
Chú Giải Tin Mừng - Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm B

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B
NGÀY 14/11/2021
Noel Quesson - Chú Giải
Mc 13,24-32
Chúng ta sắp kết thúc năm Phụng vụ. Từng Chúa nhật một ta đã đi theo Đức Giêsu, dựa theo Tin Mừng Thánh Máccô. Chúa đã nói qua dụ ngôn, đã chữa lành nhiều người bệnh, giải thoát những người bị quy ám, trả lời những kinh sư, huấn luyện các môn đệ. Chúng ta có thể có cảm thông biết rõ người. Nhưng chỉ hôm nay, Người mới mạc khải cho ta biết tất cả tầm vóc con người của Chúa. Chỉ còn vài ngày nữa là Người sẽ chết. Người ra khỏi Đền Thánh Giêrusalem, để không bao giờ trở lại đó nữa. Một trong các môn đệ của Người đã lưu ý Người về vẻ đẹp của tòa nhà này, “Thưa Thầy, xin Thầy nhìn xem, những phiến đá đẹp làm sao! Kiến trúc lộng lẫy biết bao" (Mc 13, 1). Để trả lời Chúa chỉ nói; Tất cả sẽ bị phá hủy sẽ không còn viên đá nào trên viên đá nào". Lúc bấy giờ Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê hỏi Người khi nào thì chuyện ấy sẽ xảy đến. Để trả lời câu hỏi đó, Đức Giêsu, đã công bố một diễn từ cuối cùng rất quan trọng thường gọi là diễn từ cánh chung" hay là diễn từ về thời gian cuối cùng”
Bài đọc hôm nay là phần giữa của diễn từ đó.
Trong những ngày ấy, sau một cơn khốn quẫn.
Phải đọc phần trước để hiểu chữ "tai họa". Trước khi Đền Thánh bị phá hủy, Đức Giêsu đã tiên báo ba tai họa như những điềm báo trước.
1. Những ngôn sứ giả, những Mêsia giả sẽ phỉnh gạt nhiều người (Mc 13,5-6).
2. Những tai ương, chiến tranh động đất, đói kém (Mc 13,7-8).
3. Những cuộc bách hại chống lại các môn đệ của Đức Giêsu (Mc 13,9-13). Lúc bấy giờ sẽ xảy ra tai họa ghê gớm là sự tàn phá Đền Thánh, nỗi đau buồn kinh khủng (Mc 13,14) đã được các ngôn sứ báo trước (Đn 9,27). Theo lịch sử chúng ta biết rằng Đền Thánh đã bị tục hóa và phá hủy, bởi những đoàn quân ngoại đạo của Titus, vào năm 70. Chúng ta đừng quên rằng Máccô đã viết trình thuật này gần thời gian đó, lúc mà mọi sự đều có vẻ sụp đổ. Sự bách hại của Hoàng đế Nêron suýt làm tan biến Giáo Hội phôi thai: Vị giáo hoàng đầu tiên, tông đồ Phêrô đã bị đóng đinh đầu ngược xuống đất... Phaolô cũng bị chặt đầu... Các Kitô hữu ở Rôma đã bị thiêu sống trong vườn Vatican. Và cũng chính đế quốc La Mã phá hủy nơi linh thiêng Thiên Chúa luôn hiện diện, đó là Đền Thánh Giêrusalem. Sự lo âu của các tín hữu lên đến tột độ: Đức tin của chúng ta không phải là vô ích sao? Những lời hứa của Thiên Chúa phải chăng chỉ là một giấc mộng đẹp những không hiện thực? Có phải đó là nước Thiên Chúa không?
Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng các ngôi sao từ trời sa xuống và các tinh tứ bầu trời bị lay chuyển.
Đức Giêsu dùng kiểu nói “khải huyền" theo truyền thống, những hình ảnh phóng đại được khuôn đúc sắn, kiểu nói biểu tượng rất thông dụng trong Kinh thánh (Is 13,10 - 34,4 ; Ge 2,10 - 4,15 ; Ed 32,1- v.v...).
Trong những khải huyền của thời đó, những hình ảnh còn mạnh bạo hơn : "Mặt trời sẽ chiếu sáng ban đêm, mặt trăng chiếu sáng ban ngày, máu sẽ từ cây cối chảy ra và những hòn đá sẽ kêu la" (Esdras 5,4).
Ta không nên hiểu những miêu tả trên theo nghĩa vật chất, chúng chỉ muốn nói lên một thực trạng không thể tả được. Đó là sự trở về với tình trạng "hỗn mang" nguyên thủy: Sẽ có một sáng tạo mới, một khai sinh mới, một thế giới mới. "Thế giới cũ đã qua đi, và một thế giới mới đã được hình thành". Thánh Phaolô đã nói thế (2 Cr 5, 17).
Quả thực, những hình ảnh trên rất ý nghĩa. Con người luôn có khuynh hướng "tự biến mình thành thượng đế", và thích dùng những từ vĩ đại : "xây dựng thế giới", "thống trị vũ trụ chinh phục không gian"... nhưng một ngày nào đó tất cả những gì chúng ta cho là vững chắc sẽ trở nên vô nghĩa. Trước những sự xáo trộn của vũ trụ hay các nền văn minh, chúng ta mới khám phá ra rằng chúng ta là những cá nhân nhỏ tí. Nên chúng ta ngước cao hơn chân trời trái đất chúng ta một chút, chúng ta sẽ trở lại đúng chiều kích của mình. Chúng ta là gì với mặt trời và các tinh tú ? Với một vài câu nói, Đức Giêsu đã mở rộng chân trời của chúng ta. Có biết bao điều không tùy thuộc chúng ta, ở ngoài tầm tay chúng ta. Có hàng tỷ mặt trời trên kia, mà ở đó chúng ta đâu có chút quyền lực nào, đang nói cho ta biết sự nhỏ bé của mình. Chỉ có Chúa mới có thể lay chuyển vũ trụ tinh tú ! Các bạn cứ thử xem!
Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến.
Chưa bao giờ, từ lúc Người sinh ra một cách nghèo nàn trong chuồng bò ở Bêlem cho đến hôm nay, Đức Giêsu đã nói về Người như thế. Bỗng nhiên, Người trở nên cao cả vĩ đại, vinh hiển, từ trên cõi trời! Người tự nói Người là thẩm phán ngày cánh chung, mà vai trò này chỉ dành cho Thiên Chúa. Rõ ràng là thế, Người sẽ lặp lại điều này trước Thượng Hội đồng, vài ngày nứa (Mc 14,62).
Cho đến đây, Người đã làm chúng ta quen dần với tước vị Con Người nhưng luôn luôn trong bối cảnh loan báo cái chết của Người (Mc 8,31 - 9,31 - 10,33-35). Qua tước vị này, Đức Giêsu ứng dụng cho mình lời sấm nổi tiếng của Đanien (7,13-14). Đây là tác phẩm của một người "kháng chiến" dưới thời bách hại của Vua Antiochus 4 Ephiphane sách này khẳng định sự chiến thắng của Thiên Chúa, nhờ một "con người từ trên mây trời xuống". Vâng những lực lượng của sự ác, những kẻ áp bức người nghèo, những kẻ dữ sẽ không thể chiến thắng được trong lịch sử.
Tất cả ngôn ngữ khải huyền mà chúng ta vừa nghe chỉ được dùng để làm nổi bật tiếng kêu hy vọng này: Đức Giêsu đến… Như một Đấng chiến thắng, những giáo phái đủ loại những kẻ "cuồng tưởng" trong những thời kỳ có khủng hoảng lớn, cứ lảm nhảm bên tai chúng ta những lời ngăm đe", những "lời sấm giáng họa" và những "câu lên án" của họ. Đối với Đức Giêsu, sự phá hủy Đền Thánh biểu tượng cho sự phá hủy thế giới, là một "Tin mừng" nghịch lý như trong bài tụng ca ngày nay.
Bầu trời đối với chúng con đã tối sầm lại, không còn một ngôi sao nào trong đêm nhưng chúng con biết rằng ngày đã đến nó rất gần.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy đến Maranatha! Xin hãy đến!"
Những Kitô hữu đầu tiên đã mong ước mãnh liệt ngày “trở lại của Chúa" tiếng Hy Lạp là "parousie". Trong Tân ước người ta gặp nhiều lần từ huyền nhiệm này. Maranatha (I Cr 16,22 ; Kh 22,20). Đó là một kiểu nói Aramên, tiếng mẹ đẻ của Đức Giêsu, đã được đưa vào phụng vụ ban đầu, và có nghĩa là "Lạy Chúa, xin hãy đến". Từ Công đồng Vatican II, mỗi Thánh lễ của chúng ta đã lặp lại lời cầu xin, mong đợi trên, trong câu tung hô sau phần truyền phép : "Chúng con mong đợi ngày Chúa lại đến trong vinh quang. Chúng con mong đợi Chúa đến ."
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy đến! Tại sao chúng ta lại không hát với những Kitô hữu đầu tiên trong cùng một âm tiếng của Đức Giêsu " Maranatha!”
Người sẽ sai các thiên sứ tập hợp những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn từ bốn phương về từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.
Có một vài tác giả hiện nay muốn giảm thiểu Đức Giêsu Na-za-rét chỉ còn là một người Na-za-rét bình thường mà thôi! Chúa có những "thiên thần" những kẻ thuộc về người, sẵn sàng phục vụ Người. Người muốn tập hợp tất cả mọi người trên toàn trái đất lại. Thế mà nhân vật nhỏ bé này lại chưa hề rời khỏi đất nước Palestin. Trong những khải huyền cổ truyền mà Đức Giêsu đã dùng lại những hình ảnh thì những xáo trộn vũ trụ báo trước cho sự trừng phạt vĩ đại của Thiên Chúa giáng trên những kẻ phản đạo. Nhưng ở đây, không có những lời như thế trên môi miệng Đức Giêsu. Người chỉ nói đến việc tập họp những người được tuyển chọn. Việc tái lâm của Chúa Giêsu trong vinh quang, vào ngày thế mạt, đó là để tập họp những người thuộc về Chúa từ bốn phương trời, đó sẽ là một đại lễ thế giới, toàn vũ. Đức Giêsu nhìn thấy Người thật cao cả vĩ đại, thần thánh, thế mà Người sẽ phải chịu chết trong vài hôm nữa.
Ở cùng với Đức Giêsu.
Đó là tận thế, những chiến tranh tai ương, bách hại, diệt chủng, sự tàn phá ghê gớm, sự phá hủy đền thánh, sự phạm thường những nơi thánh bởi bọn phản đạo vô luân… tất cả những điều đó chỉ chuẩn bị cho việc tập hợp kể trên. Đây là tiếng kêu hy vọng kỳ diệu nhất mà con người có thể nghe được, ngay cả khi mọi sự sụp đổ quanh mình, ngay cả khi cái chết đến gần kề và có vẻ chiến thắng.
Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà tìm hiểu. Khi nó đâm chồi nảy lộc thì anh- em biết là gần đến mùa hè. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần.
Người ta thực sự không hiểu gì về tư tưởng của Đức Giêsu, khi người ta tỏ ra mình là "ngôn sứ báo động tai họa". Rõ ràng, Đức Giêsu muốn mở ra cho nhân loại niềm trông cậy vào một thế giới mới.
Đó là mùa hè đang đến. Đó là "mùa tươi đẹp" tới gần khi cây cỏ xanh tươi trở lại. Ôi, đó là một dụ ngôn thật đẹp dụ ngôn cuối cùng trước khi Người chết.
Trong cơn nguy nan và sợ hãi, vâng, tất cả mọi sự đều qua đi và chết hết. Nhưng chúng con biết mùa hè sắp đến, trên những cành lá xanh tươi của cây vả.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Maranatha!
Thầy bảo thật anh em; thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.
Chân dung Đức Giêsu thật là vĩ đại! Đây là một cao vọng quá cỡ đối với một người hay chết như chúng ta. Chúng ta chớ quên, vài ngày nữa Người sẽ chết. "Tất cả đều qua đi" Người đã nói thế... Chúng Ta vẫn tồn tại, Ta hiện hữu ; và các ngươi sẽ ở với Ta. Bên kia cái chết của Người, sự Phục sinh đang ló dạng, như bình mình sau đêm mù tối.
Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả người Con đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi.
Người vẫn là một "con người". Người không biết bí mật của Chúa Cha, Đấng vượt lên trên tất cả. Đáng kinh ngạc thay! Thế mà cũng con người đó quả quyết sẽ đến từ mây trời để "tập hợp tất cả những người được tuyển chọn". Đây là một nhân vật phi thường, ngoài quan niệm thường tình của chúng ta.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
" Người sẽ sai các thiên thần đi qui tụ
những kẻ được tuyển chọn từ khắp bốn phương"
BÀI TIN MỪNG : Mc 13, 24 - 32
I. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay là một phần trích trong bài diễn từ của Chúa Giêsu về ngày cánh chung ( Mc 13, 1 - 37 ) . Bài này thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu loan báo về biến cố Người sẽ tái giáng trong uy quyền và vinh quang để phán xét nhân loại .
II. SUY NIỆM:
1 / " Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ ":
Nhân câu chuyện trao đổi về ngày tàn phá Giêrusalem ( Mc 13, 1 - 4 ), Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ các biến cố sẽ xảy ra trong ngày cánh chung .
2 / " Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực ":
+ Trong những ngày ấy : Ở đây không có ý nói đến thời gian cho bằng nói đến những biến cố xảy ra trong thời kỳ trước khi Chúa tái giáng .
+ Những cảnh khốn cực : Trong thời kỳ này, sau những cảnh khốn cực như : chiến tranh, loạn lạc, ngược đãi và phân ly trong gia đình, bị bách hại ... ( Mc 13, 5 - 13 ), thì sẽ xẩy ra các hiện tượng lạ:
+ " Mặt trời sẽ ra tối tăm . Mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các quyền lực trên các tầng trời sẽ bị lay chuyển " : Đây là hình ảnh mượn trong các bản văn Cựu ước nói về ngày của Giavê ( Is 13, 10 ; 34, 4 ; Gr 2, 10 ; 4, 15 ) . Trước uy nghiêm của Chúa Kitô, cũng chính là uy nghiêm của Giavê, vũ trụ rung chuyển, cuộc sáng tạo xưa ( St 2, 1 ) và các thời đại cũ bị tiêu diệt, vương quốc của Thiên Chúa tỏ hiện trong vinh quang . Vì thế, không nên hiểu các kiểu nói này theo đúng nghĩa đen.
Chúa Giêsu muốn mượn những kiểu nói đó để tỏ ra cuộc tái giáng của Người trong ngày cánh chung sẽ diễn ra rất oai vệ .
3 /"Bấy giờ người ta sẽ thấy Con Người ngự đến trong đám mây với quyền năng cao cả và vinh quang":
+ "Con Người ngự đến": Chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến lần thứ nhất trong mầu nhiệm Nhập thể, nay tái giáng trong ngày cánh chung.
+ " Trong đám mây": Không có ý diễn tả một phương tiện di chuyển cho bằng chỉ sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa giữa loài người vì trong Thánh Kinh thường dùng hình ảnh đám mây để chỉ cho biết những lần Thiên Chúa xuất hiện giữa loài người ( Xh 13, 21 ; 19, 9 ; St 5, 13 ; Ed 34, 5 ; Mt 17, 5 ). Ở đây có ý nói rằng khi Chúa Kitô tỏ hiện sức mạnh và vinh quang của Người, thì tất cả thế gian sẽ trông thấy. Việc Người đến cách hiển nhiên như vậy, tương phản với những tiếng đồn sai lạc của các tiên tri giả ( Mc 13, 22 ) .
4 / "Rồi Người sai các thiên thần đến qui tụ những kẻ được tuyển chọn từ khắp bốn phương ":
Dưới đất cũng như trên trời, các Thiên Thần được uỷ phái công việc tập hợp những người được tuyển chọn, tức là những người lành.
Tuy nói đến ngày cánh chung, nhưng Mc không đề cập đến ngày phán xét thế gian, vì ngài muốn nhấn mạnh đến khía cạnh thu thập những kẻ được tuyển chọn như là mục đích chính của ngày cánh chung . Ý nghĩa này chính Chúa Giêsu đã nói : " Ta sẽ đến lại mà đem các ngươi theo Ta, để Ta ở đâu, các ngươi sẽ ở đó " ( Ga 14, 3 ) . Đây là một lời khuyến khích và an ủi chúng ta trong ngày cánh chung .
5 / " Các con hãy học dụ ngôn về cây vả ":
Trong Cựu ước thường dùng những hình ảnh mùa hè và mùa gặt để diễn tả ngày phán xét, ngày cánh chung ( Am 8, 1 ; Is 28, 4 ; Cr 8, 20 ) . Chúa Giêsu lấy hình ảnh cây vả báo trước mùa hè sắp tới để diễn ta hiện tượng xảy ra trước ( Mc 13, 4 - 19 ) báo hiệu ngày đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ tức là tượng trưng cho ngày cánh chung .
6 / "Khi nó đâm chồi nẩy lộc các con biết mùa hè gần đến . Cũng vậy khi các con thấy mọi sự ấy xẩy ra các con hãy nhận biết : Con Người đã tới gần ngoài cửa rồi":
Cái xẩy đến nơi cây vả ( đâm chồi nẩy lộc ) từ mùa xuân, được so sánh với các dấu chỉ trong các hiện tượng xẩy ra như đã nói ở Mc 13, 4 - 13 về tiên tri giả, loạn lạc, động đất, bị bách hại ... dấu chỉ ấy báo cho biết rằng ngày tận cùng gần đến rồi .
7 / “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xẩy đến”:
+ " Thế hệ này ": Là thế hệ đương thời của Chúa Giêsu.
+ Mọi sự đó xẩy đến : Chỉ những tai họa sẽ xẩy ra trước và sự kiện đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ.
Ở đây có ý nói ngay trong thế hệ đương thời với Chúa Giêsu, tất cả những điều đã được loan báo sẽ xảy ra . Quả thật như vậy, thế hệ thời Chúa Giêsu là năm 30, việc tàn phá đền thờ Giêrusalem xẩy ra năm 70, nhiều người đường thời với Chúa Giêsu vẫn còn sống .
8 / "Trời đất sẽ qua đi nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu":
Thiên Chúa đã dùng Lời Người để tạo dựng trời đất, nghĩa là toàn thể vũ trụ ( St 1 ; Tv 33, 6 ; Gl 1, 3 ... ). Vũ trụ này sẽ có ngày tan biến ( Tv 102, 27 ; Is 24, 18 ... ) nhưng Lời của Thiên Chúa luôn bền vững.
Ở đây muốn loan báo sự tan biến của vũ trụ ( Mc 13, 24 - 25 ) nhưng các Lời của Thiên Chúa tỏ ra càng bền vững hơn ( Mc 13, 31 ) vì những Lời đó đặt nền tảng trên uy quyền không hề lay chuyển của Thiên Chúa .
9 / " Còn ngày đó hay giờ đó ..." :
Ở đây không có ý nói ngày giờ của đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ, nhưng có ý nói về ngày giờ của ngày cánh chung.
Ngày và giờ của việc cánh chung hoàn toàn thuộc quyền của Thiên Chúa Cha . Chính Chúa Giêsu, với nhân tính trong mầu nhiệm Nhập thể ( Con Người ) cũng không biết được huống chi ai khác dù các Thiên Thần trên trời cũng vậy . Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu muốn chia sẻ thân phận con người cách sâu xa hơn, và đồng thời nhắc nhủ vì không biết trước được nên cần tỉnh thức và sẵn sàng luôn .
III. ÁP DỤNG:
A / Áp dụng theo Tin Mừng:
Vào Chúa nhật cuối năm phụng vụ, Giáo Hội muốn dùng bài Tin Mừng hôm nay về ngày cánh chung để xác quyết với chúng ta về tính cách chắc chắn của ngày tận cùng của mỗi người cũng như của toàn thể nhân loại, và nhờ đó thúc đẩy mỗi người chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng và tỉnh thức chờ đón ngày đó .
B/ Áp dụng thực hành:
1 / Nhìn vào Chúa Giêsu:
a ) Xem việc Người làm:
+ Chúa Giêsu đã dùng những biến cố tự nhiên như : đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ để nói đến những việc tương lai và có tính cách siêu nhiên : ngày cánh chung, để giáo huấn các môn đệ . Chúng ta phải biết nhìn những biến cố tự nhiên, trước mắt : trong thiên nhiên, ngoài xa hội, nơi con người ... để nhận ra những giáo huấn của Chúa về đời sống bản thân mình cũng như tha nhân.
+ " Các quyền lực trên các tầng trời bị lay chuyển . Bấy giờ Con Người sẽ ngự đến " : Để đón nhận tinh thần của Chúa ( Sống Lời Chúa ) và đón nhận sức sống của Chúa ( ơn Chúa ) thì những quyền lực của ma quỉ, của thế gian, của xác thịt trong bản thân ta phải lay chuyển, nghĩa là phải tan biến đi .
b ) Nghe lời Người nói :
+ Các con hãy học dụ ngôn về cây vả Chúa cũng nhắc bảo chúng ta phải biết quan sát những biến chuyển của vũ trụ vạn vật để nhận ra những bài học của Chúa có liên hệ đến phần rỗi của bản thân mình.
+ Trời đất sẽ qua đi nhưng Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu : Chúa đòi hỏi chúng ta phải tin tưởng vào hiệu quả chắc chắn của Lời Chúa để nhờ đó chúng ta biết thực hành Lời của Người. Chúa muốn chúng ta phải chuẩn bị cho ngày tận cùng của đời mình, tức là dọn mình chết lành.
+ Còn về giờ đó, ngày đó thì chẳng ai biết được, chỉ có mình Cha biết: Chúa không cho chúng ta biết ngày giờ chết của mình là vì muốn nhấn mạnh đến yếu tố bất ngờ của cái chết. Chính yếu tố bất ngờ này đòi hỏi chúng ta phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng và tỉnh thức. Sự sẵn sàng và tỉnh thức này phải có tính cách:
+ Hiện tại : nghĩa là bây giờ, chứ không được khoan dãn, lơi là hoặc bê trễ.
+ Bền vững : nghĩa là liên tục chứ không được thối chí.
+ Tăng triển : nghĩa là mỗi ngày hoàn hảo hơn.
Có sẵn sàng và tỉnh thức như vậy, chúng ta mới được xếp vào hàng những người được tuyển chọn để vào Nước Trời .
2 / Nhìn vào các môn đệ:
+ Các môn đệ xin Chúa giải thích về biến cố Đền thờ Giêrusalem bị tàn phá ( Mc 13, 3 - 4 ), nhưng Chúa dựa vào sự giải thích này để loan báo cho các ông về ngày cánh chung ( Mc 13, 5 - 32 ). Đôi khi chúng ta cũng muốn chạy đến Chúa để xin Người giải quyết những vấn đề hiện tại thuộc về đời sống tự nhiên như : bệnh tật, đau khổ... Nhưng Chúa lại muốn chúng ta dựa vào những vấn đề tự nhiên đó để sống tinh thần siêu nhiên kia: Chỉ có ai biết từ bỏ ý riêng mình để nhận ý Chúa mới có thể nhận ra giá trị đích thực của mỗi vấn đề, mỗi biến cố, mỗi sự kiện trong đời sống .