Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh (Lc 24,35-48) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
03/04/2024
333
Các ông có hết hồn hết vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: "Việc gì mà hoảng hốt? Sao lòng anh em lạy còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ sờ xem, ma đâu có xương có thịt như Thầy đây?”….các ông vẫn chưa dám tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng thì Người hỏi: "ở đây anh em có gì ăn không?”. Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông".
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
TIN MỪNG: Lc 24,35-48

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Cv 3,11-26

Phêrô liền nói với dân chúng.

Luôn luôn ông là người mở lời nhân danh nhóm môn đồ. Bây giờ ông sắp giải thích phép lạ ông vừa làm cho người què.

Tại sao anh ngạc nhiên về việc đó, và nhìn chúng tôi như là chúng tôi dùng quyền năng hay lòng đạo đức riêng mà làm cho người này đi được?

Phêrô không phải là người ranh mãnh ông biết mình tội lỗi. Trước đây không lâu, ông đã chối Thầy! Mới đây thôi Những "quyền năng" của ông không thuộc về ông. Ông có trong tay một quyền năng từ Chúa Kitô mà đến. Ong biết mình là người, là tội nhân, không đạo đức thánh thiện hơn người khác!

Lạy Chúa, xin giúp cho từng người đang giữ một “vai trò” trong Hội Thánh có được sự khiêm tốn đó.

Xin làm cho tất cả chúng con biết ý thức về các giới hạn của mình, và về các trách nhiệm Chúa gửi đến cho chúng con.

Là trung gian ơn thánh. Để cho các ơn huệ Chúa muốn ban, được chuyền thông qua cuộc sống chúng con.

Đó là một "tác vụ". Mà các tác vụ trong Hội Thánh có nhiều và khác nhau.

Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại…

“Đấng ban sự sống"... một danh hiệu ít thông dụng để nói về Chúa Giêsu. Đây là danh hiệu đột xuất trên môi miệng Phêrô: Sự sống lại còn rất gần. Đó là điều đã ghi dấu vào các Tông đồ và là điều họ không ngừng rao giảng. Chúa Giêsu, “Đấng ban sự sống”, Đấng vinh thăng, Đấng sống động tuyệt vời. Xin ban cho không con sự sống này!

Khi thông hiệp thân mình Chúa Kitô, chúng ta thông hiệp sự sống.

Bởi đã tin vào danh Người... nên anh này hoàn toàn lành mạnh trước mặt hết thảy anh em.

Sự Phục sinh của Chúa là một quyền năng của sự sống, của niềm vui, của sự bật dậy. Bước nhảy của người từ khi sinh ra đã không biết đi, nay bỗng trỗi dậy, là biểu trưng cho nhân loại được cứu thoát.

Mỗi lần con thoát khỏi một tội, chớ gì đây là một niềm vui như vậy như thế, tội lỗi phá hoại nhân loại còn hơn cả bệnh tật thể lý. Còn bệnh bất toại thật là con bệnh của ý chí bị co rút không còn phản ứng được.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được mạnh khỏe hồn xác… nhất là phần hồn.

Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm.

Tin Mừng luôn được tiếp diễn.

Chúa Giêsu đã nói: “Xin hãy tha cho chúng, chúng không biết việc chúng làm”.

Thánh Phêrô nói anh em được tha bởi anh em đã hành động vì không biết. Đó là ông dùng quyền ràng buộc, một quyền năng Chúa Giêsu đã ban cho các ông: “Điều nào cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng buộc”.

Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xóa bỏ, như thế để Thiên Chúa ban cho anh em thời kỳ thụ thai.

Sự tha thứ, là “thời kỳ thụ thai”. Công thức đáng phục. Tôi có nhận thức rằng: những lần tôi xưng tội là thông dự vào sự sống lại không? Điều tôi quan tâm tìm nương tựa, không phải là sức mạnh, ý chí của tôi, nhưng là sức mạnh của Đấng đã cho Chúa Giêsu từ cõi Chết sống

BÀI TIN MỪNG: Lc 24,35-39.41-48

Hai môn đệ làng Emmau còn đang nói, thì chính Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông.

Đối với những con người đáng thương này, các biến cố bi thảm đã qua rồi. Bữa ăn cuối cùng vào chiều thứ Năm vừa qua... cuộc bắt nộp tại vườn Ghét-se-ma-ni... cái chết trên thập giá của Người... việc Giuđa, một người trong họ, treo cổ tự vẫn. Nhóm Mười hai còn lại "Mười một”.

Chính trong bối cảnh trên, để xảy ra biến cố Phục sinh, khiến các môn đệ trở nên bối rối.

Lạy Chúa, chính lúc các ông sa vào vực thẳm tuyệt vọng, thì Chúa đã hiện đến nói với họ: “Anh em đừng sợ!”.

Tôi gợi lên một tình trạng tuyệt vọng trong đời sống cá nhân của tôi, trong đời sống của thế giới, của Giáo hội, hôm nay, Lạy Chúa, Chúa vẫn hiện diện tại đó, “ ở giữa chúng con"

Các ông có hết hồn hết vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: "Việc gì mà hoảng hốt? Sao lòng anh em lạy còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ sờ xem, ma đâu có xương có thịt như Thầy đây?”….các ông vẫn chưa dám tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng thì Người hỏi: "ở đây anh em có gì ăn không?”. Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông".

Hiển nhiên, “Nhóm Mười một”, cũng như tất cả các người khác, cho đến lúc này vẫn tỏ ra cứng tin. Sự nghi ngờ được các trình thuật ghi nhận.

Đối với những người Xê-mít này, là những người không có ý niệm phân biệt giữa “xác và hồn ", thì nếu Đức Giêsu đang sống. Người chỉ có thể hiện diện với trọn vẹn con người của Người. Họ muốn tin chắc rằng, đó không phải là một bóng ma, và không phải là ma, thì Người phải có một thân xác sự Phục sinh không thể giản lược vào một ý tưởng linh hồn bất tử. Mọi chi tiết đều muốn giúp chúng ta có cảm giác về một sự hiện diện thực sự.

Mặc dù đó là điều khó hình dung, nhưng cần phải nói rằng, việc Phục sinh không chỉ là một sự sống tinh thần còn sót lại mà là chính thân xác Đức Giêsu sống lại, và qua Người, toàn thể tạo vật, toàn thể vũ trụ được biến đổi Chính vũ trụ vật chất cũng được Thần Khí Thiên Chúa đón nhận và thâm nhập. Thánh Phao lô sẽ nói: “Chúng ta rộng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô sẽ từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,20-21).

Trong Thánh Thể, một mảnh nhỏ của vũ trụ, một chút bánh rượu, được Đức Kitô đón nhận như thế, và nói theo thánh Phaolô, là “phục tùng Đức Kitô" để trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Đấng Phục sinh, và dần dần biến đổi chính chúng ta thành Thân Thể, Đức Kitô”.

Đó là tâm điểm của Tin Mừng! Đó là "tin vui"! Đó sự thành công của chương trình Thiên Chúa. Đó là mục đích của công cuộc tạo thành! Đó là ý nghĩa của vũ trụ?

Nếu chúng ta cho biến cố Phục sinh là có thực, thì ta cần dấn thân hoạt động theo chiều hướng trên nghĩa là: Cứu độ con người, cứu độ vũ trụ, bằng cách làm cho tất cả hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa.

Rồi Người bảo: "Khi con ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em... Bấy giờ Người mở lòng mở trí chó các ông hiểu Kinh thánh, những khổ hình đấng Mêsia phải chịu, việc Người sống lại từ cõi chết rồi nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh am làm chứng về những điều này”.

Giờ đây, Đức Giêsu thật sự là Đức Chúa nắm quyền hành trên toàn thể vũ trụ, trên mọi người và sai các môn đồ ra đi thi hành sứ vụ trên toàn thế giới.

Theo một ý nghĩa, thì mọi sự đã hoàn tất trong Đức Kitô.

Nhưng tất cả còn phải được thi hành. Tôi có hoạt động cho công cuộc đó? Tôi có trở nên một nhân chứng không?

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ ở nhà tiệc ly.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Các Tông Đồ là những nhân chứng chính thức về Chúa Giêsu Phục Sinh, nhưng chúng ta lại thấy Chúa hiện ra với các ngài sau khi hiện ra với các phụ nữ và hai môn đệ đi Emmau. Điểm này chúng ta có thể hiểu rằng: Vì các Tông Đồ lãnh trách nhiệm quan trọng như vậy, nên Chúa Giêsu muốn để cho các ngài có thì giờ suy nghĩ và được chuẩn bị chu đáo trước. Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng, để đào tạo được vị tông đồ, tức là một Linh Mục, Giáo Hội đã phải tốn biết bao công sức, thời gian, vật chất … Quan sát việc đào tạo các chủng sinh nơi chủng viện sẽ thấy rõ điều đó. Đồng thời cũng có ý nhắc nhở chúng ta phải đào tạo kỹ lưỡng, những người hiến thân cho việc tông đồ giáo dân, đặc biệt là trong đời thánh hiến.

2. “Bình an cho anh em”:

Theo phong tục người Do Thái, đây là lời chào, chúc khi gặp gỡ nhau. Nhưng ở đây lời chào này mang ý nghĩa Đức kitô sống lại đem bình an và niềm vui cho các môn đệ (Ga 20,19-21). Ý nghĩa này được thể hiện trong mỗi Chúa Nhật, là ngày các kitô hữu hợp nhau để thờ phượng Chúa và sống tình bác ái huynh đệ với nhau.

3. Chúa Giêsu tỏ dấu chỉ hữu hình bằng cách cho các Tông Đồ thấy chân tay của Người và Người cầm lấy bánh trước mặt các ông, nhằm nâng đỡ và củng cố niềm tin cho các ông. Trong đời sống hằng ngày, Chúa có thể ban cho chúng ta những ơn lành hồn xác để củng cố thêm sức mạnh cho đức tin, để chúng ta có thể làm chứng cho Người.

4. Việc Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ thấy tay chân của Người và Người ăn bánh trước mặt các ông, để chứng tỏ Chúa Phục Sinh cũng chính là Đức Giêsu mà các môn đệ đã từng được sống với Người trước kia. Chúng ta cầu xin Chúa Phục Sinh cho chúng ta được sống lại thật về phần linh hồn.

5. Chúa Giêsu mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh. Chi tiết này nhắc nhủ chúng ta muốn hiểu Thánh Kinh, chúng ta cần ơn soi sáng của Chúa, chứ không chỉ nhờ sự nỗ lực riêng mình. Vì thế, muốn hiểu Thánh Kinh, chúng ta cần ơn soi sáng của Chúa, chứ không chỉ nhờ sự nỗ lực riêng mình. Vì thế, muốn hiểu Lời Chúa khi nghe hoặc đọc Thánh Kinh, chúng ta phải giục lòng tin, cậy, mến Chúa và cầu xin ơn Người soi sáng, chỉ dạy cho.

6. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ sứ mệnh làm chứng về việc Người tử nạn và phục sinh. Vì thế, để nhắc nhở sứ mạng quan trọng này, Hội Thánh đặt trên môi miệng chúng ta lời tuyên xưng sau khi truyền phép Thánh Thể trong Thánh lễ rằng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”. Tuyên xưng lời trên đây khi tham dự thánh lễ, thì khi ra về chúng ta phải thực hiện lời đó trong cuộc sống hằng ngày.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT