
Phân tích bản văn Hs 2,4-25

HÔN NHÂN CỦA NGÔN SỨ HÔ-SÊ VÀ BÀ GÔ-ME:
BIỂU TƯỢNG CỦA TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỨC CHÚA VÀ DÂN ÍT-RA-EN
(Phân tích bản văn Hs 2,4-25)
Giuse Tuân Vũ Chí Thành, S.J.
Mục lục
|
NỘI DUNG BẢN VĂN (Hs 2,4-25)[1]
4Hãy đưa mẹ các ngươi ra toà, đưa nó ra toà đi!
Vì nó không phải là vợ của Ta, và Ta không phải là chồng của nó.
Những vật đĩ thoã trên mặt nó,
và những dấu ngoại tình trên ngực, nó đều phải vứt bỏ.
5Nếu không, Ta sẽ lột trần nó ra,
và để nó như ngày mới lọt lòng mẹ.
Ta sẽ biến nó thành sa mạc hoang vu,
cho nó trở nên đất khô khan cằn cỗi, và làm cho nó chết khát.
6Con cái nó, Ta sẽ không thương,
vì chúng là những đứa con sinh ra do đĩ điếm.
7Mẹ chúng quả thật đã làm điếm,
kẻ mang thai chúng đã thất tiết rồi,
vì nó đã nói: “Tôi đi theo các tình nhân của tôi,
chính họ cho tôi bánh và nước,
cho len, cho vải, cho dầu ăn, cho thức uống.”
8Bởi thế, này Ta sẽ lấy gai góc chặn đường nó lại,
sẽ dựng một bức tường để nó không thấy được lối đi.
9Nó sẽ chạy theo các tình nhân của nó mà không gặp,
sẽ tìm kiếm chúng mà chẳng thấy.
Bấy giờ nó mới nói: “Tôi phải trở về
với người chồng đầu tiên của tôi,
vì hồi ấy tôi sướng hơn bây giờ.”
10Nó đâu biết rằng chính Ta đã ban cho nó
lúa mì, rượu mới với dầu tươi,
cũng chính Ta đã tặng cho nó bạc vàng nhiều vô kể,
vậy mà chúng lại đem chế tạo đồ dâng kính Ba-an!
11Bởi thế, vào mùa gặt, Ta sẽ đòi lại lúa mì của Ta.
Vào thời cất rượu, Ta sẽ lấy lại rượu mới của Ta.
Len và vải của Ta, Ta sẽ đòi lại hết:
nó sẽ chẳng còn gì để che tấm thân trần truồng của nó nữa.
12Giờ đây, trước mặt các tình nhân của nó,
Ta sẽ phơi bày ra cái đáng hổ thẹn của nó,
và không ai giựt được nó khỏi tay Ta.
13Ta sẽ chấm dứt mọi thú vui,
mọi ngày sóc, ngày hưu, ngày lễ, và mọi cuộc hội hè của nó.
14Ta sẽ phá tan vườn nho nương vả,
những thứ làm cho nó khoe khoang:
“Công tôi đi khách đó: các tình nhân đã trả cho tôi!”
Ta sẽ biến chúng thành bụi rậm, mặc cho dã thú gặm tan hoang.
15Ta sẽ trừng phạt nó vì những ngày của Ba-an,
những ngày nó đốt hương thờ kính chúng,
những ngày nó đeo nhẫn, đeo kiềng
chạy theo đám tình nhân của nó,
còn Ta thì nó nỡ bỏ quên
– sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
16Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó,
đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.
17Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó,
biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng.
Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân,
như ngày nó đi lên từ Ai-cập.
18Vào ngày đó –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA–
ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa.
19Ta sẽ không cho nó mở miệng gọi tên thần Ba-an,
chẳng còn ai nhớ đến các thần này mà gọi tên chúng nữa.
20Trong ngày đó, vì dân Ta,
Ta sẽ thiết lập một giao ước với thú vật đồng hoang,
với chim chóc trên trời, với loài bò sát dưới đất :
Ta sẽ bẻ gãy cung nỏ gươm đao,
chấm dứt chiến tranh trên toàn xứ sở,
và Ta sẽ cho chúng được sống yên hàn.
21Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu,
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực,
trong ân tình và xót thương;
22Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành,
và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA.
23Vào ngày đó, Ta sẽ đáp lại, –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA–
Ta sẽ đáp lại trời, và trời sẽ đáp lại đất.
24Đất sẽ đáp lại lúa mì, rượu mới và dầu tươi,
và những thứ đó sẽ đáp lại Gít-rơ-en.
25Ta sẽ gieo trồng nó làm của riêng Ta trong xứ sở,
sẽ chạnh thương con bé Lô Ru-kha-ma,
sẽ nói với thằng Lô Am-mi: “Ngươi là Am-mi”.
Còn nó sẽ thưa: “Thiên Chúa của con!
Các ngôn sứ trong Kinh Thánh thường được biết đến như là những con người công bố sứ điệp của Đức Chúa cho dân của Người. Tuy nhiên, điều mà có lẽ ít ai để ý đến đó là cuộc đời của vị ngôn sứ cũng chính là một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn truyền đạt. Trong số họ, có những người đã thể hiện điều Chúa muốn nói ngang qua chính tương quan rất éo le, thách đố nhưng cũng đầy tình thương với người thân trong gia đình. Điển hình nhất là ngôn sứ Hô-sê. Bởi lẽ chính hôn nhân của ông và vợ là bà Gô-me đã ẩn dụ một thông điệp về tương quan của Đức Chúa với dân Ít-ra-en.
Trước khi phân tích nội dung chính của đoạn Hs 2,4-25, chúng ta cần xác định giới hạn và sức năng động của cấu trúc bản văn này.
GIỚI HẠN VÀ SỨC NĂNG ĐỘNG CỦA BẢN VĂN (Hs 2,4-25)
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng 3 chương đầu của sách Hô-sê nói về tương quan gia đình với những yếu tố khủng hoảng và chữa lành. Trong khi đó, các chương 4-14 mang nội dung chính yếu nói về những vấn đề xoay quanh việc dân Ít-ra-en bất trung với Chúa, vương quốc bị sụp đổ hoàn toàn nhưng khi dân biết ăn năn thì vẫn được Chúa thứ tha.
Trong khối nội dung 3 chương đầu, người ta lại thấy chương 1 được trình bày ở thể văn trần thuật. Trong đó, nhân vật chính được nêu đích danh là Hô-sê (tức là ngôi thứ 3 số ít) đón nhận lời Đức Chúa. Tương tự như thế, thể văn ở chương thứ 3 cũng là trần thuật; còn nhân vật chính khi ấy được diễn tả ở ngôi thứ nhất số ít, “tôi”. Riêng ở chương 2, thể văn được dùng là thơ và văn chương hùng biện. Thêm vào đó, giọng văn ở Hs 1,9 còn là văn kể. Ngay sau đó Hs 2,1 lại mang nét tương lai (והיה = become, it will be).[2] Như thế, ba chương đầu có thể được phân tách thành 3 phần riêng biệt; mỗi phần ứng với mỗi chương.
Nhìn tổng quát chương 2, người ta hình dung đây có lẽ là một khối nội dung liền mạch. Tuy vậy, phần nội dung 3 câu đầu có thể được tách biệt với các câu 4-25.[3] Mặc dù cả hai câu 3 và 4 đều bắt đầu bằng một động từ ở thể cầu khiến (imperative) nhưng cung giọng và sắc thái của hai câu này là hoàn toàn khác biệt nhau. Trong khi ở cc.1-3, cung giọng được diễn tả nhẹ nhàng, đầm ấm; thì sang câu 4, cung giọng thay đổi đột ngột thành nghiêm trọng, gay gắt và bực bội (“lôi ra tòa”). Hơn nữa, nơi c.4, xuất hiện một nhân vật với danh xưng “Ta” (đại diện cho Đức Chúa, qua môi miệng người chồng, như sẽ được phân tích ở phần sau của bài viết) trong vai trò chủ ngữ. Dễ nhận thấy, ở 3 câu đầu, hình ảnh của nhân vật “Ta” chỉ được nhận thấy ngầm trong vai trò người kể, hoặc chỉ xuất hiện ở dạng sở hữu cách trong tên gọi của những đứa con, tức là vai trò túc từ trong câu (לֹא־עַמִּי/ עַמִּי, tức là Không-phải-dân-Ta/ Dân-Ta). Đối lại, ở câu 4 này, hình ảnh nhân vật “Ta” được nhận diện cách minh nhiên trong bản văn với vai trò chủ thể hành động trong câu (“Ta không phải là chồng của nó”). Như thế, chương 2 có thể được chia thành 2 phần: cc.1-3 và cc.4-25.
Với việc xác định giới hạn bản văn Hs 2,4-25 như thế, giờ đây chúng ta sẽ phân tích đôi chút về yếu tố nội tại xây dựng nên cấu trúc của bản văn này.
Cấu Trúc Và Sức Năng Động Của Bản Văn
Nội dung đoạn Hs 2,4-25 diễn tả rõ hai góc nhìn tiêu cực và tích cực về sự trung tín với hôn ước vợ chồng. Điều đó thể hiện qua hai cung giọng đau buồn và hy vọng. Một cách cụ thể, cc.4-15 diễn tả một bầu không khí căng thẳng, đau khổ. Tuy nhiên, ngay sau đó từ c.16 trở đi, bản văn lại mô tả một khung trời tình yêu tràn đầy hy vọng.
nội dung đầu (cc.4-15) diễn tả khung cảnh đau buồn của một mối hôn nhân tan vỡ. Có thể thấy, sau khi người chồng lên tiếng gay gắt kêu “những đứa con” lôi bà vợ của mình ra hầu tòa (c.4a), ông liền gào thét trong đau đớn, giận dữ, chối bỏ người vợ và muốn xử tội cô ta lẫn những đứa con do cô sinh ra nếu cô không chịu bỏ thói lăng loàng của mình (cc.4b-6). Tiếp theo đó, người chồng tố cáo những tội của người vợ với mức độ phạm càng ngày càng quá quắt (cc.7.10). Tương ứng với những lời hạch tội là các hình phạt người chồng “bởi thế” có thể áp dụng để đối xử với người vợ, cũng càng ngày càng nặng hơn (cc.8-9.11-15). Khối này được kết thúc bằng câu “sấm ngôn của Đức Chúa”.
Ở khối nội dung tiếp theo (cc.16-25), giọng văn của cc.16-17 đột ngột trở nên mềm mỏng, lãng mạn để diễn tả khung cảnh chuẩn bị cho một giao ước hôn nhân sắp được tái lập giữa Đức Chúa và dân Ít-ra-en.[4] Theo ngay sau đó, cc.18-22 mô tả nội dung của hôn ước, một cách rõ ràng giữa Đức Chúa với đối tượng dân Ít-ra-en ở ngôi thứ hai và dẫn tới hệ quả tích cực của giao ước hôn nhân ấy (cc.23-25). Hai khối bản văn cc.18-22 và cc.23-25 đều bắt đầu với cụm từ giống nhau: “Vào ngày đó, sấm ngôn của Đức Chúa”.
Với những gì vừa trình bày, chúng ta có thể đưa ra sơ đồ tóm tắt nội dung bản văn như sau:
Khối | Các câu | Dấu hiệu | Nội dung |
cc. 4-15 | 4a | Khung cảnh đau buồn của một hôn nhân tan vỡ Kêu những đứa con lôi người vợ ra tòa |
|
4b-6 | |||
7 | Cáo tội người vợ | ||
8-9 | Bởi thế | Án phạt đề xuất cho tội trạng vừa nêu của người vợ | |
10 | Cáo tội người vợ với những tình tiết tăng nặng | ||
11-15 | Bởi thế | Án phạt đề xuất cho tội trạng vừa nêu của người vợ | |
Sấm ngôn của Đức Chúa | Kết thúc khối nội dung người chồng đau khổ lên án người vợ, giọng văn tiêu cực | ||
cc.16-25 | 16-17 | Bởi thế | Chuyển đột ngột sang khung cảnh lãng mạn chuẩn bị cho hôn ước giữa Đức Chúa với dân Ít-ra-en |
18-22 | Vào ngày đó, sấm ngôn của Đức Chúa | Nội dung của hôn ước | |
23-25 | Vào ngày đó, sấm ngôn của Đức Chúa | Hệ quả của hôn ước |
Trong khi đọc sách ngôn sứ Hô-sê, một số độc giả có thể có những thắc mắc một số vấn đề liên quan đến sự sai khác về số câu trong các bản dịch, bối cảnh lịch sử của dân Ít-ra-en mà bản văn nhắc tới, hay về các nhân vật xuất hiện trong bản văn… Để tránh phần nào những thắc mắc ấy, trước khi đi vào phân tích đoạn trích Hs 2,4-25, một số vấn đề sau đây có lẽ cần được lưu ý.
Điểm đầu tiên cần lưu ý là hầu hết các nhà nghiên cứu Kinh Thánh nhìn nhận rằng sách Hô-sê là kết quả của công trình biên soạn lâu dài từ thời vị ngôn sứ Hô-sê ở thế kỷ thứ VIII TCN kéo dài đến thời Hậu Lưu Đày. Có nhiều giả thiết về các yếu tố cấu thành bản văn sách Hô-sê hiện tại. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng sách Hô-sê là một bản văn khó đọc bởi ngôn ngữ vùng Ít-ra-en, miền Bắc Do Thái; lối hành văn cách ngôn và hiện trạng hư hoại nhiều của các bản văn cổ. Do vậy, người viết chỉ có thể cố gắng phân tích bản văn dựa vào lối đọc đồng đại mà thôi.
Điểm nữa cần lưu ý là những sai khác về việc đánh số câu, chương của các bản dịch sách Hô-sê (bản Do Thái, Hy Lạp và bản La-tinh). Sự sai khác này có thể được thấy ở 3 câu đầu chương 2 của bản Do Thái và Hy Lạp. Ba câu ấy ứng với Hs 1,10-2,1 trong bản La-tinh. Trong bài này, người viết dựa vào bản dịch của nhóm CGKPV, tức là bản Việt Ngữ được dịch theo nguồn bản Do Thái và Hy Lạp.[5]
Bên cạnh đó, vì sách Hô-sê được thừa nhận là cấu thành qua các giai đoạn lịch sử khác nhau nên nội dung của sách cũng trải dài những biến cố lịch sử của dân tộc Do Thái. Khoảng thời gian ấy kéo dài từ thời ngôn sứ Hô-sê hoạt động, tức là khoảng cuối triều vua Giê-rô-bô-am (750-747 TCN), qua cuộc chiến Si-rô – Eph-ra-im (734 TCN) và vương quốc Ít-ra-en sụp đổ (723 TCN)… mãi cho đến sau thời kỳ Lưu Đày sang Ba-by-lon.
Sau cùng, cần để ý là nhân vật “Ta” trong bản văn Hs 2,4-25 có thể sẽ khiến người đọc phân vân rằng có phải đó là Đức Chúa hay chính là ngôn sứ Hô-sê? Trong mạch văn, người đọc có thể đưa ra nhận định rằng thế nào đi nữa thì nhân vật “Ta” có ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho chính Đức Chúa, xét trong tương quan với dân Ít-ra-en. Thiết nghĩ, đây là cách hành văn lôi cuốn người đọc vào câu chuyện như sẽ được khai triển thêm ở phần phân tích bản văn.
Với lưu ý vừa nêu, giờ đây chúng ta bước vào phân tích về ý nghĩa của bản văn Hs 2,4-25 để phần nào thấy rõ hơn đề tài hôn nhân của ngôn sứ Hô-sê với vợ là Gô-me ẩn dụ chính tương quan của Đức Chúa với dân Ít-ra-en.
Cáo tội người vợ và hình phạt người chồng có thể áp dụng (cc.4-15)
Tuyên chối bỏ người vợ và nỗi đau khổ của người chồng (cc.4-6)
Các câu 4-6 mở ra cho người đọc khung cảnh đổ vỡ của một gia đình. Trong đó, câu 4a diễn tả cảnh người chồng ở ngôi thứ 2 đang lớn tiếng kêu những đứa con đưa của mẹ chúng ra tòa. Cụm từ “mẹ các ngươi” có thể cho người đọc cảm nhận rằng nhân vật chồng không chỉ chối bỏ người vợ nhưng cũng muốn chối bỏ những đứa trẻ. Tòa án ở đây được hiểu là nơi để xử lý vụ ly hôn của các nhân vật. Trong phiên tòa này, bản văn không đề cập đến quan tòa nhưng chắc hẳn có nhân chứng cho vụ việc là chính những đứa con vì chúng có mặt ở phiên tòa. Tuy nhiên, việc để những đứa con làm chứng trong phiên tòa xử ly hôn của bố mẹ là điều bất thường. Điều này càng làm tăng thêm tính bi kịch của một gia đình tan vỡ.
Tiếp đến, câu 4b cho người đọc biết lý do các nhân vật trong bản văn đưa nhau ra tòa và nỗi đau khổ, uất ức của người chồng. “Vì nó không phải là vợ của Ta và Ta không phải là chồng của nó.” Câu nói này đã minh nhiên công bố sự phân ly hôn nhân của hai vợ chồng. Thực ra, đây là công thức ly hôn theo văn hóa của người Babylon và các dân tộc vùng Cận Đông.[6] Theo đó, khi hai vợ chồng muốn ly hôn thì cùng nhau ra tòa án, trước mặt các nhân chứng, họ công khai tuyên bố chối bỏ đối phương là vợ, chồng mình. Ở đây, bản văn không đề cập gì đến chứng thư ly hôn như đòi buộc trong Đnl 24,1. Thường thì khi ly hôn, người chồng sẽ đuổi người vợ ra khỏi nhà. Việc không nói đến chứng thư ly hôn có lẽ muốn cho độc giả thấy rằng người chồng thực ra không có ý định buộc người vợ ra khỏi nhà mình. Như thế đồng nghĩa với việc người chồng không muốn bỏ vợ mà chỉ muốn răn đe và kêu gọi cô trở về sống đàng hoàng hơn.[7]
Mặc dù giọng văn ở câu 4a.b. có vẻ gay gắt, bạo lực nhưng phần sau của câu này lại cho người đọc cảm nhận một nỗi đau đớn, chua xót của một người chồng vẫn còn yêu thương vợ mình mà phải cứng rắn răn dạy người vợ hư thân. Tất cả “những vật đĩ thõa trên mặt và những dấu ngoại tình trên ngực” của “nó (người vợ) đều phải vứt bỏ.” Tức là những thứ thuộc về văn hóa đồi trụy vùng Ca-na-an, của những người thờ kính Ba-an phải bị dẹp bỏ. Câu 13 sau này sẽ nói rõ hơn rằng đó là vòng, vàng xỏ mũi và đeo cổ, tức là những dấu hiệu của gái mại dâm (Gr 4,30; Ed 23,40) hay trang sức thờ cúng thần Ba-an. Rõ ràng cuối câu 4 là lời mời gọi hơn là xét xử. Lời kêu gọi ấy cũng cho thấy chính người vợ là nguyên nhân phá hủy giao ước phu phụ và việc người chồng chối bỏ cô là hệ quả tất yếu, chính đáng. Trong nỗi đau đớn, người chồng tuyên cáo án phạt sẽ dành cho người vợ nếu cô không bỏ thói lăng loàng của mình. Theo luật của người Ít-ra-en, người vợ ngoại tình bị bắt thì phải bị xử tử (Đnl 22,22). Tuy nhiên, dường như ở đây người chồng không hề muốn xử cô vợ theo luật ấy mà chỉ muốn răn đe. Câu 5 nói rõ rằng cô sẽ bị “lột trần truồng…biến thành sa mạc…cho chết khát.” Hơn nữa, những đứa con của cô cũng sẽ không được yêu thương (c.6).
Tới đây, người đọc có thể dừng lại để xác định lại các tuyến nhân vật. Thật khó hình dung câu chuyện kể về người nhưng lại xuất hiện những yếu tố liên kết sự vật như “sa mạc” trong câu 5 này. Có lẽ hình ảnh đất đai, sa mạc trong câu 5 cho ta hiểu rằng tương quan vợ chồng trong đoạn văn đang phân tích không chỉ đơn thuần là tương quan giữa Hô-sê và bà Gô-me-vợ ông, nhưng nó còn diễn tả tương quan giữa Đức Chúa và dân Ít-ra-en trên vùng đất họ đang sống. Như thế, Hô-sê đã nói đại diện cho Đức Chúa. Theo cách hiểu đó, lược lại câu 4, những đứa con và cả người mẹ có thể hiểu là chính dân Ít-ra-en. Cũng vậy, việc từ bỏ những dấu tích lăng loàng có thể cho độc giả liên tưởng tới việc từ bỏ các thần của dân ngoại (St 35,2; Gs 24,14.23; 1Sm 7,3). Nội dung câu 5 diễn tả hình bóng văn hóa thực tồn vùng Ca-na-an và hình phạt đe dọa được thực hiện trên đất đai hơn là trên dân.[8] Dựa vào bối cảnh lịch sử, đây có thể được coi là lời tiên trưng cho việc Sa-ma-ri bị sụp đổ. Trong đó, Đức Chúa đưa Ít-ra-en từ cảnh nô lệ bên Ai-cập đến tự do. Ngài đưa dân băng qua sa mạc, thiết lập giao ước và ban đất cho dân. Giờ đây dân không trung tín với giao ước thì phải trả lại đất cho Đức Chúa và quay về với thân phận nô lệ, lưu lạc, tha phương.
Tiếp nối những hình phạt nếu người vợ không từ bỏ lối sống của mình, những đứa con do vợ sinh ra cũng sẽ không được thương. Theo luật hôn nhân và thừa kế của người vùng Cận Đông, những đứa con do người mẹ lăng loàng, bị chồng ruồng bỏ và đuổi khỏi nhà thì không được thừa kế gia sản của người cha (St 21,10-14; Tl 11,3-7).[9] Như vậy, những đứa con cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lối sống của người mẹ. Liên tưởng tới tương quan giữa Đức Chúa và dân Người, độc giả có thể thấy rằng những người dân sống trong đất nước Ít-ra-en sẽ cùng chịu chung vận mệnh của toàn dân tộc (Gr 21,3-9).
Cáo tội người vợ và những hình phạt người chồng có thể áp dụng (cc.7-15)
Sau khi thể hiện nỗi uất ức, người chồng tuyên cáo những tội trạng của người vợ và theo đó, người chồng đề ra những phương án hình phạt có thể áp dụng để lôi kéo người vợ quay về với mình. Các câu 7-15 được chia thành 2 cặp “cáo tội người vợ” (cc.7.10) và “những hình phạt được đề xuất” (cc.8-9.11-15). Cấu trúc sau mỗi lần cáo tội người vợ liên hệ đến những sản vật, quà tặng thì hình phạt được đề ra một cách tương ứng “bởi thế, Ta sẽ …”. Tội của người vợ được kể ra mỗi ngày một tăng nặng, quá quắt và hình phạt cũng ngày càng nặng hơn.
Ở câu 7, người vợ bị tố tội là đã làm điếm. Lời của người vợ được trích dẫn ở ngôi thứ nhất cho thấy ý muốn và tự cho chọn lối sống của cô. Khác với những cô gái điếm đứng đường chờ khách tới, người vợ này lại chủ động tìm kiếm khách hàng. Cô ta công khai chạy theo tình nhân để tìm kiếm bánh, nước, len, vải, dầu ăn, thức uống. Đó là những đồ dùng thường ngày và có thể dùng làm lễ vật dành cho đám cưới vùng Cận Đông.[10] Đó đồng thời cũng là lễ vật dâng cúng cho Ba-an ở thế kỷ VIII TCN.[11] Như vậy, dân Ít-ra-en được đại diện bằng hình ảnh người vợ đã công khai chối bỏ Đức Chúa mà tìm kiếm những vật phẩm từ bên ngoài, công nhận tình nhân Ba-an là chúa của họ. Bên cạnh đó, đây cũng là lời cáo tội Ít-ra-en thời kỳ sau cuộc chiến Si-rô – Eph-ra-im đã không nghe lời ngôn sứ cảnh báo mà cậy vào tài trí của mình, đi cầu viện Ai-cập để đánh Át-sua.[12]
Cụm từ “bởi thế, Ta sẽ…” bắt đầu mở ra một phương án để sửa dạy người vợ. Ở câu 8, người chồng sẽ lấy gai góc chặn đường, xây tường rào để ngăn cản người vợ tiếp tục chạy theo các tình nhân của mình. Khi không sống đúng với phẩm giá, người vợ trở thành những con vật bị quản thúc. Điều này cũng là hình ảnh liên hệ đến biến cố Samari bị cô lập năm 731 TCN. Kết quả của việc làm rào chắn là khiến cô vợ “chạy theo tình nhân mà không gặp; tìm kiếm chúng mà chẳng thấy” và khiến cô suy nghĩ về thời gian ở bên chồng của mình (c.9). Cô vợ so sánh các tình nhân với chồng và nhận ra mình sướng hơn khi ở với chồng. Một lần nữa, lời thú nhận của cô vợ được dùng ở ngôi thứ nhất để thấy sự tự do của cô. Tuy nhiên, việc một người lìa bỏ vợ thì không thể tái hôn với người vợ ấy nữa (Đnl 24,1-4), huống hồ gì đây là tự cô vợ muốn quay về bên chồng.[13] Bên cạnh đó, cô vợ muốn trở về không phải là vì yêu chồng hay ăn năn lỗi lầm của mình nhưng vì ở nhà chồng thì cô được sung sướng hơn tình cảnh bây giờ.[14] Cũng vậy, Ít-ra-en trở về với Đức Chúa không phải vì nhận thức những gì Đức Chúa ban cho họ nhưng vì kinh nghiệm được chăm sóc, bảo vệ. Đó là sự trở về cách hời hợt và quy kỷ như được nhận thấy nơi Gia-róp-am I (1V 13,1-6), A-kháp (1V 18), Giê-hu (2V 9-10),…
Nếu ở câu 7, người vợ ở ngôi thứ nhất nói “chính họ (tình nhân) cho tôi” thì sang câu 10, đối lại, người chồng ở ngôi thứ nhất nói “chính Ta đã ban cho nó”. Nhân vật chồng tiếp tục hạch tội người vợ. Ông cho thấy rằng người vợ đã nổi loạn, không chịu nhận biết những gì ông tặng cho cô (c.7) và lại còn đem đi chế tác những đồ dâng cúng Ba-an. Động từ [dy mang nghĩa chủ ý nhận thức hơn là việc biết thông tin đơn thuần.[15] Hơn nữa, việc người vợ chối bỏ chồng để chạy theo tình nhân thật hài hước vì những thứ người vợ liệt kê và cho là mình nhận từ tình nhân thì thực tế chẳng thể so bì được với những gì cô nhận từ chồng. Quả vậy, ở câu 7, người vợ nói rằng cô nhận từ tình nhân: bánh, nước, len, vải, dầu ăn, thức uống; còn ở câu 10, người chồng cho biết đã tặng cô lúa mì, rượu mới, dầu tươi, vàng bạc nữa. Tất cả những thứ người vợ đề cập chỉ là những nhu yếu phẩm thường ngày; còn những gì người chồng nhắc đến là đặc biệt dành cho một hôn lễ sang trọng (St 24,47.53). Tình tiết tăng nặng của tội người vợ chính là việc cô dùng những gì người chồng ban tặng để dành cho tình nhân của mình. Thật nực cười khi một cô gái điếm lại dùng những gì mình có để dâng tặng cho tình nhân, khách hàng của mình. Hình ảnh người vợ phản ánh thực trạng của dân Ít-ra-en thời Giơ-róp-am II.[16] Đất nước khi ấy thịnh vượng và dân chạy theo bái tế thần Ba-an như thể những gì họ đang có là do thần ấy ban tặng vậy.
“Bởi thế, Ta sẽ …” khởi đầu câu 11 đánh dấu bước chuyển từ hạch tội sang đề ra phương án sửa trị người vợ. Nếu ở câu 9, gốc động từ bWva được dùng với ý “quay về” thì ở câu 11, gốc động từ này được dùng lần nữa với ý “lấy lại”, “đòi lại”. Theo luật của vùng Cận Đông, hành vi đòi lại mọi thứ của chồng là hệ quả của việc ly hôn.[17] Khi đó, Đức Chúa đòi lại toàn bộ những sản vật từ thiên nhiên, đất đai. Ở cuối câu này, hình ảnh người vợ xuất hiện trở lại trong tình trạng bị lấy lại toàn bộ đồ đạc đến mức trần truồng tiên báo việc Samaria sẽ bị tàn phá. Lược lại câu 5, người đọc có thể thấy lời răn đe của người chồng dành cho vợ không có hiệu quả. Kết quả ở câu 11 đã cho thấy người vợ vẫn cố tình chạy theo lối sống lăng loàng của mình. Từ câu này, tương quan giữa nhân vật “Ta” ở ngôi thứ nhất với đối thể không rõ ràng là người vợ hay vùng đất và dân tộc. Lối hành văn như thế thu hút người đọc và cho thấy nơi nhân vật người chồng rõ ràng có bóng dáng của Đức Chúa và nhân vật vợ là dân Ít-ra-en. Có thể thấy, câu 11 này vừa có thể hiểu người chồng sẽ phạt vợ bằng cách đòi lại mọi thứ mình đã tặng; nhưng cũng vừa có thể hiểu là Đức Chúa sẽ lấy lại mọi sự, kể cả tương quan với dân Ít-ra-en để “không ai có thể cướp nó khỏi tay Ta” (c.12). Như thế, câu 12 khẳng định quyền làm chủ của Đức Chúa trên dân Ít-ra-en. Đi kèm với việc khẳng định quyền làm chủ, Đức Chúa cũng đưa ra một loạt các hình phạt có thể áp dụng cho dân. Theo đó, Đức Chúa phơi bày những điều đáng hổ thẹn (lewdness) mà dân đã làm, lấy đi niềm vui của những dịp lễ (c.13) và hủy hoại nền nông nghiệp của dân (c.14). Điều ấy có lẽ muốn nói rằng dân sẽ phải chịu cảnh tủi hổ của những kẻ bại trận; mùa màng của dân sẽ rơi vào tay kẻ khác. Hình ảnh ấy làm người đọc liên tưởng đến việc Ít-ra-en thất trận và phải lưu vong. Kinh nghiệm mất nước cũng đi đôi với việc không còn những ngày lễ hội. Ở đây, những ngày lễ có thể là dịp lễ kính Đức Chúa: lễ Vượt Qua, lễ Bánh Không Men, Sa-bát… (Xh 23,14-17; 34,18-24; Đnl 16,1-17; Ds 28,9-15) nhưng cũng có thể là dịp lễ kính thần Ba-an.[18] Rất có thể, những dịp lễ kính Chúa được tổ chức song song với các lễ kính thần Ba-an và dân đã chọn Ba-an mà lãng quên Đức Chúa nên câu 15 có nhắc đến việc chạy theo tế tự thần Ba-an “mà lãng quên Ta (Đức Chúa)”. Câu 15 này đóng vai trò như một sự đúc kết những lời tuyên cáo tội trạng và ý định giáng phạt của Đức Chúa dành cho dân. Như thế, hình phạt được đề ra khiến vùng đất Ít-ra-en trở lại tình trạng hỗn độn ban đầu: rừng bất khả xâm phạm, trái cây bị dã thú gặm tan hoang… Đó là một cảnh tượng của sự hoang tàn. Toàn bộ khối nội dung cc.4-15 được đánh dấu kết thúc bằng cụm từ “sấm ngôn của Đức Chúa”.
Tái lập hôn ước và hệ quả đi kèm (cc.16-25)
Khung cảnh lãng mạn của hôn ước (cc.16-17)
Đầu câu 16 xuất hiện lại cụm từ “bởi thế, Ta sẽ…”. Như đã trình bày ở phần trước, cụm từ này đánh dấu những hình phạt dự kiến sẽ được áp dụng cho người vợ (dân Ít-ra-en). Tuy nhiên, ở đây cụm từ này lại mở ra một kế hoạch yêu thương mà người chồng (Đức Chúa) dành cho cô vợ. Có vẻ như cách hành xử của người chồng không hợp lý. Người vợ lăng loàng đáng lẽ nên bị phạt nhưng lại được chồng tha thứ và đón nhận như thuở mới yêu. Sự chuyển biến bất ngờ từ đe dọa sang quyến rũ làm nổi bật thêm hình ảnh người chồng đáng thương yêu vợ mình hết mực.[19] Điều này cũng cho thấy tình thương của Đức Chúa dành cho dân Người vượt trên những lập luận lý trí thông thường.
Sáng kiến khởi phát từ Đức Chúa và cũng chính Người mặc cho những hạn từ rượu, cây vả, lúa, sa mạc,… một ý nghĩa mới. Nếu để ý, người đọc sẽ thấy dường như Đức Chúa muốn đi lại con đường tình yêu của Người với dân: từ quyến rũ, thuyết phục đến đưa vào sa mạc để thì thầm những lời thân mật. Nếu “sa mạc” ở câu 5 mang nét tiêu cực thì ở đây, sa mạc là nơi để “thổ lộ tâm tình”, nơi để ““lalh,sw evpi. th.n kardi,an auvth/j”” (ta sẽ nói vào tim của cô ấy)[20]. Đó là hình ảnh thật lãng mạn (St 34,3; Tl 19,3). Sa mạc ở câu 5 là nơi khô cằn, chết chóc, nơi dành cho những ai chạy theo Ba-an; còn sa mạc ở đây là nơi của tình yêu, sự sống và dành cho giao ước giữa Đức Chúa với dân Người.
Ở câu 17, Đức Chúa hứa phục hồi cho Ít-ra-en đất đai, hoa màu chạy dài đất nước từ thung lũng A-kho[21]. Thung lũng ấy từng là nơi nổi loạn và “xúi quẩy” (Gs 7,24-26) giờ đây trở nên cửa khẩu hy vọng và vinh dự. Nếu như hình ảnh vườn nho xuất hiện ở câu 14 trong tình cảnh bị bỏ hoang, điêu tàn thì ở câu 17 này, chúng được Đức Chúa trả lại trong tình trạng trù phú đến nỗi khiến A-kho trở nên cửa khẩu hy vọng. Điều này được xem như món quà cưới cho việc tái lập hôn ước, như sẽ thấy ở các câu theo sau. Thêm vào đó, Đức Chúa một lần nữa chờ đợi lời cam kết trung tín của dân như ngày họ ký kết giao ước với Người tại chân núi Sinai (Xh 19,5-6.8; 24,7) mà Đức Chúa gọi là “buổi thanh xuân” của dân Người. Điểm này sẽ được Ê-dê-ki-en khai triển trong Ed 16,1-14; 23,3-4.8.
Khung cảnh lãng mạn ấy được thiết lập để làm nổi bật thêm việc tái lập hôn ước giữa Đức Chúa với dân Người.
Hôn ước và hệ quả đi kèm (cc.18-25)
Ngoài câu 15, trong khối cc.18-25 có 2 lần cụm từ “sấm ngôn của Đức Chúa” được dùng. Khác với cách dùng lần đầu để đóng lại nội dung tiên báo khả thể người vợ bị giáng phạt, cụm từ này được dùng ở 2 lần sau nhằm mở ra những lời tiên báo về hôn ước và những hệ quả đi kèm.
Thêm nữa, cụm từ “vào ngày đó” xuất hiện 3 lần ở các câu 18, 20, 23 làm nổi bật lên chủ đề Đức Chúa tái lập giao ước với dân. Vậy ngày đó là ngày nào? Nhà chú giải Edward Glenny cho rằng đó là thời kỳ Đức Chúa thể hiện quyền năng của Người trong dân thánh (Am 5,18.20; 8,9).[22] Còn theo nhà chú giải Kelle, “ngày đó” được hiểu là thời điểm Đức Chúa cứu vãn mối tương quan của Ngài với dân bằng việc tái lập giao ước, như đề cập ở câu 23 và được báo trước bằng bầu khí diễn tả ở cc.16-17.[23]
Ở câu 18, đối tượng người vợ (dân Ít-ra-en) được nhắc đến ở ngôi thứ hai, “ngươi” (giống cái, số ít). Cách chuyển này còn thấy ở cc.21-22. Dễ thấy rằng từ khởi đầu bản văn, người vợ chỉ được nhắc đến ở ngôi thứ ba số ít, nghĩa là chỉ được “nói về”. Trong câu 18 này, người vợ được nhắc đến bằng ngôi thứ hai số ít, tức là được “nói với”. Từ “nói về” đến “nói với” là tiến trình của việc hòa giải. Việc nhân vật người vợ chỉ được “nói về” diễn tả tương quan xa rời giữa người vợ và người chồng (ngôi thứ nhất). Còn ở đây, người chồng “nói với” đích danh người vợ bằng ngôi thứ hai. Điều này chứng tỏ người chồng chủ động đi bước trước để lôi kéo người vợ về phía mình. Chính hành động như thế của người chồng mở ra cơ hội cho người vợ trở về để hòa giải và sống tương quan thân mật hơn với chồng. Tương quan ấy không còn xa xôi như giữa “ông chủ” và nô tỳ, nhưng như giữa “mình” – tôi, tức là giữa hai vợ chồng. Hành động động của người chồng cũng cho thấy Đức Chúa khẳng định vị thế của mình trong tương quan phu-phụ với dân Ít-ra-en. Sau đó, Đức Chúa loại bỏ những tình nhân của vợ ở câu 19. Việc này do Đức Chúa, tức người chồng thực hiện nên nhân vật vợ được đặt ở ngôi thứ 3 (giống cái, số ít). Có thể thấy, không cần chờ người vợ loại bỏ tàn tích đĩ điếm khỏi mình (c.4), người chồng đã chủ động ra tay trước. Điều đó chứng tỏ chính Đức Chúa chủ động hòa giải với dân Người.
Kéo theo giao ước tình thân với dân là một giao ước Đức Chúa vì dân mà ký kết với thiên nhiên (c.20). Việc Đức Chúa lập giao ước với thiên nhiên là để sinh ích lợi cho dân Người. Qua giao ước ấy, dân được hòa hợp với thiên nhiên. Hình ảnh hòa hợp này đối nghịch hẳn với hình ảnh dã thú tung hoành vườn nho ở câu 14. Có thể thấy, Đức Chúa chăm sóc Ít-ra-en bằng cách ký giao ước với muông thú để chúng sống hòa hợp với dân, như được nhắc tới trong câu chuyện Nô-ê (St 9,10). Thực ra, trong sách Thánh có nhiều đoạn ghi nhận rằng con người vi phạm luật Chúa nên gây ra xung đột với thiên nhiên (St 3,14-21; Lv 26,21-22; Đnl 28, 26.42; Hs 4,3). Ở đây, dân Ít-ra-en chạy theo thần Ba-an, đưa con bò lên vị trí thần thánh. Như thế, họ đã lạm dụng thiên nhiên. Khi được tái lập giao ước với Đức Chúa, họ phải từ bỏ Ba-an, tức là trả lại cho thiên nhiên vị thế đúng của nó. Ngoài ra, trong câu 20, Đức Chúa cũng hứa ban cho dân được sống hòa bình. Dân được sống yên vui khi sống trung tín với giao ước mà họ đã cam kết với Đức Chúa. Khi bất trung, chiến tranh là hệ quả tất yếu xảy ra (Lv 26,25-39; Đnl 28,25.31-33.49-52). Với việc tái lập hôn ước, Đức Chúa cho hòa bình ngự trị trên dân; bạo lực được thay thế bằng bình an.
Sang câu 21, người vợ đại diện cho dân được Đức Chúa tuyên bố lập hôn ước. Người vợ được nhắc đến ở ngôi thứ 2 để cho thấy Đức Chúa lập hôn ước một cách trực tiếp với dân mà không thông qua trung gian nào. Đó được mô tả là một giao ước vĩnh cửu, công minh, chính trực, ân tình và xót thương. Kéo theo đó là việc người vợ sẽ được “biết Đức Chúa” (c.22). Điều này đối lập với việc người vợ không nhận biết người chồng đã đối xử tốt với cô thế nào ở câu 10. Ở đây, người vợ sẽ biết Đức Chúa mọi mặt đều vượt trội trên mọi tình nhân của cô. Đó cũng có thể là lời tiên báo cho việc dân hồi hương và tái thiết Đền Thờ (538 TCN) sau khi cả hai vương quốc sụp đổ.
Câu 23 khởi đầu bằng cụm từ “vào ngày đó, sấm ngôn của Đức Chúa…” để mở ra một loạt những hệ quả của giao ước Đức Chúa vừa tái lập với dân Người. Hệ quả đầu tiên là lời chúc phúc cho dân mùa màng phong phú. Động từ hn[ trong câu diễn tả hành động Đức Chúa đáp lại (answer, respond) và quan tâm (be busy with, meet the needs of) đến trời đất.[24] Ngài “đáp lại” trời khiến mưa thuận gió hòa. Từ đó, trời “đáp lại” đất bằng việc đổ mưa và làm cho đất đai màu mỡ, giải tỏa mọi cơn khát. Đó giống như điều