
Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần II Mùa Chay | Mt 20,17-28 | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN II MÙA CHAY
TIN MỪNG: Mt 20,17-28
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Gr 18,18-20
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người. Người sắp bị nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh.
Giêrêmia đau khổ là hình ảnh Chúa Kitô.
Thiên hạ nói rằng: "Các ngươi hãy đến và chúng ta tìm cách chống lại Giêrêmia".
Giêrêmia là một thi sĩ, một tâm hồn nhạy cảm có thể phải khổ hơn. Giêrêmia là một ngôn sứ, một người phát ngôn của Thiên Chúa.
Nhưng, chính vì lời này mà ông bị bách hại. Ông chỉ làm dội lại điều Thiên Chúa đòi ông nói. Điều này làm tôi nghĩ tới những người trong thế giới hôm nay bị công kích vì dấn thân phục vụ Chúa và anh em. Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho những người bị bắt bớ, bị chỉ trích, bị mất uy tín vì hành động và lời nói của họ.
Hãy đến, chúng ta hãy dùng lời nói mà tố cáo nó.
Quyền lực kinh khủng của miệng lưỡi có thể hủy diệt một người nói hành, bỏ vạ... Những “cú” đó gây hại, như cũng cú đấm hay những lát gươm. Đôi khi chúng phá hủy còn hơn nữa.
Đây là dịp để tôi tự hỏi xem, mình có tỉnh thức đủ trong lời nói không. Lại không có người bị tai hại vì lời nói của tôi sao?
Lạy Chúa xin nghe tiếng quân thủ của tôi.
Lời kinh của Giêrêmia còn nặng ước muốn báo thù, đặc trưng của lòng con người mọi thời: Sự dữ đưa tới do người khác làm cho họ nên độc dữ... Nỗi lo âu là cố vấn xấu. Tiếng kêu đau của người bị bách hại là tiếng kêu nổi loạn và ghen ghét. Đừng xét đoán từ bên ngoài. Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa mới giúp vượt qua được động tác đầu này. Tin Mừng của Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta điều đó "Hãy tha thứ cho kẻ thù làm ơn cho những người bắt bớ ngươi”.
Lạy Chúa, xin hãy nghe lời con.
Giêrêmia đã suy nghĩ rất đúng khi quay về cùng Chúa và dốc đổ vào người nỗi bất bình của ông.
Chúa Giêsu sẽ đi xa hơn, khi cầu nguyện cho các hung thủ: “Xin hãy tha cho chúng, vì chúng không biết việc mình làm”.
Xin Chúa hãy nhớ lại tôi đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ. Chúa đã nguôi giận họ.
Thật là một cực điểm.
Giêrêmia ý thức đã làm việc và đã nói cho các đồng hương của mình. mọi điều ông đã nói và đã làm, là vì họ. Và vì đó họ quay lại chống ông.
Vậy ông đã sống trước mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu... Người ta có thể đặt những lời này của Giêrêmia vào chính miệng Chúa Giêsu trên thánh giá. “Lạy Cha, xin hãy nhớ lại rằng con đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ, Chúa đã nguôi giận họ"
Lạy Chúa, xin cho con ngôn ngữ và kinh nguyện này.
xin hãy trợ giúp mọi người đang bị bách hại.
Lạy Chúa, con xin dâng Chúa cuộc sống và những khổ đau của mọi người đang đau khổ... hiệp với cuộc sống và nỗi đớn đau của Chúa Kitô.
BÀI TIN MỪNG: Mt 20,17-28
“Phục vụ”
Lúc lên Giêrusalem, Đức Giêsu đem theo Nhóm Mười Hai.
Mùa chay cũng là một “cuộc đi lên Giêrusalem". Một con đường lên thập giá. Đức Giêsu có một điều bí mật muốn nói. Người chỉ có thể thổ lộ cho những thân tín của Người. Người đem riêng họ đi theo.
Con Người sẽ bị trao nộp, bị lên án xử tử, bị nhạo báng, bị đánh đòn, bị đóng đinh.
Đức Giêsu biết từng chi tiết những gì đang chờ đợi Người. Với thái độ cương quyết, bình tĩnh và tự do, Người tiến lên Giêrusalem.
Con thử tưởng tượng những lời bày tỏ, những tâm sự trên, đang xuất phát từ môi miệng Chúa. Lạy Chúa, con có suy niệm những tư tưởng đang diễn ra trong Chúa, khi Chúa thổ lộ những lời trên..
Lạy Chúa, xin giúp con thấu hiểu một chút, Chúa là “Chủ trời đất" mà Chúa phải trải qua những đau khổ như thế: Tại sao? và để làm gì?
Không có tình yêu nào cao trọng hơn bằng hiến ban mạng sống mình cho người mình yêu thương.
Tôi đến để cho họ được sống và được sống dồi dào. Đây là Máu giao ước nhằm xá thứ tội khiên. Người Mục tử tốt lành hiến ban mạng sống vì chiên mình..
Và ngày thứ ba, Người sẽ sống lại.
Đối với Chúa, cái chết không phải là một mục- đích, một kết điểm.
Chúa tin chắc rằng, sứ vụ của Chúa không thể thất bại. Và Chúa mang đến chính niềm hy vọng đó cho toàn thể nhân loại. Một sự sống mới bừng lên từ cõi chết.
Đó là giá trị kín ẩn và nhiệm mầu của đau khổ và hi sinh. Tôi có thực sự tin vào mầu nhiệm Phục sinh không? Trước những thử thách và tội lỗi của tôi, trước những vấn đề của thế giới và Giáo hội, ánh sáng mà mầu nhiệm phục sinh đem đến cho tôi là gì? Con Người bị nhạo báng”… Sự kiện đó hôm nay vẫn còn tiếp tục. Tôi có tin rằng một cuộc sống lại đang được chuẩn bị không? Điều đó có thay đổi gì không?
Bà mẹ của hai người con ông Dê-bê-đê xin Chúa. "Xin Thầy chỉ định cho hai con tôi đây một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, trong nước Thầy.
Các người không biết điều các ngươi xin đâu.
Lạy Chúa, thật vậy, chúng con không biết.
Các ngươi có uống nổi chén đắng Thầy sắp uống không?
Đó là kiểu nói biểu tượng Kinh thánh. "Chén" đắng mà người ta uống cạn kiệt, dù rằng hết sức chán ngán, đó là biểu tượng của gian nan thử thách (Tv 75,9 ; Is 51,17 ; Gr 25,15). Ngày nay, Đức Giêsu vẫn còn nói với ta: Các ngươi có thể uống “Chén của Thầy”.
Các ngươi sẽ uống chén đắng của Thầy.
Chính Đức Giêsu sẽ uống chén đó cho đến cạn cùng.
Khi chịu đau khổ, tôi có ý thức rằng, tôi đang đặt môi mình vào cùng một chén của Đức Giêsu không?
Thủ lãnh các nước thì cai trị dân như các bạo Chúa, những người làm lớn thì lấy quyền và áp chế dân. Giữa anh em, thì không như vậy được: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng vậy, Con Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Thực sự, người mẹ này không biết điều bà xin. Ở với Người, ngồi bên 'hữu và bên tả, tức là trở nên "tôi tớ" như Người, nghĩa là “phục vụ” kẻ khác, nghĩa là “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc bù”.
Đó là những ý nghĩa mà Chúa gán cho cuộc thụ khổ của Chúa... cho thánh lễ... và cho đời sống mỗi ngày của chúng con. Tôi nhìn lại lâu hơn nếp sống hàng ngày của tôi dưới ánh sáng này.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Họ lên án tử cho Người.
HOÀN CẢNH:
Gần tới lễ Vượt qua, đức Giêsu lên Giêrusalem. Lần này Người về giáo đô để mừng lễ lần sau hết trong đời.Và ở đó, Người sẽ chịu chết để cứu chuộc loài người. tưởng đó, làm Người thổn thức trong lòng và tâm sự với các Tông đồ thân yêu về con đường cứu thế của Người.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc thương khó và tử nạn của Người, và đồng thời cũng loan báo cho các môn đệ biết, chính các ông, theo chúa, cũng phải chịu những thương khó: uống chén đắng như vậy.
TÌM HIỂU:
17 “Lúc sắp lên Giêrusalem …”:
Đức Giêsu ở Ep-ra-im mãi đến gần lễ Vượt Quan, mới lên Giêrusalem. Trên đường về giáo đô, lần này Người đem theo Nhóm Mười Hai cùng đi. Trong lúc nghĩ đến công việc cứu thế bằng sự đau khổ và cái chết, Người loan báo như tâm sự với các môn đệ về sự thương khó và tử nạn của Người ở Giêrusalem.
18-19 “Này chúng ta lên Giêrusalem …”:
Đức Giêsu kể cho các môn đệ biết trước mọi việc sẽ xảy ra cho Người ở Giêrusalem. Khác với hai lần trước (Mt 16,21 và 17,22), lần thứ ba này, Người nói rõ công việc như kể lại câu chuyện đã qua. Theo Người kể, thì có thể chia làm 6 hồi:
1) Giuđa phản bội
2) Hội đồng cộng toạ lên án
3) Quan ngoại giáo duyệt y án tử.
4) Quân lính lăng nhục, đánh đập
5) Bị đóng đi vào thập giá
6) Chết và sống lại ngày thứ ba.
20-21 “Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê đê…”:
Đang khi đức Giêsu kêu mời Nhóm Mười Hai theo Người, hướng về Giêrusalem, để chứng kiến cuộc thụ nạn của Người, thì lời thỉnh nguyện của bà mẹ của Giacôbê và Gioan, quả thực phản chiếu trạng thái tinh thần rất xa lạ với cuộc tử nạn đã được loan báo.
22-23 “Các người không biết các người xin gì…”:
Bỏ qua một bên sự trung gian của bà mẹ, Đức Giêsu ngỏ lời trực tiếp với hai môn đệ: họ không biết điều họ cần: con đường dẫn đến Vương Quốc không phủ rợp hoa như họ tưởng. Họ phải “uống chén” của Thầy, có nghĩa, Người báo trước cho họ biết cảnh vườn Giết-sê-ma-ni (c.26-39), bởi theo Kinh Thánh ‘chén’ tượng trưng sự đau khổ, hình phạt kinh khủng; và vào thế kỷ thứ nhất, người Do Thái thường nói đến “chén tử thần”, để nhắc nhở số phận vinh dự cho người lãnh nhận cái chết tương tự như Đức Giêsu, thì Chúa Cha sẽ tưởng thưởng cho họ (Cv 12,1)
24 “Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối…”:
Sự giận dữ của mười môn đệ còn lại, đơn thuần là do ganh tỵ (20, 25-27), vì thế, Đức Giêsu đã dùng một huấn dụ ngắn gọn để sửa sai họ. Nội dung bài huấn dụ như sau:
- C.25: Thông thường các vị cầm quyền thích biểu lộ tinh thần thống trị cũng như quyền uy tuyệt đối của họ.
- C. 26-27: “Giữa anh em” tức là trong Giáo Hội, thì phải đảo ngược khuynh hướng này: Người cầm quyền sẽ trở thành tôi tớ cho anh em mình, nếu không muốn nói là nô lệ cho anh em mình, nghĩa là luôn sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của anh em, mà chẳng chờ mong họ tỏ lòng biết ơn.
25 “Cũng như Con Người đến…”:
Gương mẫu cho các tông đồ và tất cả những ai là môn đệ Chúa, là chính Đức Giêsu, Người là Vị Thẩm Phán Tối Cao, Thiên Chúa đã chỉ định để phán xét thế gian và lập Nước Cánh Chung (Đn 7, 13-14), nhưng ở trần gian, Người lại thành kẻ hầu hạ và cuối cùng hy sinh mạng sống để cho nhân loại tội lỗi được sống.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Nhìn vào Chúa Giêsu:
a) Xem việc Người làm:
+ Lên Giêrusalem: hai chữ này thường được người Do Thái dùng và có ý nghĩa là đi hành hương về Đền Thánh, nơi dâng của lễ và đặc biệt là của lễ toàn thiêu. Trong lời nói của Đức Giêsu, hai tiếng ấy báo trước của lễ toàn thiêu của Người là cuộc thương khó tử nạn của Người.
Mỗi ngày, Chúa Giêsu vẫn mời gọi Hội Thánh và mỗi Kitô hữu sám hối để tẩy sạch tội lỗi, hầu cứu rỗi nhân loại.
+ Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình
Người môn đệ đích thật của chúa, ngoài những giờ đạo đức chung với cộng đoàn, Chúa còn muốn cho mỗi người đến riêng với Người trong những giờ đạo đức riêng: viếng Thánh Thể, suy gẫm, cầu nguyện, tĩnh tâm để Chúa dạy dỗ riêng nữa.
+ Chúa Giêsu đối thoại để sửa quan niệm sai lầm của mẹ con ông Giacôbê và Gioan, cũng như tính ganh tỵ của các môn đệ.
Chúng ta có thể nhận ra gương mẫu sư phạm của Chúa Giêsu qua cuộc đối thoại này:
* Chúa không dập tắt ước vọng muốn thành công của chúng ta.
* Chúa chấn chỉnh ước vọng ấy.
* Chúa làm cho chúng ta thực tế hơn: “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”
* Và Chúa gieo vào trong chúng ta ước muốn đáp lại những gì Người mong muốn cho chúng ta, ngõ hầu giúp chúng ta biết tìm kiếm ước muốn được thông phần với Người: “Uống chén Thầy sắp uống”.
b) Nghe lời Chúa nói:
+ “Con Người sẽ bị nội…”: Chúa loan báo cho các môn đệ điều này đến lần thứ ba, nhưng các ông vẫn chưa hiểu và chậm tin! Quả thật, Chúa Giêsu kiên nhẫn và chịu đựng sự chậm tin của các môn đệ!
Chúng ta có bình tĩnh và kiên nhẫn khi công việc rao giảng, dạy dỗ chưa được hiệu quả nơi tha nhân không?
+ “Bà muốn gì?”: Chúa không dập tắt ước vọng thành đạt của bà mẹ hai ông Giacôbê và Gioan.
Có những mong muốn của chúng ta không hợp ý Chúa, Chúa chấn chỉnh bằng cách đặt ra những thử thách để giúp ta soát xét lại; hoặc gửi đến cho ta những ý kiến, những lời khuyên của tha nhân để góp ý cho ta…
+ “Chén của Thầy, các người sẽ uống …”
Chúa gieo vào lòng chúng ta ước muốn đáp ứng lại những gì Người mong ước cho chúng ta. Mỗi người Kitô hữu, nếu muốn theo chân Chúa tới cùng, đều phải trải qua sự tử nạn và sự sống lại của chúa Kitô.
2. Nhìn vào các Tông đồ:
a) Các Tông Đồ được Chúa đưa đi riêng với mình: chi tiết này giúp chúng ta, những môn đệ của Chúa nhận thức vinh dự được Chúa gọi riêng, sống với Chúa trong đời thánh hiến, trong những giờ chầu Thánh Thể, nguyện gẫm, cầu nguyện và tĩnh tâm…
b) Chúa Giêsu trình bày lý tưởng con đường thập giá, để mời gọi “Nào chúng ta hãy lên Giêrusalem”. Nhưng các Tông Đồ lại nghĩ ngược lại, kẻ xin được ngồi bên tả hay bên hữu, người thì ganh tị bất bình chỉ vì muốn được quyền hành “ăn trên ngồi trốc” anh em khi theo Chúa.
Trong đời hiến dâng và trong công tác tông đồ, bạn có tâm trạng háo danh, ham địa vị và ganh tỵ không ?
c) Chúa mời gọi các Tông Đồ uống chén đắng
Trong Mùa Chay này, chúng ta có thể theo Chúa trên đường thập giá bằng cách:
- Tươi cười với người xỏ xiên, méo móc mình.
- Thinh lặng trước lời vu khống bất công.
- Yêu thương kẻ phản bội mình.
- Không trả đũa những lời khích bác.
- Tiếp xúc với người mình không ưa thích.
- Làm một điều tốt mà mình không thích.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10