Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần II Mùa Chay (Lc 16,19-31) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
19/03/2025
613
Những lời giáo huấn trong dụ ngôn này cảnh cáo ta về một sự kiện là: của cải vật chất có thể trở thành nguy hiểm, vì nó có thể làm cho lòng người hoá ra xấu; cái xấu ở đây là tính ích kỷ, chỉ muốn hưởng thụ cho mình, và xơ cứng lòng: không nghĩ đến cũng như không động lòng trước sự đau khổ của người khác...

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY
TIN MỪNG: Lc 16,19-31

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Gr 17,5-10

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể lại dụ ngôn về Lazarô, người nghèo ở trước cửa, nhà người phú hộ xấu... để cho chúng ta hiểu rằng. Không nên đặt cọc trên trần gian.

Đây Chúa phán: "Khốn thay kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người".

Lạy Chúa, lời này quá cứng cỏi đối với con.

Con quá cần tựa nương vào người đời, các vật mang xác thể, như ngôn sứ Chúa nói. Nhưng dầu vậy, sự cảnh giác này rất xác thực, vì ai dựa vào “người đời" đến nỗi xa lìa Thiên Chúa, họ làm cho mình nên bất hạnh, như người giàu có trong dụ ngôn.

Lạy Chúa, sự an toàn chân thực của chúng con đặt ở nơi Chúa.

Lạy Chúa, trong Mùa chay này, xin giúp chúng con tựa nương vào Chúa hơn.

Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc. Họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở.

Hoang địa là biểu trưng của bất hạnh, nơi bị chúc dữ, sự sống không triển nở, đất khô chồi gây chết chóc. Không thấy những vùng đất khô cháy này, người ta khó tưởng tượng ra. Vì ngôn sứ nói con người không có Thiên Chúa giống như hoang địa trống vắng.

Điều đó xem ra quá mạnh đối với chúng ta.

Không phải là Thiên Chúa, người ta khó tưởng tượng nổi sự trống vắng của con người không có Thiên Chúa. Phải tiếp nhận mạc khải này từ chính Thiên Chúa là Đấng nói điều đó cho Ta.

Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa và Chúa sẽ là niềm cậy trông cho họ.

Đây là bản đối chiếu.

Những công thức chúng ta suy gẫm cho đến lúc này, là để làm nổi bật sứ điệp tích cực.

Phải, Chúa muốn sự sống, hạnh phúc, Chúa muốn chúc phúc.

Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi đất ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, là vẫn xanh tươi không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả.

Những biểu trưng của vui tươi, kiên vững, sống động như cây trồng nơi bờ suối. Ở đây, người ta gặp lại biểu tượng cũ của “cây sự sống" : Người công chính được sánh như một cây ăn trái tươi tốt trổ đầy trái ngọt.

Đời tôi có được như vậy không?

“Mọi cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa”.

Lòng người nham hiểm khôn dò, nào ai biết được? Còn Ta, Ta là Chúa. Ta thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can…

Đừng để mình bị ảo tưởng.

Người ta không coi thường Thiên Chúa, không lừa dối Thiên Chúa được. Không thể quanh co trá hình. Chẳng có lời tô điểm nào hữu hiệu trước mặt Người.

Lạy Chúa, xin hãy thẩm xét lòng con. Hãy phát giác những gì con ẩn giấu trong đó. Các tội còn khuất mặt mọi người, để tha thứ cho con. Cả những ý lành chưa được nói lên và còn quá yếu để trông thấy và củng cố chúng.

BÀI TIN MỪNG: Lc 16,19-31

Sự sống đời này không là tất cả của con người.

Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.

Đức Giêsu đã ghi nhận tình trạng đó trong thời đại của Người. Đã có những bất bình đẳng, những bất công...đã có những con người quá giàu và những kẻ quá nghèo. Ong nhà giàu trên đây đã chỉ đặt hết tin tưởng vào con người. Ong ta cậy dựa hoàn toàn vào của cải, lạc thú, trần gian. Hưởng lạc. Tiêu thụ. Trục lợi.

Có một người nghèo khổ... Nằm trước cổng nhà ông ấy, mình đầy ghẻ chốc, thèm được hứng thứ trên bàn ăn ông nhà giàu rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm bầy chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.

Đức Giêsu sử dụng những ngôn từ đó và phác tả cảnh trên. Luôn có cùng một tình trạng như thế. Luôn có những người giàu sang, những kẻ tiêu xài hoang phí... và những kẻ nghèo hèn, thiếu thốn cả những điều cần thiết để sống cho ra người. Ngày nay, tình trạng đó vẫn là tiếng kêu khủng khiếp giữa các dân tộc giàu và những dân tộc nghèo.

Đức Giêsu đã dùng ngón tay chỉ rõ cho ta thấy tình trạng đó!

Người yêu cầu ta không nên coi tình trạng đó là bình thường. Cần phải mở mắt nhìn đến những bất bình đẳng.

Mùa chay là thời gian dành cho một cuộc lạc quyên trên thế giới nhằn “chống lại nạn đói và để phát triển”. Đôi khi ta gọi công tác đó, là "làm phúc Mùa chay”.

Nhưng đó không phải là của bố thí ? Đó chỉ là một trong một vấn đề rộng lớn, và đúng ra, đó là vấn đề công bằng.

Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem lên trời... ông nhà giàu cũng chết, và phải chịu cực hình.

Tình trạng bị đảo ngược. Người nghèo được hưởng hạnh phúc. Người giàu bị hình phạt, sự sống của con người không hoàn toàn chỉ diễn ra trên trái đất này.

Khi còn sống con đã hưởng phần phước của con rồi. Còn Ladarô suốt một đời đã chỉ gặp tai họa. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.

Ở đây, Đức Giêsu diễn tả sự phản bội sơ đẳng và rất tự nhiên của biết bao người bị nhạo báng, đè nén. Số phận bất công đó sẽ không kéo dài mãi : Đức Giêsu loan báo ngày nào đó, một tương lai sẽ tới, những thái độ vị kỷ và những áp đạt sẽ không còn nữa...

Theo Đức Giêsu, người ta không thể nói rằng, sự giàu có tự nó là một điều xấu. Nhưng nó mang hai nguy cơ đáng ngại. Một là : Sự giàu có dễ khiến ta “khép chặt tâm hồn” đối với Thiên Chúa. Người ta tự hài lòng về hạnh phúc đời này. Người ta quên bỏ sự sống đời đời, lãng quên điều chính yếu.

Hai là: Sự giàu sang dễ có nguy cơ khiến con người “khép chặt tâm hồn” đối với kẻ khác . Người ta không còn nhận ra người nghèo khổ đang nằm trước cửa nhà mình nữa.

Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra những sự việc đang làm cho con không hướng về Chúa, không hướng về anh em con.

Cho dù người chết có sống lại đi nữa, họ cũng chẳng tin đâu.

Cách bố trí cảnh cuối cùng của dụ ngôn, khi gợi lại năm người anh em giàu có trong giai đoạn đầu. . đừng là một phản dội vô cùng bi thảm. Nó củng cố cho ý tưởng đã được diễn tả ở đầu dụ ngôn là: những lời cảnh giác có cơ sở chắc nhất- càng không thể lay tỉnh được "những kẻ giàu sang xấu ác" từ bỏ những tư tưởng sai lầm của họ.

Tính ích kỷ của những kẻ giàu sang, nếp sống phóng túng và vô đạo của họ... sự khép kín tâm hồn họ... sẽ dẫn tới hậu quả là không đọc được những dấu chỉ của Thiên Chúa”. Đối với họ, cái chết không là gì, và ngay sự sống lại của một người chết cũng sẽ không thuyết phục được họ.

Họ đã không còn thói quen nhìn ra các “dấu chỉ" mà Thiên Chúa trao gửi cho họ trong đời sống thường ngày. Yêu cầu những dấu lạ chỉ là một cớ giả tạo . Vậy, họ nên nghe “lời Thiên Chúa" rất thông thường, mà các ngôn sứ không nói với họ.

Qua dụ ngôn trên đây, Chúa nói gì với con hôm nay? chớ gì không một thứ giàu sang nào (vật chất, tinh thần, đạo đức) có thể khép chặt tâm hồn con! Xin giữ gìn con luôn sống cởi mở, sẵn sàng… nghèo khó.'

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Dụ ngôn người giàu có và La-da-rô nghèo khó

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay gồm có hai phần:

- Lc 16,19-26: Sau khi chết, số phận con người đổi khác.

- Lc 16,27-31: Phải hoán cải ngay, và muốn vậy thì phải nghe theo Mô-sê và các Ngôn Sứ.

Dụ ngôn trên dạy chúng ta:

- Sự sống đời này không phải là tất cả của con người, vì thế sống ở đời, chúng ta đừng cậy dựa vào bất cứ sự gì ngoài Thiên Chúa.

- Vì yếu đuối trước những cám dỗ ở đời, nên cần phải biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi trong Mùa Chay này, để hoán cải, sám hối, đổi mới nếp sống cho phù hợp với phẩm giá người Kitô hữu, con cái Thiên chúa và bảo đảm cho sự sống đời sau.

2. Những lời giáo huấn trong dụ ngôn này cảnh cáo ta về một sự kiện là: của cải vật chất có thể trở thành nguy hiểm, vì nó có thể làm cho lòng người hoá ra xấu; cái xấu ở đây là tính ích kỷ, chỉ muốn hưởng thụ cho mình, và xơ cứng lòng: không nghĩ đến cũng như không động lòng trước sự đau khổ của người khác.

3. Nhìn vào nhà phú hộ:

- Cậy dựa vào tiền của, ăn mặc xa hoa, yến tiệc linh đình và cứ tưởng cuộc đời của mình như thế mãi! Nhưng giờ chết đến bất ngờ, ông “bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”

Đó là số phận của kẻ cậy dựa vào tiền của đời này, mà không biết dùng tiền của để chuẩn bị cho đời sau bằng những việc bác ái thương người.

- Cái tội của người giàu có này không phải vì ông giàu có, nhưng vì ông đã có cơ hội làm việc thiện giúp đỡ cho Ladarô nghèo khó, mà ông đã không làm.

Có phương tiện, có cơ hội mà không làm việc lành, việc thiện để tỏ lòng mến Chúa yêu người, thì làm sao được vào Nước Trời, là nơi chỉ có lòng mến tồn tại.

- Số phận của nhà phú hộ bị khổ ở đời sau, là lời cảnh giác cho chúng ta đang còn sống ở đời này: cần phải biết nghe theo hội Thánh, nghe theo lời mời gọi sám hối của Mùa Chay, để dứt bỏ mọi quyến luyến trần gian, nhất là của cải giàu sang phú quý làm che lấp tình thương yêu bác ái đối với kẻ khác.

- Sự giàu có tự nó không phải là điều xấu, nhưng nó có thể gây ta hai nguy cơ tai hại cho phần rỗi đời đời:

a) Sự giàu có dễ khiến ta khép kín tâm hồn đối với Chúa. Người ta tự hài lòng về hạnh phúc đời này và bỏ quên sự sống đời sau là lý tưởng của cuộc sống con người.

b) Sự giàu sang dễ có nguy cơ khiến con người khép kín tâm hồn đối với tha nhân. Trong cảnh giàu sang, người ta dễ quên những người nghèo khổ đang sống chung quanh mình.

- Người giàu có khó vào Nước Trời là vì vậy.

- Của cải tôi đang có, nó có chi phối tương quan giữa tôi với chúa và tha nhân không?

3. Nhìn vào Ladarô:

- Chúa không khen vì anh nghèo khổ, nhưng Chúa khen vì anh đã biết chịu đựng sự khổ trong cảnh nghèo. Những sự khổ do vật chất gây ra: thiếu thốn, đói rách, nghèo khó, thua kém … vẫn luôn có giá trị cho ta tiến vào Nước Trời, miễn sai “đói cho sạch rách cho thơm” trước mặt Thiên Chúa và người ta.

- Hình ảnh Ladarô nghèo khó thức tỉnh chúng ta không mặc cảm về cảnh nghèo và sự thiếu thống của mình, nhưng biết tôn trọng mọi người, kể cả những người nghèo khó ở đời.

4. Mùa chay nhắn nhủ chúng ta biết sử dụng của cải Chúa ban, để giúp ích cho mình và cho tha nhân bằng những việc phục vụ, chia sẻ bác ái từ thiện…

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT