Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Tuần XXVIII Mùa Thường Niên - Năm B (Mc 10,17-30) | Giáo Phận Phú Cường
CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN TUẦN XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
TIN MỪNG: Mc 10,17-30
Noel Quesson - Chú Giải
Mc 10: 17-30
Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi:"Thưa Thầy là người nhân hậu, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp"
Đây là một cảnh sống động. Một người đầy ham muốn: Người ấy chạy đến và sụp quỳ dưới chân Đức Giêsu, vừa thở hổn hển, người ấy vừa đặt câu hỏi.
Khi ta biết người này là ai (nhờ đoạn tiếp sau của trình thuật) ta sẽ ngạc nhiên, vì đây là một người có đầy đủ mọi thứ để được hạnh phúc theo tiêu chuẩn thông thường: Anh ta giàu sang, có nhiều "của cải lớn", hơn nữa, cuộc sống anh ta ngay thẳng, anh tuân giữ những giới răn từ thuở còn nhỏ. Trong mọi tương quan với người khác. Chắc hẳn anh ta được kính nể. Vậy anh ta còn thiếu điều gì? Anh ta còn cần gì nữa? Tại sao anh ta lại mong ước điều gì khác?
Đức Giêsu đáp: "Sao anh gọi tôi là nhân hậu? Không có ai là người nhân hậu cả, trừ một mình Thiên Chúa".
Đó là câu trả lời sắc bén như dao. Con người giàu có này đã quen với những "tước vị". Vì quá hâm mộ, anh ta nói thêm. Thường thường người ta chỉ gọi Đức Giêsu bằng "Thầy", còn anh ta quen giao thiệp rộng nên đã thêm từ "nhân lành". Đức Giêsu không thích những kiểu nói tâng bốc đó. Người thích sự đơn giản hơn, Người khước từ những tước vị mang tính khoa trương. Hơn nữa, Đức Giêsu là Người luôn nói về Thiên Chúa. Người luôn hướng về Chúa. Ở đây chúng ta nghe người thốt lên một lời dễ gây ngạc nhiên: Dường như Đức Giêsu không biết Người là Thiên Chúa! Người khước từ chữ "nhân lành". Đây không phải là trường hợp duy nhất mà Đức Giêsu khiêm tốn tự cho mình là "thấp kém" hơn Chúa Cha, hơn Thiên Chúa: Một hôm khác người còn dám quả quyết, Người "không biết ngày chung thẩm, mà chỉ có mình Chúa Cha mới biết" (Mc 13: 32).
Đức Giêsu nói chỉ có một mình Thiên Chúa mà thôi. Tôi cầu nguyện từ lời quả quyết triệt để này.
Hẳn anh em đã biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ.
Danh sách và thứ tự các giới răn làm cho ta ngạc nhiên. Trước tiên, Đức Giêsu không nêu những giới răn "đối với Thiên Chúa" như là giới răn đầu tiên. Hình như qua tình yêu tha nhân, ta chứng tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa. Thông thường tự nhiên ta dễ nghĩ đến những "bổn phận" về tôn giáo" hơn, để đạt đến sự sống đời đời. Một lần nữa, Đức Giêsu hướng chúng ta biết thân gắn bó với những người anh em của mình, với những mối tương quan nhân bản.
Hơn nữa, Đức Giêsu đã thêm một điều răn mới rất ý nghĩa vào mười giới răn cố hữu: "Chớ làm thiệt hại ai" như thể điều răn này tóm tắt các điều khác. Chúng ta cũng nên để ý rằng, "bổn phận đối với cha mẹ" được kể cuối cùng. "Điều răn thứ bốn" được dời ra sau chót, như Đức Giêsu đã muốn đặt lên hàng đầu những cám dỗ đối với người có tiền của: Lấy của kẻ khác, làm thiệt hại kẻ khác, làm giàu cách bất chính...
Anh ta nói: "Tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ".
Quả thật đây là một người ngay thẳng, có lương tâm.
Anh ta tuân giữ lề luật. Anh ta sống có kỷ cương. Đức Giêsu không phủ nhận sự thành thực của những lời anh ta nói. Người ta tưởng câu chuyện sẽ kết thúc ở đây. Đây là một người có quyền thường sự sống đời đời! Chúng ta hãy nghe đoạn sau.
Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến.
Đó là cái nhìn của Đức Giêsu. Tôi cố tưởng tượng lại: Một cái nhìn đầy thương yêu. Đức Giêsu tỏ vẻ trìu mến. Người đang yêu thương. Người cảm động.
Anh chỉ còn thiếu có một điều là: "Hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho trên trời. Rồi hãy đến theo Tôi".
Vậy sống lương thiện và tuân giữ mọi giới răn cũng chưa đủ sao?
Ta tưởng rằng con người này trung thành không có gì chê trách được, thế mà bây giờ lại gặp một đòi hỏi mới, sẽ rọi chiều vào tận đáy lòng anh: Anh có tự do không hay chỉ là nô lệ? Thái độ của anh đứng trước tiền bạc của cải vật chất như thế nào?
Thật lạ lùng và đáng ngạc nhiên khi ta liên tục gặp thấy đòi hỏi trên đây của Đức Giêsu. Người không ngớt nhắc lại điều này. Đó là lời kêu gọi đầu tiên của Người: "Hãy theo Ta", tức khắc họ bỏ lưới và cha của mình dưới thuyền... (Mc 1: 18-19). Đó cũng là chỉ thị đầu tiên của Đức Giêsu đối với các môn đệ. Người sai các ông đi thi hành sứ vụ, Người truyền cho họ không được đem gì đi đường, không bánh, không bị, không tiền trong thắt lưng! (Mc 6: 8).
Đó còn là hệ luận đầu tiên phải rút ra từ lời loan báo cuộc thương khó của Chúa: "Kẻ nào muốn theo ta, phải từ bỏ chính mình" (Mc 8: 34). Đức Giêsu đã không bao giờ nói khác, Người có những ý nghĩ theo nhau rõ ràng. Người yêu cầu một sự lựa chọn dứt khoát. Người đòi hỏi "trọn vẹn". Muốn theo Người, phải bỏ tất cả. Đây là một đòi hỏi vô biên. Tin Mừng không phải là một cách giải quyết dễ dàng cho mọi vấn đề, mà là một cuộc phiêu lưu vĩ đại, đầy nguy cơ liều lĩnh tối đa. Thật là một tham vọng quá lớn.
Nghe lời đó, anh ta sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải lắm".
Đây là một người cũng giống chúng ta thôi. Chúng ta chớ nên lên án anh ta. Chúng ta cũng không thường mong muốn nếp sống hoàn hảo và sự sống đời đời sao?
Thế mà lại không nhất quyết trả giá cho những điều đó. Trình thuật về ơn gọi lúc này, nhắc chúng ta rằng chính chúng ta cũng đã từng khước từ những lời mời gọi của Thiên Chúa tới hưởng nguồn vui, mặc dầu bề ngoài chúng ta phải dứt bỏ nhiều thứ. Sự "buồn bã" của người này rất có ý nghĩa: Anh ta có nhiều tiền, có nhiều của cải lớn, và với sự sung túc này anh ta vẫn không được hạnh phúc. Đó không phải là hình ảnh của phương Tây quá tràn đầy của cải vật chất sao? Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn, và hãy can đảm nhìn nỗi đau buồn đang làm tối sắm khuôn mặt của anh. Đấy phải chăng là dấu hiệu hồng ân đầu tiên đã bắt đầu đến với anh sao? Cho đến lúc đó, anh không ý thức được điều cốt yếu mà anh còn thiếu. Anh vẫn tưởng rằng, của cải là đủ. Bây giờ anh mới biết, anh còn có một định mệnh khác.
Lạy Chúa xin biến những nỗi buồn của chúng con trở nên tích cực, có thể đánh thức chúng con ra khỏi ảo ảnh và ngủ mê. Chúng con đã được tạo dựng cho Chúa. Tâm hồn chúng con, ước muốn của chúng con quá cao không thể chỉ thỏa mãn những của cải hữu hạn trần gian: "Lạy Chúa, xin hãy đến... vì chỉ có Chúa mới làm cho chúng con được no thỏa".
Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh rồi nói với các môn đệ.
Một lần nữa, Thánh sử Marcô ghi nhận ánh mắt của Đức Giêsu. Chúa nhìn tôi. Chúa nhìn những người mà tôi thương yêu. Chúa nhìn thế giới của chúng ta. Chúa nhìn những đám đông ở những siêu thị. Chúa nhìn dân chúng trong những nước thuộc thế giới thứ ba. Và cái nhìn này không thể lãnh đạm. Người bắt đầu nói:
Những người có của mà vào được Nước Thiên Chúa, thật khó biết bao.
Một lần nữa Đức Giêsu tố cáo quyền lực ghê gớm của tiền tài. Đây là một sự cảnh giác thường xuyên trong suốt thời gian rao giảng của Đức Giêsu: "Các ngươi không thể phục vụ Thiên Chúa và Mammon cùng một lúc" (Lc 16: 13).
"Người giàu trở nên điên rồ và phi lý. Người ấy tưởng mình không cần gì đến Thiên Chúa nữa" (Lc 12: 16-20). Người giàu từ từ đóng cửa con tim và không còn thấy người anh em của mình đang đau khổ bên cạnh mình (Lc 16: 19-31). Sự giàu sang bóp ngắt Lời Chúa (Mt 13: 22).
Một lần nữa, chúng ta không nên lên án kẻ khác. Hãy nhận mình cũng là những người giàu: Số tiền trợ cấp thất nghiệp (SMIC) của một người Pháp là cả một sản nghiệp đối với một người châu Phi hay châu Á.
Nghe người nói thế, các môn đệ hết sức kinh ngạc.
Sự kinh ngạc của những môn đệ không phải là không có ý nghĩa. Tâm trạng người Do Thái đinh ninh rằng, sự giàu sang là một ân huệ của Thiên Chúa, ý định của Thiên Chúa sáng tạo không phải là để giao cho con người quyền sở hữu và thống trị thế gian này, nhằm xây dựng và làm cho thế gian thêm giá trị sao? (St 1: 27-31). Nhưng phải thú nhận rằng, chính chúng ta cũng không chấp nhận lời này của Chúa Kitô. Thế kỷ 20 càng sẵn sàng hơn để đón nhận luân lý cách mạng sau đây
- Phải chăng chúng ta làm việc để "kiếm tiền", càng nhiều càng tốt.
- Phải chăng chúng ta mong cho con cái chúng ta làm một nghề "có nhiều tiền".
- Phải chăng hàng ngày chúng ta thường bị sự quảng cáo tấn công, thúc đẩy chúng ta tiêu thụ ngày càng nhiều hơn và ám chỉ rằng, càng có nhiều, càng hạnh phúc.
Người lại nói tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa, thật khó biết bao; con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa".
Thay vì rút lại sự cứng rắn trong lời vừa nói, Đức Giêsu lại tăng cường một hình ảnh không thể quên được. Đức Giêsu nhà thuyết giảng nổi tiếng, đã có nghệ thuật dùng những kiểu nói gây ấn tượng mạnh và dễ nhớ: Chúng ta không nên làm nhẹ những câu nói này, nại cớ là chúng nghịch lý. Thực sự, chúng nói lên mạnh mẽ rằng, giữa giàu sang và sự cứu rỗi, luôn có tình trạng xung khắc nhau: Chúng ta phải chọn lựa giữa hai kho tàng này, kho tàng trần gian, kho tàng trên trời. Tiền của là cần thiết. Đức Giêsu không phủ nhận điều đó. Tiền của phục vụ chúng ta, Đức Giêsu đồng ý. Nhưng nếu tiền của thống trị chúng ta, và chúng ta trở nên nô lệ của nó, thì Đức Giêsu không thể chịu đựng nổi.
Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: "Thế thì ai có thể được cứu. Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: Đối với loài người thì không thể được nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được".
Lại một lần nữa, cái nhìn của Đức Giêsu, được ghi nhận lần thứ ba trong cùng một trang Tin Mừng. Ở đây Đức Giêsu trích một lời trong Thánh kinh dành cho Abraham (St 15: 14). Mặc dầu tuổi cao, không đủ điều kiện thể lý. Bà Xara sẽ sinh ra một con trai, vì tất cả có thể được đối với Thiên Chúa. Thiên Thần Gáp-ri-en cũng đã nói điều này với Mẹ Maria (Lc 1: 37). Vậy sau khi lên án khắt khe thái độ chiếm hữu của chúng ta, Đức Giêsu đã mở ra cho chúng ta một niềm hy vọng.
Lạy Chúa, là Chúa tể càn khôn, Chúa đòi hỏi điều không thể làm được. Xin hãy đến giải thoát chúng con! Và tay chúng con sẽ mở ra trước Chúa, để đón nhận những gì còn thiếu trong tình thương của chúng con.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta"
BÀI TIN MỪNG: Mc 10: 17-30
I. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu mời gọi người thanh niên giàu có từ bỏ của cải để theo Người, vì của cải là trở ngại cho những ai muốn vào Nước Trời. Đồng thời Người cũng hứa ban phần tưởng bội hậu cho những ai bỏ mọi sự mà theo Người.
II. SUY NIỆM:
1/ "Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi":
+ "Chúa Giêsu vừa lên đường": ở đây Máccô nói chống nhưng Luca (18: 18) nói là một vị thủ lãnh, nghĩa là một người giàu có quý phái.
+ "Chạy lại quỳ gối trước Người": đây là thái độ tỏ bầy lòng kính trọng Chúa Giêsu vì người Do thái thường có thói quen quỳ gối trước những ông thầy Rabbi nổi tiếng để tỏ dấu kính trọng.
2/ "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời":
Gọi Chúa Giêsu là "nhân lành" vì người này đã được chứng kiến cử chỉ nhân hậu của Người đối với trẻ nhỏ và lòng thương thương xót của Người trong việc chữa lành các bệnh nhân. Tin nhận như vậy nên anh đã hỏi Chúa Giêsu chỉ dạy cho biết cách thức để được sống đời đời, đó là dấu tốt tỏ ra người ấy đang ở trên đường tìm kiếm sự sống đời đời.
3/ "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành":
Chúa có ý phủ nhận tước hiệu "Nhân lành" theo quan niệm của người thanh niên đang có về Người, tức là sự nhân lành bằng việc làm: nhân hậu với trẻ thơ, thương xót đối với bệnh nhân... nhân lành kiểu của một người trần thế.
"Chẳng có ai là nhân lành trừ một mình Thiên Chúa" có ý khêu gợi cho chàng nghĩ đến một vị tốt lành tuyệt đối, tốt lành do bản tính (Tv 78: 1) tức là Thiên Chúa và Người có bản tính tốt lành đó, nghĩa là người không phải chỉ tốt lành như mắt chàng đã thấy qua cử chỉ đối với trẻ em hay bệnh nhân thôi đâu, Người còn tốt lành như Thiên Chúa vì Người là Thiên Chúa.
4/ "Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình...":
Đặt câu hỏi này, Chúa muốn người này kiểm điểm lại đời sống. Đặc biệt ở đây nhắc lại cho anh các nghĩa vụ đối với tha nhân. Ở đây Chúa chỉ nhắc đến những giới luật đối với tha nhân là vì những giới luật này cụ thể rõ ràng ý nghĩa, dễ kiểm điểm hơn, hoặc vì ai giữ luật yêu người thì cũng giữ luật mến Chúa. (Rm 13: 8)
5/ "Lạy Thầy những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ":
Câu trả lời biểu lộ một tấm lòng thành không có ý phô trương vì anh chưa thấy việc chu toàn các điều luật làm đủ, anh còn muốn làm cái gì hơn nữa để bảo đảm chắc chắn cho sự sống đời đời.
6/ "Ngươi chỉ còn thiếu một điều là...":
+ "Chỉ còn thiếu một điều": có nghĩa là đã tạm đủ rồi, nhưng người muốn khuyến khích, mời gọi tiến lên hơn nữa bằng cách:
+ "Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài": mời gọi một sự từ bỏ mọi thứ ràng buộc để được độc lập, thong dong.
+ "Đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời": Ở đây cũng có ý nghĩa: "Hãy tích trữ những của cải trên trời... vì của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó".
+ "Rồi đến theo Ta": có nghĩa là đến sống chung với Người, để nhìn ngắm, bắt chước và nên giống Người.
Qua lời mời gọi này cho chúng ta thấy rằng những người sống đời thánh hiến vì Chúa Kitô thì bỏ mọi sự (Mc 10: 28) để theo Người (Mc 19: 21) như một điều cần thiết duy nhất (Lc 10: 42), nghe lời Người (Lc 10: 39) và lo âu đến những gì thuộc về Người (1 Cr 7: 32). Vì thế đòi hỏi bán hết của cải đem bố thí cho người nghèo khổ rồi đến theo Chúa là ba động tác đi liền nhau và làm nên một cuộc sống trọn lành.
7/ "Nhưng người ấy nghe những lời đó thì sụ nét mặt":
Thái độ này diễn tả rằng lời mời gọi của Chúa Giêsu đã khác hẳn với ý nghĩ của anh và vượt quá sức của anh vì anh chưa sẵn sàng từ bỏ của cải, đang khi anh là người giàu có, và vì anh đã không hiểu rằng điều kiện của một cuộc sống theo Chúa là phải có sự độc lập với của cải vật chất và với những trói buộc xã hội. Đàng khác anh cũng chưa nhận ra sự giàu có trói buộc và nô lệ hóa con người cách khắt khe đến như vậy, nên anh "buồn rầu bỏ đi".
8/ "Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng":
+ "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao": đây là cái nhìn tỏ lòng thương tiếc đối với những tâm hồn đang bị của cải vật chất chi phối đến nỗi không thể vươn mình lên để vào Nước Trời được, vì thế Chúa mới nói với các môn đệ: "Những người giàu có ở đây là những người có tiền tài có kho tàng bảo vật, của chìm của nổi, động sản hay bất động sản..."
+ Nước Thiên Chúa là thiên đàng: tức là chỉ một nơi chốn chứ không hiểu một ơn ban, bước vào Nước Trời cũng đồng nghĩa như nói thu tích kho tàng.
9/ "Các môn đệ kinh ngạc về những lời đó":
Thái độ kinh ngạc này nói lên các môn đệ chưa hiểu nổi sự nguy hiểm tai hại của tiền tài vật chất đối với những ai muốn có được sự sống đời đời.
10/ "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc...":
Cậy dựa vào ai thì bị lệ thuộc vào người đó. Ở đây muốn nói "Những kẻ cậy dựa vào tiền bạc" là những kẻ bị lệ thuộc, bị nô lệ, bị ràng buộc vào tiền bạc thì khó mà vào Nước Trời vì "không thể làm tôi hai chủ, nửa Thiên Chúa, nửa tiền của được..."
+ "Con lạc đà chui qua lỗ kim": Chúa Giêsu lấy hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim để giải thích những người giàu có mà cậy dựa vào tiền bạc thì khó vào Nước Trời. Ở đây Chúa muốn nhấn mạnh đến những trói buộc do của cải vật chất gây ra, có sức mạnh đến nỗi con người hầu như không còn sức lực và sự chú tâm để tuân theo quyền tối thượng của Thiên Chúa đòi hỏi nữa.
11/ "Như vậy thì ai có thể được cứu độ":
Nghe lời giải thích của Chúa Giêsu, các môn đệ lại càng kinh ngạc như muốn thất vọng vì sức con người yếu đuối trước sự trói buộc do tiền của vật chất gây ra, nên đã thốt lên: Vậy thì ai có thể được cứu độ?
12/ "Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông và nói":
Đây là cái nhìn khích lệ và nâng đỡ các môn đệ đang kinh ngạc trước sự nguy hiểm của vật chất và Người trấn an các ông bằng cách chỉ dẫn cho các ông một chân lý căn bản là sự cần thiết của ơn Chúa: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".
13/ "Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy":
Sau khi được trấn an và khích lệ, Phêrô vội thưa với Chúa để biết rõ kết quả mà các môn đệ sẽ nhận lãnh sau khi đã bỏ mọi sự mà theo Chúa.
14/ "Thầy bảo thật các con...":
Chúa Giêsu đoan hứa chắc chắn rằng những kẻ tháo gỡ tất cả mọi sự liên hệ nhân loại và vật chất để sống như môn đệ của Người thì sẽ nhận được một phần thưởng "Gấp trăm" những gì đã rời bỏ.
+ Kiểu nói gấp trăm có ý diễn tả rằng công lao bỏ chẳng bao nhiêu, nhưng phần thưởng lại được ban cho bội hậu. Phần thưởng ở đây có ý nhấn mạnh về giá trị thiêng liêng: Nhà cửa, ruộng nương, cha mẹ, anh chị em thiêng liêng ở đời này và được sự sống đời đời.
+ Kiểu nói "cùng với sự bắt bớ" để diễn tả những hy sinh đau khổ do việc từ bỏ gây ra.
15/ "Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết...":
Câu này có ý diễn tả sự đảo ngược các ngôi thứ vào ngày phán xét. Vì thế ở đây Chúa Giêsu có ý muốn một đàng nhắn nhủ các môn đệ hãy coi chừng, đừng có tự phụ, đàng khác có ý khích lệ và an ủi các môn đệ là những người đã bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa: ở đời các ông bị thua thiệt, bị khinh rẻ, bị bách hại. Nhưng sẽ được phần thưởng Nước Trời. Ngược lại nhiều người trong những bậc nhất ở đời là những kẻ giàu sang phú quý, thì sẽ ngồi chỗ rốt hết hoặc không có chỗ ở trong Nước Trời.
III. ÁP DỤNG:
A/ Áp dụng theo Tin Mừng:
Qua bài Tin Mừng hôm nay Giáo Hội muốn nhắn nhủ những ai muốn sống đời hiến thân cho Thiên Chúa thì phải quyết tâm từ bỏ mọi ràng buộc trần thế và của cải vật chất, đồng thời khích lệ những ai đang quyết tâm theo Chúa thì sẽ được phần thưởng bội hậu ngay ở đời này và đời sau.
B/ Áp dụng thực hành:
1/ Nhìn vào Chúa Giêsu:
a) Xem việc Người làm:
Chúa Giêsu có ba cái nhìn:
- Cái nhìn âu yếm để gọi người thanh niên giàu có, Chúng ta cần có cái nhìn thiện cảm đối với tha nhân để mời gọi sự hiệp nhất đoàn kết.
- Cái nhìn thương tiếc đối với những người yếu đuối trước sự mời gọi của Chúa. Chúng ta cũng cần có cái nhìn thông cảm tỏ lòng thương tiếc trước những yếu đuối của tha nhân để tìm cách giúp đỡ.
- Cái nhìn khích lệ đối với các môn đệ để trấn an các ông đang kinh hãi trước sự nguy hiểm của tiền của vật chất. Chúng ta cũng phải dùng cái nhìn khích lệ để trấn an những ai đang gặp thử thách nguy hiểm.
b) Nghe lời Chúa nói:
- "Ngươi đã biết giới răn...": Để xứng đáng được Chúa mời gọi sống đời thánh hiến, Chúa đòi hỏi ta phải chu toàn các giới luật Chúa, đặc biệt nghĩa vụ đối với tha nhân.
- "Ngươi chỉ thiếu một điều": Chúa muốn chúng ta theo Chúa không phải chỉ biết chu toàn lề luật, nhưng còn phải biết sống đời từ bỏ nữa. Điều này đòi hỏi ta không được tự mãn vì thấy mình không tội lỗi như người khác, nhưng phải biết noi gương Chúa Giêsu để hoàn thiện mỗi ngày một hơn.
- "Những người giàu có vào Nước Trời khó biết bao": Chúa nhắn nhủ chúng ta đừng để lòng tham lam ham muốn của cải vật chất quá lẽ khiến ta sao lãng việc vào Nước Trời.
- "Vì Thiên Chúa làm được mọi sự": Chúa khích lệ ta trông cậy vào Chúa trong mọi sự và nhận biết: Ơn Chúa là cần thiết cho phần rỗi của ta.
- "Có nhiều kẻ trước hết sẽ nên rốt hết": Chúa cảnh giác ta đừng có tự phụ và khích lệ ta biết hy vọng vào Chúa khi bị "rốt hết" vì Chúa.
2/ Nhìn vào người thanh niên:
+ "Tôi phải làm gì để được sống đời đời?": Khi ta biết đặt câu hỏi như vậy cho mình là chứng tỏ ta đang có lòng ao ước khát khao và tìm kiếm sự sống đời đời, và đó là khởi điểm cho đường nên thánh.
+ "Sụ nét mặt, buồn rầu bỏ đi": vì anh ta có nhiều của cải. Khi ta có nhiều của cải và để lòng dính bén của cải thì ta khó thực thi những đòi hỏi của Chúa. "Đồng tiền nó liền khúc ruột" nên bỏ thì tiếc! cản trở biết bao!
3/ Nhìn vào các môn đệ:
Các ông đã bỏ mọi sự để theo Chúa và Chúa đã hứa ban phần thưởng đời này và đời sau cho các ông. Chúng ta có từ bỏ thực sự, thì mới theo Chúa được và mới hy vọng được phần thưởng của Chúa
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10