
Chú Giải Tin Mừng Thứ Ba Tuần II Mùa Thường Niên | Mc 2,23-28 | Giáo Phận Phú Cường

Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: NĂM LẺ: Dt 6,10-20
Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công trình của anh em, và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người, anh em là những người đã phục vụ và hiến dâng phục vụ các thánh.
Tác giả khích lệ nên lạc quan. Không phải sợ gì Thiên Chúa, nhất là khi người ta nỗ lực yêu Người bằng cách yêu thương anh em.
Kiểu nói đáng ghi nhớ, vì tình huynh đệ là chứng tích diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa theo như sự mạc khải của Chúa Giêsu: Điều các ngươi làm cho một trong những anh em nhỏ bé nhất của Ta, là các ngươi làm cho chính Ta.
Chúng tôi mong ước mọi người anh em thi thố cùng một lòng hăng hái để giữ vững niềm hi vọng đến cùng, ngõ hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ tin tưởng và kiên nhẫn mà hưởng thụ các điều đã hứa.
Chúng ta thấy bộ ba được ưa chuộng nơi thánh Phaolô: đức ái đức cậy đức tin.
Đây thực là tâm cốt của đời sống Kitô hữu: yêu mến, kiên vững và tin tưởng... Ba nhân đức này liên hệ mật thiết với nhau, và dựa vào “lời hứa" của Thiên Chúa.
Khi Thiên Chúa hứa cùng Abraham, Người không dựa vào ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính mình mà thề..
Phải, niềm tin tưởng của chúng ta không đặt ở mình, mà ở Thiên Chúa. Thiên Chúa đoàn kết vô điều kiện. Không phải là một khế ước song phương (cho đi để tôi cho lại), đây là một giao ước vững chắc do sự đoàn kết một chiều từ một bên, là Thiên Chúa!
Vì Thiên Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý định bất di dịch của Người. Giao ước vô điều kiện, bất di dịch. Nên Thiên Chúa đã làm lời thề để nhờ hai điều bất di dịch mà Thiên Chúa không thể sai lời.
Đoạn kết hai lần: do “lời hứa" và do lời thề. Lạy Chúa, xin cảm tạ. Nhận biết sự yếu đuối của con, hai lần con cần đến Chúa. Chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi niềm hy vọng đã ban cho chúng ta.
Niềm hy vọng Kitô giáo không chỉ là một hy vọng thần nhân loại, dựa vào giả thuyết là mọi sự sẽ kết thúc ổn thỏa, vào sự may mắn trộn lộn hầu như đồng đều những thành công và thất bại. Hi vọng cũng không phải là thái độ lạc quan đối với những tâm tình phúc hậu . Nó tồn tại khi mọi sự dường như sụp đổ vì nó chỉ dựa trên đức tin, trên Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành với lời hứa.
Lạy Chúa, xin thực hiện những lời Chúa hứa. Lạy Chúa xin cứu độ chúng con.
Trong niềm hy vọng đó, linh hồn chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn, nơi Đức Giêsu đã vào như vị tiên phong của chúng ta.
Cái “neo” sự vững chắc của thủy thủ, là một biểu trưng quen thuộc của niềm hi vọng.
Ở đây hình ảnh được sử dụng với một sự táo bạo kèm theo Cái "neo" của chúng ta đã bám vào trời... chỉ cần kéo dây là đủ để vọt lên. Thuyền tôi đã cột vào trời.
Một lần nữa, tác giả muốn trấn an các thính giả Do Thái rằng: dù các bạn bị tước đoạt mất phụng vụ của Đền thờ nhưng đừng tiếc gì... Vì cái neo của các bạn là Chúa Giêsu, đã dẫn theo dân mới vào nơi cực thánh, thánh điện đằng sau bức màn của Đền thờ, nơi mà trước kia chỉ có vị thượng tế mới được vào.
Bài đọc II: 1 Sm 16,1-13
Bài đọc Cựu ước, dù có gây hoang mang, nhưng vẫn có lợi ích là cung cấp cho ta những trình thuật ngắn gọn đầy cảm động. Nếu ta chỉ nhìn vào lịch sử hiện đại, ta dễ bị nguy cơ là không ghi nhận một số chân lý quan trọng: ta quá nhìn vào hiện tại... ta không lùi lại cho đủ.
Dù được Thiên Chúa tuyển chọn, Saolê cũng chỉ cai trị mười năm ! chúng ta vừa nghe ông được phong vương (Sm 10), thì lại biết ông đã bị truất phế (Sm 15). và hôm nay ta thử xem vị vua mới được Thiên Chúa tuyển chọn là ai và bằng cách nào!
Như thế, chúng ta học được một bài học cốt yếu là : quá khứ minh chứng cho hiện tại .. ông vua không khi nào được quên rằng :mình nắm giữ vương quyền từ một vị vua đích thực duy nhất... và tôi, nếu đã nhận lãnh những trách nhiệm, thì không phải vì tôi cao cả, nhưng về ân sủng của Chúa được tôn kính trong những yếu kém của ta.
Giavê phán với Samuen: “Ngươi còn khóc thương Sao lê đến bao giờ nữa? Ta đã truất phế nó, nó sẽ không cai trị Ít-ra-en nữa".
Không nên ngó lại đằng sau. Thiên Chúa phán: Hãy tiến tới phía trước! Đừng ngại than khóc trước một thảm họa của quốc gia (vua Saolê sẽ từ trần) hay trước một khó khăn tập thể hay cá nhân. Cuộc sống luôn tiếp diễn. Cần nhìn đến tương lai.
Trước nhan Chúa, tôi nghe những lời trên vang dậy. Tôi áp dụng chúng vào đời sống của tôi. Tôi phải thực hiện điều gì, hay phải theo đuổi ra sao. Trong mười năm sắp tới Lạy Chúa, Chúa chờ đợi chương trình gì, công cuộc thực hiện.. và trách vụ nào nơi con và nơi những người tùy thuộc vào con?
Samuen thưa lại: "Con phải đi đến đó cách nào?"
Đúng vị ngôn sứ ngần ngại, ông lo sợ. Trong Kinh thánh, mỗi lần Chúa trao cho ai một trách vụ, ta thường nhận thấy người đó thoái thác ngay. Lạy Chúa, con cũng vậy như Samuen con cũng sợ điều Chúa yêu cầu con.
Thánh Phaolô sẽ viết: Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan. Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn… hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước nhan Chúa... phần tôi, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt run rẩy" (1Cr 1,27 –2,3).
Giavê chọn Đavít, cậu con út của gia đình Giêsê.
Vấn đề Samuen đảm trách là tìm một người kế vị vua Saolê, để đương đầu với một giai đoạn khó khăn của lịch sử mười hai chi tộc. Xét theo phương diện nhân loại, người ta mong chờ một chọn lựa hợp lý và chắc chắn... một con người trưởng thành, mạnh mẽ và kinh nghiệm!
Thế mà Thiên Chúa sai gửi vị ngôn sứ của Người đến nhà một nông dân tầm thường tại Bêlem và báo sắp hàng bảy người con lớn, đẹp trai và khỏe mạnh nhất... Xem ra đó: là những người được chỉ định trước. Nhưng Thiên Chúa không chọn ai trong họ. "ông còn cậu trai nào nữa không?” không ai nghĩ tới cậu ta. Cậu bé Đavít, cậu con út, chỉ đủ chăn giữ bầy chiên trên các ngọn đồi miền Bêlem.
Bởi vì Thiên Chúa không nhìn theo cách của loài người Loài người nhìn dáng vẻ bên ngoài còn Thiên Chúa nhìn tận đáy lòng.
Tôi cần phải lắng nghe cho kỹ lời trên.
khiêm ngắm thật lâu cảnh "tuyển chọn người non yếu nhất”.
Mầu nhiệm biết bao ! Sự kiện này như báo trước mầu nhiệm Đức Giêsu, được sinh ra, yếu ớt, cũng tại Bêlem này.
Tuy vậy, chúng ta vẫn tiếp tục đề ra những tiêu chuẩn để chỉ định một người có thể thi hành trách vụ: như quyền huynh trưởng, thuộc một dòng dõi hay một gia đình đặc biệt, công trạng, thâm niên.
Cái nhìn của Thiên Chúa khác với cái nhìn của loài người Thiên Chúa có tự do tuyệt đối. Lạy Chúa, xin giúp con chỉ trở nên dụng cụ tầm thường trong bàn tay mạnh mẽ của Chúa.
BÀI TIN MỪNG: Mc 2,23-28
"Xung đột với Biệt phái “(tiếp theo).
1. Chúa Giêsu và các môn đệ Người tha tội.
2. Chúa Giêsu và các môn đệ Người không ăn chay.
3. Chúa Giêsu và các môn đệ Người có tinh thần rất phóng khoáng đối với ngày Sabát…
Vào một ngày Sabát, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bút lúa...
Trước hết, tôi chiêm ngắm cảnh trên... một cách tự nhiên về mặt con người.
Chúa Giêsu đi ngang qua “cánh đồng lúa" với năm môn đệ của Người.
Các môn đệ bứt những bông lúa và nhấn nháp từng hạt một. Họ có đói không? Chắc là có, thế thì đó không chỉ là một cử chỉ máy móc tự nhiên sao? Không phải là một chút háu đói sao ? vào mùa hè, cắn chát một- hạt lúa chín mẩy thì thật là khoái khẩu. Hương vị dịu ngọt của bột lúa mới sẽ làm thơm nức miệng bạn.
Những người biệt phái thưa Người rằng: "Kìa Thầy xem, tại sao ngày Sabát người ta làm điều không được phép như vậy?”.
Những kẻ không ngừng phá đám đang ở đó!
Những kẻ lúc nào cũng rầu rĩ khiến người ta mất vui, đang ở đó! Một cử chỉ nhỏ nhặt đôi chút tự nhiên cũng khiến họ công phẫn trong đời sống họ, cái gì cũng phải đề phòng, điều chỉnh, phô diễn.
Những kẻ giữ Luật chuyên chính đang ở đó. Họ cho mình là sở hữu chủ Luật Môsê và chỉ có họ giải thích mới chính xác. Họ tự nhận mình có vai trò để ý theo dõi mọi người vi phạm luật.
Điều không được phép.
Tiêu chuẩn chính xét theo luật và hình thức, là điều đó có: được phép "... hay " bị cấm "... Cả tôi nữa, cũng thường là một biệt phái, trong đời sống riêng tư' của tôi; trong thái độ xét đoán kẻ khác... mỗi lần tôi chỉ dựa vào luật, vì luật hành xử tôi có được quyền làm điều này hay điều kìa? Có thể tới giới mức nào mà chưa có tội?
Tiêu chuẩn cứng nhắc đó, cần phải được nới rộng. Chẳng hạn, thay vì xác định: "Tôi không trộm cướp"... thì "nên tự hỏi:."Tôi đã không lấy đi khỏi ai điều mà họ mong đợi tôi sao?.
Hay thay vì quả quyết: "Tôi không giết người, cũng không gây thương tích thì nên tư vấn : "Tôi đã không thường làm cho ai đau khổ do lời nói hay thái độ im lặng của tôi, do những lời chỉ trích hay thái độ lãnh đạm của tôi sao ?
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa vẫn nhắc nhở con rằng, vượt qua những gì được phép hay bị cấm đoán, còn có tình yêu là yêu cầu bức thiết hơn cả những điều cấm kỵ.
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Đavít, khi phải túng cực và bị đói.. đã vào nhà Chúa và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình Thượng tế được ăn... và đã cho cả các vận vệ cùng ăn...".
Lạy Chúa, lời trên đây của Chúa gây sửng sốt biết bao!
Chính Chúa, là Thiên Chúa, đã bảo vệ “con người bị túng đói”. Chúa nhấn mạnh rằng, sự sống của con người cần phải đề cao hơn những quy định tế tự. Những chi tiết sơ đẳng của luật tự nhiên (ai đói có quyền ăn)... phải được tuân giữ trước những thực hành tôn giáo (phải tuân giữ các nghi thức phụng vụ).
Thật là sự đảo ngược các giá trị! Mới mẻ biết bao!
Sự chia sẻ đơn thuần mang tính nhân bản, sự sống của con người... có giá trị trước mặt Chúa hơn cả việc tuân hành luật pháp.
Lạy Chúa, khi duyệt lại những hành động khác nhau trong một ngày sống của con dưới ánh sáng lời Chúa, con tự hỏi việc nào Chúa quan tâm nhất...
Người bảo họ rằng: "Ngày Sabát làm ra vì loài người, chớ không phải loài người vì ngày Sabát".
Lề luật được dựng nên vì con người, chớ không phải ngược lại.
Ta sẽ nhìn xem việc áp dụng lề luật trong bài đọc ngày mai.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Tranh luận về việc kiêng việc xác trong ngày sa-bát.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Nguyên nhân cuộc xung đột này chỉ là việc các môn đệ ngắt mấy bông lúa khi đi qua cánh đồng lúa. Một sự việc tầm thường không đáng kể. Nhưng cái tính ghen tương nghi ngờ, cái thói hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của các biệt phái, đã gây nên cớ xung đột giữa họ với Chúa Giê-su về việc kiêng việc xác trong ngày sa-bát. Tính ghen tương hay xoi mói và nghi ngờ thường xảy ra những xung đột, cãi vã và chia rẽ nhau trong đời sống cộng đoàn và xã hội…
2. Ngày lễ nghỉ, bứt mấy bông lúa như thế chẳng có lỗi gì (Dt 23,24-25). Luật chỉ cấm gặt và trục lúa thôi. Nhưng ở dây các biệt phái coi đó như việc gặt hái, là một trong những việc cấm làm trong ngày sa-bát. Đây là tính hay xét nét, khắt khe, quét nhà ra rác, có ít thì xít ra nhiều… dễ sinh ra mất lòng nhau.
3. Trong câu chuyện này, các biệt phái thì tố cáo các môn đệ vi phạm luật sa-bát, còn Chúa Giê-su lại tỏ mình là Chúa, mang nơi mình quyền năng cứu độ: “Con Người làm chủ ngày sa-bát”. Rút kinh nghiệm, chúng ta không được phép đòi hỏi người khác giữ luật quá mức độ luật đòi hỏi.
4. Dựa vào lời Chúa Giê-su sửa sai quan niệm hẹp hòi về việc giữ luật ngày sa-bát, chúng ta rút ra những áp dụng thực hành việc kiêng xác ngày Chúa Nhật:
- “Ngày sa-bát được làm ra vì con người”:
Trong 1Sm 21,1-7, theo lẽ thường, vua Đa-vít đã vi phạm luật tế tự. Nhưng nhiệm vụ duy trì sự sống (bị đói mà không có gì để ăn) phá huỷ hiệu lực pháp lý của luật đó. Vì thế việc kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng trong năm là để giải thoát con người khỏi bị ràng buộc vào của cải trần thế và các công việc ở đời hầu có thời giờ và cơ hội thờ phượng Thiên Chúa và mưu ích cho phần rỗi. Nhưng vì nhu cầu cần thiết cho sự sống của con người như thiếu ăn, nghèo đói, làm ngày nào ăn hết ngày đó, làm không có của để dành cho ngày hôm sau… thì không phải giữ luật này nữa. Nhưng vì sống trong Hội Thánh có tổ chức hữu hình nên những ai muốn được miễn chước giới luật kiêng việc xác thì phải trình lên Đấng bản Quyền.
- “Con Người làm chủ luôn ngày sa-bát”: Câu này ngoài ý nghĩa Chúa tỏ mình là Thiên Chúa có chủ quyền cả ngày sa-bát, còn có tính cách đòi hỏi ngày sa-bát được dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa. Vì thế kiêng việc xác ngày Chúa Nhật là để thong dong có thời giờ và cơ hội thờ phượng Thiên Chúa: như dự lễ, làm việc từ thiện bác ái, phục vụ tha nhân trong các công tác tông đồ truyền giáo, nghĩa là ngày Chúa Nhật ngày thánh hóa con người và sống thân tình với Chúa bằng những việc đạo đức thờ phượng Thiên Chúa.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10