Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần II Mùa Vọng (Lc 5,17-26) | Giáo Phận Phú Cường
CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG
TIN MỪNG: Lc 5,17-26
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Is 35,1-10
Trong tuần thứ hai mùa vọng, chúng ta sẽ đọc những đoạn của phần thứ hai sách Isaia. Một thánh sử khác, một ngôn sứ khác, gọi là Isaia “đệ nhị". Tất nhiên ngôn sư này là môn sinh của ngôn sứ trước. Thời vị văn sĩ sống bi thảm không kém thời vị tiền nhiệm ông: vì chúng ta đang ở trong thời lưu đày. . . Giêrusalem sẽ bị phá hủy sau Somoria. . . đền thờ bị tục hóa và các đoàn quân thù nghịch để lại cảnh hoang tàn. . . Và toàn thể những người Do Thái lành mạnh bị dẫn đi phát vãng ở Babylon là nơi họ bị cưỡng bách lao động cực khổ . . Trong tình huống này, vị ngôn sứ đã suy gẫm về “cuộc trở về đất thánh”. Người ta thường gọi phần II sách Isaia là “sách an ủi”. Nói tới những người bị bắt, những người bất hạnh, đây là lời rao báo mạnh mẽ về niềm hy vọng : thời hạnh phúc vẹn toàn sắp đến khi Thiên Chúa đến cứu dân Người ! Vị Ngôn sứ cũng là một thi sĩ viết bằng thơ ngập đầy những hình ảnh.
Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa, hãy nở hoa như cây thuỷ tiên, hãy tràn đầy hân hoan và niềm vui.
Các hình ảnh vui tai chồng chất. Sa mạc nở hoa. Chính Thiên Chúa hứa ban điều đó cho những kẻ bị lưu đày. Chính trong tình trạng tội nhân của tôi mà một lời hứa như vậy được lập lại. Lạy Chúa, xin cảm tạ Thiên Chúa giữa một thế giới khó khăn và cực nhọc, mà con trông chờ ngày sa mạc nở hoa.
Hãy nâng đỡ những bàn tay mỏi mệt, và hãy làm vững mạnh những đầu gối rã rời. Hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: "can đảm lên đừng sợ”.
Lạy Chúa ! Xin hoàn tất lại Chúa hứa. Xin hãy củng cố chúng con ! Bổ sức chúng con ! Khích lệ chúng con ! Lạy Chúa, con cầu khẩn Chúa cho mỗi người "thất đảm" và con kể đến những người chung quanh con biết được.
Này đây Thiên Chúa các ngươi... chính Người sẽ đến.. và cứu thoát chúng ta.
Lạy Chúa, xin hãy đến!
Chính trong cuộc sống này chúng con chờ Chúa đến.
Chúng con trông đợi Chúa đến.
Những kinh nghiệm Thánh Thể mới đã tái lập khía cạnh quan trọng này của đức tin chúng ta, khía cạnh bị bỏ quên nhiều trong những thế kỷ trước, trong khi lại rất sống động trong Giáo hội sơ khai.
Chính Chúa sẽ đến.
a) Mỗi bí tích đều là dấu hiệu hữu hình việc Chúa đến? Cốt yếu nơi phép Thánh Thể phải, Chúa Giêsu đến với ta và trong ta. Điều này cũng đúng thực đối với mỗi bí tích. Tôi cầu nguyện từ mỗi bí tích mà tôi phải sống: sám hối, như gặp Chúa Giêsu . . . hôn phối như gặp Chúa Giêsu, . . . rửa tội như thông hiệp sự sống con cái Chúa " của Chúa Giêsu.
b) Nhưng không phải Chúa Giêsu chỉ đến nơi các bí tích. Đời sống thường ngày, việc tông đồ, những dấn thân, công việc mỗi ngày, những nỗ lực trong đời sống luân lý... cũng là một cách đưa Chúa Giêsu vào thế giới. Tôi phải cầu nguyện đời tôi theo ý này.
Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên và tai người điếc sẽ mở ra... Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được... Những người được Chúa cứu thoát sẽ trở về và vào thành Sion với lời ca vang, cùng với triều thiên hân hoan trên đầu họ... Họ sẽ được niềm vui và hoan hỉ. Họ sẽ không còn đau khổ và than van.
Tin Mừng nói lại với chúng ta rằng: Những điều này xuất phát từ tay Chúa Giêsu. Nhưng, Lạy Chúa, xin hãy làm hơn nữa. Trong Mùa vọng này, với trọn ước muốn, con thưa cùng Chúa: Xin hãy làm cho người què nhảy nhót... xin cứu chúng con... Xin dẹp đi sự dữ... như Chúa đã hứa".
Bài đọc II: Lc 5,17-26
Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng... Người ta khiêng một người bất toại đến...vì dân quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử tọa trước mặt Chúa Giêsu…
Thật là một cảnh cụ thể sống động. Tôi tưởng lại cảnh đó. Nó biểu lộ sự mong đợi lớn lao, một ước muốn rất mạnh, rất nhân bản. Đó là một nhu cầu của con người muốn đọc chữa lành thân xác, đang thôi thúc đám người trên.
Chung quanh tôi... trong thế giới hiện nay... thường có những nhu cầu nào? Ngay cả những nhu cầu không hoàn toàn thiêng liêng.
Thấy lòng tin của họ, Người nói: Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha".
Ân huệ của Thiên Chúa không nhất thiết thuộc phạm vi vật chất. Nhưng điều kỳ diệu của Thiên Chúa quan trọng nhất, thường được thực hiện trong tâm hồn ân huệ lớn lao của Thiên Chúa là Việc giải thoát khỏi tội lỗi. Nhưng có lẽ người bất toại này, vì rất thường cần đến người khác, và hoàn toàn tùy thuộc vào người chung quanh, nên nhờ cùng một sự kiện, lại được chuẩn bị tốt hơn để đón nhận ơn tha tội. Nếu nhiều người từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa, chính là họ không muốn tiếp nhận một kẻ khác cần nhận biết những giới hạn. của mình, cần kêu cầu lòng xót thương của Thiên Chúa... và một sự kiêu căng thầm kín thường ngăn cản bước chân đi tới... người ta tưởng mình có đủ khả năng, người ta muốn dùng sức riêng mình để tự thoát khỏi...
Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Thiên Chúa, ai có quyền tha tội?”
Vượt xa một vụ vấp phạm... Nhóm luật sĩ và biệt phái rõ ràng thuộc loại người trên, thường không sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ. Họ tự tạo cho mình một thứ tôn giáo nghiêng về đời sống luân lý ngay chính, và họ tưởng mình có khả năng “chiếm đoạt" ơn cứu độ chỉ nhờ ý chí...
Thật ra, tôi cảm thấy phiền khổ vì muốn sa đi ngã lại trong cùng một tật xấu. Từ thâm tâm tôi không mơ hồ cảm thấy mình như công chính, không cần phải nài xin sự tha thứ, không cần phải nhờ cậy vào Thiên Chúa nữa sao?
Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính liền nói với họ nói rằng: "Các tội của người đã được tha, hay nói: Ngươi hãy đứng dậy mà đi, đàng nào dễ hơn?..."
Chúa Giêsu mạc khải Thiên Chúa.
Khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, chính là tình yêu tha thứ?.. chớ không phải là ông thẩm phán kết án. Đó là dấu lạ to lớn mà Thiên Chúa không ngừng thể hiện. Nhưng để minh chứng rằng, hiệu quả này dù không thấy được, vẫn có thực... Chúa Giêsu tặng thêm một hiệu quả khác cụ thể và kiểm soát được. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì việc chữa lành bên trong này, mà Chúa không ngừng thực hiện trong hàng ngàn tâm hồn con người: mỗi ngày biết bao người nam cũng như nữ , nhận biết tội lỗi mình trong lương tâm và "đứng dậy" dưới tác động vô hình của ơn Chúa... họ ngã lại, rồi họ lại đứng lên?
Lạy Chúa, xin cám ơn vì Máu Chúa đã đổ ra nhờ yêu thương, vì Chúa đã hiến mình trọn vẹn trong cuộc chiến đấu to lớn chống lại sự dữ... để giải cứu chúng con khỏi tội
Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa: "Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng".
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn biết tri ân, cảm tạ... Chúng con rất thường nhận lãnh ơn tha thứ của Chúa! Xin ban cho chúng con tinh thần hân hoan, ngợi khen để dâng lên Chúa những ân huệ đã lãnh nhận. Vâng, ngay cả tội lỗi trong con, cũng có thể trở nên con đường dẫn con tới Chúa.Con cần phải nhận ra điều đó…
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Chúa Chữa người bất toại
HOÀN CẢNH:
Trong khi đi rao giảng, Đức Giêsu được dân chúng hâm mộ kéo đến rất đông, nhưng những người lãnh đạo dân Do Thái như các biệt phái và luật sĩ lại tỏ ra bất bình, căm tức, họ đã theo dõi Người, xét nét từng lời nói, từng cử chỉ của Người để bắt lỗi. Cũng vì thế mà Đức Giêsu đã có nhiều lần xung đột với nhóm người này. Bài Tin mừng hôm nay thuật lại một trong những lần xung đột đó.
Ý CHÍNH:
17 Một hôm khi Đức Giêsu giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó…:
Việc giới thiệu thính giả đông đảo và có cả những luật sĩ và biệt phái ngồi ở đó, đã cho thấy rõ lời tuyên bố của Đức Giêsu về quyền tha tội có tầm quan trọng đặc biệt.
Quyền năng của Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật:
Kiểu nói này có ý nghĩa diễn tả Đức Giêsu lấy quyền Thiên Chúa để chữa bệnh và tha tội.
18 Và kìa có mấy người khiêng một bệnh nhân bị bại liệt…:
Cử chỉ kiêng bệnh nhân và tìm cách đặt trước mặt Đức Giêsu là cử chỉ biểu lộ niềm tin vào Đức Giêsu có quyền chữa lành bệnh.
19 Nhưng vì có đám đông…:
Những cử chỉ tìm lối vào, lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả bệnh nhân xuống… diễn tả một đức tin mạnh mẽ đến nỗi vượt thắng mọi trở ngại khó khăn để đến với Đức Giêsu.
20 Thấy họ có lòng tin như vậy…:
Đức Giêsu chứng kiến và đáp trả đức tin của họ bằng cách tha tội cho bệnh nhân. Việc Đức Giêsu chữa bệnh bằng cách tha tội là để:
Tỏ bày quyền Thiên Sai của mình vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội.
Đau khổ do bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, vì thế Đức Giêsu diệt trừ nguyên nhân gây ra đau khổ bằng cách Người tha tội cho bệnh nhân.
21 Các luật sĩ và các biệt phái bắt đầu suy nghĩ…:
Các luật sĩ và các biệt phái giận ghét Đức Giêsu và không tin quyền Thiên Sai của Người, nên đã cho việc Người tuyên bố mình có quyền tha tội là một việc phạm thượng, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội mà thôi.
22 Nhưng Đức Giêsu thấu biết họ…:
Đức Giêsu thấu suốt những ý nghĩ thầm kín của họ nên Người đã đặt câu hỏi để thức tỉnh họ:Trong bụng các ông đang nghĩ gì vậy?
23 Trong hai điều…điều nào dễ hơn…:
+ Anh đã được tha tội rồi: điều này dễ hơn vì không ai kiểm chứng được.
+ Đứng dậy mà đi: điều này khó hơn vì nó cụ thể trước mắt và có thể kiểm chứng được.
24-25 … ở dưới đất này Con Người có quyền tha tội:
Đức Giêsu tỏ uy quyền Thiên Sai của mình bằng cách tha tội cho người bất toại. Và hiệu quả của quyền tha tội này được thể hiện một cách cụ thể mà ai cũng kiểm chứng được, đó là người bất toại đã chỗi dậy và vác chõng về nhà.
Cử chỉ của người bất toại vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa: là cử chỉ của một người đã được giải thoát khỏi quyền lực của ma quỷ để thuộc về Thiên Chúa.
26 Mọi người đều sửng sốt…:
Đây là phản ứng của con người trước phép lạ của Chúa (1,12; 2,20) và vì thế họ đã bảo nhau: Hôm nay chúng ta đã thấy những chuyện kỳ lạ!
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG
1. Nhìn vào Chúa Giêsu:
a) Xem việc Chúa làm:
- Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật:
Chúng ta muốn chữa lành các tật bệnh phần xác cũng như phần hồn, chúng ta cần nhờ quyền năng Chúa qua lời cầu nguyện, qua các bí tích, qua các công việc lành, việc thiện… Tập thói quen cầu nguyên trước và sau mỗi công việc quan trọng cũng như những việc khó khăn trong đời sống.
- Đức Giêsu thấu suốt họ đang suy nghĩ... Thiên Chúa thấu suốt mọi tâm can, vì thế chúng ta phải thành tâm với Chúa trong mọi sự và nhất là trong những công việc đạo đức hằng ngày.
- Khi Đức Giêsu giảng dạy, có mấy người biệt phái và luật sĩ nơi đó… Đức Giêsu giảng dạy cho cả người lành, kẻ dữ. Với vai trò tiên tri trong việc giảng dạy, chúng ta cũng phải quảng đại và tha thứ chứ không phân biệt kẻ lành người dữ. Nhưng khi giảng dạy, cần thiết ghi nhận nhu cầu của từng đối tượng.
b) Nghe lời Chúa nói:
- “Này anh, anh đã được tha tội rồi”: Chúa cũng tha tội mỗi khi chúng ta có lòng tin tưởng vào Thiên Chúa tình thương và tha thứ.Vậy chúng ta hãy giục lòng tin để ăn năn sám hối tội lỗi của mình.
- “…và đứng dậy mà đi”… Đối với người Kitô hữu đã có lòng tin vào Chúa, thì đằng nào cũng dễ, vì Thiên Chúa chăm sóc chúng ta cả hồn lẫn xác. Vì vậy, chúng ta năng cầu xin ơn Chúa cho phần xác thì cũng phải năng cầu xin ơn Chúa cho phần hồn nữa.
- “Hãy đứng dậy”: Để thi hành lời truyền này, người bất toại phải có lòng tin mới làm được và hiệu quả đúng như vậy. Khi nghe giáo huấn của Chúa, chúng ta phải có niềm tin vào Chúa và vào thế giá của Chúa, chúng ta mới dễ dàng đem ra thực hành được.
3. Nhìn vào người bất toại:
- Người bất toại này bất lực về mọi hành động, nhưng nhờ lòng tin nên anh được Đức Giê-Su đáp lại bằng cách cho anh được khỏi bệnh.
- Người bất toại vác chõng về nhà và vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa:Chúng ta cần phải nhạy cảm lấy đức tin nhận ra những ơn lành Chúa ban để tôn vinh Chúa trong cuộc sống của mình.
- Người bất toại này còn cậy nhờ đến sự giúp đỡ của những người chung quanh, nên anh ta mới đến được với Chúa và được Chúa chữa lành bệnh. Trong mọi trường hợp, nhất là khi yếu đuối, chúng ta cậy nhờ công phúc và sự giúp đỡ, hướng dẫn, khích lệ của những người chung quanh để ta có thể đến với Chúa và đón nhận những hồng ân của Người.
4. Nhìn vào dân chúng:
- Họ ở khắp các làng mạc đến với Chúa để được Chúa chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Chúng ta dù trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, cũng có thể đến với Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng những việc đạo đức để được Chúa chăm sóc và giúp đỡ.
- Hãy nhạy cảm nhận ra những kỳ công của Chúa nơi vạn vật và những ơn lạ của Chúa trong cuộc sống để khơi dậy tâm tình thờ phượng, tôn vinh Chúa.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10