
Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay | Ga 4,43-54 | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN IV MÙA CHAY
TIN MỪNG: Ga 4,43-54
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Is 65,17-21
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành một đứa trẻ sắp chết. Dấu chỉ thiên sai. Ơn phúc được Thiên Chúa báo trước cho “thời sau hết”. Sự chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ. Sự thể hiện lời tiên báo của Isaia.
Đây Thiên Chúa phán.
Nhiều lời sấm được khởi đầu như thế. Vậy chúng ta sắp suy gẫm, không phải lời con người mà là lời Thiên Chúa.
Lạy Chúa! Con tin Chúa đang sống Hôm Nay. Điều Chúa sắp nói với chúng con, Chúa hằng nghĩ tới luôn. Điều mãi chân thực. Chúa nói cho thế gián và nhân loại Hôm Nay, cho nhân loại đang biến đổi và tìm biết xem tương lai mình sẽ thế nào.
Này, Ta tác tạo trời mới, đất mới.
Trong câu này có một mạc khải chính yếu của Chúa. Việc “tạo dựng", vũ trụ, Ađam và Evà không chỉ là một việc quá khứ Chúa nói "Ta tác tạo”.
Có một viễn ảnh rất sai lầm về nhân loại và về việc tạo dựng, mơ về một việc thời đại vàng son của thời xưa... làm như con người đi từ suy thoái này tới suy thoái khác .. Trái lại, đối với Thiên Chúa, lịch sử là một sự đi lên, một cuộc thăng tiến, hướng về một "cuộc tạo dựng mới”.
Lạy Chúa, Hôm Nay Chúa đang hành động. Tính sáng tạo của Chúa không hề tắt. Chúa đấng sáng tạo. Lúc này, Chúa đang nhào nặn Ađam và Evà. Trong vòng tay tạo dựng kỳ diệu của Thiên Chúa. Con có tin vào sự thăng tiến này không? Con có cộng tác vào công trình này không?
Người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời, trong các việc Ta tác tạo.
Kitô hữu, con người theo ý Thiên Chúa, là con người hướng về tương lai, về tương lai mà Thiên Chúa đang kiến tạo.
Niềm hy vọng cánh chung, sự mong đợi thành trì tương lai, nổi ước mơ nước Thiên Chúa phải đến... là những chiều kích căn bản của đức tin.
Lạy Chúa, con có hướng về quá khứ để lo báo thù không ? hay cùng với Chúa hướng về tương lai trước mặt chúng con? Lạy Chúa, xin cho mọi người có được viễn ảnh lạc quan này. Hãy lui đi những kẻ thất vọng chán chường. Tương lai của nhân loại là “vui mừng phấn khởi”. Chính Chúa đã nói lên điều đó. Những bệnh tật, thử thách, tội lỗi tất cả một ngày kia sẽ hết. Tương lai không bị bít lại. Cuộc tác tạo của Chúa sẽ thành đạt!
Và chớ gì con biết nỗ lực với Chúa.
Nhưng lạy Chúa, xin hãy ban cho những người bị thương tích được sự phấn khởi nay. Hãy an ủi những người lao nhọc bằng niềm xác tín vào lời hứa ban hạnh phúc này.
Vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng.
Chúng con cần nghe Chúa nói điều đó.
Chúa đã tạo thành con người vì đó.
Ưu sầu và chết chóc sẽ bị tẩy trừ khỏi Nước Chúa, và chúng con dấn bước vào đó. Chúng con đang sống trong Mùa chay, nhưng chúng con tiến tới lễ Phục sinh, về sự sống lại của mọi thân xác. Đây là một đề mục cốt yếu của kinh tin Kính: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy.
BÀI TIN MỪNG: Ga 4,43-54
"Tin tưởng" không cần những dấu lạ và những điều kỳ diệu: đó là nguồn sự sống và chữa lành bệnh.
Khi Đức Giêsu đến Galilê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giêrusalem trong dịp lễ.
Người ta thường háo hức trước những gì giật gân.
Dấu lạ trên đã ghi đậm trong tâm trí mọi người: Trong xứ sở người ta vẫn thương nhớ tới sự kiện đó.
Người trở lại Cana miền Galilê, là nơi Người đã làm cho nước hóa thành rượu. Bây giờ, có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um. Khi nghe tin Đức Giêsu từ Giuđê đến Galilê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.
Người ta chờ mong Thiên Chúa như chủ tế giải gỡ khó khăn : Đau khổ bệnh tật, chết chóc. Ai sẽ giải thoát chúng ta khỏi những âu lo và mọi tai họa?
Đức Giêsu nói với ông : "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng, thì các ông chẳng tin đâu”.
Một lần nữa, Đức Giêsu để giữ khi thi hành những điều “lạ kỳ”.
Qua lời nói trên, Người mong muốn con người tin tưởng Người trọn vẹn, với một đức tin lột bỏ mọi lý chứng: Tin không cần những dấu lạ và những việc phi thường… tin không cần phép lạ... tin không cần mắt thấy.
Trong giai đoạn đầu của đời sống thiêng liêng, ta thường cảm thấy những thỏa thích bên trong khá mạnh mẽ, như những nguồn đỡ nâng. Ta vui sướng cầu nguyện. Ta cảm nếm thời gian suy niệm như thời gian sung mãn. Cầu nguyện được cảm nghiệm như tốt lành và bổ ích. Sau một buổi cầu nguyện sâu lắng, ta thường bắt gặp những tình trạng sảng khoái: và ta giải thích đó là những dấu chỉ của Thiên Chúa... đôi khi ta còn cho “đó là một phép lạ”. Nhưng thông thường, đời sống kết hiệp với Thiên Chúa không có được những vui sướng dễ cảm như trên. Thường là đêm tối. Đó là thời gian thanh luyện của đức tin. Một cú nhảy bổ vào cõi xa lạ. Một thứ mạo hiểm căng thẳng của đức tin.
Ngay lúc này, trong đời sống riêng tư của tôi, “những dấu lạ điềm thiêng" mà theo tính con người, tôi thích nài xin Thiên Chúa là những điều gì. Đó cũng là điều tự nhiên thôi. Và có thể cần phải cầu xin những điều đó. Nhưng… Khi nghĩ đến lời mời gọi của Đức Giêsu, Đấng muốn thanh luyện đức tin của chúng ta…
Đức Giêsu bảo: "ông cứ về đi, con ông sống". Ong tin vào lời Đức Giêsu nói với mình và ra về.
Thánh Gioan nhấn mạnh , con người đó đã tin vào lời nói, không có thể kiểm chứng… ông ta ra về. Ông không nắm được bằng chứng nào cả. Ông chỉ tin vào “lời" của Đức Giêsu.
Lạy Chúa, trước. mọi lời Chúa hứa, chúng con cũng ở trong tình trạng như thế.
Trước lời tựa chính yếu của Chúa: Sự sống đời đời, công cuộc cứu độ trọn vẹn và dứt khoát, sự chiến thắng của tình yêu tiêu diệt mọi nước mắt và khổ đau, sự sống lại đời sống hạnh phúc bên Chúa trong ánh sáng... Lạy Chúa, trước những lời hứa như thế, cần phải tin tưởng dựa vào lời nói của Chúa. Trong Đức tin, trong bước nhảy của Đức tin, trong.sự xác tín cuồng say của Đức tin “Lạy Thầy, chúng con sẽ theo ai, Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”.
Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó Đức Giêsu đã nói với mình: "Con ông sống nên ông và cả nhà đều tin. Đó là dấu lạ thứ hai".
Đứa trẻ được cứu chữa (trong số biết bao trẻ không được chữa lành, vì mới có rất ít phép lạ... đây mới là phép lạ thứ hai!) chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa đã khởi sự. Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời mới, đất mới, và một nhân loại mới, một sự sống không còn chết chóc, đang hành động. Lạy Chúa, ngay từ bây giờ, con muốn tin. Được đức tin củng cố, con có thể cộng tác vào công trình của Thiên Chúa ra sao ? hình thức con dùng để chống lại hầu đạt tới sự sống là gì?
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Đức Giêsu ở Ga-li-lê và chữa người con của một sĩ quan
HOÀN CẢNH:
Sau khi tự mạc khải là Đấng Cứu Thế cho người phụ nữ Samari ở giếng Giacóp, Đức Giêsu đi đến Galilê và cũng tự mạc khải qua phép lạ chữa bệnh nguy tử cho người con của một sĩ quan cận vệ nhà vua.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại phép lạ thứ hai Đức Giêsu đã làm ở ca-na, để mặc khải về sứ vụ cứu thế của Người.
TÌM HIỂU:
43-45 “Sau hai ngày, Đức Giêsu bỏ nơi đó đi Ga-li-lê…”
Trong những câu này, thánh sử Gioan giới thiệu cho chúng ta thấy thái độ của người Do Thái đối với Đức Giêsu: khi thì thù địch, lúc lại phấn khởi, tò mò, vụ lợi…
46-47 “Vậy Người trở lại Ga-li-lê …’
Đoạn Tin Mừng này, thánh sử Gioan cũng giới thiệu cho chúng ta về lòng tin đơn sơ của viên sĩ quan cận vệ của nhà vua, chạy tới kêu cầu Đức Giêsu đến để chữa bệnh đứa con trai của ông đang bị bệnh tại Các-pha-na-um.
48 “Đức Giêsu nói với ông…”:
Rõ ràng không phải là câu trả lời mà viên sĩ quan mong đợi, ông nóng lòng vì đứa con đau nặng. Nhưng Đức Giêsu muốn phép lạ Người làm, sẽ đưa viên sĩ quan này đến đức tin.
49 “Viên sĩ quan nói…” :
Đây là lời van xin biểu lộ niềm tin của viên sĩ quan đối với Đức Giêsu: Vì xin ai điều gì, thì tin người đó có và sẵn sàng cho mình xin.
50 “Đức Giêsu bảo: ông cứ về đi…”:
Đây là lời giúp tôi luyện và thúc đẩy đức tin của viên sĩ quan. Quả vậy, ông đã tin lời Đức Giêsu nói và ra về.
51 “Ông còn đang đi xuống…”:
Đúng là hiệu quả của niềm tin: “con ông sống rồi’.
52-53 “Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào …”:
Cuộc đối thoại giữa viên sĩ quan và gia nhân có ý nhấn mạnh về quyền năng ban sự sống của Đức Giêsu.
54 “ Đó là dấu lạ thứ hai…”:
Dấu lạ thứ hai này ở Ca-na nhấn mạnh đến hai yếu tố:
- Đức tin và hiệu quả của đức tin.
- Quyền năng ban sự sống của Đức Giêsu.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Nhìn vào Chúa Giêsu:
a) Xem việc Chúa làm:
- Trong đoạn Tin Mừng này, thánh sử Gioan đối chiếu thái độ của người Do Thái gốc Galilê, khi thì thù địch, lúc lại tò mò, phấn khởi và vụ lợi, với đức tin đơn sơ của viên sĩ quan cận vệ nhà vua (Hêrôđê Antipa) đối với Chúa Giêsu.
Người tông đồ khi thi hành sứ vụ cũng sẽ gặp những thái độ thuận hay nghịch của người mình phục vụ. Chúng ta cần phải bình tĩnh, chịu đựng và quảng đại theo gương Chúa Giêsu ở đây.
- Chúa Giêsu đón nhận đức tin đơn sơ và trong sáng của viên sĩ quan ngoại giáo.
Người tông đồ phải biết rộng mở để đón nhận bất cứ ai đến với mình. Tránh thái độ hẹp hòi, cục bộ, ích kỷ và phân biệt đối xử khi thi hành sứ vụ.
- Qua việc chữa bệnh, Đức Giêsu muốn cho người ta tin nhận vào Người: Tin vào người cho hơn là vui mừng vì của cho.
Người tông đồ khi thi hành sứ vụ, cần làm cho người ta tin tưởng, trông cậy và yêu mến Chúa hơn là đón nhận hiệu quả của sự việc.
b) Nghe lời Chúa nói:
- “Nếu không thấy dấu lạ điềm thiêng, các ông sẽ chẳng tin đâu!”:
Chúa muốn khi chúng ta đón nhận ơn Chúa, thì phải tăng thêm lòng tin cậy mến Chúa, hơn là thoả mãn vì những ơn đã được.
- “Ông cứ về đi, con ông sống”:
Chúa muốn chúng ta tin vào Lời Chúa, Lời có sức ban sự sống. Nhưng sự sống của Lời Chúa chỉ hiển lộ khi chúng ta biết vâng nghe và thi hành Lời đó.
2. Nhìn vào viên sĩ quan và sự diễn tiến đức tin của ông:
- Tin vào Chúa Giêsu là người chữa con ông lành.
- Biểu lộ đức tin bằng sự khiêm nhường van xin.
- Tin vào Chúa Giêsu là người có quyền năng bằng việc thực thi lời Chúa nói: ông tin và ra về.
3. Tin và sống theo điều mình tin:
- Tin vào Thiên Chúa thì hãy phụng thờ một mình Người thôi.
- Tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế, thì hãy sống theo lời Chúa dạy và noi theo cuộc sống của Người để hoàn thiện đời sống mình mỗi ngày.
- Noi theo gương của viên sĩ quan: tin vào lời Chúa nói và thực thi lời ấy trong cuộc sống.
4. Nhìn vào người Do Thái để rút kinh nghiệm cho bản thân mình:
Qua bí tích Thanh Tẩy chúng ta trở thành con Thiên Chúa, nhưng chúng ta khó đón nhận Chúa vì quen quá hoá nhàm, hoặc sốt sắng làm những việc đạo đức chỉ vì vụ lợi, hay tò mò chứ chưa thật sự tin tưởng, trông cây và yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn!
5. Nhìn vào đứa con của viên sĩ quan được Chúa cứu sống:
Chúa Giêsu cứu sống bằng lời của Người:
+ Ông cứ về đi, con ông sống.
+ Người cha nhận ra đúng vào giờ đó, con ông sống, nên ông và cả nhà đều tin.
+ Người con được ơn cứu độ là do công phúc của người cha.
Qua Thánh Kinh, qua Hội Thánh, qua các dấu chỉ trong cuộc sống, người Kitô hữu chúng ta cần tin vào Lời Chúa để thực thi.
Mùa Chay này, Chúa nói với chúng ta dưới nhiều hình thức để mời gọi chúng ta sám hối, trở về với Chúa. Vậy tin vào sức sống của Lời Chúa, chúng ta hãy dùng thời gian này để trở về với phẩm giá đích thực của mình là con cái Chúa, là người được tuyển chọn cách đặc biệt qua lời khấn, qua bí tích truyền chức … để sống phù hợp và xứng đáng hơn.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10