Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Ba Tuần Bát Nhật Phục Sinh (Ga 20,11-18) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
01/04/2024
420
Maria Mác-đa-la đã theo Chúa khi Người còn sống, đã đứng dưới chân thập giá khi Người chịu chết và đã ra mộ Chúa lúc trời còn mờ tối … Chứng tỏ tình yêu đối với Chúa đã thúc đẩy bà. Nhờ vậy, bà là Người đầu tiên trong loài người được nhìn thấy Chúa Phục Sinh, và được Người trao cho sứ mệnh loan báo Chúa Phục Sinh cho các Tông Đồ và các môn đệ.
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
TIN MỪNG: Ga 20,11-18

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Cv 2,36-41

Phêrô nói rằng: "Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết rằng: Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Đấng Kitô".

Phêrô không đấu dịu. Ông không nói để lấy lòng dân chúng ông đụng tới thính giả vì sự chỉ trích nặng nề, từ biến cố mới diễn ra, từ việc lên án tử mới diễn ra trong thành của họ.

Giữa các thính giả của Người, hẳn đã có những người đẩy mình vào biến cố: có lẽ họ có mặt trong đám đông mà trong năm mươi ngày trước (hơn một tháng) đã kêu la với Pontiô Philatô “Giết đi, đóng đinh nó vào thập giá?”

Và Phêrô đề nghị họ ý thức trách nhiệm phải mang khi đóng đinh Đấng Thiên Sai.

“Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh lên làm Chúa và làm Đấng Kitô”. Phải suy gẫm công thức cốt yếu này thuộc Đức tin của chúng ta: Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu làm Chúa! Sự sống lại mà họ là các chứng nhân, đã biến đổi cái nhìn trước đây họ đã có về Người. Trước đây, họ coi Người là một người đặc biệt, một ngôn sứ, “con Thiên Chúa”, nhưng tất cả những điều đó còn mù mờ trong tâm trí họ. Chính sự sống lại đã là sự khám phá quang sáng: Chúa Giêsu là “Chúa”, Người thông phần hiện hữu của Chúa, Người là Thiên Chúa! Vậy mà anh em đã đóng đinh Người!

Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: "Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?”

Đau đớn trong lòng. Kiểu nói diễn tả một sự xúc động dữ dội. Bất chợt, họ nắm vững được điều họ đã làm. Họ không tái diễn nữa. Làm sao chúng ta cũng có thể được như vậy?

Lạy Chúa, điều đó cũng thường xảy đến với chúng con. Chúng con hiểu ngay. Đối với chúng cuộc khổ nạn của Chúa là một phương thế cốt yếu để ý thức về tội lỗi chúng con. Vậy đời sống chúng con rất nghiêm trọng, các hành vi chúng con làm quan trọng biết bao dưới mắt Chúa… Chúa đã chấp nhận trả giá rất đắt để cứu chuộc chúng con.

Vâng, việc ý thức về tội lỗi con là truyền khác hẳn với một sự khó chịu đơn thuần của con người, tủi buồn vì đã sơ sẩy một việc gì… đây là sự đau đớn vì đã “xúc phạm " đến Chúa. Chiêm ngắm thánh giá quan trọng, để hiểu tội lỗi hơn là đọc hết mọi khái niệm luân lý và tâm lý. Lạy Chúa, con xin ơn được đau đớn trong lòng.

Phêrô nói với họ: "Anh em hãy ăn năn sám hối, và mọi người anh em hãy chịu phép rửa...".

Giáo hội đã chăm sóc việc thay đổi tấm lòng Phêrô là người nói nhân danh Thiên Chúa.. có thể nói, ông theo Chúa Giêsu, và chính những lời của Chúa Giêsu tự động trở lại với ông… “Hãy ăn năn sám hối”.

Trong bài giảng đầu tiên này (và không có một tranh luận thần học nào) chúng ta gặp được sự chính xác và quân bình tự nhiên, về một câu hỏi khó khăn : phải cải đổi đời sống trước ? Hay phải ban Bí tích trước ? Phêrô mau mắn trả lời rằng : Phải làm cả hai.

An năn sám hối: cải đổi đời sống... cố gắng.

Chịu phép rửa: lãnh nhận Bí tích, nhận biết ơn Thiên Chúa.

Đó là lời hứa cho anh em... và mọi người sống ở phương xa.

Sự chính xác trong sự nhận thức về Giáo hội.

Không đơn thuần là “một câu lạc bộ nhỏ”, một làng xóm, một nhóm được đặc ân. Nhưng là một lời mời gọi rộng rãi, gọi mời mọi người truyền giáo.

Ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.

BÀI TIN MỪNG: Ga 20,11-18

Ngoài bản văn của Matthêu, còn có văn bản của Gioan. Ta nhận thấy sứ điệp vẫn là một trong bản chất thâm thúy, chỉ khác nhau trong ít chi tiết. Đó có phải là cùng một trình thuật ? đó có phải là cuộc viếng mộ lần thứ hai ?

Vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mồ, mà khóc.

Bà yêu thương Đức Giêsu chí thiết. Bà vô cùng buồn phiền vì mất Người.

Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mồ thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.

Thi hài không còn ở đó nữa. Ngôi mộ trống không!

Ngay từ đầu, chính chỗ xảy ra biến cố, các Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem đều xác nhận sự việc này..và không bao giờ bài bác. Ngay cả các thủ lãnh Do Thái, khi phải tranh luận gay gắt với các Kitô hữu tiên khởi, cũng không khi nào nói ngược lại. Họ chỉ tìm cách giải thích khác đi ( “các môn đệ lấy trộm người !”)

Việc phát hiện ngôi mộ trống, không bao giờ được nêu lên như một "bằng chứng" cho biến cố Phục sinh. Đó chỉ là một vấn nạn đặt ra, như bất cứ một sự kiện nào cũng đòi buộc như thế , dù không giải thích nổi.

Này bà, sao bà khóc?" - “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi”.

Không, các Kitô hữu tiên khởi không nghĩ đến việc Phục sinh. Điều đó không diễn ra trong tâm trí họ. Đó cũng là kiểm chung mà các trình thuật đều bày tỏ.

Ở đây Maria Mác-đa-la biểu lộ phản ứng đầu tiên của mình, cách thông thường tự nhiên. “Người ta đã lấy mất xác Người rồi”. Tâm trí bà phán đoán như thế.

Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó nhưng bà không biết là Đức Giêsu.

Đức Giêsu đang sống động. Ngài hiện diện ở đó, dù người ta không thấy Người. Đức Giêsu tỏ mình ra cho một số người nhận biết, để xác thực rằng Người luôn hiện diện với họ.

Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?

Chính Đức Giêsu luôn khởi xướng. Chính Người tự bày tỏ, bằng cách gọi đích danh bà : “Maria”.

Bà quay về phía Người và nói rằng tiếng Hipri: "gáp-bu-ni!" Nghĩa là "Lạy Thầy!”.

Khi nghe gọi đúng tên mình, mắt bà mở ra.

Bà cần phải bỏ qua sự hiểu biết về Người trước đây, để có một sự hiểu biết mới. Bao lâu bà còn dừng lại ở quá khứ, bao lâu bà còn muốn gặp lại Đức Giêsu như xưa, bà sẽ không nhận ra được Người : Giờ đây Đức Giêsu đã hoàn toàn khác xưa.

Đức Giêsu bảo: “Thôi đừng giữ Thầy lại,... Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy.

Maria muốn cầm giữ Đức Giêsu lại. Nhưng Đức Giêsu thanh tẩy thứ tình cảm độc chiếm đó: Người trao cho bà sứ vụ đi đến với kẻ khác.

Ngày nay cũng thế, mỗi Kitô hữu chỉ có thể nhận biết Đức Giêsu thật sự tùy theo mức độ họ làm chứng về Người trong thế giới, bên cạnh các anh em mình.

Đức tin có giúp tôi nhận ra Đức Giêsu theo như lời Người đã nói không:

Trong các biến cố đời tôi: “những gì các con làm cho kẻ bé nhỏ nhất, là làm cho chính Thầy”.

Trong tâm hồn tôi: Anh em hãy ở trong Thầy và Thầy ở trong trong anh em"...

Trong Thánh Thể: “này là mình Thầy”

Trong sự tiến hóa của thế giới: "Thầy ở với anh em mỗi ngày cho đến tận thế …”

Trong các thừa tác viên của Giáo hội: “Ai nghe anh em, là nghe Thầy”.

Trong các người nghèo khó và thấp bé: "Ta đói, Ta bị cầm tù…”

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Chúa Hiện Ra Với Bà Maria Mác-Đa-La

HOÀN CẢNH:

Hôm mai táng Đức Giêsu, vì ít thời gian, người ta đã xức thuốc thơm cách hối hả. Sáng ngày sau, mấy bà đã đưa thuốc thơm đến mộ để làm lại cách chu đáo hơn. Khi đến nơi, các bà thấy ngôi mộ trống vì xác Người không còn nữa. Và Chúa hiện ra để củng cố đức tin cho các bà và sai họ đi báo tin cho các tông đồ.

Ý CHÍNH:

Bài tường thuật của Thánh Gioan hôm nay, ghi lại việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với bà Maria Mác-đa-la.

TÌM HIỂU:

11 “Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ …”:

Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ ra mộ Đức Giêsu, trong số đó có Maria Mác-đa-la nhanh chân chạy trước, thấy mộ trống liền chạy về báo tin cho Phêrô, Gioan và các môn đệ khác. Sau đó, bà ra lại lần thứ hai mà ở bên ngoài mộ mà khóc.

12-13 “… thấy hai thiên thần mặc áo trắng …”:

Sự hiện diện của các thiên thần cho thấy: việc Chúa Phục Sinh được chứng thực, không chỉ do ngôi mộ trống mang tính khả giác, nhưng còn là bằng chứng từ trời, bởi sự hiện của các ngài nữa.

14-16 “Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó …”:

Chúa Giêsu hiện ra để củng cố đức tin cho bà. Và Người đã dùng giọng nói quen thuộc, gọi tên bà, bà đã nhận ra Chúa.

17 “…thôi đừng giữ Thầy lại …”:

Vì mừng rỡ, bà muốn ôm chân Chúa, nhưng Người ngăn cản. Điều này có ý nói lên rằng: Gắn bó thân mật, hiệp thông với Người theo cách cũ, trước thời Người sống lại, không còn hợp với hoàn cảnh hiện nay nữa. Tình trạng mới của Chúa Phục Sinh đòi hỏi một tương quan mới, một cách hiệp thông mới với Người và với Thiên Chúa, bằng đức tin sống động. Sau khi lên trời hiển linh, Người mới cử Thánh Thần xuống, làm cho các môn đệ trở thành anh em của Đức Giêsu và con cái của Thiên Chúa.

18 “Bà Maria đi báo cho các môn đệ…”:

Lần này Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ không phải về việc Chúa sống lại, nhưng là việc đã gặp Chúa ra sao.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, khi ghi lại sự việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với bà Maria Mác-đa-la, thánh sử Gioan không nhấn mạnh ở sự kiện Chúa phục sinh cho bằng bản chất hiện hữu mới của Đấng đã sống lại. Người sống lại, kết hợp mật thiết và đi vào vinh quang với Chúa Cha. Đồng thời Người hiện diện cách mới mẻ với những kẻ tin Người.

1. Với Gioan, Phục Sinh và Lên Trời, không phải là hai mầu nhiệm cách nhau bốn mươi ngày, nhưng được nhìn chung như một mầu nhiệm “Lên cùng Cha”. Nghĩa là sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã lên cùng Cha. Vì thế, thân xác sống lại của Người được tôn vinh ngay khi chỗi dậy từ cõi chết (Lc24,51). Tuy thế, Chúa Giêsu còn hiện ra với các Tông Đồ, các môn đệ và những người khác trong thời gian bốn mươi ngày, để tiếp xúc, sinh hoạt với họ, để bổ túc công việc dạy dỗ các Tông đồ (x Cv 1,3). Biến cố Thăng Thiên hữu hình sẽ kết thúc giai đoạn đó.

2. Việc Chúa Phục Sinh hiện ra là cách hiện diện mới của Chúa Giêsu: sự hiện diện này không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian nữa, nên Người có thể đến với hết mọi Người ở mọi thời và ở mọi nơi. Con người chỉ có thể nhận ra bằng đức tin mà thôi.

3. Nhìn vào Maria Mác-đa-la:

- Chúa Giêsu hiện ra, nhưng bà đã không nhận ra, vì bà tưởng là người làm vườn nào đó. Nhưng khi Người gọi tên bà, bà mới nhận ra tiếng nói của Người.

Điều này chứng tỏ, chỉ có ơn Chúa ban, con người mới nhận biết được Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện của Người đang sống động và hiện hữu.

Khi ra mộ, trong tầm nhìn hữu hạn, bà Mác-đa-la chỉ nghĩ ai đó đã lấy xác của Thầy khi thấy ngôi mộ trống. Bà đã không nhớ có lần Đức Giêsu nói: ‘sau ba ngày, Người sẽ sống lại’.

Cũng vậy, bao lâu chúng ta còn dựa vào quan niệm hữu hạn và trần tục của mình, thì không thể nhận ra được những thực tại siêu nhiên. Cần phải gạt bỏ mọi thành kiến, mọi suy nghĩ, suy tư theo kiểu con người, để tin vào Lời Chúa và những gì thuộc về Chúa mà thôi.

- Maria Mác-đa-la đã theo Chúa khi Người còn sống, đã đứng dưới chân thập giá khi Người chịu chết và đã ra mộ Chúa lúc trời còn mờ tối … Chứng tỏ tình yêu đối với Chúa đã thúc đẩy bà. Nhờ vậy, bà là Người đầu tiên trong loài người được nhìn thấy Chúa Phục Sinh, và được Người trao cho sứ mệnh loan báo Chúa Phục Sinh cho các Tông Đồ và các môn đệ.

Chúng ta hãy cảm phục bà Mác-đa-la, và noi gương bà về lòng mến Chúa, gắn bó với chúa để xứng đáng được làm tông đồ cho Chúa.

- Qua câu chuyện Chúa hiện ra với bà Mác-đa-la, chúng ta nhận ra rằng: biết Chúa là biết bằng đức tin. Nhờ đức tin, chúng ta nhận biết Đức Kitô cách sâu sắc hơn thánh nữ Mác-đa-la, vì “Phúc cho những ai không thấy mà tin.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT