Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Ba Tuần XII Mùa Thường Niên | Mt 7,6.12-14 | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Noel Quesson
23/06/2025
449
Cùng với Đức Giêsu, cần ghi nhận kỹ điều đó. Những người chấp nhận sống trọn vẹn Tin Mừng, chỉ là số ít. Dĩ nhiên, đây là lời kêu gọi đừng sống theo đám đông, đôi khi cần phải đi ngược lại...

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN XII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 7,6.12-14

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: St 13,2.5-18

Các người chăn chiên của Abram và của lót hay xảy ra cãi lẫy nhau. Vậy Abram nói cùng Lót rằng: "'Bác không muốn có sự bất bình giữa bác và cháu, vì chúng ta là anh em với nhau”.

Và cả chúng ta đó, một cách trực tiếp, trong cuộc sống cụ thể của con người? Một cuộc cãi vã vì kề cận và vì quyền tư hữu: Các đồng cỏ không dồi dào dù cho các đoàn vật của Abraham và của Lót, cháu ông... các người chăn chiên của họ cãi lẫy nhau. Mọi cuộc chiến khởi đầu như thế! Quốc gia hay xã hội. Và đó cũng là cả “chương trình của Thiên Chúa sắp được tỏ bày". Chúng ta là anh em với nhau... vì Abraham có trung thành với Thiên Chúa, vì ông là người của Đức tin và cầu nguyện, nên cũng trung thành với anh em mình: Ông sắp tự ý quyết định nhường cho Lót những cánh đồng tốt hơn, thuộc thung lũng Gioc-đan, được dẫn thủy nhập điều tốt...và Abraham chiếm phần còn lại, những ngọn đồi khô cằn miền núi Canaan.

Tặng cho người khác phần tốt hơn: Chúa Giêsu sẽ lập lại điều đó. Đối với Abraham, ngay từ khi đó, “hòa bình" là tài sản quý giá hơn các tài sản vật chất. Tình huynh đệ trước hết. Đó đã là một “Tin Mừng” sống, đó là chủ đề tình yêu: luật cốt yếu của Nước Trời.

Lạy Chúa, Hôm Nay trong cảnh huống của con, con có lo thực hiện an bình không? Con có kiến tạo tình huynh đệ không? Xin giúp con biết để cho người khác vượt qua con. Chớ gì Đức tin con đặt vào Chúa cũng là một đòi buộc sống bác ái. Chớ gì người ta sẽ không thể nói được rằng “nó thờ Chúa, nhưng chẳng tốt gì hơn. Lạy Chúa, trong chương trình của Chúa, “cầu nguyện” và "thông hiệp huynh đệ” liên đới với nhau. Sự tiến bộ, từng bước một, mà Chúa đòi hỏi, đồng thời phải là “tìm kiếm Chúa" và "tìm kiếm người”. Chúa Giêsu sẽ nói là chỉ hai giới răn mà lại làm nên một.

Tất cả đất mà ngươi trông thấy. Ta sẽ ban cho ngươi.

Abraham là người quảng đại, không tính toán, để xây dựng an bình huynh đệ. Có thể nói: hành động tự thoát này thúc đẩy lòng đại độ của Chúa. “Những ai đã từ bỏ mọi sự, sẽ lãnh nhận gấp trăm". Chắc chắn đây không nói tới việc buôn bán. Nhưng làm sao người ta lại có thể nghi ngờ được là khi chọn Chúa, người ta không mất mát? Lạy Chúa, con không muốn hiểu lời hứa của Chúa chỉ theo nghĩa vật chất tức thời.

Bởi vì con biết rằng có những người yêu Chúa mà đang phải bất hạnh cùng khổ. Nhưng con tin vào lời Chúa. Nếu không phải cho Hôm Nay, con vẫn tin rằng Chúa sẽ ban đầy tràn cho những ai trung tín tốt lành. Lạy Chúa, cần phải thế, phải có công bình.

Abram di chuyển lều trại đến ở thung lũng Mambrê, thuộc miền Hebron, và dựng bàn thờ kính Chúa ở đó.

Apraham đều cầu nguyện vào mỗi giai đoạn của đời sống!

Hành động đầu tiên, mỗi nơi ông dựng lều, là dựng bàn thờ đặt mình trước mặt Chúa. Cuối cùng sự mong đợi sâu thẳm của con người. Đức tin này, không phải trước hết là “một mảnh đất" cũng chẳng phải là "một hậu duệ”, nhưng là chính Thiên Chúa..

Lạy Chúa, xin hãy nên niềm vui thỏa hàng ngày của con! “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Chớ gì sự hiện diện của Chúa nên “đều làm dư tràn đời con”.

Dựng bài thờ! Dâng hiến đời con!

Bài đọc II: 2 V 19,9-11.14-21

Sennacherib, vua Assyri sai sứ đến với Ezékias, vua Giêrusalem rằng: "Ngươi đã nghe biết các vua Assyri đã làm gì cho tất cả các xứ đã tru diệt chúng còn ngươi, ngươi sẽ thoát được ư?"

Đó là lời khiêu khích, là một tối hậu thư Ezkias biết rất rõ ông phải dựa vào đâu. Đạo binh của ông quá yếu trước đạo quân hùng mạnh của Sennacherib và các thủ đô lân cận đã bị triệt hạ. Tại Samari, thủ đô vương quốc miền Bắc, không còn hòn đá nào trên hòn đá này. Vả lại Samari chỉ cách Giêrusalem chừng 60 cây số đã bình địa cả rồi.

Và kìa những binh sĩ đáng gờm đang ở trước cửa thành Giêrusalem: 185.000 người. Xét về phương diện loài người thì đây là tình trạng tuyệt vọng. Đó là thời kỳ của ngôn sứ Isaia. Ong này lập lại cho mọi người là không nên nương dựa vào các “Giao ước" nhân loại, chỉ dựa vào Thiên Chúa mà thôi (Is 10,5-34).

Ézékias cầm lấy lá thư... mà đọc..đoạn ông lên đền thờ Giavê, và trải bức thư trước nhan Giavê.

Thật là một nghĩa cử cảm động. Lạy Chúa, xin nhìn xem, xin Người đọc bức tối hậu thư mà con đã nhận được.

Đây là thái độ của hết mọi thời: người ta đến trình diện trước nhan Thiên Chúa, tỏ bày cho Người mọi nỗi ưu phiền lo toan.

Lạy Giavê, 'Thiên Chúa của Israel, Đấng ngự trên các thần Kêrubim. Chỉ mình Người là Thiên Chúa trên mọi nước thiên hạ. Xin lắng tai nghe... xin mở mắt nhìn...

Chính Isaia đã rao giảng thuyết độc thân. Đây là một điểm độc đáo và là một tiến bộ về quan niệm Thiên Chúa về lịch sử các tôn giáo. Thật thế cho đến lúc này, phần đông các dân tộc tin vào các thần địa phương: Nói chung, mỗi thành đâu có vị thần của mình, mỗi vua, mỗi quốc gia, đều có vị hộ thủ riêng:.. nhưng người ta không có ý bắt buộc kẻ khác kính thờ thần của mình. Điều này càng nhấn mạnh hơn đến đòi hỏi của Israel, một dân tộc duy nhất vào thời đó tôn thờ một:"Thiên Chúa độc nhất của mọi nước trần gian”.

Quan niệm của tôi về Thiên Chúa.

Phải chăng tôi có một ý niệm khá lớn lao?

Tôi có nghĩ rằng Người là Thiên Chúa duy nhất, chân thật cho mọi sắc tộc, là Đấng độc nhất, là Cha của mọi người, Đấng yêu thương mọi người không.

Bấy giờ Isaia sai người đến nói với Ezekias rằng: "Từ Giêrusalem sẽ xuất ra "số sót”, lòng thương hay ghen của Giavê các đạo binh, sẽ thực hiện điều ấy. Vua Assyri sẽ không vào được trong thành này…”

Khi một dân tộc, hay một người nào đặt cả niềm tin vào Thiên Chúa thì xảy ra những việc lạ lùng như thế. Thực sự lịch sử đã cho ta biết, Giêrusalem được cứu thoát nhờ một đạo quân Ai Cập và nhờ một cơn dịch ta sát hại nhiều binh sĩ của sennacherib và buộc vua không vây hãm thành được nữa.

Sự cứu thoát bất ngờ này được giải thích như một dấu lạ bởi trời.

Chúng ta biết nhiều khi các lời cầu nguyện rất sốt sắng cũng không được chấp nhận nhãn tiền.

Bởi vì Đức tin chân thật, tinh ròng nhất phải là một sự phó thác vào tay Thiên Chúa, không chút- tính toán.

Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con. Lạy Chúa, xin lắng nghe chúng con.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con vững tin vào Người, dù chúng con có cảm tưởng là không được Người lắng nghe.

BÀI TIN MỪNG: Mt 7,6-12.14

Của thánh, đứng quẳng cho chó. Ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.

Đây là kiểu nói khó hiểu ; có thể giải thích theo nhiều cách.

Chắc chắn, đó là lời khuyên dạy khôn ngoan, kính trọng những vật thánh.

Kitô giáo là một thực thể thánh một thứ "Ngọc trai " quý giá Đức Giêsu khuyên ta đừng coi thường mà đem trao cho những kẻ không có khả năng hiểu biết. Lợi ích gì khi khích động cơn tức giận của kẻ khác, chỉ vì muốn đề nghị cho họ những yêu cầu mà họ không am hiểu: thái độ cứ khăng khăng cuồng nhiệt -rao giảng Tin Mừng, không phù hợp với điều Đức Giêsu nói ở đây.

Chúng ta cần có thái độ thực tinh tế trong việc trình bày sứ điệp Tin Mừng, để không làm cho Tin Mừng bị tục hóa, bị bác bỏ vì một thái độ nồng nhiệt vụng về. Đây là bài học quan trọng cho nhiều cha mẹ, đối với con cái đã khôn lớn.

Đây cũng là bài học chủ yếu đối với những người đang sống trong các môi trường hoàn toàn xa lạ với tư tưởng Kitô giáo.Khơi lên sự đối kháng, chỉ vì để muốn nói lên sự thật thì thực là thiếu khôn ngoan.

Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.

Đó là khuôn vàng thước ngọc.

Các vị hiền triết trong hầu hết các tôn giáo, đều đưa ra chung quy luật, tương tự. Cũng cần lưu ý: Tin Mừng không chỉ là những gì hoàn toàn riêng lập nhưng cũng thường lặp lại các yếu tố tốt đẹp nhất của nền luân lý chung. Thế nên, trong ngạn ngữ dân gian, ta cũng có thể thấy những câu phù hợp với châm ngôn đạo đức trên: Hãy làm cho người khác những gì mà ta mong muốn người ta làm cho chính mình!

Ta nên nhấn mạnh đến đặc tính tích cực của câu nói. Người ta hãy đổi câu trên sang dạng tiêu cực: Đừng làm cho kẻ khác những gì mà bạn không muốn người ta làm cho mình”.

Kiểu nói tích cực luôn mang một đặc tính hầu như vô tận.

Vì sách Luật Môsê và các sách ngôn sứ dạy như thế.

Đức Giêsu thường nhấn mạnh đến tính đơn nhất và giản dị của cuộc sống. Thay vì phải lúng túng trong nhiều thứ giới luật Người tóm gọn tất cả trong một câu nói vắn vỏi như trên.

Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường rộng thì đưa đến diệt vong... Còn cửa hẹp và đường hẹp thì đưa đến sự sống.

Hai hình ảnh liên kết với nhau: một cửa hoàn toàn bé nhỏ, một con đường rất hẹp.

Đức Giêsu không quên tỏ ra là người bi quan yếm thế. Do đó, những kiểu nói trên đây của Người càng mang đặc tính khá đen tối: đây là Lời 'cảnh cáo nặng nề.

Lạy Chúa, xin giúp con đừng chỉ chọn lựa trong Tin Mừng của Chúa những kiểu nói làm con hài lòng, nhưng biết đón nhận tất- cả.

Chúa đang lặp lại lời nói đó cho chính con. Nếu chỉ đem áp dụng điều đó cho kẻ khác, thì thực là quá dễ!

Vâng, con biết, đường tầm thường là con đường dễ dãi! Cứ việc bước đi trên đó là được.

Những đường hẹp dẫn lên những đỉnh cao thì thường dốc đứng và nhiều sỏi đá.

Lời cảnh giác nghiêm khắc trên đây, có thay đổi được gì trong đời sống của tôi?

Cái gì là khó khăn? Như ý nghĩ của Cha Foucauld, có thể là dấu hiệu của bổn phận không?

Ít người tìm được lối ấy.

Cùng với Đức Giêsu, cần ghi nhận kỹ điều đó. Những người chấp nhận sống trọn vẹn Tin Mừng, chỉ là số ít. Dĩ nhiên, đây là lời kêu gọi đừng sống theo đám đông, đôi khi cần phải đi ngược lại.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thái độ can trường đó, và một nhân cách khá mạnh mẽ, mà Chúa có ý gợi lên qua những lời ngắn ngủi trên đây.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Khuôn vàng thước ngọc

HOÀN CẢNH:

Cuối bài giảng trên núi, Đức Giê Su nhắn nhủ các môn đệ nhiều điều.

Ý CHÍNH:

Bài Tin-Mừng hôm nay ghi lại ba điều giáo huấn của Đức Giê Su để giúp các môn đệ nên hoàn thiện:

- Đừng quăng của thánh cho chó.

- Khuôn vàng thước ngọc.

- Hãy vào cửa hẹp.

TÌM HIỂU:

6 “Của thánh, đừng quăng cho chó …”:

- Của thánh: hiểu là những thịt đã được dâng cúng trong đền thờ ngày xưa theo luật cũ (Xh 22,30; Lv 22,14); Qua hình ảnh này, Chúa muốn nói rằng không được trình bày những điều cao siêu thánh thiện cho những kẻ không đủ khả năng tiếp thu, mục đích là để tôn trọng sự linh thánh và không để cho người ta xúc phạm.

- Chó và heo là những con vật được coi là nhơ bẩn nhất, và dễ dàng gợi cho người Do Thái hình ảnh dân ngoại, và những ai có lối sống như dân ngoại.

- Ngọc trai: tượng trưng cho Nước-Trời (Mt 13,14). Ở đây Chúa dạy phải bỏ tính nhẹ dạ nông nổi trong công tác Tông Đồ.

12 “Vậy tất cả những gì anh em muốn cho người ta làm cho mình …”:

Đức Giêsu tóm tắt tất cả đạo lý đã trình bày (luật Tân Ước) trong một nguyên tắc tổng hợp, được gọi là khuôn vàng thước ngọc. Nguyên tắc này bao hàm tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy về bổn phận con người đối với tha nhân:

- Sánh với Cựu Ước: “Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích” (Tb 4,16) và Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, thì giáo huấn của Đức Giê Su mang tính cách độc đáo vì tích cực hơn: “Hãy làm cho người ta …”.

- Sau này, trong bữa ăn cuối cùng, Đức Giê Su đã biến nguyên tắc này thành điều luật mới (Ga 13,34-35; 15,12).

13-14 “Hãy qua cửa hẹp mà vào …”:

Hình ảnh hai con đường với hai cửa: hẹp và rộng, cho thấy cần phải khước từ những quyến rũ bất chính của một cuộc sống dễ dãi, hưởng thụ để thực hiện khổ chế như Đức Giê Su đã đề ra trên bài giảng trên núi.

Khi nói nhiều người qua cửa rộng và ít người qua cửa hẹp, Đức Giê Su chỉ nhận xét chung theo thường tình nhân loại để nói rằng, tự nhiên con người ai cũng muốn dễ dãi chứ không thích khó khăn. Muốn sống theo Chúa Kitô, con người phải phấn đấu với khuynh hướng tự nhiên ấy (Mt 11,12).

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. “Của Thánh, đừng vứt cho chó …”:

Điều này có ý khuyến cáo rằng: đừng gửi gắm những đồ quý giá cho những kẻ không biết giá trị sử dụng của các đồ vật đó, và rất có thể họ sẽ quay ra chống cự lại.

- Một cách gián tiếp, lời Chúa báo động chúng ta về sự cần thiết phải chuẩn bị kỹ lưỡng khi nhận các bí tích.

- Tránh tính nhẹ dạ nông nỗi: Nghĩa là làm việc không nên làm, nói lời không nên nói, nói với hạng người không đáng được nghe!

- Khi thi hành sứ vụ tông đồ, phải thận trọng chứ không được nông nỗi nhẹ dạ.

2. Khuôn vàng thước ngọc trong đời sống chung là: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”.

- Muốn được người khác giúp đỡ mình, thì chính mình cũng phải nhiệt tình giúp đỡ cho kẻ khác.

- Không muốn người khác nghĩ, nói hoặc làm điều gì xấu hoặc gây tai hại cho mình, thì mình cũng đừng bao giờ nghĩ, nói hoặc làm điều gì xấu hoặc gây tai hại cho người khác.

- Hãy tha thứ để được thứ tha, hãy cho thì sẽ được cho lại, hãy yêu vì sẽ được Chúa yêu lại!

3. “Hãy qua cửa hẹp…”:

- Khi dùng kiểu nói: “hẹp” và “rộng”, Chúa Giêsu muốn nói đến sự lựa chọn giữa việc thiện và việc ác, giữa khôn ngoan và khờ dại, giữa chân lý và gian dối. Điều này đòi hỏi một sự dứt khoác lựa chọn và dấn thân theo Chúa.

- Hình ảnh “cửa hẹp” cho ta nhận ra: cần phải kiềm chế tính xác thịt của ta, bắt nó phải đi vào con đường đạo đức đầy khó khăn, cản trở và đòi nhiều hy sinh, nỗ lực, cố gắng …

- Con đường cửa hẹp đưa tới sự sống chính là Đức Ki-tô: thực hiện giáo huấn của Chúa về sự từ bỏ: “Từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Chúa”.

- Khi nói: “Số người đi vào qua cửa hẹp thì ít, những người qua cửa rộng thì nhiều”: có thể làm cho những người bi quan nghĩ rằng, ít kẻ được vào Thiên Đàng nên sinh ra chán nản, không biết mình có được hay không?

- Tin tưởng vào tình yêu thương và nhân từ của Chúa, chúng ta nhận ra rằng:

- Giữa cửa hẹp và cửa rộng; con người có sự tự do lựa chọn. Và sự tự do này đòi hỏi con người chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình: qua cửa hẹp thì đưa đến sự sống; qua cửa rộng thì đến chỗ diệt vong!

- Chúa mời gọi con người theo Chúa thì phải qua cửa hẹp, nghĩa là phải biết chịu khó, hy sinh, vất vả trong việc thực thi giáo huấn của Chúa.

- Những đoạn Tin-Mừng diễn tả đông đúc người vào Nước-Trời (Mt 8,11; 9,12), dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 21,41) giúp chúng ta phấn khởi vào Nước-Trời qua cửa hẹp.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT