Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Ba Tuần Thánh | Ga 13,21-33.36-38 | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
14/04/2025
672
Trong tâm tình Tuần Thánh, suy niệm mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô: nếu chúng ta nghĩ đến thập giá Chúa Kitô, nếu chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô trên thập giá, nếu chúng ta góp chung những đau khổ là những giây phút hấp hối của chúng ta với sự đau khổ và giờ hấp hối của Đức Kitô, thì lúc đó tất cả không những sẽ được biến cải và có một ý nghĩa, mà còn góp phần vào công cuộc cứu độ thế gian, giải phóng anh em chúng ta và chuẩn bị cho ngày mai tươi sáng.

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN THÁNH
TIN MỪNG: Ga 13,21-33.36-38

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Is 49,1-6

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa hãy chú ý.

Vào một thời mà mỗi dân tộc sống khép kín với nhau ngày nay, vì ít có những tin tức và những phương tiện truyền thông… những lời mời gọi sống phổ quát này thật lạ lùng.

Chính Chúa Giêsu cũng đã không rời xa gì khu vực nhỏ bé Palestina và những vùng giáp giới. Dầu vậy, Người biết mình được sai đến cả thế giới. Người nói với toàn thế giới “Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa hãy chú ý”.

Lòng tôi có phổ quát không? Truyền giáo không? Tôi có bị ám ảnh, như Chúa Giêsu, như Thánh Phaolô bởi việc loan báo Tin Mừng cho những người chưa được biết tôi không? Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (Gr 9,16)

Tôi phải làm gì đối với việc này?

Chúa đã kêu gọi tôi khi tôi còn trong bụng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ.

Lời mời gọi và tình yêu Chúa hoàn toàn nhưng không.

Về phía người tôi tớ không có chút công nào.

Đây là một “ơn ban” lãnh nhận được nhưng không. Trước khi có thể đáp đền, họ đã được yêu.

Thiên Chúa yêu thương trước! “tình yêu, Chúa ở tại điều này là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính người đã yêu thương chúng ta. (Gioan 4,7)

Nên dừng lại một chút với kinh nghiệm nhân loại. Nghĩ đến tình yêu của mẹ của cha tôi. Là “con", chính là ở dưới ảnh hưởng của một tình yêu cả trước khi có thể đáp đền: tình phụ tử và mẫu tử đi trước và thúc đẩy tình yêu của chúng ta.

Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới bóng cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: ngươi là tôi tớ Ta.

Nên dụng cụ hoàn hảo cho Chúa. Để Chúa sử dụng luôn sẵn sàng phục vụ. Lạy Chúa, xin cho con thêm sẵn sàng, theo gương Chúa Giêsu.

Và tôi thưa: "Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích” .

Bị phản bội, bị bỏ rơi, bị khước từ... Chúa Giêsu đã có những ý nghĩ như thế. Những ý nghĩ chán nản sâu xa.

Cảm giác “không làm được gì". Mất thời giờ để làm việc Chúa; phí sức vô ích.

Chỉ những ai bị bỏ rơi mới đoán biết được Chúa Giêsu bị rã rời tới đâu.

Những người cô thân, thất đảm có tin cậy được ở tôi chút nào không? Chúa Giêsu có tin cậy tôi được gì không?

Những công lý của tôi ở nơi Chúa, và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa.

Tôi được vinh hiển trước mắt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh của tôi.

Đây là phản ứng của Chúa Giêsu trong con thất vọng, khi bị cám dỗ vì mất công. Tôi chiêm ngưỡng Người thật lâu Tôi cố bắt chước người.

Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacob, Ta làm cho con nến ánh sáng các dân tộc, để con thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất.

Động lực truyền giáo. Dừng lại ở nhóm nhỏ, ở bộ lạc mình, thật quá nhỏ hẹp. Hãy mở rộng lòng theo linh khí của Chúa: Phổ quát! Chúa Giêsu hấp hối đã ý thức điều đó. Một tấm lòng rộng lớn như thế giới.

BÀI TIN MỪNG: Ga Is,21-38

Sau bài suy niệm hôm qua, theo lịch sử đã xảy ra tại Bêtania vào chiều thứ hai. Chúng ta sẽ bước thẳng sang chiều thứ năm, tại Giêrusalem, trong khi dâng bữa ăn cuối cùng.

Đức Giêsu tuyên bố: "Có một người trong anh em sẽ nộp Thầy". Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai.

Đức Giêsu mở đầu loan báo sự phản bội.

Chỉ mình Người biết. Không có ai hiểu rõ về việc đó.

Trong số các môn~đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến.

Gioan nhấn mạnh điều đó. Chính ông sắp can dự vào danh hiệu này. tình bạn hữu.

Ong đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: "Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” Ông này liền nghiêng mình vào sát ngực Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?”

Cách trên thường được các họa sĩ vẽ lại. Đầy vẻ thân mật.

Vâng, Lạy Chúa, Chúa đã chấp nhận những cử chỉ đơn sơ như thế. Chúa không e ngại phải cần đến thứ tình cảm đó… để có thể nói với những bạn hữu đích thực…

Ngoài ra, một lần nữa qua Tin mừng, ta nhận ra những vai trò bổ sung trong giáo hội: Phêrô mở đầu (vì chính thức giữa vai trò đứng đầu), nhưng chính Gioan sẽ thi hành phận sự cách tế nhị. Mọi người có một chỗ đứng đặc biệt. Mọi người không thể làm hết được mọi việc.

Lạy Chúa, xin giúp con đóng trọn vai trò của con, ở địa vị riêng con. Lạy Chúa, trong những ngày thánh này, theo cách riêng mình, con muốn sống với Chúa. Con dâng lên Chúa tình bạn của con. Con sẽ cố gắng nghĩ tưởng đến Chúa nhiều hơn trong những ngày kế tiếp.

Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ đó. Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa... Đức Giêsu bảo y: "anh làm gì, thì làm mau đi" Những trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.

Tất cả đều diễn ra theo những lời… nói hàm ý đó… với một vẻ đượm chút -xấu hổ giữa Đức Giêsu và Giuđa... như thể Đức Giêsu không muốn gây thiệt hại cho Giuđa: những người khác hiểu được những gì đang xảy ra.

Đứng trước cái chế, Đức Giêsu tỏ ra rất sáng suốt đến độ : Chính Người điều khiển mọi hành động, chính Người quyết định giờ giấc, “Anh tính làm gì thì làm mau đi”. Sự sống của Thầy không gì có thể chiếm đoạt được, nhưng chính tự Thầy trao ban. Đây là mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em.

Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: "Giờ đây. Con người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.. Và Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người”.

Đó là những lời tuyên bố gây ngỡ ngàng. Cũng như hôm qua đã suy niệm, đây là những sự kiện được thi hành trước. “Vinh hiển" đã lộ diện, ngay khi tên phản bối ra đi thi hành, công việc của y.

Hỡi anh em, là những người con nhỏ bé của Thầy, Thầy còn ở với anh êm một ít lâu nữa thôi.. Thầy sẽ ra đi.

Chúa không nghĩ đến Chúa, nhưng nghĩ đến các môn đệ. Họ sẽ ở lại một mình. Chắc chắn, Phêrô đoán ra được điều gì đó . Và đề nghị “theo Đức Giêsu”!

Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.

Phêrô thật đáng thương! ông tưởng mình rất quảng đại và theo cung cách của ông, thì đúng thế. Thế mà Đức Giêsu lại loan báo sự phản bội của ông ngay sau vài chút Giuđa phản bội. Lúc đó, sự yên lặng trở nên rất nặng nề trong nhóm.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hoàn toàn cô đơn. Chúa đã đi đến tận cùng thân phận con người. Con người có thể chết, cũng có thể nhận ra mình nơi Chúa.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Đức Giêsu loan báo Người sẽ được tôn vinh nhờ cái chết của Người

HOÀN CẢNH:

Đức Giêsu ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ lần sau hết, quen gọi là bữa Tiệc Ly. Trong bữa tiệc này, Người lập bí tích Thánh Thể, để muôn đời sống giữa nhân loại

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại sự việc trong bữa ăn, Đức Giêsu loan báo Giuđa sẽ phản bội và ghi lại phần đầu bài diễn từ cáo biệt.

TÌM HIỂU:

21 “Đức Giêsu nói thế rồi, tâm hồn Người xao xuyến…”:

Đức Giêsu loan báo cách công khai về việc có một môn đệ phản bội.

22 “Các môn đệ nhìn nhau…”:

Vì tế nhị và tôn trọng danh dự, Người không nhắc tên môn đệ phản bội, điều này làm cho các môn đệ khác phân vân.

23-25 “Trong số các môn đệ, có một người…”:

Đức Giêsu tuy không nói đích danh nhưng Người làm một cử chỉ: chấm một miếng bánh trao cho Giuđa.cử chỉ này biểu lộ sự thân tình và yêu thương của Người đối với Giuđa.

27-29 “Y vừa ăn xong miếng bánh…”:

Sức mạnh của việc ham tiền (sức mạnh của Satan) đã lôi kéo Giuđa đến chỗ từ chối tình yêu thương của Chúa, nên đã định tâm bán Chúa.

30 “Sau khi ăn miếng bánh…”:

Hành vi bán Chúa của Giuđa, là hành vi thuộc về Satan; vì thế kiểu nói “trời đã tối” có ý nghĩa tượng trưng về giờ của mãnh lực bóng tối (x.Ga 12,35)

31-32 “Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói…”:

Đức Giêsu loan báo Người sẽ được tôn vinh nhờ cái chết của Người:

Khi Giuđa ra đi để thực hiện hành vi bán Chúa, thì cuộc thương khó của Chúa kể như bắt đầu. Vì thế kiểu nói “giờ đây” diễn tả biến cố tương lai như một thực thể hiện tại. Cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu là sự tôn vinh:

- Tôn vinh Chúa Cha nơi Chúa Giêsu vì thánh ý của Chúa Cha về việc cứu chuộc nhân loại được thực hiện nhờ cái chết của Đức Giêsu.

- Chúa Giêsu được tôn vinh vì Người đã vâng phục thánh ý Cha cho đến chết và chết trên thập giá, nhờ vậy Người được tôn vinh.

33 “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ …”:

Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ về cái chết của Người trên thập giá.

Kiểu nói “người con bé nhỏ” có ý nói về các môn đệ, vì số lượng quả là ít ỏi; vì sức mạnh tinh thần cũng yếu kém.

36-37 “Ông Simon Phêrô…”:

Nghe Người nói, Phêrô buồn nhưng hăng hái phân trần. Tuy cung cách của ông chủ quan, tự phụ nhưng thể hiện đầy lòng mến Chúa và quyết tâm theo Chúa.

Đức Giêsu thông cảm và nói tiên tri về việc tử đạo của ông: “sau này anh sẽ theo …” Nhưng Người cũng cảnh giác sự yếu đuối, chối Chúa của ông: “Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần!…”

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Nhìn vào Chúa Giêsu:

- “Tâm thần Thầy xao xuyến”: Nhận lấy thân phận con người, Đức Giêsu cũng có những nét đặc trưng của nhân loại: lo âu, sợ hãi, xao xuyến… khi Người phải đương đầu với vấn đề “có một người trong anh em nộp Thầy”. Nhưng Người đã chiến thắng tất cả mọi yếu đuối, đón nhận cái chết trên thập giá, để trung thành với thánh ý Chúa Cha.

Trung thành với thánh ý Chúa và hết lòng tin tưởng, cậy tông vào sức mạnh của Thập Giá Chúa Kitô, chúng ta sẽ vượt thắng được mọi sự yếu đuối nơi thể xác cũng như tinh thần để thăng tiến trong tình yêu Chúa. Bạn đã cảm nghiệm được điều đó trong cuộc sống hằng ngày chưa?

- “Thầy chấm bánh, đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy”: Hành vi chấm bánh và trao cho Giuđa là dấu chỉ có tính cách loan báo giới thiệu và trả lời cho các môn đệ, nhưng đây cũng là dấu chỉ của tình yêu thương đối với Giuđa. Đáp Lại, Giuđa từ chối bằng cách “liền ra đi”; còn các môn đệ khác thì không hiểu.

Đức Giêsu can đảm chấp nhận cái thất bại này, chỉ vì muốn trung thành với sứ vụ cứu thế của mình. Noi gương Chúa, chúng ta cũng phải can đảm chấp nhận khi không được thông cảm của người thân, và sự cô đơn của những người mình hết lòng phục vụ.

- “Giờ đây, Con được tôn vinh…”:

+ Đức Giêsu được tôn vinh, vì khi Người bị treo trên thập giá, thiên hạ sẽ nhận biết Người là Thiên Chúa (Ga 8,28. Mc 15,39).

+ Đức Giêsu làm vinh danh Chúa Cha, vì khi Người chịu chết, Người đã tỏ lòng vâng phục Chúa Cha cách trọn hảo.

+ Anh Hùng Tử đạo là danh xưng cao trọng cho những ai chịu chết vì Chúa.

* Các Thánh là những người làm vinh danh Chúa, khi các ngài thực thi ý Chúa cách trọn hảo, là “nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành”. “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Kitô hữu cũng góp phần làm vinh danh Chúa bằng cách chu toàn bổn phận theo thánh ý Chúa, thực thi lời Chúa.

* Người kitô hữu chết đi cho thế gian, xác thịt và ma qủy để trung thành với Chúa hằng ngày, sẽ được ơn cứu độ và hưởng vinh quang với Chúa.

2. Nhìn vào các môn đệ:

- Giuđa:

 + Mặc dầu Chúa đã dùng lời nói và việc làm để loan báo, cảnh giác và tỏ tình thương đối với Giuđa, nhưng vì tính ham mê tiền của đã che lấp lòng trí, ông đã phản bội Chúa.

+ Ông coi mạng sống của kẻ khác, của Thầy mình không nặng bằng tiền! Với Giuđa, tiền trên hết, là tất cả! Bởi coi khinh sự sống của người khác và coi trọng đồng tiền, rốt cuộc đời ông rách nát!

Những đam mê thế gian: vật chất, danh vọng và xác thịt là những bức màn che khuất lòng trí chúng ta hướng về Chúa. Hậu quả là sao lãng, thậm chí phản bội bất trung với Chúa qua những hanh vi, ý tưởng và tâm tình bất chính của mình.

+ “Giuđa liền ra đi, lúc đó trời đã tối”: Trời đã tối, ở đây tượng trưng cho giờ của mãnh lực bóng tối hoành hành. Một hành vi xấu xa tội lỗi có thể làm u ám, hoen ố môi trường xã hội. Đó là những gương xấu, làm ảnh hưởng xấu đến tha nhân và cộng đoàn.

Bạn có cảnh giác trước những gương xấu của tha nhân và thức tỉnh về những tai hại do gương xấu của mình gây ra không?

- Phêrô:

+ “Con sẽ thí mạng con vì thầy”: Phêrô tỏ ra hăng say, can đảm và nồng nàn yêu mến Chúa bằng lời nói và tâm tình. Nhưng anh đã yếu đuối trong hành động: “Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”.

Quả là “tinh thần thì mau mắn, nhưng xác thịt thì yếu đuối”. Nói thì dễ, làm mới khó. Này bạn: Nói đúng chưa đúng, nhưng còn phải làm đúng mới đúng. Bạn hãy tự suy nghĩ về tâm trạng và lối sống đạo của bạn để thức tỉnh.

+ Phêrô coi trọng mạng sống như báu vật, có thể đem tặng cho tha nhân “Con sẽ thí mạng con vì Thầy”. Con người chỉ thực sự sống khi biết hiến thân phục vụ tha nhân.

c) Gioan:

Người môn đệ được Chúa yêu, đã được Chúa tỏ cho biết ai sẽ nộp Người. Không phải để Gioan chỉ trích hay tẩy chay kẻ ấy, nhưng để dưới chân thánh giá lúc Chúa chịu chết, Gioan đền bồi và yên ủi trái tim Thầy, bị anh em phản bội.

Chúa cho chúng ta những đặc ân trổi vượt hơn những người khác, không phải để ta hãnh diện hoặc ngăn cách với người khác, nhưng để làm vinh danh Chúa: vì càng được cho nhiều thì càng bị đòi nhiều hơn.

3. Trong tâm tình Tuần Thánh, suy niệm mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô: nếu chúng ta nghĩ đến thập giá Chúa Kitô, nếu chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô trên thập giá, nếu chúng ta góp chung những đau khổ là những giây phút hấp hối của chúng ta với sự đau khổ và giờ hấp hối của Đức Kitô, thì lúc đó tất cả không những sẽ được biến cải và có một ý nghĩa, mà còn góp phần vào công cuộc cứu độ thế gian, giải phóng anh em chúng ta và chuẩn bị cho ngày mai tươi sáng.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT