Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXXIII Mùa Thường Niên (Lc 19,11-28) | Giáo Phận Phú Cường
CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 19,11-28
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Kh 4, 1-11
Khải huyền, trước tiên, không phải là thảm họa. Trái lại, nghĩa chính của nó là “sứ điệp hy vọng”. Những sách này được chép vào thời kỳ bắt đạo mãnh nhiệt nhất, giữa thời Neron và Đômixianô, vì thế, đó là bối cảnh khủng hoảng ghê gớm cho Giáo hội.
Bởi vậy, sứ điệp Khải huyền sánh được như một liều kích thích tố: “Hỡi các Kitô hữu, mặc dù gặp nhiều khó khăn, hãy vững lòng trông cậy vào Thiên Chúa toàn năng ! Đấng đã hứa cứu dân mình khỏi tai họa”.
Thánh Gioan cũng như độc giải thời ấy, đã thuộc nằm lòng Kinh Thánh, thế là những hình ảnh Kinh Thánh mà nhiều biết đã được Thánh Gioan dùng ngòi bút diễn tả thành tư tưởng của ông. Trong sách hôm nay đầy những biểu tượng lấy từ Ngôn sứ Isaia 6, 15… Ezéchiel 1,4-27… Đaniel 7, 9-10.
Tôi được một thị kiến: Kìa một cái cửa mở ra, ở trên trời… Tôi nghe một tiếng nói: “Ta sẽ chỉ cho ngươi thấy những điều phải xảy ra tiếp theo đó.
Ong Gioan nói với các giáo hữu đang bị lung lay trong đức tin, đang lo lắng về số phận của Hội Thánh vì cuộc bách hại quá lâu dài, rằng cuộc thử thách này chỉ nhất thời: các người bắt đạo không thắng luôn đâu. Thiên Chúa sẽ có tiếng nói cuối cùng. Các hình ảnh xuất hiện nơi đây, chỉ cho thấy nhãn tiền sự cao cả và mọi uy quyền của Thiên Chúa, chủ tể mọi loài.
Một cái ngai đặt ở trên trời.. có một Đấng ngự trên ngai.. Đấng đó trông giống như ngọn thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vòng trông giống như bích ngọc. Chung quanh có 24 vị kỳ mục mặc áo trắng…Từ ngai phát ra ánh chớp, tiếng sấm, tiếng sét.. bảy ngọn đuốc cháy sáng trước ngai… Trước ngai, một cái biển pha lê..Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn con vật: con vật thứ nhất giống như sư tử, con vật thứ hai giống như bò đực non, con vật thứ ba có mặt như mặt người, con vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay.
Tất cả là ánh sáng, chói ngời! Đẹp! Siêu việt! Vinh quang! Làm sao còn sợ hãi nữa, khi ta có một Thiên Chúa như thế?
Mặc dù ngày nay, ta ít cảm được những hình ảnh dồn dập như vậy, nhưng về phương diện mỹ thuật, các hình ảnh ấy thật hấp dẫn và gợi cảm. Miễn là đừng tự lừa dối mình và đừng hiểu theo ý nghĩa vật chất : thì Thiên Chúa là “ Thần Khí”…Không cần có ngai có chỗ cho Người… Thánh Gioan, cũng không tự lừa bịp mình, ông liệu nói cách nào đó để các “thị kiến” của ông có tính “phỏng chừng”… các vật sống một trật ở giữa và chung quanh ngai”… ”có mặt như mặt Người”.
Chúng không ngừng hô lên rằng: “Thánh chí thánh, ngàn trùng chí thánh. Đức Chúa chủ tể muôn loài”.
Ít nhất, chúng ta cũng biết được đây là lời trích dẫn của Ngôn sứ Isaia mà chúng ta hát cuối bài tiền tụng trong các thánh lễ.
Chung quanh Thiên Chúa, cả là một nghi thức phụng vụ đang diễn ra.
Chúng ta có cảm biết được sự kiện là, ngày trên trần thế, dưới cõi đời, trong các cuộc họp mặt Thánh Thể đơn sơ, chúng ta đã góp phần vào lời ca ngợi vô biên này: cảnh thiên đàng đã khởi đầu… Hội Thánh HÔM NAY là cửa mở hướng về trời. Tôi hãy cố gắng hát bài: “Thánh, Thánh, Thánh” với niềm tin sâu đậm hơn.
Đấng đã có, hiện có, và đang đến.
Thánh Gioan lấy lại định nghĩa mà chính Thiên Chúa đã tỏ cho Môsê: “ta là Giavê… Đấng trổi vượt trên mọi thụ tạo. Đúng vậy, mạc khải của Thiên Chúa là “sứ điệp hy vọng”.
Bài đọc II: 2 Mcb 7, 1-21-31
Và hôm nay, đây là cảnh tử đạo thứ hai: bảy người con, bảy anh em, bị hành hạ trước mặt mẹ họ. Hỡi ôi, ta biết rằng điều đó có thể, và cũng đã xảy ra trong thời đại chúng ta. người ta hẳn đã cố để khỏi đọc những trang như thế, để nhắm mắt trước những khổ hình. Dầu vậy, nó vẫn phải thế.
Lạy Chúa, con cầu Chúa cho mọi lý hình, và những người bị hành hạ.
Lạy Chúa, con cầu Chúa cho mọi người bách hại, và những bị bách hại.
Lạy Chúa, con cầu Chúa cho mọi người “làm điều bất công” và mọi người “chịu cảnh bất công”.
Và lạy Chúa, con cầu Chúa cho mọi người im lặng, dửng dưng và an thân tự tại, trong khi có lẽ những người kề bên họ đang chết cách nào đó… Lạy Chúa, con lại chẳng thuộc vào số những người đó sao? Ôi thật khó để trở thành Kitô hữu cho đến cùng! Lạy Chúa, đâu là phần tham dự vào nỗi khổ đau của thế giới mà Chúa mong đợi nơi chúng con, để chúng con biết sống liên đới?
Chỉ trong một ngày chứng kiến bảy con mình chết.
Trọn nỗi khổ đau của thế giới trong một hình ảnh này. Lạy Chúa, tại sao? tại sao xảy ra như vậy? với nước mắt và như một tiếng than mà nhân loại đặt câu hỏi này đối với Chúa.
Vâng con biết, câu trả lời của Chúa không phải là lời đẹp để xoa dịu : Không phải một ý tưởng, một giải quyết cho một vấn đề… mà chính là việc Chúa đến. Chúa đã đến trong xác thể, Chúa đã nhận lấy thân phận làm người để bị “đổ máu”, “bị đánh đập”, “chịu chết”… và sống lại.
Nhưng lạy Chúa, xin nói lại cho con điều đó. Xin nói lại với chúng con rằng, Chúa đã không “ở ngoài nỗi khổ” của loài người, nhưng Chúa ở trong, và Chúa chia sẻ nỗi khổ, hấp hối là gì.
Xin nói lại cho chúng con rằng, theo Chúa phải nhận lấy phần mình.
Xin nói lại cho chúng con rằng, Chúa muốn sự sống, và sự sống lại. Xin nói lại cho chúng con rằng, cái chết chỉ là khoảnh khắc, là một chuyển biến.
Người mẹ nói: “Không phải mẹ ban cho các con tinh thần, linh hồn và sự sống. Chính Đấng sáng tạo vũ trụ, Người đã dựng lên loài người và sáng tạo mọi sự… Mẹ đã cưu mang con chính tháng trong dạ, đã cho con bú sữa, đã nuôi dưỡng và dẫn dắt con.. hãy nhìn xem trời đất; con biết rằng Chúa đã tác tạo những vật đó.
Trước sự phi lý của cái chết và sự dữ, đã có phản ứng rất tinh ròng của những người Do-thái ý thức nhất ( như Gióp đã phản ứng). Lạy Chúa, chúng con không hiểu… nhưng chúng con tin tưởng vào Chúa!
Chúng ta không thể đòi Chúa tính sổ, chính Người là Đấng mạnh mẽ, thông suốt, khôn ngoan nhất, Người là Đấng tạo hoá. Dầu tôi không thể hiểu hết, những Người hẳn có lý để tạo thành thế giới như Người đã làm nên!
Sau cùng, thái độ này không phải là sự thoái thác. Đây là điều hợp lý nhất. Nếu chúng ta hiểu biết, âu chúng ta đã là “Chúa” rồi. Mà chúng ta biết rõ ràng là mình không phải là Chúa! và các mầu nhiệm phức tạp về sự phong nhiêu, về sinh học, di truyền học, đặt chúng ta trước sự khiêm tốn căn bản này. Người mẹ đã sinh bảy người con này biết rõ điều đó : Bả biết rằng mình hoàn toàn nhỏ bé trước các mầu nhiệm hoàn thành nơi bà. Và điều đó giúp bà hiểu rằng có bao nhiêu là mầu nhiệm khác, để vì chúng con mà tin tưởng vào Chúa.
Con đừng sợ tên lý hình này và hãy lãnh nhận cái chết, để nhờ lòng lân tuất Chúa, mẹ sẽ gặp con cùng với các anh em con.
Tin vào sự sống lại. Đó là câu trả lời cuối cùng.
BÀI TIN MỪNG: Lc 19, 11-27
Khi dân chúng đang nghe những điều ấy ( loan báo ơn cứu-độ đã đến với Dakêu), thì Đức Giêsu lại kể một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giêrusalem và họ tưởng là triều đại, Thiên Chúa xuất hiện đến nơi rồi.
Lễ Vượt-Qua đã tới gần. Từng đoàn hành hương lũ lượt tiến về dự lễ. Đó là lễ kỷ niệm cuộc giải phóng khỏi Ai Cập. Mọi người cứ tưởng rằng, đã đến giờ Đức Giêsu khải hoàn và Nước Thiên Chúa sẽ “xuất hiện cách tỏ tường”… có thể trong một vài giờ nữa, người ta sẽ cầm những cành lá vạn tuế xanh tươi và tung hô “Con Vua Đavít”.
Mười ngày tới, để diễn tả nỗi thất vọng chán chường, các môn-đệ sẽ nói: “Chúng tôi đã đặt hy vọng rằng, chính Người là Đấng giải phóng Israel” ( Lc 24, 21).. và năm mươi ngày sau, Nhóm Mười Hai sẽ còn hỏi Người: “Phải chăng bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quyền cho Israel?” ( Cv 1, 6).
Vào thời Luca viết Tin Mừng, những kẻ nhạo báng vẫn tiếp tục nghi ngờ: “Nào đâu lời hứa về quang lâm của Người? từ ngày cha ông đã yên nghỉ, mọi sự vẫn tồn tại như từ khởi nguyên tạo thành” ( 2 P3,4).
Phải, hình như Thiên Chúa muốn người ta ngóng đợi Người. Người ta không thấy rõ Nước Thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa, xin hãy tỏ lộ Chúa ra ! Xin hãy tỏ ra Chúa là ai ? Sau hết, khi nào Chúa sẽ thực sự hiển trị?
Ta hãy lắng nghe câu trả lời của Đức Giêsu trước câu hỏi chủ yếu này.
Có một người kia thuộc hàng quý tộc trẩy đi phương xa lãnh sắc phong vương, để trở về trị nước. Ông gọi mười người trong số các gia nhân đến giao cho họ mười yến bạc và nói: “Hãy lo làm ăn sinh lợi đến lúc tôi về”.
Người đồng thời với Đức Giêsu thường mong đợi một Nước trời đến ngay lập tức ! Đức Giêsu cho họ hiểu rằng, sẽ có một kỳ hạn trước đó để Người trao phó cho ta những trách nhiệm.
Không nên “mơ tưởng”. Cần phải “sinh lợi”.
Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử họ phái đoàn đến sau ông để nói rằng: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi”.
Những người đồng thời có lẽ mong muốn một nước Hiển hách, chiến thắng.
Đức Giêsu giúp họ hiểu rằng, trước khi lên ngôi, sẽ có một cuộc phản động chống lại ông “Vua” này: “Giết chết tên ấy đi ! hãy tha Baraba cho chúng tôi” ( Lc 23, 18).
Cuộc thụ khổ của Thiên Chúa... sự chối bỏ Thiên Chúa là một hiện tượng lịch sử gây bối rối. Đức Giêsu đã loan báo điều đó. Đó là một hiện tượng ngày nay, một sự kiện của mọi thời đại.
Ngoài ra, Đức Giêsu dựa vào một biến cố lịch sử mới xảy ra: Akêlau mà Giêrikhô rõ ràng lệ thuộc vào ông ta đã đi Rôma để xin tước vua bên cạnh Hoàng đế Augustô, một phái đoàn Do-thái gồm 50 người vị vọng đã tìm kế để ông không được chấp nhận phong vương…
Lãnh sắc phong vương rồi, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi các gia nhân mà ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu.
Người những chi tiết của riêng Luca, ở đây ta cũng gặp lại cách tổng quát khung bài “dụ ngôn những nén bạc” đã được Thánh Matthêu thuật lại (Mt 25,14-30) trong một đoạn văn cánh chung tương tự.
Thời gian đi trước “Nước Thiên Chúa hiện diện tỏ rõ ràng”, đó là thời gian Thiên Chúa đã trị đến, nhưng bằng cách không thấy được.
Đó là thời gian bị ngược đãi.
Đó là thời gian gần trung tín trước thử thách. Thời gian kiên bền.
Đó là thời gian làm việc cho Thiên Chúa: “Làm phát sinh hoa trái những gì Thiên Chúa đã trao phó cho ta”.
Đó là thời gian cần phải trung tín trong “những việc nhỏ” ( Lc 16, 10). Trong khi chờ đợi lãnh nhận những trách nhiệm lớn lao hơn : Sau khi quản lý tốt mọi nén bạc, các tôi tớ mới lãnh nhận việc cai quản một thành.
Đó là thời gian của Giáo hội. Đó là Ngày Hôm Nay.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Dụ ngôn mười nén bạc
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Chúa Giêsu giảng dụ ngôn nén bạc tại nhà ông Dakêu, trên đường đi Giêrusalem để chịu chết.
Qua dụ ngôn này, Chúa muốn nói với chúng ta, trong thời gian chờ đợi Chúa tái lâm, chúng ta không được lười biếng, nhưng phải bắt chước những người đầy tớ tốt, ngay khi được trao phó nén bạc tức là những ơn Chúa ban phần hồn phần xác, phải mau mắn sanh lợi tức là làm sáng Danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi bằng những công việc lành phúc đức. Trong ngày cánh chung, những người đầy tớ tốt như vậy sẽ được tham dự vinh quang Nước Trời, còn những kẻ lười biếng sẽ bị phạt nơi tối tăm đời đời.
2. Dụ ngôn này đề cao những người đầy tớ tốt lành và trung tín:
Biết dùng những nén bạc để sinh lời cho ông chủ: cũng vậy, biết sử dụng những ơn lành phần xác : như tài năng, sức khoẻ, tiền của,tha nhân...cũng như những ơn phần hồn: như ơn qua các bí tích, ơn qua Hội thánh chăm sóc, ơn thánh sủng và hiện sủng, ơn Chúa Thánh Thần... để tôn vinh Danh Thánh Chúa và mưu ích cho phần rỗi của mình và của tha nhân.
Giá trị sinh lời phải tương xứng với nén bạc được trao: hai thành bốn, năm thành mười: Chúa ban cho mỗi người khác nhau, nên chúa cũng đòi công phúc của mỗi người khác nhau theo tỉ lệ thuận với ơn Chúa ban.
Y nghĩa này giúp chúng ta biết nhìn lại giá trị của nhau, không được phân bì so sánh để ganh tỵ: về địa vị, danh giá, thành công, hơn thiệt...
nén bạc được trao và số lời làm ra tuy có khác nhau, nhưng phần thưởng chủ ban cho hai người đầy tớ tốt lành lại giống nhau, đó là được hưởng sự vui mừng với chủ.
Cũng vậy, ở đời chúa ban cho mỗi người những ơn điển khác nhau, và mỗi người thành công khác nhau, nhưng cuối cùng Chúa cũng thưởng công giống nhau là được hưởng niềm vui với Chúa trong Nước Trời.
3. Dụ ngôn nén bạc cũng cảnh giác những kẻ lười biếng không biết sử dụng ơn Chúa để sinh lời cho phần rỗi. người đầy tớ lười biếng nhận lãnh nén bạc của ông chủ, đã không làm sinh lợi chỉ vì chiều theo ý riêng của mình mà không tuân phục ý ông chủ. cũng vậy, những ơn lành chúng ta đón nhận từ Chúa mà không biết dùng theo tinh thần của Chúa thì sẽ bị mất đi và do đó chúng ta không có công mà lại bị án phạt nữa.
4. Lời Chúa chính là những hạt giống đã được gieo vào trong tâm hồn mỗi người, chúng ta không được phép để nó nằm yên, cũng không được chôn vùi nó trong kho tàng tri thức hay trong một vài hành vi đạo đức bên ngoài. Trái lại, chúng ta phải làm cho lời Chúa tác động vào cuộc sống của ta theo tâm tình và tinh thần của Chúa.
5. Mỗi người kitô hữu đã được chúa trao cho ngọn đèn cháy sáng của đức tin trong ngày lành bí tích Rửa Tội. Đó là gia tài lớn nhất để bảo lãnh cho chúng ta vào Nước Trời. vậy chúng ta phải có bổn phận giữ gìn ngọn đèn đó được cháy sáng mãi, tức là giữ vững đức tin, và làm lan tỏa ánh sáng đó ra chung quanh, tức là làm phát triển đức tin qua cuộc sống hằng ngày.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10