sống lại Chúa Giêsu đã về trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha và được tôn vinh, và vì vậy trong tuần, tức là buổi chiều Chúa phục sinh, Chúa đã ban Thánh Thần rồi. "Thánh Thần chưa được ban xuống vì Chúa Giêsu chưa được tôn vinh" ( Ga 7, 39 ).

+ Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 50 ngày sau khi Chúa phục sinh vì những lý do sau đây:

a/ Ngày lễ hiện xuống đầu tiên kể từ Thăng thiên nhằm vào ngày lễ 50 của người Do thái ( Cv 2, 1 - 13 ). Ngày lễ 50 của người Do thái có ý nghĩa liên quan đến vai trò của Chúa Thánh Thần.

Ngày lễ 50 kỷ niệm việc Thiên Chúa ban bố Lề luật trên núi Sinai và cảm tạ Thiên Chúa đã ban mùa màng tốt đẹp. Ngày lễ hiện xuống mừng ngày Chúa thiết lập dân mới tức là Giáo Hội và trao ban sứ mệnh truyền giáo cho Giáo Hội .

b/ Ngày phục sinh Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ( Ga 20, 21 - 23 ), nhưng ngày lễ hiện xuống Chúa Thánh Thần đến một cách long trọng và là ngày phát sinh Giáo Hội ( Cv 2, 1 - 13 ). Cũng như qua bí tích Rửa tội, chúng ta đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần rồi, nhưng qua bí tích Thêm sức, chúng ta nhận lãnh Chúa Thánh Thần cách long trọng để trở thành người chiến sĩ của Nước Trời vậy.

3/ Ý nghĩa Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta:

Khi chịu bí tích Rửa tội, nhất là bí tích Thêm sức, Chúa Thánh Thần đã đến và hoạt động trong ta. Hoạt động của Người đối với ta là:

a ) Ban sự sống cho ta: Chúa Thánh Thần thông ban cách dồi dào sự sống của Thiên Chúa cho ta, biến đổi ta nên người Kitô hữu trưởng thành và mạnh mẽ, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.

b ) Dạy dỗ ta: Chúa Thánh Thần cho ta hiểu biết về giáo lý của Chúa Kitô: " Thánh Thần sẽ nhắc nhở các con ", các điều cần thiết để giữ nghĩa cùng Chúa và để tiến lên trong đời sống thánh.

c ) Làm cho ta nên tông đồ: Chúa Thánh Thần cho ta được tham dự vào sứ mệnh của Chúa Kitô là cùng rao giảng, thánh hoá và cai quản dân Chúa ( tiên tri, tư tế và vương đế ). Thi hành sứ mệnh này bằng cách chúng ta làm chứng nhân của Chúa Kitô qua đời sống, lời nói và việc làm của ta, và phải hoạt động sao cho Chúa Kitô được nhiều người nhận biết và yêu mến.

d ) Hoạt động trong ta bằng bảy ơn: Gọi là bảy ơn Chúa Thánh Thần với mục đích soi sáng, hướng dẫn và giúp ta nên thánh. Đó là những ơn: Khôn ngoan, Hiểu biết, Thông minh, Lo liệu, Đạo đức, Kính sợ Thiên Chúa và ơn Can đảm.

4/ Mấy ý nghĩa thực hành:

a ) Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là cơ hội thuận tiện để ta xác tín hơn về vai trò Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và mỗi người chúng ta để nhờ đó chúng ta biết tha thiết hơn trong việc ngợi khen cảm ta và xin ơn Chúa Thánh Thần. Để giúp nhắc nhở điều đó, mỗi ngày chúng ta nhớ đọc kinh Chúa Thánh Thần lúc đầu ngày hay khi khởi sự một công việc quan trọng trong ngày, trong đời...

b ) Chúa Thánh Thần là Đấng bào chữa ( Ga 14, 15; 15, 26; 16, 7 ). Tin tưởng Chúa Thánh Thần như vậy, chúng ta năng cầu xin Chúa Thánh Thần trong mỗi công việc, đặc biệt trong những lúc gặp gian nan thử thách và những lúc khó khăn trong đời sống.

+ Khi bị thử thách vì danh Chúa, chúng ta hãy can đảm và tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Thần trong ta vì "Thánh Thần sẽ nói thay cho các con".

c ) Chúa Thánh Thần là Đấng đem lại sự hiệp nhất ( 1 Cr 12, 13 ). Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Chúa Thánh Thần ( 1 Cr 12, 7 ). Vì thế khi thực sự biết đón nhận Chúa Thánh Thần thì chúng ta không còn nghi kỵ, ganh tỵ, buồn, giận, ghét, gây bè phái nữa, nhưng hiệp nhất, vui vẻ, yêu thương bác ái, huynh đệ, phục vụ, tương trợ lẫn nhau.

d ) Thân thể của ta là đền thờ Chúa Thánh Thần ( 1 Cr 3, 16; 6, 19 ). Tôn trọng thân thể của ta bằng cách giữ trong sạch về thể xác và tránh những cử chỉ lỗi đức trong sạch và đức công bằng.

Tôn trọng thân thể tha nhân bằng cách tránh những cử chỉ lỗi đức trong sạch đối với thân thể tha nhân đồng thời tránh những cử chỉ gây ra thiệt hại cho thân thể tha nhân vì những sự giận dữ hay hận thù mà đánh đập tha nhân. Tránh những gì xúc phạm đến danh dự, phẩm giá và thân xác tha nhân; như mắng chửi, nói hành bỏ vạ cáo gian, đánh đập...

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT