Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần XI Mùa Thường Niên (Mt 5,38-42) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
16/06/2024
1.4K
Chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa, với hết lòng kiên nhẫn trong gian truân thiếu thốn, nguy khốn, đòn vọt, tù đày, biến loạn, khó nhọc, nhịn ăn, nhịn ngủ với lòng thanh khiết, am hiểu, đại lượng, dịu dàng bằng sức mạnh Thánh Thần, bằng lỏng yêu thương không giả dối bằng lời chân thật, và bằng quyền năng Thiên Chúa.

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 5,38-42

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 2 Cr 6,1-10

Với tư cách là những người cộng tác với Chúa Giêsu chúng tôi khuyên anh em, đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô ích.

Đối với Phaolô, hẳn là niềm vui lớn lao, một xác tín hữu ích khi nghĩ mình được' "cộng tác với Thiên Chúa”. Con thường ít cảm nhận được điều đó. Dầu vậy, Lạy Chúa, khi nghĩ tới những việc con làm Hôm Nay, con có đối diện với chúng, như một sự "cộng tác ", như một “nỗ lực chung" với một ai đó, với Chúa.

Lạy Chúa, có đúng thật là ơn Chúa, được Chúa ban, lại có thể ra vô hiệu không? con áp dụng điều đó vào đời con...và con xin Chúa thương tha thứ.

Bây giờ là cơ hội thuận tiện.

Các ngôn sứ của Cựu ước đã nói thế. Họ loan báo thời thử thách “quyết định" không lấy lại được: một cơ hội duy nhất, phải biết nắm lấy để hối cải, lời gọi này là gì, đối với tôi?

Chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa, với hết lòng kiên nhẫn trong gian truân thiếu thốn, nguy khốn, đòn vọt, tù đày, biến loạn, khó nhọc, nhịn ăn, nhịn ngủ với lòng thanh khiết, am hiểu, đại lượng, dịu dàng bằng sức mạnh Thánh Thần, bằng lỏng yêu thương không giả dối bằng lời chân thật, và bằng quyền năng Thiên Chúa.

Đó là những dấu chỉ Phaolô đưa ra làm chứng cho sự chân thật của tác vụ ngài, của sự gắn bó của ngài đối với Thiên Chúa. Các thử thách không động chạm đến sự trung thành của ngài. Đây là chân dung của Người Tôi Tớ đau khổ,của Isaia. Đây cũng là diện mạo của Chúa Giêsu. Đây là chân dung cuộc đời Phao lô. Một chút nào đó, đây có phải là dung mạo đời tôi không? Đâu là mức độ tôi gắn bó với Thiên Chúa. Tôi có khả năng nào để vượt qua mọi thử thách không?

Trải qua vinh quang cũng như tủi nhục, tiếng xấu cũng như tiếng tốt bị coi là phường bịp bợm, mặc dầu là chân thành, bị coi là vô danh nhưng hằng được biết đến, bị coi là đang giãy chết, nhưng này chúng tôi vẫn sống bị coi như phải ưu sầu nhưng chúng tôi vẫn luôn an vui, bị coi là nghèo túng nhưng chúng tôi làm chủ tất cả.

Nên chầm chậm đọc lại những phản đề này, chúng nhấn mạnh sự trái ngược giữa vẻ bề ngoài của vị tông đồ và thực tại bên trong. Bề ngoài xem ra mất hết! Nhưng tận thâm sâu lòng ngài, tin tưởng biết bao! Vui mừng biết bao!

Đây là một loại tái bản các phúc thật Chúa Giêsu đã nói phúc cho... những ai than khóc. "Phúc- cho... những ai nghèo khó”. Và Phao lô nói lại theo cách của ngài bằng chính cuộc đời ngài. Không, người ta không thể nói đối với người Kitô là dễ dàng. Nhưng đây không phải một cuộc đời u buồn. Rõ ràng phần thứ nhì của mỗi câu văn được nhấn mạnh, phần tích cực: Chúng tôi vẫn sống... luôn vui tươi làm chủ tất cả”... Trong các phúc thật, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh vào chữ đầu tiên: "Phúc cho…”

Có thể, ý nghĩa sâu sắc nhất của thánh giá, là sự chiến thắng của lòng can đảm, của Tình yêu, trên tất cả những gì có thể chạm tới nghị lực sống của chúng ta.

Bài đọc II: 1 V 21,1-16

Bài đọc hôm nay trình bày cho ta bối cảnh lịch sử chính xác, trong đó Êlia đã nói Lời Thiên Chúa.

Acab vua xứ Samaria nói với Naboth: “nhượng lại cho Ta vườn nho của người, để ta làm vườn rau, vì nó ở sát cạnh nhà ta…”

Lời Chúa luôn mang tính nhập thể. Vì thế, Êlia sẽ ngỏ lời trong một tình huống rất cụ thể. Đó là một vấn đề: xã hội, chính trị, kinh tế như hôm nay ta vẫn thường nói.

Đây là câu chuyện một ông vua muốn mua thửa đất của ông láng giềng. Và trả giá rất hậu. Ong láng giềng không chấp thuận, nại lý rằng đó là tài sản của gia đình, đất hương hỏa.

Chúng ta sẽ xem coi ông vua làm cách nào để buộc người kia thuận theo quan điểm của mình, và làm sao Elia xen vào để bênh vực quyền lợi người nghèo.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận thức rằng không có địa hạt nào trong cuộc đời trần thế chúng con mà không được Người nhìn ngó tới: Phân chia cuộc sống thành hai lĩnh vực: lĩnh vực thuần túy tôn giáo và lĩnh vực phàm trần: với những công việc. Đó là đi ngược lại Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng lưu tâm đến việc mua bán, đến cách thức chúng ta giao dịch với nhau trong công việc tài chánh.

Acab trở về nhà buồn rầu giận dữ vì Naboth từ chối không bán vườn nho..: Vợ ông là Jezabel mới nói với ông: Để tôi sẽ cho ông vườn nho của Naboth.

Chúng ta biết rõ bà hoàng này đa đoan lắm.

Jézabel, một nữ hoàng cuồng tín, cha của bà là trưởng tế của nữ thần Asbéra và ông đã làm hết sức để đưa sự thờ cúng mang tính dâm ô vào xứ Samaria.

Jézabel, vợ của Acab, đủ khả năng để dàn trận với 2.000 chiến xa và 10.000 bộ binh. Bà cơi thường Naboth, anh nhà nghèo. Và Bà rất dễ dàng có phương cách để chiếm đoạt vườn nho của ông. Với tư cách là hoàng hậu, bà làm gì lại không được.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng bao giờ lợi dụng sức mạnh, đặc quyền, các cuộc giao hảo của chúng con để thực hiện những điều bất công.

Chúng con xin Chúa cho những Người có “uy quyền” và có “trọng trách " đừng lạm dụng các uy thế ấy mà phục vụ cho quyền lợi riêng tư... để họ biết lưu tâm đến những người thấp bé, những kẻ thiếu phương tiện tự vệ.

Hãy cáo gian tội Naboth để giết chết nó.

Đúng là một trò độc ác. Ta sẽ nới rộng cung điện, sẽ phá vườn nho của Naboth và thay vào đó là vườn kiểng, vườn rau.

Điều ghê tởm đặc biệt trong câu chuyện truất hữu buồn thảm này là người giàu, một lần nữa, lấn lướt người nghèo, gài họ vào tội ác, bằng cách viện vào lý chứng tôn giáo.

Được phép tố cáo người khác không?

Ngày Nay, áp dụng câu chuyện này vào sự liên hệ giữa các nước giàu và các nước nghèo có phải là quá đáng không? Ta có thể nhận ra điều này khi thấy các nước có ngành kỹ nghệ tiên tiến mua nguyên liệu của các nước nghèo với giá rẻ mạt.

Tôi âm thầm cầu nguyện cho tình trạng thế giới được nêu ra ở đây.

Bài Tin Mừng: Mt 5,38-42

Thí dụ về “Luật báo phục" (Xh 21,23-25) sẽ giúp ta cách thức trung thành với tinh thần lề luật, trong khi thay đổi tận căn việc áp dụng luật đó.

Luật quy định như sau. “Nếu có nguy cơ tính mạng, thì người phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, bỏng đền bỏng, bầm đen bầm, sưng đền sưng” (Xh 21,23-25).

Anh em đã nghe luật dạy: "mắt đền mắt, răng đền răng Còn Thầy, Thầy bảo anh em: “đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa".

Khi buộc một hình phạt "tương bằng" với điều xúc phạm, luật báo phục muốn giới hạn sự trả thù quá đáng bị hại một mắt, không đòi hơn một mắt được! Mục đích là chặn bớt bản năng tự nhiên. Muốn đòi hai con mắt, cho một mắt bị hư!

Quảng diễn tiếp tinh thần của Luật trên. Đức Giêsu nói: “Không báo oán gì hết!”

Luật Cựu ước và những kiểu nói của Tin Mừng trên đây thoạt nhìn, hình như hoàn toàn không còn phù hợp với chúng ta nữa....Vì thực ra, chúng được thiết lập cho một thời đại xa xưa. Thế nhưng, ngay trong thời đại chúng ta; vẫn còn biết bao thành phố đang bị oanh tạc vì trả đũa... vẫn còn biết bao cuộc đấu tranh vì chủng tộc, quốc gia, xã hội đang leo thang kinh khủng…Kẻ mạnh nhất vẫn là kẻ đánh trả! Người ta thường nói tới “tương quan lực lượng” cách có vẻ ngay lành, nhưng thực ra luôn nhắm tới một châm ngôn xưa có tính bạo lực “mắt đền mắt” phản lại ý nghĩa của Kinh Thánh.

Chúng ta đừng biến đổi muối của Tin Mừng ra lạt.

Ta dám chấp nhận những lời nói của Đức Giêsu cách trực diện và với tất cả tấm lòng.

Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nửa. Nếu ai muốn kiện anh cướp áo trong thì hãy cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì. hãy đi với người đó hai dặm....Ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

Đức Kitô là nhà giảng thuyết để ý đến những vấn đề cụ thể trong đời sống, nên đã nói như thế ! Thật không có gì khó khăn hơn là chú giải những lời trên. Hình như Đức Giêsu không muốn hủy bỏ mọi công bình dân sự mọi thứ quyền lợi những nguyên tắc trên không thể áp dụng cách đơn phương cho xã hội con người, vì như thế sẽ dẫn đến việc gạt bỏ quyền lợi, và giúp cho kẻ mạnh áp chế kẻ yếu Có những trường hợp nói ta được quyền tự vệ và bênh vực kẻ khác chứ!

Ngoài ra, ta hãy nhớ lại: chính Đức Giêsu đã không giơ má kia cho tên đầy tớ vị thượng tế vả mặt Người, nhưng Người hiên ngang và nghiêm nghị hạch lại:“Tại sao anh đánh tôi?”

Đàng khác, chắc chắn là bất nhã khi áp dụng những lời trên cho kẻ khác, đặc biệt cho những vị có quyền trên chúng ta: khi nhân danh Tin Mừng yêu sách họ phải nhún nhường hay không chống cưỡng lại ta....Chắc chắn, Đức Giêsu không muốn đưa ra một tình trạng áp chế ngược đới, khi yêu cầu kẻ yếu đành phải nhẫn nhục chịu đựng.

Nhưng, những kiểu nói nhấn lạnh như trên chỉ nhằm đề cao thái độ bất bạo động: “đừng chống cự người ác ". Ta không có quyền làm dịu nhẹ tư tưởng của Đức Giêsu. Nhưng thái độ được đề nghị ở đây không thể là những thái độ nhu nhược, nhưng là vì thái độ hàm chúa sức mạnh nội tâm.

Cần phải khắc phục bản năng báo thù trong ta.

Sự dữ không thể khuất phục, khi ta sử dụng thái độ khắc nghiệt tương tự đối lại. Thực sự, điều ác ta chịu đựng vẫn còn ở ngoài ta… nhưng khi ta làm điều ác, thể hiện sự dữ, thì nó mang lại một chiến thắng kèm theo, nó bước vào trong ta. Đức Giêsu mở ra một còn đường khác cho nhân loại: Lấy thiện thắng ác. Sử dụng tình yêu đối lại hận thù. Ước mong có nhiều người dám thực hiện điều đó.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

Bài Tin-Mừng hôm nay ghi lại việc Chúa Giê-su kiện toàn luật bác ái: không báo thù.

1. Chúa muốn dạy đừng lấy oán báo oán khi chính mình bị xúc phạm. Lẽ tất nhiên ở đây Chúa không cấm chống lại sự bất công (Ga 18,22 …); càng không cấm bài trừ sự dữ, sự xấu ở trần gian.

Qua lời giáo huấn này, chúng ta tránh mọi lý tưởng, lời nói và hành vi chống lại kẻ dữ, nghĩa là đừng trả đũa, hoặc tự mình, hoặc nhờ tòa án gây cho đối phương cùng một sự thiệt hại họ đã gây cho mình; nhưng hãy lấy lòng nhân từ mà chinh phục kẻ dữ, vì kẻ dữ cũng có một linh hồn mà ta phải ra công cứu vớt.

2. Khi dạy đừng báo thù, Chúa Giê-su không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhất đảm, nhưng là để nên cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại và tha thứ.

- Đồng thời cũng khích lệ chúng ta tránh làm sự ác. Vì khi báo thù thì chúng ta cũng trở thành ác như kẻ ác vậy.

- Hơn nữa, khi không báo thù thì tâm hồn chúng ta được bằng an và thảnh thơi, để giúp chúng ta dễ đến với Chúa và đón nhận ơn Chúa hơn.

Để thực hành không báo thù, Chúa trưng ra những việc cụ thể như sau:

a) Nếu ai bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.

b) Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy cho nó lấy luôn cả áo ngoài.

c) Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người đó hai dặm.

d) Ai xin thì anh hãy cho.

Những ví dụ cụ thể trên đây không nên hiểu theo nghĩa đen vì Chúa lấy những ví dụ đó để đập mạnh vào sự chú ý của người nghe nhờ tính cách rắn rỏi và có vẻ nghịch lý.

Những ví dụ này có ý dạy rằng:

a) Dù người ta có xúc phạm đến danh dự, thể diện và phẩm giá của mình đến mức nào đi nữa thì người Kitô hữu cũng không được báo thù. Vì báo thù là hành vi của kẻ ác, còn không báo thù là tinh thần khoan dung của con cái Chúa.

b) Dù người ta có gây thiệt hại về vật chất, và sở hữu của mình đến thế nào đi nữa thì vẫn bình tĩnh không đối kháng.

c) Dù bị sỉ nhục như khi bị trưng dụng đi làm công tác, thì không lẫn trốn, nhưng vẫn sẵn sàng đón nhận bằng cách vui vẻ và ngoan ngoãn.

d) Khi thấy kẻ thiếu thốn xin hay vay mượn, các Kitô hữu không được từ chối, nhưng phải niềm nở đón tiếp, giúp đỡ vì bác ái dạy ta phải chăm sóc kẻ nghèo.

3. Qua bài Tin-Mừng này Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta rằng tinh thần bác ái theo Tin-Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô đòi buộc người Kitô hữu yêu thương tha nhân đến hy sinh danh dự, sức khỏe, tâm tình, của cải và cả đến mạng sống nữa (Ga 15,13).

Nhìn ngắm thái độ nhân từ, quảng đại, bao dung và tha thứ của Chúa Giê-su đối với mọi người bách hại Chúa, giết Chúa, để chúng ta noi gương bắt chước cách xử thế đối với những kẻ bách hại và gây thiệt hại cho mình cả về vật chất cũng như tinh thần.

Rm 12,17a.19b-20a.21: “Đừng lấy ác báo ác: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói hãy cho nó ăn; có khát hãy cho nó uống. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác”./.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT