Header

Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay | Ga 5,17-30 | Giáo Phận Phú Cường

avatarby Quốc Khánh
01/04/2025
507
Chúng ta biết rằng vào năm 587 và 538 trước công nguyên, toàn dân Do Thái bị lưu đày sang Babylon, xa quê hương. Kinh nghiệm chua xót này đã là đối tượng của nhiều suy tư. Các ngôn sứ thấy ở đó biểu tượng của số mệnh nhân loại: cả chúng ta nữa, chúng ta đều là các tù nhân… tội lỗi là một loại nô lệ... chúng ta đợi chờ ơn giải thoát.
Noel Quesson

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN IV MÙA CHAY
TIN MỪNG: Ga 5,17-30

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Is 49,8-15

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu loan báo những sự kỳ diệu của “sự sống”, đánh dấu sự khởi đầu của Nước Chúa: Con ban sự sống cho những kẻ chết.

Isaia đã hứa những ân huệ thiên sai này, để trở về từ nơi lưu đày.

Trong thời thuận tiện, Ta đã nghe lời ngươi, trong ngày cứu độ, Ta đã cứu giúp ngươi.

Chúng ta biết rằng vào năm 587 và 538 trước công nguyên, toàn dân Do Thái bị lưu đày sang Babylon, xa quê hương. Kinh nghiệm chua xót này đã là đối tượng của nhiều suy tư. Các ngôn sứ thấy ở đó biểu tượng của số mệnh nhân loại: cả chúng ta nữa, chúng ta đều là các tù nhân… tội lỗi là một loại nô lệ... chúng ta đợi chờ ơn giải thoát.

Một lần nữa, dành thời giờ để chứng nghiệm những giới hạn, xiềng xích, cưỡng bức của tôi. Không phải để nhai lại một cách vô bổ, nhưng thật sự, để có thể nghe loan báo về sự giải thoát:

Ta đã tạo thành ngươi, để ngươi phục hưng xứ sở và phân chia các tài sản bị tàn phá để ngươi nói với tù nhân rằng: "Các ngươi hãy ra”. “Họ sẽ không còn đói khát nữa. Gió nóng và mặt trời sẽ không làm khổ họ nữa".

Những hình ảnh còn nói với những người đã biết đến lưu đày tù tội. Những lời loan báo hạnh phúc, giải thoát.

Những lời loan báo Nước Thiên Chúa, “nơi không còn nước mắt, than khóc, khổ đau và chết chóc”.

Lạy Chúa, xin làm cho Nước Chúa đến giữa chúng con.

Chúa Giêsu lập lại những lời hứa này: “Sẽ đến giờ những người chết ra khỏi mồ…”

Trời, hãy ca ngợi, đất, hãy nhảy mừng, núi đồi hãy hân hoan chúc tụng, vì Chúa đã an ủi dân Người và sẽ xót thương những người cùng khổ.

Tôi có thể sống điều đó thế nào?

Ngay giữa gian khổ, làm sao sống trong bầu khí này được? Và trong bối cảnh của thế giới, thường bi thảm, làm sao giữ được niềm vui, mà không bị đầu độc bối cảnh thất bại và ưu phiền?

Dấn thân cho niềm vui của thế gian được tăng thêm, vì phần lợi thuộc về tôi. Tặng trao “một” niềm vui cho ai đó cho nhiều người.

Nhưng Sion nói: "Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi. Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu”.

Phải dừng lại vô hạn định ở những lời nóng bỏng này.

Những tuyên ngôn như vậy đầy tình mẫu tử. Từ phía Thiên Chúa ! Nhân loại được yêu thương như thế đó, tôi được yêu thương. Tôi cố kéo dài cuộc suy gẫm này trong thinh lặng và chiêm niệm. Thiên Chúa không thể quên tôi. Chúa không quên con bao giờ.

Bài Tin Mừng: Ga 5,17-30

“SỐNG!”

Cho tới Phục Sinh (sự sống không còn chết chóc): đó là đặc tính của sự sống Thiên Chúa.

Tin Mừng theo thánh Gioan không thích kể lại những phép lạ của Đức Giêsu, nhưng chỉ muốn để ra “ý nghĩa”, chiều kích vô hình của chúng. Người bại liệt vừa rời khỏi hồ, nơi mà đã từ rất lâu anh thường đến, hi vọng được một cuộc sống mới. Bỗng dưng, lại xảy ra cuộc tranh luận. Và Đức Giêsu thông tỏ ý nghĩa việc Người làm.

Người Do Thái ngược đãi Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày Sa-bát. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng phải làm”.

Một mạc khải gây ngạc nhiên. Một lời cầu được vang lên trong ta.

Thiên Chúa “làm việc"!

Thiên Chúa “đang thực hiện công trình"!

Từ “Sa-bát", tiếng Hipri có nghĩa là “nghỉ ngơi”. Và người ta buộc tội Đức Giêsu là không tôn trọng việc nghỉ ngơi, ngày Sabát. Đức Giêsu trả lời : "Thiên Chúa không khi nào ngừng làm việc”.

Đúng vậy cần phải tập chiêm ngắm “những gì Thiên Chúa đang làm”.

Trong một biến cố. Trong đời sống tôi. Trong những người đang sống quanh tôi. Lúc này đây, Thiên Chúa đang làm gì?

Thật tôi bảo thật các ông: Người Con không thể tự mình làm gì mà chỉ làm điều thấy Chúa Cha làm, vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.

Bí quyết của đời sống Đức Giêsu, là Người trải qua thời gian “tìm gặp” Chúa Cha đang làm việc, trên công trường mà Chúa Cha đang phải “thực hiện" một công việc nào đó...

Đức Giêsu và Thiên Chúa hoàn toàn là một.

Đức Giêsu là người Con tuyệt hảo, luôn hướng về Chúa Cha, không cộng tác với công việc của Cha.

Đức Giêsu coi mình là trung tâm... Người “không thể tự mình làm điều gì”.

Chúa Cha yêu người con, và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những công trình vĩ đại hơn nữa, khiến các ông phải kinh ngạc.

Phép lạ chữa người bại liệt loan báo một điều gì còn tốt đẹp hơn...

Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý.

Điều cốt yếu mà con người mong đợi, chính là điểm đó. Thế mà sự chết lại nằm trong thân phận con người. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban cho ta một sự sống không còn chết chóc.

Đó là công trình của Thiên Chúa! Đó là điều Người làm việc để nhắm đến. Trao ban sự sống.

Thật tôi bảo thật các ông: Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống, đời đời được từ cõi chết bước vào cõi sống.

Chính Đức tin sẽ làm điều đó.

Đức tin sẽ làm cho “sống".

Ai “lắng nghe" 'Thiên Chúa, ai "tin vào Người, nối kết, sống động, thông phần với Người": Họ đã có sự sống của Thiên Chúa, sự sống đời đời.

Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy.

Lãnh nhận. Tiếp đón. Trở nên con cái.

Xin hãy làm cho con sống bằng chính sự sống đó .

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Diễn từ về công việc của Chúa Con

HOÀN CẢNH:

Người Do Thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát. Hơn nữa, họ còn tìm cách giết Người, vì Người nói Thiên Chúa là cha của Người. Trước thái độ đó, Đức Giêsu đã nói một bài dài về công việc của Người làm, chính là việc của Thiên Chúa.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại phần đầu bài diễn từ của Đức Giêsu về công việc Người làm, là công việc của Thiên Chúa.

TÌM HIỂU:

17-18 “ …cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc…”:

Đức Giêsu tuyên bố công việc của Người cũng là công việc của Chúa Cha:

- Việc của Thiên Chúa là việc tạo thành. Việc này đã chấm dứt (Thiên Chúa nghỉ ngơi ngày thứ bảy), nhưng việc quản trị vũ trụ vẫn tiếp tục dù là ngày sa-bát.

- “… thì tôi cũng làm việc”: Đức Giêsu coi việc hoạt động của Người như việc quản trị thế giới, là hoạt động của vị Thẩm Phán Tối Cao. Điều này làm cho người Do Thái phẫn nộ. Nhân đây, Người giải thích hành động (bài diễn từ) của mình và khẳng định trong câu 17:”Cha tôi vẫn làm việc… thì tôi cũng làm việc”.

5,19-47: Bài diễn từ về mầu nhiệm hoạt động của Đức Giêsu gồm hai phần chính:

- Sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con trong hoạt động ban sự sống và xét xử (5,19-30).

- Việc làm chứng cho Chúa Con (5,31-47)

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ ghi lại phần thứ nhất, về sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa con trong hoạt động ban sự sống và xét xử.

19-22 “Đức Giêsu lên tiếng nói với họ rằng…”

1. Sự hiệp nhất trong hoạt động ban sự sống:

Đức Giêsu không tự ý làm gì: đó không phải bất lực, vì Người và Chúa Cha không thể có hành động riêng biệt, không thể tách ra được. Vì chúa cha yêu thương Chúa Con, đã tỏ cho Người mọi việc. Nhờ lòng yêu thương ấy, Người sẽ làm nhiều việc hiển vinh hơn nữa (c.20). Những việc hiển vinh Người sẽ làm là ban cho mọi người được sống bởi ơn cứu chuộc của Người (c.28-29).

23-30 “Để ai nấy đều tôn kính Người Con như tôn kính Chúa Cha”:

2. Sự hiệp nhất trong quyền xét xử:

Chúa Cha ban cho Chúa Con quyền xét xử, quyền ban hoặc không ban sự sống đời đời.

Hai quyền ban sự sống và xét xử, buộc người ta phải tôn kính và tin phục Người, như tôn trọng và tin phục Chúa Cha. Những kẻ tin phục Người sẽ được Người ban cho sự sống: Sự sống thiêng liêng và sự sống về thể xác vào ngày tận thế. Điều kiện phải có để được sống lại là vâng nghe lời Người (c.25)

26-27 Đức Giêsu nhắc lại: Người có toàn quyền đối với sự sống của loài người và có quyền xét xử thế gian.

28-29 Người bảo những người nghe Người nói đừng ngạc nhiên. Làm cho người ta sống lại cách thiêng liêng, mắt thường không thấy được; vì thế, người ta ít ngạc nhiên. Nhưng một ngày kia, ngày tận thế, kẻ chết sẽ nghe tiếng Người và từ trong kẻ chết sống lại để lãnh thưởng hay chịu phạt.

30 Đức Giêsu nhắc lại lần nữa, Người không tự ý làm việc khác ý định của Chúa Cha. Việc làm của Chúa Cha là mẫu mực cho Người hành động.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

Nghe lời Chúa nói:

1. Cho đến nay, Cha tôi làm việc thì tôi cũng làm việc:

Là con cái Thiên Chúa, chúng ta được Chúa tạo dựng và tiếp tục săn sóc quan phòng, chúng ta cũng phải cộng tác với Thiên Chúa bằng cách sử dụng những ơn Chúa ban phần hồn và phần xác, tự nhiên và siêu nhiên để thánh hóa bản thân và tha nhân mỗi ngày. Và đó là công việc chúng ta phải thực hiện liên lỉ và suốt đời.

Câu 19: Chúa Giêsu khẳng định việc Người làm là công việc của Chúa Cha Làm: có nghĩa Người cùng một bản tính với Chúa Cha.

Qua bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được làm con Thiên Chúa, nên chúng ta sống và làm việc theo phẩm chất ánh sáng thế gian, men trong bột và muối cho đời.

Câu 20: Vì lòng yêu thương, Chúa Cha đã tỏ cho Chúa con mọi việc.

Vì lòng yêu thương, Thiên Chúa đã ban cho ta được thông phần sự sống của Chúa nhờ các bí tích. Vì thế chúng ta phải ao ước được lãnh bí tích và phải ý thức sốt sắng mỗi khi lãnh các bí tích, nhất là Thánh Thể và Hoà Giải. Mùa Chay này tạo cơ hội để chúng ta đón nhận ơn xá giải của Chúa.

Câu 21-22: Chúa Giêsu có quyền xét xử vì Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Mỗi ngày chúng ta phải chuẩn bị bằng sự thức tỉnh, sẵn sàng để trình diện với Chúa trong giờ chết.

Dọn mình chết lành.

Câu 23-24: Tôn kính và tin phục Chúa Giêsu là tôn kính và tin phục Thiên Chúa Cha.

Chúng ta tôn kính và tin phục Chúa Cha bằng cách lắng nghe lời Chúa Giêsu và đem ra thực hành trong đời sống. Vì “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta”.

Câu 26: Chúa Cha và Chúa Con đồng bản tính và cùng một sự sống.

Là Kitô hữu, chúng ta được thông phần sự sống của Chúa, đó là ơn thánh sủng. Vì thế chúng ta phải biết tôn trọng, giữ gìn và phát triển bằng cách tránh tội và thánh hoá đời sống mỗi ngày. Bầu khí và tâm tình Mùa Chay này tạo điều kiện cho chúng ta sám hối và canh tân đời sống bản thân.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10

CHIA SẺ BÀI VIẾT