xung toi pha thai

15/03/2016
10.4K
Việc Xưng Tội và Tội Phá Thai
1. Giáo huấn của Giáo Hội về việc Phá Thai
Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, các thụ tạo nhân linh phải được nhìn nhận có các quyền lợi của một nhân vị, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi thụ tạo vô tội (GLHTCG số 2270).
Do đó, Giáo hội ngay từ thế kỷ thứ nhất, đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý.
“Thiên Chúa là Chúa của sự sống, đã giao phó cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn nhiệm vụ đó cách xứng đáng với con người. Vì vậy, sự sống ngay từ lúc tượng thai, phải được bảo vệ hết sức cẩn thận: việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (MV 51).
Vì thế, cộng tác chính vào việc phá thai là một trọng tội. Theo giáo luật, Hội thánh phạt vạ tuyệt thông cho tội ác chống lại sự sống con người này. “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết (Latae sententia) (x. GL đ. 1398). Hình phạt tiền kết có nghĩa là “Phạm nhân phải chịu hình phạt tức khắc do chính sự kiện phạm tội” (GL đ. 1314) và theo những điều kiện đã được giáo luật dự liệu (x GL đ. 1323-1324).
2. Việc tha Vạ và tội Phá Thai
Thông thường, hình phạt tiền kết do luật thiết định nhưng chưa được tuyên bố, và nếu hình phạt ấy đã không dành riêng cho Tông Toà, thì có thể được Đấng Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và những người đang ở trong địa hạt mình hay những người đã phạm tội tại đó, mọi Giám Mục nào cũng có quyền tha hình phạt ấy, nhưng chỉ trong khi ban bí tích Giải tội (x. GL đ. 1356).
Kế đến các Kinh sỹ nhà thờ chánh toà (GL đ. 508) và các cha giải tội trong trường hợp nguy tử ( GL đ, 976) cũng có năng quyền để tha ở toà bí tích các vạ tiền kết chưa được tuyên bố. Ngoài ra Giáo luật cũng cho phép mọi cha giải tội có thể tha ở toà trong, lúc ban bí tích vạ tuyệt thông tiền kết hay vạ cấm chế tiền kết chưa được tuyên bố, nếu thấy hối nhân cảm thấy khổ sở khi phải sống trong tình trạng tội trong suốt thời gian cần thiết để bề trên có thẩm quyền định liệu. Và khi tha vạ, cha giải tội buộc hối nhân trong vòng một tháng phải thượng cầu lên bề trên có thẩm quyền hay lên tư tế có năng quyền và tuân theo quyết định của ngài. Nếu bất tuân thì mắc vạ lại. Trong khi chờ đợi quyết định, cha giải tội phải ra một việc đền tội cân xứng và phải buộc đương sự sửa chữa gương xấu cũng như đền bù thiệt hại trong mức độ cần thiết. Đương sự cũng có thể nhờ cha giải tội thực hiện việc thượng cầu này (GL đ. 1357).
Trường hợp ngoại lệ trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Phanxico vào ngày 24 tháng 11 năm 2015 đã ban cho mọi linh mục trong khi cử hành bí tích Giải tội năng quyền tha vạ tuyệt thông của tội phá thai (Prot. N 15208/2015).
3. Việc Xưng thú tội lỗi
Theo chỉ dẫn của sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, muốn lãnh nhận bí tích Thống hối (giải tội) cách hữu hiệu, người tín hữu được khuyên nên làm các việc sau với ý ngay lành:
- Xét mình.
- Ăn năn và dốc lòng chừa tội.
- Xưng tội.
- Đền tội.
Việc xét mình giúp chúng ta khiêm nhường nhớ lại các tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân (GLHTCG 1454). Việc ăn năn và dốc lòng chừa tội là thật lòng chê ghét các tội đã phạm và quyết tâm từ nay không phạm tội nữa (GLHTCG 1451-1454). Việc xưng tội là thành tâm thú nhận với linh mục, đại diện Chúa Kitô, các tội mình đã phạm (GLHTCG 1455-1456). Việc đền tội là làm những việc cha giải tội chỉ định, để tạ lỗi với Chúa và đền bù thiệt hại do tội lỗi gây ra (GLHTCG 1459-1460).
Trong các việc trên, Xưng tội với vị linh mục được xem như là phần cốt yếu. Do dó, nó đòi buộc hối nhân phải kể tất cả các tội trọng mà họ đã ý thức được sau khi xét mình kỹ lưỡng. Và nếu họ đã chân thành xưng thú tất các tội ấy, Thiên Chúa nhân từ sẽ tha thứ cho họ kể cả những tội họ quên xót. Tuy nhiên, nếu ai cố tình giấu giếm một tội trọng, thì họ không những không được tha các tội đã xưng.
Giáo huấn Công Đồng trindentinô dạy về điều này như sau:
“Mỗi khi các Kitô hữu cố gắng xưng thú tất cả các tội lỗi mà họ nhớ được, chắc chắn là họ đã trình bày tất cả cho lòng thương xót Chúa để được tha thứ. Còn những ai trình bày điều gì khác đi và cố tình giấu mốt số tội, thì họ chẳng trình bày điều gì cho lòng nhân hậu Chúa để được ơn tha thứ qua vị tư tế. Vì nếu bệnh nhân xấu hổ không cho thầy thuốc coi vết thương, thì thuốc không chữa được điều mà nó không biết” (GLHTCG 1456).
Do đó, nếu chúng ta đã thành tâm xưng thú các tội lội với lòng ăn năn chân thành thì Thiên Chúa tha mọi tội cho chúng ta. Còn với những tội mà chúng ta quên xót thì Chúa cũng tha, nhưng nếu trong lần xưng tội kế tiếp mà ta nhớ lại tội ấy, ta cũng có thể xưng lại với Cha giải rội.
Lm Gioan Lê Quang Tuyến
TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT