
Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay | Ga 7,1-2.10.25-30 | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN IV MÙA CHAY
TIN MỪNG: Ga 7,1-2.10.25-30
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Kn 2,1-12.22
Trong Tin Mừng hôm nay, người ta cảm thấy âm mưu siết chặt quanh Chúa Giêsu. Mưu đồ đã rõ và sẽ tới hồi kết thúc trong ít ngày nửa.
Những kẻ gian ác suy nghĩ chín chắn, đã nói rằng chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính.
Đoạn văn cựu ước này giống như một bản phân tích trước điều sẽ diễn ra trong cuộc khổ nạn. Tuần thánh gần tới. Thật ích lợi khi tôi tiến sâu vào cuộc chiêm niệm Chúa Kitô khổ nạn. Điều Chúa Giêsu đã chịu. Người thấy trước hết cả. Người cảm thấy sức ép xiết chặt, mười lăm ngày trước khi người chết.
Kinh nghiệm bị oán hận vây phủ... bị lùng bắt.
biết rằng có những người muốn tìm hại bạn.
Nó không làm ích gì cho chúng ta, lại còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta tại luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Nó tự hào mình biết Thiên Chúa và tự xưng là con Thiên Chúa. Chính nó là sự tố cáo những tư tưởng của chúng ta.
Những câu này giúp tôi thấu nhập một trong những nỗi khổ của Chúa Giêsu. Người, Đấng tinh tuyền, rất thánh, trọn tình và trung thành với Cha. Người tiếp xúc với các tội nhân đáng thương như chúng ta…người ta có thể nói, như chúng ta đang ở trong sự chung lộn chứng nghiệm được của các tội nhân.
Chúa Giêsu, "lời tố cáo sinh động" do thái độ của Người.
Nó thích hạnh phúc cuối cùng của người công chính, nó tự hào có Thiên Chúa là Cha.
Tất cả những điều đó là đúng
Và làm sao nói ngược lại, khi biết chắc là đúng.
Nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì có người chăm lo cho nó.
Hung ác tàn bạo biết bao! Nhân loại đáng thương.
Thực sự, dưới chân thánh giá, những luận điệu ấy đã được đưa ra : “Nếu Người là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá! Hãy để xem Êlia có đến cứu nó không”.
Tôi không thể đứng “ra ngoài” mà suy niệm điều đó.
Tôi không có quyền kết án, làm như tôi hoàn toàn vô can trước những lời lăng mạ đầy kinh miệt và cay đắng này. Tôi cũng không được quên rằng: những tội riêng tôi phạm cũng góp phần vào đó.
Tôi đặt mình , trong giây lát trước thánh giá và cầu nguyện. Chúng nghĩ như vậy nhưng chúng lầm, vì chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Giữa những lời nhạo báng, Chúa Giêsu có tâm tình bình thản. Người hoàn toàn yên nghỉ trên bí nhiệm của Thiên Chúa. Người biết mình được Thiên Chúa thông hiểu và yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, con chiêm ngưỡng sự an bình của Chúa. Xin hãy ban cho con sự bình an này.
Chớ gì chúng con biết tựa nương vào những bí nhiệm của Thiên Chúa.
BÀI TIN MỪNG: Ga 7,1-30
nhận biết Đức Giêsu theo đúng bản chất của Người:
không nên dừng lại ở vẻ bề ngoài.
Đức Giêsu thường đi lại trong miền Galilê thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giuđê, vì người Do Thái tìm cách giết Người.
Tin Mừng của Thánh Gioan là Tin Mừng mang tính chiêm niệm nhất. Nhưng cũng là Tin -Mừng- đã ghi nhận cuộc xung đột đang lớn dần và sẽ dẫn Đức Giêsu tới một cái chết điển hình bi thảm, Mùa chay đang tiến dần tới hồi kết thúc. Ta gắng sống thời gian cuối cùng của đời Người như thế nào?
Bị bao vây, ghét bỏ, chối từ, bị cảnh vệ, lùng kiếm.
Đức Giêsu sẽ chết trong vòng vây của những bộ mặt thù hận.
Lạy Chúa, trong bầu khí nặng nề vì những đe dọa như trên Chúa đã có những tư tưởng nào?
Tuy nhiên, anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật. Người Do thái tìm kiếm Người trong dịp lễ và nói. "ông ấy đâu rồi?".Người ta thì thầm tên Người… chính ông ta, kẻ bị kết án mà người ta đang lùng kiếm". Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: “các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất nhân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến?
Đức Giêsu kêu lên như trên.
Đó là một khổ đau được chất chứa bên trong nay bung ra.
Tiếng kêu của một kẻ không được người khác nhận biết đúng thực như con người của mình.. Tôi hình dung ra tiếng kêu của Thiên Chúa: "Vậy, các ông hãy nhận biết tôi! Tôi đâu có tự mình mà đến”. Thật là một thái độ khiêm hạ và yêu thương thâm sâu.
Đức Giêsu luôn hướng tới Chúa Cha .Người đã từ Cha mà đến và sẽ trở về cùng Cha. 'Toàn diện con người Người lệ thuộc vào Đấng khác bí nhiệm này, mà Người không ngừng nói tới : Đức Giêsu tự khẳng định mình quy chiếu vào Đấng đó... Người không có gì tự mình.
Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật: Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người.
Lại một nỗi khổ đau nữa. Hãy nhìn xem tình yêu không được nhận biết.
Phanxico thành Atxidi rảo quanh các đường phố, miệng than vãn: “tình yêu không được yêu lại... tình yêu không được yêu lại… tình yêu không được yêu lại..."
Tôi biết Người bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi.
Thật là thân mật. Hiệp thông.
Vào Chính lúc bị vây hãm, ghét bỏ, cô lập... Đức Giêsu biết mình được yêu thương. Thiếu những từ ngữ để diễn tả mầu nhiệm tương quan này. Đức Giêsu là một người thanh bình. Dù đối diện với những khuôn mặt hận thù, dù ở giữa những âu lo, Người vẫn nhớ tới mối tương quan với Cha.
Chung quanh Chúa, người ta chỉ bận chuyện giết Chúa. Còn Chúa. Chúa chỉ nói đến như tình yêu đang ngập tràn lòng Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống như Chúa, trong sự thân tình với Chúa Cha
Xin hãy ban cho mọi người đang đau khổ sự bình an của Chúa..
Xin hãy ban cho Người đang sống trong cô đơn, được cảm thấy nguồn an ủi vì có sự hiện diện của Chúa Cha.
Họ tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.
Am mưu hãm hại mỗi ngày một tăng. Cuộc thụ khổ đang tới gần.
Đó là "Giờ của Chúa"!
Thực sự Chúa không sợ hãi gì hết. Mọi sự sẽ xảy đến theo chương trình không dò thấu được của Thiên Chúa, vào giờ mà Người đã ấn định từ thuở đời đời.
Hãy hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Hãy đặt mình trong bàn tay của Người. Đó là bí quyết để được bình an.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Đức Giêsu lên Giêrusalem và dân chúng tranh luận về nguồn gốc của Người.
HOÀN CẢNH:
Tin Mừng theo thánh Gioan trong chương 7 này, tuy khó xác định cấu trúc, nhưng chúng ta có thể nhận ra cách xếp đặt như sau:
-7,1-13: Đức giêsu lên Giêrusalem dự lễ Lều.
-7,14-39: Người giảng dạy trong Đền thờ:
+ Nguồn gốc giáo huấn của Đức Giêsu 7,14-19
+ Ngày sabát 7,20-24
+ Nguồn gốc của Người 7,25-30
+ Việc Người sẽ ra đi 7,31-36
+ Nước Hằng Sống 7,37-39
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay chỉ ghi lại câu nói đầu, giới thiệu về hoàn cảnh của câu chuyện, và các câu 25-30 nói đến việc bình luận về nguồn gốc của Đức Giêsu. Đoạn Tin Mừng này ghi nhận cuộc xung đột đang tiến dần và sẽ đưa Người tới cái chết bi thảm.
TÌM HIỂU:
1-2.10 “Đức Giêsu thường đi lại trong miền Galilê…”:
Qua câu mở đầu ở chương 7 này, Tin Mừng của thánh Gioan cho chúng ta thấy hoàn cảnh cuộc sống cuối đời của Đức Giêsu: dân Do Thái tìm giết Người. Và câu 7,10 cho biết, Người phải bí mật lên Giêrusalem để dự lễ Lều.
25-27 “Bấy giờ có những người ở Giêrusalem …”:
Những câu này ghi lại việc dân chúng tranh luận về nguồn gốc của Chúa Giêsu.
Theo Thánh Kinh (2 Sm 7,12 ; Tv 89,4-5 ; Is 11,1-10 ; Gr 23,5), người ta biết Đấng kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem (1 Sm 16,1 ; Mk 5,1 ; Mt 2, 5-6 ; Ga 7,42). Đàng khác, theo sự tin tưởng chung, Đấng Kitô phải sống ẩn dật ở một nơi nào đó cho tới ngày xuất hiện công khai. Trường hợp của Đức Giêsu, đúng cả hai mặt, nhưng rất nhiều người do Thái lại không biết nguồn gốc siêu phàm của Người.
28-29 “Lúc giảng dạy trong Đền Thờ …”:
Trong bầu khí tranh luận sôi nổi về nguồn gốc của Đức Giêsu như vậy, Người công khai lên tiếng xác định.
- Họ chỉ biết tung tích của Người về nguồn gốc tự nhiên, nhưng họ lại không biết về nguồn gốc thiêng liêng!
- Đức Giêsu tượng trưng nguồn gốc của Người là bởi Thiên Chúa.
30 “Bấy giờ họ tìm cách bắt Người …”:
Những người cầm đầu dân Do Thái hiểu ý Đức Giêsu xưng mình là Con Thiên Chúa, bởi trời xuống thế gian. Họ toan bắt giam Người, nhưng Người không cho phép, vì giờ khổ nạn chưa đến.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Nhìn vào Chúa Giêsu
a) Xem việc Chúa làm:
- Chúa Giêsu tránh xuất hiện công khai, vì người Do Thái đang tìm giết Người. Tránh ở đây không phải vì nhát đảm, sợ chết, hay tiêu cực, nhưng vì Người thi hành thánh ý của Chúa Cha: giờ tử nạn của Người chưa tới.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết dùng hoàn cảnh và khả năng để đề phòng và tránh những gì làm trái ý Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu công khai giảng dạy trong đền thờ, mặc dù những người cầm đầu dân đang tìm cách giết Người. Chúa Giêsu thi hành thánh ý Chúa Cha là rao giảng Tin Mừng. Vì thế, gặp thuận tiện hay khó khăn, Người vẫn thực thi.
Noi gương Chúa, chúng ta cần can đảm thi hành sứ vụ Chúa trao phó, dù gặp nguy hiểm nhưng phải tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa quan phòng.
- Con người Chúa Giêsu là đối tượng gây ra sự tranh luận giữa những người chung quanh.
Người tông đồ sống bất cứ môi trường nào, cũng cần có những cử chỉ, lời nói, việc làm và cách sống, gợi lên sự chú ý và đặt vấn đề cho tha nhân tìm đến chân lý.
b) Nghe lời Chúa nói:
- Các ông biết tôi ư? Chúa Giêsu cảnh giác người Do Thái, chỉ biết Người về phương diện tự nhiên theo hình thức bên ngoài.
Chúa cũng cảnh giác khi chúng ta chỉ sống với Chúa theo hình thức bên ngoài, coi trọng hình thức sống đạo hơn nội dung là ý Chúa và tâm tình bên trong. Hoặc khi chúng ta chỉ nhìn Chúa theo quan niệm và nhu cầu riêng của mình: vừa ý thì vui mừng và cho đó là ơn Chúa thương; trái ý thì buồn và tiêu cực, quên Chúa đi…
- Tôi đâu có tự mình mà đến! Chúa Giêsu tự giới thiệu nguồn gốc đích thực của Người là bởi Thiên Chúa Cha “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật!”
Nhìn việc Chúa Giêsu làm và nghe lời Người nói, chúng ta nhận ra ý muốn, tình thương và công việc của Thiên Chúa.
Người Kitô hữu phải làm chứng về Chúa bằng chính cuộc sống chứng nhân của mình.
- Và chính Người đã sai tôi: Qua lời này, chúng ta liên tưởng đến: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.
Khi sống đời môn đệ của Chúa và thực thi sứ vụ tông đồ, chúng ta nhớ lại vinh dự được Chúa ưu ái, tín nhiệm sai đi, để chúng ta tích cực và nhiệt tình làm việc vì Chúa hơn.
2. Nhìn vào dân Do Thái:
- Chúa Giêsu trách họ tự kiêu tự đại, cho rằng mình đã hiểu biết về Thiên Chúa một khi đã học biết lề luật. Vì thế, khi Thiên Chúa đến giữa con người, mang lấy khuôn mặt Giêsu Kitô, con bác thợ mộc; họ trở nên bất lực, không thể nhìn ra Người, nhận diện được Người.
Chúng ta cũng vậy, nếu chỉ thỏa mãn một số kiến thức giáo lý về Thiên Chúa, thì chúng ta khó có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa, hoạt động của Chúa nơi bản thân, gia đình, xã hội và mọi biến cố đang diễn ra. Chúng ta chỉ nhận ra Chúa ở trong nhà thờ, ở nơi việc đạo đức mà không nhận ra Chúa nơi tha nhân, trong sinh hoạt thường ngày hay nơi môi trường xã hội.
- Sự hiểu biết giáo lý của chúng ta về chúa, nếu không kèm theo một tâm hồn thuần thục đối với Chúa Thánh Thần, một lòng khiêm nhường sâu xa thì rất dễ sa vào nguy cơ không thể nhận diện được khuôn mặt của Chúa Kitô đang có mặt giữa chúng ta hôm nay.
3. Bài Tin Mừng này đặt trong tâm tình và bầu khí của Mùa Chay nhằm mục đích đòi hỏi chúng ta phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát đón nhận hay từ chối niềm tin vào Chúa. Nếu tin, thì bắt tay vào việc thanh tẩy đời sống và thánh hoá bản thân cho phù hợp với tinh thần Mùa Chay này.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10