Header

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Tuần III Mùa Chay Năm B (Ga 2,13-25) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
02/03/2024
684
Đức Giêsu là một người Do Thái nhiệt thành sống đạo. Trong Tin Mừng của mình, thánh Gioan đã bảy lần ghi lại Đức Giêsu tham dự những buổi lễ trọng phải hành hương (Ga 5,1 - 6,4 - 7,2 - 10,22 - 11,55 -12,1 - 13,1), đặc biệt là Lễ Vượt qua vào Mùa Xuân và Lễ Lều trại vào Mùa Thu. Trước hết tôi chiêm ngưỡng Đức Giêsu, với tư thế là một người trần hòa lẫn trong đám đông, đang cầu nguyện ca hát trên bước đường hành hương, rồi trên sân trước của Đền thờ...
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA CHAY NĂM B
TIN MỪNG: Ga 2,13-25

Noel Quesson - Chú Giải

Gần đến Lễ Vượt qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem.

Đức Giêsu là một người Do Thái nhiệt thành sống đạo. Trong Tin Mừng của mình, thánh Gioan đã bảy lần ghi lại Đức Giêsu tham dự những buổi lễ trọng phải hành hương (Ga 5,1 - 6,4 - 7,2 - 10,22 - 11,55 -12,1 - 13,1), đặc biệt là Lễ Vượt qua vào Mùa Xuân và Lễ Lều trại vào Mùa Thu. Trước hết tôi chiêm ngưỡng Đức Giêsu, với tư thế là một người trần hòa lẫn trong đám đông, đang cầu nguyện ca hát trên bước đường hành hương, rồi trên sân trước của Đền thờ. Cho dù trên thực tế, Đức Giêsu đã sửa đổi rất kỹ những nghi thức phụng tự Do Thái, nhưng về mặt giáo lý Người không chủ trương bài xích . Cuốn phim “Lễ vật toàn thiêu” nhắc lại cho ta thấy sự đau khổ của dân tộc này mà Đức Giêsu là thành phần... một dân tộc luôn mang một định mệnh đặc biệt cách nhiệm mầu. Trang Tin Mừng trên đây của thánh Gioan bắt đầu bằng "Lễ Vượt qua của người Do Thái" (câu 13), và kết thúc với "Lễ Vượt qua của Đức Giêsu (câu 2) nhằm nhắc lại những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu đều là người Do Thái, là những kẻ “tin vào danh Người trong dịp lễ vượt qua" (câu 23). Từ lễ Vượt qua của người Do Thái" đến "Lễ Vượt qua Kitô giáo, luôn thể hiện cùng một mầu nhiệm khôn dò : Mầu nhiệm phá hủy một đền thờ, rồi nhờ đó lại mọc lên một đền thờ khác. . .

Người thấy trong Đền thờ có những kẻ bán chiên bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Người bèn lấy dây làm rơi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu : "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây”.

Tranh ảnh Kitô giáo đã không bỏ sót diễn tả những cảnh này với màu sắc và hành động thật là phong phú. Đức Giêsu đang nổi giận, cầm roi trong tay, xua đuổi "phường buôn bán ra khỏi Đền thờ". Chúng ta cần phải vượt qua giới hạn của "biến cố" trên, đê tìm hiểu ý nghĩa thần học sâu xa của pha cảnh. Trong câu này, ta nhận thấy, hình như Đức Giêsu đối xử với "những kẻ bán bồ câu với thái độ khác thường, tử tế hơn so với những kẻ khác : Vì bồ câu thuộc "lễ vật của người nghèo", lễ vật của những người như Đức Maria xưa kia, đã không đủ tiền để mua những con vật lớn. Ở đây, Đức Giêsu chứng tỏ thái độ ưu ái đối với nhưng người nghèo mà Người không ngừng biểu lộ.

Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi chợ búa.

Những con buôn và phường đổi tiền không nhất thiết là những người xấu. Thực ra, họ đã phục vụ đáng kể đối với các tín hữu từ xa đến, đang cần sắm sửa tại chỗ những lễ vật cần thiết để tiến dâng : Như trướng hợp Maria và Giuse, đến đền thờ trong ngày Hiến dâng con mình, hẳn là rất hài lòng gặp được những người buôn bán như thế, để mua sắm một cặp bồ câu non (Lc 2,24). Vì thế, chúng ta dễ sai lầm nếu chúng ta chỉ đọc trang Tin Mừng trên cách hời hợt, nhất là chúng ta chỉ áp dụng trang sách đó... cho kẻ khác. Chúng ta rất dễ nổi giận... dễ dùng lời nói mà không sợ bị liên lụy để chống lại tiền bạc, sự mua bán trái phép, những "ồn ào của bạc tiền" chung quanh bàn thờ, xã hội tiêu thụ, đề cao lợi nhuận trong các nền kinh tế phương Tây. Đức Giêsu quả đã là một người nghèo thực sự . Người đã nổi giận trước vị trí quá lớn của tiền bạc đang ngự trị trong Đền thờ. . . Chắc chắn là thế ! Như vậy, chính chúng ta cũng phải hoán cải về vấn đề này. Lạy Chúa, xin cứu chữa chúng con khỏi lòng dính bén với tiền bạc.

Nhưng điểm cốt yếu của trang Tin Mừng hôm nay không nằm ở đó.

Chúng ta hãy lắng nghe kỹ kiểu nói lạ thường mà Đức Giêsu sử dụng để nói về đền thờ : "Nhà của Cha tôi". Chúng ta quá chán với kiểu nói đó. Tuy nhiên chúng làm cho ta càng phải tìm hiểu sâu xa hơn căn tính của "con người" này, Giêsu thành Na-da-rét ? Trong con người đó đang ẩn chứa một bí nhiệm to lớn biết bao ! Giữa Người và Thiên Chúa, có một mối tình yêu thương mật thiết biết bao ! Người đang hiện diện nơi nhà mình, trong đền thánh của Giavê. Nơi các thánh này, chính diện bất khả xâm phàm này, không ai được phép vào trừ vị Thượng tế, mỗi năm một lần (Dt 9,7). Đó là nơi "chí thánh", nói "tách biệt" với tất cả "không ai được đụng chạm" đến, không ai bước vào mà không phải chết. . . Thế mà nói một cách hết sức tự nhiên, đó là "nhà của Cha Người", là nhà của Người, vì Người là con. Vào lúc 12 tuổi, Người cũng nói như thế, nhưng không ai hiểu cả, ngay cả mẹ Người là Đức Maria : Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2,49).

Vâng! yếu tố trước nhất trong việc phụng tự mà ta thể hiện với Thiên Chúa, không phải là việc làm bề ngoài (như bò, chiên, bồ câu) mà là tấm lòng con thảo ta đặt vào đó. Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi mối bận tâm quá đề cao những nghi lễ, những hình thức bên ngoài.

Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh thánh: "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây lẽ phải thiệt vào thân" (Tv 69,10) .

Đối với Đức Giêsu "rinh yêu Chúa Cha" luôn thiêu đốt Người, nói cách văn vẻ, như ngọn lửa ngốn trọn những nhánh củi khô. Lễ vật dâng lên Chúa Cha của Đức Giêsu không theo "nghi thức", nghĩa là những gì ở bên ngoài Người. Người sẽ dâng hiến chính bản thân mình làm lễ vật và trọn cuộc sống Người luôn là một của lễ như thế. Còn đối với tôi, việc phụng tự ra sao? Nó mang hình thức nào? Tôi "dự lễ hay tôi "trung phần" vào thánh lễ? Cùng với Đức Giêsu, tôi có được Thiên Chúa khơi lửa nhiệt tình, nung đốt tình yêu và làm cho say đắm không? ôi lạy Cha, con cũng muốn rằng, từ giờ trở đi nhà của Cha sẽ làm cho con phải thiệt vào thân vì yêu mến, Nếu Đức Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ như thế, chính là vì danh dự và vinh quang của Cha Người đã bị xúc phạm trong việc "buôn bán trái phép" đó Đức Giêsu quả là một con người say mê Thiên Chúa, sống cho quyền lợi của Thiên Chúa.

Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại. Người Do Thái nói: Đền thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây dựng lại được sao?”

Ở đây bản văn Hy-Lạp không dùng từ "đền thờ" (iéron) mà là từ "thánh điện" (naos). Và đó không phải là điều ngẫu nhiên, bởi vì trước đó, cùng trong cùng bản văn, Gioan đã sử dụng chính xác từ "đền thờ". "Người thấy trong đền (iéron) có những kẻ buôn bán... và Người xua đuổi họ ra khỏi đền thờ (iéron)". Theo nghĩa này, đền thờ là toàn bộ những công trình kiến trúc, kể cả đường dạo chơi, công trường, các sân phía trước. Nhưng giờ đây Đức Giêsu đi xa hơn nhiều, khi Người nói: "Các ông cứ phá hủy thánh điện (naos) này đi, tai hại biết bao, nếu những người dịch không tôn trọng bản văn! Thánh điện chỉ là phần kiến trúc hoàn toàn bé nhỏ, những quý giá nhất của toàn bộ đền thờ; là trung tâm điểm, nơi Thiên Chúa hiện diện ( shékinah")! Chúng ta đừng quên rằng, Đức Giêsu sẽ bị kết án tử hình do lời tố cáo sai lầm của Người đã tuyên bố: “Tôi sẽ phá thánh điện này và sẽ xây cất lại" (Mt 26,6). Thực sự đó là một lời phạm thượng. Thánh điện này vẫn hoàn toàn mới mẻ, được Hêrôđê cho phép khởi công xây cất 50 năm trước đó. Đó là niềm tự hào của quốc gia, là nơi tôn kính để cầu nguyện và hành hương, mà mỗi năm hàng triệu người tới viếng thăm. Đó cũng là nơi phụng tự duy nhất" của ít-ra-en. Quả thực, con người này bạo gan mới dám nói như thế ! Phát triển như thế, cũng như người nào đó tuyên bố: "Cứ phá Đền thờ thánh Phêrô ở Rôma đi Hãy cứ phá đền thánh Lộ Đức, nhà thờ Đức bà ở Paris hay vương cung thánh đường ở Angers...". Thế mà, Đức Giêsu nói năng tự nhiên, không có vẻ gì của một kẻ khiêu khích cả .

Nhưng đền thờ (naos) Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính mình Người.

Đền thờ ở đây, bản văn Hy Lạp dùng từ "thánh điện" (naos). Hiển nhiên, ta đang ở vào trung tâm của trang Tin Mừng trên. Ta thử tìm hiểu thêm, Đức Giêsu đã ý thức về mình thế nào. Người biết Người là ai. Người nói; Người là một thánh điện. Đức Giêsu tự tạo cho mình thành "nơi Thiên Chúa Hiện diện". Chính thân xác Người là "đền thờ mới " . . . là nơi " phụng tự mới "... Gioan Tẩy giả đã chỉ Người như chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Phải, Đức Giêsu đã chịu sát tế trên ngọn đồi ngoài cửa thành, hy sinh vào đúng giờ mà trong Đền thờ người ta đang sát tế nhiều chiên vượt qua, ngày áp lễ "Vượt qua trọng đại" (Ga 19,31). Bằng chính thân xác mình chịu hy sinh, Đức Giêsu đến thay thế cho mọi lễ vật và làm cho Đền thờ Giêrusalem trở nên vô tích sự và màn trong Đền lúc đó có thể bị xé bỏ (Mt 27,51). Từ thân xác đó sẽ tuôn ra "con sông vôi dòng nước mạnh" (Ga 19,84) : Nước và máu đã được ngôn sứ Êdêkien báo trước, sẽ từ thánh điện chảy ra (Ed 41,l-12).

Vậy khi người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó.

Do đó, Lễ Vượt qua của Đức Giêsu và của các Kitô hữu đã kết thúc "Lễ Vượt qua của người Do Thái", như đã đề cập đến đầu trang Tin Mừng trên. Đây là cuộc giải phóng phi thường và triệt để, mà cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập chỉ là sự báo trước và là hình ảnh tiêu biểu. Đây là Đền thờ mới, làm vô hiệu mọi nơi thờ tự khác. Như vậy, nơi Thiên Chúa hiện diện không còn là một lâu đài nữa, mà là một Đấng nào đó: Đó là Thân mình Đức Kitô. Tất cả phụng vụ Kitô giáo chỉ được thể hiện chung quanh thân thể này. Nhưng chúng ta cần hiểu thêm, mầu nhiệm này còn đi xa biết bao? Sau này, thánh Phaolô sẽ nói với các Kitô hữu, các kẻ bốc dỡ hàng tại cảng Côrintô: “Anh ern là Thân mình Đức Kitô” (1 Cr 12,27). Đó là cơ sở để xây dựng phẩm giá cao cả của con người: "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (1 Cr 3,16--l7).

Như thế, không phải chỉ có "thân xác Phục sinh" của Đức Giêsu mới là Đền thờ mới, mà cả "thân xác của mỗi người đã chịu phép rửa": "Anh em không biết rằng thân xác của anh em là Đền thờ của Thánh Thần, và Thánh Thần đang ngự trong anh em sao?" (1 Cr 6,19-20 ). Thánh Au-tinh cũng nói với các tín hữu của mình: "Khi linh mục nói với anh em "Mình Thánh Chúa Kitô", anh em đáp lại: “Amen" với niềm xác tín anh em đang "hiện diện trong Đức Kitô". Có một bản thánh ca ngợi khen mầu nhiệm này như sau: "Chớ gì chúng con trở nên mình thánh biết sung sướng tạ ơn... chớ gì chúng con trở nên mình thánh, giữ gìn Giao ước của Chúa...".

Chúng ta luôn có khuynh hướng "ấn định chỗ ở cho Thiên Chúa", xây dựng cho Người những "nhà tù sơn son thiếp vàng", những "thánh điện" để cô lập Người, gạt Người ra khỏi thế giới, khỏi cuộc sống của ta. Nhung không có nhà thờ nào, vương cung thánh đường hay đền thánh nào có thể giam giữ Thân mình Đức Kitô được? Anh em là Thân mình Đức Kitô! Tôi là Thân mình Đức Kitô! Khi nhận mình thánh Đức Giêsu, tôi "trở nên" Thân mình của Người, trở nên thánh điện.

Trong lúc Đức Giêsu ở Giêrusalem vào dịp Lễ Vượt qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

" Các ngươi cứ phá đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại "

BÀI TIN MỪNG: Ga 2, 13 - 25

I. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay gồm 2 ý tưởng chính:

+ Kể việc Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán trong đền thờ để nói lên việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa Cha.

+ Những hoạt động của Chúa trong thành thánh để nói lên sứ mệnh Thiên sai của Người đối với nhân loại.

II . SUY NIỆM:

1/ " Lễ vượt qua của dân Do thái ":

Do thái mừng lễ Vượt qua để kỷ niệm ngày họ vượt qua Biển Đỏ, thoát ách nô lệ. Thánh Maccô dùng chữ "Lễ Vượt qua của người Do thái" để tránh với lễ Phục sinh của Kitô hữu.

+ Giêrusalem được gọi là thành thánh hay đền thánh vì là nơi tượng trưng cho Thiên Chúa ngự. Nơi đây quy tụ toàn dân trong ngày đại lễ.

+ Những người bán bò, chiên, chim câu: theo tục lệ khách hành hương lên đền thờ phải dâng của lễ, người giàu thì dâng bò hay chiên kẻ nghèo thì một cặp bồ câu. Dân buôn bán lợi dụng đem bày bán những thứ này ngay ở sân đền thờ cho khách hành hương.

+ Cả những người đổi tiền bạc: luật Do thái cũng bắt các đàn ông hàng năm phải nộp thuế đền thờ nửa đồng tiền của người Do thái. Tiền La mã lúc ấy rất thông dụng, nhưng vì in hình vua ngoại đạo nên không được lưu hành trong khu đền thờ. Vì thế con buôn cũng lợi dụng việc đổi chác tiền bạc cho khác hành hương để kiếm lời.

2/ " Người chấp dây thừng làm roi ":

Sự bất kính do con buôn như thế làm Chúa Giêsu đau lòng. Không nén nổi cơn thịnh nộ, Người nhặt lấy những dây buộc tiền người ta ném bừa bãi ở đó, chấp thành roi để đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ.

+ "Đừng làm nhà Cha ta thành nơi buôn bán ": câu nói này, Chúa Giêsu tự xưng là Con Thiên Chúa . Dùng kiểu nói "Nơi buôn bán" hay "Hang trộm cướp" để diễn tả một tình trạng bất kính ở nơi đền thờ, đang khi đó đền thờ là nhà Cha Ta, nơi cầu nguyện, phải được tôn kính .

3/ "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa thiêu đốt tôi" :

Các môn đệ không hiểu ý Chúa muốn nói gì mà chỉ nhớ tới một lời chép trong Thánh vịnh ( 68, 10 ) nói về lòng sốt sắng việc nhà Chúa áp dụng lời ấy cho Người.

4/ " Bấy giờ người Do thái bảo Người rằng: Ông hãy tỏ cho chúng tôi là ông có quyền ":

+ Người Do thái ở đây là các chức sắc trong đền thờ như Lêvi, Tư tế ... tỏ ra không ưng hành động của Chúa Giêsu, nên họ đòi Người phải làm một việc lạ để chứng tỏ Người có sứ mệnh Thiên Chúa sai và ban quyền hành động như thế. Đây là kiểu đòi hỏi của Biệt phái thường có đối với Chúa Giêsu ( Mt 12, 38 ; 16, 1 ; Mc 8, 11 ; Lc11, 16 ) .

5/ "Các ông cứ phá đền thờ này đi ":

Chúa Giêsu hứa cho họ thấy một phép lạ làm chứng là Người sẽ chết và sau ba ngày sẽ sống lại . Nhưng Người nói theo kiểu các Tiên tri, dùng lời nói bóng gọi thân xác mình là đền thờ .

6/ "Người Do thái đáp" :

Phải 46 năm mới xây được ...

Nói như vậy có lẽ vì việc trùng tu đền thờ có thể khởi sự từ năm 27 - 28 sau Chúa Giêsu nên việc trùng tu kéo dài 46 năm . Người Do thái có ý nói nghĩa đen về việc xây đền thờ chứ không hiểu theo nghĩa bóng nhưng Chúa muốn nói đến Đền thờ là thân xác Người sau khi chết ba ngày sẽ sống lại .

7/ "Các môn đệ mới nhớ lại " :

Bấy giờ chẳng ai hiểu ý nghĩa lời Chúa nói, các môn đệ cũng chẳng hiểu, mãi đến khi Người sống lại, lúc Thánh Thần đã cho họ ơn thiêng thông hiểu các dấu chỉ Người đã làm, các ông mới nhận ra .

+ Nên đã tin Kinh Thánh và tin Lời Người đã nói: Thánh Kinh "Lời Thiên Chúa" và Lời Đức Giêsu đều được đặt trên cùng một bình diện ( Ga 18, 9 - 32 ) và đều là đối tượng niềm tin của các tông đồ .

8/ " Nhiều kẻ tin danh Người ..." :

Các môn đệ tin tưởng Chúa cách mạnh mẽ, nhưng người Do thái nhất là những người có chức sắc trong dân lại chống đối Chúa. Đang khi đó lại có những người tin vào danh Chúa vì họ thấy những phép lạ Chúa làm.

+ Niềm tin của họ vì vậy có tính cách bất toàn, không bền chí, nên Chúa Giêsu đã không tin tưởng họ.

9/ " Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta " :

Điều này muốn nói: Thiên Chúa thấu suốt mọi tâm can con người mà không cần một trung gian nào. Mọi việc con người làm dù kín đáo đến đâu, như ý nghĩ trong lòng, cũng đều bầy ra hết trước mắt Chúa vì Chúa biết hết mọi sự. Ở đây Chúa thấy rõ niềm tin hời hợt của người Do thái vì họ chỉ dựa vào hình thức bên ngoài là phép lạ Chúa đã làm, chứ không tin vào chính nguồn gốc của phép lạ là chính con người của Người.

III . ÁP DỤNG :

A/ Áp dụng theo Tin Mừng :

1/ Ở đây Chúa Giêsu sử dụng cả sức mạnh thể lý để bênh vực và bảo vệ cho "Nhà Cha": chúng ta cũng phải biết vận dụng đúng mức sức mạnh của tinh thần, của thể xác, của vật chất mà ta đang có để bênh vực:

+ Cho danh nghĩa người Kitô hữu của chúng ta, vì ta là con Thiên Chúa.

+ Cho thân xác chúng ta được trong sạch vì là đền thờ của Chúa ngự.

+ Cho Giáo Hội vì là mình mầu nhiệm của Chúa Kitô.

+ Cho nhà thờ, cho những nơi thờ phượng Chúa vì là nơi Chúa ngự để gặp gỡ con người.

+ Cho tất cả những gì làm sáng danh Chúa.

2 / Để trả lời sự thắc mắc của người Do thái. Chúa Giêsu đã lấy hình bóng Đền thờ bị phá rồi xây lại để diễn tả ý nghĩa cuộc tử nạn và phục sinh của Người.

+ Đang sống trong mùa chay, chúng ta còn đang do dự chưa thực sự sống tinh thần Mùa chay . Giáo Hội muốn dùng ý nghĩa của việc tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô như là bằng chứng để thúc đẩy chúng ta thực sự sống tinh thần Mùa chay bằng cách sám hối, cải thiện đời sống và thực thi bác ái trong việc phục vụ tha nhân . Sống tử nạn để được Phục sinh.

3/ " Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta": lời này làm thức tỉnh chúng ta phải làm mọi việc vì ý ngay lành, vì ta có thể lừa dối người khác chứ không thể lừa dối được Thiên Chúa.

B/ Áp dụng thực hành:

1/ Nhìn vào Chúa Giêsu có lòng nhiệt thành đối với " Nhà Cha":

Chúng ta cũng phải nhiệt thành đối với nhà Cha bằng cách chăm sóc nhà thờ: vệ sinh, trang hoàng, giữ gìn trật tự, tôn kính xứng đáng...

2/ Nhìn vào những người buôn bán trong đền thờ:

Chúa Giêsu đã xua đuổi họ, chúng ta phải rút kinh nghiệm đừng dùng những giờ đọc kinh cầu nguyện, suy niệm, đạo đức ... mà tâm hồn còn đang bề bộn những công việc bất xứng như lo ra, chia trí, lo lắng việc này, việc kia khiến cho ta tâm bất an hoặc dùng những việc đạo đức ấy như một thứ mặt hàng, nhằm trao đổi với Chúa ơn này, ơn nọ ... Cần phải kiên trì luyện tập tinh thần tin tưởng, phó thác và yêu mến Chúa.

3/ Nhìn vào người Do thái:

Họ đòi Chúa làm dấu lạ để nhận ra quyền của Người . Chúa đã không làm dấu lạ như ý họ muốn . chúng ta đừng đòi hỏi Chúa theo ý mình làm phép lạ để ta tin, để ta sốt sắng ... Nhưng chúng ta phải đòi hỏi mình theo ý Chúa để nhận ra những việc lạ người làm cho ta .

4/ Nhìn vào các tông đồ:

Các ngài chỉ hiểu Lời Chúa sau khi Chúa đã sống lại nhưng các ngài vẫn tin . Chúng ta cứ tin và thực hành Lời Chúa dạy mặc dầu chưa hiểu rõ, nhưng cứ kiên tâm chờ đợi ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần .

5/ Nhìn vào những kẻ tin danh Người:

Chúa không tin tưởng họ, chúng ta đừng chỉ tin vào Chúa vì những gì ta đã thấy hay đã hiểu, nhưng hãy tin cả vào những mầu nhiệm của Thiên Chúa dù không hiểu hết được .

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT