Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng (Mt 9:27-31) | Giáo Phận Phú Cường
CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN I MÙA VỌNG
TIN MỪNG: Mt 9,27-31
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Is 29,17-24
Tác phẩm tiên tri, diễn tả niềm mong đợi của nhân loại.
Tác phẩm thi ca, đầy những hình ảnh gợi hình súc tích (ta đừng quên rằng các sấm ngôn này của Asia, trong văn bản tiếng Do Thái, không được viết bằng văn xuôi mà bằng thơ: đây là những bài thơ trù tính).
Không bao lâu nữa, Liban sẽ trở nên lùm cây.
Một “cánh rừng” bỗng trở nên “vườn cây trái”. Mọi cây không sinh lợi bắt đầu sinh trái. Phải vào thời thiên sai, chình thiên nhiên dự phần vào cuộc đổi mới lòng người. lời hứa hạnh phúc vẹn toàn. Ý nghĩa của cuộc tạo dựng thông phần vào sự sa ngã lẫn sự canh tân của con người.
Ngày đó, người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, “và từ bóng tối, mắt người mù sẽ được xem thấy”.
Vì ngôn sứ thi sĩ đã dùng hai con bệnh bi thương nhất của nhân loại để loan báo sự giải thoát khỏi mọi yếu đau.
Tôi dùng thời giờ để gợi lên trong trì những bệnh tật, đau khổ của những người tôi có thể biết được… Không phải để tăng thêm viễn cảnh bi quan về thế giới, nhưng để chúng nghiệm đặc tính và nét đẹp của Tin Mừng được loan báo cho chúng ta vào thời nay.
Những người hiền lành sẽ càng thêm vui mừng trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng trong “Đất Thánh của Israel”.
Lạy Chúa, xin giúp những ai đau khổ biết hy vọng đợi chờ “ngày đó” mà Chúa đã hứa cho chúng con. Chớ gì ngày đó đến! Sứ điệp hy vọng cho những kẻ hiền lành và nghèo khổ.
Trước hết, đây là những từ ngữ của lời kinh ngợi khen (Magnificat). Đức Maria đã thấm nhuần những dòng này trong Kinh Thánh mà chúng ta đọc mỗi ngày. Mẹ đã đọc bài thơ này của Isaia. Mẹ đã học được ở trường làng. Và, đến lượt mình, như một người mẹ, Mẹ đã dạy Chúa Giêsu đọc. Toàn dân, khi nuôi dưỡng bằng lời này, đã mong chờ thời đại Thiên Sai.
Và Maria thấy Con Mẹ “mở mắt người mù, và mở tai người điếc”, Mẹ đã phải “nhảy mừng” lên.
Nhưng Đấng Thiên Sai đã đến. Thời đại Thiên Sai đã khởi đầu. Nhưng thời giờ được ngôn sứ loan báo đã đến.
Dầu vậy, còn biết bao người nghèo đau khổ và rên siết, khó mà nhảy mừng nổi.
Tôi có thuộc con số những người hết sức làm việc để đẩy lùi khốn cùng không?
Người ỷ thế sẽ thất bại… Kẻ khinh người sẽ hỏi người… người mưu toan gian ác sẽ bị tiêu diệt… Từ đây, Giacóp sẽ chẳng còn phải hổ “ngươi và đỏ mặt”.
Đây là điều những kẻ nghèo của mọi thời mong đợi. Không bị chà đạp, bóc lột, khinh bỉ nữa. Họ đòi phẩm giá hơn hết “để chằng còn phải hổ ngươi”.
Tôi có quan tâm tới những người nghèo hơn mình không? Tới những người mà so sánh với tôi họ có thể mắc cỡ trước mặt tôi không? Tôi có thể làm gì để giúp vào việc thăng tiến tập thể những loại người bị bắt lỗi nhất? Để giảm bớt những cách biệt thảm khốc giữa các tình huống khác nhau?
Tôi sẽ đặt cho mình vấn đề dấn thân phục vụ người khác và vấn đề cầu nguyện phục vụ khác.
Bài đọc II: Mt 9,27-31
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng…
Trước hết, nên dừng lại một chút để tưởng tượng ra quan cảnh cụ thể trên, như thể tôi đang tham dự. Cảnh đó gợi lên cho tôi lời nguyện nào? Nó giúp tôi suy nghĩ đến đề tài chờ đợi, đến Mùa Vọng. Đàn ông, đàn bà, thanh niên, trẻ em… đều mong chờ một điều gì chung quanh tôi. Tất cả không kêu lên. Nhưng có lẽ, tiếng kêu của họ vang lên trong lòng.
Tiếng “kêu” là một dấu chỉ. Dấu chỉ nói lên một nhu cầu rất mạnh, một đau khổ rất lớn, một cảm xúc nóng bỏng. Một nhu cầu bức thiết, đơn thuần chỉ thuộc phạm vi con người (như đau khổ thể lý hay luân lý, nhu cầu cơm bánh hay tình bạn, khát vọng một đời sống tốt hơn) có thể là điểm xuất phát cho một cuộc kiếm tìm Thiên Chúa.
Hỡi Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi.
Lời kêu xin của họ hoàn toàn đơn sơ: Đó là tiếng kêu xuất phát từ nơi khổ đau.
Tôi cũng cần phải cầu nguyện tự nhiên như thế: Bày tỏ chân thành điều thiếu sót trong tôi, chung quanh tôi… nỗi đau khổ của tôi, những đau khổ mà tôi chứng kiến…
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, Kyrie eleison.
Trong mỗi thánh lễ, đó là một kinh nguyện thường được đề nghị. Ta dâng lên Chúa nội dung cụ thể: những lời chuyển cầu.
Trong khi xưng hô “Con Vua Đavít”, hai người mù nhận ra nơi Chúa Giêsu một tước hiệu cứu thế: Chúa là Đấng phải đến, là Đấng được các tiên tri loan báo.
Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại cản Chúa.
Hình như Chúa Giêsu đã thử thách lời cầu xin của họ: người không trả lời họ ngay: Lạy Chúa, chúng con có cảm tưởng Chúa không nhận lời.
Tôi tưởng tượng ra quan cảnh đang kéo dài: hai người mù nắm tay nhau, tiếp tục bước theo Chúa Giêsu trên đường, tiếp tục kêu to, nài xin… cho tới căn nhà mà họ bước vào cùng với người.
Chúa Giêsu phán bảo họ: “Các ngươi có tin rằng ta có thể làm việc ấy không?” Họ thưa: “Lạy Thầy, có”.
Chúa Giêsu đặt câu hỏi. Người muốn biết rõ đức tin đích thực của họ. Người muốn thanh luyện đức tin đó. Nhu cầu của con người là yếu tố phát sinh lời kêu xin, có thể đối với họ chỉ là ước mong phép lạ… Chúa đã thấy, đó là điều rất quan trọng. Người lắng nghe lời xin. Đó là điểm xuất phát, còn mù mờ nhưng hết sức tự nhiên.
Nhờ câu chất vấn, Chúa Giêsu giúp họ tiến triển trong một lòng tin đơn thuần: họ chỉ nghĩ đến “họ”… Chúa hướng họ tới con người cá biệt của Chúa. “các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?”.
Chúa Giêsu yêu cầu họ cần biểu lộ đức tin. Hồng ân của Thiên Chúa, phép lạ của Người sẽ làm, không phải là một việc có tính tự động và ma thuật. Các bí tích không là những ma thuật: chúng đòi hỏi đức tin.
Lạy Chúa, điều làm con cảm kích là thái độ tôn trọng của Chúa trước tự do của con người: Chúa khơi dậy trong họ sự chờ mong, lòng ước muốn, niềm tin… Chúa không muốn áp đặt. Cần phải có một thứ phù hợp tương xứng nơi con người, để Chúa có thể thi ân.
Bấy giờ, Chúa sờ vào họ và phán: “các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy”.
Vâng, Chúa đã không bắt ép, Chúa chờ đợi, và khơi lên đức tin trong họ: “các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy”. Lạy Chúa, xin thêm đức tin trong con.
Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa truyền cho họ rằng: “coi chừng, đừng cho ai biết. Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp vùng ấy”.
Điều Chúa Giêsu yêu cầu họ giữ kín, chỉ muốn chứng minh rằng, Người không muốn khơi dậy một thứ nhiệt tình bồng bột bề ngoài, không phải điều gây cảm kích, điều kỳ diệu mới đáng giá.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Đức Giê-su chữa hai người mù
HOÀN CẢNH:
Câu chuyện Đức Giê-su chữa lành hai người mù đều được kể lại nơi Lu-ca 18,35-43; Mac-co 14,46-52 và Matthêu 9,27-31. Nhưng riêng Tin Mừng Matthêu lại kể lại lần nữa ở 20,39-34.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện đức Giê-su chữa lành hai người mù để trình bày về sứ vụ cứu thế của Người.
TÌM HIỂU:
27”…Lạy Con Vua Đa-vít….”:
Hai người mù tỏ bày lòng tin vào Đức Giê-su như đấng Cứu Thế, để xin Người thương tình cứu giúp.
28”… hai người mù tiến lại gần…”:
Khi kêu xin lần thứ nhất lúc Chúa đang trên đường đi thì Người đã không trả lời, thái độ yên lặng của Đức Giê-su có giá trị như một việc thử thách đức tin của họ. Nhưng hai người mù này đã tỏ ra có một đức tin mạnh mẽ khi kiên trì theo Người về nhà.
“Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”:
Đây là câu hỏi đòi những người mù này tuyên xưng niềm tin của mình vào đức Giêsu một cách công khai.
“Thưa Ngài chúng tôi tin”:
Không thấy Đức Giê-su bằng mắt, nhưng nhũng người mù này đã thấy Đức Giê-su bằng đức tin, nên họ đã kiên trì và can đảm tuyên xưng một cách công khai.
29”Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói”:
Cử chỉ sờ vào mắt có kèm theo lời nói khiến cho những người mù được sáng mắt là dấu chỉ của bí tích mà Hội Thánh vẫn cử hành cứu rỗi các linh hồn.
30”….Coi chừng đừng cho ai biết”:
Đức Giê-su phải nghiêm cấm những người mù không được rêu rao Người Là Đấng Cứu Thế để tránh những sai lầm về sứ mạng của Người.
31”Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng”:
Chi tiết này có ý nhấn mạnh đến việc họ không thể giữ kín được phép lạ. Họ không giữ kín được vì họ chưa hiểu lệnh cấm của Chúa và theo tự nhiên, trước những phép lạ, họ muốn nói cho mọi người cùng biết. Đèn đốt lên phải đặt trên đế để soi sáng cho cả nhà là vậy!
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Phép lạ chữa người mù trình bày cho chúng ta về sứ vụ cứu thế của Đức Giê-su, đồng thời cũng cho chúng ta nhận ra nơi Đức Giêsu, chúng ta tìm được sự giải thoát khỏi cảnh đau khổ.
2. Bệnh mù và câm là hai thứ bệnh làm cho con người không thấy được và không nói được. Hai thứ bệnh này đưa con người đến cô đơn vì nó làm cho con người mất sự liên đới với tha nhân, mất sự liên hệ với vũ trụ vạn vật: đó là cảnh khổ của con người. Bây giờ Đức Giê-su chữa lành cho họ và trả cho họ phẩm giá làm người, là thông điệp với tha nhân và vũ trụ vạn vật. Đức Giê-su quả là Đấng Cứu Độ và hạnh phúc của con người .
3. Nhìn vào người mù:
- Cảm nghiệm niềm vui và hạnh phúc của người mù khi thấy được, Và họ đã nói về Đức Giê-su trong khắp cả vùng. Chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giê-su và xin người mở con mắt đức tin để chúng ta thấy Chúa hiện diện trong mọi sự và hướng tâm hồn về Chúa để thờ phượng, tôn vinh , cảm tạ, học biết, lắng nghe và cầu xin với Người.
- Hai người mù: Mù con mắt thể xác nên không thấy được Đức Giê-su; nhưng họ đã sáng con mắt đức tin vì họ đã tin nhận Đức Giê-su là Chúa Cứu Thế, nên họ đã xin Người cứu chữa. Chúng ta có thể sáng con mắt thể xác vì chúng ta nhìn thấy rõ ràng những công trình của Chúa qua vũ trụ vạn vật, nhưng có khi chúng ta lại mù con mắt đức tin vì chúng ta không tin vào Thiên Chúa qua các dấu chỉ của sự vật, các biến cố , sự kiện chung quanh để nhận ra ý Chúa mà thực thi.
- “Thưa Thầy tôi tin “: Sau lời tuyên xưng cách công khai này , Đức Giêsu đã thực hiện việc chữa lành bệnh cho người mù.
+ Trước khi được chữa lành , hai người mù đã lớn tiếng kêu xin Chúa vì họ khao khát được sáng mắt để thấy; và sau khi được Chúa chữa lành, họ lên tiếng cao rao danh Đức Giê-su vì họ đã thấy Người bằng con mắt thể xác và con mắt đức tin. Phép lạ chữa lành bệnh mù cho ta thấy: Hiệu quả của lời cầu nguyện của chúng ta là nhờ đức tin: và đức tin được tuyên xưng ra bên ngoài bằng việc làm.
+ ”Các anh tin như thế nào thì được như vậy”: Lời này khích lệ niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa mỗi khi cầu nguyện.
4. Nhìn vào người câm:
- Câm thể xác là không nói được, nhưng câm về phần hồn là không nói được với Chúa bằng lời kinh tiếng hát trong việc cầu nguyện . Chúng ta ý thức hơn trong những giờ cầu nguyện, nói với Chúa bằng lời kinh tiếng hát , thái độ, cử điệu và việc làm mỗi khi cử hành phụng vụ.
- Đức Giêsu trừ quỷ thì người câm nói được. Chúng ta trừ bỏ ma quỷ và sự dối trá của ma quỷ bày đặt ra, chúng ta mới được tự do và thong dong nói chuyện với Chúa trong những lúc cầu nguyện, vì ma quỷ luôn luôn cám dỗ chúng ta chia trí để ngăn cách ta với Chúa.
5. Hai phép lạ chữa người mù và người câm này đắt trong tâm tình Mùa Vọng để khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng kỳ vọng vào Thiên Chúa để chúng ta biết Chuẩn bị tâm hồn và đời sống mỗi khi chúng ta đến với Chúa trong những việc đạo đức cũng như đón nhận Chúa vào tâm hồn qua các bí tích.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10