Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh (Lc 24,13-35) | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
02/04/2024
294
Buổi đầu, các tông đồ tiếp tục trong một thời gian, là các tín đồ của phụng vụ tại đền thờ. Họ chưa hiểu ngay được tầm mức tư tế và hiến tế cái chết của Chúa Giêsu, và của nghi thức "bánh và rượu”. Chắc chắn từ đầu, người ta đã tái diễn bữa Tiệc ly, như Chúa Giêsu đã truyền dạy họ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Nhưng họ chưa hiểu ngay được là điều đó sắp thay thế mọi phụng vụ của Đền thờ.
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
TIN MỪNG: Lc 24,13-35

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Cv 3,1-10

Vào giờ thứ chín, là giờ cầu nguyện, Phêrô và Gioan lên đền thờ.

Buổi đầu, các tông đồ tiếp tục trong một thời gian, là các tín đồ của phụng vụ tại đền thờ. Họ chưa hiểu ngay được tầm mức tư tế và hiến tế cái chết của Chúa Giêsu, và của nghi thức "bánh và rượu”. Chắc chắn từ đầu, người ta đã tái diễn bữa Tiệc ly, như Chúa Giêsu đã truyền dạy họ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Nhưng họ chưa hiểu ngay được là điều đó sắp thay thế mọi phụng vụ của Đền thờ.

Bấy giờ có một anh què từ lúc mới sinh, xin bố thí... Phêrô nói: “vàng bạc thì không có, nhưng có cái này tôi cho anh là: nhân danh Đức Giêsu Kitô Nazarét, anh hãy đứng dậy mà đi”.

Các Tông đồ kế tiếp Chúa Giêsu. Họ là những người được ký gửi quyền phép của Đấng Thiên Sai. Hành động của Chúa Giêsu không hoàn tất với cái chết của Người: Thiên Chúa tiếp tục hành động qua sự hiện diện nhiệm mầu của Người trong Giáo hội.

Và để nhấn mạnh sự tiếp nối này, Phêrô nói bằng chính Lời Chúa Giêsu: “Hãy đứng dậy mà đi" (Lc 5,23).

Phêrô làm một cử chỉ như Chúa Giêsu “cầm lấy tay nó” (Lc 8,54).

Và ông chữa lành cùng một con bệnh, một người què, ở cùng một nơi (Mt 21,14).

Tôi có tin vào Giáo hội là kho ơn Chúa không?

Tôi có tin thật là Chúa Giêsu đang sống trong Giáo hội?

Có phải tôi nghe chính lời Chúa khi nghe người ta đọc Kinh thánh trong sách lễ không?

Tôi có gặp chính Người khi đi xưng tội không?

Cơ hội để khám phá ra chiều sâu huyền nhiệm của “công vụ tông đồ”. Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục vẫn tiếp nối vai trò của Phêrô và nhóm Mười Hai.

Nhân danh Đức Giêsu Nazareth anh hãy đứng dậy mà đi.

Đây là điều Giáo hội lập lại cho nhân loại thường hay què quặt : Hãy đứng dậy.

Giáo Hội theo gương Chúa Giêsu, muốn cho con người được cao trọng: một người đứng thẳng tính cực có khả năng nắm giữ định mệnh của mình .

Trong đời sống gian đình, tôi có, góp phần mình cho Giáo hội “tiến bước" không? tôi có góp phần cứu chữa không?

Chính mình tôi có đưa vào sức mạnh Phục sinh để lại đứng lên mỗi khi một thử thách làm tôi phải què quặt, thất đảm không?

“Nhân danh Đức Giêsu Kitô, chớ gì tôi trỗi dậy mà đi”.

Anh cùng hai Ngài tiến vào đền thờ...

Luật Môsê đã đặt một số hàng rào: một vài người được coi là “nhơ bẩn" theo luật lệ, không có quyền vào Đền thờ. Các người tật bệnh thuộc vào trường hợp này (Lv 21,18 ; Sm 5,8). Nay đạo mới phá bỏ những rào cản luật lệ này: Không còn những người bị khai trừ nữa… tất cả, đều được mời trở về. Lạy Chúa, xin cảm tạ! và xin giúp chúng con đừng lập lại những ngăn cách và những cuộc loại trừ nữa. Xin làm cho lòng chúng con nên ân cần và cởi mở với hết mọi người. Nhất là với những người nghèo khổ nhất …

Vừa đi, vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa.

Tôi mường tượng ra quang cảnh trong đền thờ.

Quyền năng kỳ diệu của sự sống lại bắt đầu trao đổ đến cộng đoàn nhân loại điềm báo niềm hoan hỉ cuối cùng của “nhửng người được sống lại”.

Bài Tin Mừng: Lc 24,13-35

Có hai người trong nhóm môn đệ Đức Giêsu đi đến một làng kia, tên là Em-mau... Họ bàn tán với nhau.

Thứ Sáu vừa qua, người bạn thân yêu của họ đã chết.

Thế là mọi sự đều kết thúc. Họ trở lại quê nhà. Họ không còn chờ đợi gì nữa. "Chúng tôi vẫn hy vọng... đó chỉ là những lời nói nặng nề của một thứ hy vọng hão huyền. Tôi mường tượng ra nỗi tuyệt vọng của họ. Tôi có đồng hành với họ, thử lắng nghe họ. Trong suốt đời sống con người, tuần tự, điều đó sẽ xảy đến : Một nỗi thất vọng ê chề , một tang chế xót xa, một thất bại cay đắng, một âu lo; một vấn đề nan giải, một tội ác gây khổ đau. Xét về phương diện nhân loại không còn lối thoát.

Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ… Nhưng có cái gì ngăn cản, khiến mắt họ không nhận ra Người. Các anh trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? Sao lại có vẻ buồn bã như thế?

Họ đang đi đường. Đức Giêsu đến nhập cuộc với họ. Và lạy Chúa, ngay lập tức, Chúa đã quan tâm đến nỗi lo lắng của họ. Chúa thấu biết những đau đớn và thất vọng của chúng con. Thật là hữu ích khi nghĩ rằng, không gì xảy ra trong thâm tâm con mà Chúa không hay. Con xin để Chúa xem xét và thạch hỏi con.

Chuyện ông Giêsu Nadarét... Các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, rồi họ đóng đinh Người vào thập giá…

Đức Giêsu cứ để cho họ tuần tự bày tỏ những nỗi băn khoăn của họ.

Người không tỏ mình ra ngay: Người để họ nói, thổ lộ hết nỗi lòng.

Thật thì cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi, làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy đã ra mồ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả.

Ngay cả hai môn đệ, họ cũng không sẵn sàng tin.

Tất cả các trình thuật Tin Mừng đều nhất trí về điểm này : Các môn đệ nghi ngờ, họ không nghĩ đến sự sống lại, họ bối rối ngỡ ngàng.

Toàn thể trình thuật của thánh Luca được xây dựng, để giúp ta hiểu "làm sao ta có thể nhận ra Đức Giêsu"... bằng cách nào ta tiễn dẫn từ “nghi ngờ", “thất vọng" đến lòng tin.

Lòng trí các anh sao mà chậm tin lời các ngôn sứ như vậy ! Rồi Người giải thích cho hai ông những đoạn Kinh thánh liên quan đến Người, bắt đầu từ ông Môsê và lần lượt đến hết các ngôn sứ.

Đây là phương pháp thứ nhất để nhận biết Đức Giêsu: tiếp xúc cách sâu xa và thân tình với Kinh thánh, với Lời Chúa.

Cựu ước soi sáng Tân ước. Kinh thánh dẫn tới Tin Mừng. Chương trình của Thiên Chúa tiếp diễn không gián đoạn. Những gì thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, đều đã được Thiên Chúa dự kiến từ thuở đời đời và đã được khởi sự về lịch sử dân Ít-ra-en. Có thể người ta muốn dừng lại ở đó biết bao, để lắng nghe những lời chú giải của chính Đức Giêsu về ngôn sứ Isaia ! Hãy cầu nguyện. Hãy quan tâm đến giờ cầu nguyện trên hết. Đọc đi đọc lại Kinh thánh.

Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy tấm bánh dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra, và họ nhận ra Người.

Đây là kinh nghiệm thứ hai để "nhận biết Đức Giêsu”: Thánh Thể, nghi lễ bẻ bánh. Thánh Thể là Bí tích, là dấu chỉ hữu hiệu của sự hiện diện Đức Kitô Phục sinh. Đó là mầu nhiệm Đức tin cao cả một dấu chỉ rất nghèo nàn, một dấu chỉ rất tầm thường.

Hiệp thông với Mình thánh Đức Kitô”. Quan tâm tới Thánh thể trước hết . Thỉnh thoảng hãy quì gối nước nhà tạm.

Lập tức họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem.

Luôn thi hành “sứ vụ”, không ai có thể ngồi bất động chiêm ngưỡng Đức Kitô Phục sinh: ta phải lên đường đi đến với anh em mình.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Chúa Giêsu hiện ra

Với hai môn đệ trên đường Em-mau

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Bài Tin Mừng hôm nay được bố cục theo một lược đồ mẫu, dùng để kể lại các lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra

- Các môn đệ buồn sầu não, thất vọng vì Thầy mình đã chết.

- Bỗng đâu Chúa Giêsu đến ngay bên họ.

- Phản ứng đầu tiên là họ không nhận ra Người, hay cảm thấy sửng sốt, không khỏi ngập ngừng và nghi ngờ.

- Rồi họ nhận ra người một cách chắc chắn, khiến chứng tá của họ thêm vững chắc, khó lòng phủ nhận.

2. Bài Tin Mừng cho biết, chính chiều Chúa Nhật Phục Sinh, có hai môn đệ ngã lòng, bỏ anh em đi về quê. Chúa Giêsu Phục Sinh đã đích thân đến với họ để đem lại niềm tin cho họ. Suy gẫm sự kiện này, chúng ta phải tin tưởng vào Chúa trong mọi sự, kể cả trong những lúc xem ra thất vọng, chán nản.

3. Hai môn đệ đã không tin vào lời các phụ nữ nói về ngôi mộ trống, về lời thiên thần báo tin “Người vẫn sống”: và cũng không tin cả những lời các môn đệ khác đã ra mộ và thấy sự kiện y như lời các bà ấy nói. Thái độ có vẻ cứng lòng tin đó đã nói lên rằng hai môn đệ này không phải là những người nhẹ dạ, cả tin. Vì thế, việc hai ông kể lại: đồng hành với Chúa Phục Sinh trên đường đi Em-mau và các ông đã nhận ra Người khi bẻ bánh, thì xác thực. Chúng ta cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa, để đón nhận những giáo huấn của Người, qua các dấu chỉ nơi những người đang đồng hành với chúng ta trong cuộc sống.

4. Hai môn đệ đã sốt sắng lên khi nghe Chúa Giêsu Phục Sinh đàm đạo và giải thích Thánh Kinh. Sự việc này giúp chúng ta xác tín vào sức sống và sự soi sáng của Thánh Kinh khi chúng ta đọc, học và nghe giải thích Thánh Kinh

5. “Khi gần đến làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa”: Đây là cử chỉ Chúa Giêsu tỏ ra, để khơi dậy lòng hiếu khách, lòng gắn bó và tinh thần khao khát Chúa ở lại. Chúa tôn trọng sự tự do đón nhận hay từ chối của con người, vì thế khi muốn gặp Chúa, chúng ta phải có lòng khao khát, ý hướng ngay lành để gặp Chúa trong những giờ đạo đức, cầu nguyện…

6. “Mời ông ở lại với chúng tôi …”: Lời mời tỏ lòg hiếu khách và tinh thần khao khát Chúa; vì thế hai ông đã được Chúa tỏ mình ra qua cử chỉ bẻ bánh.

7. “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở về Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu …”: Gặp được Chúa và nhận ra Chúa, các môn đệ đã mau mắn loan báo cho anh em mình. Loan báo về Chúa cho người khác là bổn phận của người tông đồ. Nhưng nếu muốn cho lời loan báp hiệu nghiệm cho người khác, thì người tông đồ cần phải xác tín và có kinh nghiệm về Chúa trước đã.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT