Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần Thánh | Ga 18,1-19,42 | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
17/04/2025
460
Trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đã hai lần hỏi kẻ bắt mình: các ngươi tìm ai? Họ đã thưa: Tìm Giêsu Nadarét! Chính Đức Giêsu đã trả lời: “Này Ta đây!” Như xưa, Môsê hỏi Giavê là ai thì Người đáp “Ta đây, Ta là Đấng Hằng Hữu” (Xh 3,14). Cho nên ai tìm Giêsu Nadarét, thì Gioan tỏ cho họ biết Đức Giêsu là Thiên Chúa. Và để nhấn mạnh thiên tính ấy, Gioan ghi lại lời Người trả lời và tình huống của những người nghe: “Chính Ta đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất.

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
TIN MỪNG: Ga 18,1-19,42

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Is 52,13 - 53-12; Dt 4,14-16. 5,7-9

Bài thơ chót về người tôi tớ đau khổ.

Nên suy gẫm từng câu:

“Nhiều người đã kinh ngạc, vì thấy Người tàn tạ mặt hết vẻ người, dung nhan Người cũng không còn nữa".

“Ai mà tin được điều chúng ta nghe".

“Người sẽ lớn lên trước mặt Người, như một chồi non, như một rễ cây, từ' đất khô khan..."

Người chẳng còn sắc đẹp để chúng ta ngắm nhìn, không còn vẻ ngoài để chúng ta ưa thích".

“Người bị khinh dể, bị mọi người bỏ rơi, là con người đau khổ, quen với khổ đau, giống như phong cùi khiến người ta trở mặt".

"Và chúng ta đã khinh dể Người, coi Người là không".

"Thật sự Người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, Người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta".

Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta".

"Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích Người mà chúng ta được chữa lành".

“Bị hành hạ, Người hạ mình, không mở miệng".

"Người không mở miệng như con chiên bị đem đi giết".

“Do cưỡng bách, và án lệnh, Người đã bị tiêu diệt".

“Vậy có ai quan tâm đến số mệnh Người?"

“Dẫu Người đã không làm chi bất chính, và miệng Người không nói lời gian dối".

“Chúa đã muốn hành hạ Người trong đau khổ".

"Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn và nhờ Người, ý định Chúa sẻ thành tựu”.

“Nhờ nỗi khổ tâm của Người, Người sẽ thấy và sẽ được thỏa mãn".

"Nhờ sự thông biết. Tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hóa nhiều người".

Tôi lấy lại bản văn mà cầu nguyện, thay đổi đi vài từ .Ôi Chúa Giêsu , Chúa tàn tạ mất hết vẻ người... Chúa bị kinh dể …!

Không , phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã hứng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy dần đi tiến lại gần Người.

Từ nay mọi đau khổ của loài người đều giống như cuộc khổ nạn Chúa.

Đây là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục.

Điều nặng nhọc đối với con là phải vâng phục Chúa đã học… Xin hãy đến dạy con.

Bài Tin Mừng: Ga 18,1-19,42

Hôm nay phải đọc bài thương khó.

Các anh tìm ai?: "Tìm tên Giêsu Nadarét". “Chính tôi đây Khi Đức Giêsu vừa nói: “Chính tôi đây",thì họ giật lùi và ngã xuống đất”.

Thánh sử nhấn mạnh đến chi tiết tượng trưng trên.

Đọc suốt Tin Mừng của ông, câu hỏi đã được đặt ra :“Đức Giêsu là ai?". Giờ đây, câu trả lời thật sáng tỏ: Đức Giêsu là Thiên Chúa! Cuộc thụ khổ theo thánh Gioan, được ghi đậm vẻ uy nghi ngời sáng của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu hướng dẫn các biến cố trong cuộc thụ khổ của Người. Ở đây, khi Người nói: "Chính tôi đây, các đối thủ của Người liền “ngã xuống đất”.

Đức Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao, chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy lẽ nào Thầy chẳng uống?”

Thật là hết sức tự do và sáng suốt.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn ôm mang thánh giá của chúng con, như Chúa.

Tôi đã nói công khai trước thiên hạ... sao ông lại hỏi tôi? Xin ông hỏi những người đã nghe tôi nói. Họ biết tôi đã nói gì.

Không, đó không phải là một người bị kết án bình thường. Người không cúi đầu trước những thẩm phán: chính Người đang xét xử họ.

Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào. Còn nếu tôi nói phải sao anh lại đánh tôi?

Chính Người đang chất vấn những kẻ hỏi Người.

Người tự ý nói điều ấy, hay có ai khác đã nói với Người, về tôi?

Thái độ vững vàng biết bao!

Lạy Chúa, thật là ích lợi cho con nếu con luôn tưởng nghĩ rằng, Chúa không phải là một người bị gục ngã, những là một “người luôn đứng thẳng". Xin ban cho chúng con sự can đảm, thái độ bền vững trước thử thách.

Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thì người của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng quả thật Nước tôi không thuộc về thế gian này.

Tôi không “thuộc chốn này”, nhưng thuộc “chỗ khác”, bước "trên cao”.. Con người của Chúa thật mầu nhiệm. Lạy Chúa, con tôn thờ Nước Chúa bị che giấu, không thể thấy được.

Người không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho Người.

Luôn bày tỏ cùng một uy quyền tối thượng.

Vinh quang Phục sinh "đã" hiện diện trong con người bị kết án này!

Dù tự hạ sâu thẳm nhất, Người vẫn ngấm ngầm biểu lộ Thiên Chúa sẽ tôn vinh Người.

Và những lễ nghi ngày thứ Sáu thánh, không là những nghi thức an táng, nhưng đã là cuộc cử hành vinh quang thập giá.

Thưa Bà, đây là con Bà.

Tuy thế, nhân tính tuyệt diệu của Đức Giêsu vẫn luôn được biểu hiện.

Mọi sự đã hoàn tất.

Không phải là một “kết thúc”. Nhưng đó là một “hoàn tất”: một công việc được chu toàn, hoàn toàn hướng đến tình trạng trọn hảo của nó.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con "hoàn tất" đời sống chúng con đến cùng.

Người ta đâm thủng cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra.

Đó là biểu tượng của "các bí tích” của “sự sống mới”, đang trào ra. Đó không phải là một “kết thúc”, nhưng là một khai mở rộng lớn, một con sông sự sống: Hàng tỷ người được cứu độ… vô số Thánh Thể, vô số Thánh tẩy.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Cuộc Thương Khó Đức Giêsu

Qua bài tường thuật này, thánh sử Gioan muốn trình bày cho chúng ta:

1. Nơi Đức Giêsu nêu cao các dấu chỉ thiên tính của Người hơn là các khía cạnh đau khổ.

2. Bài tường thuật này cũng muốn trả lời câu hỏi Đức Kitô là ai?

- Cho đến khi Người đi chịu chết, các tư tế, phụ nữ Samari và quần chúng đã đặt câu hỏi và đã có những phản ứng khác nhau.

- Trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đã hai lần hỏi kẻ bắt mình: các ngươi tìm ai? Họ đã thưa: Tìm Giêsu Nadarét! Chính Đức Giêsu đã trả lời: “Này Ta đây!” Như xưa, Môsê hỏi Giavê là ai thì Người đáp “Ta đây, Ta là Đấng Hằng Hữu” (Xh 3,14). Cho nên ai tìm Giêsu Nadarét, thì Gioan tỏ cho họ biết Đức Giêsu là Thiên Chúa. Và để nhấn mạnh thiên tính ấy, Gioan ghi lại lời Người trả lời và tình huống của những người nghe: “Chính Ta đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất.

3. Gioan cũng lưu ý đến những gì làm cho cái chết của Đứ Giêsu có một âm hưởng thường trực trong đời sống Hội Thánh như: Philatô tôn vương Người (19,13-15); tính cách Tư Tế nơi cái chết của Đức Giêsu (áo không có đường chỉ là loại áo dành cho các thầy thượng tế 19,23); tính bí nhiệm của Máu và Nước từ cạnh sườn Người chảy ra (19,34), Nước là dấu ơn Chúa Thánh Thần, Máu hình bóng giao ước ký kết bởi Con Chiên Vượt Qua (19,36); việc trối Đức Mẹ cho Gioan ám chỉ Giáo Hội là Mẹ các tín hữu (19,26-27)

4. Bài tường thuật của Gioan còn cho ta thấy cái chết của Đức Kitô ảnh hưởng đến toàn thế giới:

- Một Đấng như vậy, hội đồng kỳ mục Do Thái không thể xử được, vì Người từ trời xuống trong thế gian (18,37)

- Người được Tôn Vương trước mặt Philatô là đại diện hoàng đế Rôma (19,13-15)

- Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng phổ thông thời đó (19,20)

- Các dân thiên hạ, như ngôn sứ Da-ca-ri-a nói (12,10) sẽ nhìn ngắm thập giá khi Người tắt thở (19,37) và trở lại với Người.

Hôm nay, khi thờ lạy Thánh Giá, chúng ta hãy tưởng nghĩ xưa kia, thập giá là hình phạt nhục nhã, nhưng qua Chúa Giêsu, nay trở thành đối tượng vinh dự và hạnh phúc của chúng ta. Xưa kia trên thập giá là hình bóng của sự chết, nay là nguyên lý giải thoát và cứu rỗi chúng ta.

Đứng trước thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta hãy tỏ lòng cung kính thờ lạy với lòng yêu mến, tin cậy, biết ơn và đền tạ.

5. Chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá:

Chúng ta hường về Chúa với tâm tình:

+ Suy tôn: Vì Chúa đã chiến thắng sự chết.

+ Cảm phục: vì Chúa đã hy sinh chịu chết

+ Cảm mến: vì Chúa đã dùng cái chết để tỏ lòng yêu thương ta.

+ Tri ân: vì Chúa đã chịu chết để chuộc tội cho ta.

+ Ngưỡng mộ: vì Chúa muốn chúng ta noi theo Người: “Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình và vác thập giá mình mà theo …”

Chúng ta giục lòng thống hối ăn năn tội và quyết tâm sống đẹp lòng Chúa hơn.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT