Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXIII Mùa Thường Niên (Lc 6,20-26) | Giáo Phận Phú Cường
CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 6,20-26
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I : 1 Cr 7,25-31
Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi muốn khuyên nhủ anh em với tư cách là người, nhờ Chúa thương, đáng được anh em tín nhiệm.
Cộng đồng Côrintô, cũng như cộng đồng ngày nay, thường nêu lên những vấn đề về tính dục. Nền văn minh Hy Lạp lúc đó thật là hỗn độn tột mức, đi từ sự khinh chê xác thịt và tính dục đến cảnh tự do quá trớn.
Trong tình trạng lộn xộn này, Phaolô bênh vực cùng một lượt :
- Sự cao cả và sự bất khả phân ly của hôn nhân.
- Giá trị ơn đoàn sủng sống tiết dục.
Ông nhấn mạnh đây chỉ là ý kiến riêng tư của ông thôi : ông rõ ràng bước theo một đường hướng đích xác, nhưng vẫn lưu ý rằng : đó không phải là một quyết định có uy lực tuyệt đối như nhiều lời khác.
Phần tôi cũng vậy, tôi có biết sống khiêm tốn và đừng đặt uy thế giáo lý Tin Mừng vào các vấn đề theo sự chọn lựa riêng tư, dù nó quan trọng thế nào đi nữa không ?
Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì chẳng có tội gì. Nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư ? Đừng lo kiếm vợ. Bạn đã kết hôn rồi ư, đừng tìm cách gỡ ra.
Đây là sự biện minh về cuộc sống hôn nhân và độc thân. Ta không nên đối nghịch đời sống này với đời sống kia.
Nếu trong các kiểu nói, Phaolô có gây ấn tượng như khinh miệt hôn nhân, thì chính ông có một lập trường khá mới mẻ về vấn đề này : Phaolô muốn dành cho tình trạng độc thân, một tình trạng mới, một quyền lợi mới, bên cạnh trạng thái quen thuộc và đáng kể, mà lúc đó được xem như là độc nhất, đó là bậc hôn nhân.
Vậy tôi nghĩ rằng vì những nỗi thống khổ hiện tại, ở độc thân là điều tốt … Thưa anh em, xin nói với anh em điều này : thời gian chẳng còn bao lâu …
Lý do độc nhất Phaolô đưa ra ở đây về đời sống độc thân là : “thế gian thì có hạn định, chóng qua” : người Kitô hữu không nên bám vào một sự vật gì, như là cùng đích thực sự thu hút mình hoàn toàn …
Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.
Rõ ràng, Phaolô thấy trước trong tương lai, trong cảnh đời đời là : đối với ông, thế giới hiện tại chỉ là một bước sửa soạn cho đời sống chung cuộc. Không có gì bền vững trên đời này cả. Như thế cần phải nhắm đến điểm cốt yếu.
Điều đó muốn nói rằng, những kẻ có đôi bạn thỉnh thoảng cũng đặt mình riêng tư, trước nhan Thiên Chúa mà tưởng nghĩ đến điều cốt yếu. Nhưng điều đó cũng có thể nói lên rằng : trong Hội Thánh, có thể có ơn đoàn sủng cho bậc sống độc thân, kể như là một cuộc lựa chọn dứt khoát “một đời sống cho Thiên Chúa”.
Vậy từ nay, những người có vợ hãy sống như không có.
Như ta vừa mới bàn tới, ở đây là một lời kêu gọi sống tiết dục cho các người có đôi bạn. Và một lần nữa bậc sống hôn nhân và độc thân đều bổ túc cho nhau.
Theo bậc sống của ta, ta tự hỏi xem : trong đời sống hôn nhân hay độc thân, ta đã thực sự tuyển chọn Thiên Chúa chưa ? Sự sống vĩnh cửu có hiện diện trong các quyết định của ta … Chúng ta không thể sử dụng một vật trần thế, ham mê như đứa bé tham ăn.
Đây là một lời mời gọi triệt để trao gửi cho tất cả chúng ta để mỗi người tự làm chủ lấy mình : Thực sự các vật mà ta lưu luyến quá đáng, lại hết sức thứ yếu … Ta có biết đặt đúng chỗ cho cái chính yếu không ?
Bài đọc II : Cl 3,1-11
Anh em thân mến, anh em đã sống lại với Đức Kitô.
Phaolô đã tạo ra một từ mới. Trong tiếng Hy Lạp động từ “Phục Sinh” liên kết không thể rời với giới từ “với”, làm như Phaolô muốn chúng ta chứng nghiệm theo thể lý rằng : số phận của chúng ta nối kết đến mức độ nào với số phận của Chúa Giêsu.
Khi Chúa Giêsu Phục Sinh, tôi như đính kết “trong Người”, tôi cùng sống lại với Người.
Ta ghi nhận rằng : Phaolô dùng động từ ở thời quá khứ : Sự sống lại của tôi đã được thực hiện trong sự sống lại của Chúa Giêsu.
Anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên Trời, chứ đừng nghĩ tới những sự dưới đất.
Đã được sống lại không chỉ là một giấc mơ đẹp không thực. Điều đó “dẫn vào” cả một kiểu sống ! Cả một “cuộc tìm kiếm !” một “sức căng” hướng lên cao !
Đời sống của con người đã được Phục Sinh là một cuộc sống năng động, một niềm hoan lạc sống động, mà năng lực và sự cao cả của nó đẩy mọi của cải trần gian về với mức độ cực tiểu của chúng, sánh với điều cốt yếu này.
Lạy Chúa, xin giúp con biết lượng giá mỗi sự đúng với giá trị của nó, theo tiêu chuẩn vĩnh cửu của sự sống … trong đó con đã tiến vào với Chúa Giêsu.
Vì anh em đã chết với Chúa Kitô.
Lại một từ kép nữa : “chết với” Chúa Giêsu ! Như thế, hai biến cố lịch sử lớn Chúa Giêsu đã sống. Người đã sống vì chúng ta, với chúng ta trong Người.
Chúa Giêsu đã sống sự chết của tôi. Chúa Giêsu đã sống sự sống lại của tôi.
Phép Rửa đã làm cho tôi tham dự vào hai hành vi này của cuộc sống Người.
Và sự sống anh em được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa.
Bề ngoài không có gì thay đổi nơi một người Kitô hữu, sánh với những người khác. Dầu vậy, trong cái tầm thường và tăm tối thường ngày có ẩn giấu một nét quang sáng thần linh.
Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện.
Đức Kitô, sự sống của tôi !
Lạy Chúa, xin giúp con ý thức hơn về điều đó.
Bây giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Đây là lần thứ tư trong vài dòng mà kiểu nói này trở lại : “Với Người”, “trong Chúa Kitô” và chúng ta đoán biết rằng : đối với Phaolô, đây không chỉ nói về tình đồng chí, một sự gần gũi dù mật thiết đến đâu đi chăng nữa. Đây nói rằng chúng ta làm thành một thực thể, Chúa Giêsu và tôi ! Tôi được ẩn giấu, sống động trong Nước Trời. Trời đã bắt đầu giản dị và một ngày kia sẽ tỏ hiện rõ ràng. Nhưng điều đó đã hiện hữu, nếu tôi muốn đồng tình với nó.
Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em : Ay là gian dâm, ô uế, đam mê ước muốn xấu xa và tham lam.
Những phấn khởi lớn lao mầu nhiệm trên không ngăn Thánh Phaolô đặt chân trên mặt đất.
Giận dữ, phẫn nộ, độc ác, phạm thượng, và lời tục tĩu bởi miệng anh em. Anh em chớ nói dối với nhau, anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó.
Sống trước trong Nước Trời, cũng là tạo lập một thiên đàng nhỏ quanh mình, vì người khác.
Hãy mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng tạo thành nó … Nhưng Đức Kitô là mọi sự và ở trong mọi sự.
Để cho mình được tạo lập, Thiên Chúa đang tạo thành tôi. Người nắn đúc trong tôi hình ảnh của Đức Kitô. Lạy Chúa, chớ gì con sẵn sàng tiếp nhận công trình đó.
BÀI TIN MỪNG : Lc 6,20-26
Các mối phúc mà ta suy gẫm hôm nay, rất khác biệt với các mối phúc do Thánh Matthêu thuật lại (Tám mối phúc trong Thánh Mát-thêu, Bốn mối phúc trong Thánh Luca). Mát-thêu nhấn mạnh đến cái nghèo “tinh thần”, thái độ của tâm hồn … Còn Luca bàn đến những người nghèo “có thực”, đến tầng lớp xã hội của những kẻ xét về thể lý, nghèo hơn những người khác, sự nhấn mạnh đặc biệt của Luca còn được tăng cường bởi :
- Việc loan báo một cuộc đảo ngược những tình huống …
- Sự đối nghịch giữa các “mối phúc” và những lời “chúc dữ” …
Sứ điệp này, rõ ràng có tính “xã hội” hơn sứ điệp của Mát-thêu, chiếm hàng quan trọng trong toàn bộ Tin Mừng của Luca (Thực tế, những người trở lại đầu tiên đều được tuyển chọn trong những tầng lớp xã hội bị bỏ rơi).
Nhưng sứ điệp của Matthêu có tính “thần bí” hơn, cũng không chống lại sứ điệp của Luca. Tư tưởng của Đức Giêsu phải bao gồm cả hai ý nghĩa đó.
Việc giải thích các mối phúc “theo Thánh Luca” kêu mời tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo, biến đổi cơ chế xã hội, để giảm bớt số người bị bỏ rơi …
Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó … Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ phải đói … Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang khóc lóc … Phúc cho anh em, khi vì Con Người mà bị thiên hạ oán ghét, khai trừ, nhục mạ …
Ở đây nêu lên nhiều tình huống có thực : “Anh em, những kẻ nghèo khó … Anh em, những kẻ phải đói … Anh em, những kẻ đang khóc lóc … Anh em, những kẻ bị thiên hạ nhục mạ …”.
Luca cũng đề cập đến nhiều trường hợp cụ thể, có tính lịch sử : trạng từ “bây giờ” càng tăng thêm cảm nhận này.
Do đó, Đức Giêsu cũng mời gọi tôi :
Trước hết, hãy nhìn đến những nỗi thống khổ của riêng tôi : nghèo thực sự, đói thực, khóc lóc thực, bị nhục mạ thực sự mà tôi đang chịu đựng …
Thứ đến, hãy quan sát chung quanh tôi : những khu vực đau thương này, những người nghèo khó này, những kẻ đói ăn này, những kẻ bị nhục mạ này …
Thật có phúc, vì Nước Thiên Chúa là của anh em … Thật có phúc, vì anh em sẽ được Thiên Chúa cho thỏa dạ no lòng … Thật có phúc, vì anh em sẽ được vui cười … Thật có phúc, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời rất lớn lao.
Luca làm rõ nét một phản đề giữa hiện tại và tương lai :
Anh em là những kẻ bây giờ phải đói, anh em sẽ được Thiên Chúa cho thỏa dạ no lòng … Anh em là những kẻ bây giờ đang khóc lóc, anh em sẽ được vui cười.
Nhưng ta cũng cần ghi nhận : chính “Hạnh phúc” được hứa ban, đã hiện diện tại đó rồi, cách hiện thực.
Thật có phúc … Nước Thiên Chúa là của anh em, ngay từ hôm nay.
Thật có phúc … phần thưởng dành cho anh em ở trên trời rất lớn lao.
Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa …
Phải, ngày đó, ngay từ hôm nay … giữa sự nghèo khổ, những khó khăn thường ngày, những nỗi khổ đau … Đức Giêsu vẫn mời gọi ta hưởng niềm vui. Một niềm vui được biểu lộ trên thân xác, cách bên ngoài : “Hãy nhảy mừng !” … Một hôm, tôi có dịp quan sát toàn thể cộng đoàn trong một Thánh lễ, vì cảm nhận được điều đó, nên tất cả đều vừa vỗ tay, vừa nhịp nhàng cất tiếng hát bài “Halleluia”. Đức Giêsu đã kêu mời những người nghèo : “Hãy hân hoan và nhảy mừng !”.
Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là những kẻ bây giờ được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi là những kẻ bây giờ được vui cười, vì các ngươi sẽ phải ưu phiền khóc than. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.
Bốn lời chúc dữ, đối xứng chặt chẽ với những lời chúc phúc đi trước. Đó là những điều thế gian ưa chuộng … Đức Giêsu làm xẹp những gì mà thế gian cho là hạnh phúc. Trái đất này chưa phải là tất cả của con người. “Thời gian” trước mắt cũng không phải là tất cả … Còn có đời đời !
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Các mối phúc thật
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :
1. Các mối phúc mà ta suy gẫm hôm nay, được trình bày khác với các mối phúc khác do thánh Matthêu thuật lại (Mt 5, 11-12).
Matthêu nhấn mạnh đến cái nghèo tinh thần tức là thái độ của tâm hồn…
Còn Luca bàn đến những người nghèo thực sự, đến tầng lớp xã hội của những kẻ xét về thể lý, nghèo hơn những người khác. Sự nhấn mạnh của Luca còn được tăng cường bởi :
* Việc loan báo một cuộc đảo ngược những tình huống : bây giờ … và sẽ …
* Sự đối nghịch giữa các “mối phúc” và những lời “than trách” : phúc cho … khốn cho …
Sứ điệp này có tính “xã hội” hơn sứ điệp của Matthêu, chiếm hàng quan trọng trong toàn bộ Tin mừng của Luca. Thực tế những người trở lại đầu tiên đều được tuyển chọn trong những tầng lớp xã hội bị bỏ rơi.
Sứ điệp của Matthêu có tính “ thần bí” hơn, cũng không chống lại sứ điệp của Luca. Tư tưởng của Chúa Giêsu bao gồm cả hai ý nghĩa đó.
* Việc giải thích các mối phúc theo Thánh Matthêu mời gọi mọi người, giàu cũng như nghèo, sống nghèo khó trong tinh thần bằng cách hoán cải tâm hồn.
* Việc giải thích những mối phúc theo thánh Luca kêu mời tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo, biến đổi cơ chế xã hội, để giảm bớt số người bị bỏ rơi…
2. “Phúc cho anh em là những người nghèo khó … những kẻ bây giờ đang phải đói … những kẻ bây giờ đang phải khóc … những kẻ mà vì Chúa, bị người ta ghen ghét…” :
Hôm nay Chúa cũng mời gọi tôi ý thức rằng :
* Tôi đang có những nỗi thống khổ của riêng tôi : nghèo vì thiếu thốn thực sự, đói thực sự, bị nhục mạ thực sự …
* Đồng thời quan sát chung quanh, tôi thấy có những người đang sống trong cảnh nghèo hèn, những người đang đói, những người đang khóc lóc đau khổ, những người đang bị nhục mạ …
* Tôi phải tin tưởng vào Lời Chúa hứa để hy vọng, để hạnh phúc, vì :
+ Nước Thiên Chúa là của anh em.
+ Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
+ Anh em sẽ được vui mừng.
+ Phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
3. “Nhưng khốn cho ngươi là kẻ giàu có…” :
Giàu có, no nê, vui cười và được mọi người ca tụng là ước mơ của con người. Nhưng ở đây Chúa lại thương tiếc bằng kiểu nói khốn cho họ… Điều này Chúa có ý cảnh giác chúng ta :
* Giàu có mà tham lam, ham hố, ích kỷ, vụ lợi… thì quả là cái giàu có vô phúc, vì như vậy không bảo đảm cho hạnh phúc đời đời. Vì thế chúng ta phải biết làm ra của cải vật chất để phát triển xã hội, để nâng cao tiện nghi cho đời sống văn minh, để phục vụ tha nhân trong tinh thần bác ái, từ thiện… thì đó là cái giàu có hạnh phúc vì biết dùng của cải vật chất để được công phúc đời sau.
* No nê mà hưởng thụ cách ích kỷ, nuông chiều những đam mê của xác thịt và mù quáng trước những tiếng gọi thiêng liêng … thì đó là sự no nê bất hạnh. Vì sự no nê này làm cản trở việc vào Nước Trời. Vì thế chúng ta không được dừng lại để thỏa mãn những hạnh phúc chóng qua mau tàn của trần thế, nhưng phải tìm sự thỏa mãn những thực tại thiêng liêng để vươn mình lên, để định hướng cho sự sống đời của mình.
* Vui cười mà sao lãng những thực tại thiêng liêng, những bổn phận của đời sống siêu nhiên và những công việc cho sự sống đời đời, thì đó là sự vui cười bất hạnh, nó cản trở việc vào Nước Trời. Vì thế, chúng ta không được ỷ lại vào cái vui thú, cái hay, cái hơn của mình để khinh rẻ kẻ khác và tự mãn cho bản thân để rồi không màng chi đến hạnh phúc đời đời.
* Được mọi người ca tụng cũng chưa chắc là hạnh phúc, vì :
- Trước nhất : lòng người dễ thay đổi, nay hoan hô, mai đả đảo cách dễ dàng.
- Sau nữa : chỉ mải miết để được người ta ca tụng thì một đàng chỉ làm nô lệ cho danh vọng, đàng khác sẽ xao lãng việc làm vinh danh Thiên Chúa, là bổn phận làm người và làm con Chúa.
Vì thế, chúng ta hãy làm vinh danh Chúa, còn mình nếu được vinh danh, thì hãy vinh danh trong Chúa, vì được diễm phúc hiệp thông với Chúa :
+ Vinh danh vì Chúa : vì mọi đều bởi Chúa ban cho.
+Vinh danh với Chúa : vì làm mọi việc để tôn vinh Danh Thánh Chúa.
4. Khi than trách những kẻ giàu có, những người bây giờ đang được no nê, đang được vui cười và những kẻ được mọi người ca tụng, Chúa Giê-su không có ý phủ nhận giá trị của những cái đó cho bằng Chúa nhấn mạnh đến thái độ những thứ đó. Nghĩa là chỉ có hạnh phúc theo kiểu thế gian : nay con mai mất, và nhất là không bảo đảm cho sự sống đời đời. Vì thế, Chúa muốn nhắn như chúng ta phải tìm đến hạnh phúc đích thực là thứ hạnh phúc có Chúa ở cùng : đời này và đời sau
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10