Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXIX Mùa Thường Niên (Lc 12,54-59) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby
24/10/2024
670
Giáo hội hiện nay đặc biệt quan tâm tới việc sống trung thành với lời mời gọi của Chúa Giêsu trên đây. Tại Công đồng Vatican II , Giáo hội phát biểu : “ Giáo hội lúc nào cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ thời đại và giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng, như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ, những thắc mắc muôn thuở của con người và ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu... Do đó, cần phải biết và hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất, thường là bi thảm của nó" (G.S. 4)...
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN TUẦN XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 12,54-59

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Ep 4, 1-6

Vậy tôi là người đang bị tù vì Đức Kitô, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.

Phaolô đang “bị ở tù”. Các người tân tòng Do Thái đã thành công về việc ấy ? Họ can thiệp nhờ cảnh sát Đế quốc bắt ông như một tên phá rối trật tự, xách động quần chúng dấy loạn. (Cv 22,22-29).

Nhưng ông không nản chí, lại còn hiên ngang chịu "tử tội vì Chúa" và ông khuyên bảo các tín hữu cứ vững tâm.

Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau.

Lát nữa, Phaolô sẽ bàn về những lãnh vực thần học cao siêu, nhưng đối với ông, đó không phải là cái gì trừu tượng. Đức tin của ông không phải là một ý thức chính xác, mà là một xác tín khiến ông dấn thân trọn vẹn và làm ông có một số thái độ rất cụ thể, thực tế cho cuộc sống thường ngày... nhưng trong lãnh vực tương quan sơ đẳng giữa loài người với nhau.

Khiêm tốn- hiền từ; nhẫn nại - Chịu đựng lẫn nhau .

Thiết tha sự hiệp nhất.

Lạy Chúa, xin giúp con soi xét lại cuộc sống thường ngày của con về khía cạnh này.

Chỉ có một thân thể một thần khí... một Thiên Chúa... và là Cha của mọi người.

Đây là công thức về Ba Ngôi Thiên Chúa... yêu sách của sự hiệp nhất giữa loài người là tuyệt đối, là căn bản... cái bí quyết của sự hiệp nhất giữa nhân loại thì bởi sự sống chung của Thiên Chúa Ba ngôi mà đến.

Công đồng, trong lược đồ về Giáo hội, đã nhấn mạnh xác tín này: Giáo hội là bí tích, nghĩa là "dấu chỉ" và là "phương thế" của sự hiệp nhất mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.

Những hoàn cảnh hiện tại làm cho nhiệm vụ của Giáo hội thêm khẩn thiết hơn, để ngày nay mọi người liên hệ chặt chẽ hơn bởi nhiều ràng buộc xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hiệp nhất trọn vẹn trong Đức Kitô. (H.C. về G.H. số 1).

“Giáo hội xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Lumen Gentium 5)

Lạy Chúa, con muốn chiêm ngắm sức sinh động của Ba Ngôi Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới : là làm tiến triển nghĩa hợp quần, sự làm việc trong tinh thần đồng đội, hòa hợp giữa các người không biết nghe nhau, tình thương yêu giữa người với người, dấn thân phục vụ tha nhân, giúp đỡ lẫn nhau v.v... ở đâu mà “nhiều người hiệp nhất" là có Thiên Chúa ở đó.

Lạy Chúa, con muốn cho cả cuộc đời cụ thể của con khiêm tốn, đơn sơ, nhỏ nhoi, tầm thường tất cả đều nhắm về hướng ấy, hướng của Ba Ngôi sống động.

Chúa Kitô... Chúa Thánh Thần... Chúa Cha.

Đó là thứ vị (bất thường) mà Phaolô sắp đăt cho Ba Ngôi vị Chúa Cha vào chỗ thứ ba thay chỗ thứ nhất... rõ ràng, bởi vì Phaolô muốn cho biết sự hiệp nhất sống động phải được hình thành rồi mới phát triển, không phải là một sự hiệp nhất nguyên trạng, đã có sao : Đó là một sự hiệp nhất tiến triển lần lần nhờ hoạt động của Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, đến tận Chúa. Nhân loại đi từ sự phân chia... lên tới sự hiệp nhất.

Một niềm hy vọng... mỗi đức tin... một phép rửa...

Thiên Chúa là vận may của nhân loại tương lai duy nhất của con người ở tại đó.

Bài đọc II: Rm7, 18-25

Trong trang sách chúng ta sắp suy niệm, có một bản miêu tả bi thảm nhất thân phận con người" : Con người là một thực thể phân tán, ao ước sự lành nhưng lại làm điều dữ.

Tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi, nghĩa là trong huyết của nhục của Tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được.

Sự dữ dính chặt vào con người chúng ta, nó ở trong chúng ta. Như thế, cả trước khi con người quyết định, sự dữ đã ở trong họ. Hơn cả một sự khích động giản đơn "ngoại tại”, cơn cám dỗ ở trong lòng tôi, nội tại. Người ta luôn sai trái, và thật là bi phu, khi tố giác người khác, thế gian, để minh chính hay bào chữa những sa ngã của mình : sự dữ còn thâm căn hơn điều đó nhiều, nó “ở” sâu trong lương tâm sai lạc của chúng ta. Đây là một sự dữ có trước quyết định của chúng ta, một sự dữ “nguyên tổ”.

Sự lành tôi muốn thì tôi không làm… còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm.

Sự phân tách về nỗi yếu hèn của con người mới đúng làm sao! Ai trong chúng ta không kinh nghiệm về điều đó?

Đây là sự bất lực tận căn của mọi ý chí không được ơn thánh trợ lực. Tôi biết rõ điều tôi phải làm. Tôi rất muốn làm và tôi lại không làm

Tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, là giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi.

Tội lỗi thực sự làm "tha hoá" con người sự dữ tha hóa con người khi đan kết họ và một định mệnh ngược với những ước vọng sâu xa là với ơn Thiên Chúa gọi họ.

Tội lỗi là tác nhân hủy diệt con người.

Và điều lạ lùng là chúng ta biết rõ điều đó. Trí khôn và lý lẽ của chúng ta đồng ý với Thiên Chúa, và đó là phần trọn hảo nhất của chúng ta. Đó là "thực thể chân thực của chúng ta. Lạy Chúa, xin nhìn đến trong con cái phần con ưa thích Chúa, phù hợp với luật Chúa.

Nhưng Thánh Phaolô nói có một phía khác trong thực tế của tôi bị ràng buộc với tội lỗi. Và Thánh Phaolô không tách mình khỏi nhận định này. Trái lại ngài nói ở ngôi thứ nhất: “ Tôi cũng ưa thích... nhưng tôi thấy.. giam hãm tôi". Lời thú nhận cá nhân gây chao đảo biết bao!

Lạy Chúa, tại sao chúng con được tạo thành như vậy. Tại sao có cuộc chiến trong thâm sâu con người chúng con ?

Tại sao trong con có cả điều tốt lẫn cái xấu?

Tôi là con người vô phúc, ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này?

Nên đọc lại lời kinh này. Bởi vì có một lời kinh trong đó Người ta có thể lặp lại theo sau Thánh Phaolô. Và với trọn nội dung theo những yếu đuối khốn khổ của chúng ta.

 Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. tạ ơn. Niềm vui. Chớ gì sự yếu hèn của tôi luôn được kết thúc bằng tiếng kêu tin tưởng này.

Sự lạc quan nền tảng của Thánh Phaolô không phải ngây ngô, hư ảo. Người tiếp nối một phân tích chặt chẽ về bất lực của con người : tìm cứu thoát mình.

Đúng vào lúc chúng ta lâm nguy bị hư mất, thì “tay Chúa đến nắm giữ và cứu thoát chúng ta”.

BÀI TIN MỪNG: Lc 12,54-59

Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi” và xảy ra như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “ Trời sẽ oi bức”, và xảy ra như vậy.

Qua những lời trên, Đức Giêsu khiển trách những người đương thời không biết đón nhận những “dấu chỉ thời đại”, trong khi họ có đầy đủ khả năng giải thích những dấu chỉ khí tượng.

Giáo hội hiện nay đặc biệt quan tâm tới việc sống trung thành với lời mời gọi của Chúa Giêsu trên đây. Tại Công đồng Vatican II , Giáo hội phát biểu: “ Giáo hội lúc nào cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ thời đại và giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng, như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ, những thắc mắc muôn thuở của con người và ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu... Do đó, cần phải biết và hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất, thường là bi thảm của nó" (G.S. 4).

Quân giả hình kia, điềm trời đất thì các người biết nhận xét còn thời cuộc này, sao các người lại không biết nhận xét?

Khi phân tích tình trạng của thế giới, "thời đại mà ta đang sống", Công đồng đã nhận ra một số "dấu chỉ thời đại" cơ bản. Và đây là vài dấu chỉ:

Tình liên đới đang phát triển giữa các dân tộc (TĐ 14).

Phong trào đại kết (HN 4)

Mối quan tâm tới tự do tôn giáo (TĐ 1)

Sự cần thiết phải làm tông đồ giáo dân dưới nhiều dạng thức (TĐ 1).

“ Dân Thiên Chúa, nhờ Đức tin, mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng bao trùm vũ trụ hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện

và ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và mọi ước mong mà họ dự phần với những người đương thời" (G.S. 11).

“ Nhận biết" thời đại ta đang sống ! Thiên Chúa đưa dẫn lịch sử. Hôm nay Người vẫn đang hoạt động !

Thay vì than phiền, trong sự tiếc nuối Giáo hội hôm qua... Thay vì mất giờ mơ mộng về Giáo hội ngày nay... tốt hơn, theo lời mời gọi của Đức Giêsu, ta cần “ nhận biết thời đại ta đang sống". Những người đương thời với Đức Giêsu, tại Pa-lét-tin lúc đó, đã không có được tính hiện thực nhạy bén trước thời đại đặc biệt mà họ đang sống. Còn chúng ta thì sao?

Mục đích của việc duyệt lại đời sống chỉ là nỗ lực "nhận biết” tác động của Thiên Chúa trên các biến cố, trong đời sống của ta... để “liên kết lại" với Người và tham dự vào tác động đó. . . để nếu có thể, ta sẽ "mạc khải" Người cho những

kẻ chưa nhận biết.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống những biến cố nhỏ mọn nhất, cũng như lớn lao nhất trong đời sống chúng con, theo mức độ trên: nhận biết, liên kết lại, mạc khải công cuộc của Chúa đang thực hiện.

Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?

Thời đại mà tôi đang sống là thời gian duy nhất, thực sự có tính quyết định đối với tôi.

“Tự mình xét xem"... không ai, không một ai khác ngoài tôi có thể thay tôi trước lựa chọn cơ bản. Tôi không thể nương nhờ vào phán đoán của người khác, cho dù phán đoán đó giúp ích cho tôi nhờ quan điểm của họ.

Dụ ngôn nhỏ sau đầy sẽ lặp lại cho ta sự: khẩn thiết phải xác định lập trường.

Khi anh đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với họ cho xong, kẻo họ lôi anh đến quan tòa, quan toà nộp anh cho cảnh sát và cảnh sát tống anh vào ngục...

Mát-thêu cũng ghi lại dụ ngôn này (Mt 5,25), nhằm nhấn mạnh đến bổn phận bác ái huynh đệ. Còn Luca đặt dụ ngôn này nằm trong một loạt những lời khuyên của Đức Giêsu về sự khẩn thiết phải hối cải: không nên để đến ngày mai mới “xác định lập trường”, mới biện phân các “dấu chỉ thời đại"

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Nhận xét thời đại, tìm hiểu các hiện tượng trời đất.

HOÀN CẢNH:

Đức Giêsu giáo huấn dân chúng. Người trách họ vì họ biết đem điềm trời mà đoán trước thời tiết, nhưng lại không biết xét các việc đang xảy ra để nhận biết thời giờ cứu độ.

Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng này ghi lại Đức Giêsu khuyến dụ thính gia, hãy để ý đến các dấu hiệu của thời đại mà lo tính công việc của mình trước ngày thẩm phán.

TÌM HIỂU:

54-55 "…khi các người thấy mây kéo đến…":

Đức Giêsu khen đám đông dân chúng rất tài tình khi đoán thời tiết : trời mưa, trời nóng nực oi bức….

56-57 "Những kẻ đạo đức giả kia…":

Chúa trách thính giả, cụ thể là những người cầm đầu dân Do Thái, cố chấp không tin nhận vào Chúa: không biết căn cứ vào việc Chúa làm là các phép lạ và lời Chúa giảng mà nhận ra rằng: thời kỳ "Thiên Sai" đã đến với họ, và họ phải lo tính toán công việc của mình là nhìn nhận Chúa và trở về với Chúa (Lc. 7,20-23; 11,20; 5,5-56).

58 "Thật vậy, khi các anh đi cùng đối phương ra tòa…":

Đức Giêsu dựa vào câu chuyện tội nhân ra tòa án để thúc đẩy thính giả phải cấp tốc trở lại với c.

- Tòa án: toà phán xét của Chúa.

- Dọc đường: thời gian còn sống ở đời này.

- Cố gắng giải quyết: sám hối tội lỗi.

Chúa dùng câu chuyện này để cảnh cáo thính giả : họ như kẻ đang đi trên đường tới tòa án, nghĩa là thời gian họ đang sống ở trần gian. Không còn bao lâu nữa. Họ phải mau chóng trở lại, tin nhận Chúa, kẻo không kịp. Ở đời này còn là dịp tha thứ và hòa giải, đời sau chỉ còn thưởng hay phạt vĩnh viễn.

59 " … anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng":

Dựa vào dụ ngôn con nợ mười ngàn nén bạc, câu này có nghĩa một khi đã bị thừa phát lại tống vào ngục, thì ở tù vĩnh viễn, vì không có khả năng đền bù vĩnh viễn được.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :

1. Người ta thông thạo về những cách giải quyết cho cuộc sống ở trần gian, bằng cách nhìn các dấu chỉ thì biết những gì sắp xảy đến để xử thế cho thích hợp. Cũng vậy, người Kitô hữu cần nhạy cảm để nhìn thấy những dấu chỉ của Chúa qua các biến cố, qua Hội thánh, để biết những việc phải làm và làm ngay, hầu mưu ích cho phần rỗi của mình, của tha nhân.

2. Nếu không dựa vào các ý chỉ để thực hiện ý Chúa, thì người Kitô hữu đã bị biến chất thành người Kitô hữu giả hình.

Trong đời sống đạo hằng ngày, người Kitô hữu cần chăm lo học đạo đức và tìm ý Chúa, để hành đạo và truyền đạo, phải biết thực thi những giáo huấn của Chúa để bảo vệ và phát triển đức tin. Đồng thời biết luôn thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân để lập công đền tội ở đời này, chuẩn bị cho đời sống đời sau.

3. Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải biết nhìn vào những dâu chỉ của thời đại mà nhận ra ý Chúa mà thực thi.

Dấu chỉ là gì? Đó là những sự kiện ta có thể nhìn thấy được bằng giác quan, nhưng đồng thời qua nó ta khám phá ra được những thứ mà ta không thấy, nhưng sự thực nó có. Chẳng hạn ta thấy mây đen kéo đến, ta biết sẽ có mưa dù mưa chưa đến.

Về phương diện siêu nhiên cũng thế, tức là những gì liên quan đến Thiên Chúa và sự sống đời đời của ta. Chúa muốn ta nhìn vào các sự kiện đang xảy ra - trong thời đại hay trong cuộc sống của ta - như là dấu chỉ nói lên thánh ý Chúa, tức là những điều cần phải tránh, hoặc cần phải làm để vinh danh Chúa và mưu ích cho đời sống đời đời.

4. Qua dụ ngôn tòa án, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ ta phải cấp bách giải quyết các ngăn trở phần rỗi của mình, đồng thời biết đón nhận ngay những giáo huấn của Chúa và đem ra thực hành trong đời sống chứ đừng trì hoãn.

5. Lời cảnh báo "phải trả hết đồng kẽm cuối cùng" thôi thúc ta phải chăm lo phần rỗi cho mình ngày ở đời này, bằng cách chu toàn mọi bổn phận dù nhỏ mọn đến đâu đi nữa, và nhiệt tình tha thiết tăng gia những công việc lành phúc đức để lập công cho đời sau.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT