Chú Giải Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXVI Mùa Thường Niên (Lc 9,51-56) | Giáo Phận Phú Cường
CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 9,51-56
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I : G 3,1-3.11-17.20-23
Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông sinh ra: “Chớ gì ngày tôi sinh ra, và đêm mà người ta loan báo: “một người đã được thụ thai”, biến đi. Tại sao tôi không chết đi khi vừa lọt lòng mẹ?”
Hôm qua, chúng ta đã đọc thấy ông Gióp chấp nhận đau thương với lời phát biểu đáng phục... Hôm nay, ta lại nghe tiếng rên siết và lời chống đối.
Ở đây ông Gióp là tiếng dội của mọi người trong mọi ngôn ngữ trên mặt đất: sống mà làm gì? Tại sao tôi sinh ra? Ông mong ước được chết đi.
Tuy nhiên chúng ta hãy ghi nhận rằng ông Gióp không nói lời nào trực tiếp phạm đến Thiên Chúa; ông chỉ dùng những lời xúc động để nguyền rủa “ngày sinh” của ông thôi.
Tôi có biết nghe tiếng than vãn của các người bị thử thách không ? Tôi có biết dùng các thử thách riêng của tôi để cầu nguyện không ? Thiên Chúa không lạ lẫm gì với các lời than vãn của ta. Các lời rên siết của ông Gióp, cũng như bao lời khác trong Thánh Vịnh, làm thành sách Kinh Thánh, sách diễn tả các lời của Thiên Chúa qua ngôn ngữ loài người.
“Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Người nỡ lòng ruồng bỏ con sao?”
Chính trong sự chết mà các người kiệt sức an nghỉ. Tại sao Người lại ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng, ban sự sống cho người đầy sầu muộn, cho những kẻ mong chờ sự chết không đến, họ tìm nó hơn là tìm một kho tàng.
“Ước ao tìm cái chết như tìm một kho báu".
"Sự chết mà những người kiệt sức an nghỉ”.
Không nên xét đoán các lời lẽ ấy của ông Gióp. Khắp nơi, trên địa cầu này, vào lúc này, biết bao người đang thốt ra những lời than vãn tương tự. Các bệnh nan y, các người trọng bệnh, những kẻ đói khát, các người bị bỏ rơi, đều rên siết như thế...
Lạy Chúa, xin lắng nghe tiếng than van vô kể này từ mặt đất vọng lên, nó kéo dài “vô cùng tận” lời kêu thảm thiết của Đức Giêsu trong cơn hấp hối.
Lạy Chúa, xin làm cho sự đau khổ có giá trị cứu chuộc này, kết hợp với sự đau khổ của Đức Kitô. Chớ gl lời than van thốt ra từ một cõi lòng tan nát, được trở nên lời đầy tình mến.
Và lạy Chúa, xin làm cho nhiều người biết quảng đại hiến thân phục vụ nhân loại đau khổ, để chữa lành, an ủi và yêu thương : Ước gì tình thương được nẩy sinh qua mọi người mang cõi lòng tan nát.
Tại sao ban sự sống cho không còn thấy đường đi, và Thiên Chúa bủa vây tứ phía?
Sách ông Gióp là cuốn sách chứa đầy những câu “Tại sao?”. Người ta đặt câu hỏi cho Thiên Chúa. Người ta đòi hỏi Thiên Chúa cho biết lý do của tai họa. Nhưng đó cũng là câu hỏi con người đặt ra cho chính mình.
Đặc điểm của con người biết suy nghĩ là nêu lên các câu hỏi: Nguyên một sự kiện đặt “vấn đề tại sao" ngay trong lúc phẫn nộ, cũng đủ chứng minh rằng sự hiện hữu không bị thu giảm nơi sự dữ. Nếu con người còn đặt “các vấn nạn" thì đó là vì họ còn có khả năng hồi tưởng... Họ còn tưởng rằng họ sẽ là một cái gì khác... Và trong họ còn có động lực của sự sống và hạnh phúc.
Đàng khác nếu con người “chất vấn” Thiên Chúa,
dù là cách cứng cỏi, là dấu con người nhìn nhận Người hiện hữu. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì không có vấn nạn nào được đặt ra... người ta không hỏi gì với cái hư vô. Nếu không có gì ở giữa mặt con người, bấy giờ, các vấn nạn sẽ chẳng những không “được” trả lời mà cũng không còn “lý do” nữa.
Đức Giêsu Kitô là một giải đáp duy nhất của Thiên Chúa cho tất cả các câu “tại sao” này.
Bài đọc II: Dcr 8,20-23
NGÀY NAY, thuyết đại đồng góp phần trong các khát vọng của nhiều người. Mọi quan điểm quá hẹp hòi về nhân loại đều đứa tới thất bại. Phải nhìn rộng.
Đây Chúa các đạo binh phán: “Sẽ có các dân tộc đến đây , trú ngụ trong nhiều thành phố”.
Thuyết đại đồng giữ phần trong tâm tưởng Israel.
Chìm trong môi trường lương dân, suốt đời lưu đày lâu dài, những người Do Thái nhiệt thành nhất ý thức rằng đức tin của họ được hướng tới mọi người. Và họ diễn tả niềm xác tín này khi loan báo rằng, một ngày kia mọi dân sẽ hành hương đến Giêrusalem.
Người này bảo người kia rằng : "Chúng ta hãy đi cầu khẩn tôn nhan Chúa và tìm kiếm Chúa các đạo binh: Còn ta, ta cũng ra đi.
Trong hạn mức, không cần đến sự cổ động giữa các lương dân, có một loại tranh đua lẫn nhau. Thiên Chúa chân thật luôn hấp dẫn. Người ta ao ước: đến chiêm ngưỡng thành này, Giêrusalem nơi người ta tôn thờ Người. Cuộc sống Kitô hữu chúng ta có đặt thành vấn nạn cho những người đương thời như vậy không ? họ có muốn biết điều bí mật làm cho chúng ta sống động không? Trong thẳm sâu cuộc sống chúng ta có một niềm vui thúc động không? Nó từ đâu tới ? Trong tấm lòng chúng ta có một tình yêu không thể giải thích được theo cách thế nhân loại không?
Sẽ có nhiều dân tộc và các cường quốc đến tìm kiếm Chúa các đạo binh ở Giêrusalem và khẩn cầu tôn nhan Chúa.
Vậy đây không nói về sự hiệp nhất chính trị. Đây không phải là thủ đô một vương quốc trần gian: Trái lại, những nước quyền thế đến với nước nhỏ bé! Sự tự họp của nhân loại chỉ là tôn giáo, do đức tin thúc đẩy.
Khi người ta nghĩ tới đó, lại không thật sự là đằng sau các biểu hiện, có hàng triệu người rất khác biệt đã liên kết mật thiết với nhau trong cùng một cuộc kiếm tìm nhan Chúa sao ? Mỗi ngày, khi trung thành cầu nguyện, tôi liên kết với số đông những khuôn mặt hướng về nhan Chúa, và thông hiệp cùng một hơi thở.
Trong những ngày ấy, sẽ có muời người thuộc mọi tiếng nói các dân tộc nắm gấu áo một người Do Thái mà thưa rằng : chúng tôi cùng đi với các ông, vì chúng tôi nghe nói rằng Thiên Chúa ở cùng các ông.
Chúa Giêsu cũng sẽ nói rằng: “Ơn cứu rỗi từ người Do Thái mà đến” (Ga 4.22). Nhưng, đồng thời, Người cũng sẽ thực sự làm tan vỡ mọi cá biệt, khi tán dương một tình yêu đại đồng. Không biên giới. Lối vào đích thực các lương dân đi vào trong dân Chúa, sẽ là Hội Thánh của ngày lễ Ngũ Tuần.
Theo lịch sử, đây là sự việc không chối cãi được.
Và một người Do Thái đương thời, ông A. Chouraqui, cựu thị trưởng Giêrusalem, đã nhận biết vai trò độc nhất này của Chúa Giêsu : “Ngoài bản chất của giáo huấn , nét đặc trưng của Chúa Giêsu hệ tại tới năng lực phi thường thuộc nhân cách tự nhiên và siêu nhiên của Người : năng lực phi thường này cung ứng một nền tảng đầy đủ cho việc xây dựng tình đại đồng không xa lạ với tâm tưởng Israel, chắc chắn như vậy, nhưng Israel đã không có can đảm hay sức mạnh để quả quyết như thế. Chúa Giêsu tiên liệu rằng thời của các dân tộc đã đi qua và công cuộc vĩ đại của Israel từ nay phải thực hiện sự hiệp nhặt đại đồng trong nhân loại”
Còn tôi ? Quan niệm của tôi thế nào ? Tôi có sống khép kín trong những bộ tộc, nguyện đường hay làng mạc nhỏ bé không? Tôi có hít thở rộng rãi bầu khí của toàn thế giới không . Đâu là năng lực truyền giáo của tôi ? Tôi có là Kitô hữu cho tôi không ? Tôi có làm đức tin của tôi có được bộ mặt hấp dẫn không ?
BÀI TIN MỪNG : Lc 9,51-56
Theo chương trình của Luca, bản văn mà chúng ta đọc hôm nay, bắt đầu một tiết mới của tin Mừng Người, sẽ kéo dài tới chương 18, câu 14.
- Trước tiên, Đức Giêsu khởi sự sứ vụ của Người tại Galilê…
- Rồi Người lên Giêrusalem, để chịu chết và sống lại ở đó…
Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời…
Văn thể thật trang trọng.
Bản văn Hy Lạp còn gây cảm kích nhiều hơn: “Vì đã hoàn tất những ngày để cất Người khỏi đời này”.
Cái chết của Người đang đến gần, không phải là một tình cờ. Đó là một sự “hoàn tất”. Cũng là một sự “cất đi” một cuộc đưa lên ! Toàn thể mầu nhiệm Phục sinh, gồm cả mặt tối lẫn mặt sáng, đều được gợi lên ở đây.
…Người nhất quyết đi lên Giêrusalem.
Luca nhấn mạnh : Đó là một quyết định hoàn toàn tự do, Đức Giêsu muốn đi đến tận cùng, đến hoàn thành định mệnh của Người ... và Người “cương quyết” làm điều đó.
Cuộc hành trình lên Giêrusalem, một thành Người tới dự lễ Vượt Qua, là một cuộc hành trình có ý nghĩa to lớn. Đối với Luca, Đức Giêsu sẽ không trở lại quê hương nhỏ bé của Người thuộc xứ Galilê nữa.
“Sự sống Tôi, không gì có thể được, nhưng chính Tôi trao ban”.
Tôi suy ngắm giây phút quyết định này trong tâm hồn Đức Giêsu.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con trước những quyết định can trường, mà đôi khi chúng con phải thực thi.
Người sai mấy sứ giả đi trước họ. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem.
Đối với người Do Thái thành tín, người Samari đã trở thành những người ly giáo, khi họ xây trên núi Garizim một Đền Thờ đối nghịch với Đền Thánh Giêrusalem. Dù bị người Do Thái khinh bỉ, người Samari vẫn đối xử tốt với họ, mà vẫn bị những đoàn người hành hương lên Giêrusalem, khi họ ngang qua xứ sở họ, gây đủ thứ phiền hà.
Đức Giêsu không bỏ rơi miền đất này, nơi hoành hành của chủ nghĩa chủng tộc quá khích, của sự khinh miệt lẫn nhau. Đức Giêsu yêu thương tất cả môi người.
Thấy thế hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “ thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng không”.
Đó là hình phạt mà ngôn sứ Elia đã giáng trả các kẻ thù nghịch của ông (2 V 1,10). Tinh thần chuộng quyền lực luôn ở trong lòng con người. Tệ hại hơn cả khi ta tưởng Thiên Chúa cũng hành xử như thế ! Các môn đệ đáng thương tưởng mình mới là thông dịch viên của Thiên Chúa, và họ chắc rằng mình có chân lý ! Họ cho rằng, phải sử dụng “lửa trời” để xử phạt dân Samari.
Có lẽ chúng ta cũng dễ dàng nguyện xin theo kiểu này: Xin Chúa can thiệp và tiêu diệt các kẻ thù nghịch, xin Người tỏ sức mạnh.
Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông… rồi các môn đệ đi sang làng khác.
Thần Khí của Đức Giêsu là một tinh thần bất bạo động, tinh thần thương xót.
Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ tôn trọng những kỳ hạn dành cho việc hoán cải: công cuộc khám tìm chân lý tiến tới dần dần, chậm rãi, trong tâm hồn con người .
Qua đó , Người cống hiến cho ta khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa . Dù là Đấng Toàn Năng , Thiên Chúa không can thiệp theo độc tài, chuyên chế, để làm gục ngã đối thủ hay kẻ thù. Nhưng như người cha người mẹ, trong khiêm hạ và khó nghèo, Thiên Chúa chờ đợi sự hoán cải.
Rồi Đức Giêsu và các môn đệ đi sang làng khác.
Các người khó nghèo cũng thường phản ứng như vậy, khi bị người đời chối từ. Tôi chiêm ngưỡng Đức Giêsu đang di chuyển tới một làng khác...
Lạy Chúa, con tự chất vấn về những nôn nóng bồng bột của con… trước những tội lỗi, những thất bại của riêng con... trước những chối từ của kẻ khác... trước những trì trệ ì ạch của Giáo hội. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự kiên nhẫn của Chúa.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Đức Giêsu cương quyết lên Giê-ru-sa-lem.
HOÀN CẢNH:
Bài tin mừng hôm nay mở đầu cho một tiết mục khá dài ( Lc 9,51-19,28) riêng Lu-ca, dưới nhãn đề “ cuộc hành trình đi Giê-ru-sa-lem”. với mục đích thì hành sứ mạng thiên sai, đồng thời chú trọng đến việc huấn luyện các môn đệ về sứ mạng của họ sau khi Chúa về trời.
Ý CHÍNH:
Qua bài Tin Mừng này. Chúa dạy các môn đệ phải biết nhẫn nại khi gặp khó khăn thử thách.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Câu đầu của Bài Tin Mừng hôm nay (9,51) cho ta thấy, Chúa Giêsu nhất quyết đi Giê-ru-sa-lem để chu toàn sứ mạng Chúa Cha trao phó, là chịu tử nạn để cứu chuộc thế gian. Vì việc bổn phận, chúng ta có dám hy sinh không? Đặc biệt là vì danh Chúa và vì phần rỗi bản thân cũng như tha nhân, ta có dám quyết tâm thực hiện những việc khó đòi hỏi nhiều hy sinh không?
2. Trong cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Chúa chú trọng đến việc huấn luyện các môn đệ, dạy họ phải có những đức tính nào để theo Chúa. Người dựa vào thái độ hung hăng, nóng nảy, tự ái của hai môn đệ Gio-an và Gia-cô-bê trước sự từ chối của người Sa-ma-ri, để dạy họ bài học cần nhẫn nại khi gặp khó khăn và thử thách... Trong đời sống, nhất là việc tông đồ, chúng ta cần luyện cho mình đức kiên nhẫn và bình tĩnh trước những trái ý và nghịch cảnh.
3. Người làng Sa-ma-ri không chịu chứa chấp thầy trò vì các Ngài đi Giê-ru-sa-lem dự lễ. cuộc sống đạo và sống đời có những lý do khác biệt, nhiều khi đối lập nhau nữa. Chính vì thế mà người đời có những nghi kỵ, kinh khi, cự tuyệt và bách hại Ki-tô hữu. Nhưng “ phúc cho anh em khi vì Thầy mà người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” ( Mt 5,11-12)
4. Khuôn mặt quả cảm của Chúa Giê-su khi quyết định đi lên Giê-ru-sa-lem để chịu thương khó, tử nạn và phục sinh, cũng là khuôn mặt nhân từ, biết thông cảm và tha thứ. Chúa Giê-su chống lại tinh thần trả thù của các môn đệ muốn gọi lửa từ trời xuống thiêu đốt các làng khi không muốn tiếp đón các ngài.
5. Để đối phó với võ lực loài người, Tự nhiên Ki-tô hữu nghĩ đến sức mạnh siêu phàm của Thiên Chúa: Xin lửa trên trời! “Nhưng Hội Thánh không muốn đương đầu với thế gian chống đối mình, một tự hiến thân để phục vụ và cứu giúp họ” ( Phao-lô VI)
6. Khi gặp những chống đối, bách hại và đau khổ, chúng ta, con cái Chúa, nhìn lên khuôn mặt nhân từ, biết thông cảm và tha thứ của Đức Ki-tô, để ta có được sự bình tĩnh, thông cảm, quảng đại, tin tưởng và tha thứ.
7. Chúa Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem để cứu độ nhân loại bằng cái chết và phục sinh của Người, nhưng qua sự từ chối không tiếp đón của dân làng Sa-ma-ri, cho chúng ta thấy không phải ai ai cũng tiếp đón Người, và chấp nhận giáo lý của Người. Ngược lại, họ còn chối bỏ, bách hại và còn lên án tử Người. Điều này giúp chúng ta hiểu và can đảm trước những bách hại của người đời.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10