Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XIII Mùa Thường Niên | Mt 9,14-17 | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Noel Quesson
04/07/2025
390
“Khi chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay”: Ở đây Chúa ngụ ý nói trước về cái chết của Người. Từ ngày Chúa vào Vinh Quang, Hội Thánh vẫn truyền giữ những ngày chay tịnh trong khi mong chờ Chúa trở lại...

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN XIII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 9,14-17

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: St 27,1-5.15-29

Tường thuật chúng ta đọc hôm nay rõ ràng ít khuyến thiện. Nó nói về mưu kế của Rêbecca, sắp sấp để tước mất của Êsau “quyền trưởng nam”, mà cho Giacob con thứ của bà. Mưu kế dối trá, bất công. Đừng ảo tưởng các tác giả và độc giả xưa đã không gian xảo hơn chúng ta. Họ cũng không tìm minh chính hay nêu gương về những diễn biến tệ hại như vậy. Nếu họ kể lại mưu mô ghê rợn này, chính là họ thấy ở đó một loại bài học bí nhiệm, mâu thuẫn.

Thiên Chúa điều khiển chương trình của Người giữa những lầm lẫn của con người... Người đạt tới đích bất kể sự yếu hèn của những dụng cụ Người dùng…

Đây không phải là lần chót Thiên Chúa dùng sự dữ để rút ra điều lành. Đây cũng chính là luật chung của cuộc tạo dựng. Thi sĩ Péguy đã diễn tả rất hay điều đó: "Đôi khi người ta tự hỏi làm sao suối Hy vọng chảy hoài?" Đứa trẻ này kín nước trong lành ở đâu? Chúa phán, hỡi những người lương thiện, đó không phải là xảo quyệt.

Chính với những nước xấu nước dơ mà nó làm thành nước trong. Nó làm thành nước trong từ nước đục. Những tâm hồn thông suốt từ những tâm hồn trì trệ. Những tâm hồn trong sáng từ những tâm hồn xáo trộn. Chính từ tâm hồn nhơ nhớp nó làm thành tâm hồn trinh trong. Nó không hề thiếu bao giờ.

Vâng, chúng con biết điều đó. Lạy Chúa, Chúa có thể biến đổi chúng con, và dùng những phương tiện nhân loại tầm thường của chúng con.

Như thế, trang sách này, một cách nghịch thường, có thể ban lại cho chúng con một vài hy vọng. Chúng con tin tưởng rằng mọi sự dữ trên đời sẽ không ngăn cản được Chúa thực hiện chương trình của Người.

Thiên Chúa là chủ tế tối thượng, trong những chọn lựa của Người... Người gọi kẻ người muốn để thực hiện công trình Người.

Đây là bài học thứ hai. Thánh Phaolô nhấn mạnh trong thư giả người Rôma 9,10-13.

Điều đó diễn đạt bằng chủ đề, khá thông thường trong Kinh Thánh, về "con út chiếm chỗ trưởng nam " Các quyền thủ đác không đáng kể gì trước quyền hạn tối thượng của Thiên Chúa. Đây sẽ là trường hợp của Giuse, được chọn hơn là anh em mình. Của Đavid Người nhỏ nhất trong gia đình của Salômôn.

Đó còn là một chủ đề nghịch thường phải suy nghĩ, rất thời sự, bất kể những biểu hiện bề ngoài: chính ta luôn có khuynh hướng muốn độc chiếm Thiên Chúa để thủ lợi. Và các nước Tây phương quá nghiêng về niềm tin cho rằng Chúa Kitô luôn luôn là người “da trắng" chúng ta không có quyền trên Thiên Chúa sao?

Lời chúc lành của Isaac: "Xin Thiên Chúa ban cho con những giọt sương trời, dãy đất màu mỡ, lúa miến và rượu nho dư đầy, các dân tộc sẽ suy phục con…

Dưới một hình thức có phần nào “sơ khởi " và hoang dã, lời chúc phúc này chứng tỏ rằng “lời hứa cho Abraham” vẫn được nối tiếp. Abraham, Isaac, Giacob. Từ mắt xích này tới mắt xích khác, lịch sử tiến tới Chúa Giêsu Kitô, và chúc phúc của Thiên Chúa trải rộng tới mọi người nhờ Hội Thánh.

Đây là một lời hứa được phì nhiêu... triển nở, được hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin cảm tạ đã nói lại với chúng con điều đó.

Nhưng, một lần nữa, chúng ta nghĩ tới mọi người mà những lời hứa thuộc loại này còn quá ít vì “lúa mì" thiếu, vì cơn đói kìm kẹp. Vì phẩm giá con người bị sỉ nhục. Vì thay cho sự khai mở' anh em, người ta nô hóa họ.

Lạy Chúa, vì lòng từ bi Chúa, xin cứu chúng con khỏi tội lỗi; bảo vệ chúng con trước các thử thách, trong cuộc sống mà chúng con hy vọng hạnh phúc Chúa "hứa”.

Bài đọc II: Am 9,11-15

Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại lều Đavid đang lung lay, Ta sẽ bít lại các lỗ nẻ, Ta sẽ trùng tu lại những đổ nát, Ta sẽ xây nó lại như những ngày xa xưa.

Trước hết, Amos là một “ngôn sứ ưa gieo tai họa": để kêu mời dân chúng hối cải, ông loan báo các tai ương.

Thực tế chúng ta đừng quên rằng: các tai họa ấy đã xảy ra rồi. Samari sụp đổ vào năm 722. Giêrusalem sụp đổ vào năm 586. Kéo theo một loạt khốn khổ khủng khiếp.

Phải chăng, cùng với Nietzsche, chúng ta tố cáo tôn giáo đã chôn vùi nhiệt tình của con người”? Các ngôn sứ có thích thú trước cảnh khốn cùng khi cố tình làm cho người khác mất vui không?

Không! Lời cuối cùng của các ngôn sứ luôn là niềm hy vọng. "Ngày của Thiên Chúa" là tai họa vì nó triệt hạ sự dữ, nhưng hơn thế, nó còn là sự cứu rỗi, cảnh đổ nát được trùng tu, các thành phố bình địa được xây dựng lại.

Này sẽ đến những ngày Sấm của Giavê người cày theo gót người gặt.

Thời gian thâu ngắn lại: ta cày cấy đã đến mùa thu hoạch. Đó là thời sung túc. Người ta không còn sợ đói khát nữa. Phải chăng đó là hình bóng của vĩnh cửu? Qua đó Thiên Chúa có loan báo giải thoát chúng ta khỏi những chờ đợi không cùng, khỏi những trì trệ của thời gian làm chúng ta hao mòn không?

Từ các núi non rượu mới sẽ chảy tràn và từ các gò nỗng rượu sẽ vọt lên lai láng.

Các hình ảnh này gợi lên cho ta nhiều mơ mộng.

Giúp ta khơi dậy niềm hy vọng.

“Rượu” tượng trưng cho niềm hoan lạc, tiệc tùng trong ngày lễ. Đức Giêsu đã chọn rượu như biểu tượng cho chính Người.

Ta sẽ lập lại Israel, dân Ta. Chúng sẽ trùng tu lại các thành phố hoang tàn: và cư ngụ tại đó, chúng sẽ trồng nho và uống rượu, chúng sẽ lập vườn và ăn trái.

Cứ vào hè là người ta lại thấy cảnh vật nảy sinh tươi tốt nhìn vào thế giới vật chất ta thấy ngay: kìa vườn cây xanh tươi, trai trăng nặng trĩu, đó là dấu chỉ sự sống dồi dào mà Thiên Chúa muốn ban tặng loài người.

Lao động, thường có tính cách nặng nề, gò bó. Đó là một việc làm ta không mấy ưa thích và phải vất vả mới đủ sống. Vả lại, điều đã được loan báo cách rõ ràng là việc lao động không còn có tính cách hình phạt nữa, như sách sáng thế đã nói (3,19). Ngươi phải đổ mồ hôi trán để kiếm bánh ăn. Lạy Chúa, xin giúp đỡ những người đang khổ cực phải lao động, xin dẫn đưa chúng con tới cuộc giải phóng hoàn toàn.

Ta sẽ trồng chúng trong đất ta chúng và chúng sẽ không bị nhổ đem đi khỏi thửa đất. Ta đã ban cho chúng. Đó là Lời. Giavê, Thiên Chúa ngươi phán.

Đối với Thiên Chúa, cuộc sống hiện tai ở trần gian không đơn thuần là một bất ngờ ngẫu nhiên, cũng không chỉ là một việc sửa soạn cho cuộc sống mai sau. Chúng ta có bổn phận kiến tạo hạnh phúc ngay ở trần gian này vì đó là một ân huệ Chúa ban.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng các lời Chúa hứa không bao giờ được thực hiện toàn vẹn ở trần gian. Chúng ta phải hướng nhìn về cuộc sống vĩnh cửu, nơi đó Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người, thực hiện một nguồn hạnh phúc tràn đầy (Kh 21,4)

Bài Tin Mừng: Mt 9,14-17

Các môn đệ của ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các môn đệ của người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ của ông lại không?”

Thái độ của môn đệ Đức Giêsu gây khó chịu... người ta thấy họ quá vui vẻ, nhởn nhơ thoải mái, họ không ăn chay... thật là gai chướng! Tại sao các anh sống như mọi người? Như các môn đệ của người Pharisêu? Mọi “ông Thầy " khác đều buộc giữ một kỷ luật khắt khe để bước lên bậc trọn lành mà!

Đó là thái độ độc lập của Đức Giêsu và nhóm môn đệ Người đối với việc tuân giữ (Ngày Sabát, Thanh tẩy, ăn chay) được nêu lên ở đây, cũng như sẽ được bàn đến trong nhiều đoạn văn khác của Tín Mừng. Ta cũng đã suy niệm về vấn đề này trong Mác-cô 2,18-26

Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới...”

Câu trả lời hẳn đã gây ngỡ ngàng.

Cần phải dựa vào kỷ niệm bản thân, gợi lên cách cụ thể ý nghĩa của hình ảnh trên: Đó là hình ảnh chan chứa niềm vui, hình ảnh của lễ tiệc.

Một lần khác, khi bàn về ăn chay, Đức Giêsu đã nói: “Khi anh ăn chay, hãy chải dầu thơm! Nên rửa mặt cho sạch! Đừng làm cho ra vẻ thiểu não!" (Mt 6,16).

Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ.

Khi một hôn phu mời các bạn nam nữ dự tiệc cưới của chàng, những người này không thể đến với bộ mặt đưa đám? Đây là tiệc mừng, là thời gian vui vẻ.

Do đó, Đức Giêsu, vị "Hôn phu" huyền diệu đang mời dự tiệc cưới ăn chay lúc này không có ý nghĩa gì hết. Thời gian Đức Giêsu đang hiện diện, là thời gian hân hoan, hạnh phúc vô biên. Thời gian cứu độ đã đến! Thiên Chúa đã vĩnh viễn kết hôn với nhân loại “bất kể may rủi" và Người mời ta tới dự tiệc mừng biến cố vĩ đại này...

Đức Giêsu say mê!

Đức Giêsu phải lòng nhân loại!

Đức Giêsu kết hôn với loài người!

Toàn bộ Cựu ước đã loan tin đó (Is 54,4-8 - 61,10 -62,4-5 ; Gr 2,2 -31,3 ; Ed 16 ; Hs 1,3, Tv 45,7-8).

Về phần tôi, tôi có si mê Đức Giêsu không?

Tôi có đáp trả tình yêu của Người không? Bằng cách nào?

Tôi có hoàn toàn vui lòng, sung sướng không? Mỗi ngày tôi có sống như khách được mời dự tiệc cưới không?

Tôi có nhận ra Thánh lễ mang đặc tính của bữa tiệc cưới không? Đó có phải là một “cuộc hẹn hò yêu thương" không? Có phải là chỗ đặc biệt để gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe không?

Độc thân tận hiến đối với những người đã chọn lựa cũng có ý nghĩa đó.

Hôn nhân, nhìn một cách khác, có cùng một ý nghĩa như thế: “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh" (Ep 5,32).

Sẽ có ngày chàng rể sẽ bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay.

Đây là cuộc loan báo tử nạn đầu tiên trong Tin Mừng Mát-thêu. Một bóng mờ đang lượn phủ trên mối thân tình vui vẻ giữa các môn đệ và Thầy họ. Đức Giêsu thấy rõ điều đó. Lần đầu tiên Người ám chỉ tới cái chết của mình và bên kia cái chết là mầu nhiệm về sự xa cách bề ngoài, sự vắng mặt của vị hôn phu.

Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ... Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ…

Đức Giêsu ý thức rằng, Người mang đến cho trần gian một thực tại mới, không có chiều kích nào chung với những gì mà loài người đã sống tất cả những gì xưa cũ đã lỗi thời: Không thể lẫn lộn lối sống lỗi thời với tính mới mẻ triệt để của kỷ nguyên mà Đức Giêsu đang thiết lập. “Người ta đổ rượu mới vào bầu mới”.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con "rượu mới tinh thần mới tâm hồn mới đó”.

Như ở Ca-na, xin biến nước lã đời chúng con thành rượu thơm ngon.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Tranh luận về việc ăn chay.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Vấn đề ăn chay:

Luật cũ chỉ buộc người Do Thái ăn chay mỗi năm một lần vào ngày đền tội (Lv 16,19-31). Ngoài ra thời Chúa Giê-su, người ta còn giữ chay tự nguyện những ngày chay chung vì những lý do như cầu mưa. Hơn nữa, còn có những ngày chay tư nhân giữ vì lòng đạo đức, như nhóm biệt phái ăn chay mỗi tuần hai lần (Mc 2,18; Lc 8,12). Rất có thể bữa tiệc khoảng đãi của Chúa Giê-su được tổ chức vào một ngày chay như vậy.

Thái độ của các môn đệ Gioan Tẩy Giả đến hạch sách Chúa Giê-su về việc các môn đệ của Chúa Giê-su không ăn chay là một thái độ chủ quan, muốn độc quyền về chân lý, và thấy người khác không giống mình thì cho là sai, là xấu… nhưng họ có ngờ đâu chính điều mà họ cho là đúng, là chân lý về việc ăn chay thì không còn phù hợp nữa. Điều này nhắc nhủ chúng ta đừng vội vã, chủ quan khi xét đoán việc người khác không giống như ý mình, vì lý do biết đâu họ có lý do tốt hơn việc mình nghĩ, chi bằng khiêm nhường học hỏi, tìm hiểu để biết thêm cái hay, cái tốt của người khác khi họ khác với mình thì tốt hơn.

2. Câu trả lời của Chúa Giê-su (9,15) ngụ ý nói thời của Người là tiệc cưới, chính Người là tân lang và các môn đệ là những chàng phù rể (Ga 3,29). Qua ý nghĩa này, chúng ta nhận ra rằng gặp gỡ Chúa, sống với Chúa và được kết hiệp với Chúa là niềm vui, là hạnh phúc của chúng ta. Khi tham dự thánh lễ, ta được diễm phúc tham dự bàn tiệc Lời Chúa và nhất là được tham dự bàn tiệc Mình Chúa, chúng ta dùng đức tin để cảm nghiệm cách xâu xa niềm vui và hạnh phúc được sống với Chúa và trong Chúa.

3. “Khi chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay”: Ở đây Chúa ngụ ý nói trước về cái chết của Người. Từ ngày Chúa vào Vinh Quang, Hội Thánh vẫn truyền giữ những ngày chay tịnh trong khi mong chờ Chúa trở lại.

Là môn đệ Chúa, chúng ta cần ý thức việc ăn chay theo luật buộc: thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, đồng thời cũng cần có những ngày chay tự nguyện: để sám hối, để dọn mình, để chuẩn bị đón nhận bí tích và để cầu nguyện…

4. Ý tưởng về thời đại Đấng Cứu Thế đã được Chúa Giêsu nhấn mạnh bằng hai hình ảnh: vải mới và áo cũ; rượu mới và bầu da cũ: ý nghĩa của những gì thuộc Cựu Ước chỉ được biểu lộ dưới ánh sáng của Tin Mừng. Vì thế, sống trong thời đại Đấng Cứu Thế đã đến, người ta phải thay đổi não trạng và cung cách sống để đi vào thời đại mới này. Vì vậy, việc ăn chay theo biệt phái và những người tự cho là đạo đức như các môn đệ của Gioan thì không còn thích hợp nữa. Điều này đòi hỏi chúng ta: nhờ bí tích rửa tội, chúng ta đã trở thành con người mới, con người thuộc về Chúa Kitô, vì thế chúng ta cần phải thay đổi não trạng, thay đổi cung cách sống cho phù hợp với phẩm giá con cái Thiên-Chúa, con cái của sự sáng.

 Đồng thời đã trở thành người dành riêng cho Thiên Chúa qua lời khấn, nhất là qua bí tích truyền chức, chúng ta phải thay đổi nếp sống không còn theo thói đời nữa, nhưng sống theo Chúa Giê-su: là Đường là Sự Thật và là Sự Sống.

5. "Thế mới giữ được cả hai”:

Con người của mỗi chúng ta chỉ là một, nhưng qua bí tích rửa tội cũng như qua lời khấn hoặc qua bí tích truyền chức, chúng ta đã được thanh tẩy, được mặc con người mới theo Chúa Giêsu Kitô và được thánh hiến cho Thiên-Chúa, nên chúng ta phải biến đổi con người của mình cho phù hợp với phẩm giá làm con Thiên-Chúa,là người tông đồ dành riêng cho Thiên-Chúa, như vậy chúng ta mới giữ được cả hai: cũng một con người, nhưng đã được biến đổi.

6. Bài Tin-Mừng hôm nay giúp cho chúng ta thức tỉnh về tinh thần canh tân của công Đồng Vatican II rằng: giáo lý không thay đổi: nhưng tinh thần và cách trình bày giáo lý thay đổi; sự đạo vẫn y nguyên nhưng cách giữ đạo phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh đời sống. Con người ta luôn canh tân và trở lại cho phù hợp với hoàn cảnh và thời đại là thế đó.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT