
Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần X Mùa Thường Niên (Mt 5,27-32) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN X MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 5,27-32
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: 2 Cr 4,7-18
Chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành.
Hình ảnh thật gợi cảm của Vị Tông đồ, cũng là Kitô hữu, luôn mang một “kho tàng" quý báu. Ngài mang Chúa. Như mọi người khác, lương dân hay những người không tin tưởng, ngài vẫn là một người yếu đuối.
Thật vừa cao cả, vừa yếu hèn. Mầu nhiệm con người: một chiếc bình sành không giá trị, chứa đầy của cải vô giá.
Như thế người ta biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chứ không phải phát xuất từ chúng ta.
Các kẻ thù tố cáo Phaolô là một “loại xoàng”. Người nói: ôi, đúng vậy, tôi là loại người tầm thường. Người thú nhận mình yếu đuối bất lực. Như thế, rõ rệt là hoạt động tông đồ Người thực hiện không phải bởi Người, nhưng là bởi Chúa. Lạy Chúa, xin giúp con nhận thức những thiếu kém giới hạn của con, mà gắn bó với Chúa không lay chuyển để quyền năng Chúa rực rỡ trong sự yếu hèn của con.
Đây là nét mô tả tình trạng tâm lý của vị tông đồ (tương tự cũng như của Kitô hữu)
Chúng ta chịu khổ cực tứ bề, nhưng không bị đè bẹp... Chúng ta phải long đong nhưng không tuyệt vọng..chúng ta bị bắt bớ nhưng không bỏ rơi...bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt.
Phải, đó là cuộc sống của Phaolô tông đồ Chúa: Người sẽ kết thúc đời sống- bằng hy sinh dữ dằn, bị chặt đầu ở cửa thành Rôma. Lạy Chúa, tại sao Chúa để cho bạn hữu Chúa phải sống cuộc đời như vậy?
Điều lạ lùng nhất là Phaolô có vẻ không phàn nàn chi hết về điều đó. Giọng điệu của Người đúng hơn lại có vẻ thắng thế. Đó là cuộc sống hân hoan của một người tận hiến. Đó là một người “kiên vững"' bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Người nhận lại được những mối phúc.
HÔM NAY, cuộc sống con có được sức bật này không? Có đưa tới thất vọng không. Lạy Chúa, trong cơn thử thách, xin giúp con đừng bị đè bẹp lẫn bị tiêu diệt.
Chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta.
Không, không có một thất vọng u buồn nào trong tâm hồn Phaolô. Đời Người thật cực, đúng vậy... Hội Thánh ở Côrintô bị xáo trộn.... Đến nỗi Người nói tới cơn hấp hối. Nhưng đó là vì cuộc sống vĩnh hằng. Đó là để mầu nhiệm của Chúa Giêsu được tiếp nối. Nơi mọi người đau khổ, có một mầu nhiệm của sự sống, một sự kéo dài cuộc sống của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con giải thích mọi biến cố HÔM NAY với chìa khóa đó: các biến cố trên thế giới, các biến cố trong Hội 'Thánh, các biến cố cá nhân. Xin giúp mọi người hiểu được một chút “ý nghĩa " mà sự đau khổ của họ có thể có, trong Chúa Kitô: chết để sống.
Bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Đức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người.
Không, Thiên Chúa không muốn thất bại. Chúa không muốn đau khổ, Chúa không muốn sự chết. Hội Thánh lãnh trách nhiệm loan báo sự sống? sự sống lại, mà Chúa muốn chương trình của Thiên Chúa đối, với nhân loại, tiếng nói cuối cùng của người, chính là Chúa Giêsu Kitô Hằng Sống.
Sống siêu việt. Trải qua cơn hấp hối rừng cây dầu ở Gethsemani, trong đêm thâu... nhưng bây giờ vui hưởng sức sống và niềm vui, từ buổi sáng rực rỡ ngày Phục sinh...
Bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa.
Khốn khó, giới hạn, tội lỗi, sự chết... Tất cả hoàn tất trong một thái độ của tâm hồn một việc tạ ơn, một “thánh thể" (eucharistie: cũng có nghĩa là tạ ơn) một tiếng ca, cuối cùng một lời cảm tạ.
Bài đọc II: IV 19,9 –11.16
Khi ngôn sứ Êlia lên tới núi Sinai, ông vào trong cái hang. Có lời Giavê phán với ông.
Êlia là một người của Thiên Chúa, một nhà chiêm niệm. Ong thích những nơi cô tịch. Sa mạc Sinai là một trong các miền đất trơ trụi, thê thảm, vắng bóng mọi hình thức giải trí, có thể thúc đẩy con người lui vào nội tâm, để nghe tiếng Thiên Chúa.
“Hàng cầu nguyện" và nơi tĩnh tâm của con là gì? Đó là nơi và thời gian để con đặt mình cách đặc biệt hơn trước nhan Chúa.
Lạy Chúa, con không thường biến việc suy niệm thành một cuộc đọc sách đơn thuần, một tìm kiếm các tư tưởng trí thức sao? trong khi đích duy nhất là tạo được sự gặp gỡ đối thoại với Chúa.
Ngươi hãy ra đứng trên núi, trước nhan Giavê vì Người sẽ đi qua.
Thiên Chúa đi qua.
Gặp gỡ Thiên Chúa.
Đó là điều quan trọng nhất của cầu nguyện đứng trước mặt một Đấng nào!
Trong thời gian đó, con không ở một mình... Có Người ở đó Con ở trước nhan Người..Con đứng trước Tôn Nhan.
Đó là điều đáng giá hơn hết: Dù con không nói gì. Dù con không có được một tư tưởng cao đẹp nào.
Và lúc Giavê đi qua, trước tiên có một trận cuồng phong thổi mạnh... tiếp đến một trận động đất... rồi một đám lửa... rồi một cơn gió hiu hiu!
Đó là một cuộc khám phá trọng đại cho Elia. Ong là người cương trực, muốn lướt thắng các người đồng thời bằng những luận cứ xác đáng và ngoạn mục (chúng ta nên nhớ lại cuộc tế tự trên núi Camêlô)... ông khám phá ra rằng Thiên Chúa không ở trong cùng phòng cũng không ở trong cánh đồng đất, cũng không phải trong đám lửa nhưng ở trong ngọn gió hiu hiu.
Đúng vậy, Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa "kín nhiệm" một Thiên Chúa “ẩn tàng”. Người không áp đặt chúng ta như một cuồng phong đè bẹp chúng ta. Người chỉ muốn cho những ai biết lắng tai, nghe được tiếng Người. Thiên Chúa là cơn "gió hiu hiu”, gần như không thể cảm thấy ta phải làm im đi những tiếng động khác để cảm biết người, để nghe tiếng “dịu dàng” của Người.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra sự hiện diện kín nhiệm và khiêm tốn của Người.
Vừa nghe thấy tiếng, Êlia lấy tấm áo che mặt... Bỗng ông nghe một tiếng nói: "Ngươi làm gì ở đó Elia?”
Tôi nhiệt thành phẫn uất cho Giavê, vì con cái Israel, đã phản bội giao ước của Người.
Hãy đi về hưởng Đamas, ngươi sẽ xức dầu tấn phong một vua ở Syria và ở Israel...
Cuộc đối thoại này giữa Thiên Chúa và con người thật là tiêu biểu.
Con người lấy áo che mặt trong thái độ kính sợ. Thiên Chúa đặt câu hỏi.
Con người của Thiên Chúa tỏ bày điều mình ước muốn. Ông ao ước được sai đi. Trong lúc cầu nguyện, ông đã khám ra một nhiệt tình truyền giáo.
Ong đang ở giữa thế gian. dù đang hiện diện nơi sa mạc. Ong nghĩ đến loài người đã phản bội giao ước.
Và Thiên Chúa lại sai ông về với thế giới về với nhân loại. Hãy đi ra khỏi sa mạc mà vào một thành phố lớn.
Đó là một hòa nhịp giữa chiêm niệm và hoạt động.
Tiếp xúc với Thiên Chúa…đem Thiên Chúa đến cho loài người... Cầu nguyện.... làm tông đồ.
Bài Tin Mừng: Mt 5,27-32
Anh em đã nghe Luật dạy rằng: "Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi".
Đây là thí dụ thứ hai về việc kiện toàn Lề luật.
Đức Giêsu đã làm đảo lộn cả nền luân lý. Đối với Người, điều quan trọng không phải là những gì xuất hiện trước mặt con người, nhưng là tận đáy tâm hồn. Điều làm ô nhơ con người, không phải là thân xác, mà là tinh thần, ước muốn, ý định. Đức Giêsu đã mang lại cho con người một giá trị mới: Tôn trọng bản thân mình cách sâu sắc, tôn trọng người khác phái và vẻ thanh cao của tình yêu. Tại Ít-ra-en, vào thời Đức Giêsu, ly dị được coi như hợp pháp. Nhưng theo Người, điều cốt yếu không nằm trong phạm vi "bề ngoài" đó. Luân lý hôn nhân, Luân lý dục tính, trước hết không là một bản liệt kê những, hành vi được phép hay bị cấm đoán có thể, kiểm soát được từ bên ngoài. Nhưng đó là thái độ nội tâm, yêu sách hơn nhiều, đòi hỏi một thái độ không ngừng vươn lên.
Lạy Chúa, xin hãy đến trợ giúp chúng con. Không có Chúa, chúng con không thể thực hiện được Tin Mừng của Chúa.
Nếu mắt phải của anh em làm cho anh sa ngã, thì hãy mốc mà ném đi.
Đó là những lời nói rất chướng tai.
Có lúc người ta đã nói và viết: Đức Giêsu không có lập trường gì về vấn đề đức tính, về lĩnh vực phong hóa. Do đó, Mát-thêu đã đặt câu trên liên hệ đến “con mắt" nên cớ vấp phạm cho con người, ngay sau câu diễn tả lại cảnh giác của Đức Giêsu, đừng nhìn người nữ với ý muốn phạm tội.
Thân xác con người không xấu. Thái độ ngờ vực thân xác không phải là thái độ Kitô giáo (cho dù một số tác giả bày tỏ như vậy ) Rõ ràng thân xác chỉ có thể trở nên cớ vấp phạm nếu mắt anh làm cho anh sa ngã…
Vậy phải phản ứng ra sao?..
Cần một quyết định dữ dội: “móc nó đi”.
Vào một thời điểm mà phong trào ngoại giáo đương thời đang dần dần xâm lấn rõ nét trong lĩnh vực dục tính, lập trường trên đây của Đức Giêsu quả là khó nghe Đức Giêsu không ca tụng sự trong sạch cách màu mè, nhưng Người mạnh mẽ khẳng định lập trường của mình với tất cả nghị lực.
Luật còn dạy rằng: "Ai rẫy vợ thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình và ai lấy người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.
Đây không phải là một chi tiết nhỏ bé, những là một điểm trong luật Môsê, đã được Đức Giêsu thay đổi rõ ràng. Sách Đệ nhị luật (24,1) cho phép ly-dị. Như thế, Đức Giêsu tranh chấp với một luật chính thức của xứ sở Người (và còn hơn thế, đó là một luật trong Kinh Thánh). Luật bất toàn của Cựu ước được thay thế bởi một luật mới. Nhưng thực ra, sự mới mẻ hiển nhiên này, chỉ lấy lại ý định sở nguyện của Thiên Chúa, đã được diễn tả trong trình thuật cuộc sáng tạo (St 1,26). Trong một đoạn văn khách Đức Giêsu sẽ nói "thuở. ban đầu không có như thế đâu " (Mt 19,l-9). Trên thực tế, theo cách diễn giải có thẩm quyền nhất, Đức Giêsu không chấp nhận một cớ nào để có thể rẫy vợ bỏ chồng. Trường hợp ngoại lệ đặc biệt, "hôn nhân bất hợp pháp”, có lẽ chỉ là trường hợp của những người không kết hôn thôi!
Vượt trên mọi tranh luận của các luật gia Do Thái, rõ ràng Đức Giêsu đưa ra một lời mời gọi mang tính ngôn sứ bênh vực sự bất khả phân ly của hôn nhân: đó không phải là chính lời thề ước của tình yêu sao? Thái độ kiên định của Giáo hội giữ vững lập trường về vấn đề này, thường bị hiểu lầm, nhưng chính ra có nguồn gốc từ Tin Mừng: không có quyền lực nào trên trần gian, cả-giáo hội, Đức Giáo Hoàng có thể cởi bỏ điều mà Thiên Chúa đã liên kết cách hết sức rõ ràng. Có lẽ một ngày nào đó, ta sẽ bắt đầu hiểu rõ hơn yêu sách trên, nhằm bảo vệ tình yêu khỏi những gì có thể tiêu diệt nó cách dễ dàng.
Cần phải đọc đoạn văn trên, cùng với đoạn Tin Mừng bổ sung cho nó: thái độ rất thông cảm của Đức Giêsu đối với người phụ nữ ngoại tình (Ga8,1-11). Còn chúng ta, chúng ta có cư xử nhân ái như Đức Giêsu, đối với những người xử sự do cách yếu kém và tồi tàn không?
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Đức Giê Su kiện toàn điều răn 6 và 9.
HOÀN CẢNH:
Sau khi đề cập đến điều thiệt hại làm cho kẻ khác, Đức Giê Su đã nói đến vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân.
Ý CHÍNH:
Bài Tin-Mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giê Su kiện toàn điều răn thứ sáu và thứ chín: cấm ngoại tình và không được ly dị.
TÌM HIỂU:
27-28 “… Chớ ngoại tình …”:
Về tội ngoại tình, luật cũ cấm cả việc làm (Xh 20,15) và ước muốn (20,13). Nhưng các kinh sư và biệt phái chỉ cho là tội ngoại tình bằng việc làm cụ thể bên ngoài mà thôi. Nên Đức Giê Su kiện toàn bằng cách tuyên bố: “Kẻ nào nhìn xem một phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã mắc tội ngoại tình trong lòng rồi”.
Kiểu nói: ước ao, thèm muốn hay khao khát có nghĩa là muốn chiếm đoạt làm sở hữu một vật hay một người nào cách bất xứng. Thời xưa người ta thường luận phạt người phụ nữ can tội ngoại tình hơn là kết tội người nam; còn ở đây Đức Giê Su nhấn mạnh đến ý hướng còn manh nha trong tâm trí về tội ngoại tình, không phân biệt nam hay nữ.
29-30 “Nếu mắt phải ngươi …”:
Kiểu nói “mắt”và “tay”: Trong ngôn ngữ Do Thái: “mắt”tượng trưng cho ý hướng của con tim, nó dẫn đưa khát vọng hướng về đối tượng; còn “tay” (người ta dùng để cầm) gợi lên hành động. “Móc mắt”, “chặt tay” là những kiểu nói nhấn mạnh: ý chí phải cương quyết, không chiều theo ý muốn tội lỗi.
31-32 “Ai rẫy vợ thì phải cho vợ chứng thư ly dị …”:
Câu này trình bày về tính cách bất khả phân ly của hôn nhân: người chồng nào ly dị vợ mình, kẻ ấy đã biến người vợ này trở thành “tài sản” bất chính cho người khác và kể cả cuộc tái giá của mình nữa cũng được coi là bất hợp pháp.
Trong xã hội Do Thái trọng nam hơn nữ, thì luật bất khả phân ly trong hôn nhân ở đây, nêu cao giá trị:
- Tôn trọng kẻ hèn yếu (giới nữ).
- Trừ khử mọi mầm mống gây chia rẽ để bảo vệ sự bất khả phân ly.
- Trở về triệt để với ý định sâu xa của Thiên-Chúa về hôn nhân (Mt 19,7).
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
Bài Tin-Mừng hôm nay trình bày giáo huấn của Chúa Giê-su về những đặc tính cốt yếu của hôn nhân:
- Không được ngoại tình: là để bảo vệ tính cách đơn hôn, một vợ một chồng trong hôn nhân.
- Không được ly dị là để duy trì tính cách vĩnh hôn của hôn nhân.
1. Không được ngoại tình: Giáo huấn này nhắc nhủ những ai đang sống trong bậc hôn nhân:
- Không được phản bội, nghĩa là không được thất tín, thất trung; vì thất trung là:
- Bóp méo hình ảnh Thiên-Chúa đang mang nơi mình.
- Phá vỡ ý định của Thiên-Chúa về hôn nhân, vì từ đầu Thiên-Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ.
- Làm tiêu tan tình Chúa yêu ta vì sự gì Thiên-Chúa liên kết loài người không được phân ly.
- Phải chấp nhận mọi hy sinh để duy trì sự trung thành trong hôn nhân. Quả vậy, không một hy sinh nào, như khoét mắt, chặt tay, mà người ta không phải vui lòng chịu để tránh dịp tội và khỏi án phạt đời đời.
- Đòi hỏi Chúa Giê-su ở đây không chỉ nhằm duy trì một lề luật, một nền luân lý, mà đúng hơn Người chỉ muốn duy trì hạnh phúc và bình an hôm nay và mai sau cho hạnh phúc hôn nhân và gia đình.
2. Không được ly dị: Giáo huấn này muốn đề cao tính cách vĩnh hôn của hôn nhân.
- Tính cách vĩnh hôn được biểu lộ đặc tính quan trọng của hôn nhân Ki-tô giáo vì sự gì Thiên-Chúa liên kết loài người không được phân ly.
- Tính cách vĩnh hôn này được Thánh Phaolô giảng giải: “Chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu Hội Thánh, vợ hãy yêu chồng như chính mình. Điều vừa nói, tôi muốn ám chỉ đến mầu nhiệm Đức Kitô và hội Thánh”(Ep 5,25-30).
3. Giáo huấn của Chúa Giê-su qua bài Tin-Mừng hôm nay trả lại cái giá trị đích thực của hôn nhân là sự đơn hôn: một vợ một chồng, và vĩnh hôn: bất khả phân ly. Giáo huấn này không những bảo vệ và duy trì cho sự hạnh phúc và an lành cho đời sống hôn nhân và gia đình, mà còn là lời cảnh giác cho những ai đang sống bất trung và phân ly của hôn nhân và gia đình trong xã hội hôm nay.
4. Qua luật đơn hôn và vĩnh hôn của hôn nhân, chúng ta xét lại luật trung tín trong tình yêu đối với Thiên-Chúa:
- Yêu mến Thiên-Chúa trên hết mọi sự, nhưng đôi khi chúng ta đã ngoại tình khi chúng ta yêu mến sự đời, nuông chiều xác thịt và chạy theo danh vọng địa vị, tiền của và vật chất đến nỗi đã sao lãng bổn phận làm con hiếu thảo và phụng sự Thiên-Chúa.
- Phải bền đỗ đến cùng trong tình yêu đối với Thiên-Chúa, nhưng chúng ta đã phản bội bất trung khi chúng ta sa ngã phạm tội, chia lìa với tình yêu và sự sống của Chúa.
- Đặc biệt duyệt xét lại sự trung thực và trung thành trong đời sống thánh hiến qua bí tích Rửa Tội, qua lời khấn dòng và qua bí tích Truyền Chức.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10