Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXX Mùa Thường Niên (Lc 13,18-21) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby
28/10/2024
750
Với “con mắt thường”, người ta không nhận ra một cây lớn lên : Mức tăng trưởng của nó không thể thấy được. Cũng vậy, hằng ngày ta qua lại cạnh một cây mà không nhìn thấy nó đang lớn lên. Nước Thiên Chúa tiến triển mà nhiều người không nhận thấy. Chỉ có Đức tin mới giúp ta hiểu rõ...
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 13,18-21

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Ep 5, 21-33

Hôm nay chúng ta sẽ đọc một trang sách thời gian mà xưa kia đã đọc trang sách Thánh lễ hôn phối, và đã nên cớ cho phụ nữ ngày nay tức giận. Chúng ta nói lại một lần cho xong, là Thánh Phaolô đã ở trong một hoàn cảnh mà người phụ nữ phải sống khác thời của chúng ta: Thực sự, người phụ nữ thời ấy, đã ở vào một địa vị thấp kém. Dựa vào sự lệ thuộc pháp lý của người vợ đối với chồng mình, Phaolô gợi ý cho ta thấy rằng Hội thánh tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa Kitô. Nếu người ta không muốn bực mình vô ích, và để cho bài đọc sinh ích lợi cho ta, thì thái độ tốt nhất là:

1. Tìm hiểu ý nghĩa đúng mức về Đức Kitô và Hội thánh…

2. Bù lại, có thể dùng cả hai ý nghĩa cho cuộc sống lứa đôi. Trong thời văn minh ngày nay người ta chưa thể thực hiện được tính hỗ tương hoàn hảo, nhưng người ta đang hướng về đó như một lý tưởng.

3. Đức Kitô và Hội Thánh.

Đức Kitô là đầu của Hội Thánh chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, Thân Thể của Người. Hội Thánh tùng phục Đức Kitô. Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình, vì Hội Thánh, để trước mặt Người có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào…Người muốn cho Hội Thánh được thánh thiện và không có điểm nào đáng trách.

Đức Kitô săn sóc Hội Thánh bởi vì chúng ta là chi thể của Thân Thể Người.

Có hai hình ảnh xen lẫn trong các câu này: Hội Thánh là Thân Thể của Đức Kitô, Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô.

Thân Thể Đức Kitô, chúng ta liên kết sống động với Đức Kitô. Hội Thánh là Đức Giêsu Kitô. Các Kitô hữu là Đức Kitô ở giữa thế gian. Hình ảnh này đẹp lạ lùng và chứa đầy hậu quả. Và hình ảnh này, tách riêng ra, có điều bất lợi là nó không nhấn mạnh cho đủ sự khác biệt giữa Hội Thánh và Đức Kitô. Vì thế, Phaolô miêu tả tư tưởng của ông khi nói trước rằng trong Thân Thể này Đức Kitô là “Đầu”. Chúng ta không phải là “Kitô” tự chúng ta, nhưng bởi vì chúng ta lãnh nhận tất cả bởi “Đầu”.

Hiền Thê của Đức Kitô. Hình ảnh thứ hai này cũng đi theo đường hướng như trên: Luôn ám chỉ một sự kết hợp thân tình… và còn ám chỉ một sự liên hệ giữa hai con người khác biệt. Phải suy niệm về hình ảnh đẹp đẽ này: Đức Kitô đã cứu lấy Hội Thánh ! Người đã kết hợp với Hội Thánh, Người về phe của Hội Thánh và sẽ không tách rời khỏi Hội Thánh bởi Người yêu thương Hội Thánh. Người đã phó mạng sống mình vì Hội Thánh, Người đã chịu chết để làm cho Hội Thánh nên xinh đẹp. Người muốn cho Hội Thánh trở nên thánh thiện và không có gì đáng trách ! Người săn sóc Hội Thánh. Đúng vậy Đức Kitô và Hội Thánh là một, cả hai hiến thân trọn vẹn cho nhau để sinh ra thế giới mới. Và dựa vào tình trạng xã hội đương thời ( chúng ta không sợ phải nhận xét một lần nữa) Phaolô nhấn mạnh đến sự “tùng phục” của Hội Thánh vào Đức Kitô, bởi vì “ người chồng là đầu”.

4. Cuộc sống lứa đôi: chồng và vợ.

Người đàn ông sẽ gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt : mầu nhiệm này thật là cao cả…tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.

Rõ ràng Phaolô nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Nhưng ông cũng nói cho các đôi bạn. Ông đưa Đức Kitô và Hội Thánh ra làm gương mẫu. Không có gương mẫu nào cao cả hơn… Sự nâng lên hàng nhiệm tích, là dấu chứng của ân sủng, là con đường của sự thánh thiện.

Để các đôi bạn “tân thời” và các phong trào quá khích về việc thăng tiến phụ nữ, không còn giận dữ vô lối, thì chỉ cần đọc lại các bản văn này để suy tư về phương diện căn bản của đời sống lứa đôi, là không có phân chia nhiệm vụ theo một nghĩa độc nhất : chồng và vợ có nghĩa vụ trở nên nguồn ân sủng và thánh thiện, người này cho người kia.

Bài đọc II: Rm 8, 18-25

Tôi nghĩ rằng những đau khổ của đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta.

“Từ hệ” thần linh, sự “thừa nhận” kỳ diệu bởi tình yêu mà chúng ta là đối tượng, không tiêu huỷ mọi đau khổ trên mặt đất. Chúng ta còn phải chịu mọi thử thách, như những người không tin. Nhưng chúng có một “ ý nghĩa”: Chúng ta biết rằng chúng dẫn đến “vinh quang sẽ tỏ hiện”.

Các tạo vật ngóng trông sự mặc khải của con cái Thiên Chúa.

Thế giới “hướng về”… tiến tới… nó có một ý nghĩa… chờ đợi.

Nó “ngóng trông”… và đây không phải là một cuộc “chờ đợi thụ động”, con người có một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng, là diễn tả “ước vọng thâm sâu” và nỗ lực để đi tới một ước vọng đó. Làm thăng tiến “mạc khải của con Thiên Chúa”. Làm phát triển con người trong phẩm giá và ý thức được làm “con Thiên Chúa”. Làm cho con người tiến bộ trong cuộc sống phù hợp với phẩm giá của người “con Thiên Chúa”. Lạy Chúa, thật đúng mọi người đều là “con cái Chúa. Thật đúng là Chúa yêu thương con tới mức độ ! nếu con đã thực sự như vậy, điều đó có hoàn toàn đổi mới cuộc sống của con không ?

Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo.

Kiểu nói thật cảm động! Tạo thành “bị trao cho hư ảo” như người ta đã nói xưa…”bị trao cho trống rỗng, vô nghĩa, vô thực”, “bị trao cho hư không”.. Phải ứng nghiệm sự chao đảo của người không nhận có Chúa, để hiểu rõ hơn hệ lụy.

Với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vùng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.

Tạo thành, như con người, là “con” Thiên Chúa, sinh ra bởi tình yêu Chúa, được Thiên Chúa ước muốn, cưu mang yêu mến, tha thiết săn sóc với tình phụ tử.

“ Là con cái Thiên Chúa!”

tôi cố gợi lên trong lòng và trong kinh nghiệm nhân linh, điều mà trong tình phụ tử và tình mẫu tử nhân loại đã biểu thị : Lạy Chúa, là con cái Chúa !

- Sống với Chúa, trong nhà Chúa, kế bên Chúa…

- Lãnh nhận từ nơi Chúa sự sống với muôn vàn chăm lo…

- Thừa hưởng mọi gia sản thần linh, niềm vui, tình yêu, vĩnh tồn và hạnh phúc vô biên..Xin cảm tạ. Xin cảm tạ.

Mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con.

Đây là kiểu nói Kinh Thánh thông dụng. Chúa Giêsu đã dùng kiểu nói này. Quan niệm rất thực tiễn về vũ trụ. Không nên bịt mắt lại. Vũ trụ, và nhân loại không sống trong sự khoan khoái dễ chịu. Những khổ đau, than khóc, bất công, bất hạnh, bệnh tật, đàn áp, tội lỗi, chết chóc. Nhưng này, đối với Chúa tất cả những điều ấy không phải là nỗi khổ của cơn hấp hối”…đưa tới cái chết! Đây là cơn đau của sự sinh nở”…dẫn tới sự sống!

Chúng ta được hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa và ơn cứu-độ thân xác chúng ta. vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được ơn cứu-độ…Nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không trông thấy, chúng ta sẽ kiên tâm chờ đợi.

Tính lạc quan cơ bản, không dựa trên sự quan sát khoa học về vũ trụ, cũng chẳng dựa vào sự triết học tìm ý nghĩa về tương lai của thế giới..nhưng dựa trên đức tin và đức cậy.

Và không có sự khinh miệt nào đối với các khoa học và triết học, mà là sự xác quyết của đức tin : niềm cậy trông là một cuộc vượt qua thế giới hữu hình chứng nghiệm được…một điểm tựa vào mình Thiên Chúa thôi. “ Chúng ta ngóng chờ phúc làm nghĩa tử vĩnh viễn của chúng ta”.

BÀI TIN MỪNG: Lc 13,18-21

Đức Giêsu còn nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví nước ấy với cái gì?”

Đức Giêsu rất ý thức Nước Thiên Chúa là một “Nước ẩn giấu”. “Nước của tôi không thuộc thế gian này”. Do đó, để diễn tả nước đó, phải tìm những kiểu so sánh phải sử dụng cách nói ẩn dụ.

Trước khi đề cập đến “Kiểu so sánh” này, chúng ta hãy gợi nhớ một vài hình thức đã được Đức Giêsu sử dụng mà Thánh Luca ghi lại:

“Ta còn phải đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa đến cho những thành khác nữa” ( Lc 4, 43).

“Phúc cho những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của các ngươi” ( Lc 6, 20).

“Người nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa lại lớn hơn Gioan Tẩy Giả” (Lc 7, 28).

“Phần các con được ban cho biết những mầu nhiệm nước Thiên Chúa”. ( Lc 8, 10).

“Chúa Giêsu sai nhóm Mười Hai đi rao giảng Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 2).

“ Kẻ ngó lại đằng sau là kẻ không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. ( Lc 9, 62).

“Nước Thiên Chúa đã gần kề”. ( Lc 10, 9-11).

“Lạy Cha, ước gì nước Cha trị đến”. ( Lc 11,2).

“Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và các điều đó sẽ được ban thêm cho các ngươi” ( Lc 12, 31).

“Phúc cho kẻ được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” ( Lc 14, 15).

“Nước Thiên Chúa sẽ không đến một cách nhãn tiền. Nước Thiên Chúa ở trong các ông” ( Lc 17, 21).

“Nước Thiên Chúa thuộc về những người giống như các trẻ nhỏ” (Lc 18, 16).

“Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa”. ( Lc 18, 25).

“ Không ai bỏ nhà cửa, vợ con…vì Nước Thiên Chúa mà không nhận lãnh gấp trăm” ( Lc 18, 29).

“Xin nhớ đến tôi, khi Người đến trong Nước của Người” (Lc 23, 42).

Nước Thiên Chúa giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên, trở thành một cây to…

Quả thực, Nước Thiên Chúa là một “ sự lớn dần”..là một cái gì “mọc lên”. Đó là một sự phát triển không thể cầm giữ nổi: người ta không thể ngăn cản, vì đó là chính sức mạnh của sự sống.

Tôi có tưởng nghĩ Nước Thiên Chúa như một điều gì “đã được làm sẵn”, ở thể tĩnh không? Hay tin rằng đó là một công trình của Thiên Chúa đang lớn dần như một cây sống động?

Cái nhìn của tôi về Giáo hội có giống như thế?

Sự sống của tôi có tăng triển, hay giảm lùi?

Thiên Chúa có dần dần hiển trị trong tôi?

Hôm nay, tôi sẽ làm gì để Nước Thiên Chúa lớn mạnh?

Với “con mắt thường”, người ta không nhận ra một cây lớn lên: Mức tăng trưởng của nó không thể thấy được. Cũng vậy, hằng ngày ta qua lại cạnh một cây mà không nhìn thấy nó đang lớn lên. Nước Thiên Chúa tiến triển mà nhiều người không nhận thấy. Chỉ có Đức tin mới giúp ta hiểu rõ.

Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.

Kiểu so sánh trên cho thấy sức mạnh biến đổi của men và tác động không thấy được của nó: Khởi đầu có vẻ tầm thường, nhỏ bé, nhưng kết quả cuối cùng thật kỳ diệu.

Ban sáng, mỗi phụ nữ thường làm bánh. Chiều hôm trước, họ chuẩn bị nhồi bột: một chút men trong lòng bàn tay…được trộn lẫn với hơn ba mươi ký bột…Suốt đêm, cả khối “ dậy men” và đến sáng người ta có thể đặt trên bếp lò.

Cũng vậy, hoạt động của Thiên Chúa thật mạnh mẽ, nhưng người ta ít nhận ra…

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Hạt cải mọc lên.

HOÀN CẢNH:

Để diễn tả cho dân chúng hiểu cách tổ chức và sinh hoạt trong Nước Trời, Đức Giêsu thường dùng những dụ ngôn mà người ta quen gọi là "Dụ Ngôn Nước Trời". Dụ ngôn hạt cải và men trong bột nói về Nước Trời lớn mạnh và phát triển.

Ý CHÍNH:

Qua bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca ghi lại dụ ngôn về hạt cải và men trong bột để trình bày về sức mạnh lan tràn và làm biến đổi Nước Trời.

TÌM HIỂU:

18"vậy Nước Thiên Chúa giống cái gì đây?…":

Đây là câu hỏi không những gây chú ý cho người nghe, mà còn giới thiệu và diễn tả về các chân lý của Nước Trời. Vì các chân lý của Nước Trời thuộc bình diện thiêng liêng, nên cần phải cụ thể hóa bằng những ví dụ cụ thể thuộc bình diện khả giác như hạt cải, men trong bột.

19"Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải…":

Cải là thứ rau bên Thánh Địa có nhiều. Hạt cải rất nhỏ. Để nói về sự bé nhỏ của một vật gì, người ta thường ví: nó to bằng hạt cải! Nghĩa là vật ấy nhỏ lắm. Đức Giêsu cũng có lần nói đến về sự bé nhỏ của hạt cải: "nếu anh em có đức tin bằng hạt cải…" Nhỏ bé thế mà gieo vào đất tốt, cây cải mọc cao lớn, cành lá xum xuê, chim trời đến đậu và có thể làm tổ được.

Dụ ngôn này Chúa không giảng nghĩa, tuy nhiên, đọc lên, chúng ta có thể hiểu ngay được Người nói về công cuộc truyền giáo của Người, và Hội thánh của Người sau này sẽ phát triển mau chóng. Bằng chứng sự lan rộng của Hội thánh trên khắp thế giới, ở mọi nơi, mọi thời.

20-21"… Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men…":

Liền sau dụ ngôn hạt cải, Đức Giêsu còn giảng thêm dụ ngôn nắm men. Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn tỏ cho ta thấy rõ sức cảm hóa phi thường của đạo thánh Chúa. Thực vậy, đạo thánh Chúa được rao giảng đến đâu là ở đó có lòng người được biến đổi, giống như nắm men được vùi vào bột, làm cho cả thúng bột dậy lên.

Có người giải nghĩa dụ ngôn này như một ngụ ngôn: nấm men là chính Chúa Giêsu với Hội thánh của Người; đàn bà trong chuyện là Thánh Mẫu Người, ba đấu bột là ba thế loài người: những người sống trước, sống đồng thời và sống sau Người. Người đem Tin mừng giảng truyền cho cả khối nhân loại thấm nhuần đạo đức thánh thiện. Khiến cho ta nói được như Thánh Phaolô: "chúng tôi là hương vị của Chúa Kitô" (2Cr. 2,15).

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Hai dụ ngôn trên đây có một sức khích lệ rất lớn đối với một nhóm môn đệ bé nhỏ của Chúa Kitô và đối với các nhà truyền giáo, cũng như đối với các Kitô hữu làm tông đồ cho Chúa. Mơ Nước Trời là việc của Thiên Chúa, và Chúa thường dùng những phương tiện xem ra yếu kém để làm việc lớn hầu không còn ai có thể tự phụ cướp lấy vinh quang của Chúa. Cho nên ai càng khiêm tốn cậy trông vào Chúa thì càng được Chúa sử dụng vào những việc vĩ đại của Ngài.

2. Dụ ngôn về hạt cải cho chúng ta nhận ra rằng:

- Nước Trời là một cái gì tăng trưởng mà không có gì đè nén hay ngăn cản được. Do đó Nước Trời không phải là cái gì sẵn có, một cái gì hoàn tất và ở thế tĩnh. Nhưng Nước Trời là một cái gì lớn lên, tăng triển và sống động. Người ta không thể một sớm một chiều nhìn cái cây lớn lên, vì sự tăng trưởng của nó không nhìn thấy được. Cũng vậy, Nước Trời lớn lên nhưng nhiều người không nhận ra. Chỉ có cái nhìn đức tin mới có thể giúp chúng ta nhận ra được điều đó. hoạt động của Chúa làm tăng triển Hội thánh cũng giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình" như vậy đó.

3. Nhìn vào sự tăng trưởng của hạt cải, chúng ta nhận ra: dù một việc nhỏ mọn chúng ta thực hiện vì Chúa, vẫn có giá trị cho việc xây dựng Hội thánh, mở rộng Nước Chúa.

4. Nhìn vào dụ ngôn men trong bột: Hội thánh có một vai trò làm men trong thế giới. Men sẽ hiệu năng nếu nó mạnh, nếu nó không bị biến chất. nó phải chan hòa trong bột, song nó phải làm bột dậy men, chứ không để cho bột bóp chết nó. Hội thánh trong thế giới, người Kitô hữu trong môi trường xã hội, sẽ là những chất men làm sống dậy tinh thần Chúa Kitô: công bình, bác ái, tình thương huynh đệ, bình an.

5. Hạt cải nhỏ bé mọc thành cây lớn, nắm men nhỏ bé làm dậy cả khối bột: Chúa Giêsu dùng hai hình ảnh đó để nói lên sự tương phản, giữa lúc khởi đầu nhỏ bé âm thầm và lúc hoàn thành lớn lao của Nước Thiên Chúa.

Tin tưởng vào ơn Chúa, chúng ta sẽ khiêm nhường đóng góp vào việc tông đồ truyền giáo của Chúa Giêsu bằng những công việc nhỏ mọn của đời thường, nhưng tiềm ẩn một tinh thần Tin mừng sâu xa và mạnh mẽ.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT