Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần II Mùa Phục Sinh | Ga 3,31-36 | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
30/04/2025
512
Đối với Gioan, đối với Đức Giêsu, kẻ cố ý không tin, thì không "sống," nhưng đã chết. Ngày nay, ta có thể tự hỏi, chắc hẳn một số người khi quả quyết mình vô tín ngưỡng, thì họ đã dứt khoát chọn lựa như thế. Nhưng trên thập giá, chính Đức Giêsu lại tha thứ cho các lý hình của Người, khi thốt lên: “họ 'không biết việc họ làm"...

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN II MÙA PHỤC SINH
TIN MỪNG: Ga 3,31-36

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Cv 5,27-33

Các thủ hạ dẫn các tông đồ đi, họ đem các ngài ra trước công nghị.

Tôi mường tượng ra quang cảnh.

Mười Một người, Nhóm các tông đồ. Bị cảnh sát điệu tới tòa án. Tại Giêrusalem, từ nay họ ở hàng đầu tin thời sự: bắt bớ liên tiếp. Tù tội..thẩm vấn…

Người ta nghĩ tới cùng một công nghị, pháp đình Do thái, mà một thời trước, một “nhân vật" khác tên là Giêsu, đã phải trình diện và cũng công nghị này đã tin rằng có thể làm Người biến dạng được.

Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy và giảng dạy... Các ngươi lại còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi?

Thực sự, các thủ lãnh ở Giêrusalem sợ hãi. Họ bị lương tâm cắn rứt khi nhớ lại cuộc sát hại họ làm đã được ít lâu: máu ám ảnh họ! Họ không dám nhắc đến tên Người: Giêsu tiếp tục đặt vấn đề với họ. Thực sự, Chúa Giêsu "luôn" còn đó, Người kéo dài trong các tông đồ người. Thực sự người ta đã không thành công! Người ta đã tưởng hủy diệt được Người! Thay vì một, họ bây giờ tới mười một người! Và đây không phải là truyện ngẫu nhiên, họ tái lập hầu như về thể lý cuộc sống của Thầy mình: cũng chính họ sau vài ngày xa cách, nay đứng trước cùng một tòa án. Giáo hội tiếp nối Chúa Kitô.

Ngày nay, Giáo hội cũng tiếp tục bị đặt trước sự “xét xử” của thế gian.

Phêrô và các tông đồ trả lời.

Tất cả sự thực về “công đồng tông đồ" đã hiện thực: Vai trò của Phêrô không đối nghịch với các người khác. Đức Giáo Hoàng là người kế tục vai trò của sự hiệp nhất, sự bảo đảm, người phát ngôn nhân danh mọi người.

Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta.

Trong vị thế các bị cáo, các tông đồ tiếp tục là chứng nhân. Không một hoàn cảnh nào, dù bất lợi nhất lại chuẩn chước cho chúng ta khỏi là tông đồ.

Cả tôi nữa, điều gì sẽ xảy đến khi tôi phải có những chọn lựa thuộc loại này? Hoặc vâng lời Thiên Chúa? Hoặc vâng lời người ta? Chọn điều Thiên Chúa muốn và không phải là điều thế gian muốn. Có thể chống lại tâm thức thịnh hành, những lôi cuốn tương phản, những thói quen. Lạy Chúa, xin giúp chúng con.

Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại, Đấng mà các ông đã giết.

Mùa Phục sinh.

Mùa làm chứng về sự sống lại.

Mùa của sự mạnh dạn và dũng cảm.

Mùa của niềm hy vọng và xác tín rằng: Thiên Chúa hoàn thành công trình Người. Công cuộc của Chúa không thể bị thất bại. Sự chết không thể chiến thắng. Tội lỗi không thắng vượt chúng ta được mãi. “Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại”.

Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần.

Chúng tôi... và Thánh Thần... táo bạo dường bao!

Và thế nào là ý thức được làm người phát ngôn của Thiên Chúa! Họ hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa chiếm hữu. Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến.

Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người.

“Những kẻ vâng lời Người....” Một trong những định nghĩa của Kitô hữu. Chỉ có định nghĩa này mới là chân thực.

Những trang này cho chúng ta hình ảnh năng động về người tông đồ biết bao: một người say mê Thiên Chúa, được Thiên Chúa tấn phong... để nên nhân chứng của Chúa giữa muôn người, nhiệt tình với anh em, hứơng về anh em mình quy hướng họ về với Thiên Chúa.

BÀI TIN MỪNG: Ga 3,31-36

“ĐẤNG SẼ ĐẾN …”

Đó là một trong những tước hiệu mà người ta thường dành cho Thiên Chúa trong Cựu ước.

Đấng từ trên cao mà đến.

Nói lên tính siêu việt của Thiên Chúa.

Kẻ ở đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến, thì làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe.

Những kiểu nói trên khiến chúng ta nhận ra ngay sự khác biệt giữa Tin Mừng theo thánh Gioan và ba Tin Mừng khác.

Chẳng hạn, Mác-cô trình bày cho chúng ta một Đức Giêsu "quyền năng trong lời nói và hành động" (điều rất phù hợp với những xác quyết mà ta gặp thấy ở đây nơi thánh Gioan), nhưng đó là một Đức Giêsu đòi buộc người ta phải giữ im lặng về địa vị thần linh của Người.

Trái lại, Gioan không ngừng để cho Đức Giêsu xác quyết về “nguồn gốc thiên sai" của mình.

Phải giải thích làm sao sự khác biệt ngôn ngữ trên đây?

Có lúc người ta đã nói rằng, "Tin Mừng thứ tư” có lẽ là tiếng dội vang của một giáo huấn cao hơn dành cho các thính giả trí thức hơn... Nhận xét đó phần nào cũng hợp lý. Nhưng điều đó không giải thích được tất cả.

Các nhà chú giải cũng thường nghĩ rằng, ở một mức độ nào đó, thánh Gioan đã gán cho Đức Giêsu cách thức diễn tả của riêng ông, trong khi ba thánh sử khác bảo toàn nguyên văn những lời của Đức Giêsu, dưới dạng thức ban đầu của chúng.

Điều đó không có nghĩa là Gioan đã sáng chế ra những kiểu nói trên. Nhưng, khi suy nghĩ đến lời nói của Đức Giêsu dưới ánh sáng phục sinh, ông đã giải thích chúng theo nội tâm, bằng cách thêm vào những lời nói đó, toàn thể những chiêm niệm mầu nhiệm Phục sinh của ông.

Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.

Chúng ta đang sống giữa mầu nhiệm Thiên Chúa.

Chúa Cha yêu thương Người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.

Đó là đều đã được cả ba Tin Mừng nhất lãm luôn xác quyết. Thế nên, đây không phải là một Tin Mừng mới. Mátthêu, Luca, Máccô cũng đặt trước mặt chúng ta một Đức Giêsu, Đấng không ngừng nói về "Cha mình". Nhưng Gioan bay tức khắc lên thẳng tới chóp đỉnh của mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa... ông đặt rất nhanh tới những tương quan mật thiết giữa “Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần”.

Ai tin vào người Con, thì được sự sống đời đời. Còn kẻ nào không chịu tin vào người Con, thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.

Tư tưởng của thánh Gioan là một tư tưởng có tính tuần hoàn. Không ngừng trở đi trở lại một số đề tài nào đó, hệt như những làn sóng biển.

“Tin" hoặc “không chịu tin”.... đó là thứ song quan luận triệt để.

“Sống”.. hoặc “không chịu tin”… đó là kết quả.

Đối với Gioan, đối với Đức Giêsu, kẻ cố ý không tin, thì không "sống," nhưng đã chết. Ngày nay, ta có thể tự hỏi, chắc hẳn một số người khi quả quyết mình vô tín ngưỡng, thì họ đã dứt khoát chọn lựa như thế. Nhưng trên thập giá, chính Đức Giêsu lại tha thứ cho các lý hình của Người, khi thốt lên: “họ 'không biết việc họ làm". Chính chúng ta hay bất cứ người nào trên trần gian, không có quyền xét đoán một ai đó là tin hay không tin. Nhưng lời của Đức Giêsu vẫn còn đó: "Kẻ nào không chịu tin, thì sẽ không được thấy sự sống. Đó là một lời mời gọi nghiêm chỉnh để tôi kiểm chứng phẩm chất của Đức tin mình. Đức tin không phải là một việc làm sẵn. Vậy, Đức tin của tôi có lớn dần không?

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Sứ vụ của Đức Giê-su tại Giu-đê

Lời chứng cuối cùng của ông Gioan

HOÀN CẢNH:

Ga 3, 27 - 30 nói về địa vị ư thế của Đức Giêsu đối với Gioan Tẩy Giả, nhưng Ga 3, 31 - 36 là những suy tư của tác giả Gio-an về Đức Giê-su và nhân loại.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gio-an đặt trên miệng Gio-an Tẩy Giả những lời nói về Đức Giê-su và nhân loại.

TÌM HIỂU:

31 “ Đấng từ trên cao mà đến … ”:

 Qua câu này, chủ đích của thánh sử Gio-an là lam nổi bật sự tương phản:

- Đức Giê-su thuộc về thiên giới, Người đến để thiết lập Nước Thiên Chúa: “ Nước tôi không thuộc về thế gian này ”. Người thiết lập Hội Thánh trần gian và qui tụ mọi người vào Hội Thánh để được ơn cứu độ và được sự sống Nước Trời mai sau.

- Dân Do Thái tượng trưng bởi Ni-cô-đê-mô trong cuộc đàm đạo với Đức Giê-su, đến với Đức Ki-tô trong một nhãn giới nhân loại “ nói chuyện dưới đất ”. Người Do Thái cho rằng Nước Thiên Chúa như một thực tại trần thế, vừa tầm tay họ.

32 “ Người làm chứng về những gì…”

Đức Giê-su đến thế gian để làm chứng về Chúa Cha: “Ai thấy Thầy, thì cũng thấy Cha Thầy ”. Người Do Thái, cũng như những ai từ chối Đức Giê-su, đã không nhận lời chứng của Người ( lời chứng qua lời giảng dạy, các phép lạ ). Chúa Giê-su mạc khải Người đồng bản tính với Chúa Cha, nếu ai không tin nhận Người, thì cũng không thấy Chúa Cha được.

33 “ Ai nhận lời chứng của Người…”:

Những người tin nhận Đức Giê-su ( tượng trưng cho các môn đệ ) thì cũng tin nhận vào Thiên Chúa, vì Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến thế gian.

34 – 35 “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi…”:

 Hai câu này giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của Đức Giê-su. Quả vậy, Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, đã được Chúa Cha sai xuống thế gian để cứu chuộc muôn dân.

36 “ Ai tin vào người Con…”:

Câu này đặt nhân loại vào sự lựa chọn dứt khoát. Ai chấp nhận lời chứng của Chúa Con là xác nhận Thiên Chúa chân thật; vì Chúa Con là Khâm Sai chính thức của Chúa Cha, thì được tiến về sự vĩnh cửu. Trái lại, ai từ chối không tin Chúa Con là tự ý xa lìa sự sống và liều mình đón lấy cơn thịnh nộ muôn đời của Thiên Chúa. Ai tin vào Chúa Giê-su thì sẽ được sống, ai không tin thì bị luôn phạt đời đời.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

Bài Tin Mừng này là suy tư của thánh sử Gio-an về Chúa Giê-su. Vì thế đặt bài Tin Mừng này vào trong tâm tình và bầu khí Mùa Phục Sinh, Hội Thánh muốn chúng ta suy niệm về Chúa Giê-su.

1. “Đấng từ trên cao mà đến”: Nói lên tính siêu việt của Chúa Giêsu, qua mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa gần gũi con người. Và qua Chúa Giê-su, chúng ta nhận thức được diễm phúc làm con cái Chúa, và phấn khởi trong nỗ lực nên giống Chúa mỗi ngày một hơn.

2. “Kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đá6t và nói những chuyện dưới đất”:

Con người chúng ta được sinh ra bởi xác thịt và chịu ảnh hưởng bởi tội lỗi: tội nguyên tổ và tội riêng, nên có những chiều hướng về thế gian, xác thịt và ma quỉ. Điều này cảnh giác chúng ta về những khuynh hướng xấu trong cuộc sống của chúng ta.

3. “Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng Chân Thật".

Nhìn ngắm cuộc đời Đức Giê-su ở trần gian, suy niệm lời giảng dạy và bái phục những phép lạ Người đã làm, chúng ta tin tưởng, trông cậy và kính mến Thiên Chúa là Chúa duy nhất.

4. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy trên thế gian này có nhiều tôn giáo, nhưng Ki-tô giáo của chúng ta khác những tôn giáo khác ở chỗ: chân lý đức tin mà Hội Thánh dạy, không do trí khôn con người suy tư mà ra, nhưng được chính Thiên Chúa soi sáng, đặc biệt Đức Giê-su Ki-tô, Đấng từ trời xuống, nên những điều Người giảng dạy vê Thiên Chúa đúng đắn và đáng tin.

5. Trong bầu khí của mùa phục Sinh, Phụng Vụ muốn dựa vào bài Tin Mừng hôm nay để nhắc nhủ chúng ta rằng, ai tin vào Chúa Giê-su thì có sự sống đời đời, vì nGười là Con duy nhất của Chúa Cha, được Chúa Cha sai xuống trần gian để mạc khải con đường về trời. Đó là con đường từ bỏ, của Thập giá, của hy sinh để đạt tới vinh quang đời đời.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT