Chú Giải Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXIII Mùa Thường Niên (Lc 19,1-10) | Giáo Phận Phú Cường
CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 19,1-10
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Kh 3, 1-6.14-22
Biết người được tiếng là sống, mà thực ra ngươi đã chết. Tỉnh dậy đi… Nếu người không tỉnh thức, thì ta sẽ đến như kẻ trộm, mà ngươi chẳng biết được giờ nào Ta sẽ chợt bắt ngươi.
Các Kitô hữu thế kỷ I cũng như chúng ta, đều dễ mắc chứng xơ cứng, thiếu sinh khí, thiếu động lực… chết chóc, u mê và khô đạo.
Gioan lấy lại lời của Đức Giêsu: “Hãy tỉnh thức”, “trỗi dậy đi”. Ta đến… Ta bất chợt các ngươi, như tên trộm đến vào giờ không ai ngờ.
Đề tài về cuộc tái lâm của Đức Giêsu là đề tài căn bản. Đề tài quan trọng này còn được đề cao trong các lời tung hô Thánh Thể; “Chúng con trông đợi ngài đến trong vinh quang… Ngài đến..”. trong thánh lễ sau lúc truyền phép, chúng ta lặp lại niềm tin đó được diễn tả trong Kinh Tin Kính mà thường ta không làm quan trọng: “Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.
Ngươi chẳng lạnh, mà ngươi cũng chẳng nóng… bởi vì ngươi hâm hâm Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.
Chưa có một lời lên án nào mạnh mẽ như thế về cuộc sống đạo khô khan. Coi chừng đừng nên đoán xét ai khác! đúng, trong thời đại này, rất nhiều người sống đạo, ơ hờ, dửng dưng, nhưng ta chỉ đem áp dụng cho mình sự chuẩn đoán nghiêm khắc này. Thực sự, phải chăng tôi đã sống đạo nhiều năm trong tình trạng khô khan tầm thường như thế? Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cha sai đến để chữa trị và cứu chuộc, xin thương xót con!
Hãy nghe lời ta khuyên… hãy chữa lành ngươi… mọi kẻ Ta yêu mến, thì Ta răn bảo dạy dỗ. Vậy hãy nhiệt thành và ăn năn hối cải!
Rõ ràng cũng là Đức Giêsu Tin Mừng. Đấng đã chữa lành các bệnh nhân, cho người mù sáng mắt. “Mọi kẻ Ta yêu mến”. Ôi lời thân tình biết ba !
“Này, cố gắng lên nào!”. Tôi lắng nghe các lời đầy khích lệ Đức Giêsu đang nói với tôi. Trong giây phút này, Ngài còn lặp lại với con: “Này cố gắng lên con, hối cải đi!”.
Này đây Ta đứng trước cửa và gõ.
Đây là một hình ảnh đẹp của Kinh Thánh, một biểu tượng dễ hiểu, qua mọi thời, cũng một Đấng ấy: “ Thiên Chúa là Đấng đứng cửa nhà ta và mong mỏi vào ta!” Chúa khiêm tốn, kín nhiệm và gần cận biết bao. “ Chúa đã gõ vào nhà bạn và ngỏ lời: bạn ơi, bạn, bạn ơi… nhưng bạn cứ ngủ”.
Ai nghe tiếng Ta và mở cửa…
Thật là lạ lùng và mầu nhiệm cách Chúa tôn trọng tự do của mỗi người. Thiên Chúa không xô cửa mà vào. “Đức tin” cũng vậy, dù ân sủng thôi thúc mỗi người, nhưng nó luôn là một hành vi tự do.
Lạy Chúa, lúc con biết nghĩ đến Chúa thì Ngài đã phải nôn nóng chờ đợi biết bao lâu “ngoài cửa”! Tuy nhiên, Ngài không nản, vẫn tiếp tục gõ từng tiếng nhỏ, âm thầm, để chúng con mở cửa cho Ngài. Tôi muốn suy niệm lâu hơn về hình ảnh này.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết lưu ý hơn tới sự hiện diện của Ngài. Xin giúp con mỗi ngày nhận ra những dấu chỉ báo hiệu ngài đến. Vì mỗi ngày Chúa đến đều như thế.
Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy av2 người ấy, sẽ dùng bữa với Ta.
Một hình ảnh khác, rất giản đơn: Bữa ăn, tiêu biểu tình thân mật, niềm hạnh phúc.
Cộng đoàn “Kitô hữu” Laođi Kêu mà Thánh Gioan viết thư đến, có thể áp dụng cho Thánh Thể, dấu chỉ hiện diện của Đức Giêsu, báo hiệu “ bữa tiệc cứu thế” vào ngày thế mạt. Dùng bữa với một người bạn, một người khác. Đó là một tặng vật của Thiên Chúa. Đó là một “Khải huyền” một “mạc khải” quan trọng rất dịu dàng và đầy hy vọng, đó là một trong các hình ảnh của “ngày thế mạt”.
Xin cảm tạ Người, lạy Chúa!
Bài đọc II: 2 Mcb 6, 18-31
Việc tử đạo Elêadarô là người đầu tiên Kinh Thánh kể lại rất chính xác. Elêadarô là một người trong hàng luật sĩ hy vọng. Ông đã có tuổi và diện mạo oai phong. Ong bị người ta cạy miệng bắt phải ăn thịt heo..”Đó là điều luật Môsê cấm. Ta hãy chiêm ngưỡng thái độ “nội tâm” của con người này trước hết.
Những người chủ tiệc xin người at đem cho ông các thứ thịt ông có phép dùng, rồi ông chỉ giả vờ ăn thịt cúng như nhà vua đã truyền…
Trọn nét đẹp, sự chính xác tổng quát của cảnh này là đó. Đây không chỉ nói về một sự tuân thủ theo hình thức, pháp luật…mà nói về sự gắn bó của cả con người với ý Chúa…
“Giả vờ”…
làm một cử chỉ theo nghi thức mà không tin…một sự giả hình ! Hoàn thành lề luật theo thể chất, là rảnh nợ. Thực chất, ông sẽ như vậy nếu ông nhận tiến trình này. Nhưng hẳn thật, luật không được sống theo hình thức. Lạy Chúa, xin giúp con khám phá ra ý Chúa thâm sâu của mọi lề luật đã được ban cho chúng con. Con ôn lại các luật cư xử, hay luật Hội Thánh đè nặng con hơn cả. Lạy Chúa thật khó “giả vờ”… Khó bằng lòng với việc đúng phép bề ngoài ! lạy Chúa, con phải trung thành không phải với luật, nhưng “với Chúa”. Và người ta không thể lừa gạt Chúa … không thể “Giả vờ” trước mặt Chúa được.
Dầu tôi có thể thoát khỏi hình phạt của loài người, thì dầu sống dầu chết, tôi sẽ không thoát khỏi bàn tay của Thiên Chúa toàn năng.
Đó là điều trái ngược hoàn toàn với kiểu Biệt phái, duy luật, vị hình thức.
Một thái độ chân thực của con người đức tin, là đặt mình “trước mặt Chúa”.
Một người không quy chiếu theo “quan niệm quần chúng”, theo xét đoán của loài người ( thú thực là với họ người ta sẽ sắp xếp, quanh co). một người quy chiếu tuyệt đối về Thiên Chúa.
Trong thời “chủ quan” của chúng ta, thật là tốt đẹp nếu được những người nghiêm khắc, như ông Eleadarô này. Ong sẽ nhắc cho chúng ta rằng, người ta không thể tránh thoát khỏi Thiên Chúa…rằng thật là lố bịch khi nghĩ rằng người ta có thể dùng mưu mô hay bao che mà đánh lừa được Thiên Chúa. Dĩ nhiên một lương dân có thể dàn xếp với thần tượng của họ, và đó là mục đích của các nghi thức pháp thuật.
Nhưng đối Thiên Chúa thật, người ta không “bỏ Người vào túi”, hay không “gạt Người sang một bên”, người ta tôn kính : lắng nghe Người, người ta “ở trong tay Người”… và người ta không thể trốn thoát được!
Tôi gợi lên vài “vấn đề lương tâm” đặt ra cho tôi: trong đời sống nghề nghiệp, gia đình, cá nhân… Tôi cố quy chúng theo “cách nhìn” của Thiên Chúa.
Con xin chịu vọt đau đớn trong thân xác con, với niềm vui trong lòng vì kính sợ Chúa.
Theo lương tâm mình. Theo ý Chúa.
Không phải luôn vui vẻ mọi ngày. Điều đó có thể làm đau đớn thân xác lẫn tấm lòng và ý chí! Nhưng “niềm vui” ở cuối nỗ lực chịu đau thương này. Thật là sự nghịch lý của đời sống Kitô hữu. Đây là tâm trạng của “các mối phúc”: “Phúc cho những ai than khóc… phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính …”
Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng kéo lê cuộc sống như một hình phạt nô lệ. Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng hoàn tất luật Chúa trong nỗi buồn lo. Ôi, xin ban cho chúng con niềm vui! Xin cho chúng con vừa có được lương tâm nghiêm nhặt và trong sáng… lẫn niềm vui sống theo lương tâm ấy! Lạy thánh Elêadarô, xin cầu cho chúng con, xin các thánh trên trời, đã sống nghiêm khắc bổn phận của các ngài ở trần gian này, cầu cho chúng con.
BÀI TIN MỪNG: Lc 19, 1-10
Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó, có một người tên là Da-kêu, ông đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có.
Một lần nữa, chỉ mình Luca trong các thánh sử ghi lại cho ta trang này… làm sáng tỏ thêm một đề tài mà ông ưa thích cách đặc biệt : việc hoán cải các tội nhân.
Trong những cây số cuối cùng của cuộc “hành trình lên Giêrusalem” này, Luca sung sướng thuật cho ta cuộc trở lại của một trường hợp thật khó khăn và coi như không thể hy vọng thực hiện nổi. “ Con Người đến cứu vớt những gì đã hư mất”.
Ông đứng đầu những người thu thuế Rôma.
Một con ngon mà mọi người đều ghét: cộng tác với quân đội chiếm đóng, thông đồng với dân ngoại sùng bái ngẫu thần, áp bức dân tộc đáng thương bằng cách làm giàu trên lưng những kẻ thấp bé, hưởng lợi lộc kếch xù một cách công, phô trương sự giàu có và xa hoa…đó là ông thủ lãnh những người thu thuế của Giêrikhô, thành phố quan thuế mà những giấy phép nhập cảnh cấp phát cho các đoàn buôn Ả Rập đến, cũng để lại những phần lời rất hậu hĩnh.
Đối với mọi người nhất là nhóm Pharisêu, ông “Dakêu” này là con người cần phải đốn ngã, một kẻ tội lỗi rõ ràng đã “hư mất”, thối nát.
Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là người thế nào, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ong liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.
Ông ta muốn “nhìn xem”.
Con người này suốt đời chỉ bòn khoét tiền của, tỏ ra không hài lòng. Ong phải vượt qua những chướng ngại. Đám đông làm bình phong cản chắn. Ông không sợ phải tỏ ra dị kỳ. Bằng mọi giá, phải tạo được sự “tiếp xúc” với Đức Giêsu. Không cần để ý đến địa vị của người thủ lãnh các nhân viên sở thu thuế, ông leo lên một cây, trước cái nhìn chế nhạo của những người quen biết!
Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và gọi ông: “Này ông Dakêu xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải đến ở nhà ông”. Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.
Cần, dừng lại ít thời gian để hình dung ra cảnh trên, rất cụ thể, đầy sinh động và cảm kích: những lời hỏi han được trao đổi…cử điệu…dáng đi…khuôn mặt…niềm vui…
Đức Giêsu có thể để ông ngồi chót vót trên cây sung và thẳng bước trên đường của Người. Người cũng có thể chấp nhận lời mời đến nhà một người nào đó đáng kính hơn. Nhưng trong khi khởi sự trước , Đức Giêsu biết rằng, Người đang làm một điều không nên làm : một người Do-thái đạo đức không nên tham dự bàn tiệc với một người thu thuế ( Lc 15, 2 ; 5, 30).
Thấy vậy, mọi người mới xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”.
Đức Giêsu đã yêu cầu không nên làm gương xấu, nhưng đôi khi chính Người lại không ngần ngại gây cớ vấp phạm, qua những thái độ không phù hợp với ý kiến phổ thông của thời Người. Một ngày kia Người đã nói: “Phúc cho ai không bị vấp phạm vì tôi” (Lc 7, 23) Đức Giêsu là “ Vị cứu thế” đến trở thành gai chướng!
Ông Dakêu đứng lên thưa với Chúa rằng: “Tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo, và nếu tôi đã lường gạt ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.
Không cần phải giải thích. Tôi cứ đọc lại thật chậm những lời trên, nhiều lần.
Đức Giêsu nói với ông ta rằng: “Hôm nay, nhà này đã được ơn cứu-độ, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”.
Luca thường ghi nhận, ơn cứu-độ đang được thể hiện ngay Ngày hôm nay ( Lc 2, 11. 3,22. 5, 26. 13, 32. 19, 9. 23, 43). Hôm nay, Thiên Chúa muốn cứu-độ tôi.
Trang này là một mô hình tuyệt vời: Người ta nhận ra ở đó sự nghèo khó của tội nhân, sự cộng tác cách tự do của họ nhờ ý muốn thoát khỏi tình trạng đó, việc Thiên Chúa chủ động, Đức Giêsu dùng bữa với người tội lỗi niềm vui được tha thứ, tâm hồn mới mẻ và được biến đổi.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Chúa gặp ông da-kêu.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Người muốn cứu vớt tất cả mọi người, nhất là đối với các tội nhân, như chính lời Đức Giêsu hôm nay đã nói: "Con Người đến tìm kiếm và cứu những gì đã mất".
Câu chuyện ông Da-kêu được ơn trở lại hôm nay đã chứng minh tình thương cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô.
2. Cái nhìn đối với ông da-kêu:
Người Do Thái nhìn ông dưới khía cạnh là người tội lỗi, nên đã khinh bỉ và xa lánh ông.
Chúa Giêsu nhìn ông đáng là người được cứu giúp, nên đã thương và tha thứ cho ông, khi thấy ông có thiện chí sám hối và đền tội.
Chúng ta nhìn tha nhân nhất là những người xấu về luân lý trong cuộc sống hằng ngày với cái nhìn theo kiểu người Do thái hay với kiểu tình thương quảng đại của Chúa Giêsu?
3. Chúa Giêsu đã nhìn thấy ông Da-kêu và vào nhà ông, một người tội lỗi, vì ông đã có lòng khao khát nhìn xem Chúa, đã đón Chúa vào nhà bằng tâm tình sám hối cách thành thực và quảng đại.
Mỗi lần rước lễ, chúng ta phải tỏ lòng khao khát và tin tưởng Chúa ngự vào nhà linh hồn mình bằng tâm tình sám hối và quyết tâm biến đổi đời sống cho phù hợp với phẩm giá là đền thờ của Thiên Chúa ngự.
4. Cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu tại nhà ông Da-kêu đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong cuộc đời của ông. Trước khi Chúa Giêsu có thể nói một lời về quá khứ tội lỗi của ông, thì ông đã tự động đề ra những biện pháp sửa đổi những lỗi lầm ông đã phạm: ".. này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi sẽ đền gấp bốn…".
Mỗi lần chúng ta rước Chúa vào lòng, chúng ta cũng phải có tâm tình biến đổi đời sống bằng những công việc cụ thể như tha thứ thay vì kết án, bác ái thay vì gây thiệt hại, tình thương thay ghen ghét, quảng đại thay ích kỷ, vị tha thay vụ lợi,….
5. Trong tâm tình và bầu khí của những tuần lễ cuối năm phụng vụ, chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương biến đổi đời sống của ông Da-kêu, để hằng ngày nỗ lực sám hối và quyết tâm biến đổi đời sống, không những chúng ta cần phải gạt bỏ những dính bén về của cải vật chất, xác thịt, lướt thắng những tiêu cực và những đam mê xấu trong đời sống, nhưng còn phải tích cực khao khát về Chúa, tìm kiếm Chúa để sống theo Chúa.
6. Và giờ đây, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Da-kêu để chuẩn bị tâm hồn xứng đáng được đồng àn với Đức Kitô nơi bàn tiệc Thánh Thể của Người.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10