Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên (Lc 19,45-48) | Giáo Phận Phú Cường
CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 19,45-48
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Kh 10, 8-11
Bí quyết để giải thích bài đọc hôm nay là ở sách Ngôn sứ Ezéchiel 2, 8 ; Jeremia 1, 10.
Thánh Gioan được lệnh phải ăn một cuốn sách. Biểu tượng thật rõ ràng, phải “nuôi dưỡng bằng lời Chúa và các tư tưởng chứa đựng trong đó”.
Cầm lấy sách làm nốt đi.
Vị Ngôn sứ trước hết phải là sứ giả và là người giải thích lời Chúa. Vị ấy cần phải thấm nhuần Kinh Thánh để khám phá ra mầu nhiệm chương trình của Thiên Chúa trên thế giới, ngõ hầu đưa ra áp dụng tuỳ cơ hội thuận tiện. Đó là điều thánh Gioan thi hành. Ong lấy lại các bản văn Cựu ước, và dùng chúng để nuôi dưỡng mình, nghiền ngẫm và làm sáng tỏ các vấn đề đương thời.
Phải chăng, đó cũng là nỗi lo lắng của tôi?
Trong miệng tôi, cuốn sách ngọt ngào như mật Ong.
Của ăn thiêng liêng thì đầy tràn dịu ngọt, đó là việc thường tình. Nó mạc khải cho ta tất cả tình yêu của Thiên Chúa đối với ta. việc suy niệm Lời Chúa, trở thành sự nâng đỡ, tăng sức, và niềm hạnh phúc cho ta.
Tuy nhiên thỉnh thoảng nó cũng làm ngược lại.
Nếm cảm lời Chúa, thưởng thức Lời Chúa.
Gặp một lời đẹp và dịu ngọt, thì đọc lại không biết mệt.
Nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi phải cay đắng.
Làm sao hiểu được biểu tượng này? Lời Thiên Chúa chứa đựng trong sách này có nhiều khía cạnh khó nuốt và khắt khe. Nó trở nên đắng đót vì nó phanh phui tội lỗi và thiếu sót của ta, nó lay tỉnh cuộc sống khô khan và hèn nhát của ta.
Hơn nữa, nếu lời Thiên Chúa còn giúp hiểu được ý nghĩa của các nỗi đau khổ của ta, về cái chết và ai nấy sẽ không thoát khỏi: Người Kitô hữu cũng không được miễn chước.
Lạy Chúa, xin giúp con đừng bao giờ lùi bước vì khó suy gẫm hay nguyện ngắm. Xin làm cho con lướt thắng được thoái thác tự mình bày ra để bỏ qua việc ấy.
Mặc dù thỉnh thoảng hay thường xuyên con cảm thấy khô khan, trống rỗng, đắng cay trước nhan Người, xin giúp con bền gan! “Chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban phúc trường sinh”.
Và có tiếng bảo tôi: “Một lần nữa ông phải làm Ngôn sứ để nói về nhiều nước, nhiều dân, nhiều Ngôn sứ và vua Chúa”.
Một trong các nhiệm vụ của các vị Ngôn sứ là nhắc lại cho các dân tộc, các vua Chúa, người hữu trách, cũng như người bình dân, các yêu sách riêng tư hay tập thể của Thiên Chúa. Vì lý do đó mà phần nhiều các Ngôn sứ đều có ảnh hưởng chính trị rất đáng kể.
NGÀY NAY cũng còn, các Kitô hữu cần giải thích lịch sử, các biến cố, biết đọc các “dấu chỉ của thời đại”.
Không nên tìm trong Kinh Thánh một hướng dẫn về điều “sẽ xảy ra”. Đó là một sự tò mò vô lối. Nhưng, trái lại, phải khẳng định rằng, Thiên Chúa hiện diện trong tất cả mọi biến cố lịch sử. Việc chuyên cần suy niệm Kinh Thánh giúp ta làm quen với tư tưởng và hành động của Thiên Chúa đang làm cho thời đại ta NGÀY NAY.
Như thế, đến lượt chúng ta cùng với nhiều Kitô hữu khác, chúng ta có thể tìm kiếm và được hướng dẫn để nói tiên tri, nói những lời của Chúa.
Bài đọc II: 1 Mcb 4, 36-37.52-59
Cuộc nổi dậy, năm 167, do nhà Macabêô khởi động đã kết thúc thành công. Nhờ khí giới, người Do-thái đạt được một sự tự trị lớn lao hơn, và tôn giáo của họ được nể trọng hơn. Anh em Macabêô, thuộc dòng họ tư tế, trở thành thượng tế và vua chúa: triều đại của họ kéo dài tới sát gần thời Chúa Giêsu. Hôm nay chúng ta sắp đọc cuộc khải hoàn “chiến thắng”: người ta tái thiết đền thờ, dâng hy lễ thờ phượng. Việc cử hành này diễn tả sâu xa ý nghĩa tôn giáo của cuộc chiến đấu.
Quân lực Do-thái vừa mới đánh bại quân của Antiôcô Giuđa và anh em ông nói rằng: “Quân thù của chúng ta đã bị tiêu diệt, nay chúng ta hãy đi thanh tẩy và cung hiến Đền Thánh lại ! Ngày hai mươi lăm tháng chín họ dậy sớm dâng lễ.
Chúng ta có luôn biết “mừng lễ” không?
Những hành động lớn trong đời sống chúng ta, các thành quả, các niềm vui, các việc kinh doanh nhân loại của chúng ta có vươn tới Chúa không?
Bàn thờ đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đàn lục huyền cầm phong cầm cùng tiếng bão bạt. Toàn dân sấp mình thờ lạy và ca tụng Đấng ngự trên trời.
Một “cuộc cử hành” vui tươi. Một “ngày lễ!”.
Các cuộc nhóm họp Kitô giáo, các thánh lễ của chúng ta có được tính chất này không? Và chúng ta có quá vội nói rằng “ những người Đông phương” tự tỏ bày cách khá dễ dàng bằng những cử chỉ thể xác…
Chúng ta lại đã chẳng đánh mất vài giá trị cốt yếu, khi thu hẹp các nghi lễ tôn giáo vào những cuộc nhóm họp quá thụ động và ít phấn khởi sao?
Và dầu vậy, chúng ta cũng có một chiến thắng lớn lao để mừng. Mỗi Chúa nhật, mỗi thánh lễ là một cuộc cử hành sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự chết và tội lỗi. Như thế, chớ gì niềm vui bùng lên! Và chớ gì có thêm các mạc cụ. Và chớ gì cả con người chúng ta, thể xác và tâm hồn, đều mừng lễ!
Họ ca tụng Đấng ngự trên trời đã ban chiến thắng cho họ. Trong tám ngày, họ hân hoan dâng lễ toàn thiêu, lễ đền tội và lễ tạ ơn. Họ trang hàng mặt tiền đền thờ với những triều thiên vàng và bảng chương, sửa lại các cửa ra vào và các phòng, đặt cánh cửa lại. Dân chúng nô nức vui mừng.
Phải, mọi nghệ thuật được triệu vời cho cuộc lễ này. Kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc. Và cả nghệ thuật nấu ăn. Bởi vì các tế vật được dâng cho Thiên Chúa và được thiêu trên bàn thờ, sẽ trở thành một “bữa tiệc tôn giáo” tràn trề niềm vui. Một lần nữa, chúng ta cần khám phá lại điều đó biết bao!
Ít ra trong gia đình, vào một vài dịp, làm sao tìm lại nghệ thuật và niềm vui sống, mà mọi nhân tố của con người đều hướng vào đó ? Dĩ nhiên từ kinh nguyện thầm lặng nhất đến trò múa nhảy. Diễn ra với bữa ăn và ca hát.
Cộng đoàn Israel quyết định rằng, hàng năm từ ngày hai mươi lăm tháng Kislêu, lễ cung hiến bàn thờ sẽ được cử hành trong vui mừng hân hoan suốt tám ngày.
Toàn dân, mọi văn hoá, mọi tôn giáo đều có những phụng vụ này trở lại mỗi năm. Lễ phục sinh. Ngày 15 tháng 8. Lễ Chư Thánh…
Chính Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta mừng kính.
Lạy Chúa, xin cho chúng con “những cái đầu của chúng những người được cứu-rỗi”.
Chớ gì Tin Mừng, sự phục sinh của Chúa sáng ngời trong cuộc sống và trong phụng vụ của chúng con.
BÀI TIN MỪNG: Lc 19, 45-48
Đức Giêsu vào đền thờ…
Đó là chính mục đích của cuộc “tiến về Giêrusalem”. Lần này. Mọi vinh quang Giêrusalem đều ở đó, trong đền thờ này, dấu hiệu của Đấng Hiện Diện không thể diễn tả và thấy được.
Tôi nhìn ngắm Đức Giêsu, hoàn toàn ý thức tư thế của Người, đang tiến vào đền thờ Thiên Chúa, như người ta trở lại “nhà mình”.
Trước đó hai mươi năm, lúc được mười hai tuổi, Người đã nói với Mẹ Người đang kiếm Người trong chính Đền thờ này: “Thế cha mẹ không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?” ( Lc 2, 49).
Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán…
Vừa vào “Nhà Người”, Đức Giêsu thực hiện uy quyền của Người tại đó: Người thanh ẩty nơi cư ngụ, như các Ngôn sứ đã loan báo (Ml 3, 1-4).
Người nói với họ : “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện…”
Đức Giêsu dẫn chứng Isaia 56, 7. Trong đoạn văn Isaia khiển trách người Do-thái về tinh thần cục bộ của họ : chính Thiên Chúa can thiệp để mở rộng “ Nhà của Người” cho những kẻ bị loại trừ, những người ngoại bang, những kẻ thấp bé : “Bởi vì nhà của Ta sẽ được gọi al2 nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.
Đó đúng là ơn gọi của Israel, mà Đức Giêsu vừa nói al5i. Một Nhà “cầu nguyện”.
Các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp…
Đức Giêsu dẫn chứng Giêrêmia 7, 11. Trong đoạn văn, Giêrêmia khiển trách người Do-thái về bệnh hình thức của họ: Thiên Chúa không còn muốn những cử điệu thờ tự không phù hợp với những biến cố trong đời sống thường ngày: Áp bức kẻ yếu hèn, trộm cướp, dối trá… Những điều đó, Thiên Chúa không thể chịu đựng được nổi!
Và Đức Giêsu đến phục hồi việc tôn thờ đích thực đối với Thiên Chúa, phế bỏ việc tôn thờ tiền ab5c dần dần đã ngự trị tại đó.
Đã có những thời kỳ mà các bản văn thuộc loại này ( loan báo việc tàn phá Giêrusalem, những án phạt khủng khiếp) nuôi dưỡng chủ trương bài xích Do-thái nơi một số người Kitô: hành động dã man tại các trại tiêu diệt của Đức Quốc Xã đã góp phần thay đổi quan điểm. Dẫu sao đi nữa, rõ ràng là Đức Giêsu không khi nào nhắm đến một chủng tộc, ngay chính dân tộc của Người, một cách đặc biệt. Sự thông không cảm mà Đức Giêsu đã gặp nơi phần đông những người đồng hương, là một hiện tượng phổ quát.
Trong chiều hướng đó, cả chúng ta nữa. Hôm nay, đáng lãnh nhận những lời khiển trách của Đức Giêsu : Giáo hội có là một nhà cầu nguyện không ? Hay cũng có những liên luỵ với tiền bạc?
Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền thờ.
Phụng tự Kitô giáo dành cho lời Chúa một tầm quan trọng lớn lao. Toàn bộ phần đầu của thánh lễ là một “giáo huấn” của Đức Giêsu. Chính Người khai mở kiểu phụng thờ mới này. Theo đó, lời Chúa vượt lên trên mọi nghi thức, ngay tại nơi mà các nghi thức vẫn được coi là ưu tiên.
Trong đền thờ, Đức Giêsu không thi hành một chức tư tế: Người chỉ giảng dạy.
Toàn dân say mê nghe Người.
Trước khi đền thờ bị phá hủy, Người cần hoàn tất sứ vụ : Đấng Thiên Sai giảng lời tại đó. Và tại nơi đặc tuyển này, Người thực thi chức năng giảng truyền Tin Mừng. Việc thờ đích thực mà Thiên Chúa chờ đợi nơi ta, đó là sự tuân phục lời Người: “Các ngươi hãy nghe tiếng Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, các ngươi sẽ là dân của Ta” (Gr 7, 23) việc thờ tự đó được thực hiện không phải trong một đền thánh, nhưng trong đời sống hằng ngày.
Các thượng tế và kinh sư, cũng như các thân hào trong dân tìm cách giết Người, nhưng không biết phải làm sao…
Khi thanh tẩy đền thờ và đề xuất một kiểu phượng tự mới, Đức Giêsu đã trở nên kẻ thù nghịch của những kẻ đang có trách nhiệm tại đó.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ.
HOÀN CẢNH:
Trong cuộc khải hoàn sáng ngày lễ lá (19,28-38) dân Thiên Chúa đã tuyên dương Đấng Thiên sai là Vua Dân Do Thái, là con vua Đa-vít, nhân danh Thiên Chúa mà đến. và Đức Giêsu đã vào thẳng Đền Thờ Thiên Chúa, để tỏ rõ ý nghĩa vương quyền của Người là hoàn toàn phục vụ Chúa Cha, hầu bảo đảm một phụng tự xứng đáng với Thiên Chúa. Vì vậy Đức Giêsu đã phải thanh tẩy đền thờ và đặt lại phụng vụ qua việc xua đuổi những người buôn bán ở sẵn đền thờ.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay, ghi lại việc Đức Giêsu đuổi những người đang buôn bán để thanh tẩy đền thờ.
TÌM HIỂU:
45”Đức Giêsu vào đền thờ...”:
Việc Đức Giêsu vào Đền Thờ và đuổi những người đang buôn bán, nêu lên ý nghĩa của vương quyền Chúa là phụng sự Chúa Cha và dạy cho dân người biết phụng thờ cách xứng đáng.
đồng thờ thái độ của Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán nơi đền thờ có thể hiểu theo ý nghĩa:
Đức Giêsu tỏ uy quyền Thiên Sai của mình bằng cách phế bỏ việc tế tự trong đền thờ Giêrusalem, không còn thích hợp của thời đại Thiên Sai nữa.
Tượng trưng cho việc thanh tẩy đền thờ
Phản đối việc mua bán một cách bất kính ở nơi thờ phượng.
46”Và nói với họ...”:
để nói lên ý nghĩa và lý do việc đuổi con buôn ra khỏi khu vực đền thờ, Đức Giêsu đã dựa vào lời các tiên tri để chứng minh:
Ý nghĩa: Dựa vào lời tiên tri Isaia để nói lên:”Nhà Ta là nhà cầu nguyện của muôn dân”(Is 56,7)
Lý do: Dựa vào lời tiên tri Giêrêmia để nói lên:”thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”(Gr 7,11). về ý nghĩa này cũng được vua Salômôn nói đến trong dịp khánh thành đền thờ Giêrusalem (1V 8,30-40).
đàng khác, hai lời tiên tri Đức Giêsu đã nhắc trên đây còn nhằm đả phá hai tật xấu của phụng vụ Do Thái giáo thời bấy giờ là óc kỳ thị và óc vụ hình thức.
Đền thờ Thiên Chúa là nơi cầu nguyện của muôn dân, thế nhưng vì óc kỳ thị nên luật Dân Do Thái giáo đã cấm không cho dân ngoại, cũng như những người nghèo khó, bé nhỏ và tàn tật vào.
Hơn nữa, với óc vụ hình thức đến mức giả hình; họ phạm đủ thứ tội, rồi họ chạy đến nhà Chúa với một vài nghi lễ bề ngoài và cho là được an toàn lương tâm và tưởng sẽ thoát khỏi mọi hình phạt của Thiên Chúa : Như vậy họ đã biến nhà Chúa thành sào huyệt của bọn cướp”.
47-48 ”Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ...”:
“Hằng ngày”diễn tả một sự liên tục và thường xuyên, đồng thời cũng diễn tả một tinh thần trung thành và bền đỗ.
Đức Giêsu muốn đặt lại nền tảng cho việc phụng vụ đích thực dựa trên việc rao giảng lời Chúa và sự sốt sắng nghe theo của thính giả.
Đồng thời ở đây nêu lên hai phản ứng:
giới lãnh đạo Do Thái giáo, là những thành viên của Thượng Hội Đồng, cũng có trách nhiệm trong vụ án giết chết Đức Giêsu (23,13-35; 24,20).
Mối thiện cảm của dân chúng đối với Đức Giêsu (20,1-9;21,38;23,27.35)
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Bài tin mừng hôm nay, qua việc Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán, và việc giảng dạy trong đền thờ, dạy chúng ta phải biết phụng thờ Thiên Chúa cách xứng đáng khi chúng ta đến nhà thờ.
2. Nhìn vào Chúa Giêsu :
a) Xem việc Chúa làm:
Chúa Giêsu vào đền thờ : noi gương Chúa chúng ta quý trọng việc thờ phượng Chúa ở nhà thờ : vì ở đây không những chúng ta thờ phượng Chúa có tính cách cá nhân nhưng còn có những tính cách cộng đồng nữa. Đồng thời nhà thờ cũng chính là nơi thờ phượng và cử hành bí tích Thánh Thể.
- Người bắt đầu đuổi con buôn: chúng ta đến nhà thờ để thờ phượng Chúa trong các nghi thức phụng vụ, chúng ta cần ý thức việc thanh tẩy tâm hôn bằng cách sám hối và gột bỏ mọi vướng mắc làm chia trí lo ra, đồng thời phải biết trang hoàng cho đền thờ tâm hồn mình một nơi xứng đáng bằng cách giục lòng tin, lòng cậy, lòng mến Chúa khi cử hành phụng vụ.
- "Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ": Noi gương Chúa, chúng ta phải phụng thờ Chúa một cách điều hòa và kiên trì để chu toàn bổn phận thờ phượng Thiên Chúa theo điều răn thứ nhất đòi hỏi.Đàng khác, chúng ta đến nhà thờ không phải chỉ có đọc kinh cầu nguyện, nhưng chúng ta còn phải biết lắng nghe lời Chúa để thực thi ý Chúa nữa.
b) Nghe lời Chúa:
“Nhà Ta là nhà cầu nguyện”:
Chúa Giêsu lập lại lời tiên tri Isaia trên đây là để nhắc nhở chúng ta ý thức khi đến nhà thờ, nơi làm việc đạo đức để thờ phượng Thiên Chúa. Vì thế chúng ta phải chuẩn bị thể xác, tinh thần và tâm hồn trước và ngay khi vào nhà thờ : đồng thời phải xác định nhà thờ chỉ là nơi chúng ta đến để thờ phượng Chúa, chúng ta không được chia trí lo ra hay làm việc gì khác...
“Các ngươi biến thành sào huyệt của bọn cướp”
Chúa Giêsu lập lại lời tiên tri Giêrêmia để nhắc nhở chúng ta : không được làm những việc bất xứng khi đến nhà thờ phụng sự Thiên Chúa như: lo ra chia trí, vụ hình thức, ích kỷ, kỳ thị cá nhân chủ nghĩa, tranh giành,háo tranh, khoe khoang...khi làm những việc thờ phượng Chúa ở nhà thờ.
3. Nhìn vào giới lãnh đạo Do Thái giáo:
họ tìm cách giết người rút kinh nghiệm chúng ta cũng có thể tham gia vào việc giết Chúa khi chúng ta biến những việc đạo đức ở nhà thờ hoặc dựa vào lời Chúa dạy để trục lợi về danh vọng, địa vị và có khi vật chất ; đàng khác biến các việc thờ phượng thành sự tranh chấp, bè phái, chia rẽ cộng đoàn dân Chúa : giữa giáo dân và giáo dân, giữa cộng đoàn này với cộng đoàn kia, giữa giáo dân và cha xứ, giữa kẻ dưới với người trên...
4. Nhìn vào toàn dân:
Họ say mê nghe lời Chúa. noi gương đó, chúng ta phải có tinh thần quý trọng lời Chúa, tấm lòng khao khát lời Chúa, để chúng ta biết chăm chú lắng nghe mà thực thi mỗi khi tham dự phần phụng vụ lời Chúa ở nhà thờ.
5. Dân chúng thì thiện cảm chăm chú nghe lời Chúa, còn giới lãnh đạo Do Thái giáo thì ác cảm và tìm cách giết Chúa.
Lời Chúa gây phấn khởi cho những tâm hồn đơn sơ cởi mở và có thiện chí lắng nghe; nhưng ngược lại, nên dịp ghen ghét cho những kẻ đã có sẵn những định kiến ác tâm. Anh sáng mặt trời làm vui thích những con mắt lành mạnh, nhưng gây nhức nhối cho những con mắt yếu đau.
6. Trong tâm tình chờ đợi Chúa ngự đến chúng ta hãy xin Chúa ban ơn soi sáng biết say mê nghe lời Chúa, thấm nhuần lời Chúa và sống lời Chúa để trở thành những thừa sai đắc lực của Chúa./.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10