Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần III Mùa Chay (Lc 4,24-30) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
03/03/2024
447
Trong đời sống nhân loại, chính ta cũng gặp tình trạng như vậy. Ta không luôn biết vượt qua những vẻ bề ngoài, để nhận ra sự bí nhiệm đang che giấu ta. Tôi dành thời gian quan sát đời sống tôi dưới góc cạnh này, để khám phá ra ở đó những gì còn giấu ẩn đằng sau những tương quan nhân loại, bề ngoài xem ra hoàn toàn giản đơn.
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN III MÙA CHAY
TIN MỪNG: Lc 4,24-30

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I : 2 V 5,1-15

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng Người bị bạc đãi tại quê hương Người, và Người nhắc lại rằng, ngay trong Cựu ước, và lương dân như bà góa thành Sarepta và Naaman người Syria đã được ơn Thiên Chúa.

Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bệnh phong cùi.

Vậy viên chức này là người ngoại giáo, sống trong một nước thường có chiến tranh chống lại Israel. Trong bản văn này, người ta nói tới một “nữ tù nhân" bị dân thù nghịch này bắt dẫn về Syria.

Mà người này đau khổ. Ong bị phong. cùi.

Khi một người đau khổ, người ta không hỏi tới tôn giáo của họ.

Một thiếu nữ ở đất Israel…

Cô ta bị bắt làm nô lệ. Cô không oán hận. Hẳn là cô đã học để yêu người chủ đối xử đẹp với cô. Cô cho ông một chỉ dẫn tốt : trong đất nước tôi, có một vị ngôn sứ có thể chữa ông lành.

Tôi có thói quen nhìn mọi người chung quanh cả những người đã làm khổ tôi, nhìn bằng một mối cảm thông nhân loại đủ không ?

Lạy Chúa, xin cho con một trái tim cao cả như lòng Chúa để con yêu mọi người, không trừ một ai, không biên giới.

Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Gioan, thì da ông sẽ được lành mạnh...

Thoạt đầu Naaman đã ngập ngừng. Rồi ông tin lời ngôn sứ nói nhân danh Chúa.

Nghi thức thanh tẩy ở sông Giođan chỉ có giá trị bởi niềm tin vào lời Chúa. Quan trọng không phải là cử chỉ, nhưng là thái độ nội tâm của Naaman.

Đối với chúng ta cũng vậy, chính đức tin chữa lành và cứu rỗi chúng ta .

Khi tôi đau khổ về tội lỗi tôi, khi tôi thấy mình nhơ nhớp hay bất trung, hay khí tôi biết mình quá hèn nhát trước trách nhiệm, tôi có hồi tâm trở về với Chúa không ?

Tôi nữa, tôi đã dìm mình trong dòng nước thanh tẩy nhờ Đức tin.

Dầu vậy, con biết rằng không phải do các nỗ lực, những co rút tự ý mà con ra khỏi những yếu hèn của mình, nhưng nhờ thường xuyên chạy đến các Bí tích của Chúa : Bí tích Hòa giải và Thánh thể..với điều kiện phải thực sự cử hành với đức tin. Lạy Chúa, đây là những hành vi gắn bó với Chúa. Mỗi khi lãnh bí tích, nếu con biết nghĩ tới, đối với con phải là một lần con xác quyết lại rằng : "Lạy Chúa, con tin tưởng vào Chúa, chứ không phải vào sức riêng con". Chúa là Đấng cứu độ con.

Ong được sạch... ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói : Thật, tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ...

Đây là đức tin ngày kia Chúa Giêsu đã nhấn mạnh.

Có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành mà chỉ có Naaman người Syria.

Phải nên nghèo khó để trở về với Thiên Chúa và nhận biết Người. Y tưởng kiêu ngạo vì được thuộc về “dân Chúa " đôi khi có thể trở thành một ngăn trở. Người ta tin là mình đã được cứu. Lạy Chúa, xin gỡ con khỏi niềm tự hào đã đóng kín con lại đối với Chúa. Và nếu bệnh phong cùi của con, tội lỗi của con lại có lợi để cho con biết mình cần phải quay về với Chúa, thì lạy Chúa, con xin dâng lời cảm tạ.

BÀI TIN MỪNG : Lc 4,24-30

Tiếp đón Đức Kitô. . . nhận ra những dấu chỉ, những lời mời gọi của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đến thành Na-da-rét. Người nói trong hội đường rằng : "Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.

Tôi tưởng tượng cảnh trên cách sống động cụ thể : Giêsu đang sống trong làng quê của mình. Mọi người đều biết chàng (hay tưởng rằng biết rõ chàng).... Và chính chàng cũng thường chào hỏi mỗi người khi có dịp hỏi thăm tin tức của các gia đình.

Mọi sự đều diễn ra theo mức độ giản đơn nhất của nếp sống thân tình, nhân bản : đó là anh thợ mộc của làng quê người mà bà con đều nhìn thấy lớn lên giữa đám thiếu niên của thôn xóm, người mà dân làng đều biết rõ dòng họ anh em, chị em của chàng.

Đúng vậy, người ta còn biết, ít lâu nay chàng đã rời nhà ra đi. Chàng đi khắp vùng, chàng chú giải Kinh thánh cách mới mẻ, độc đáo, khác với cách thức mà các kinh sư thường sử dụng. . .. Rồi, chàng làm những dấu lạ ? Đó không phải là một “ngôn sứ sao ? Một người của Thiên Chúa" như người ta vẫn nhận thấy trong lịch sử của dân tộc ? Đó không phải là "vị thánh", một người được sai đến " từ Thiên Chúa sao ?

Nhưng tất cả những gì người ta biết được về chàng, xét về phương diện nhân loại, đó chỉ là bề ngoài : hoặc người ta quá biết . . . hay không đủ ?

Trong đời sống nhân loại, chính ta cũng gặp tình trạng như vậy. Ta không luôn biết vượt qua những vẻ bề ngoài, để nhận ra sự bí nhiệm đang che giấu ta. Tôi dành thời gian quan sát đời sống tôi dưới góc cạnh này, để khám phá ra ở đó những gì còn giấu ẩn đằng sau những tương quan nhân loại, bề ngoài xem ra hoàn toàn giản đơn.

Thật vậy thời ngôn sứ Êlia, trời hạn hán và đói kém dữ dội... Cũng vậy, thời ngôn sứ Êlia, thiếu gì người phong cùi…

Những lời mời gọi của Thiên Chúa luôn vang lên như thế trong đời sống hằng ngày, tầm thường, thuộc phạm vi con người : một quả phụ đáng thương đang mong chờ sự giúp đỡ một nạn đói . . . một người phong cùi . . . những anh em đang có nhu cầu.

Và chung quanh tôi, trong lúc này, hôm nay ?

Trong nước It-ra-en... ở miền Xi-đon... tại thành Xa-rép-ta:

Chúa Giêsu đối nghịch rỏ ràng “những xứ sở của người Do Thái" nơi Người ngang qua mà không làm được điều gì, nơi mà hình như Thiên Chúa không thể hành động được... Với những xứ dân ngoại nơi ơn thánh và phúc lộc của Thiên Chúa đang hoạt động.

Không có ngôn sứ nào được tiếp đón tử tế nơi quê hương mình. Đức Giêsu đọc lại và chú giải Kinh thánh. Có thể, ta vừa đọc đoạn văn trong sách các vua (bài đọc I trong ngày), kể lại việc ngôn sứ Elia chữa lành người phong cùi. Bài giảng của Đức Giêsu áp dụng sự kiện đó vào hiện thực : Lời Thiên Chúa được ứng dụng ở đây, hôm nay... Lời đó nhắm đến các ông, là những người đang nghe tôi lúc này, trong hội đường đây, ở Na-da-rét.

Phần tôi, lúc này thì sao ? Tôi không có khuynh hướng như dân thành Na-da-rét, thường an phận với quá khứ, tin tưởng rằng, một cách sống thân mật nào đó với Chúa, những ơn đã nhận được, sự kiện là phần tử của Giáo hội . . .sẽ cho tôi một quyền lợi, một đặc ân sao ? Những người đồng hương của Đức Giêsu có lẽ cũng muốn tìm một lợi lộc dựa vào sự kiện họ là những người đồng hương, láng giềng của Người.

Ngôn sứ E-li-sa không chữa lành một người phong cùi nào trong ít-ra-en, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xy-ri-a mà thôi.

Đức Giêsu loan báo cho người ta nghe rỏ ràng những ân huệ của Thiên Chúa không dành cho dân được tuyển chọn đầu tiên, cho ít-ra-en. Giáo hội hình thành, một Giáo hội truyền giáo, được sai đến với mọi người. Thiên Chúa yêu thương những người dân ngoại. Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận ra "đức tin đang khởi sự” nơi những người anh em dân ngoại. Đang tiến về với Chúa.

Lạy Chúa con dành thời giờ quan sát chung quanh con, tất cả những ai bề ngoài chưa biết Chúa... bề ngoài đang chối từ Chúa. Lạy Chúa, chính Chúa yêu thương họ. Xin giúp con nhận ra sự hiện diện của Chúa qua cung cách đối xử của họ .

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Đức Giêsu bị quê hương từ chối

HOÀN CẢNH:

Đức Giêsu trở về quê hương, vào hội đường Na-da-rét ngày thứ bảy. Người ta trao cho Người sách Ngôn Sứ, để Người đọc và giải thích. Lúc đầu họ cảm phục tài hùng biện và dáng vẻ thuyết phục của Người. Nhưng sau, họ bực tức, vì thấy Người ưa thích Ca-phác-na-um, nơi dân ngoại nhiều hơn quê mình. Trước thái độ đó, Đức Giêsu tỏ bày cho dân làng biết sứ vụ thiên sai của Người.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giêsu, giải thích cho người đồng hương biết: Người là Đấng Thiên Sai, nhưng không đến để kết án mà để tha thứ và cứu chữa những ai tin vào Người.

TÌM HIỂU:

24 “Tôi bảo thật các ông …”:

Đức Giêsu dựa vào câu ngạn ngữ này để diễn tả thân phận của Người tại quê hương: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”, hoặc “Bụt nhà không thiêng”, hoặc “Quen quá hoá nhàm”. Thật vậy, những người đồng hương trong làng Nadarét tưởng rằng, đã biết rõ Người, gốc gác, lý lịch; người đã từng chung sống, đọc kinh cầu nguyện chung từ tấm bé. Nên họ chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài, mà không thấy được Thiên Tính của Người để tin vào Người.

25-27 “Thật vậy tôi nói cho các ông hay …”:

Để dẫn chứng cho ý nghĩa của câu ngạn ngữ trên đây, Đức Giêsu đã trưng ra hai sự kiện có tính lịch sử, dễ hiểu:

- Ngôn sứ Elia đã không được sai đến để cứu đói cho bà goá nào trong dân Israel, ngược lại, cứu đói cho bà goá thành Xa-rép-ta miền Sidon là dân ngoại.

- Ngôn Sứ Elisa cũng không được sai đến chữa lành bệnh phong cho người nào trong dân Israel, nhưng ngược lại được sai đến chữa trị cho Na-a-man, người Xy-ri-a, cũng là dân ngoại.

Hai sự kiện trên muốn nêu lên rằng: Các Ngôn sứ tuy thuộc dân Israel, nhưng không được dân mình thiện cảm, lại được thiện cảm của dân ngoại, vì thế, dân ngoại được hưởng nhờ. Cũng vậy, Đức Giêsu không được thiện cảm nơi người đồng hương, vì họ đòi hỏi hơn là đón nhận Người. Còn dân ngoại ở Ca-phác-na-um tin nhận Người, nên được hưởng nhờ ân sủng qua các phép lạ Người làm.

28 “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đều phẫn nộ”

Chính vì tính phổ quát của ơn cứu độ mà Đức Giêsu nói đến, khiến cho dân Nadarét ở trong hội đường phẫn nộ, bất bình; vì họ sẵn có óc hẹp hòi ích kỷ, chỉ muốn chiếm độc quyền ơn cứu độ.

29 “Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành …”:

Đây là kiểu nói có ý nhấn mạnh để tiên báo dân Israel sẽ giết Đức Giêsu.

30 “ Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi …”:

Đức Giêsu thoát khỏi mưu ám hại của người đồng hương như Người còn thoát khỏi nhiều lần nữa, vì chưa tới “giờ của Người”: giờ tử nạn và phục sinh (x.Ga 7,10.44;8,59)

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Đức Giêsu bị người đồng hương bạc đãi:

Qua sự việc này, Chúa Giêsu muốn mời gọi người tông đồ hướng về niềm vui khắc khổ, và cảm thấy hạnh phúc sâu xa khi bị những người thân cận nhất không thông cảm, lại còn chỉ trích và sẵn sàng hạ bệ. Người tông đồ cần phải trải qua thử thách ấy để khỏi bị giam hãm giữa đám đông người thán phục mình, và ngược lại, sẽ để lòng rộng mở, đón tiếp tất cả mọi người.

2. Thời gian này, Đức Giêsu bước vào giai đoạn cô đơn: Người bị đồng hương bạc đãi, dân Do Thái tình cách giết Người. Người sẽ chết trên thập giá, một sự cô đơn tột độ. Nhưng cũng chính nhờ đó, Người làm cho công việc và sứ điệp của Người nên trọn vẹn. Người sẽ là Đấng Cứu Thế của toàn nhân loại. Như vậy, Người cũng cho thấy trước thân phận của người tông đồ: sẽ bị hiểu lầm, chỉ trích, ruồng bỏ … chúng ta phải vui mừng vì được nên giống Chúa Giêsu, Thầy của mình.

3. Dân đồng hương đã không tin nhận Đức Giêsu, vì họ đã “quen quá hoá nhàm”

Trên bình diện đức tin, chúng ta những người gần gũi Chúa, nhiều khi siêng năng gặp gỡ Chúa qua những việc đạo đức, và đón nhận thật nhiều ơn của Chúa, nhưng chúng ta dễ dàng đánh mất ý thức về sự cao trọng của ơn Chúa; vì thế chúng ta coi thường những bí tích mà ta lãnh nhận mỗi ngày.

Chúng ta thường tự mãn với một số việc đạo đức quen làm, nhưng lại không chịu khó học hỏi, tìm hiểu, suy niệm các chân lý đức tin để nâng cao tinh thần đạo đức và sống gắn bó với Chúa hơn; cho nên chúng ta dễ nhàm chán những công việc đạo đức quen làm, và đánh mất ý thức về ơn Chúa trong cuộc sống.

4. Qua hai sự kiện của tiên tri Ê-li-a và E-li-sa, chúng ta nhận ra rằng: điều kiện để được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa, là đức tin và ý hướng tốt lành. Vì vậy, dù là Israel hay dân ngoại, nếu biết tin nhận vào Chúa Giêsu, và có ý hướng tốt lành thì đều được hưởng ơn cứu độ.

Ở đây nêu cao tính phổ quát của ơn cứu độ. An sủng Chúa là nhưng không, vì vậy người tông đồ không được hẹp hòi ích kỷ, kỳ thị về đối tượng phục vụ trong các công tác tông đồ.

5. “Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi”:

Những kẻ bách hại Chúa Giêsu không làm gì được, bao lâu thời giờ của Người chọn chưa đến. Ngày nay cũng vậy, những ai bách hại Chúa Kitô trong thân thể của Người là Hội thánh, không thể làm gì được nếu Chúa không cho phép. Về phần Hội Thánh, Chúa chỉ để Hội Thánh đau khổ, khi Người muốn và theo ý Người muốn. Số phận người tông đồ khi chịu đau khổ và thử thách cũng vậy.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT