
Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần I Mùa Chay (Mt 7:7-12) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN I MÙA CHAY
TIN MỪNG: Mt 7,7-12
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Et 14,1.3-5.12-14
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn lập lại rằng Thiên Chúa tự bản chất là nhân lành, Người muốn ban sự lành cho con cái Người và phải cầu nguyện trong tinh thần đó.
Lời kinh của Et-te (Esther) trong Cựu ước là một mẫu gương.
Nữ hoàng êt-te (Esther) kinh hoàng vì lâm nguy, nên tìm nương tựa nơi Chúa.
Tình thế của dân Do Thái thời đó thật bi đát. Bị phân tán ít người, giữa các dân ngoại... họ thường bị bách hại và bị khinh miệt. Tình thế của ét-te cũng vậy, và tình thế này trở thành kinh nguyện của bà. Bà lấy đời mình mà cầu nguyện.
Thật giản dị, bà trình bày lên Chúa trường hợp của mình.
Xin cứu tôi đang sống cô độc, ngoài Chúa không có ai khác giúp đỡ tôi . Tôi đang lâm cơn nguy biến.
Bà chỉ thấy nơi mình có yếu đuối và nghèo khổ.
Bà dám nhìn sự nghèo khổ quá mức của mình, nhìn nhận và thú nhận. Cô độc! Một trong những đau khổ lớn lao nhất. “Tôi đang cô độc”. Cảm giác không có bạn hữu, và dù gần họ mà cũng không có thể nói hết được. Ngay trong đời sống lứa đôi và gia đình vẫn gặp phải khó khăn trong việc trao đổi và chia sẻ có những ngày phải sống cô độc người ta thấy mình bị cô lập, tâm hồn trống rỗng…Người ta có cảm tưởng không được cảm thông.
Phải chịu vậy sao?
Hay là như Ét-te, hướng về Chúa và thổ lộ cùng Người.
Điều đó có thể tỏ ra như là một yếu đuối lệ thuộc đối với những người khắc kỷ, những người hùng. Lạy Chúa, con không coi mình là hùng mạnh, con chỉ muốn biết Chúa, ít ra, Chúa nghe và hiểu con. Thật tai hại khi con đắm mình trong các cơn thử thách, thay vì trút đổ chúng vào lòng Chúa và gỡ mình ra khỏi nếu có thể được.
Lạy Chúa,. xin hãy nhớ và hãy tỏ mình ra.
Một lời kinh táo bạo thân tình thưa lên Chúa. Một lời kinh xin Chúa “thủ vai của Người”.
Lạy Chúa, xin đến cứu chúng con, Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Chúa biết và yêu thương chúng con.
Chúng con sẽ theo ai?
Xin hãy nhớ lời Chúa hứa!
Xin hãy làm điều Chúa nói!
Xin ban cho tôi lòng tin tưởng. Xin đặt trong miệng tôi những lời khôn khéo.
Lời Kinh “không biếng nhác" không thụ động tránh trút cho Chúa. Một lời Kinh xin Chúa để chúng ta thủ giữ được vai trò của chúng ta”.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh để đạt tới đó.
Xin soi dẫn, cho con miệng lưỡi tốt đẹp hơn, để có thể thoát khỏi sự cô độc của con.
Kỳ diệu, phải không? “Xin cho con can đảm” lời Kinh phải lập lại luôn.
Xin Chúa ra tay giải thoát chúng tôi và phù trợ tôi vì lạy Chúa, ngoài Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, không ai giúp đỡ tôi.
Lời Kinh tín thác.
Hoàn toàn phó thác trong tay Cha... Con chỉ có Chúa. Đây không phải tình cảm và không ai có quyền chế nhạo. Ít ra vào giờ chết, điều này rất thực. Đừng xảo quyệt.
Bài Tin Mừng: Mt 7,7-12
Đoạn Tin Mừng hôm nay vẫn còn đề cập đến cầu nguyện. Chúa Cha muốn ban cho con cái mình những điều thiện hảo.
Anh em cứ xin thì sẽ được. Cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở cho.
Chắc chắn đây là một quan niệm lạc quan.
Đức Giêsu sống thân mật trọn vẹn với 'Thiên Chúa. Nên tự nhiên, Người dễ cảm nhận, những lời cầu xin của ta cũng luôn được chấp thuận. Và thông thường dễ nhận thấy, cửa sẽ mở ra khi ta gõ cửa nhà một người nào đó.
Vì hễ ai xin thì sẽ được.
Ai tìm thì sẽ thấy.
Ai gõ thì cửa sẽ mở ra cho.
Đức Giêsu lập lại một lần nữa.
Lạy Chúa, Chúa đã hứa rõ ràng như thế đó. Con muốn lắng nghe lời Chúa. Con muốn tin tưởng Chúa. Tuy nhiên có nhiều lời cầu xin bề ngoài không được đoái nhận!
Có thể, chúng con chưa cầu nguyện tốt.. Có thể, chúng con còn thiếu tin tưởng và chưa sống thân mật đích thực thường xuyên với Thiên Chúa. Có thể Chúa chấp nhận lời cầu của chúng con, theo cách khác với điều chúng con xin.
Đôi khi thực sự con đã có cảm nghiệm như sau : Con xin Chúa một điều rõ ràng, và con đã không nhận được đúng điều đó. Nhưng con đã nhận được từ nơi Chúa, từ chính kinh nguyện của con, một sự bình an to lớn, một sự chấp thuận nội tâm sâu xa. Chính con đã được biến đổi nhờ cầu nguyện Lạy Chúa, có phải đó là sự chấp nhận mà Chúa nói tới.
Ai trong anh em, khi con mình xin cái bánh mà lại cho nó hòn đá sao ? Hoặc khi nó xin con cá mà lại cho nó con rắn sao?
Lại gặp một hình ảnh... rất tự nhiên và thân mật.
Khi một đứa con thơ xin cha mình chiếc bánh, nó không nghĩ sẽ nhận được hòn đá hay con rắn. Nếu tôi là một người cha hay người mẹ, tôi có thể cầu xin rất cụ thể, nhờ kinh nghiệm trên, nghĩa là khơi đi từ ý nghĩa của những đứa con tôi. Chính Đức Giêsu đã gợi lên cho tôi điều đó. Và kinh nghiệm của tình yêu phụ tử hay mẫu tử có thể giúp tôi hiểu rằng tại sao một số lời cầu xin bề ngoài không được đoái nhận. Không phải lúc nào tôi cũng cho... Tôi không cho tất cả... những gì con cái tôi nài xin. Không phải là để từ chối chúng, cũng không phải để gây cho chúng đau khổ, nhưng để giúp chúng được lợi ích nhiều hơn, và bởi vì tôi yêu thương chúng.
Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha của anh em,Đấng ngự trên trời, hẳn sẽ ban của tốt của lành cho những kẻ kêu xin Người.
Theo đoạn văn trên, hiệu quả của lời cầu xin không do sự kiên trì hay nài nỉ của kẻ xin... nhưng do lòng tốt và tình thương của người cho! ở đây, Đức Giêsu không nhấn mạnh đến tính kiên nhẫn trong khi cầu nguyện, như Người sẽ làm ở những đoạn văn khác, nhưng chỉ nhấn mạnh đón lòng khoan dung của Thiên Chúa.
Thiên Chúa luôn tốt lành. Người thường yêu thương. Người là Người Cha. Người là Người Mẹ. Thiên Chúa muốn trao ban những điều tốt lành.
Có thể, con cần phải khám phá ra rằng, “điều gây hại cho con”, điều mà con xin được giải thoát, những thử thách con chịu... lại chứa mang một ân huệ và từ bàn tay của Chúa, chúng là “một điều tốt" cần đón nhận. Đau khổ thật là mầu nhiệm, nó làm lớn mạnh một con người. Và bệnh tật cô đơn tuổi già cũng đều mầu nhiệm như thế ? ở đời này, con không luôn biết được điều gì là "tốt lành " cho con. Lạy Chúa, chỉ mình Chúa mới biết rõ được điều đó.
Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.
Đó là phương cách có thể làm giảm bớt rất nhiều gian khổ phần tôi, tôi có thể tìm thấy ở đó niềm vui không ?
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Cứ xin thì sẽ được
HOÀN CẢNH:
Đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu dạy về việc hoàn thiện đời sống bằng cách vun trồng những đức tính tốt:
Cầu xin là một hình thức cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa, là nói lên với Người, như với người Cha tâm tình yêu mến và tin tưởng (Mt 6,7-13). Cầu xin với chủ đích như thế, nguyên nó đã được nhận rồi. Điều gì khác như xin theo nhu cầu mình muốn, trở thành phụ thuộc, người con sẽ để tuỳ ý muốn và sự quan phòng của người Cha. Mục đích cầu nguyện như vậy, nên ở đây Đức Giêsu chỉ vẽ về tinh thần phải có khi cầu nguyện: kiên nhẫn, trông cậy và bác ái.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay Thánh Mát-thêu ghi lại lời Đức Giêsu dạy về tinh thần cần phải có để lời cầu xin được Chúa nhận lời.
TÌM HIỂU:
7-8 “Anh em cứ xin thì sẽ được …”
Khi cầu nguyện phải biết tin tưởng.
Kinh nghiệm mà Chúa Giêsu dạy ta, phải được thực hiện không khoe khoang, không nhiều lời (Mt 6,7-12) mà cần phải kiên nhẫn trong tin tưởng: hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa sẽ mở cho… Kiên nhẫn như vậy, không phải để Chúa nghe, biết ta thiếu thốn, mà để tỏ ra ta biết mình thiếu thốn và cần cậy nhờ đến Chúa.
9-11 “Có người nào trong anh em …”
Trông cậy: không phải để đề cao kỹ thuật cầu nguyện, mà để xác nhận Thiên Chúa nhân lành, Người sẽ không bỏ rơi con cái. Vì cha mẹ thế gian, là những kẻ tội lỗi xấu xa, mà còn biết cho con cái mình những sự tốt lành, huống chi Thiên Chúa là Cha nhân lành vô cùng, thương yêu chúng ta gấp bội cha mẹ thế gian, nên ta đừng ngần ngại kêu xin.
12 “Vậy tất cả những gì anh em muốn…”
Bác ái: Câu này tóm kết cả bài giảng trên núi (Mt 5,7-29), nhưng cũng có thể áp dụng riêng cho sự cầu nguyện là, Phải có lòng bác ái đối với tha nhân: Yêu anh em vì mến Chúa, tức là kính mến Thiên Chúa (1Ga 4,21) và ta mến Chúa, Chúa mới nghe lời ta cầu xin.
- Câu này được gọi là khuôn vàng thước ngọc, bởi vì nó bao hàm tất tả những gì Thiên Chúa truyền dạy về bổn phận con người đối với tha nhân.
- Trong Cựu Ước, sách Tô-bi-a (4,6) cũng đưa ra một đạo lý tương tự: Đừng làm cho người điều mình không muốn.
- Đức Khổng Tử cũng có câu: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.
- Tuy nhiên, nét độc đáo của Đức Giêsu ở đây chính là, đưa ra một nguyên tắc tích cực: Hãy làm cho người ta điều mà bạn muốn người ta làm cho bạn.
- Sau này trong bữa ăn cuối cùng, Đức Giêsu đã biến nguyên tắc thành điều răn mới: “Chúng con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu chúng con” (Ga 13,34-35; 15,12). Đó là đặc điểm của đạo Công Giáo chúng ta.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Cầu nguyện phải tin tưởng trong kiên nhẫn. Vì Thiên Chúa là Cha, Người yêu thương và săn sóc chúng ta.
Chúng ta không cầu nguyện, vì chúng ta không tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha. Tin mà chưa cầu nguyện là chưa tin thật sự.
Tác giả sách Đường Hy Vọng dạy ta rằng: “Con ngạc nhiên vì sai nhiều người mất ơn kêu gọi, mất đức tin, phản bội Hội Thánh ư? Trong những trường hợp đó, luôn luôn có một lý do chính: đó là đã bỏ cầu nguyện lâu rồi ! Một vị thánh mà không cầu nguyện là một vị thánh giả ! Con chờ xem, họ sụp đổ không mấy hồi!”
2. Cầu nguyện phải tông cậy: Quả vậy, hiệu quả của lời cầu xin không do công lao của con người, nhưng do lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa: “Vì Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người”.
Thiên Chúa luôn luôn tốt lành. Người hằng thương yêu, vì Người là Cha, luôn muốn trao ban những điều tốt lành cho con cái.
Trông cậy vào Thiên Chúa tốt lành, nên những điều chúng ta xin được giải thoát, những thử thách chúng ta chịu … lại chứa đựng một ân huệ và từ bàn tay của Chúa, chúng lại là một điều tốt cần được đón nhận.
Đau khổ, thật là một mầu nhiệm. Nó làm lớn một con người, biến đổi được đời sống. Những tật bệnh, cô đơn, tuổi già cũng đều mầu nhiệm như thế.
Ở đời này, chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ điều tốt lành cho chúng ta, nên cứ tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa.
3. Bác ái là đặc điểm của đạo công giáo chúng ta. Vì thế, khuôn vàng thước ngọc của chúng ta trong đời sống cộng đoàn và xã hội là “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì anh em cũng hãy làm cho người ta”.
4. Mùa Chay là thời gian chúng ta tôi luyện lòng tin tưởng, cậy trông và yêu mến đối với Thiên Chúa.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10