Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Mùa Thường Niên (Lc 20,27-40) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby
22/11/2024
506
Phụng vụ Lời Chúa trong những tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, nhất là bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta đừng bao giờ bám víu vào sự gì ờ đời này, vì tất cả đều biến đổi và qua đi, trái lại chúng ta hãy tích cực tìm kiếm và xây dựng đời sống vĩnh cửu bằng việc chuyên cần tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, nhất là bằng thái độ lắng nghe và sống theo Lời Chúa theo gương của mẹ Maria...
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 20,27-40

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Kh 11, 4-12

Còn có nhiều đoạn trong sách Khải Huyền rát bí ẩn, mà chúng ta không có chìa khoá để mở. Vì thế, hãy chấp nhận một cách giải thích đại khái vậy.

Hai chứng nhân của ta.

Trong thế gian, các Kitô hữu có nhiệm vụ : làm chứng nhân ! chứng nhân : là kẻ “nói ra điều mình đã thấy”, điều mình đã học biết.

Chứng nhân đã có một kinh nghiệm, đã tham dự vào một biến cố và đã dấn thân, dám bảo đảm chắc chắn. Khi phải đề cập đến các lời đoán xét, chứng nhân càng quan trọng hơn. Trong trường hợp này người ta đòi hỏi chứng nhân phải thể nói tất cả sự thật, vì chỉ sự thật mà thôi.

Đức tính thứ nhất và duy nhất của chứng nhân là phải trung thành: không được thêm bớt điều gì. Những ai nhìn thấy tôi sống, có nhận thấy tối là một chứng tá của Đức Kitô không?

Qua cách sống của tôi, người ta có thể nhận ra một vài nét của gương mặt Đức Giêsu không?

Con thú dữ từ vực thẳm lên, sẽ giao chiến với các ngài, sẽ thắng và giết các ngài.

Việc làm chứng tá càng trở nên căn bản trong cuộc bách hại: chứng nhân là người đủ khả năng chấp nhận sự chết hơn là phản bội sự thật. Thời thánh Gioan là thời hai hoàng đế Neron và Domitien bắt dạo. Mọi Kitô hữu khi xin chịu phép rửa tội, biết chắc mình sẽ bị điệu đến để chứng minh cho sự thật, đến đổ máu vì việc gia nhập Hội Thánh mà chọn Đức Kitô.

“Con thú dữ từ vực thẳm lên”. Tượng trưng cho sự dữ, hiện thân của Satan. Sách Khải Huyền trình bày nhiều đến trận chiến vĩ đại này. Trong đó đề cập đến một con rồng lớn, một con rắn, các thú dữ. Chúng chiến đấu với Thiên Chúa. Nhờ dùng ngôn ngữ biểu tượng. Thánh Gioan nhắm đến đế quốc Rôma đang bắt đạo, để nói lên sức mạnh quỷ vương đang cố chống lại Hội Thánh.

Những cuộc mạc khải này còn có giá trị mãi cho mọi thời, vì tấn bi kịch còn kéo dài đến ngày thế mạt.

Thi hành của các ngài còn nằm ở cổng thành phố vĩ đại... Những người sống trên mặt đất sẽ hân hoan vì các ngài đã chết và sẽ ăn mừng.

Nói chung quần chúng không ưa gì các Kitô hữu. Người ta cho rằng họ là những kẻ sống ngoài lề xã hội, những người không muốn sống như kẻ khác, những người vô thần vì họ từ chối, không tôn kính các thần linh của quốc gia, nhất là không tôn kính các hoàng đế.

Nhưng sau ba ngày rưỡi, sinh khí từ Thiên Chúa đến nhập vào các ngài, và các ngài đứng vững hai chân. Mọi người đang nhìn các ngài đều rất sợ hãi.

Những kẻ đã chết, bị bách hại như Đức Giêsu… cũng sống lại như Người. Vào những ngày đau khổ đen tối nhất, tốt hơn hết là nên nhớ lại điều căn bản của Đức tin chúng ta.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con vững tin.

Ước gì mầu nhiệm phục sinh luôn hiện diện trong tâm trí chúng ta để xác tín về cuộc khải hoàn cuối cùng của Thiên Chúa.

Rồi Người lên trời trong đám mây.

Các Kitô hữu, các chứng nhân hoàn toàn liên kết với số phận của Đức Giêsu. Họ đã “bị giết chết” làm sao, thì họ cũng được sống lại và lên trời như vậy.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống đời sống của Người.

Bài đọc II: Mcb 6, 1-13

Nhiều chi tiết trong trình thuật này về cái chết của Antiôcô Epiphanê, kẻ bách hại dân Do-thái là chắc chắn theo lịch sử. Các nhà chép truyện về vị vua này đã kê lãi kỷ niệm về “những cuộc cướp bóc các đền thờ” mà ông thực hiện để bù lấp cho kho tàng của mình. Cơn bệnh và cái chết của ông được giải thích như một loại hình phạt của Thần Linh. Người ta không thể chế nhạo Thiên Chúa mà không bị phạt.

Nghe tin quân lực bị đánh bại, nhà vua khiếp đảm và rất xúc động vua vật mình xuống giường và buồn đến lâm bệnh.

Đó là người bách hại!

Đó al2 tên đao phủ đã không thẹn thùng truyền cắt cổ bảy anh em trước mặt mẹ chúng. Có một loại khôn ngoan nhân dân, cơ bản lượng định rằng kẻ dữ sẽ phải đền tội! Điều này không tinh ròng lắm. Nó pha lẫn tâm tình muốn trả thù.

Lạy Chúa xin thanh tẩy chúng con.

Và dầu vậy, chúng ta không thể xin Chúa đừng thực hiện công bình. Chớ gì mầu nhiệm của lòng nhân hậu Chúa hoà hợp với mầu nhiệm của sự công bình Chúa.

Tưởng mình sắp chết vua liền triệu tập tất cả các bạn hữu lại mà nói với họ rằng: trẫm không còn chớp mắt được nữa…trước kia khi trẫm còn quyền thế, Trẫm vui sướng vì được người ta quý mến... Bây giờ trẫm hồi tưởng lại các tai hoạ trẫm đã gây ra cho Giêrusalem.

Đó là lòng nhận hậu Chúa.

Người xấu phải trả nợ, nhưng sự đền trả này thanh tẩy và làm cho họ nên tốt hơn.

Cảm động biết bao lời thú nhận của kẻ bách hại!

Chúng ta có biết bao cơ may cho mọi người hối cải, thay vì khép họ một lần thay cho tất cả vào sự dữ của họ không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con cũng ý thức về sự dữ của chúng con.

Tôi nghĩ tới những người hữu trách Oradour, hay các trại tập trung.

Tôi nghe lời thú nhận của Antiôcô.

Trẫm nhìn nhận là vì các việc ấy mà phải khốn khổ như thế này và giờ đây trẫm phải buồn bực mà chết nơi đất khách quê người.

Đây là một loại “thú tội”.

Ta hãy chuẩn bị cuộc cử hành Thánh Thể bằng sự “NHÌN NHẬN” rằng chúng ta là những tội nhân.

Lạy Chúa con nhìn nhận.

Chúng ta không mấy thích suy gẫm về “sự công bình của Chúa!”.

Đầu vậy, chúng ta rất đòi hỏi, về quan điểm công bình, khi nói về chúng ta, hay điều trực tiếp động chạm tới chúng ta.

Chúa Giêsu đòi hỏi ta đừng xét đoán người khác.

Nhưng trái lại, người đòi chúng ta xét mình.

Đây không phải là kết án bất cứ ai, cũng không làm cho bất cứ ai kinh hãi với sự công bình của Chúa: đó sẽ đi ngược lại Tin Mừng. Phải mong ước cho mọi người hối cải, cả những người tồi tệ nhất.

Trái lại, có thể là hữu ích cho phần rỗi, nếu chúng ta nghiêm chỉnh đặt mình trước sự công chính của Chúa.

Lạy Chúa, con nhìn nhận rằng con là tội nhân.

Nhưng con biết Chúa đã làm mọi sự để cứu vớt con. Và con cậy vào tình yêu nhân hậu của Chúa. Đây là ý nghĩa của luyện ngục.

Thật vô ích nếu muốn tưởng tượng luyện ngục như một “nơi”. Nhưng, đúng hơn đây là một cơ may kỳ diệu cuối cùng Thiên Chúa ban để thanh tẩy toàn diện..để ý thức: con nhìn nhận rằng con là tội nhân, xin cứu chữa con. Chớ gì linh hồn các tín hữu đã qua đời được nghỉ yên.

BÀI TIN MỪNG: Lc 20, 27-40

Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại.

Những người Xađốc thành lập một thứ phong trào hay hiệp hội. Những gia đình tư tế quý phái là thành phần của nhóm. Xét theo quan điểm thần học, họ là những người bảo thủ..không chấp nhận mọi sự mở rộng của Do-thái giáo. Chẳng hạn, họ luôn trung thành với những quan niệm tôn giáo rất ưa cũ của các tổ phụ, là những kẻ không tin có sự sống lại…Và họ không chấp nhận một vài sách mới trong Kinh Thánh như sách Đaniel.

Thưa Thầy ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này : “Nếu anh hay em của người nào chết đi để lại vợ goá không con, thì người ấy phải cưới lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai…vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai”.

Để công kích niềm tin vào sự sống lại, nhóm Xađốc tìm cách chế tạo, khi đưa ra một vấn nạn có tính lý thuyết mà các trường phái đang tranh cãi ! từ đó họ muốn minh chứng rằng, sự sống lại thật là vô ý nghĩa!

Đôi khi trong thời đại tà, chúng ta cũng tự mình khép chặt trong những vấn nạn không quan trọng av2 không có lối thoát như thế 

Đức Giêsu đáp: “Người ta ở đời này, mới cưới vợ lấy chồng, chứ những ai xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Họ không thể chết nữa, và được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, bởi đã được sống lại.

Những người Do-thái thời Đức Giêsu (đặc biệt là nhóm Pharisêu thường hay chống lại nhóm Xađốc) coi sự sống của những người sống lại, như một tiếp tục đơn thuần sự sống trần gian của họ.

Vì lối diễn tả hơn khó hiểu trên, Đức Giêsu không đồng ý với quan điểm này: theo Người có một thay đổi tận căn được thực hiện nhờ việc sống lại. Người đặt “cuộc sống đời này” đối nghịch với “cuộc sống mai sau”… một cuộc sống người ta không còn kết hôn nữa…

Một cuộc sống con người phải chết và cuộc sống con người phải chết nữa, và do đó cũng không cần phải sản sinh những con người mới.

Còn vấn đề kẻ chết sống lại, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về Bụi Gai. Khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Isasac, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều là kẻ sống.

Để trả lời nhóm Xađốc, Đức Giêsu dùng một sách cổ nhất của Kinh Thánh một trong những cuốn mà họ đều công nhận tính xác thực của nó (Xh 3, 6).

Đó là lời xác quyết rõ ràng và dứt khoát về niềm tin vào sự sống lại. Nếu Abraham, Isaac, Giacóp quả đã chết thật, thì những lời nói có vẻ nực cười!

Có một điều gì vang lên trong câu nói của Đức Giêsu: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều là kẻ sống”.

Những người quá cố của chúng ta đều là những “kẻ đang sống”... họ sống “nhờ Thiên Chúa”.

Quả thực, để có niềm tin đó, cần phải tin tưởng vào Thiên Chúa. Cần tin rằng chính Thiên Chúa đã thèm muốn chúng ta, đã trao ban cho ta sự sống chính Thiên Chúa đã phát minh ra sự sống kỳ diệu. Chính Người kêu gọi mọi sinh vật mà Người muốn thấy chúng sống động đón nhận sự sống. Một ngày nào đó, Thiên Chúa không muốn chỉ thực hiện trước những xác chết, trước những nghĩa trang.

Cụ thể, điều đó sẽ được thực hiện thế nào ? cần phải tin tưởng ! đã có bao điều kỳ diệu không thể giải thích được, trong công cuộc sáng tạo!

Có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói đúng”.

Và họ không dám chất vấn người điều gì nữa.

Đó là những nhà thông luật bày tỏ với Chúa lời chứng thực này: điều mà các Kitô hữu tin tưởng, phát xuất trực tiếp từ chính tư tưởng của Đức Giêsu, vị tiến sĩ vĩ đại. Lạy Chúa, con muốn tin Chúa.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

HOÀN CẢNH 

Những ngày Chúa ở Giêrusalem các phe nhóm thù địch với Chúa thi nhau chất vấn.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc nhóm Xa Đốc nêu thắc mắc với Chúa về sự sống lại.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Phái Xa Đốc dựa vào luật Mô-sê ( Đnl 25,5-6) đưa ra câu chuyện để chế giễu về sự sống lại và sự sống đời sau. Chúa Giêsu đã dựa và sách Xuất Hành 3,6 để chứng minh có sự sống lại và sự sống đời sau.

Lời Chúa là ánh sáng dẫn đến chân lý: Chúa Giêsu đã dựa vào Lời Chúa để chứng minh chân lý về sự sống lại; nhưng Lời Chúa cũng có thể bị con người lợi dụng bằng cách cắt nghĩa theo như ý mình nghĩ và mình muốn, như phái Xa-đốc đã dựa vào luật Mô-sê ( Đnl 25,5-6) để từ chối sự sống lại.

Chúng ta phải dựa vào Lời Chúa để dẫn đưa chúng ta đến sự sống, chứ đừng lợi dụng Lời Chúa để đưa đến sự chết, là phủ nhận các chân lý của Chúa hoặc giây ra chia rẽ, đố kị, ghen ghét…

2. Từ chối sự sống lại và sự sống đời sau sẽ gây ra cho chúng ta tâm trạng hoặc bi quan chán nản về cùng đích của con người, hoặc buông lỏng để hưởng thụ những thú vui đời này cách bất chính.

3. Lời Chúa trả lời cho nhóm Xa-đốc không tin có sự sống lại là một Tin Mừng cho những kẻ tin: Thiên Chúa tạo dựng con người để con người được thông phần sự sống của Người, và nhờ đó con người được tồn tại mãi mãi, vì Thiên Chúa là Đấng sẽ cho con người được sống lại sau khi chết.

4. Những người được sống lại sau khi chết, được "ngang hàng với các Thiên Thần":

- Ngôn ngữ loài người không thể diễn tả hết về ý nghĩa sự sống lại sau khi chết, nên Chúa phải diễn tả theo cách so sánh với các Thiên Thần.

- Kiểu nói so sánh trên đây có ý diễn tả: sau khi sống lại, xác con người cũng giống như thân xác Chúa Giêsu phục sinh, sẽ không còn bị hạn chế bởi không gian và thời gian nữa, đến nỗi có thể xuyên qua tường vách và ẩn hiện như ý muốn: câu chuyện Chúa Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ trong phòng đóng kính cửa ( Ga 20,19-31) đã cho biết như vậy.

- Và kiểu nói "ngang hàng với các Thiên Thần" có nghĩa là chẳng còn phải lo lắng việc gì khác, ngoài việc phụng vụ ca tụng Chúa muôn đời.

5. Câu khen tặng (20, 39) của các kinh sư thuộc nhóm biệt phái, mừng vì thấy đối thủ của họ là phái Xa-đốc thua. Chúng ta cũng thấy kiểu khen tặng Chúa Giêsu như vậy của một kinh sư đề cập đến điều răn trọng nhất ( Mc 12,32). Họ khen Chúa vì họ, nghĩa là họ thấy Chúa cùng một ý với họ trong vấn đề chống lại phái Xa-đốc không tin có sự sống lại.

Nhiều lần chúng ta cảm phục Chúa, khen ngợi Chúa và sốt sắng nghe Lời Chúa, khi thấy Lời Chúa đúng với ý mình, nhất là những lời làm cho ta thắng lý của kẻ thù. Như vậy chúng ta khen Chúa vì mình chứ không phải vì Chúa. Chúng ta hãy thành thực xem lại những lần chúng ta ca ngợi Chúa!

6. Phụng vụ Lời Chúa trong những tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, nhất là bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta đừng bao giờ bám víu vào sự gì ờ đời này, vì tất cả đều biến đổi và qua đi, trái lại chúng ta hãy tích cực tìm kiếm và xây dựng đời sống vĩnh cửu bằng việc chuyên cần tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, nhất là bằng thái độ lắng nghe và sống theo Lời Chúa theo gương của mẹ Maria.

7. Giờ đây, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn bằng tâm tình tin cậy mến, để đón nhận sự sống của Chúa được trao ban cho chúng ta nơi bàn tiệc Thánh Thể, trước khi chúng ta được mời nếm cảm niềm vui và hạnh phúc nơi bàn tiệc Nước Trời.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT