Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXX Mùa Thường Niên (Lc 13,31-35) | Giáo Phận Phú Cường
CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 13,31-35
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Ep 6, 10-20
Để kết thúc bức thư, Phaolô khuyên bảo các Kitô hữu bước vào “trận chiến thắng thiêng” và “cầu nguyện”. Hai lời khuyên tổng quát này luôn có giá trị.
Thưa anh em, hãy múc lấy sức mạnh “trong Chúa” nhờ uy lực toàn năng của Người.
Chúng ta gặp đi gặp lại các diễn tả thân tình này nơi Thánh Phaolô:
“ Trong Chúa”…” trong Đức Kitô”… Chúng ta đừng cho là nhàm tai. Chúng ta hãy thử thay đổi cách chúng ta chú ý vào mầu nhiệm thâm sâu mà các lời ấy diễn tả.
Đó là một công thức cụ thể để nói lại cho ta cái thực trạng của Nhiệm Thể mà chúng ta hình thành nơi Đức Giêsu và cái thực trạng của ân sủng đang hoạt động trong nội tâm chúng ta.
Đúng vậy, tôi sống trong Đức Kitô, như trong một “cảnh vực thần linh” như lời của cha Teilhard de Chardin: Ở đây Phaolô khuyến khích chúng ta múc lấy nghị lực, sức mạnh, năng lực nơi Đức Kitô… Ngược lại, rất nhiều lần, tôi tìm sức mạnh “trong chính con người tôi”. Lạy Chúa, trong sự yếu hèn của con, xin ban sức mạnh của Người cho con.
Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ, vì chúng ta phải chiến đấu không phải với phàm nhân nhưng là với những quyền lực vô hình, với những bậc thống trị thế giới tối tăm, với những thần linh quái ác chốn trời cao.
Đời sống con người không phải là một món đồ chơi trẻ con, xinh xắn dễ thương. Đời sống con người không phải một “chiếc ghế bành” êm ái. Đời sống con người là một trận chiến. Người xưa gọi là “chiến tranh”, người nay nói khác hơn “xung đột” và “đấu tranh”. Nhưng với Phaolô, cuộc chiến có ý nghĩa sâu đậm hơn người ta tưởng lúc mới thoáng nhìn, nêu người ta chỉ vừa ý với các phân tích chính trị hoàn toàn nhân loại.
Ở đây, đề cập đến một trận chiến với “ những quyền lực thần thiêng vô hình”.
Ở trung tâm thế giới, có kẻ “mạnh hơn ta”, có những sức mạnh “chốn trời cao”… Đừng giở trò láu cá. Và điều sai lầm tệ hại nhất là không biết các lực lượng ấy, và cho rằng chúng không nguy hại gì và chúng không hiện hữu! Đó, thường là thái độ của người thời nay. Mà vì thế, nên họ thường bị thua trận bởi kẻ mà họ cho rằng các lực lượng ngấm ngầm … những cuộc vận hành không kiểm soát nổi..những ảnh hưởng không thể tiên liệu: Ma tuý- Bạo động-Ô uế.
Biết bao khó khăn đủ loại để chế ngự thời hậu kỹ nghệ, cuộc thành thị hóa nhảy vọt..v.v
Lời mời gọi có sự cố gắng, dấn thân hết sức mình.
Ngang lưng thắt đai là chân lý..mình mặc áo mã giáp là sự công chính .. chân đi giày và lòng hân hoan loan báo Tin Mừng bình an… khiên mộc Đức tin.. Mũ chiến ơn cứu-độ… Cầm gươm của Thần Khí… Tức là lời Thiên Chúa.
Phaolô đang ở tù. Một tên lính Roma đứng gác trước cửa ngục. Thay vì than vãn về số phận riêng của mình, Phaolô vui đùa tả lại các vũ khí của những người lính chiến Đức Kitô.
Nếu người Kitô hữu bám chặt vào đức tin vào Đức Kitô thì không có gì phải sợ, kẻ ấy sẽ thắng các “quyền lực xấu xa”, phaolô không nhắm các quân địch bằng xương bằng thịt khi ảt lại binh giáp, ông chỉ nhắm vào các quyền lực vô hình thuộc loại thần thiêng. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh này.
Trong mọi trường hợp, xin Thần Khí hướng dẫn anh em cầu nguyện và van nài. Hãy chuyên cần tỉnh thức mà cầu nguyện luôn mãi.
Lời cầu nguyện không thấy kể vào các vũ khí, nhưng trong bối cảnh chiến trường, tự nhiên ta phải cầu nguyện. Phaolô nói: Đừng mê ngủ. Ở đây, lời cầu nguyện được kể là nguồn mạch của nghị lực, là sức mạnh để chiến đấu như thứ thuốc kích thích.
Hãy đứng vững, chuyên cần tỉnh thức.
Theo nghĩa này, lời cầu nguyện thay vì núp ẩn của các người yếu đuối, thay vì nghịch lại với hành động, nó là bí quyết sức mạnh của các người hoạt động.
Bài đọc II: Rm 8, 31-39
Đây là đoạn kết phần thư gửi tín hữu Rôma. Sau khi “khép chặt” toàn vũ trụ trong sự bất lực, dưới sự đánh phạt của “cơn giận Chúa”. Sau khi đã tỏ bày sự minh chính phổ quát do ân sủng và “tình yêu Chúa”. Đây là kết luận, một “tiếng reo vui chiến thắng”, say xưa vang dội.
Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta.
Chúng ta không tin vào mình, không! Chúng ta tiếp tục nghi ngờ những yếu hèn của chúng ta, ôi, chúng ta vẫn còn phạm tội… nhưng chúng ta tin vào Chúa ! Chúng ta tin vào tình yêu của Chúa Giêsu.
Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta… há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng Con của Người sao?”.
Tôi muốn cố chiêm ngắm lâu “ơn ban con” này. Thiên Chúa đã ban Con Người! Vì chúng ta! Điều thân thiết nhất của Người. Ám chỉ tới hy tế Abraham cũng đã chấp nhận thực hiện (St 22, 16). Chú ý: Phải hiểu rõ từ này: “Người đã trao nộp Con mình”. Đây không cùng một nghĩa như khi người ta nói: “Giuđa đã trao nộp Chúa Giêsu!”. đó âu là bất công và tàn ác. Chúng ta đứng trước mầu nhiệm: Thiên Chúa yêu con của Người, và con yêu cha mình, và cả hai Đấng đồng ý trong Thánh Thần, và Chúa Con “ tự hiến trao”. Này là Mình ta bị nộp vì các con. Và Chúa Cha ưng nhận sự toàn hiến này, mà sự ác độc của loài người ra công làm thành ác độc.
Do những ngăn trở nào mà một tình yêu như thế không thể thắng lợi được?
Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn, chính Chúa là Đấng làm cho nên công chính. Ai sẽ kết án Đức Giêsu Kitô. Đấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa đang biện hộ cho chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con không xứng đáng. Chúng con vô ơn đối với Chúa biết bao. Con muốn yêu mến Chúa hơn. Con muốn chiêm ngưỡng sự bênh vực của Chúa. Lúc này, cho con trên trời…cho loài người chúng con, cho mọi người ! lạy Chúa, chính lúc này Chúa đang biện hộ cho các tội nhân, cho những người làm sự dữ như con. Chúa đang biện hộ cho mọi người gây hại cho con, cho mọi người con không yêu hay là con khinh ghét.
Ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô được?
Lạy Chúa, con thường tự hỏi mình có yêu mến Chúa thật không?… Thực sự, chắc chắn là con muốn yêu mến Chúa và thành thực như vậy. Nhưng thường các hành vi thường ngày của con phản kháng ý muốn và thiện chí này!
HÔM ANY, câu này của Thánh Phaolô mời gọi con đừng nghĩ tới “tình yêu mà con phải có đối với Chúa”… nữa, để chỉ nghĩ tới “tình yêu Chúa đã có đối với con”. Lạy Chúa, nếu con có khi nào bỏ Chúa, con biết rằng ít ra Chúa chẳng hề bỏ con. Ai có thể tách lìa con khỏi “tình yêu của Chúa Kitô” được?
Không có gì có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.
Dù gian truân, buồn sầu, bắt bớ, nguy hiểm. Đây là một loại kể lể chiến thắng, mà Thánh Phaolô liên tiếp đặt các trở ngại mà ngài đích thân gặp phải: Không gì, không gì, không gì có thể tách rời chúng con ra khỏi Chúa. Tôi dùng thời gian thinh lặng để nghĩ tới điều tôi có thể thêm vào bản liệt kê này: Đây là những thử thách đối với tôi? từ vài tuần qua? HÔM NAY? và tôi cố lấy lại niềm xác tín có lợi cho tôi: lạy Chúa, chẳng phải..chẳng phải..có thể tách rời con khỏi tình yêu Chúa!
Chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy, vì Đấng đã yêu thương chúng tôi.
Định nghĩa đẹp biết bao về Chúa Giêsu: “Đấng đã yêu chúng ta”… Tôi cố cho những người một nội dung cụ thể: lạy Chúa, Chúa nghĩ tới con… Chúa muốn cho con được hạnh phúc.. Chúa đưa tay ra khi con sa ngã… Chúa hiểu con…Chúa hiến mạng sống cho con… Chúa tha thứ cho con… Chúa yêu con…
BÀI TIN MỪNG: Lc 13, 31-35
Có mấy người Pharisêu đến thưa Đức Giêsu rằng: “Xin ông đi khỏi đây, vì vua hêrôđê đang muốn giết ông.
Chúng ta có dịp đã nhận xét: Luca khác với Matthêu, hình như không có thiên kiến chống lại nhóm Pharisêu. Ở đây ông ghi nhận: Mây người Pharisêu đã đi bước trước để cứu mạng cho Đức Giêsu. Cũng nên nhớ rằng, sự kiện đó chứng tỏ Đức Giêsu đang sống trong bầu khí bi thảm: người ta muốn giết Người! các nhà quyền lực thế gian coi người như một con người nguy hiểm, cần phải tiêu diệt, Hêrôđê có khả năng thực hiện điều đó… Vài tháng trước, chính ông đã ra lệnh chém đầu ông Gioan Tẩy Giả ( Lc 3, 19).
Lạy Chúa, chúng con muốn chia sẻ cùng Chúa nỗi lo lắng trước cái chết đang tới gần.
Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo già ấy thế này…
Đức Giêsu không sẵn lòng để cho Hêrôđê thi hành quyền lực con đường của Đức Giêsu, chính Người tự quyết định lấy.
Người coi thường sự đe dọa của Hêrôđê. Con “cáo” là loài vật nhút nhát, chỉ săn mồi vào lúc đêm khuya, và khi gặp một một chút xíu nguy hiểm đã vội chiu ẩn vào hang ổ… Hêrôđê, con cáo, con vật nhát sợ này! thứ người giả hình, sau này không dám tự mình lãnh trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu, và trút gánh nặng cho Philatô ( Lc 23, 6-12).
Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật ngày thứ ba tôi kết thúc.
Trong tiếng Aramên, kiểu nói “ngày thứ ba” thường được dùng để ám chỉ “thời gian ngắn”.
“Tôi kết thúc”…theo sát chữ: “ Tôi đã đi đến tận cùng”, hay “Tôi đã đặt ra mục đích”.
Đức Giêsu tiến lên Giêrusalem Người tiến lên lãnh nhận cái chết. Nhưng đó không phải là người bị kết án tử thông thường. Người ý thức việc đi tới một cuộc hoàn tất. Người hiểu biết trọn vẹn hướng đi mà Người bước tới. Người sẽ chết không phải vào ngày Hêrôđê quyết định, nhưng vào ngày chính người định liệu!
Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải ra đi, vì chẳng lẽ một ngôn sứ mà lại chết ngoài thành Giêrusalem!
Đó là những lời bí nhiệm!
Ngôn sứ Hôsê đã viết những lời bí nhiệm khác tương tự: “Sau hai ngày, Chúa sẽ cứu sống ta. đến ngày thứ ba, Người sẽ cho ta chỗi dậy, cho ta sống trước nhà Người”. (Hs 6, 2).
Khi tiến lên Giêrusalem, Đức Giêsu tiến gần tới cái chết. Người tin tưởng trao phó cho Thiên Chúa công cuộc kéo dài sứ vụ của Người.
Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và nén đá những kẻ được sai đến cùng ngươi.
Giêrusalem, thành phản loạn chống lại Thiên Chúa, thành chối từ Người…nhưng chính toàn thể trái đất và nhân loại được biểu tượng nơi thành đó. Lịch sử những cuộc chối từ đối nghịch với Thiên Chúa của biết bao người sẽ nhắm tới đó như tối cao điểm..người ta kết án Thiên Chúa ! Hôm nay on người vẫn còn tiếp tục.
Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh mà các ngươi không chịu.
Hình ảnh thật âu yếm! hình ảnh đầy tình mẹ. Chim mẹ che chở cho con mình (Đnl 32, 10 ; Is 31, 5 ; Tv 17, 8. 57,2. 6, 15. 63, 8. 91, 4).
Thiên Chúa tặng ban ơn cứu-độ, sự che chở, tình âu yếm… nhưng bị khước từ: “các ngươi không chịu!”.
Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến lúc các ngươi nói: “vạn phúc Đấng ngự đến nhân danh Chúa”.
Đức Giêsu biết rằng, sau cái chết còn có một cõi khác. Sẽ đến thời mà người ta sẽ reo lên chào chúc người : “ Chúc tụng Đấng đang đến”.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Đức Giêsu sẽ chịu chết và Israel sẽ trở lại
HOÀN CẢNH:
Lúc này Đức Giêsu đang sống trong bầu khí bị đe dọa vì người ta muốn giết Người. Những người lãnh đạo dân Do Thái đã nhìn Đức Giêsu như kẻ nguy hiểm đáng phải khai trừ. Vì thế trong khi đang rao giảng ở miền Pê-rê thuộc quyền Hêrôđê An-ti-pa, vị vua cách đó ít tháng đã ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu được mấy người biệt phái đến báo cho biết phải tránh miền này vì Hêrôđê đang đe dọa. Nhân dịp này, Đức Giêsu đã loan báo về cái chết của người.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng này ghi lại việc Đức Giêsu cho biết về việc Người chịu chết ở Giê-Ru-Sa-Lem và tỏ bày lòng thương tiếc Giê-Ru-Sa-Lem.
TÌM HIỂU:
31”Cũng vào giờ ấy, có mấy người biệt phái...”:
thấy dư luận dân chúng xôn xao về các việc làm của Đức Giêsu, Hêrôđê cảm thấy bối rối và lo sợ cho ngôi báu của mình. nhưng bản tính không phải là người thích đổ máu, nhà vua không muốn Đức Giêsu bị hại như Gioan Tẩy Giả,nên Hêrôđê đã lập mưu, ngầm sai mấy người biệt phái phao tin mình định hại Đức Giêsu để người rút khỏi địa hạt của ông.
32“Các ông hãy đi nói với con cáo già ấy...”
Đức Giêsu gọi Hêrôđê là con cáo già, nghĩa là người quỷ quyệt, vì thấy ông không phải là người nguy hiểm cho Chúa. ông chỉ là người chính trị mạnh lời, giả hình như một con cáo già mà thôi.
“Hôm nay và ngày mai...”: Trong lời Đức Giêsu nhằm trả lời cho Hêrôđê, Người ta cho ta thấy rằng mặc dù Người biết mình sắp phải chết, nhưng người vẫn phải trung thành với sứ mạng chưa hoàn tất. Ngày này qua đi, nhưng ngày mai,ngày mốt và trên con đường đi đến Giê-Ru-Sa-Lem , nghĩa là trên con đường đi đến cuộc tử nạn và phục sinh. Chúa còn phải làm nhiều phép lạ , cũng như chữa nhiều bệnh nhân. người cho biết thêm: người sẽ chết tại Giê-Ru-Sa-Lem như các ngôn sứ đã từng bị Israel giết hại(6,27)
34“Giê-Ru-Sa-Lem, Giê-Ru-Sa-Lem...”:
Nhắc đến Giê-Ru-Sa-Lem , Chúa nhớ lại bao nhiêu tội ác của họ và hình phạt kinh khủng đang rình đổ xuống trên họ, nhớ lại vậy. người tỏ lòng thương tiếc cho quê hương của Người: thương tiếc vì đã nhiều lần sai các tiên tri đến”chăm sóc như gà mẹ ấp ủ gà con, nhưng họ đã từ chối và sát hại”
35”Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các người...”:
Đây là lời có tính cách đe doạ theo kiểu nói của tiên tri Giê-rê-ni-a 12,7: Thiên Chúa sắp rời bỏ đền thờ của Người tức là để cho người ta mặc tình tàn phá(31,6) và hình phạt trút xuống trên dân Người (Ml 3,12. Gr 7,1-15.26)
“Các Ngươi sẽ không còn thấy ta nữa, cho đến thời các ngươi nói:..”: trong lời đe dọa của Đức Giêsu, Lu-ca cho lóe ra một tia hy vọng lạc quan, đó là các thính giả của Chúa sẽ chào đón Chúa bằng lời ca tụng Đấng Thiên Sai của thánh vịnh 117.20. Như vậy ở đây Luca muốn loan báo về cuộc trở lại của Dân Do Thái trong thời kỳ sau của Đức Giêsu(Lc 24.24; Mt 23.39; Rm 11.25-31)
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Nhìn vào Chúa Giêsu:
Khi được người biệt phái báo cho biết Hêrôđê đang đe doạ. Chúa Giêsu vẫn bình tĩnh và miệt mài với công việc bổn phận “hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật”. điều này chứng tỏ Chúa Giêsu đã đặt ý Chúa Cha trên ý riêng mình, đặt việc bổn phận trên bản thân mình, và sức mạnh của tinh thần trách nhiệm trên chính mạng sống mình. Đó là mẫu gương cho tinh thần tông đồ.
Sống giữa bầu khí bị đe dọa mạng sống: do những nhà lãnh đạo do thái thù oán, và do sự ganh tỵ của Hêrôđê, Đức Giêsu vẫn tiếp tục sứ mạng cứu thế của người, bằng những công việc trừ quỷ, chữa bệnh và rao giảng. Chúa Giêsu nêu gương cho người kitô hữu chúng ta: dù sống trong hoàn cảnh nào: khó khăn hay thuận tiện đều phải ra công làm việc cho phần rỗi của mình và tha nhân.
tình cảm của Chúa Giêsu đối với dân thành Giê-Ru-Sa-Lem cứng đầu cố chấp và phản bội tình thương của Người, là lời cảnh giác chúng ta đang được hưởng tình thương nâng đỡ, săn sóc và quan phòng của Chúa: cần phải biết thức tỉnh để đáp lại tình thương của Chúa bằng sự tin nhận Chúa thì phải từ bỏ lối sống theo thế gian để sống theo đường lối Chúa.
2. Nhìn vào Hêrôđê:
Hêrôđê ngầm sai người đến đe dọa để Chúa Giêsu đi khỏi địa hạt của ông. Sự từ chối này của Hêrôđê đã nói lên vì quá ham muốn danh vọng và chức quyền và địa vị đang có của mình mà ông đem lòng ghen ghét Chúa, khi thấy Chúa đang được dân chúng cảm phục. Những ham thích địa vị, danh vọng, tiền của vật chất khiến chúng ta dễ chia rẽ và thù oán nhau trong đời sống chung và dễ thờ ơ với việc của Chúa.
3. Nhìn vào dân thành Giê-Ru-Sa-Lem:
chúng ta nhận thấy tâm tình của Chúa Giêsu đối với dân thành Giê-Ru-Sa-Lem:
“Giê-Ru-Sa-Lem, người giết hại các ngôn sứ và nén đá những kẻ được sai đến cùng người! Đa bao lần ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. thì này nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi”.
rút kinh nghiệm này của dân thành Giê-Ru-Sa-Lem, chúng ta đừng chai lỳ, cứng lòng trước tình thương và sự chăm sóc quan phòng của Chúa, nhưng hãy tin theo Chúa và dấn thân sống theo giáo huấn của Chúa để tạo cho mình một đời sống thánh thiện.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10