Header

Bộ Giáo Luật - The Code of Canon Law: Quyển II: Dân Chúa

avatarby
25/02/2016
4.4K
Ðiều 204: (1) Các tín hữu là những người, nhờ phép Rửa Tội, được hiệp thân với Ðức Kitô, kết thành dân của Chúa và do đó...

Phần I: Các Tín Hữu

Ðiều 204: (1) Các tín hữu là những người, nhờ phép Rửa Tội, được hiệp thân với Ðức Kitô, kết thành dân của Chúa và do đó, họ tham dự theo cách thế riêng vào chức vụ tư tế, sứ ngôn và vương giả của Ðức Kitô. Theo điều kiện của mỗi người, họ được kêu gọi thực hành sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo Hội chu toàn trong thế giới.

(2) Giáo Hội này, được thiết lập và tổ chức như một xã hội ở trong thế giới, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, được cai quản do người kế vị Thánh Phêrô và do các Giám Mục hiệp thông với Người.

Ðiều 205: Ðược hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo trên địa cầu này là những người đã chịu phép Rửa Tội kết hợp với Ðức Kitô trong cơ chế hữu hình của Giáo Hội, tức là bằng những mối dây của việc tuyên xưng Ðức Tin, của các phép Bí Tích và của việc cai trị của Hội Thánh.

Ðiều 206: (1) Những người dự tòng liên hệ với Giáo Hội bởi một lý do đặc biệt. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, họ bày tỏ minh thị lòng mong ước được gia nhập Giáo Hội; chính nhờ sự ước muốn đó cũng như nhờ đời sống tin, cậy, mến mà họ liên kết với Giáo Hội, và Giáo Hội tiếp đón họ như là phần tử của mình vậy.

(2) Giáo Hội săn sóc cách riêng những người dự tòng. Trong khi mời gọi họ sống đời sống Phúc Âm, và dẫn nhập họ vào việc cử hành các nghi lễ thánh, Giáo Hội rộng ban cho họ nhiều đặc ân dành riêng cho các tín hữu.

Ðiều 207: (1) Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo Hội, có các thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là các Giáo Sĩ; còn các người khác được gọi là Giáo Dân.

(2) Trong cả hai thành phần vừa nói, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt và đóng góp vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm qua lời khấn hoặc qua mối giây ràng buộc thánh thiện khác, được Giáo Hội công nhận và phê chuẩn. Hàng ngũ của họ tuy không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng thực sự thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội.

 
Thiên 1: Nghĩa Vụ Và Quyền Lợi Của Các Tín Hữu

Ðiều 208: Giữa các tín hữu, nhờ sự tái sinh trong Ðức Kitô, mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng này, các tín hữu cộng tác với nhau xây dựng thân thể Ðức Kitô, tùy theo điều kiện và chức vụ riêng của từng người.
Ðiều 209: (1) Các tín hữu buộc phải luôn luôn duy trì sự hiệp thông với Giáo Hội, kể cả trong đường lối hành động.

(2) Họ phải chuyên cần chu toàn mọi trách vụ đối với Giáo Hội hoàn vũ cũng như đối với Giáo Hội địa phương mà họ trực thuộc chiếu theo luật.

Ðiều 210: Tất cả các tín hữu, tùy theo điều kiện riêng mình, phải cố gắng hết sức sống đời thánh thiện, và lo cho Giáo Hội được phát triển và được thánh hóa liên lỉ.

Ðiều 211: Tất cả các tín hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới hết mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi.

Ðiều 212: (1) Ý thức trách nhiệm riêng của mình, các tín hữu, với lòng vâng phục Kitô Giáo, phải tuân theo những điều mà các vị Chủ chăn có chức thánh đại diện Chúa Kitô, tuyên giảng với tư cách là các thầy dạy đức tin hoặc qui định với tư cách là người lãnh đạo Giáo Hội.

(2) Các tín hữu có quyền trình bày cho các Chủ chăn của Giáo Hội, các nhu cầu của mình, nhất là các nhu cầu thiêng liêng, và các ước vọng của mình.

(3) Tùy theo kiến thức, chuyên môn và tài ba của mình, họ có quyền, và đôi khi kể cả bổn phận, bày tỏ cho các Chủ chăn có chức thánh biết ý kiến của mình liên quan tới lợi ích của Giáo Hội. Họ cũng có quyền biểu lộ ý kiến của mình cho các tín hữu khác, miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và luân lý, cũng như sự tôn kính đối với các Chủ chăn, và để ý đến công ích và phẩm giá của tha nhân.

Ðiều 213: Các tín hữu có quyền được lãnh nhận từ các Chủ chăn sự hỗ trợ nhờ các của cải thiêng liêng của Giáo Hội, nhất là Lời Chúa và các Bí tích.

Ðiều 214: Các tín hữu có quyền phụng thờ Thiên Chúa theo các qui định của lễ điển riêng đã được các Chủ chăn hợp pháp của Giáo Hội chuẩn y, và quyền theo đuổi một hình thái của đời sống thiêng liêng, miễn sao phù hợp với đạo lý của Giáo Hội.

Ðiều 215: Các tín hữu có quyền tự do thiết lập và điều khiển các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoặc nhằm cổ võ ơn gọi của người Kitô trong thế giới; họ cũng có quyền nhóm họp để cùng nhau theo đuổi đạt tới các mục đích đó.

Ðiều 216: Vì được tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội, tất cả các tín hữu có quyền cổ võ và nâng đỡ hoạt động tông đồ kể cả bằng sáng kiến riêng, tùy theo tình trạng và điều kiện của họ; tuy nhiên không sáng kiến nào có thể mệnh danh là Công Giáo, nếu không có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội.

Ðiều 217: Các tín hữu, xét vì bởi phép Rửa Tội, họ được kêu gọi sống cuộc đời phù hợp với giáo lý Phúc Âm, nên có quyền hấp thụ nền giáo dục Kitô giáo, nhờ đó họ được đích thực giáo huấn để đạt tới sự trưởng thành nhân bản và đồng thời, hiểu biết và sống mầu nhiệm cứu độ.

Ðiều 218: Những kẻ nghiên cứu các thánh khoa được hưởng quyền tự do chính đáng để sưu tầm và trình bày ý kiến cách thận trọng trong lãnh vực chuyên môn của họ, miễn là duy trì lòng suy phục đối với quyền giáo huấn của Giáo Hội.

Ðiều 219: Tất cả các tín hữu có quyền không bị cưỡng ép trong việc lựa chọn bậc sống.
Ðiều 220: Không ai được phép làm thiệt hại cách bất hợp pháp đến thanh danh mà mỗi người được hưởng, hoặc vi phạm quyền của mỗi người được bảo vệ bí mật riêng tư của mình.

Ðiều 221: (1) Các tín hữu được phép đòi hỏi và bảo vệ cách chính đáng những quyền lợi mà họ được hưởng trong Giáo Hội trước Tòa án Giáo Hội hợp với quy tắc luật định.
(2) Khi bị nhà chức trách có thẩm quyền nào triệu ra tòa, các tín hữu có quyền được xử theo các quy tắc của luật pháp được áp dụng hợp với lẽ phải.

(3) Các tín hữu có quyền chỉ bị thụ án phạt theo Giáo Luật hợp với quy tắc luật định.
Ðiều 222: (1) Các tín hữu có bổn phận chu cấp cho các nhu cầu của Giáo Hội, để Giáo Hội có sẵn những gì cần thiết hầu xử dụng vào việc phụng thờ Thiên Chúa, các công tác tông đồ và bác ái và việc trợ cấp xứng đáng cho các thừa tác viên.

(2) Các tín hữu có bổn phận cổ võ công bằng xã hội cũng như dùng tài sản riêng để giúp đỡ những người nghèo, theo lệnh truyền của Thiên Chúa.

Ðiều 223: (1) Khi xử dụng các quyền lợi của mình, các tín hữu, dù là cá nhân hay kết hợp thành các hiệp hội, phải xét tới lợi ích chung của Giáo Hội, cũng như quyền lợi của người khác, và những bổn phận của mình đối với tha nhân.

(2) Nhà chức trách Giáo Hội có thẩm quyền để điều hành, chiếu theo lợi ích chung, việc xử dụng các quyền lợi thuộc riêng cho các tín hữu.

 
Thiên 2: Nghĩa Vụ Và Quyền Lợi Của Các Giáo Dân

Ðiều 224: Các giáo dân, ngoài những nghĩa vụ và quyền lợi chung dành cho tất cả các tín hữu Kitô giáo và những gì ấn định trong các điều luật khác, họ còn có những nghĩa vụ và quyền lợi được nói tới trong những điều luật của thiên này.

Ðiều 225: (1) Xét vì các giáo dân, cũng như mọi tín hữu khác, được Thiên Chúa ủy thác làm việc tông đồ do phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, nên họ có nghĩa vụ tổng quát và có quyền lợi xét như từng cá nhân hoặc kết hợp thành hiệp hội, phải làm sao để sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới biết đến và đón nhận. Nghĩa vụ này lại càng thôi thúc hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo dân, người ta mới có thể nghe Phúc Âm và biết Ðức Kitô.

(2) Tùy theo điều kiện riêng của từng người, các giáo dân cũng có bổn phận riêng phải thấm nhập và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Phúc Âm; và như vậy họ làm chứng cho Ðức Kitô đặc biệt khi điều hành các sự việc thế trần cũng như lúc thi hành các chức vụ trên đời.

Ðiều 226: (1) Những ai sống trong bậc vợ chồng theo ơn gọi riêng, thì có bổn phận đặc biệt phải cố gắng xây dựng dân Chúa qua hôn nhân và gia đình.

(2) Các cha mẹ, vì truyền thụ sự sống cho con cái nên có nghĩa vụ rất nghiêm trọng và quyền lợi giáo dục chúng. Vì thế, trách nhiệm đầu tiên của các cha mẹ Kitô giáo là lo bảo đảm sự giáo dục Kitô giáo cho các con cái hợp với giáo huấn Giáo Hội.

Ðiều 227: Các giáo dân có quyền được nhìn nhận sự tự do dành cho mọi công dân trong lãnh vực trần thế. Nhưng khi xử dụng quyền tự do này, họ phải lo sao cho mọi hành động của họ được thấm nhập bằng tinh thần Phúc Âm, và họ phả để ý đến đạo lý do quyền giáo huấn của Giáo Hội đề ra, tuy phải tránh để đừng trình bày ý kiến riêng của mình trong vấn đề còn đang tranh luận như là giáo huấn của Giáo Hội.

Ðiều 228: (1) Các giáo dân nào được nhận thấy là có khả năng thì có năng cách để được các Chủ chăn mời đảm nhận các chức vụ trong Giáo Hội và các nhiệm vụ mà họ có thể hành sử được chiếu theo quy tắc luật định.

(2) Các giáo dân nào xuất sắc trong sự hiểu biết, khôn ngoan và thanh liêm thì có năng lực để giúp đỡ các chủ chăn của Giáo Hội với tư cách chuyên viên hoặc cố vấn, kể cả trong các hội đồng tư vấn theo các quy tắc luật định.

Ðiều 229: (1) Ðể có thể sống theo đạo lý Kitô giáo, và để có thể loan báo và bảo vệ đạo lý ấy khi cần, và để có thể thi hành phận vụ mình trong việc tông đồ, các giáo dân có nghĩa vụ và quyền lợi thủ đắc sự hiểu biết đạo lý hợp với khả năng và điều kiện riêng của mỗi người.

(2) Họ cũng có quyền thủ đắc sự hiểu biết sâu xa hơn trong những thánh khoa được dạy trong các đại học, hoặc các phân khoa của Giáo Hội hay trong các trường dạy ton giáo, bằng cách theo các lớp giảng và lấy các bằng cấp chuyên môn.

(3) Cũng thế, khi họ đã chu tất những gì luật đòi buộc, họ có năng cách để được thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội ủy nhiệm dạy các thánh khoa.

Ðiều 230: (1) Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương.

(2) Các giáo dân có thể được chỉ định tạm thời đảm nhận việc đọc sách trong các việc phụng vụ. Cũng thế, tất cả các giáo dân có thể thi hành những công tác của người chú giải, ca trưởng hoặc những công tác khác theo quy tắc luật định.

(3) Nơi nào nhu cầu Giáo Hội đòi hỏi và thiếu thừa tác viên, thì các giáo dân dù không có tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thể họ làm một số việc, tỉ như thi hành tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các buổi cầu nguyện, rửa tội và cho rước lễ theo các quy tắc luật định.

Ðiều 231: (1) Các giáo dân nào được cử vào công tác đặc biệt của Giáo Hội, dù thường xuyên hay tạm thời, thì có bổn phận thủ đắc sự huấn luyện thích hợp để có thể chu toàn nhiệm vụ của họ; họ cũng có bổn phận thi hành nhiệm vụ cách ý thức, tận tâm và cần mẫn.

(2) Tuy vẫn giữ nguyên vẹn điều 230, triệt 1, họ có quyền được nhận thù lao xứng đáng tùy theo điều kiện của họ, ngõ hầu họ có thể được chu cấp xứng hợp các nhu cầu riêng cho chính họ và nhu cầu của gia đình họ; trong vấn đề này, phải giữ các quy tắc của dân luật nữa. Ngoài ra, họ có quyền hưởng bảo hiểm, an ninh xã hội và trợ cấp y tế.
Thiên 3: Các Thừa Tác Viên Có Chức Thánh Hay Là Các Giáo Sĩ

Chương I: Sự Ðào Tạo Các Giáo Sĩ

Ðiều 232: Giáo Hội có nghĩa vụ và quyền lợi riêng biệt và độc hữu đào tạo các người được trạch cử vào tác vụ thánh.

Ðiều 233: (1) Toàn thể cộng đồng Kitô giáo có nghĩa vụ cổ động ơn gọi, hầu cung cấp đủ cho nhu cầu các tác vụ thánh trong toàn thể Giáo Hội. Nghĩa vụ này bó buộc cách riêng các gia đình Kitô giáo, các nhà giáo dục và đặc biệt là các Linh Mục, nhất là các Cha Sở. Các Giám Mục giáo phận, những người phải lo cổ động ơn gọi hơn ai hết, hãy dạy cho dân đã được trao phó cho mình về sự cao trọng của tác vụ thánh và sự cần thiết của các thừa tác viên có chức thánh trong Giáo Hội; các vị hãy phát động và nâng đỡ các sáng kiến cổ động ơn gọi, nhất là qua các cơ sở đã được thành lập nhằm mục tiêu ấy.

(2) Ngoài ra, các Linh Mục, nhất là các Giám Mục giáo phận, phải để tâm lo cho những người đã đứng tuổi và cảm thấy được gọi vào tác vụ thánh, sao cho những người ấy được giúp đỡ khôn khéo bằng lời nói và bằng hành động, và được chuẩn bị xứng đáng.
Ðiều 234: (1) Ở đâu đã có, thì hãy duy trì và cổ động các tiểu chủng viện hay các tổ chức tương tự nhằm cổ võ ơn gọi qua việc đào tạo đạo đức riêng biệt cũng như giáo dục về mặt nhân bản và khoa học. Thậm chí, ở đâu Giám Mục giáo phận xét thấy thuận lợi, thì nên tiến tới việc thành lập tiểu chủng viện hoặc một học hiệu tương tự.

(2) Ngoại trừ những trường hợp cụ thể đòi hỏi phải làm cách khác, các thanh thiếu niên ước muốn tiến lên chức Linh Mục cần phải được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản và khoa học, tương đương với thanh thiếu niên chuẩn bị vào cấp học cao đẳng tại địa phương mình.

Ðiều 235: (1) Các thanh niên ước muốn tiến lên chức Linh Mục phải được hấp thụ sự huấn luyện về mặt thiêng liêng thích hợp và về các chức vụ riêng trong đại chủng viện trong suốt thời gian huấn luyện, hoặc ít là trong bốn năm, nếu hoàn cảnh đòi hỏi như vậy theo nhận định của Giám Mục.

(2) Những ai được trọ ở ngoài chủng viện cách hợp pháp, thì Giám Mục giáo phận cần cử một Linh Mục đạo đức và có khả năng để phụ trách cho họ được huấn luyện kỹ lưỡng về đời sống đạo đức và về kỷ luật.

Ðiều 236: Các ứng viên lên chức Phó Tế vĩnh viễn cần được huấn luyện để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và để chu toàn bổn phận riêng của chức thánh, tùy theo qui định của Hội Ðồng Giám Mục:

1. các ứng viên trẻ tuổi phải qua thời gian đào tạo ít nhất là ba năm tại một nhà riêng biệt, trừ khi Giám Mục giáo phận ấn định cách khác vì có lý do trầm trọng;

2. các ứng sinh lớn tuổi, độc thân hay đã kết bạn, phải theo một chương trình kéo dài ba năm do Hội Ðồng Giám Mục ấn định.

Ðiều 237: (1) Khi có thể được và xét thấy thuận lợi, trong mỗi giáo phận nên có một Ðại chủng viện; nếu không, các ứng viên chuẩn bị tác vụ thánh sẽ được gửi trong các chủng viện khác, hoặc sẽ thành lập một chủng viện liên giáo phận.

(2) Chủng viện liên giáo phận chỉ được thành lập do Hội Ðồng Giám Mục - nếu là chủng viện cho toan thể lãnh thổ, hoặc do các Giám Mục liên hệ - nếu không dành cho toàn lãnh thổ, sau khi đã được Tòa Thánh phê chuẩn cả về việc thành lập cũng như về quy chế của chính chủng viện.

Ðiều 238: (1) Các chủng viện đã thành lập hợp pháp thì đương nhiên được hưởng tư cách pháp nhân trong Giáo Hội.

(2) Giám Ðốc thay mặt chủng viện trong tất cả mọi công việc, ngoại trừ những việc mà nhà chức trách có thẩm quyền ấn định cách khác.

Ðiều 239: (1) Trong mỗi chủng viện cần có một Giám Ðốc đứng đầu, và nếu cần, một Phó Giám Ðốc, một Quản Lý và, nếu các chủng sinh theo học ở trong chính chủng viện, thì cả các giáo sư dạy các môn học khác nhau theo một chương trình được sắp xếp quy củ.

(2) Trong mỗi chủng viện, ít ra phải có một Linh giám. Tuy nhiên, các chủng sinh được tự do lui tới với các Linh Mục khác đã được Giám Mục trạch cử vào trách vụ đó.
(3) Trong nội quy của chủng viện, cần ấn định phương thức nhờ đó các vị điều hành khác, các giáo sư và ngay cả chính các chủng sinh đều có thể chia sẻ trách nhiệm với Giám Ðốc, nhất là trong việc duy trì kỷ luật.

Ðiều 240: (1) Ngoài các cha giải tổi thường xuyên, các cha giải tội khác nên tới chủng viện cách đều đặn; và trong khuôn khổ kỷ luật của chủng viện, các chủng sinh luôn luôn có thể đến với bất cứ cha giải tội nào ở trong hoặc ở ngoài chủng viện.

(2) Khi phải quyết định về việc chấp nhận các ứng sinh tiến chức hoặc là thải hồi họ ra khỏi chủng viện, không bao giờ được hỏi ý kiến của cha Linh Giám và của các cha giải tội.

Ðiều 241: (1) Giám Mục giáo phận chỉ nên thâu nhận vào Ðại chủng viện những người nào, xét theo các đức tính nhân bản và luân lý, đạo hạnh và trí tuệ, sức khỏe thể lý và tâm lý cùng ý muốn ngay thẳng của họ, được coi là có đủ khả năng hiến thân trọn đời cho các tác vụ thánh.

(2) Trước khi được thâu nhận, họ phải xuất trình chứng thư Rửa Tội và Thêm Sức, cũng như các văn kiện khác theo sự đòi hỏi của chương trình đào tạo Linh Mục.
(3) Khi muốn thâu nhận các chủng sinh đã bị sa thải bởi một chủng viện khác hoặc bởi một dòng tu, thì còn cần chứng thư của Bề Trên liên hệ, nhất là về lý do của sự sa thải hoặc sự rời bỏ.

Ðiều 242: (1) Trong mỗi quốc gia, cần có chương trình đào tạo Linh Mục do Hội Ðồng Giám Mục soạn thảo, căn cứ trên các quy tắc do thẩm quyền tối cao của Giáo Hội ấn định, và được Tòa Thánh phê chuẩn. Chương trình ấy cần được thích nghi cho hợp với hoàn cảnh mới, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh. Trong chương trình đào tạo, cần phải xác định những nguyên tắc chính yếu về việc đào tạo trong chủng viện, và những nguyên tắc tổng quát được thích nghi với những nhu cầu mục vụ của từng miền hoặc từng tỉnh.

(2) Các quy tắc về chương trình nói ở triệt 1 trên đây cần được áp dụng cho tất cả các chủng viện, dù là giáo phận hay liên giáo phận.

Ðiều 243: Hơn nữa, mỗi chủng viện còn có những điều lệ riêng được chuẩn y bởi Giám Mục giáo phận, hoặc bởi các Giám Mục liên hệ nếu là chủng viện liên giáo phận. Ðiều lệ nhằm thích nghi chương trình đào tạo Linh Mục hợp với những hoàn cảnh đặc biệt, và nhất là hoạch định rõ ràng hơn những khía cạnh kỷ luật chi phối nếp sống hằng ngày của chủng sinh và trật tự của cả chủng viện.

Ðiều 244: Việc đào luyện về đạo đức và đạo lý cho các chủng sinh cần được hòa hợp và ăn nhịp với nhau, nhằm cho mỗi người tùy theo cá tính riêng, đạt được sự trưởng thành về nhân bản, cùng với tinh thần Phúc Âm và sự kết hợp chặt chẽ với Ðức Kitô.
Ðiều 245: (1) Nhờ sự đào tạo về đạo đức, các chủng sinh trở thành những người đủ khả năng thi hành sứ mệnh mục vụ với kết quả phong phú và được huấn luyện về tinh thần truyền giáo, biết thâm tín rằng sự luôn luôn chu toàn chức vụ với niềm tin sống động và đức ái sẽ giúp họ thánh hoá bản thân. Ngoài ra, các chủng sinh hãy vun trồng những đức tính nhân bản cần thiết cho sự sống trong xã hội, sao cho họ biết dung hòa được những giá trị nhân bản với giá trị siêu nhiên.

(2) Các chủng sinh cần được đào luyện để có lòng yêu mến Giáo Hội của Ðức Kitô, kết hợp với Ðức Thánh Cha, Người kế vị Thánh Phêrô, với tấm lòng khiêm nhượng và thảo hiếu, gắn bó với Giám Mục riêng của mình như những người cộng sự trung thành, và biết hợp tác với anh em đồng nghiệp. Nhờ sự sống chung trong chủng viện và nhờ liên lạc bằng hữu với các bạn đồng môn, họ được chuẩn bị cho có tinh thần hợp nhất huynh đệ với Linh Mục đoàn trong giáo phận mà họ sẽ là thành phần nhằm phục vụ Giáo Hội.
Ðiều 246: (1) Việc cử hành Thánh Thể phải là trọng tâm cho cả đời sống của chủng viện, nhờ vậy mà hằng ngày, khi thông hiệp vào chính tình bác ái của Ðức Kitô, các chủng sinh múc lấy từ nguồn suối rất phong phú này, sức mạnh cho công việc tông đồ và cho đời sống đạo đức của họ.

(2) Họ cần được tập luyện cử hành phụng vụ giờ kinh, nhờ đó các thừa tác viên của Thiên Chúa, nhân danh Giáo Hội, cầu khẩn Thiên Chúa cho toàn dân đã giao phó cho họ, và cho toàn thể thế giới nữa.

(3) Họ hãy được khuyến khích tôn kính Ðức Trinh Nữ Maria, kể cả bằng việc lần hạt Mân Côi, việc tâm nguyện và các việc đạo đức khác, nhờ đó các chủng sinh thủ đắc tinh thần cầu nguyện và được vững tâm tiến bước theo ơn gọi.

(4) Các chủng sinh hãy năng xưng tội thường xuyên; ngoài ra, nên khuyến khích mỗi chủng sinh hãy có một cha Linh Giám do mình lựa chọn và có thể tin cậy cởi mở lương tâm với người.

(5) Hằng năm, các chủng sinh phải lo tĩnh tâm.

Ðiều 247: (1) Nhờ sự giáo dục thích hợp, các chủng sinh cần được chuẩn bị sống bậc độc thân và cần học hiểu để quý trọng nó như một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa.
(2) Các chủng sinh cần phải ý thức rõ rệt về mọi bổn phận và gánh nặng dành cho các thừa tác viên có chức thánh của Giáo Hội, không nên giấu diếm gì về những khó khăn của đời sống Linh Mục.

Ðiều 248: Sự đào tạo về đạo lý nhằm giúp cho các chủng sinh thâu đạt, cùng với nền văn hóa tổng quát thích ứng với những nhu cầu của mỗi nơi mỗi thời, một nền đạo lý sâu rộng và chắc chắn về các môn học thánh, để khi Ðức Tin đã đặt nền tảng và được nuôi dưỡng bởi những môn đó, các chủng sinh có thể loan truyền đạo lý Phúc Âm cách thích hợp cho những người của thời đại mình, hợp với tâm trạng của họ.

Ðiều 249: Chương trình đào tạo Linh Mục phải dự liệu cho các chủng sinh không những được học hỏi kỹ lưỡng tiếng quốc ngữ, mà còn sành sõi La ngữ và hiểu biết những ngoại ngữ khác cần thiết và hữu ích cho chính việc huấn luyện chủng sinh hoặc cho sứ mệnh mục vụ.

Ðiều 250: Các môn Triết học và Thần học trong một chủng viện có thể được dạy kế tiếp nhau hoặc đồng thời với nhau, tùy theo chương trình đào tạo Linh Mục. Hai khoa học ấy phải bao trùm một thời gian ít nhất là sáu năm trọn: hai năm dành cho Triết học và bốn năm dành cho Thần học.

Ðiều 251: Việc huấn luyện Triết học cần dựa vào di sản Triết học có giá trị muôn đời, và đồng thời để ý đến sự nghiên cứu triết học trải qua giòng lịch sử với mục tiêu là bổ túc việc đào tạo về nhân bản cho chủng sinh, rèn trí tuệ thêm sắc sảo và chuẩn bị cho chủng sinh đủ khả năng theo đuổi các môn về Thần học.

Ðiều 252: (1) Việc huấn luyện Thần học dưới ánh sáng Ðức Tin và theo sự hướng dẫn của quyền giáo huấn, nhằm giúp các chủng sinh hiểu rõ toàn bộ đạo lý Công Giáo, dựa vào mạc khải của Thiên Chúa; biết biến nó thành lương thực cho đời sống thiêng liêng của họ; và có khả năng loan truyền cùng bênh vực nó trong khi thi hành chức vụ.
(2) Các chủng sinh cần được huấn luyện đặc biệt về Kinh Thánh để giúp cho họ có một cái nhìn tổng quát về Sách Thánh.

(3) Cần có các lớp học về Thần học Tín lý, luôn luôn dựa vào Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh cùng với Thánh Truyền, nhờ vậy, với Thánh Thomas làm tôn sư, các chủng sinh học biết tường tận mầu nhiệm cứu độ. Ngoài ra, còn cần các môn Thần học luân lý và môn mục vụ, giáo luật, phụng vụ, giáo sử và những môn phụ hoặc chuyên biệt khác nữa, tùy theo chương trình đào tạo Linh Mục ấn định.

Ðiều 253: (1) Ðể đảm nhận chức giáo sư các môn Triết học, Thần học và Giáo Luật, Giám Mục hoặc các Giám Mục liên hệ chỉ nên bổ nhiệm những người trổi về nhân đức, có văn bằng Tiến sĩ hoặc Cử nhân của một đại học hoặc phân khoa đã được Tòa Thánh công nhận.

(2) Cần lo liệu bổ nhiệm có những giáo sư riêng biệt để dạy từng môn theo phương pháp riêng: Thánh Kinh, Thần Học, Tín Lý, Luân Lý, Phụng Vụ, Triết Học, Giáo Luật, Giáo Sử và các môn khác.

(3) Giáo sư nào thiếu sót trách vụ cách nặng nề, sẽ bị sa thải do thẩm quyền nói ở triệt 1.

Ðiều 254: (1) Khi dạy học, các giáo sư phải lưu ý đặc biệt đến tính cách duy nhất và hòa hợp nội tại của toàn bộ giáo lý Ðức Tin, ngõ hầu các chủng sinh có thể cảm thấy họ đang học một khoa học duy nhất. Ðể dễ đạt mục tiêu đó, trong chủng việc cần có một người điều khiển việc tổ chức toàn bộ chương trình các môn học.

(2) Các chủng sinh cần được huấn luyện để có thể tự mình khảo cứu để tìm hiểu các vấn đề, dựa theo phương pháp khoa học. Bởi vậy, cần có những công việc thực tập, dưới sự chỉ dẫn của các giáo sư, nhờ đó các chủng sinh tập cách học hỏi bằng sự cố gắng riêng tư của mình.

Ðiều 255: Tuy dù toàn thể công việc huấn luyện chủng sinh trong chủng viện đều qui hướng về mục tiêu mục vụ, nhưng cũng cần dành riêng một phần chương trình dạy về mục vụ, nhờ vậy các chủng sinh học biết được các nguyên tắc và phương pháp liên quan tới việc thi hành tác vụ giảng dạy, thánh hóa và coi sóc dân Chúa, tuy cũng phải lưu ý tới các nhu cầu của từng nơi và từng thời.

Ðiều 256: (1) Các chủng sinh cần được ân cần huấn luyện chu đáo trong hết mọi lãnh vực liên can cách riêng tới tác vụ thánh, nhất là về phương pháp dạy giáo lý và giảng thuyết, về việc phụng tự và đặc biệt là việc cử hành các Bí tích, về việc tiếp xúc với quần chúng, kể cả với những người không Công Giáo cũng như những người vô tín ngưỡng, về việc quản trị giáo xứ và những trách vụ khác.

(2) Chủng sinh cần được dạy cho biết những nhu cầu của Giáo Hội phổ quát, để họ lưu tâm tha thiết đến việc cổ võ ơn thiên triệu, tới công việc truyền giáo, công việc đại kết Giáo Hội và các vấn đề khẩn trương khác, kể cả những vấn đề xã hội.

Ðiều 257: (1) Việc đào tạo các chủng sinh cần phải thực hiện thế nào để họ biết để ý không những cho Giáo Hội địa phương nơi họ nhập tịch để phục vụ, mà còn biết lo cho cả Giáo Hội phổ quát, và họ tỏ ra sẵn sàng hiến thân cho các Giáo Hội địa phương đang ở trong tình trạng cấp bách.

(2) Giám Mục giáo phận phải dự liệu cho các giáo sĩ có ý định muốn thuyên chuyển từ Giáo Hội địa phương của họ tới một Giáo Hội địa phương ở miền khác, được chuẩn bị thích đáng để thi hành chức vụ thánh, tỉ như học tiếng địa phương và hiểu biết các định chế, điều kiện xã hội, phong tục và tập quán của miền đó.

Ðiều 258: Ðể cũng có thể học phương pháp làm tông đồ bằng chính việc làm, các chủng sinh, trong suốt thời gian học trình, và nhất là trong thời kỳ nghỉ hè, phải được khởi sự thực hành công việc mục vụ bằng những công tác thích hợp do Bản Quyền xét đoán và chỉ định, dưới sự hướng dẫn của một Linh Mục thành thạo, phù hợp với tuổi của các chủng sinh và các điều kiện của địa phương.

Ðiều 259: (1) Giám Mục giáo phận, hoặc các Giám Mục liên hệ nếu là chủng viện liên giáo phận, có thẩm quyền chỉ định Ban Giám Ðốc và công việc quản trị chủng viện.

(2) Giám Mục giáo phận, hoặc các Giám Mục liên hệ nếu là chủng viện liên giáo phận, nên đích thân lui tới thăm viếng chủng viện, theo dõi việc đào tạo các chủng sinh, việc giảng dạy Triết và Thần học, thu thập kiến thức về ơn gọi, tính nết, lòng đạo và sự tấn tới của các chủng sinh, nhất là khi nhằm tới việc truyền chức thánh cho họ.

Ðiều 260: Tất cả mọi người, trong khi lo chu toàn nhiệm vụ riêng của mình, phải vâng phục Giám Ðốc, vì Ngài có phận sự điều hành trực tiếp chủng viện, dựa theo chương trình đào tạo Linh Mục và qui luật của chủng viện.

Ðiều 261: (1) Giáo Ðốc chủng viện, và dưới quyền Ngài, các vị điều hành, các giáo sư, ai nấy tùy theo cương vị riêng của mình, phải lo liệu để các chủng sinh trung thành tuân giữ mọi điều lệ đã ấn định trong chương trình đào tạo Linh Mục và qui luật của chủng viện.

(2) Giám Ðốc chủng viện và Giám Học phải ân cần lo cho các giáo sư chu toàn phận sự riêng của họ, theo đúng qui định của chương trình đào tạo Linh Mục và qui luật của chủng viện.

Ðiều 262: Chủng viện được đặt ra ngoài lãnh vực cai quản của cha sở; bởi vậy, Giám Ðốc chủng viện hoặc một người được thừa ủy sẽ đảm trách phận sự của cha sở đối với hết mọi người ở trong chủng viện, ngoại trừ vấn đề hôn phối và quy định của điều 985.
Ðiều 263: Giám Mục giáo phận, hoặc các Giám Mục liên hệ nếu là chủng viện liên giáo phận, phải đóng góp, dựa theo một giá biểu đã thỏa thuận, vào việc xây cất và bảo trì chủng viện, việc chu cấp cho các chủng sinh, thù lao cho các giáo sư và các nhu cầu khác của chủng viện.

Ðiều 264: (1) Ðể đáp ứng các nhu cầu của chủng viện, ngoài tiền lạc quyên nói ở điều 1266, Giám Mục có thể bổ một thứ thuế trong giáo phận.

(2) Tất cả các pháp nhân thuộc Giáo Hội, kể cả pháp nhân tư, có trụ sở trong giáo phận, phải nộp thuế đóng góp giúp chủng viện, trừ những pháp nhân nào chỉ sống nhờ tiền bố thí hoặc hiện có một cộng đồng sinh viên hay giáo sư nhằm cổ động cho lợi ích chung của Giáo Hội. Thuế như vậy có tính cách tổng quát, tương xứng với lợi tức của những người phải góp thuế và được ấn định tùy theo những nhu cầu của chủng viện.
Chương II: Sự Nhập Tịch Của Các Giáo Sĩ

Ðiều 265: Bất cứ giáo sĩ nào cũng phải nhập tịch hoặc vào một Giáo Hội địa phương hoặc vào một phủ Giám Chức tòng nhân hoặc vào một Dòng tu nào hoặc vào một Tu đoàn hưởng năng quyền ấy; bởi đó, tuyệt đối không chấp nhận các giáo sĩ không có Bề Trên hoặc lang thang.

Ðiều 266: (1) Do việc lãnh chức Phó Tế, một người trở thành giáo sĩ và được nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương hoặc một phủ Giám Chức tòng nhân mà họ được tiến chức để phục vụ.

(2) Một phần tử đã khấn trọn đời trong một Dòng tu hoặc đã gia nhập vĩnh viễn vào một Tu đoàn tông đồ giáo sĩ, khi lĩnh chức Phó Tế thì sẽ nhập tịch như một giáo sĩ vào Dòng tu hay vào Tu đoàn ấy, chỉ trừ khi Tu đoàn có hiến pháp qui định cách khác.

(3) Một phần tử của một tu hội đời, khi đã chịu chức Phó Tế sẽ nhập tịch vào Giáo Hội địa phương nơi họ được tiến cử để phục vụ, trừ khi được Tòa Thánh chuẩn nhượng cho nhập tịch vào chính Tu hội.

Ðiều 267: (1) Ðể một giáo sĩ đã nhập tịch được nhập tịch hữu hiệu vào một Giáo Hội địa phương khác, cần phải có văn thư xuất tịch do chính Giám Mục giáo phận ký nhận và đồng thời phải có văn thư nhập tịch được ký nhận bởi Giám Mục giáo phận của Giáo Hội địa phương tại nơi mà giáo sĩ ước muốn nhập tịch.

(2) Sự xuất tịch được cấp chỉ có hiệu lực kể từ khi thủ đắc sự nhập tịch vào Giáo Hội địa phương khác.

Ðiều 268: (1) Giáo sĩ nào đã được thuyên chuyển hợp lệ từ Giáo Hội địa phương riêng của mình qua một Giáo Hội địa phương khác, thì sau năm năm chẵn, sẽ được nhập tịch do luật định vào Giáo Hội địa phương này, nếu đương sự viết đơn tỏ ý muốn của mình với Giám Mục giáo phận của Giáo Hội đã đón tiếp mình, cũng như với Giám Mục riêng của mình, và không ai trong hai người thông báo sự phản kháng bằng giấy tờ trong thời gian bốn tháng kể từ ngày nhận đơn.

(2) Giáo sĩ nào đã được nhập tịch vào một Dòng tu hoặc Tu đoàn tông đồ, theo điều 266 triệt 2 thì được kể là sẽ xuất tịch khỏi Giáo Hội địa phương riêng của mình do việc được thu nhận trọn đời hay vĩnh viễn vào Dòng tu hay Tu đoàn.

Ðiều 269: Giám Mục giáo phận chỉ nên tiến hành việc nhập tịch của một giáo sĩ khi:
1. nhu cầu hoặc ích lợi của Giáo Hội địa phương của ngài đòi hỏi, và tuân hành các luật lệ liên quan tới việc chu cấp xứng hợp cho giáo sĩ;

2. chắc chắn có văn kiện hợp lệ cho phép xuất tịch, và hơn nữa, đã được Giám Mục giáo phận cho xuất tịch cung cấp những tin cần thiết, cách bí mật nếu thấy là cần, về đời sống, tư cách và học lực của giáo sĩ;

3. giáo sĩ đã tuyên bố, bằng giấy tờ, cho Giám Mục giáo phận rằng mình muốn hiến thân phục vụ Giáo Hội địa phương mới, đúng như luật định.

Ðiều 270: Sự xuất tịch chỉ có thể ban cấp cách hợp pháp khi có lý do chính đáng, chẳng hạn như ích lợi của Giáo Hội hoặc một điều tốt cho chính giáo sĩ. Sự xuất tịch không thể khước từ nếu không có lý do quan trọng. Tuy nhiên giáo sĩ nào khi cảm thấy mình bị thiệt thòi, và đã tìm được một Giám Mục sẵn sàng đón nhận, thì có thể thượng tố phản kháng quyết định khước từ.

Ðiều 271: (1) Ngoài trường hợp thực cần thiết cho Giáo Hội địa phương riêng, Giám Mục giáo phận không nên khước từ sự thuyên chuyển cho các giáo sĩ mà Ngài biết là họ sẵn sàng và đủ khả năng để làm việc ở những nơi khan hiếm trầm trọng giáo sĩ, ngõ hầu họ thi hành tác vụ thánh ở đó. Tuy nhiên, Giám Mục nên dự liệu, qua một hợp đồng với Giám Mục giáo phận tại nơi mà họ sẽ đến, để các quyền lợi và bổn phận của các giáo sĩ ấy được xác định.

(2) Giám Mục giáo phận có thể cho phép các giáo sĩ của mình tới một Giáo Hội địa phương khác trong một thời gian nhất định, tuy có thể triển hạn nhiều lần, nhờ đó các giáo sĩ vẫn tiếp tục nhập tịch tại Giáo Hội địa phương riêng của mình, và khi trở về, họ vẫn được hưởng mọi quyền lợi dường như họ đã phục vụ với tư cách thừa tác viên có chức thánh tại đây.

(3) Giáo sĩ đã thuyên chuyển qua một Giáo Hội địa phương khác cách hợp lệ, song vẫn còn giữ sự nhập tịch trong Giáo Hội gốc, thì có thể bị Giám Mục giáo phận triệu hồi khi có lý do chính đáng, miễn là phải tôn trọng hợp đồng đã thỏa thuận với Giám Mục kia, và cũng như sự công bình tự nhiên. Cũng vậy, miễn là tuân giữ mọi điều kiện như trên, Giám Mục giáo phận của địa phương khác, khi có lý do chính đáng, có thể khước từ sự cho phép giáo sĩ lưu lại trong lãnh thổ của mình.

Ðiều 272: Giám Quản giáo phận không được cho phép xuất tịch và nhập tịch cũng không được cho phép thuyên chuyển qua một Giáo Hội địa phương nào khác, chỉ trừ khi Tòa Giám Mục trống ngôi đã quá một năm và có sự đồng ý của hội đồng tư vấn.

Chương III: Nghĩa Vụ Và Quyền Lợi Của Các Giáo Sĩ

Ðiều 273: Các giáo sĩ có nghĩa vụ đặc biệt là phải tỏ lòng kính trọng và vâng lời Ðức Thánh Cha và Bản Quyền riêng.

Ðiều 274: (1) Chỉ duy có các giáo sĩ mới có thể đảm nhận những chức vụ mà việc hành sử đòi hỏi quyền thánh chức hoặc quyền cai trị trong Hội Thánh.

(2) Các giáo sĩ, nếu không có một ngăn trở hợp lệ duyệt chính, phải lãnh nhận và trung thành chu toàn nhiệm vụ được Bản Quyền của mình giao phó.

Ðiều 275: (1) Xét vì tất cả các giáo sĩ đều đồng lao trong cùng một công tác, tức là việc xây dựng Thân Thể Ðức Kitô, nên họ hãy liên kết với nhau trong mối dây huynh đệ và sự cầu nguyện, cổ võ sự cộng tác với nhau, theo các qui định của luật địa phương.

(2) Các giáo sĩ phải nhìn nhận và cổ võ sứ mạng mà các giáo dân thực thi theo phần vụ của họ trong Giáo Hội và trong thế giới.

Ðiều 276: (1) Trong đời sống, giáo sĩ phải lo theo đuổi sự thánh thiện vì một lý do riêng, xét vì do việc lãnh thánh chức, họ được thánh hiến cho Thiên Chúa với tước hiệu mới là những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa hầu phục vụ cho Dân Ngài.
(2) Ðể có thể theo đuổi sự trọn lành ấy:

1. trước hết, họ hãy chu toàn mọi bổn phận của tác vụ một cách trung thành không biết mệt mỏi;

2. họ hãy nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng bằng hai Bàn Tiệc của Kinh Thánh và Thánh Thể; vì thế, các Tư Tế được khẩn khoản kêu mời hãy dâng Thánh Lễ mỗi ngày, và các Phó Tế, hãy tới tham dự hiến lễ ấy hằng ngày;

3. các Tư Tế và các Phó Tế chuẩn bị làm Linh Mục, buộc mỗi ngày phải đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh theo sách phụng vụ riêng đã được phê chuẩn; còn các Phó Tế vĩnh viễn chỉ buộc đọc phần nào đã được Hội Ðồng Giám Mục ấn định;

4. họ cũng buộc tham dự các cuộc tĩnh tâm, theo qui định của luật địa phương;

5. họ nên suy gẫm thường lệ, năng đi xưng tội, sùng kính Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, thi hành các phương tiện thánh hóa khác, chung hay riêng.

Ðiều 277: (1) Các giáo sĩ buộc phải giữ sự khiết tịnh hoàn toàn và trọn đời vì Nước Trời, vì vậy họ phải ở độc thân, là một ơn đặc biệt của Thiên Chúa, nhờ đó các tác viên thánh có thể gắn bó với Ðức Kitô dễ dàng hơn với một con tim không bị chia sẻ và được thong dong hơn để hiến thân phục vụ Thiên Chúa và nhân loại.

(2) Các giáo sĩ phải khôn ngoan khi giao tiếp với những người mà sự năng lui tới với họ có thể gây nguy hại cho việc giữ sự khiết tịnh hoặc sinh ra gương xấu cho giáo hữu.

(3) Giám Mục giáo phận có thẩm quyền ra những qui luật cụ thể hơn trong vấn đề này và xét định về việc tuân hành trong những trường hợp riêng biệt.

Ðiều 278: (1) Các giáo sĩ triều có quyền được lập hiệp hội với nhau nhằm đạt những mục tiêu thích hợp với bậc giáo sĩ.

(2) Các giáo sĩ triều nên quý trong nhất là các hiệp hội, mà nội quy đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn, nhằm thúc giục nhau nên thánh trong sự thi hành tác vụ, cổ võ sự hiệp nhất giữa giáo sĩ với nhau và với Giám Mục riêng của mình, nhờ một chương trình sống thích đáng và được chấp thuận hợp lệ cũng như nhờ sự tương trợ huynh đệ.

(3) Các giáo sĩ không nên lập hay tham gia các hiệp hội mà mục đích cũng như hoạt động không phù hợp với nghĩa vụ riêng của bậc giáo sĩ, hoặc có thể gây ra nhiều trở ngại cho việc chu toàn các trách vụ do nhà chức trách của Giáo Hội có thẩm quyền đã giao phó.

Ðiều 279: (1) Giáo sĩ cần tiếp tục học các môn thánh khoa, cả sau khi đã chịu chức Linh Mục, và theo sát đạo lý vững chắc dựa trên Kinh Thánh, và đã được tiền nhân lưu lại và được tiếp nhận chung trong cả Giáo Hội, như đã xác định bởi các văn kiện do Công Ðồng và Ðức Giáo Hoàng; họ nên tránh những trào lưu rỗng tuếch và những khoa học giả hiệu.

(2) Dựa theo qui định của luật địa phương, các Linh Mục sau khi đã chịu chức nên đi tham dự những lớp tu nghiệp về mục vụ và, vào những thời kỳ do luật địa phương qui định, cũng nên tham dự những lớp học khác, như những lớp hội thảo về Thần học, các buổi thuyết trình, nhờ đó họ có cơ hội trau dồi thêm kiến thức về các thánh khoa và phương pháp mục vụ.

(3) Họ cũng nên theo dõi các khoa học khác, nhất là các khoa học có liên quan tới các thánh khoa, đặc biệt khi sự hiểu biết về chúng sẽ giúp ích cho việc mục vụ.

Ðiều 280: Hết sức khuyến khích các giáo sĩ nên có đời sống chung một cách nào đó; đâu đã có thì hãy duy trì.

Ðiều 281: (1) Các giáo sĩ hiến thân phục vụ Giáo Hội đáng được hưởng thù lao tương xứng với điều kiện của họ, xét theo bản chất công việc mà họ đảm nhận cũng như các hoàn cảnh tùy nơi tùy thời; sao cho họ có thể đáp ứng các nhu cầu riêng tư và trả công xứng đáng cho những người mà họ cần sự giúp đỡ.

(2) Cần phải liệu sao để các giáo sĩ được hưởng bảo hiểm xã hội, nhờ đó có thể dự phòng tương xứng những nhu cầu khi đau yếu, tàn tật hoặc tuổi già.

(3) Các Phó Tế đã lập gia đình, nếu đã dành toàn thời giờ để phục vụ Giáo Hội, thì đáng được hưởng thù lao thế nào để họ có thể chu cấp cho chính bản thân và cho gia đình họ. Những ai lãnh lương do một nghề nghiệp dân sự hiện đang làm hay trước đây đã làm thì hãy lo liệu chu cấp mọi nhu cầu của bản thân và của gia đình do lợi tức từ tiền lương.

Ðiều 282: (1) Các giáo sĩ nên sống đời giản dị, và xa tránh tất cả những gì có vẻ phù hoa.

(2) Những tài sản mà họ có được trong khi thi hành một chức vụ Giáo Hội, thì sau khi đã dự trù cho việc chu cấp xứng đáng và thi hành những nghĩa vụ khác của bậc mình, nên được dành phần dư vào thiện ích của Giáo Hội và những công cuộc bác ái.

Ðiều 283: (1) Các giáo sĩ, cho dù không có một nhiệm vụ gắn liền với trú sở, không được rời khỏi giáo phận trong một thời gian đáng kể, theo luật địa phương đã xác định, nếu không có phép, ít ra là suy đoán, của Bản Quyền riêng.

(2) Các giáo sĩ, mỗi năm, được hưởng một thời gian phải chăng và đủ dành cho việc nghỉ ngơi, theo như luật chung hoặc luật địa phương đã ấn định.

Ðiều 284: Các giáo sĩ phải mặc y phục Giáo Hội, theo qui luật của Hội Ðồng Giám Mục đã định và theo tập tục hợp lệ tại địa phương.

Ðiều 285: (1) Các giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.

(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc giáo sĩ.

(3) Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.

(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, giáo sĩ không được nhận làm Quản Lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Ðiều 286: Cấm các giáo sĩ không được đích thân hoặc nhờ người khác thi hành mậu dịch, doanh thương nhằm kiếm lợi cho mình hoặc cho người khác, khi không có phép của giáo quyền hợp pháp.

Ðiều 287: (1) Các giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.

(2) Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

Ðiều 288: Các Phó Tế vĩnh viễn không buộc giữ các qui định của các điều 284, 285 triệt 3 và 4, 286, 287 triệt 2, trừ khi luật địa phương định cách khác.

Ðiều 289: (1) Vì nghĩa vụ quân sự không am hợp cho bậc giáo sĩ, cho nên các giáo sĩ cũng như các ứng sinh chuẩn bị lãnh chức thánh, không được tự nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu không có phép của Bản Quyền riêng.

(2) Giáo sĩ nên hưởng dụng những miễn trừ khỏi thi hành các chức vụ và mọi dịch vụ công quyền không hợp cho bậc giáo sĩ mà luật pháp hoặc thỏa ước, hoặc tập tục đã dành cho họ, trừ khi nào trong trường hợp đặc biệt Bản Quyền riêng ấn định cách khác.

Chương IV: Sự Mất Hàng Giáo Sĩ

Ðiều 290: Chức thánh, một khi đã được lãnh nhận cách hữu hiệu, thì không bao giờ mất được. Tuy nhiên, giáo sĩ có thể mất hàng ngũ:

1. do một án văn hoặc nghị định hành chánh tuyên bố sự vô hiệu của việc chịu chức thánh;

2. do hình phạt trục xuất đã tuyên kết hợp lệ;

3. do một phúc nghị của Tòa Thánh; phúc nghị ấy chỉ được ban cấp cho các Phó Tế khi có lý do hệ trọng, và cho các Linh Mục vì lý do rất trầm trọng.

Ðiều 291: Ngoại trừ những trường hợp đã nói ở điều 290 số 1, sự mất hàng giáo sĩ không kèm theo sự tháo chuẩn nghĩa vụ độc thân. Quyền tháo chuẩn nghĩa vụ ấy được dành cho Ðức Thánh Cha.

Ðiều 292: Giáo sĩ nào mất hàng ngũ giáo sĩ chiếu theo luật định thì mất hết mọi quyền lợi riêng dành cho giáo sĩ và không buộc giữ những nghĩa vụ nào thuộc hàng giáo sĩ nữa, đừng kể nghĩa vụ nói ở điều 291. Ðương sự bị cấm thi hành quyền thánh chức, trừ trường hợp luật định ở điều 976. Cũng vậy, đương sự bị tước hết mọi chức vụ, mọi trọng trách và bất cứ mọi thứ quyền thừa ủy nào.

Ðiều 293: Giáo sĩ, khi đã mất hàng ngũ, sẽ không được phép tái nhập hàng giáo sĩ, nếu không có phúc nghị của Tòa Thánh.

Thiên 4: Các Phủ Giám Chức Tòng Nhân

Ðiều 294: Nhằm mục đích cổ võ việc phân phối tương xứng các Linh Mục, hoặc nhằm thực hiện những công tác đặc biệt về mục vụ hay truyền giáo cho nhiều miền hoặc cho nhiều tầng lớp xã hội khác biệt, các phủ Giám Chức Tòng Nhân gồm các Linh Mục và các Phó Tế thuộc giáo sĩ triều có thể được Tòa Thánh thiết lập, sau khi đã tham khảo với các Hội Ðồng Giám Mục liên hệ.

Ðiều 295: (1) Phủ Giám Chức Tòng Nhân được điều hành do quy chế được Tòa Thánh soạn thảo; dưới sự lãnh đạo của một Giám Chức với tư cách là Bản Quyền riêng, với quyền lập chủng viện quốc gia hay liên quốc gia, và quyền nhận các chủng sinh nhập tịch, cũng như quyền tiến cử các chủng sinh lên chức thánh với danh nghĩa phục vụ cho phủ Giám Chức Tòng Nhân.

(2) Vị Giám Chức phải lo việc huấn luyện tinh thần cho những ai được tiến chức với danh nghĩa nói trên, cũng như việc chu cấp xứng đáng cho họ.

Ðiều 296: Các giáo dân cũng có thể hiến thân làm việc tông đồ cho phủ Giám Chức Tòng Nhân, qua một thỏa ước đã cam kết với Giám Chức. Tuy nhiên, phương thức hợp tác hữu cơ, những nghĩa vụ và quyền lợi chính yếu phát sinh từ đó, phải được ấn định rõ ràng trong quy chế.

Ðiều 297: Quy chế cũng phải xác định những tương quan giữa phủ Giám Chức Tòng Nhân với các Bản Quyền sở tại của các Giáo Hội địa phương, tại nơi mà phủ Giám Chức đang hoặc có ý định thi hành công tác mục vụ hay truyền giáo, với sự đồng ý của Giám Mục giáo phận.

 
Thiên 5: Các Hiệp Hội Của Các Tín Hữu

Chương I: Tổng Tắc

Ðiều 298: (1) Trong Giáo Hội có nhiều Hiệp Hội khác nhau với các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Ðoàn Tông Ðồ, trong đó gồm những tín hữu, giáo sĩ hay giáo dân, hoặc gồm cả giáo sĩ và giáo dân chung nhau hoạt động, tìm cách cố gắng sống đời hoàn thiện hơn, hoặc cổ động phụng tự công cộng hay đạo lý Kitô giáo, hoặc lo thực hành các việc tông đồ khác như là truyền bá Phúc Âm, công tác đạo đức hoặc bác ái, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo vào trật tự trần gian.

(2) Các tín hữu nên ghi tên vào những Hiệp Hội nào đã được nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội thành lập, ban khen hoặc giới thiệu.

Ðiều 299: (1) Các tín hữu đều có quyền thành lập các Hiệp Hội, qua một sự hợp đồng tư riêng giữa họ với nhau nhằm những mục tiêu nói ở điều 298 triệt 1, tuy vẫn tôn trọng điều 301, triệt 1.

(2) Các Hiệp Hội như vậy, dù đã được giáo quyền khen thưởng hoặc giới thiệu, được gọi là Hiệp Hội tư.

(3) Không một Hiệp Hội tư nào của tín hữu được thừa nhận trong Giáo Hội, nếu nội quy của Hiệp Hội không được duyệt y do nhà chức trách có thẩm quyền.

Ðiều 300: Không một Hiệp Hội nào được mang danh là công giáo nếu không được sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, chiếu theo điều 312.

Ðiều 301: (1) Chỉ duy nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội mới được thành lập các Hiệp Hội tín hữu nhằm dạy đạo lý Kitô giáo nhân danh Giáo Hội, hoặc nhằm cổ động việc phụng tự công cộng, hay nhằm theo đuổi các mục tiêu khác tự bản tính thuộc quyền của Giáo Hội.

(2) Nếu thấy thuận lợi, nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội cũng có thể thành lập các Hiệp Hội nhằm các mục tiêu thiêng liêng khác, cách trực tiếp hoặc gián tiếp, mà các sáng kiến tư nhân không đáp ứng đủ.

(3) Các Hiệp Hội tín hữu do nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thành lập được gọi là các Hiệp Hội "công".

Ðiều 302: Các Hiệp Hội tín hữu được gọi là "giáo sĩ", nếu trực tiếp do các giáo sĩ điều hành, đảm nhận việc thi hành thánh chức, và đã được nhà chức trách có thẩm quyền nhìn nhận như vậy.

Ðiều 303: Ðược gọi là Dòng Ba hay với tên nào khác tương tự các Hiệp Hội gồm các thành viên sống giữa đời, nhưng dự phần vào tinh thần thiêng liêng với một Dòng tu, làm việc tông đồ và tiến tới sự hoàn thiện dưới sự điều hành tối cao của Dòng tu đó.

Ðiều 304: (1) Tất cả các Hiệp Hội, dù công hay tư, mang danh hiệu hay tên gọi gì đi nữa, đều phải có nội quy định nghĩa rõ mục đích hoặc tôn chỉ, trụ sở, ban chấp hành và các điều kiện gia nhập, cũng như đường lối hoạt động xét theo nhu cầu hoặc lợi ích của thời đại và địa phương.

(2) Nên chọn một danh hiệu hay tên gọi nào đáp ứng với tâm thức của thời đại và địa phương, nhất là tương xứng với mục đích theo đuổi.

Ðiều 305: (1) Mọi Hiệp Hội tín hữu đều ở dưới quyền giám sát của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội. Nhà chức trách có nghĩa vụ trông coi để các Hiệp Hội duy trì được sự toàn vẹn về đức tin và phong hóa, và đề phòng những lạm dụng kỷ luật của Giáo Hội. Vì thế, nhà chức trách có quyền và nghĩa vụ, chiếu theo pháp luật và nội quy, thanh tra các Hiệp Hội. Các Hiệp Hội còn ở dưới quyền quản trị của nhà chức trách nói trên dựa theo những điều luật kế tiếp sau đây.

(2) Các Hiệp Hội, bất cứ thuộc hình thức nào, đều được đặt dưới sự giám sát của Tòa Thánh; các Hiệp Hội giáo phận và các Hiệp Hội khác đang hoạt động trong giáo phận được đặt dưới sự giám sát của Bản Quyền sở tại.

Ðiều 306: Ðể được hưởng những quyền lợi, đặc ân và ân xá và các ơn ích thiêng liêng khác đã ban cho hội, thì điều kiện cần và đủ là đương sự được nhận vào Hiệp Hội cách hữu hiệu và đã không bị sa thải khỏi Hiệp Hội một cách hợp lệ, chiếu theo các qui định của pháp luật và nội quy riêng của Hiệp Hội.

Ðiều 307: (1) Việc thâu nhận các hội viên phải được tiến hành hợp theo pháp luật và nội quy của mỗi Hiệp Hội.

(2) Một người có thể ghi danh gia nhập nhiều Hiệp Hội khác nhau.

(3) Các phần tử của các dòng tu có thể ghi danh vào các Hiệp Hội với sự ưng thuận của các Bề Trên mình, phù hợp với luật riêng của Dòng.

Ðiều 308: Một khi đã được thâu nhận hợp lệ, không một ai có thể bị trục xuất khỏi Hiệp Hội nếu không có lý do chính đáng chiếu theo quy định của pháp luật và nội quy.

Ðiều 309: Các Hiệp Hội đã được thành lập hợp lệ, có quyền ban hành những quy tắc riêng biệt, chiếu theo luật và nội quy, nhằm điều hành Hiệp Hội, các buổi họp, việc chỉ định những người lãnh đạo, đặt các chức vụ, các nhân viên và những người lo việc quản lý tài sản.

Ðiều 310: Hiệp Hội tư nào không được cấp tư cách pháp nhân thì sẽ không thể làm chủ thể của những nghĩa vụ và quyền lợi của pháp nhân. Tuy nhiên các tín hữu hội viên có thể đồng ký kết các nghĩa vụ, có thể thủ đắc và chấp hữu mọi tài sản như là những công chủ và cộng đồng sở hữu chủ; họ có thể hành sử mọi quyền lợi và mọi nghĩa vụ ấy nhờ một thừa ủy viên hoặc một đại diện.

Ðiều 311: Các phần tử Dòng tu chỉ huy hoặc làm cố vấn cho những Hiệp Hội được liên kết bằng cách nào đó với Dòng mình, phải lo sao cho các Hiệp Hội đó sẵn sàng cộng tác vào công cuộc tông đồ hiện đang có trong giáo phận, nhất là hợp tác, dưới sự hướng dẫn của Bản Quyền sở tại, với các Hiệp Hội nhằm mục tiêu làm việc tông đồ trong giáo phận.

Chương II: Các Hiệp Hội Công Của Tín Hữu

Ðiều 312: (1) Nhà chức trách có thẩm quyền để thành lập các Hiệp Hội công là:

1. Toà Thánh đối với các Hiệp Hội hoàn vũ và quốc tế;

2. Hội Ðồng Giám Mục, trong lãnh thổ của mình, đối với các Hiệp Hội Quốc Gia, tức là các Hiệp Hội được thành lập để hoạt động trong toàn quốc;

3. Giám Mục giáo phận, trong lãnh thổ của mình, đối với các Hiệp Hội thuộc giáo phận; tuy nhiên, Giám Quản giáo phận, không có thẩm quyền này; đừng kể những Hiệp Hội mà quyền thành lập đã được dành cho những người khác do đặc ân Tòa Thánh.

(2) Ðể thành lập hữu hiệu một Hiệp Hội hoặc chi nhánh của Hiệp Hội trong giáo phận, cần phải có sự đồng ý bằng giấy tờ của Giám Mục giáo phận, dù trong trường hợp sự thành lập được cấp do đặc ân Tòa Thánh. Tuy nhiên, sự đồng ý của Giám Mục giáo phận cho phép lập một tu viện cũng có giá trị cho việc thành lập, ở trong chính tu viện hay ở nhà thờ kế cận, một Hiệp Hội riêng của dòng ấy.

Ðiều 313: Một Hiệp Hội công, cũng như Liên đoàn các Hiệp Hội công, được hưởng tư cách pháp nhân do chính nghị định thành lập của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội nói ở điều 312, và nhận lãnh sứ mệnh, tùy theo tầm mức cần thiết, để đạt được những mục tiêu mà mình đã chủ tâm theo đuổi.

Ðiều 314: Nội qui của bất cứ Hiệp Hội nào, cũng như sự xét lại hay sửa đổi chúng, đều cần được sự phê chuẩn của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội đã cho phép thành lập chiếu theo điều 312, triệt 1.

Ðiều 315: Các Hiệp Hội công có thể tự do thu nhập những đường hướng phù hợp với bản chất riêng, và được điều hành chiếu theo nội qui, dưới sự hướng dẫn tối cao của giáo quyền nói ở điều 312, triệt 1.

Ðiều 316: (1) Ai đã công khai từ bỏ Ðức Tin Công Giáo hoặc đã lìa khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội, hoặc đã bị án tuyệt thông đã tuyên bố hay tuyên kết, thì không thể được thâu nhận vào các Hiệp Hội công cách hữu hiệu.

(2) Những ai đã trở thành hội viên hợp lệ, mà mắc vào trường hợp của triệt 1 nói trên, sau khi đã cảnh cáo, sẽ bị sa thải khỏi Hiệp Hội, chiếu theo nội quy; tuy nhiên đương sự có quyền thượng tố lên Giáo Quyền nói ở điều 312, triệt 1.

Ðiều 317: (1) Nếu trong nội quy không dự liệu cách khác, thì Giáo Quyền nói ở điều 312, triệt 1, có thẩm quyền phê chuẩn vị chủ tịch của một Hiệp Hội công đã được chính họ bầu lên, hoặc bổ nhiệm một người đã được đề cử hoặc chỉ định theo luật riêng; cũng chính giáo quyền ấy bổ nhiệm một Tuyên úy hoặc Linh giám, sau khi đã tham khảo ý kiến với các nhân viên cao cấp của Hiệp Hội khi thuận tiện.

(2) Qui luật ở triệt 1 trên đây cũng được áp dụng cho các Hiệp Hội đã được thành lập do các phần tử của các Dòng tu nhờ đặc ân của Tòa Thánh, ở ngoài các nhà thờ riêng hay nhà riêng của Dòng. Tuy nhiên, đối với các Hiệp Hội được thành lập do các phần tử của Dòng tu tại nhà thờ riêng hay tại nhà riêng của Dòng, thì việc bổ nhiệm hay phê chuẩn vị chủ tịch và tuyên úy thuộc quyền của Bề Trên Dòng, chiếu theo qui tắc của nội qui.

(3) Trong các Hiệp Hội không giáo sĩ, các giáo dân có thể giữ chức vụ chủ tịch. Tuyên úy hoặc Linh giám không nên lãnh trách nhiệm chủ tịch, trừ khi nào nội qui đã định cách khác.

(4) Trong các Hiệp Hội công của tín hữu được tổ chức để thi hành việc tông đồ cách trực tiếp, những người đang giữ trách vụ lãnh đạo trong các đảng phái chính trị không được làm chủ tịch.

Ðiều 318: (1) Trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi có lý do hệ trọng đòi hỏi, Giáo Quyền nói ở điều 312, triệt 1, có thể chỉ định một ủy viên, tạm thời nhân danh mình điều khiển Hiệp Hội.

(2) Chủ tịch Hiệp Hội công có thể bị truất chức vì lý do chính đáng, bởi người đã bổ hoặc đã phê chuẩn sau khi đã tham khảo ý kiến của chính chủ tịch và các nhân viên cấp cao của Hiệp Hội, chiếu theo quy tắc của nội qui. Tuyên úy cũng có thể bị thải hồi, chiếu theo quy tắc của các điều 192-195, bởi chính người đã bổ nhiệm.

Ðiều 319: (1) Nếu không định liệu thể khác, một Hiệp Hội công đã thành lập hợp pháp sẽ quản lý mọi tài sản đang có, chiếu theo qui tắc của nội qui và dưới sự chỉ đạo tối cao của Giáo Quyền nói ở điều 312, triệt 1; hằng năm phải tường trình việc quản lý với Giáo Quyền ấy.

(2) Việc xử dụng các đồ dâng cúng hay bố thí đã nhận được cũng phải tường trình chính xác với Giáo Quyền ấy.

Ðiều 320: (1) Các Hiệp Hội đã do Tòa Thánh thành lập, thì chỉ có Tòa Thánh mới có thể giải tán.

(2) Vì những lý do hệ trọng, Hội Ðồng Giám Mục có thể giải tán các Hiệp Hội đã do chính Hội Ðồng thành lập; Giám Mục giáo phận có thể giải tán các Hiệp Hội do chính Ngài thành lập, cũng như những Hiệp Hội đã được các phần tử của các Dòng tu thành lập do đặc ân Tòa Thánh với sự ưng thuận của Giám Mục giáo phận.

(3) Nhà chức trách có thẩm quyền không nên giải tán một Hiệp Hội công, nếu chưa tham khảo ý kiến với chủ tịch và các nhân viên cao cấp khác của Hiệp Hội.

Chương III: Các Hiệp Hội Tư Của Tín Hữu

Ðiều 321: Các tín hữu điều khiển và quản trị các Hiệp Hội tư theo các qui định của nội quy.

Ðiều 322: (1) Một Hiệp Hội tư có thể thủ đắc tính cách pháp nhân do một nghị định minh quyết của Giáo Quyền nói ở điều 312.

(2) Không một Hiệp Hội tư nào của các tín hữu có thể thủ đắc tính cách pháp nhân, nếu nội quy của Hiệp Hội chưa được phê chuẩn bởi Giáo Quyền nói ở điều 312, triệt 1. Tuy nhiên, sự phê chuẩn nội quy không làm thay đổi tính cách "tư" của Hiệp Hội.

Ðiều 323: (1) Cho dù các Hiệp Hội tư của tín hữu được quyền tự trị chiếu theo điều 312, nhưng họ vẫn phải ở dưới sự giám sát của Giáo Quyền chiếu theo điều 305, và cũng dưới quyền quản trị của quyền bính nói trên.

(2) Tuy vẫn tôn trọng quyền tự trị của các Hiệp Hội tư, Giáo Quyền phải canh chừng và lo liệu để tránh sự phân hóa các lực lượng, và phối hợp hoạt động tông đồ của họ vào ích chung.

Ðiều 324: (1) Hiệp Hội tư của tín hữu được tự do chỉ định chủ tịch và các nhân viên, chiếu theo quy luật của nội quy.

(2) Nếu Hiệp Hội tư của tín hữu muốn chọn một cha linh hướng, thì họ có thể chọn một người trong số các Linh Mục đang thi hành tác vụ hợp lệ trong giáo phận. Tuy nhiên, người được chọn phải được Bản Quyền sở tại phê chuẩn.

Ðiều 325: (1) Hiệp Hội tư của tín hữu được tự do quản lý tài sản hiện chấp hữu, theo các điều đã định trong nội quy, miễn là tôn trọng quyền giám sát của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội để mọi tài sản được chi dụng vào những mục đích của Hiệp Hội.

(2) Chiếu theo quy luật của điều 1301, tất cả những gì liên quan tới việc quản lý và tiêu dùng các tài sản đã tặng hay trối cho Hiệp Hội làm thiện ý thì đều phải thuộc quyền hành của Bản Quyền sở tại.

Ðiều 326: (1) Hiệp Hội tư của tín hữu tan rã chiếu theo quy luật của nội quy; cũng có thể bị giải tán bởi nhà chức trách có thẩm quyền nếu hoạt động của hội gây nên thiệt hại trầm trọng cho đạo lý hay kỷ luật của Giáo Hội hoặc sinh gương xấu cho các tín hữu.

(2) Việc thanh toán tài sản của một Hiệp Hội đã tan rã sẽ được ấn định theo đúng quy luật của nội quy, nhưng phải tôn trọng những quyền lợi đã thủ đắc và ý muốn của những người đã dâng cúng.

Chương IV: Quy Tắc Ðặc Biệt Cho Các Hiệp Hội Giáo Dân

Ðiều 327: Các giáo dân cần quý trọng các Hiệp Hội được thiết lập nhằm những mục đích thiêng liêng nói ở điều 298, đặc biệt các Hiệp Hội cố gắng thấm nhuần tinh thần Kitô giáo vào trật tự trần thế, và nhờ vậy, phát triển sự liên kết khắng khít hơn giữa Ðức Tin và đời sống.

Ðiều 328: Những ai điều khiển các Hiệp Hội giáo dân, kể cả các Hiệp Hội được thành lập do đặc ân Tòa Thánh, hãy lo để các Hiệp Hội của mình cộng tác với các Hiệp Hội khác và, ở đâu thấy thuận lợi, hãy sẵn lòng giúp đỡ các công cuộc Kitô giáo khác, nhất là các công cuộc hiện đang có trong cùng lãnh thổ.

Ðiều 329: Các chủ tịch của các Hiệp Hội giáo dân phải lo liệu sao cho các hội viên được đào tạo tương xứng để thi hành hoạt động tông đồ riêng của các giáo dân.

Phần II: Cơ Cấu Phẩm Trật Của Giáo Hội

Tiết 1: Quyền Tối Cao Của Giáo Hội

Chương I: Ðức Thánh Cha Và Tập Ðoàn Giám Mục

Ðiều 330: Cũng như, do Thiên Chúa đã thiết định, Thánh Phêrô và các Tông Ðồ khác đã tạo thành một tập đoàn, thì Ðức Thánh Cha, kế vị Phêrô, và các Giám Mục, kế vị các Tông Ðồ cũng liên kết lại với nhau cách tương tự như vậy.
Mục I: Ðức Thánh Cha

Ðiều 331: Giám Mục của Giáo Hội Roma, nơi Ngài được duy trì nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao cách đặc biệt cho Phêrô, người đứng đầu trong các Tông Ðồ, và phải được chuyển tiếp cho các người kế vị Ngài, là thủ lãnh của tập đoàn Giám Mục, Ðại diện Ðức Kitô và Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội trên trần gian. Vì thế, do uy lực của nhiệm vụ, Ngài có quyền thông thường tối cao, sung mãn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và Ngài luôn luôn có thể tự do hành sử quyền ấy.

Ðiều 332: (1) Ðức Thánh Cha nhận lãnh quyền sung mãn và tối cao trong Giáo Hội do sự bầu cử hợp lệ mà Ngài đã chấp nhận cùng với sự tấn phong Giám Mục. Vì thế, ai được đắc cử vào chức Giáo Hoàng mà đã có chức Giám Mục, thì lãnh quyền nói trên ngay chính lúc chấp nhận. Còn nếu người đắc cử không có chức Giám Mục, thì lập tức phải được truyền chức Giám Mục.

(2) Nếu xảy ra trường hợp Ðức Thánh Cha từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận.
Ðiều 333: (1) Ðức Thánh Cha, do uy lực của nhiệm vụ, có quyền hành không những trên toàn thể Giáo Hội, mà còn có quyền tối thượng trên tất cả các Giáo Hội địa phương và các hợp đoàn Giáo Hội địa phương. Quyền tối thượng ấy tăng cường và bảo vệ quyền riêng biệt, thông thường và trực tiếp mà các Giám Mục nắm giữ trong các Giáo Hội địa phương được giao phó cho các Ngài coi sóc.

(2) Trong khi thi hành nhiệm vụ Chủ Chăn tối cao của Giáo Hội, Ðức Thánh Cha luôn luôn thông hợp với các Giám Mục khác và kể cả với toàn thể Giáo Hội. Tuy nhiên, việc quyết định phương cách, hoặc đơn phương hoặc tập đoàn, để thi hành nhiệm vụ, tùy theo nhu cầu của Giáo Hội, là quyền của Ngài.

(3) Không thể kháng cáo hoặc thượng tố chống lại một án văn hay nghị định của Ðức Thánh Cha.

Ðiều 334: Trong khi thi hành nhiệm vụ, Ðức Thánh Cha được hỗ trợ bởi các Giám Mục; các vị có thể cộng tác với Ðức Thánh Cha bằng nhiều phương cách khác nhau, một trong những phương cách đó là Thượng Hội Nghị Giám Mục. Ngoài ra, Ngài còn được sự giúp đỡ của các Hồng Y, các nhân vật khác và các định chế khác nhau, theo nhu cầu của mọi thời đại. Tất cả các nhân vật và các định chế ấy lo chu toàn trách vụ đã giao phó nhằm thiện ích của tất cả các Giáo Hội nhân danh và với quyền hành của Giáo Hoàng, theo những quy tắc luật định.

Ðiều 335: Trong khi Tòa Thánh trống tòa hoặc bị hoàn toàn cản trở, thì không được thay đổi gì trong sự quản trị Giáo Hội phổ quát; nhưng phải tuân hành những luật lệ đặc biệt đã dự liệu cho những hoàn cảnh ấy.
Mục II: Tập Ðoàn Giám Mục

Ðiều 336: Tập Ðoàn Giám Mục gồm bởi Ðức Thánh Cha làm thủ lãnh và các thành phần là các Giám Mục đã được cung hiến bằng bí tích và duy trì sự hiệp thông theo phẩm trật với thủ lãnh và với tất cả các phần tử của tập đoàn. Trong tập đoàn Giám Mục đoàn thể các Tông Ðồ được bền bỉ mãi mãi. Tập đoàn Giám Mục, hợp nhất với thủ lãnh và không bao giờ được thiếu thủ lãnh, cũng là chủ thể của quyền bính tối cao và sung mãn trong toàn thể Giáo Hội.

Ðiều 337: (1) Tập đoàn Giám Mục hành sử cách long trọng quyền hành trong toàn thể Giáo Hội ở Công Ðồng hoàn vũ.

(2) Quyền ấy cũng được hành sử qua một hành động chung của các Giám Mục tản mác khắp thế giới; hành động đó hoặc do Ðức Thánh Cha thúc đẩy hoặc được Ngài tự do chấp thuận, nhờ đó trở nên một hành động thực sự của tập đoàn.

(3) Tùy theo nhu cầu của Giáo Hội, Ðức Thánh Cha có quyền lựa chọn và cổ võ các cách thức, nhờ đó tập đoàn Giám Mục có thể thi hành nhiệm vụ của mình với tính cách tập đoàn đối với toàn thể Giáo Hội.

Ðiều 338: (1) Duy một mình Ðức Thánh Cha có quyền triệu tập Công Ðồng hoàn vũ, đích thân hoặc nhờ người khác chủ tọa, di chuyển, đình hoãn, giải tán Công Ðồng, và phê chuẩn các sắc luật của Công Ðồng hoàn vũ.

(2) Ðức Thánh Cha có thẩm quyền ấn định những vấn đề sẽ bàn luận trong Công Ðồng và thiết lập điều lệ phải giữ trong Công Ðồng; các nghị phụ của Công Ðồng có thể thêm nhiều vấn đề khác vào những vấn đề đã do Ðức Thánh Cha đề xướng, nhưng phải được chính Ðức Thánh Cha phê chuẩn.

Ðiều 339: (1) Tất cả và chỉ có các Giám Mục thành viên của tập đoàn Giám Mục mới có quyền lợi và nghĩa vụ tham dự Công Ðồng hoàn vũ với quyền biểu quyết.

(2) Ngoài ra, những người khác không có chức Giám Mục, có thể được mời đến tham dự Công Ðồng Chung do quyền bính tối cao trong Giáo Hội, và chính quyền bính ấy sẽ chỉ định vai trò của họ trong Công Ðồng.

Ðiều 340: Nếu xảy ra trường hợp Tòa Thánh trống tòa trong thời gian họp Công Ðồng thì chiếu theo luật, Công Ðồng bị gián đoạn cho tới khi Tân Giáo Hoàng truyền lệnh tiếp tục hoặc giải tán.

Ðiều 341: (1) Mọi quyết nghị của Công Ðồng Chung chỉ có hiệu lực bó buộc khi đã được Ðức Thánh Cha cùng với các nghị phụ Công Ðồng phê chuẩn, và sau đó được Ðức Thánh Cha công bố nhận và ra lệnh ban hành.

(2) Cũng cần phải có sự công nhận và ban hành như trên để có hiệu lực bó buộc các quyết nghị do tập đoàn Giám Mục đề ra, do một hành động thực sự tập đoàn theo cách thức nào khác do Ðức Thánh Cha thúc đẩy hay được Ngài tự do chấp nhận.

Chương II: Thượng Hội Nghị Các Giám Mục

Ðiều 342: Thượng Hội Nghị Giám Mục là một đại hội gồm các Giám Mục được tuyển chọn từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, tụ họp lại vào những thời kỳ được ấn định, để cổ võ sự hiệp nhất chặt chẽ giữa Ðức Thánh Cha với các Giám Mục, và để giúp ý kiến cho Ðức Thánh Cha trong việc bảo vệ và tăng tiến Ðức Tin và phong hóa, và trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo Hội; ngoài ra, còn để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo Hội trong thế giới.

Ðiều 343: Thượng Hội Nghị Giám Mục có thẩm quyền bàn thảo tất cả các vấn đề đã đề ra và bày tỏ ý kiến của mình, nhưng không có thẩm quyền để biểu quyết hay ban hành nghị quyết về các vấn đề đó; trừ những trường hợp nhất định, khi Ðức Thánh Cha cho Thượng Hội Nghị được quyền biểu quyết; lúc ấy, Ðức Thánh Cha có quyền phê chuẩn các quyết định của Thượng Hội Nghị.

Ðiều 344: Thượng Hội Nghị Giám Mục phục tùng trực tiếp quyền bính của Ðức Thánh Cha. Thẩm quyền của Ngài là:

1. triệu tập Thượng Hội Nghị mỗi khi thấy thuận lợi, và chỉ định nơi hội họp;

2. phê chuẩn việc bầu cử những thành viên nào mà theo quy luật riêng cần được bầu, và chỉ định cùng bổ nhiệm các thành viên khác;

3. ấn định đề tài của những vấn đề sẽ thảo luận, vào thời gian xứng hợp, trước khi Thượng Hội Nghị khai họp, theo quy luật riêng;

4. hoạch định chương trình nghị sự;

5. đích thân hay nhờ những người khác chủ tọa Thượng Hội Nghị;

6. bế mạc, di chuyển, đình chỉ và giải tán Thượng Hội Nghị.

Ðiều 345: Thượng Hội Nghị Giám Mục có thể nhóm họp hoặc là trong Ðại Hội chung, thông thường hay bất thường, trong đó bàn thảo về những công việc liên hệ trực tiếp tới lợi ích của toàn thể Giáo Hội; hoặc là trong đại hội đặc biệt, trong đó bàn thảo những công việc liên hệ trực tiếp tới một hoặc nhiều miền nhất định.

Ðiều 346: (1) Khi nhóm họp Ðại Hội Chung thông thường, Thượng Hội Nghị Giám Mục gồm đại đa số phần tử là các Giám Mục đã được các Hội Ðồng Giám Mục chọn cho từng Ðại Hội, chiếu theo thể thức được ấn định do luật riêng của Thượng Hội Nghị; một số khác được chính luật chỉ định; một số nữa được Ðức Thánh Cha trực tiếp bổ nhiệm; thêm vào đó là vài phần tử khác thuộc Dòng Tu Giáo Sĩ được lựa chọn theo quy tắc của luật riêng.

(2) Khi nhóm họp Ðại Hội Chung bất thường để bàn về những vấn đề đòi hỏi một giải pháp mau lẹ, Thượng Hội Nghị Giám Mục gồm đa số các phần tử là các Giám Mục được chỉ định do luật riêng của Thượng Hội Nghị chiếu theo chức vụ đương đảm nhiệm; một số khác do Ðức Thánh Cha trực tiếp bổ nhiệm; thêm vào đó là vài phần tử thuộc Dòng Tu Giáo Sĩ được lựa chọn theo đúng như quy tắc của luật riêng.

(3) Khi nhóm họp Ðại Hội đặc biệt, Thượng Hội Nghị gồm các phần tử được lựa chọn từ những miền mà vì đó mà Thượng Hội Nghị được triệu tập, chiếu theo quy tắc của luật riêng điều hành Thượng Hội Nghị.

Ðiều 347: (1) Khi Ðại Hội của Thượng Hội Nghị Giám Mục đã được Ðức Thánh Cha bế mạc, thì chức vụ đã giao phó cho các Giám Mục và cho các phần tử khác trong Thượng Hội Nghị cũng chấm dứt.

(2) Nếu Tòa Thánh trống tòa sau khi đã triệu tập Thượng Hội Nghị hoặc đang khi họp, thì chiếu luật, Ðại Hội của Thượng Hội Nghị bị đình hoãn; cũng vậy, các chức vụ đã giao phó cho các phần tử trong Thượng Hội Nghị cũng bị đình chỉ, cho đến khi Tân Giáo Hoàng quyết định hoặc giải tán hoặc tiếp tục Ðại Hội.

Ðiều 348: (1) Thượng Hội Nghị Giám Mục có một văn phòng thường trực dưới sự điều khiển của một Tổng Thư Ký được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm; để giúp đỡ Tổng Thư Ký, có một Hội Ðồng Văn Phòng gồm bởi các Giám Mục, trong số đó, một vài vị được chính Thượng Hội Nghị lựa chọn theo quy luật riêng, một số khác được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm; chức vụ của tất cả những người này chấm dứt khi bắt đầu nhóm Ðại Hội mới.
(2) Ngoài ra, vào mỗi Ðại Hội của Thượng Hội Nghị Giám Mục sẽ bổ nhiệm một hoặc nhiều thư ký đặc biệt, do Ðức Thánh Cha chỉ định; những người này chỉ ở lại chức vụ đã giao phó cho tới khi Ðại Hội của Thượng Hội Nghị kết thúc.

Chương III: Các Hồng Y

Ðiều 349: Các Hồng Y lập thành một tập đoàn riêng biệt, với thẩm quyền bầu cử Ðức Thánh Cha chiếu theo quy luật riêng; ngoài ra, các Hồng Y còn giúp Ðức Thánh Cha, hoặc cách tập đoàn mỗi khi các ngài được triệu tập để cùng xét những vấn đề hệ trọng, hoặc là với tính cách cá nhân tức là nhờ các nhiệm vụ khác nhau mà các ngài đang đảm nhiệm để giúp Ðức Thánh Cha trong việc quản trị thường nhật Giáo Hội phổ quát.
Ðiều 350: (1) Tập đoàn Hồng Y chia thành ba đẳng: đẳng Giám Mục, gồm các Hồng Y được Ðức Thánh Cha chỉ định một tước hiệu của một giáo phận ngoại ô, cũng như các Thượng Phụ Ðông Phương được nhập vào Hồng Y Ðoàn; đẳng linh mục và đẳng phó tế.
(2) Mỗi Hồng Y thuộc đẳng linh mục và đẳng phó tế được Ðức Thánh Cha chỉ định cho một thánh đường tước linh mục hay phó tế trong thành phố Roma.

(3) Thượng Phụ Ðông Phương được nhập Hồng Y Ðoàn vẫn giữ nguyên tước hiệu của Tòa Thượng Phụ.

(4) Hồng Y niên trưởng giữ tước hiệu Giáo Phận Ostia, đồng thời vẫn giữ nguyên tước hiệu của một giáo phận khác đã có trước.

(5) Tuy vẫn giữ nguyên thứ tự đẳng cấp và thứ tự theo ngày tiến cử, do sự thỉnh nguyện trình bày trong Mật Hội và được Ðức Thánh Cha phê chuẩn, các Hồng Y đẳng linh mục có thể chuyển qua một thánh đường tước linh mục khác; Hồng Y đẳng phó tế cũng có thể chuyển qua một thánh đường tước phó tế khác, và nếu đã ở trọn mười năm trong đẳng phó tế, thì có thể được chuyển qua đẳng linh mục.

(6) Một Hồng Y đẳng phó tế được chuyển qua đẳng linh mục, sẽ giữ thứ tự ưu tiên trên tất cả các Hồng Y đẳng linh mục nào gia nhập Hồng Y Ðoàn sau ngài.

Ðiều 351: (1) Ðể tiến cử làm Hồng Y, Ðức Thánh Cha sẽ tự do chọn lựa những người thuộc nam giới, ít ra có chức linh mục, trổi vượt về đạo lý, tác phong, đạo đức và khôn ngoan trong cách xử sự công việc; tuy nhiên, những ai chưa là Giám Mục, cần được thụ phong Giám Mục.

(2) Các Hồng Y được tấn phong do một nghị định của Ðức Thánh Cha được công bố trước Hồng Y Ðoàn; kể từ lúc công bố, các ngài buộc giữ các nghĩa vụ và được hưởng mọi quyền lợi do luật đã ấn định.

(3) Tuy nhiên, ai được tiến cử làm Hồng Y, được Ðức Thánh Cha loan báo, nhưng không tiết lộ danh tánh (in pectore), thì trong thời gian này, vị đó không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ nào và không được hưởng quyền lợi riêng nào của các Hồng Y. Sau khi danh tánh được Ðức Thánh Cha công bố, vị đó có mọi nghĩa vụ và được hưởng mọi quyền lợi, nhưng đối với thứ tự ưu tiên, sẽ tính từ ngày được tiến cử.

Ðiều 352: (1) Hồng Y niên trưởng đứng đầu Hồng Y Ðoàn, và khi bị ngăn trở, sẽ được thay thế bởi Hồng Y phó niên trưởng. Hồng Y niên trưởng hoặc Hồng Y phó niên trưởng không có một quyền hành cai quản nào trên các Hồng Y khác, nhưng đều được coi là Người đứng đầu trong số những người bình quyền.

(2) Khi chức vụ niên trưởng khuyết vị, thì tất cả và chỉ duy các Hồng Y với đẳng Giám Mục, dưới sự chủ tọa của Hồng Y phó niên trưởng, nếu có mặt, hoặc của người cao niên hơn trong số các Hồng Y, chọn một vị trong đẳng của mình làm niên trưởng Hồng Y Ðoàn; các ngài thông báo danh tánh vị đó lên Ðức Thánh Cha, để ngài phê chuẩn người đắc cử.

(3) Phó niên trưởng cũng được bầu theo thể thức nói ở triệt 2, dưới sự chủ tọa của niên trưởng; cũng chính Ðức Thánh Cha sẽ phê chuẩn việc bầu cử phó niên trưởng.

(4) Hồng Y niên trưởng và phó niên trưởng, nếu chưa có cư sở trong thành phố Roma, thì các ngài sẽ thủ đắc cư sở tại đó.

Ðiều 353: (1) Các Hồng Y, với tính cách tập đoàn, giúp đỡ vị Chủ Chăn tối cao của Giáo Hội, nhất là trong Mật Hội trong đó các Hồng Y tụ họp theo lệnh của Ðức Thánh Cha và dưới quyền chủ tọa của Ngài. Mật Hội có thể nhóm phiên họp thông thường hoặc bất thường.

(2) Trong Mật Hội thông thường, ít là tất cả Hồng Y hiện đang có mặt tại Roma được triệu tập để tham khảo về một số công việc hệ trọng nhưng thường xảy ra, hoặc để thực hiện vài hành động có tính cách trang trọng.

(3) Trong Mật Hội bất thường, họp mỗi khi nhu cầu đặc biệt của Giáo Hội hoặc tầm quan trọng của vấn đề đòi hỏi, thì tất cả các Hồng Y sẽ được triệu tập.

(4) Chỉ có Mật Hội thông thường, trong đó cử hành vài thể thức trang trọng, mới có thể trở thành công khai, nghĩa là, ngoài các Hồng Y, còn có sự tham dự của các Giám Chức, các đại diện ngoại giao của chính quyền và một số những người khác được mời tới.

Ðiều 354: Các Hồng Y đứng đầu các Bộ và các cơ quan thường trực của giáo triều Roma và trong thành Vatican, được yêu cầu từ chức khi đã tới 75 tuổi. Việc từ chức sẽ đệ lên Ðức Thánh Cha và Ngài sẽ dự liệu sau khi đã cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh.

Ðiều 355: (1) Hồng Y niên trưởng có thẩm quyền truyền chức Giám Mục cho người được bầu làm Giáo Hoàng, nếu người đắc cử chưa lãnh chức Giám Mục. Trong trường hợp vị niên trưởng bị ngăn trở, thì quyền ấy thuộc về Hồng Y phó niên trưởng, và nếu vị này cũng bị ngăn trở, thì thuộc về Hồng Y cao niên nhất thuộc đẳng Giám Mục.

(2) Hồng Y trưởng đẳng phó tế công bố danh tánh vị đắc cử Giáo Hoàng; ngoài ra, Ngài thay mặt Ðức Thánh Cha để trao dây "Pallium" cho các Tổng Giám Mục hoặc cho các Ðại Diện của các vị ấy.

Ðiều 356: Các Hồng Y có nghĩa vụ cộng tác đắc lực với Ðức Thánh Cha. Vì thế, các Hồng Y đảm trách bất cứ chức vụ nào trong Giáo Triều, nếu không phải là Giám Mục giáo phận, thì buộc phải cư trú tại Roma. Các Hồng Y coi sóc một giáo phận nào như Giám Mục giáo phận, thì phải về Roma mỗi khi Ðức Thánh Cha triệu tập.

Ðiều 357: (1) Các Hồng Y đã được chỉ định tước hiệu một thánh đường trong thành hoặc một thánh đường ngoài thành, thì sau khi đã nhận tòa, nên cổ võ thiện ích cho những giáo phận và các thánh đường đó bằng sự tư vấn và bảo trợ, nhưng không có quyền quản trị nào trên các nơi đó cả, và không được can thiệp bằng bất cứ cách nào vào các vấn đề liên quan tới việc quản lý các tài sản, kỷ luật hoặc dịch vụ của các thánh đường.

(2) Xét về những gì liên quan đến bản thân, các Hồng Y cư trú ngoài thành Roma và ngoài giáo phận riêng được miễn trừ khỏi quyền quản trị của Giám Mục giáo phận mà các Ngài đang trú ngụ.

Ðiều 358: Hồng Y được Ðức Thánh Cha ủy thác chức vụ thay mặt Ngài trong dịp lễ trọng thể hoặc đại hội, với tư cách là đặc sứ "a latere", cũng như Hồng Y được Ðức Thánh Cha giao phó thi hành một chức vụ mục vụ nhất định như là phái viên đặc biệt của Ngài, thì chỉ có thẩm quyền trong giới hạn mà Ðức Thánh Cha đã ủy thác.

Ðiều 359: Trong lúc Tòa Thánh trống tòa, Hồng Y Ðoàn chỉ được hưởng quyền hành trong Giáo Hội, theo như luật riêng đã chỉ định.

Chương IV: Giáo Triều Roma

Ðiều 360: Giáo triều Roma, nhờ đó Ðức Thánh Cha thường giải quyết mọi việc của Giáo Hội phổ quát, thi hành nhiệm vụ nhân danh và với quyền hành của chính Ngài để nhằm thiện ích và phục vụ các Giáo Hội. Giáo Triều Roma gồm Phủ Quốc Vụ Khanh, Hội Ðồng Ngoại Vụ của Giáo Hội, các Bộ, Tòa Án và những cơ quan khác, đã được luật riêng xác định về sự thành lập và thẩm quyền.

Ðiều 361: Trong Bộ Luật này, tiếng Tông Tòa hoặc Tòa Thánh không những được hiểu là Ðức Thánh Cha, mà cả Phủ Quốc Vụ Khanh, Hội Ðồng Ngoại Vụ của Giáo Hội và những cơ quan khác của Giáo Triều Roma nữa, trừ khi đã rõ cách nào khác theo bản chất hay văn mạc.

Chương V: Các Phái Viên Của Ðức Thánh Cha

Ðiều 362: Ðức Thánh Cha có quyền bẩm sinh và độc lập để bổ nhiệm các Phái Viên và gửi họ tới các Giáo Hội địa phương ở tại các nước hay các miền khác nhau, hoặc đồng thời tới các quốc gia và các chính phủ; Ðức Thánh Cha cũng có quyền thuyên chuyển và triệu hồi họ, tuy phải tôn trọng các quy luật của quốc tế công pháp liên quan tới việc ủy phái và triệu hồi các Phái Viên đã được thiết lập bên cạnh các chính phủ.

Ðiều 363: (1) Các Phái Viên của Ðức Thánh Cha lãnh nhiệm vụ làm đại diện cho chính Ngài cách thường trực tại các Giáo Hội địa phương hoặc cũng tại các quốc gia và chính phủ mà họ đã được cử tới.

(2) Tất cả những ai được cử vào Phái Bộ Tòa Thánh như là các đại diện hay là quan sát viên ở các tổ chức quốc tế hoặc bên cạnh các hội nghị hay phiên nhóm, cũng có tư cách thay mặt Tòa Thánh.

Ðiều 364: Nhiệm vụ chính yếu của Phái Viên Tòa Thánh là lo liệu để cho giây hợp nhất giữa Tòa Thánh với các Giáo Hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và đắc lực hơn. Vì thế, công tác của các Phái Viên của Ðức Thánh Cha trong khu vực lãnh thổ của mình là:

1. thông tri cho Tòa Thánh về tình hình của các Giáo Hội địa phương, và về tất cả những gì liên hệ tới chính đời sống của Giáo Hội và thiện ích của các linh hồn;

2. giúp đỡ các Giám Mục bằng hành động hay lời bàn, tuy phải tôn trọng việc hành sử hợp lệ quyền bính của các Ngài;

3. duy trì sự liên lạc thường xuyên với Hội Ðồng Giám Mục bằng hết mọi hình thức cộng tác;

4. đối với việc bổ nhiệm Giám Mục, chuyển hoặc đề nghị danh tánh của các ứng viên cho Tòa Thánh, cũng như tiến hành thủ tục thu lượm tin tức về những người được tiến cử, theo như quy tắc Toà Thánh đã ra;

5. hết sức cổ động những dự án liên can tới hòa bình, phát triển và sự hợp tác giữa các dân tộc;

6. cộng tác với các Giám Mục, để phát động những liên lạc giữa Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội và giáo đoàn khác, kể cả với các tôn giáo ngoài Kitô giáo;

7. cùng với các Giám Mục, bênh vực tất cả những gì liên quan tới sứ mệnh của Giáo Hội và của Tòa Thánh trước mặt chính phủ;

8. ngoài ra, thi hành mọi năng ân và chu toàn những ủy nhiệm mà Tòa Thánh đã giao phó.

Ðiều 365: (1) Ngoài ra, Phái Viên của Ðức Thánh Cha kiêm nhiệm việc đại diện Ngài bên cạnh các quốc gia theo các quy tắc của luật quốc tế còn có nhiệm vụ:

1. cổ võ và duy trì mọi liên lạc giữa Tòa Thánh với chính quyền;

2. dàn xếp mọi vấn đề liên hệ tương quan giữa Giáo Hội với quốc gia; và đặc biệt, là lo việc ký kết những thỏa ước hay các quy ước tương tự, cũng trông coi việc thi hành chúng.

(2) Khi giải quyết những vấn đề nói ở triệt 1, tùy theo hoàn cảnh đòi hỏi, Phái Viên của Ðức Thánh Cha nên tham khảo ý kiến và lời bàn của các Giám Mục trong khu vực và thông báo cho các ngài biết về diễn tiến của tình hình.

Ðiều 366: Xét về tính cách đặc biệt của nhiệm vụ Phái Viên,

1. trụ sở của Phái Viên Tòa Thánh được miễn trừ khỏi quyền quản trị của Bản Quyền sở tại, ngoại trừ việc cử hành Hôn Phối;

2. sau khi thông báo cho các Bản Quyền sở tại mỗi khi có thể được, Phái Viên Tòa Thánh có quyền cử hành mọi nghi lễ phụng vụ, kể cả nghi lễ giáo chủ, trong tất cả các thánh đường thuộc lãnh thổ được đặc phái.

Ðiều 367: Nhiệm vụ Phái Viên Tòa Thánh không chấm dứt khi Tông Tòa trống tòa, ngoại trừ khi nào Ủy Nhiệm Thư đã ấn định cách khác. Nhiệm vụ chấm dứt khi mãn hạn ủy nhiệm, hoặc do sự triệu hồi được cáo tri cho đương sự, hoặc do sự từ chức đã được Ðức Thánh Cha chấp nhận.

Tiết 2: Các Giáo Hội Ðịa Phương Và Các Hợp Ðoàn Giáo Hội Ðịa Phương

Thiên 1: Các Giáo Hội Ðịa Phương Và Quyền Hành Tại Ðó

Chương I: Các Giáo Hội Ðịa Phương

Ðiều 368: Các Giáo Hội địa phương, trong đó và từ đó mà một Giáo Hội Công Giáo duy nhất hiện hữu, ám chỉ trước hết là các giáo phận; các lãnh thổ thuộc giám hạt tòng thổ và đan viện tòng thổ, Ðại Diện Tông Tòa và Phủ Doãn Tông Tòa và cả Giám Quản Tông Tòa được thiết lập cách thường trực cũng được đồng hóa với các giáo phận, trừ khi đã rõ cách nào khác.

Ðiều 369: Giáo phận là một phần dân Chúa được giao phó cho một Giám Mục săn sóc cùng với sự cộng tác của Linh Mục Ðoàn, để nhờ sự liên kết với Chủ Chăn mình và sự tập hợp bởi Chủ Chăn trong Chúa Thánh Linh, nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, cộng đồng ấy lập thành Giáo Hội địa phương, trong đó Giáo Hội của Ðức Kitô, duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, thực sự hiện diện và tác động.

Ðiều 370: Giám Hạt tòng thổ hoặc Ðan Viện tòng thổ là một phần nhất định của dân Chúa, được giới hạn trong một lãnh thổ, mà vì hoàn cảnh đặc biệt, sự săn sóc được giao phó cho một Giám Chức hoặc cho một Viện Phụ để quản trị với tư cách của một Chủ Chăn riêng, tựa như Giám Mục giáo phận.

Ðiều 371: (1) Hạt Ðại Diện Tông Tòa, hoặc Hạt Phủ Doãn Tông Tòa, là một phần nhất định của dân Chúa, mà vì hoàn cảnh đặc biệt, chưa được thiết lập như là một giáo phận, và việc chăn dắt được giao cho một Ðại Diện Tông Tòa hoặc cho một Phủ Doãn Tông Tòa để quản trị thay mặt Ðức Thánh Cha.

(2) Hạt Giám Quản Tông Tòa là một phần nhất định của dân Chúa mà vì những lý do đặc biệt và hết sức hệ trọng, không được Ðức Thánh Cha thiết lập như là một giáo phận, và việc săn sóc mục vụ được giao phó cho một Giám Quản Tông Tòa quản trị thay mặt Ðức Thánh Cha.

Ðiều 372: (1) Theo luật chung, một phần dân Chúa, tạo thành một giáo phận hoặc một Giáo Hội địa phương khác, được giới hạn trong một lãnh thổ nhất định, để bao gồm tất cả các giáo hữu đang cư ngụ trong lãnh thổ.

(2) Tuy nhiên, khi nào Quyền Bính tối cao của Giáo Hội, sau khi tham khảo ý kiến của các Hội Ðồng Giám Mục liên hệ, xét thấy ích lợi, thì có thể thiết lập trong cùng một lãnh thổ nhiều Giáo Hội địa phương khác biệt, vì lý do lễ điển của tín hữu hoặc vì lý do khác tương tự.

Ðiều 373: Chỉ duy có Quyền Bính tối cao mới có thẩm quyền thiết lập các Giáo Hội địa phương; các Giáo Hội địa phương một khi đã được thiết lập hợp lệ, thì được hưởng tư cách pháp nhân chiếu theo luật.

Ðiều 374: (1) Tất cả các giáo phận hoặc Giáo Hội địa phương nào khác đều phải được phân chia ra thành nhiều phần riêng biệt hoặc giáo xứ.

(2) Ðể cổ võ việc săn sóc mục vụ bằng hoạt động chung, nhiều Giáo Xứ lân cận gần nhau có thể hợp lại thành những hợp đoàn địa phương, tỉ như các Giáo Hạt.

Chương II: Các Giám Mục

Mục I: Các Giám Mục Nói Chung

Ðiều 375: (1) Các Giám Mục là những người, do ý định của Thiên Chúa, kế vị các Tông Ðồ do quyền lực của Chúa Thánh Linh đã ban cho họ, được đặt làm các Chủ Chăn trong Giáo Hội để làm những thầy dạy đạo lý, tư tế phụng tự và tác viên lo việc quản trị.
(2) Các Giám Mục, nhờ chính việc thụ phong Giám Mục, nhận lãnh cùng với nhiệm vụ thánh hóa, cả các nhiệm vụ giảng dạy và quản trị nữa. Tuy nhiên nhiệm vụ giảng dạy và thánh hóa, theo bản tính, chỉ có thể hành sử trong sự hiệp thông phẩm trật với thủ lãnh và với mọi phần tử tập đoàn.

Ðiều 376: Các Giám Mục được gọi là Giám Mục giáo phận, những vị đã được giao phó cho việc săn sóc một giáo phận nào đó; các vị khác gọi là Giám Mục hiệu tòa.
Ðiều 377: (1) Ðức Thánh Cha được tự do bổ nhiệm các Giám Mục, hoặc phê chuẩn những vị đã được bầu cử hợp lệ.

(2) Ít là ba năm một lần, các Giám Mục của một giáo tỉnh, hoặc ở đâu hoàn cảnh khuyến khích, các Giám Mục của Hội Ðồng Giám Mục, phải thỏa thuận với nhau và với tính cách bí mật lập một danh sách các linh mục, kể cả các phần tử của Dòng Tu, xem ai có tư cách làm Giám Mục; và gửi bản danh sách đó cho Tòa Thánh; tuy nhiên, mỗi Giám Mục vẫn được quyền thông tri cho Tòa Thánh một cách riêng rẽ danh tánh những linh mục được Ngài xét thấy xứng đáng và có tư cách để lãnh nhiệm vụ Giám Mục.

(3) Trừ khi đã ấn định cách nào khác hợp lệ, mỗi khi cần bổ nhiệm một Giám Mục giáo phận hoặc một Giám Mục phó, thì trong việc đề nghị lên Tòa Thánh danh sách ba người, phái viên của Ðức Thánh Cha có nhiệm vụ điều tra về từng người một và thông báo cho Tòa Thánh, cùng với ý kiến của mình, tất cả đề nghị của Tổng Giám Mục và các Giám Mục thuộc hạt của giáo tỉnh mà giáo phận ấy trực thuộc hay được kết nạp, cũng như của Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục. Ngoài ra, phái viên của Ðức Thánh Cha nên bàn hỏi cả với vài người thuộc Hội Ðồng Tư Vấn và thuộc kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa và, nếu xét thấy tiện, nên hỏi ý kiến riêng rẽ và kín đáo của những người khác thuộc giáo sĩ Dòng Triều cũng như của những giáo dân có tiếng là khôn ngoan.

(4) Trừ khi đã dự liệu cách nào khác hợp lệ, Giám Mục giáo phận nào xét thấy cần một phụ tá cho giáo phận của mình thì sẽ đệ trình lên Tòa Thánh bản danh sách gồm ít là ba linh mục xứng đáng hơn cả để lãnh nhiệm vụ này.

(5) Từ nay về sau, không được cho chính quyền dân sự quyền lợi và đặc ân bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định các Giám Mục.

Ðiều 378: (1) Ðể xứng đáng được tiến cử lên chức Giám Mục, đương sự cần phải:
1. trổi vượt về Ðức Tin vững vàng, tính nết tốt, đạo đức, nhiệt tâm với các linh hồn, thông thái, khôn ngoan và những nhân đức nhân bản khác, và có những đức tính giúp cho đương sự đủ khả năng chu toàn chức vụ;

2. có danh thơm tiếng tốt;

3. ít là đã trọn ba mươi lăm tuổi;

4. đã chịu chức linh mục ít là đã năm năm;

5. có văn bằng Tiến Sĩ, hoặc ít ra có Cử Nhân về Thánh Kinh, Thần Học hoặc Giáo Luật ở một Cao Ðẳng Học Viện được Tòa Thánh công nhận, hoặc ít ra thực sự chuyên môn về những môn đó.

(2) Sự phán quyết tối hậu về khả năng xứng đáng của ứng viên thuộc về Tòa Thánh.
Ðiều 379: Nếu không bị ngăn trở hợp lệ, người được tiến cử lên chức Giám Mục phải được tấn phong Giám Mục trong vòng ba tháng kể từ ngày nhận được văn thư của Tòa Thánh, và, dù sao đi nữa, trước khi tựu chức.

Ðiều 380: Trước khi tựu chức, kẻ đã được tiến cử phải tuyên xưng Ðức Tin và tuyên thệ trung thành với Tòa Thánh theo mẫu thức đã được Tòa Thánh công nhận.
Mục II: Các Giám Mục Giáo Phận

Ðiều 381: (1) Ở trong giáo phận đã được giao phó, Giám Mục giáo phận có mọi quyền hành thông thường, riêng biệt và trực tiếp, cần có để thi hành nhiệm vụ mục vụ của ngài, ngoại trừ những vụ mà pháp luật hoặc sắc luật của Ðức Thánh Cha đã dành lại cho quyền bính tối cao hoặc một quyền bính nào khác trong Giáo Hội.

(2) Tất cả những ai đứng đầu các cộng đoàn giáo hữu khác như đã nói ở điều 368, đều được đồng hóa với Giám Mục giáo phận, trừ những gì đã rõ cách khác theo bản tính sự việc hoặc theo quy tắc luật định.

Ðiều 382: (1) Kẻ đã được tiến cử làm Giám Mục không được pha mình vào việc thi hành chức vụ đã được giao phó, trước khi tựu chức trong giáo phận theo đúng luật định; tuy nhiên, đương sự có thể thi hành các chức vụ đã giữ trong chính giáo phận đó trước ngày được tiến cử Giám Mục, miễn là giữ nguyên vẹn điều 409, triệt 2.

(2) Nếu không bị ngăn trở hợp lệ, kẻ được tiến cử lên chức vụ Giám Mục giáo phận, phải tựu chức trong vòng bốn tháng kể từ ngày nhận văn thư Tòa Thánh nếu chưa được thụ phong Giám Mục; nếu đã thụ phong Giám Mục rồi, thì trong vòng hai tháng kể từ ngày nhận văn thư.

(3) Giám Mục tựu chức kể từ lúc, trong chính giáo phận đó, ngài đích thân hoặc nhờ đại diện trình văn thư Tòa Thánh cho Hội Ðồng Tư Vấn trước sự hiện diện của Chưởng Ấn Giáo Phủ, và vị này lập biên bản; hoặc trong giáo phận mới được thiết lập, thì kể từ lúc thông báo văn thư đó cho Giáo Sĩ và Giáo Dân có mặt trong nhà thờ chính tòa, và biên bản được lập do một linh mục cao niên hơn cả trong số các linh mục hiện diện.

(4) Rất khuyến khích việc tựu chức diễn ra bằng một nghi thức Phụng Vụ trong nhà thờ chính tòa trước sự hiện diện của Giáo Sĩ và Giáo Dân.

Ðiều 383: (1) Trong khi thi hành chức vụ Chủ Chăn, Giám Mục giáo phận hãy tỏ ra ân cần đối với hết mọi tín hữu đã được giao phó, bất cứ thuộc tuổi, điều kiện hoặc quốc tịch nào, những người cư ngụ trong lãnh thổ cũng như những người ở đó tạm thời; ngài cũng hãy tỏ nhiệt huyết tông đồ cho cả những ai, vì điều kiện sinh sống, không thể thụ hưởng cách đầy đủ sự săn sóc mục vụ thông thường, cũng như những ai đã bỏ bê việc giữ đạo.

(2) Nếu trong giáo phận có những tín hữu thuộc lễ điển khác, thì ngài hãy dự liệu cho mọi nhu cầu thiêng liêng của họ hoặc nhờ các linh mục hoặc các cha sở thuộc chính lễ điển đó, hoặc nhờ một vị Ðại Diện Giám Mục.

(3) Ðối với anh em không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo, ngài hãy cư xử với tình nhân đạo và bác ái và cổ võ phong trào đại kết theo đường hướng của Giáo Hội.

(4) Ngài hãy coi những người chưa chịu phép Rửa Tội như cũng được Chúa giao phó cho mình, ngõ hầu tình thương của Ðức Kitô cũng chiếu sáng cho họ, xét vì Giám Mục phải là chứng nhân của Ðức Kitô trước mặt mọi người.

Ðiều 384: Giám Mục giáo phận phải lo lắng đặc biệt cho các linh mục, hãy để ý lắng nghe họ như là những phụ tá và cố vấn; hãy bênh vực các quyền lợi của họ; lo cho họ chu toàn đúng mức những nghĩa vụ riêng cho bậc của họ, và giúp cho họ đủ phương tiện và định chế cần có để thăng tiến đời sống thiêng liêng và trí tuệ; cũng phải trù liệu cho họ được trợ cấp xứng đáng và có bảo hiểm xã hội theo như luật định.

Ðiều 385: Các Giám Mục giáo phận phải tận lực cổ động những ơn gọi vào các tác vụ khác nhau và vào đời tận hiến; đặc biệt lưu ý đến các ơn gọi làm linh mục và thừa sai.

Ðiều 386: (1) Giám Mục giáo phận phải trình bày và giải thích cho các tín hữu những chân lý Ðức Tin mà họ phải tin theo và áp dụng trong đời sống, vì vậy chính ngài phải năng đích thân rao giảng; ngài cũng phải canh chừng để các quy định trong giáo luật liên quan tới tác vụ Lời Chúa được tuân hành chu đáo, nhất là về các bài giảng lễ và việc giáo huấn, làm sao để toàn bộ đạo lý Kitô Giáo được truyền thụ cho tất cả mọi người.

(2) Ngài hãy cương quyết dùng mọi phương thế hữu hiệu hơn cả để bảo vệ sự toàn vẹn và duy nhất của Ðức Tin; tuy đồng thời nhìn nhận sự tự do chính đáng trong việc tìm hiểu chân lý cách sâu rộng hơn.

Ðiều 387: Ý thức rằng mình phải làm gương mẫu thánh thiện bằng tình bác ái, khiêm tốn và sống đơn giản, Giám Mục giáo phận hãy ra sức cổ động bằng mọi cách để các tín hữu nên thánh tùy theo ơn gọi riêng của từng người; và bởi vì là người phân phát chính yếu của mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngài hãy hoạt động không ngừng để mọi tín hữu đã giao phó cho mình săn sóc được tăng trưởng trong ơn thánh nhờ việc cử hành các Bí Tích, và để cho họ nhận biết và sống mầu nhiệm Vượt Qua.

Ðiều 388: (1) Giám Mục giáo phận, sau khi đã tựu chức, phải dâng thánh lễ cầu cho đoàn dân đã được giao phó, vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác trong miền của mình.

(2) Giám Mục phải đích thân dâng thánh lễ cầu cho dân trong những ngày đã nói ở triệt 1 trên đây; nếu vì ngăn trở hợp lệ không dâng lễ được, thì trong những ngày đó phải nhờ người khác dâng lễ, hoặc đích thân dâng lễ vào các ngày khác.

(3) Giám Mục nào, ngoài giáo phận riêng của mình còn được ủy thác các giáo phận khác kể cả với danh hiệu Giám Quản, thì chỉ buộc dâng một thánh lễ cho toàn dân đã ủy thác cho ngài mà thôi.

(4) Giám Mục nào có bổn phận bó buộc như nói ở các triệt 1-3 trên đây, nếu thiếu sót bổn phận, thì phải lo sớm hết sức để chỉ cho đoàn Dân bao nhiêu số lễ đã bỏ sót.

Ðiều 389: Giám Mục nên thường xuyên chủ sự thánh lễ trong nhà thờ chính tòa hoặc trong các thánh đường khác của giáo phận, nhất là trong những ngày Lễ Buộc và trong những dịp trọng thể.

Ðiều 390: Giám Mục giáo phận có thể cử hành mọi nghi thức giáo chủ trong toàn thể giáo phận của mình; còn ngoài giáo phận riêng, ngài không có quyền ấy nếu không sự thỏa thuận minh thị hoặc ít là suy đoán cách hợp lý của Bản Quyền sở tại.

Ðiều 391: (1) Giám Mục giáo phận cai quản Giáo Hội địa phương đã ủy thác cho ngài với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chiếu theo quy tắc luật định.

(2) Giám Mục đích thân hành sử quyền lập pháp; quyền hành pháp được hành sử do chính ngài hoặc nhờ các Tổng Ðại Diện hoặc các Ðại Diện Giám Mục, theo quy tắc luật định; quyền tư pháp được hành sử do chính ngài hoặc nhờ Ðại Diện Tư Pháp và các thẩm phán, theo quy tắc luật định.

Ðiều 392: (1) Xét vì ngài có nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Giáo Hội phổ quát, Giám Mục phải cổ cõ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội, và vì thế phải thôi thúc việc tuân hành tất cả mọi luật lệ của Giáo Hội.

(2) Ngài phải đề phòng đừng để du nhập những lạm dụng kỷ luật trong Giáo Hội, nhất là về tác vụ Lời Chúa, việc cử hành các Bí Tích và các Á Bí Tích, việc tôn kính Thiên Chúa và các Thánh và việc quản lý tài sản.

Ðiều 393: Giám Mục giáo phận là đại diện cho giáo phận trong hết mọi công việc pháp lý của giáo phận.

Ðiều 394: (1) Giám Mục hãy cổ võ mọi hình thức tông đồ khác nhau trong giáo phận, và hãy lo sao để trong toàn thể giáo phận hoặc ở những đơn vị riêng biệt trong giáo phận, tất cả mọi hoạt động tông đồ được phối hợp với nhau dưới sự điều khiển của mình, tuy vẫn giữ tính cách riêng biệt của mỗi hoạt động.

(2) Ngài phải thúc giục mọi giáo hữu phải chu toàn bổn phận làm việc tông đồ tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi người, và phải khuyến khích họ tham gia cùng nâng đỡ mọi hoạt động tông đồ khác nhau, tùy theo nhu cầu của mỗi nơi và mỗi thời.

Ðiều 395: (1) Giám Mục giáo phận, cho dù đã có một Giám Mục phó hay Giám Mục phụ tá, vẫn phải giữ luật trú sở trong giáo phận buộc chính bản thân.

(2) Trừ lý do phải viếng Tòa Thánh, hoặc hội họp công đồng, Thượng Hội Nghị Giám Mục, Hội Ðồng Giám Mục, hay phải thi hành nhiệm vụ nào khác đã được ủy thác hợp lệ, Giám Mục có thể vắng mặt khỏi giáo phận vì lý do chính đáng không quá một tháng hoặc liên tục hoặc gián đoạn, miễn là phải trù liệu được rằng giáo phận không bị thiệt hại vì sự vắng mặt của mình.

(3) Không được vắng mặt khỏi giáo phận trong những ngày lễ Chúa Giáng Sinh, Tuần Thánh và Phục Sinh, lễ Hiện Xuống và lễ Mình Máu Thánh Ðức Kitô, nếu không có lý do hệ trọng và khẩn cấp.

(4) Nếu Giám Mục vắng mặt khỏi giáo phận cách bất hợp pháp quá sáu tháng, thì Tổng Giám Mục phải thông tri cho Tòa Thánh biết về sự kiện ấy; nếu chính Tổng Giám Mục vắng mặt, thì Giám Mục cao niên hơn cả trong các giáo phận thuộc hạt phải thông tri.
Ðiều 396: (1) Hằng năm, Giám Mục có bổn phận phải kinh lược tất cả hoặc một phần giáo phận, sao cho ít là trong vòng năm năm có thể kinh lược toàn thể giáo phận, hoặc đích thân, nếu ngài bị cản trở hợp lệ, nhờ Giám Mục phó, hoặc Giám Mục phụ tá, hoặc Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục, hoặc một linh mục nào khác.

(2) Giám Mục có thể chọn những giáo sĩ nào ngài thích để tháp tùng và giúp đỡ trong việc kinh lược, mọi đặc ân và tục lệ trái ngược đều phải bị bài bác.

Ðiều 397: (1) Giám Mục có quyền kinh lược thông thường những nhân sự, cơ sở công giáo, sự vật và các nơi thánh nằm trong lãnh thổ của giáo phận.

(2) Giám Mục chỉ có thể tới kinh lược các phần tử các Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng và các tu viện của họ, trong những trường hợp được luật quy định rõ rệt.

Ðiều 398: Giám Mục phải liệu thi hành việc kinh lược mục vụ cách chu đáo, và hãy tránh đừng gây phiền toái hay gánh nặng cho ai vì những chi phí không cần.

Ðiều 399: (1) Cứ mỗi năm năm, Giám Mục giáo phận phải nạp phúc trình lên Ðức Thánh Cha về tình trạng của giáo phận đã được uỷ thác cho ngài, theo mẫu thức và thời gian do Tòa Thánh đã ấn định.

(2) Nếu năm đã được ấn định để nạp phúc trình về Tòa Thánh mà trùng hợp hoặc toàn thể hoặc một phần với hai năm đầu kể từ khi đảm nhiệm việc quản trị giáo phận, thì lần đó Giám Mục có thể được miễn làm và nạp phúc trình.

Ðiều 400: (1) Vào đúng năm phải nạp phúc trình lên Ðức Thánh Cha, nếu Tòa Thánh không định cách khác, Giám Mục giáo phận phải về Rôma để viếng mộ các Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Ðức Thánh Cha.

(2) Giám Mục buộc phải tự mình chu toàn bổn phận nói trên, trừ khi bị ngăn trở hợp lệ, thì có thể nhờ thay thế bởi Giám Mục phó, nếu có, hoặc Giám Mục phụ tá, hay một linh mục xứng đáng thuộc linh mục đoàn của mình hiện đang cư ngụ trong giáo phận.

(3) Ðại Diện Tông Tòa có thể thi hành bổn phận này qua một đại diện, kể cả nhờ một người đang sống ở Rôma, Phủ Doãn Tông Tòa không buộc phải giữ nghĩa vụ này.

Ðiều 401: (1) Khi đã trọn bảy mươi lăm tuổi, Giám Mục giáo phận được yêu cầu đệ đơn từ chức lên Ðức Thánh Cha, và Ðức Thánh Cha sẽ dự liệu sau khi đã cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh.

(2) Nếu vì đau yếu hoặc vì lý do trầm trọng nào khác khiến cho khả năng chu toàn chức vụ bị suy giảm, thì Giám Mục giáo phận được khẩn khoản yêu cầu đệ đơn từ chức.
Ðiều 402: (1) Giám Mục nào đã được chấp thuận từ chức thì sẽ giữ tước hiệu là Cựu Giám Mục của giáo phận cũ, và nếu muốn, ngài có thể vẫn cư trú ngay trong giáo phận đó, ngoại trừ những trường hợp mà vì hoàn cảnh đặc biệt, Tòa Thánh đã dự liệu cách khác.

(2) Hội Ðồng Giám Mục phải lo việc chu cấp tương hợp và xứng đáng cho Giám Mục đã từ chức, tuy dẫu bổn phận chính yếu thuộc về giáo phận mà trước đây vị ấy đã phục vụ.

Mục III: Các Giám Mục Phó Và Giám Mục Phụ Tá

Ðiều 403: (1) Khi nào nhu cầu mục vụ của giáo phận đòi hỏi, sẽ được đặt một hoặc nhiều Giám Mục phụ tá, theo lời yêu cầu của Giám Mục giáo phận; Giám Mục phụ tá không có quyền kế vị.

(2) Trong những hoàn cảnh trầm trọng hơn, kể cả vì lý do cá nhân, có thể ban cho Giám Mục giáo phận một Giám Mục phụ tá với những năng ân đặc biệt.

(3) Nếu thấy xét thích hợp, Tòa Thánh có thể chiểu nhiệm vụ đặt một Giám Mục phó, cùng với những năng ân đặc biệt; Giám Mục phó có quyền kế vị.

Ðiều 404: (1) Giám Mục phó tựu chức khi đích thân hoặc nhờ một đại diện, trình văn thư bổ nhiệm của Tòa Thánh cho Giám Mục giáo phận và Hội Ðồng Tư Vấn, trước sự hiện diện của Chưởng Ấn Giáo Phủ và vị này lập biên bản.

(2) Giám Mục phụ tá tựu chức khi ngài trình văn thư bổ nhiệm của Tòa Thánh cho Giám Mục giáo phận, trước sự hiện diện của Chưởng Ấn Giáo Phủ, và vị này lập biên bản.

(3) Giả như Giám Mục giáo phận bị ngăn trở hoàn toàn, thì chỉ cần bổ nhiệm Giám Mục phó hoặc Giám Mục phụ tá trình văn thư bổ nhiệm của Tòa Thánh cho Hội Ðồng Tư Vấn, trước sự hiện diện của Chưởng Ấn Giáo Phủ.

Ðiều 405: (1) Giám Mục phó cũng như Giám Mục phụ tá có mọi nghĩa vụ và quyền lợi được ấn định trong những điều luật sau đây và trong văn thư bổ nhiệm.

(2) Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá nói ở điều 403 triệt 2, giúp Giám Mục giáo phận trong mọi công việc quản trị giáo phận, và thay thế ngài lúc vắng mặt hoặc bị cản trở.
Ðiều 406: (1) Giám Mục phó, cũng như Giám Mục phụ tá nói ở điều 403 triệt 2, phải được Giám Mục giáo phận đặt làm Tổng Ðại Diện; ngoài ra, Giám Mục giáo phận phải ủy thác cho vị ấy trước các người khác tất cả những gì mà luật đòi hỏi sự ủy nhiệm đặc biệt.

 
(2) Nếu văn thư Tòa Thánh không dự liệu thể khác, và vẫn tôn trọng quy tắc của triệt 1 trên đây, Giám Mục giáo phận phải đặt vị phụ tá hoặc các phụ tá làm Tổng Ðại Diện hoặc ít là làm Ðại Diện Giám Mục; và các ngài chỉ lệ thuộc quyền của Giám Mục giáo phận, hoặc Giám Mục phó, hoặc Giám Mục phụ tá nói ở điều 403 triệt 2.

Ðiều 407: (1) Nhằm cổ võ thiện ích hiện tại và tương lai của giáo phận một cách tối đa, Giám Mục giáo phận, Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá nói ở điều 403 triệt 2, phải bàn thảo với nhau trong những vấn đề có tầm quan trọng.

(2) Khi phải giải quyết những vấn đề khá quan trọng, nhất là có tính cách mục vụ, Giám Mục giáo phận nên bàn thảo với các Giám Mục phụ tá trước các người khác.

(3) Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá, xét vì được gọi san sẻ nỗi lo âu với Giám Mục giáo phận, phải lo thi hành trách vụ của mình, để sao cho có sự hòa hợp với ngài trong hành động cũng như trong ý định.

Ðiều 408: (1) Mỗi khi được Giám Mục giáo phận yêu cầu và nếu không bị cản trở chính đáng, Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá có bổn phận cử hành nghi thức giáo chủ và các phận vụ khác thuộc bổn phận của Giám Mục giáo phận.

(2) Giám Mục giáo phận không nên ủy thác cách thường xuyên cho một người khác những quyền lợi và phận vụ của chức Giám Mục mà Giám Mục phó hoặc Giám Mục phụ tá có thể thi hành.

Ðiều 409: (1) Trong khi Tòa Giám Mục trống ngôi, thì Giám Mục phó tức khắc trở thành Giám Mục của giáo phận mà ngài đã được đặt, miễn là ngài đã tựu chức hợp lệ.

(2) Trong khi Tòa Giám Mục trống ngôi, nếu nhà chức trách có thẩm quyền không ấn định thể khác, thì cho tới khi Tân Giám Mục tựu chức, Giám Mục phụ tá duy trì tất cả và chỉ những quyền hành và năng ân đã có như Tổng Ðại Diện hoặc như Ðại Diện Giám Mục khi Giám Mục chính tòa còn tại chức. Nếu sau đó không được bầu làm Giám Quản giáo phận, thì Giám Mục phụ tá hành sử quyền của mình do luật pháp đã trao, dưới quyền của Giám Quản giáo phận là người lãnh đạo giáo phận.

Ðiều 410: Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá có bổn phận phải cư trú trong giáo phận cũng như Giám Mục giáo phận; các ngài chỉ được rời giáo phận trong thời gian ngắn, trừ khi vì lý do phải thi hành một nhiệm vụ ngoài giáo phận hoặc vì đi nghỉ, nhưng kỳ nghỉ không được quá một tháng.

Ðiều 411: Về sự từ chức, sẽ áp dụng cho Giám Mục phó và Giám Mục phụ tá các quy định của điều 401 và 402 triệt 2.

Chương III: Cản Tòa Và Trống Tòa

Mục I: Cản Tòa

Ðiều 412: Tòa Giám Mục bị cản khi vì lý do giam tù, quản thúc, phát lưu, hay vô năng lực, Giám Mục giáo phận bị hoàn toàn ngăn cản thi hành nhiệm vụ mục vụ trong giáo phận, đến nỗi không thể giao thiệp bằng thư từ với những người trong giáo phận.

Ðiều 413: (1) Khi Tòa Giám Mục bị cản, nếu Tòa Thánh không dự liệu thể khác, việc quản trị giáo phận thuộc về Giám Mục phó nếu có; nếu không có hoặc bị cản trở, thì thuộc về Giám Mục phụ tá hoặc Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục hoặc một linh mục nào khác, theo thứ tự được ấn định trong danh sách mà Giám Mục giáo phận đã lập liền ngay sau khi tựu chức; danh sách ấy phải được thông báo cho Tổng Giám Mục, và được duyệt lại ít là từng ba năm một, và được Chưởng Ấn giữ kín.

(2) Nếu không có Giám Mục phó hay vị ấy bị ngăn trở và không có danh sách nói ở triệt 1 trên đây, thì Hội Ðồng Tư Vấn sẽ chọn một linh mục để quản trị giáo phận.

(3) Ai đã nhận quản trị giáo phận theo quy định ở triệt 1 và 2 nói trên, thì phải thông báo sớm hết sức cho Tòa Thánh biết là Tòa Giám Mục bị cản và mình đang đảm nhận trách vụ.
Ðiều 414: Bất cứ ai đã được gọi chiếu theo điều 413, để tạm thời đảm nhận việc săn sóc mục vụ của giáo phận trong thời gian cản tòa, thì phải giữ các nghĩa vụ và được hưởng mọi quyền hành mà luật dành cho Giám Quản giáo phận.

Ðiều 415: Nếu vì một hình phạt giáo luật, Giám Mục giáo phận bị ngăn trở thi hành chức vụ, thì Tổng Giám Mục, hoặc nếu không có Tổng Giám Mục hoặc chính ngài bị phạt thì Giám Mục thuộc hạt cao niên hơn cả, phải lập tức trình lên Tòa Thánh để Tòa Thánh dự liệu.

Mục II: Trống Tòa

Ðiều 416: Tòa Giám Mục trở nên trống hay khuyết vị vì sự mệnh một của Giám Mục giáo phận, sự từ chức đã được Ðức Thánh Cha chấp nhận, sự thuyên chuyển hoặc cách chức được thông báo cho Giám Mục.

Ðiều 417: Tất cả những hành vi mà Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục đã làm cho tới khi các ngài biết được tin chắc chắn Giám Mục giáo phận đã từ trần đều có giá trị; cũng vậy, tất cả những hành vi mà Giám Mục giáo phận hoặc Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục đã làm cho tới khi nhận được tin chắc chắn về văn thư Tòa Thánh như đã nói trên đều có giá trị.

Ðiều 418: (1) Kể từ khi nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển, Giám Mục trong vòng hai tháng, phải tới giáo phận đã được chỉ định và tựu chức theo luật; nhưng giáo phận cũ trở thành trống kể từ lúc Giám Mục tựu chức trong một giáo phận mới.

(2) Kể từ lúc nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển cho tới khi tựu chức trong giáo phận mới, thì trong giáo phận cũ, Giám Mục:

1. có quyền hành và có các nghĩa vụ tương đương như Giám Quản giáo phận; mọi quyền hành của Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục chấm dứt, ngoại trừ quy định ở điều 409 triệt 2;

2. được hưởng trọn vẹn thù lao dành cho chức vụ.

Ðiều 419: Kể từ khi trống tòa, việc quản trị giáo phận, cho tới khi đặt được Giám Quản giáo phận, được chuyển sang Giám Mục phụ tá; nếu có nhiều Giám Mục phụ tá thì vị nào cao niên hơn cả xét theo thứ tự được tiến cử; nhưng nếu không có Giám Mục phụ tá, thì việc quản trị giáo phận chuyển sang Hội Ðồng Tư Vấn, trừ khi Tòa Thánh dự liệu thể khác. Ai đảm nhiệm việc quản trị giáo phận như vậy thì lập tức phải triệu tập Hội Ðồng có thẩm quyền để chỉ định Giám Quản giáo phận.

Ðiều 420: Khi Ðại Diện hoặc Phủ Doãn Tông Tòa trống tòa, nếu Tòa Thánh không định cách khác, thì việc quản trị sẽ thuộc vị Quyền Ðại Diện hoặc Quyền Phủ Doãn do Ðại Diện hoặc Phủ Doãn chỉ định để đảm nhận chức ấy, ngay sau khi đã tựu chức.

Ðiều 421: (1) Trong vòng tám ngày kể từ khi nhận được tin trống tòa; Hội Ðồng Tư Vấn phải bầu một Giám Quản giáo phận, tức là người tạm thời quản trị giáo phận, đừng kể quy định của điều 502 triệt 3.

(2) Nếu vì bất cứ lý do nào Giám Quản giáo phận chưa được bầu cử hợp lệ trong vòng thời gian đã ấn định, thì sự chỉ định Giám Quản sẽ chuyển sang Tổng Giám Mục; nếu chính tòa Tổng Giám Mục bị khuyết vị, hay tòa Tổng Giám Mục bị trống cùng một lúc với một tòa thuộc hạt, thì việc chỉ định Giám Quản thuộc quyền Giám Mục thuộc hạt cao niên nhất xét theo sự tiến cử.

Ðiều 422: Giám Mục phụ tá, và nếu không có Giám Mục phụ tá thì Hội Ðồng Tư Vấn, phải lo thông báo cho Tòa Thánh sớm hết sức biết tin Giám Mục đã từ trần; và ai đã được bầu làm Giám Quản giáo phận cũng phải thông tri sớm hết sức cho Tòa Thánh biết việc mình đã được bầu.

Ðiều 423: (1) Chỉ được chỉ định một Giám Quản giáo phận mà thôi; mọi thói quen trái ngược đều phải bị bài bác; nếu không, thì sự bầu cử sẽ vô hiệu.

(2) Giám Quản giáo phận không được kiêm nhiệm chức Quản Lý; vì thế, nếu Quản Lý được bầu làm Giám Quản, thì Hội Ðồng kinh tế sẽ bầu một người khác làm Quản Lý tạm thời.

Ðiều 424: Giám Quản giáo phận được bầu theo các điều 165-178.

Ðiều 425: (1) Ðể có thể được chỉ định hữu hiệu vào chức vụ Giám Quản giáo phận, cần phải là tư tế nào đã đủ ba mươi lăm tuổi, và chưa bao giờ được bầu, được bổ nhiệm hoặc được đề cử cho chính tòa bị trống ấy.

(2) Tư Tế được chọn làm Giám Quản giáo phận phải là người trổi vượt về đạo lý và khôn ngoan.

(3) Nếu mọi điều kiện ấn định trong triệt 1 không được tôn trọng thì Tổng Giám Mục, hoặc nếu chính tòa Tổng Giám Mục khuyết vị thì Giám Mục thuộc hạt cao niên hơn cả xét theo ngày tiến cử, sau khi đã kiểm chứng sự việc, sẽ chỉ định Giám Quản cho lần đó. Những hành vi thực hiện do người được bầu lên trái ngược với quy định ở triệt 1 trên đây, đều vô hiệu do chính luật.

Ðiều 426: Trong thời gian trống tòa, trước khi Giám Quản giáo phận được chỉ định, người nào quản trị giáo phận thì có quyền hành mà luật dành cho Tổng Ðại Diện.

Ðiều 427: (1) Giám Quản giáo phận có mọi nghĩa vụ và quyền hành như Giám Mục giáo phận, ngoại trừ những gì xét theo bản tính sự việc hoặc chính luật pháp đã loại trừ.

(2) Giám Quản giáo phận được hưởng quyền hành do việc đã ưng thuận sự bầu cử và không cần sự phê chuan của ai khác, nhưng phải giữ bổn phận nói ở điều 833 số 4.
Ðiều 428: (1) Trong khi trống tòa, thì không được đổi mới gì cả.

(2) Cấm những ai đảm nhiệm việc quản trị tạm thời giáo phận không được làm bất cứ việc gì có thể gây tổn thiệt cho giáo phận hoặc cho các quyền lợi của Giám Mục; đặc biệt cấm các vị đó và bất cứ ai khác nữa không được đích thân hay nhờ người khác lấy ra, tiêu hủy, sửa chữa bất cứ các tài liệu nào của phủ giáo phận.

Ðiều 429: Giám Quản giáo phận có nghĩa vụ cư trú trong giáo phận và phải dâng thánh lễ cầu cho dân, chiếu theo luật điều 388.

Ðiều 430: (1) Nhiệm vụ Giám Quản giáo phận chấm dứt khi Tân Giám Mục tựu chức trong giáo phận.

(2) Việc bãi chức Giám Quản giáo phận dành riêng cho Tòa Thánh; nếu muốn xin từ chức, thì chỉ cần bày tỏ ý định theo đúng thủ tục cho tập đoàn có thẩm quyền bầu cử và không cần được sự chấp nhận. Trong trường hợp Giám Quản giáo phận bị bãi chức, hoặc từ chức hoặc qua đời, thì sẽ bầu một vị Giám Quản giáo phận khác theo quy tắc của điều 421.

 
Thiên 2: Những Hợp Ðoàn Các Giáo Hội Ðịa Phương

Chương I: Các Giáo Tỉnh Và Các Giáo Miền

Ðiều 431: (1) Ðể cổ võ sự hoạt động mục vụ chung giữa các giáo phận lân cận, tùy theo hoàn cảnh về nhân sự và về nơi chốn, cũng như để xiết chặt hơn những sự liên lạc hỗ tương giữa các Giám Mục giáo phận, các Giáo Hội địa phương gần nhau sẽ được hợp lại thành các Giáo Tỉnh, với giới hạn lãnh thổ rõ rệt.

(2) Theo quy tắc chung, trong tương lai sẽ không còn các Giáo Phận được miễn trừ nữa; vì thế, tất cả các Giáo Phận và các Giáo Hội địa phương khác ở trong lãnh thổ của cùng một Giáo Tỉnh phải được sát nhập vào Giáo Tỉnh đó.

(3) Chỉ có Quyền Bính tối cao của Giáo Hội, sau khi đã hội ý với các Giám Mục liên hệ, mới có thẩm quyền thiết lập, bãi bỏ hoặc sửa đổi các Giáo Tỉnh.

Ðiều 432: (1) Công Ðồng Giáo Tỉnh và Tổng Giám Mục giữ quyền hành trong Giáo Tỉnh theo quy tắc luật định.

(2) Giáo Tỉnh được hưởng tính cách pháp nhân theo luật.

Ðiều 433: (1) Nếu xét thấy có lợi, nhất là trong các quốc gia có nhiều Giáo Hội địa phương, thì các Giáo Tỉnh lân cận, theo đề nghị của Hội Ðồng Giám Mục, có thể được Tòa Thánh cho liên kết với nhau thành các Giáo Miền.

(2) Giáo Miền có thể được lập thành pháp nhân.

Ðiều 434: Hội nghị các Giám Mục thuộc Giáo Miền có nhiệm vụ xiết chặt sự hợp tác và hoạt động mục vụ chung trong miền. Tuy nhiên những quyền hành mà các điều trong Bộ Giáo Luật này dành cho Hội Ðồng Giám Mục sẽ không có hiệu lực đối với Hội Nghị đó, trừ những quyền nào đã được Tòa Thánh ban cấp cách đặc biệt.

Chương II: Các Tổng Giám Mục

Ðiều 435: Tổng Giám Mục làm đầu Giáo Tỉnh, đồng thời là Tổng Giám Mục của giáo phận mà ngài được đặt lên quản trị. Chức vụ này gắn liền với một tòa Giám Mục nhất định được Ðức Thánh Cha ấn định hoặc phê chuẩn.

Ðiều 436: (1) Trong các Giáo Phận thuộc hạt, Tổng Giám Mục có thẩm quyền:

1. canh chừng để Ðức Tin và kỷ luật Giáo Hội được tuân hành chu đáo, và thông báo cho Ðức Thánh Cha biết về những sự lạm dụng nếu có;

2. thi hành việc kinh lược, vì một lý do được Tòa Thánh phê chuẩn trước, nếu Giám Mục thuộc hạt đã lơ đễnh việc kinh lược;

3. bổ nhiệm Giám Quản giáo phận, theo quy tắc của các điều 421 triệt 2 và 425 triệt 3.
(2) Ở đâu hoàn cảnh đòi hỏi, Tòa Thánh có thể ủy cho Tổng Giám Mục những nhiệm vụ và quyền hành đặc biệt, do luật địa phương xác định.

(3) Tổng Giám Mục không có một quyền quản trị nào khác trong các giáo phận thuộc hạt; nhưng ngài có thể cử hành mọi nghi lễ thánh trong các thánh đường như là Giám Mục trong giáo phận riêng, miễn là phải báo tin cho Giám Mục giáo phận biết trước, khi nào cử hành trong một nhà thờ chính tòa.

Ðiều 437: (1) Tổng Giám Mục có nghĩa vụ phải đích thân hoặc nhờ đại diện xin Ðức Thánh Cha ban dây "Pallium" trong thời gian ba tháng kể từ ngày thụ phong Giám Mục, hoặc nếu đã thụ phong Giám Mục rồi thì kể từ lúc được bổ nhiệm. Dây "Pallium" làm dấu hiệu quyền hành mà Tổng Giám Mục được hưởng trong Giáo Tỉnh riêng, theo luật, trong sự hiệp thông với Giáo Hội Roma.

(2) Tổng Giám Mục có thể mang dây "Pallium" trong bất cứ thánh đường nào thuộc Giáo Tỉnh mà ngài đứng đầu theo quy tắc của luật phụng vụ; nhưng ngoài Giáo Tỉnh, thì không được mang, cho dù đồng ý của Giám Mục giáo phận.

(3) Tổng Giám Mục được thuyên chuyển sang một tòa khác thì cần phải xin "Pallium" mới.

Ðiều 438: Ngoại trừ những ân hàm danh dự, tước hiệu Thượng Phụ và Giáo Chủ không bao hàm quyền quản trị nào trong Giáo Hội Latinh, đừng kể khi nào đã rõ cách khác do đặc ân Tòa Thánh hoặc do thói quen đã được phê chuẩn.

Chương III: Các Công Ðồng Ðịa Phương

Ðiều 439: (1) Công Ðồng toàn miền, dành cho tất cả các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một Hội Ðồng Giám Mục, sẽ được nhóm họp mỗi khi chính Hội Ðồng Giám Mục xét là cần và hữu ích, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh.

(2) Quy tắc nói ở triệt 1 cũng được áp dụng cho việc nhóm Công Ðồng tỉnh trong một Giáo Tỉnh mà ranh giới trùng với lãnh thổ của quốc gia.

Ðiều 440: (1) Công Ðồng tỉnh, dành cho các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một Giáo Tỉnh, sẽ được nhóm họp khi đa số Giám Mục giáo phận trong Giáo Tỉnh xét thấy là thuận lợi, đừng kể điều 439 triệt 2.

(2) Công Ðồng tỉnh sẽ không được triệu tập khi Tòa Tổng Giám Mục khuyết vị.

Ðiều 441: Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền:

1. triệu tập Công Ðồng toàn miền;


2. định nơi nhóm họp Công Ðồng ở trong lãnh thổ thuộc Hội Ðồng Giám Mục;

3. bầu ra trong số các Giám Mục giáo phận vị chủ tọa Công Ðồng toàn miền; vị này phải được Tòa Thánh phê chuẩn;

4. ấn định điều lệ và các vấn đề cần được bàn thảo, tuyên bố ngày khai hội và thời gian hội, thuyên chuyển, triển hạn và bế mạc Công Ðồng.

Ðiều 442: (1) Tổng Giám Mục, với sự đồng ý của phần lớn các Giám Mục thuộc hạt, có thẩm quyền:

1. triệu tập Công Ðồng tỉnh;

2. định nơi nhóm họp Công Ðồng tỉnh trong lãnh thổ Giáo Tỉnh;

3. ấn định điều lệ và các vấn đề đem ra bàn thảo, tuyên bố ngày khai họp và thời gian họp Công Ðồng tỉnh, thuyên chuyển, triển hạn hoặc bế mạc Công Ðồng.

(2) Tổng Giám Mục chủ tọa Công Ðồng tỉnh. Nếu bị ngăn trở hợp lệ, thì một Giám Mục thuộc hạt được các Giám Mục khác bầu ra sẽ chủ tọa.

Ðiều 443: (1) Cần được triệu tập đến Công Ðồng địa phương và có quyền biểu quyết:
1. các Giám Mục giáo phận;

2. các Giám Mục phó và phụ tá;

3. các Giám Mục hiệu tòa khác hiện đang thi hành chức vụ đặc biệt trong lãnh thổ đó, do ủy nhiệm của Tòa Thánh hoặc Hội Ðồng Giám Mục.

(2) Có thể được mời tới tham dự Công Ðồng địa phương tất cả các Giám Mục hiệu tòa khác, kể cả các cựu Giám Mục hiện đang cư trú trong lãnh thổ; những vị này cũng có quyền biểu quyết.

(3) Cần được triệu tập tới Công Ðồng địa phương nhưng chỉ có quyền tư vấn:
1. các Tổng Ðại Diện và các Ðại Diện Giám Mục thuộc các Giáo Hội địa phương trong lãnh thổ;

2. các Bề Trên cao cấp của các Dòng Tu và của các Tu Ðoàn Tông Ðồ, theo số lượng, cả nam lẫn nữ, được Hội Ðồng Giám Mục hoặc các Giám Mục của Giáo Tỉnh ấn định; những người ấy được chọn bởi các Bề Trên cao cấp của các Dòng Tu và của các Tu Ðoàn hiện có trụ sở trong lãnh thổ;

3. các Viện Trưởng của các Ðại Học của Giáo Hội và Ðại Học Công Giáo; cũng như các Khoa Trưởng các Phân Khoa Thần Học và Giáo Luật, hiện có trụ sở trong lãnh thổ;
4. một vài Giám Ðốc các Ðại Chủng Viện, theo số lượng được ấn định ở số 2 trên đây, được chọn bởi các Giám Ðốc Ðại Chủng Viện tọa lạc trong lãnh thổ.

(4) Có thể được mời tham dự các Công Ðồng địa phương, nhưng chỉ với quyền tư vấn mà thôi, cả các linh mục và các tín hữu khác nữa; tuy nhiên số lượng không được quá phân nửa những thành viên nói ở các triệt 1-3 trên đây.

(5) Ngoài ra, cũng phải mời dự Công Ðồng tỉnh, các kinh sĩ nhà thờ chính tòa cũng như Hội Ðồng linh mục và Hội Ðồng mục vụ của từng Giáo Hội địa phương, nhưng mỗi định chế chỉ được gửi hai đại biểu làm thành viên đã được bầu lên cách tập đoàn; những người này chỉ có quyền tư vấn mà thôi.

(6) Nếu Hội Ðồng Giám Mục, đối với Công Ðồng toàn miền, hoặc Tổng Giám Mục cùng với các Giám Mục thuộc hạt, đối với Công Ðồng tỉnh, xét thấy thuận lợi, thì có thể mời những người khác như thượng khách tới các Công Ðồng địa phương.

Ðiều 444: (1) Tất cả những ai đã được triệu tập tham dự Công Ðồng địa phương thì phải đến tham dự, trừ khi bị ngăn trở chính đáng, và phải báo cho vị Chủ Tọa Công Ðồng biết điều đó.

(2) Những ai được triệu tập tham dự các Công Ðồng địa phương với quyền biểu quyết, nếu bị ngăn trở chính đáng, có thể cử một đại diện; người đại diện chỉ có quyền tư vấn mà thôi.

Ðiều 445: Công Ðồng địa phương phải lo liệu mọi nhu cầu mục vụ cho dân Chúa trong lãnh thổ của mình: Công Ðồng có quyền quản trị, nhất là quyền lập pháp, để có thể, trong khuôn khổ của luật phổ quát của Giáo Hội, quyết định tất cả những gì thuận lợi cho sự tăng gia Ðức Tin, tổ chức hoạt đồng mục vụ chung, và điều hành mọi phong hóa và tuân hành, thiết lập hoặc bảo vệ kỷ luật chung của Giáo Hội.

Ðiều 446: Khi Công Ðồng địa phương đã bế mạc, vị chủ tọa phải lo chuyển đạt tất cả mọi văn kiện của Công Ðồng về Tòa Thánh; các nghị quyết của Công Ðồng chỉ được ban hành sau khi đã được Tòa Thánh duyệt y; chính Công Ðồng sẽ chỉ định cách thức ban hành các nghị quyết và thời gian mà các nghị quyết đã ban hành bắt đầu có hiệu lực bó buộc.

Chương IV: Các Hội Ðồng Giám Mục

Ðiều 447: Hội Ðồng Giám Mục, một định chế có tính cách thường trực, là một đoàn thể của các Giám Mục thuộc một quốc gia hoặc một lãnh thổ nhất định, đồng thi hành một vài nhiệm vụ mục vụ đối với các tín hữu thuộc lãnh thổ đó, nhằm cổ võ thiện ích lớn lao hơn cả mà Giáo Hội cống hiến cho mọi người, nhất là qua các hình thức và phương thế làm tông đồ được thích ứng vào những hoàn cảnh của từng thời và từng nơi, theo quy tắc luật định.

Ðiều 448: (1) Hội Ðồng Giám Mục, theo luật chung, gồm tất cả các Giám Mục của các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một quốc gia, theo quy tắc điều 450.

(2) Tuy nhiên, nếu Tòa Thánh, sau khi đã bàn hỏi với các Giám Mục giáo phận liên hệ, xét rằng các hoàn cảnh nhân sự hoặc sự việc đòi hỏi, thì Hội Ðồng Giám Mục có thể được thành lập cho một lãnh thổ nhỏ bé hoặc rộng lớn hơn; như vậy, hoặc chỉ bao gồm các Giám Mục của một vài Giáo Hội địa phương nằm trong một lãnh thổ nhất định, hoặc gồm các Giám Mục của các Giáo Hội địa phương hiện thuộc nhiều quốc gia khác biệt. Tòa Thánh có thẩm quyền ấn định các quy tắc đặc biệt cho mỗi Hội Ðồng ấy.

Ðiều 449: (1) Chỉ duy Quyền Bính tối cao của Giáo Hội, sau khi đã tham khảo ý kiến với các Giám Mục liên hệ, mới có quyền thành lập, bãi bỏ hoặc thay đổi các Hội Ðồng Giám Mục.

(2) Hội Ðồng Giám Mục, một khi đã được thành lập hợp lệ, đương nhiên theo luật được hưởng tư cách pháp nhân.

Ðiều 450: (1) Ðương nhiên theo luật làm thành viên của Hội Ðồng Giám Mục: tất cả các Giám Mục giáo phận trong lãnh thổ và các vị được luật đồng hóa với các ngài, cũng như các Giám Mục phó, các Giám Mục phụ tá và các Giám Mục hiệu tòa khác hiện đang thi hành một chức vụ đặc biệt do Tòa Thánh hoặc do Hội Ðồng Giám Mục ủy thác trong chính lãnh thổ đó; cũng có thể được mời tham dự: các Bản Quyền thuộc lễ điển khác, nhưng chỉ với quyền tư vấn, trừ khi nào nội quy của Hội Ðồng Giám Mục định thể khác.

(2) Các Giám Mục hiệu tòa khác và phái viên của Ðức Thánh Cha không phải là những thành viên của Hội Ðồng Giám Mục do luật chung.

Ðiều 451: Mỗi Hội Ðồng Giám Mục phải thảo nội quy riêng, và cần được Tòa Thánh duyệt y, trong đó, đừng kể các vấn đề khác, cần ấn định các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng, ủy ban thường vụ và văn phòng tổng thư ký của Hội Ðồng, và việc thành lập các chức vụ và các ủy ban khác mà Hội Ðồng xét thấy có thể góp phần đắc lực để đạt tới các mục tiêu.

Ðiều 452: (1) Chiếu theo nội quy, mỗi Hội Ðồng Giám Mục sẽ bầu một chủ tịch; ấn định người nào, trong lúc chủ tịch bị ngăn trở hợp lệ, sẽ giữ chức vụ phó chủ tịch; và chỉ định một vị tổng thư ký.

(2) Chủ Tịch của Hội Ðồng, và khi vị này bị ngăn trở hợp lệ thì phó chủ tịch, chủ tọa không những các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục mà cả ủy ban thường vụ nữa.

Ðiều 453: Các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục ít nhất phải họp mỗi năm một lần và mỗi khi các hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi, theo quy định của nội quy.

Ðiều 454: (1) Trong các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục, các Giám Mục giáo phận và các vị được luật đồng hóa với các ngài, cũng như các Giám Mục phó, đều có quyền biểu quyết theo luật.

(2) Các Giám Mục phụ tá và các Giám Mục hiệu tòa khác thuộc Hội Ðồng Giám Mục có quyền biểu quyết hoặc tư vấn tùy theo quy định của nội quy của Hội Ðồng. Tuy nhiên quyền biểu quyết chỉ được dành riêng cho những người nói ở triệt 1, khi bàn tới việc soạn thảo hay sửa đổi nội quy.

Ðiều 455: (1) Hội Ðồng Giám Mục chỉ có thể ra những sắc luật trong những trường hợp mà luật phổ quát đã quy định hoặc một ủy nhiệm đặc biệt của Tòa Thánh đã tự ý ấn định hoặc theo lời thỉnh cầu của chính Hội Ðồng.

(2) Ðể các sắc luật nói ở triệt 1 được hữu hiệu, thì trong phiên họp khoáng đại, cần phải hội đủ ít là hai phần ba số phiếu của các Giám Mục có quyền biểu quyết trong Hội Ðồng; và sắc luật chỉ có hiệu lực bó buộc khi được ban hành hợp lệ sau khi đã được Tòa Thánh duyệt y.

(3) Cách thức ban hành và thời gian các sắc luật bắt đầu có hiệu lực sẽ do chính Hội Ðồng Giám Mục ấn định.

(4) Trong những trường hợp không có luật phổ quát hay ủy nhiệm đặc biệt của Tòa Thánh cấp cho Hội Ðồng Giám Mục quyền nói ở triệt 1 trên đây, thì mỗi Giám Mục giáo phận có thẩm quyền nguyên vẹn; dù Hội Ðồng Giám Mục hoặc chủ tịch của Hội Ðồng cũng không thể hành động nhân danh các Giám Mục nếu không được tất cả và từng Giám Mục bày tỏ sự thỏa thuận.

Ðiều 456: Khi phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục đã bế mạc, chủ tịch sẽ gửi bản phúc trình về công vụ cũng như các sắc luật của Hội Ðồng cho Tòa Thánh: một đàng để thông tri cho Tòa Thánh biết công vụ ấy, một đàng để các sắc luật, nếu có, có thể được chính Tòa Thánh duyệt y.

Ðiều 457: Ủy Ban thường vụ của các Giám Mục phải lo chuẩn bị những vấn đề sẽ đem ra bàn thảo trong phiên họp khoáng đại, và lo liệu để những biểu quyết của phiên họp khoáng đại được thi hành nghiêm chỉnh. Ngoài ra, còn phải lo thi hành những công tác khác đã được ủy thác theo quy tắc của nội quy

Ðiều 458: Nhiệm vụ của Tổng thư ký là:

1. soạn thảo bản phúc trình về các công vụ và các sắc luật của phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng và công vụ của ủy ban thường vụ, và gửi cho tất cả các thành viên của Hội Ðồng; cũng như ghi chép các công vụ khác do chủ tịch của Hội Ðồng hoặc ủy ban thường vụ đã ủy thác.

2. thông tri cho các Hội Ðồng Giám Mục lân cận các công vụ và văn kiện mà Hội Ðồng trong phiên họp khoáng đại hoặc ủy ban thường vụ đã quyết định phải thông chuyển.
Ðiều 459: (1) Cần duy trì các liên lạc giữa các Hội Ðồng Giám Mục với nhau, nhất là giữa các Hội Ðồng Giám Mục kế cận để cổ động và bảo vệ thiện ích lớn lao hơn.

(2) Tuy nhiên mỗi khi các hành động hay dự án do các Hội Ðồng khởi xướng có tầm mức quốc tế, thì cần phải tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước.

Thiên 3: Tổ Chức Nội Bộ Của Các Giáo Hội Ðịa Phương

Chương I: Công Nghị Giáo Phận

Ðiều 460: Công nghị giáo phận là một đại hội gồm các tư tế và các tín hữu ưu tuyển của một Giáo Hội địa phương với trách vụ giúp đỡ Giám Mục giáo phận trong việc mưu cầu thiện ích cho toàn thể cộng đoàn giáo phận, theo quy tắc của những điều luật sau đây.

Ðiều 461: (1) Công nghị giáo phận được nhóm họp trong mỗi Giáo Hội địa phương mỗi khi các hoàn cảnh đòi hỏi, theo sự thẩm định của Giám Mục giáo phận sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Ðồng linh mục.

(2) Nếu một Giám Mục phải coi sóc nhiều giáo phận, hoặc coi sóc một giáo phận như Giám Mục riêng của giáo phận đó đồng thời coi sóc một giáo phận khác như Giám Quản, thì ngài có thể triệu tập một công nghị cho tất cả các giáo phận đã được ủy thác.
Ðiều 462: (1) Chỉ duy Giám Mục giáo phận mới có thể triệu tập công nghị giáo phận; Vị quản trị lâm thời giáo phận không có quyền triệu tập.

(2) Giám Mục giáo phận chủ tọa công nghị giáo phận, tuy dầu ngài có thể ủy cho Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục chủ tọa từng phiên họp của công nghị.

Ðiều 463: (1) Những người phải được mời làm thành viên, và có nghĩa vụ phải tham dự công nghị giáo phận là:

1. Giám Mục phó và các Giám Mục phụ tá;

2. các Tổng Ðại Diện và các Ðại Diện Giám Mục, cũng như Ðại Diện tư pháp;

3. các kinh sĩ của nhà thờ chính tòa;

4. các thành viên của Hội Ðồng linh mục;

5. các giáo dân, kể cả các phần tử của các Hội Dòng tận hiến, được Hội Ðồng mục vụ lựa chọn theo thể thức và số lượng do Giám Mục giáo phận ấn định; đâu không có Hội Ðồng ấy, thì theo cách thức do Giám Mục giáo phận đã ấn định;

6. Giám Ðốc Ðại Chủng Viện giáo phận;

7. các cha quản hạt;

8. ít là một linh mục cho mỗi giáo hạt, được chọn do những người đang lo việc coi sóc các linh hồn tại đó; ngoài ra, một linh mục khác được lựa chọn để thay thế nếu chẳng may linh mục kia bị ngăn trở;

9. một vài Bề Trên của các Dòng Tu và của các Tu Ðoàn Tông Ðồ hiện đang có tu viện ở trong giáo phận; những người này được lựa chọn theo số lượng và thể thức do Giám Mục giáo phận ấn định.

(2) Giám Mục giáo phận có thể mời làm thành viên của công nghị giáo phận một số người khác, hoặc giáo sĩ hoặc các phần tử Hội Dòng tận hiến hoặc các giáo dân.

(3) Nếu thấy thuận lợi, Giám Mục giáo phận có thể mời làm quan sát viên tại công nghị một số các viên chức hoặc phần tử của các Giáo Hội hoặc thuộc các giáo đoàn không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo.

Ðiều 464: Nếu một thành viên của công nghị bị ngăn trở hợp lệ, thì không có thể cử một người đại diện nhân danh mình tới tham dự; nhưng phải thông tri cho Giám Mục biết về ngăn trở đó.

Ðiều 465: Tất cả các vấn đề đã đề xướng sẽ được các thành viên tự do bàn thảo trong các phiên họp của công nghị.

Ðiều 466: Trong công nghị giáo phận, Giám Mục là nhà lập pháp duy nhất, và các thành viên khác chỉ có quyền tư vấn. Duy có Giám Mục ký nhận mọi tuyên ngôn và mọi quyết nghị của công nghị, và sẽ ban hành chúng với quyền hành của ngài.

Ðiều 467: Giám Mục giáo phận phải thông tri cho Tổng Giám Mục và cho Hội Ðồng Giám Mục về bản văn của các tuyên ngôn và về các quyết nghị của công nghị.

Ðiều 468: (1) Giám Mục giáo phận, tùy theo sự thẩm định khôn ngoan của ngài, có thẩm quyền đình chỉ và giải tán công nghị giáo phận.

(2) Trong khi trống tòa hoặc cản tòa, công nghị đương nhiên theo luật bị đình chỉ cho tới lúc Giám Mục giáo phận kế vị quyết định tiếp tục hoặc tuyên bố kết thúc công nghị.
Chương II: Phủ Giáo Phận

Ðiều 469: Phủ giáo phận gồm các định chế và các nhân viên cộng tác với Giám Mục trong việc quản trị toàn thể giáo phận, nhất là việc điều khiển hoạt động mục vụ, lo việc trông nom sự hành chánh của giáo phận cũng như việc hành sử quyền tư pháp.

Ðiều 470: Việc bổ nhiệm những người thi hành chức vụ trong phủ giáo phận là quyền của Giám Mục giáo phận.

Ðiều 471: Tất cả những người đã được thâu nhận vào các chức vụ trong giáo phủ cần phải:

1. hứa trung thành chu toàn chức vụ, theo đúng phương thức do luật pháp hoặc Giám Mục đã ấn định;

2. giữ bí mật trong mức định và theo cách thức do luật pháp hoặc Giám Mục đã ấn định.

Ðiều 472: Ðối với những vụ kiện và nhân viên trong giáo phủ có liên hệ tới việc hành sử quyền tư pháp, phải giữ mọi quy định của quyển VII về "Tố Tụng"; còn những gì liên hệ tới công việc hành chánh của giáo phận, thì phải giữ đúng các quy định của những điều luật sau đây.

Ðiều 473: (1) Giám Mục giáo phận phải lo sao cho mọi công việc liên hệ tới công việc hành chánh của toàn giáo phận được phối trí hợp lý, và nhằm đạt được thiện ích của phần dân Chúa đã ủy thác cho mình.

(2) Chính Giám Mục giáo phận phải lo phối hợp công tác mục vụ giữa các vị Ðại Diện, dù Tổng Ðại Diện hay Ðại Diện Giám Mục. Ở đâu thấy cần, có thể đặt một Giám Ðốc giáo phủ; người này phải là một tư tế, có trách vụ, dưới quyền của Giám Mục, phối hợp mọi công việc liên quan tới công tác hành chánh, cũng như lo cho tất cả các nhân viên giáo phủ hoàn tất chu đáo trách vụ đã ủy thác cho họ.

(3) Nếu, theo thẩm định của Giám Mục, hoàn cảnh tại chỗ không đòi hỏi cách khác, thì Tổng Ðại Diện phải được bổ nhiệm làm Giám Ðốc giáo phủ, hoặc nếu có nhiều Tổng Ðại Diện, thì một trong số các vị ấy sẽ giữ chức vụ ấy.

(4) Ðể xúc tiến công tác mục vụ đắc hiệu hơn, nếu nhận xét thấy tiện, Giám Mục có thể thành lập Ủy Ban Tư Vấn Giám Mục, gồm các Tổng Ðại Diện và các Ðại Diện Giám Mục.

Ðiều 474: Tất cả mọi văn kiện của giáo phủ có tính cách pháp lý thì để được hữu hiệu, cần được ký nhận bởi Bản Quyền tác giả cũng như của Chưởng Ấn hoặc Lục Sự của giáo phủ; Chưởng Ấn có bổn phận thông tri cho Giám Ðốc giáo phủ biết về các văn kiện ấy.

Mục I: Các Tổng Ðại Diện và Các Ðại Diện Giám Mục

Ðiều 475: (1) Trong mỗi giáo phận, Giám Mục giáo phận nên đặt một Tổng Ðại Diện với quyền hành thông thường theo quy tắc của những điều luật sau đây, để giúp Giám Mục trong việc quản trị toàn giáo phận.

(2) Theo luật chung, chỉ được đặt một Tổng Ðại Diện, trừ khi giáo phận rộng lớn hoặc số người cư ngụ đông đảo hoặc vì những lý do mục vụ khác đòi hỏi cách khác.

Ðiều 476: Khi nào thấy cần cho sự quản trị chính đáng của giáo phận, Giám Mục giáo phận cũng có thể đặt một hoặc nhiều Ðại Diện Giám Mục cho một khu vực nhất định của giáo phận, hoặc cho một số công việc nhất định, hoặc cho một số giáo hữu thuộc một lễ điển, hoặc đối với một nhóm người nhất định nào đó. Các Ðại Diện Giám Mục được quyền hành thông thường mà luật phổ quát dành cho Tổng Ðại Diện, theo quy tắc của những điều sau đây.

Ðiều 477: (1) Giám Mục giáo phận tự do bổ nhiệm Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục, và cũng có thể bãi chức họ, miễn là tôn trọng quy tắc của điều 406; Ðại Diện Giám Mục, nếu không phải là Giám Mục phụ tá, chỉ được bổ nhiệm có hạn kỳ được định rõ trong bổ nhiệm thư.

(2) Khi Tổng Ðại Diện vắng mặt hoặc bị ngăn trở hợp lệ, Giám Mục giáo phận có thể bổ nhiệm một vị khác thay thế; quy tắc đó cũng được áp dụng cho Ðại Diện Giám Mục.

Ðiều 478: (1) Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục phải là những tư tế không dưới ba mươi tuổi, có bằng tiến sĩ hoặc cử nhân Giáo Luật hay Thần Học hoặc ít là thực sự thành thạo các môn đó, trổi vượt vì đạo lý lành mạnh, đức độ, khôn ngoan, và từng trải khi xử sự công việc.

(2) Chức vụ Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục không thể kiêm nhiệm chức vụ kinh sĩ xá giải; và cũng không thể ủy thác người cùng huyết tộc với Giám Mục cho tới cấp thứ bốn.

Ðiều 479: (1) Tổng Ðại Diện, chiếu theo chức vụ, trong toàn giáo phận có quyền hành pháp mà luật dành cho Giám Mục giáo phận, để thực hiện bất cứ mọi thứ công việc hành chánh, chỉ trừ những công việc mà Giám Mục đã dành riêng hoặc những công việc mà luật đòi phải có ủy nhiệm đặc biệt của Giám Mục.

(2) Ðại Diện Giám Mục, đương nhiên theo luật, cũng có quyền hạn nói ở triệt 1, nhưng chỉ trong giới hạn lãnh thổ hoặc thứ loại công việc hoặc số giáo hữu thuộc lễ điển hoặc đoàn nhóm nhất định mà Ðại Diện Giám Mục đã được đặt lên, trừ những việc gì Giám Mục đã dành riêng cho ngài hoặc cho Tổng Ðại Diện, hoặc những gì mà luật đòi cần phải có ủy nhiệm đặc biệt của Giám Mục.

(3) Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục, trong phạm vi thuộc thẩm quyền của mình, cũng được hưởng các năng ân thường lệ mà Tòa Thánh ban cho Giám Mục, cũng như việc thi hành các phúc nghị, trừ khi có quy định minh thị cách khác hoặc Giám Mục giáo phận đã được chọn vì tài cán cá nhân.

Ðiều 480: Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục phải tường trình cho Giám Mục giáo phận về những hoạt động quan trọng phải làm và đã làm, và không bao giờ được hành động trái với ý muốn và chủ đích của Giám Mục giáo phận.

Ðiều 481: (1) Quyền hành của Tổng Ðại Diện và của Ðại Diện Giám Mục chấm dứt khi sự ủy nhiệm đã mãn hạn, do sự từ chức, và, đừng kể quy định của các điều 406 và 409, do sự bãi chức được Giám Mục giáo phận thông tri, và khi Tòa Giám Mục khuyết vị.

(2) Nếu Giám Mục giáo phận bị huyền chức, thì quyền hành của Tổng Ðại Diện và của Ðại Diện Giám Mục cũng bị đình chỉ, nếu họ không có chức Giám Mục.

Mục II: Chưởng Ấn, Các Lục Sự và Văn Khố

Ðiều 482: (1) Trong bất cứ giáo phủ nào cũng phải đặt một Chưởng Ấn mà chức vụ chính yếu, nếu luật địa phương không ấn định cách nào khác, là lo thảo và gửi các văn kiện của giáo phủ, và lưu giữ tất cả mọi văn kiện trong văn khố của giáo phủ.
(2) Nếu thấy cần, có thể đặt một người phụ tá cho Chưởng Ấn, với danh nghĩa là Phó Chưởng Ấn.

(3) Chưởng Ấn và Phó Chưởng Ấn đương nhiên làm Lục Sự và Thư Ký của giáo phủ.
Ðiều 483: (1) Ngoài Chưởng Ấn ra, còn có thể đặt nhiều Lục Sự khác nữa, mà chữ viết hoặc chữ ký của họ có giá trị xác thực công chứng; họ có thể được đặt hoặc cho bất cứ mọi công việc hoặc chỉ cho những công việc về tòa án, hoặc chỉ lo về án từ của một vụ kiện hay một công chuyện nhất định.

(2) Chưởng Ấn và các Lục Sự phải là những người có tiếng tốt và không có gì bị nghi ngờ; trong những vụ kiện có thể liên hệ tới thanh danh của một tư tế, thì Lục Sự phải là một tư tế.

Ðiều 484: Trách vụ của Lục Sự là:

1. biên soạn các chứng thư và văn kiện liên quan tới các nghị định, các quyết nghị, mọi nghĩa vụ hoặc tất cả những vấn đề nào khác cần đến sự can thiệp của họ;

2. chuyển tả cách trung thực tất cả mọi thủ tục đang tiến hành, và ký nhận cùng ghi rõ nơi, ngày, tháng và năm;

3. dựa theo các quy tắc luật định, trưng bày các chứng thư và văn kiện chứa trong các sổ bộ cho những người yêu cầu cách hợp lệ, và thị thực các bản sao với sự tuyên bố hợp với nguyên bản.

Ðiều 485: Giám Mục giáo phận có thể tự do bãi chức Chưởng Ấn và các Lục Sự khác; nhưng Giám Quản giáo phận không có quyền ấy nếu không có sự đồng ý của Hội Ðồng Tư Vấn.

Ðiều 486: (1) Tất cả mọi tài liệu liên hệ tới giáo phận hoặc tới các giáo xứ, cần phải được lưu trữ hết sức cẩn thận.

(2) Trong mỗi giáo phủ cần phải lập một Văn Khố Giáo Phận tại một nơi an toàn để lưu giữ mọi văn kiện và giấy tờ liên quan tới mọi công chuyện thiêng liêng hoặc thế sự của giáo phận, được sắp xếp cho có thứ tự rõ ràng và gìn giữ cẩn thận.

(3) Cần phải lập một bản kê khai hay mục lục tất cả mọi tài liệu giữ trong Văn Khố với bản tóm tắt về từng tờ một.

Ðiều 487: (1) Văn Khố phải được khóa, và chỉ có Giám Mục và Chưởng Ấn giữ chìa khóa; không ai được phép vào nếu không có phép của Giám Mục hoặc của Giám Ðốc giáo phủ cùng với Chưởng Ấn.

(2) Mọi người có quan thiết tới các tài liệu tự bản tính đã trở thành công khai và có liên can tới tình trạng cá nhân của mình đều có quyền tự mình hoặc nhờ đại diện xin trích lục công chứng một bản tài liệu ấy, hoặc viết hoặc chụp.

Ðiều 488: Không được phép lấy các tài liệu ra khỏi Văn Khố, đừng kể trong thời gian ngắn và có sự đồng ý của Giám Mục hoặc của Giám Ðốc giáo phủ cùng với Chưởng Ấn.

Ðiều 489: (1) Trong giáo phủ giáo phận cũng phải có một Văn Khố mật, hoặc ít ra là trong Văn Khố chung có một tủ hoặc một hòm khóa kỹ lưỡng và không thể xê dịch; trong đó phải gìn giữ hết sức cẩn thận những tài liệu cần được giữ bí mật.

(2) Hằng năm phải hủy bỏ những tài liệu về các vụ kiện hình sự liên can đến phong hóa mà can phạm đã chết rồi, hoặc các vụ kiện đã kết liễu sau khi án văn đã được tuyên bố được mười năm: chỉ cần lưu lại bản tóm tắt sự kiện cùng với bản án chung quyết.
Ðiều 490: (1) Chỉ một mình Giám Mục giữ chìa khóa Văn Khố mật.

(2) Trong khi trống tòa, không được mở Văn Khố hoặc tủ mật, trừ trường hợp thực sự cần thiết, và do chính Giám Quản giáo phận đích thân mở.

(3) Không được phép lấy các tài liệu ra khỏi Văn Khố hoặc tủ mật

Ðiều 491: (1) Giám Mục giáo phận phải lo liệu để các văn thư và tài liệu được gìn giữ cẩn thận trong các Văn Khố của các nhà thờ chính tòa, của các hợp đoàn, của các giáo xứ và của tất cả các nhà thờ khác hiện có trong lãnh thổ mình; và liệu sao để có tờ kê khai mục lục hoặc tổng mục được lập làm hai bản, một bản giữ lại trong Văn Khố riêng, và bản kia lưu giữ tại Văn Khố giáo phận.

(2) Giám Mục cũng phải lo liệu để trong giáo phận có một Văn Khố lịch sử trong đó giữ gìn và sắp xếp có hệ thống mạch lạc các tài liệu có giá trị về lịch sử.

(3) Ðể tham khảo hoặc mang ra khỏi Văn Khố mọi văn thư và mọi tài liệu đã nói ở triệt 1 và 2 trên đây, cần phải tuân giữ các quy tắc do Giám Mục giáo phận đã ấn định.

Mục III: Hội Ðồng Kinh Tế và Quản Lý

Ðiều 492: (1) Trong mỗi giáo phận phải thiết lập một Hội Ðồng kinh tế, do chính Giám Mục giáo phận hoặc một người được ủy nhiệm làm chủ tịch và gồm ít nhất là ba tín hữu do Giám Mục bổ nhiệm; cần phải là những người thành thạo về kinh tài và về dân luật, và thanh liêm.

(2) Các thành viên của Hội Ðồng kinh tế được bổ nhiệm với thời hạn là năm năm, nhưng khi đã mãn hạn, họ còn có thể được tái bổ năm năm nữa.

(3) Không được nhận vào Hội Ðồng kinh tế những người có họ hàng với Giám Mục do huyết tộc hoặc hôn thuộc tới cấp thứ tư.

Ðiều 493: Ngoài những nhiệm vụ đã ủy thác cho chính Hội Ðồng nói tới ở Quyển V "Về tài sản của Giáo Hội", Hội Ðồng kinh tế còn có trách vụ hằng năm, theo chỉ thị của Giám Mục giáo phận, thảo ngân sách dự thu và dự chi trù liệu cho việc điều hành tổng quát của giáo phận trong năm tới, và phê chuẩn số chi thu của năm cũ.

Ðiều 494: (1) Trong mỗi giáo phận, sau khi đã tham khảo ý kiến với Hội Ðồng Tư Vấn và Hội Ðồng kinh tế, Giám Mục phải bổ nhiệm một Quản Lý; vị này phải thực là thành thạo về kinh tài và đức độ ngay thẳng.

(2) Quản Lý được bổ nhiệm với hạn kỳ năm năm, nhưng khi mãn hạn có thể được bổ nhiệm thêm năm năm nữa. Giám Mục không được bãi chức Quản Lý trong thời gian tại chức nếu không có lý do nào hệ trọng, sau khi đã bàn hỏi ý kiến của Hội Ðồng Tư Vấn và Hội Ðồng kinh tế.

(3) Quản Lý có trách vụ, theo thể thức Hội Ðồng kinh tế ấn định, quản trị dưới quyền của Giám Mục, mọi tài sản của giáo phận, và dựa trên lợi tức thu hoạch được của giáo phận, thi hành những chi tiêu theo lệnh hợp lệ của Giám Mục hoặc của những người khác được Giám Mục ủy thác.

(4) Hàng năm, Quản Lý phải tường trình cho Hội Ðồng kinh tế về số thu và số chi.
Chương III: Hội Ðồng Linh Mục Và Hội Ðồng Tư Vấn

Ðiều 495: (1) Trong mỗi giáo phận, cần phải thành lập một Hội Ðồng Linh Mục, tức là một đoàn thể các Linh Mục đại diện cho Linh Mục đoàn, với nhiệm vụ tựa như Nghị Viện của Giám Mục; Hội Ðồng Linh Mục có trách vụ giúp Giám Mục trong việc cai quản giáo phận theo quy tắc luật định, để thiện ích mục vụ của phần dân Chúa đã ủy thác được thăng tiến bằng đường lối đắc hiệu nhất.

(2) Trong những hạt Ðại Diện và Phủ Doãn Tông Tòa, thì vị Ðại Diện hoặc Phủ Doãn phải lập một Hội Ðồng gồm ít là ba linh mục truyền giáo, để bàn hỏi với họ, kể cả bằng thư từ, trong những công việc hệ trọng.

Ðiều 496: Hội Ðồng Linh Mục cần có nội quy riêng được Giám Mục giáo phận phê chuẩn, dựa theo những quy tắc do Hội Ðồng Giám Mục đã ra.

Ðiều 497: Về việc chỉ định thành phần Hội Ðồng Linh Mục:
1. chừng độ một nửa thành viên được chọn do chính các tư tế tự do chọn lựa, theo quy tắc của những điều luật sau đây và của nội quy;

2. một vài tư tế, theo quy tắc nội quy, phải là những thành viên đương nhiên, tức là họ thuộc về Hội Ðồng chiếu theo trách vụ đã ủy thác cho họ;

3. Giám Mục giáo phận có quyền tự do bổ nhiệm một số người khác.

Ðiều 498: (1) Ðể thành lập Hội Ðồng Linh Mục, những người sau đây có quyền bầu cử và ứng cử:

1. tất cả các tư tế triều đã nhập tịch trong giáo phận;

2. các tư tế triều không nhập tịch trong giáo phận, cũng như các tư tế phần tử của một Dòng Tu hoặc của một Tu Ðoàn Tông Ðồ cư ngụ trong giáo phận và đang thi hành chức vụ nào đó vì thiện ích của giáo phận.

(2) Tùy theo nội quy dự liệu, quyền bầu cử và ứng cử có thể được cấp cho cả các tư tế khác có cư sở hoặc bán cư sở trong giáo phận.

Ðiều 499: Nội quy phải xác định phương thức lựa chọn các thành viên của Hội Ðồng Linh Mục, làm sao cho các tư tế của Linh Mục đoàn được đại diện xét theo các tác vụ khác nhau và các vùng khác nhau trong giáo phận.

Ðiều 500: (1) Giám Mục giáo phận có quyền triệu tập Hội Ðồng Linh Mục, chủ tọa và chỉ định những vấn đề sẽ bàn thảo trong Hội Ðồng, hoặc là chấp nhận các đề nghị của các thành viên.

(2) Hội Ðồng Linh Mục chỉ có quyền tư vấn; Giám Mục giáo phận phải hỏi ý kiến Hội Ðồng trong những việc có tầm hệ trọng, nhưng chỉ cần sự đồng ý của họ trong những trường hợp nào luật ấn định minh thị.

(3) Hội Ðồng Linh Mục không bao giờ có thể tiến hành mà không có Giám Mục giáo phận; chỉ mình Ngài có trách nhiệm lo công bố những gì đã được ấn định ở triệt 2.

Ðiều 501: (1) Các thành viên của Hội Ðồng Linh Mục được chỉ định với hạn kỳ được ấn định trong nội quy, nhưng phải làm sao để trong vòng năm năm toàn thể hoặc là một phần của Hội Ðồng được đổi mới.

(2) Khi Tòa Giám Mục khuyết vị, thì Hội Ðồng Linh Mục cũng ngưng: mọi nhiệm vụ của Hội Ðồng sẽ do Hội Ðồng Tư Vấn đảm nhiệm; trong vòng một năm kể từ ngày tựu chức, Giám Mục phải lo thành lập lại Hội Ðồng Linh Mục.

(3) Nếu Hội Ðồng Linh Mục không chu toàn nhiệm vụ đã ủy thác vì thiện ích của giáo phận hoặc lạm dụng trầm trọng nhiệm vụ của mình, thì Giám Mục giáo phận, sau khi đã tham khảo ý kiến của Tổng Giám Mục, hoặc nếu xảy ra ở giáo phận Tổng Giám Mục thì tham khảo Giám Mục giáo phận thuộc hạt cao niên nhất xét theo ngày tiến cử, có thể giải tán Hội Ðồng; nhưng trong vòng một năm phải thành lập lại Hội Ðồng.

Ðiều 502: (1) Trong các thành viên của Hội Ðồng Linh Mục, Giám Mục giáo phận được tự do lựa chọn một vài tư tế, với con số không dưới sáu và không quá mười hai, hợp thành Hội Ðồng Tư Vấn với nhiệm kỳ năm năm, với những trách vụ do luật ấn định; tuy nhiên khi đã hết nhiệm kỳ năm năm, Hội Ðồng vẫn cứ tiếp tục thi hành mọi trách vụ cho tới khi thành lập Hội Ðồng mới.

(2) Hội Ðồng Tư Vấn do Giám Mục giáo phận chủ tọa, nhưng khi cản tòa hoặc trống tòa, thì vị chủ tịch là người tạm thời thay thế Giám Mục, hoặc nếu chưa đặt được người thay thế, thì Linh Mục cao niên nhất trong Hội Ðồng xét theo ngày chịu chức.

(3) Hội Ðồng Giám Mục có thể ấn định ủy thác cho kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa các nhiệm vụ của Hội Ðồng Tư Vấn.

(4) Trong các hạt Ðại Diện và Phủ Doãn Tông Tòa, các nhiệm vụ của Hội Ðồng Tư Vấn sẽ thuộc về Hội Ðồng Truyền Giáo nói ở điều 495 triệt 2, trừ khi luật đã định cách khác.

Chương IV: Các Hội Kinh Sĩ

Ðiều 503: Các Hội Kinh Sĩ hoặc ở các nhà thờ chính tòa hay ở các hợp đoàn khác là một tập đoàn gồm các tư tế chuyên cần lo các nghi lễ phụng vụ trọng thể hơn trong nhà thờ chính tòa hoặc nhà thờ hợp đoàn; ngoài ra Hội Kinh Sĩ nhà thờ chính tòa còn chu tất những nhiệm vụ mà luật hoặc Giám Mục giáo phận đã ủy thác.

Ðiều 504: Việc thành lập, canh tân hoặc giải tán Hội Kinh Sĩ nhà thờ chính tòa dành riêng cho Tòa Thánh.

Ðiều 505: Mỗi Hội Kinh Sĩ dù thuộc nhà thờ chính tòa hay thuộc nhà thờ hợp đoàn phải có nội quy riêng, được soạn thảo ra qua một hành vi hợp lệ của toàn hội và được Giám Mục giáo phận phê chuẩn. Nội quy đó không được thay đổi hoặc bãi bỏ nếu không có sự phê chuẩn của chính Giám Mục giáo phận.

Ðiều 506: (1) Nội quy của Kinh Sĩ Hội, tuy phải luôn luôn tôn trọng các luật thành lập, cần ấn định cơ cấu của hội và số các Kinh Sĩ; xác định bổn phận của hội và của từng Kinh Sĩ đối với việc phụng tự Thiên Chúa và việc thi hành tác vụ; ấn định các phiên họp để bàn thảo về các công chuyện liên hệ tới hội và, trong khuôn khổ của những quy định của luật phổ quát, ấn định những điều kiện cần có để các hành vi được hữu hiệu và hợp pháp.

(2) Trong nội quy cũng cần xác định về lương bổng phải trả, hoặc cố định hoặc vào dịp thi hành một nhiệm vụ, cũng như huy hiệu của các Kinh Sĩ dựa theo các quy tắc Tòa Thánh đã định.

Ðiều 507: (1) Trong các Kinh Sĩ cần có một người làm chủ tịch của hội; các chức vụ khác cần được chỉ định chiếu theo quy tắc của nội quy và tập tục thịnh hành ở địa phương.

(2) Các giáo sĩ không thuộc về hội, cũng có thể được ủy thác cho những chức vụ khác nhờ đó họ giúp đỡ các Kinh Sĩ theo quy tắc của nội quy.

Ðiều 508: (1) Kinh Sĩ xá giải hoặc tại nhà thờ chính tòa hoặc tại nhà thờ hợp đoàn, chiếu theo chức vụ, có quyền thông thường để giải trong tòa bí tích các vạ "tiền kết" chưa tuyên bố và không dành riêng cho Tòa Thánh; quyền này không thể được ủy nhiệm, nhưng có thể hành sử đối với những người ở trong giáo phận tuy không là thuộc dân của giáo phận, và đối với cả những thuộc dân của giáo phận nhưng ở ngoài lãnh thổ của giáo phận.

(2) Ở đâu không có Hội Kinh Sĩ, thì Giám Mục giáo phận sẽ đặt một tư tế để giữ nhiệm vụ đó.

Ðiều 509: (1) Sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Kinh Sĩ, Giám Mục giáo phận, chứ không phải Giám Quản giáo phận, bổ nhiệm tất cả và từng Kinh Sĩ hoặc trong nhà thờ chính tòa hoặc trong nhà thờ hợp đoàn; mọi đặc ân trái ngược đều bị thu hồi. Việc phê chuẩn người đã được hội bầu làm chủ tịch cũng thuộc thẩm quyền của Giám Mục.

(2) Giám Mục giáo phận chỉ nên bổ làm Kinh Sĩ những tư tế nào trổi vượt về đạo lý và đời sống đứng đắn, và đã thi hành tác vụ tư tế cách hoàn hảo.

Ðiều 510: (1) Các giáo xứ sẽ không còn được liên kết với Hội Kinh Sĩ nữa; những giáo xứ nào đã liên kết với Kinh Sĩ Hội thì phải được Giám Mục giáo phận tách rời ra.

(2) Trong thánh đường vừa thuộc về giáo xứ vừa thuộc Hội Kinh Sĩ thì phải chỉ định một cha sở, có thể được chọn trong số các Kinh Sĩ hoặc có thể không; cha sở ấy có tất cả mọi trách vụ, quyền lợi và năng ân mà các quy tắc của luật đã dành cho cha sở.

(3) Giám Mục giáo phận sẽ ấn định các quy tắc nhờ đó các công việc mục vụ của cha sở và những nhiệm vụ riêng của Kinh Sĩ Hội được dung hòa cách xứng hợp; tránh đừng để cha sở có thể làm trở ngại công việc của Kinh Sĩ Hội và Kinh Sĩ Hội làm trở ngại công việc của cha sở; nếu xảy ra tranh chấp, thì Giám Mục giáo phận phải phân giải, nhưng tiên vàn ngài phải lo sao để những nhu cầu mục vụ của các tín hữu được trù liệu thỏa đáng.

(4) Các thứ dâng cúng cho một nhà thờ vừa thuộc giáo xứ vừa thuộc Hội Kinh Sĩ được suy đoán là dâng cho giáo xứ, trừ khi đã rõ cách khác.

Chương V: Hội Ðồng Mục Vụ

Ðiều 511: Trong mỗi giáo phận, tùy theo hoàn cảnh mục vụ thúc giục, nên thành lập Hội Ðồng Mục Vụ, với trách vụ là, dưới quyền của Giám Mục, lo nghiên cứu, cân nhắc và đề ra những kết luận thực tiễn về tất cả những gì liên quan tới hoạt động mục vụ trong giáo phận.

Ðiều 512: (1) Hội Ðồng Mục Vụ gồm các tín hữu đang thông hiệp trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, hoặc là giáo sĩ hoặc là các phần tử các Dòng Tu và nhất là giáo dân; tất cả đều được chỉ định theo cách thức do Giám Mục giáo phận ấn định.

(2) Các tín hữu được cử vào Hội Ðồng Mục Vụ cần được lựa chọn cách nào để có thể phản ảnh được phần dân Chúa cấu tạo thành giáo phận, dựa vào các khu vực khác nhau của giáo phận, các điều kiện xã hội và nghề nghiệp, và cả tới phần vụ mà các tín hữu đóng góp trong hoạt động tông đồ hoặc với tư cách cá nhân hoặc liên hiệp với những người khác.

(3) Chỉ nên cử vào Hội Ðồng Mục Vụ những tín hữu trổi về Ðức Tin vững vàng, hạnh kiểm tốt và khôn ngoan.

Ðiều 513: (1) Hội Ðồng Mục Vụ được thành lập với một hạn kỳ nhất định, theo các quy định của nội quy được Giám Mục ban hành.

(2) Khi Tòa Giám Mục khuyết vị, thì Hội Ðồng Mục Vụ dứt.

Ðiều 514: (1) Chỉ có Giám Mục giáo phận, tùy theo nhu cầu tông đồ, có quyền triệu tập và chủ tọa Hội Ðồng Mục Vụ; cũng chỉ duy có một mình Giám Mục giáo phận có quyền công bố tất cả những gì đã được bàn thảo trong Hội Ðồng. Hội Ðồng Mục Vụ chỉ có quyền tư vấn.

(2) Hội Ðồng Mục Vụ phải được triệu tập ít là mỗi năm một lần.

Chương VI: Các Giáo Xứ, Các Cha Sở Và Các Cha Phó

Ðiều 515: (1) Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám Mục giáo phận.

(2) Chỉ duy có Giám Mục giáo phận có quyền thành lập, giải tán hoặc thay đổi các giáo xứ; tuy nhiên ngài không nên thành lập, giải tán hoặc thay đổi một cách đáng kể các giáo xứ mà không tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục.

(3) Một khi đã được thành lập hợp lệ, giáo xứ đương nhiên được hưởng tính cách pháp nhân theo luật.

Ðiều 516: (1) Trừ khi luật quy định cách khác, chuẩn giáo xứ cũng được đồng hóa với giáo xứ. Chuẩn giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu ở trong Giáo Hội địa phương được ủy thác cho một tư tế như là chủ chăn riêng, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt chưa được thiết lập thành giáo xứ.

(2) Ở đâu các cộng đoàn không thể thành lập thành giáo xứ hay chuẩn giáo xứ được, thì Giám Mục giáo phận phải dự liệu việc săn sóc mục vụ cho họ bằng cách khác.

Ðiều 517: (1) Ở đâu hoàn cảnh đòi hỏi, việc săn sóc mục vụ của một giáo xứ hoặc của nhiều giáo xứ một trật có thể ủy thác cách liên đới cho nhiều tư tế, miễn là một người trong họ phải là trưởng ban điều hành việc săn sóc mục vụ; vị này hướng dẫn công việc hoạt động chung và chịu trách nhiệm trước Giám Mục.

(2) Nếu vì thiếu các linh mục, Giám Mục giáo phận xét thấy cần phải ủy thác sự tham gia thi hành công tác mục vụ cho một phó tế hoặc cho một người nào khác không có chức linh mục, hoặc cho một cộng đoàn, thì ngài cần phải đặt một linh mục có quyền hành và năng ân dành cho một Cha Sở để lo điều hành việc săn sóc mục vụ.

Ðiều 518: Theo luật chung, giáo xứ phải có tính cách tòng thổ, nghĩa là bao gồm tất cả các tín hữu thuộc một địa sở nhất định; tuy nhiên ở đâu thấy thuận lợi, cũng có thể thiết lập các giáo xứ tòng nhân xét vì ly do lễ điển, ngôn ngữ, quốc tịch của các tín hữu thuộc về một lãnh thổ hay kể cả vì một lý do nào khác.

Ðiều 519: Cha Sở là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó, và thi hành việc săn sóc mục vụ của cộng đoàn được ủy thác dưới quyền của Giám Mục giáo phận, vì được gọi thông phần với Giám Mục vào tác vụ của Ðức Kitô, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và quản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục khác hoặc với các phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo quy tắc luật định.

Ðiều 520: (1) Một pháp nhân không thể làm Cha Sở; tuy nhiên Giám Mục giáo phận, chứ Giám Quản giáo phận không được phép, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, có thể ủy thác một giáo xứ cho một Dòng Tu Giáo Sĩ hoặc cho một Tu Ðoàn Tông Ðồ Giáo Sĩ, kể cả bằng việc thiết lập giáo xứ trong chính nguyện đường của Dòng Tu hay của Tu Ðoàn, với điều kiện là một linh mục phải là Cha Sở hay trưởng ban điều hành theo điều 517 triệt 1, nếu việc săn sóc mục vụ được ủy thác cách liên đới cho nhiều linh mục.

(2) Việc ủy thác giáo xứ nói ở triệt 1 có thể là vĩnh viễn hoặc chỉ trong một thời gian nhất định; trong cả hai trường hợp, cần phải làm một hợp đồng bằng giấy tờ giữa Giám Mục giáo phận và các Bề Trên có thẩm quyền của Dòng Tu hoặc của Tu Ðoàn; trong tờ hợp đồng ấy, ngoài những điều khác, cần phải xác định rõ ràng và chi tiết công tác phải thi hành, nhân sự lãnh trách vụ và vấn đề tài chánh.

Ðiều 521: (1) Ðể một người có thể được bổ nhiệm cách hữu hiệu làm Cha Sở, cần phải đã chịu chức linh mục.

(2) Ngoài ra, người đó phải trổi vượt về đạo lý lành mạnh, tác phong đứng đắn, có nhiệt tâm với các linh hồn và những nhân đức khác, cũng như những đức tính mà luật hoặc phổ quát hoặc địa phương đòi hỏi để săn sóc một giáo xứ cụ thể.

(3) Ðể bổ nhiệm người nào vào chức vụ Cha Sở, cần phải biết rõ về khả năng của người đó, theo cách thức Giám Mục giáo phận ấn định, kể cả nhờ việc khảo hạch.

Ðiều 522: Cha Sở cần được hưởng tính cách lâu bền, và vì thế cần được bổ nhiệm với thời gian vô hạn định; Giám Mục giáo phận chỉ có thể bổ nhiệm Cha Sở cho một thời gian hữu hạn, nếu Hội Ðồng Giám Mục đã chấp nhận điều đó qua một nghị quyết.
Ðiều 523: Ðừng kể quy định của điều 682 triệt 1, việc chỉ định giữ chức vụ Cha Sở thuộc thẩm quyền của Giám Mục giáo phận, qua việc tự ý trao phó; trừ khi có người nào được hưởng quyền đề cử hoặc bầu cử.

Ðiều 524: Giám Mục giáo phận, sau khi đã cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh, phải ủy thác giáo xứ đang khuyết vị cho người mà ngài nhận thấy có đủ khả năng chu toàn việc săn sóc giáo xứ, và phải tránh mọi thiên vị cá nhân; để thẩm định về khả năng, ngài hãy tham khảo ý kiến Cha quản hạt và xúc tiến việc thăm dò thích hợp bằng cách tham khảo ý kiến, nếu có thể được, của vài linh mục cũng như giáo dân.

Ðiều 525: Trong lúc trống tòa hoặc cản tòa thì Giám Quản giáo phận hoặc người nào tạm thời quản trị giáo phận được quyền:

1. thiết lập hoặc phê chuẩn những linh mục đã được đề cử hoặc bầu cử hợp lệ cho một giáo xứ;

2. bổ nhiệm các Cha Sở, nếu sự trống tòa hay cản tòa đã kéo dài quá một năm.

Ðiều 526: (1) Mỗi Cha Sở chỉ phải giữ việc săn sóc một giáo xứ; tuy nhiên, nếu vì thiếu các linh mục hoặc vì hoàn cảnh nào khác, một Cha Sở có thể được ủy thác săn sóc nhiều giáo xứ gần kề nhau.

(2) Trong mỗi giáo xứ chỉ được có một Cha Sở hoặc một vị điều hành theo quy tắc của điều 517 triệt 1; mọi thói quen trái nghịch cần phải bị bài bác và mọi đặc ân phản nghịch cần phải bị thâu hồi.

Ðiều 527: (1) Ai đã được tiến cử để giữ việc săn sóc mục vụ cho một giáo xứ, thì nhận lãnh trách vụ và có nghĩa vụ thi hành kể từ lúc tựu chức.

(2) Bản Quyền sở tại hoặc một Linh Mục được ngài ủy quyền dẫn Cha Sở đến tựu chức, dựa theo thể thức được chấp nhận do luật địa phương, hoặc do tục lệ hợp pháp. Tuy nhiên khi có lý do chính đáng, Bản Quyền ấy có thể miễn chuẩn thể thức đó; trong trường hợp ấy, việc cáo tri sự miễn chuẩn cho giáo xứ có giá trị như sự tựu chức.

(3) Bản Quyền sở tại sẽ ấn định thời hạn mà Cha Sở phải tựu chức; nếu thời hạn đã trôi qua vô ích không tại một ngăn trở chính đáng, thì có thể tuyên bố giáo xứ khuyết vị.
Ðiều 528: (1) Cha Sở có bổn phận dự liệu để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho mọi người đang cư ngụ trong giáo xứ; vì thế phải lo giảng dạy các giáo dân về các chân lý Ðức Tin, nhất là nhờ việc giảng lễ trong các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc, và nhờ việc dạy đạo lý; ủng hộ giúp đỡ những chương trình nhằm cổ động tinh thần Phúc Âm kể cả trong lãnh vực công bình xã hội; cần phải để ý cách riêng tới việc giáo dục công giáo cho thiếu nhi và thanh niên; cố gắng, bằng mọi phương tiện có thể, cùng với sự hợp tác của các tín hữu, để sứ điệp Phúc Âm được đạt đến với cả những người đã lơ là việc giữ đạo hoặc không tuyên xưng Ðức Tin chân thật nữa.

(2) Cha Sở cố gắng để Bí Tích Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ; làm sao cho mọi tín hữu được nuôi sống nhờ việc cử hành sốt sắng các bí tích, cách riêng là thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thống Hối; ngoài ra, hãy cố gắng hướng dẫn các tín hữu biết cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong các gia đình, và biết tham dự cách có ý thức và tích cực vào việc phụng vụ, mà chính Cha Sở phải là người lo điều hành trong giáo xứ mình, dưới quyền của Giám Mục giáo phận, và phải canh chừng đừng để xẩy ra những lạm dụng.

Ðiều 529: (1) Ðể siêng năng chu toàn chức vụ chủ chăn, Cha Sở hãy tìm cách hiểu biết mọi tín hữu đã ủy thác cho mình săn sóc; vì thế cần đi thăm viếng các gia đình, san sẻ những lo lắng, ưu tư nhất là tang tóc của các tín hữu, và để an ủi họ trong Chúa; nếu họ có lỗi lầm gì, thì phải sửa bảo họ cách khôn khéo; đối với những bệnh nhân nhất là những người gần chết, hãy dốc hết tình bác ái với họ, tăng cường sức lực cho họ bằng các Bí Tích và phó thác linh hồn họ cho Thiên Chúa; hãy đặc biệt ân cần theo sát những người nghèo khổ, bệnh tật, những người cô đơn, những người bị lưu đầy và tất cả những người đang trải qua những sự khó khăn đặc biệt; cũng phải để ý lo cho các đôi vợ chồng và những người làm cha mẹ được nâng đỡ trong sự chu tất mọi phận sự riêng của họ và cổ võ sự tăng trưởng đời sống Kitô giáo trong gia đình.

(2) Cha Sở hãy nhận biết và thúc giục mọi tín hữu giáo dân góp phần riêng của họ vào sứ mệnh của Giáo Hội, bằng cách cổ động các Hiệp Hội nhằm các mục tiêu tôn giáo. Hãy cộng tác với Giám Mục của mình và với Linh Mục đoàn của giáo phận, và làm sao cho các tín hữu duy trì sự hiệp thông trong giáo xứ và chính họ tự cảm thấy họ vừa là phần tử của giáo phận vừa là phần tử của Giáo Hội phổ quát, và để họ dự phần cũng như nâng đỡ mọi hoạt động nhằm làm gia tăng sự thông hiệp ấy.

Ðiều 530: Những trách vụ đã được ủy thác đặc biệt cho Cha Sở là:

1. ban Bí Tích Rửa Tội;

2. ban Bí Tích Thêm Sức cho những người đang trong lúc nguy tử, theo quy tắc của điều 883 số 3;

3. ban của Ăn Ðàng và Bí Tích Xức Dầu, tuy vẫn tôn trọng quy tắc của điều 1003 triệt 2 và 3; và ban Phép Lành Tòa Thánh cho các bệnh nhân;

4. chứng giám Hôn Phối và làm phép cưới;

5. cử hành lễ nghi an táng;

6. làm phép Giếng Rửa Tội trong mùa Phục Sinh, chủ sự các cuộc rước ngoài thánh đường, và việc ban phép lành trọng thể ngoài thánh đường;

7. cử hành thánh lễ cách trọng thể hơn trong các ngày Chúa Nhật và trong các ngày Lễ Buộc.

Ðiều 531: Cho dù một người nào khác đã thi hành chức vụ thuộc giáo xứ, tất cả mọi thứ dâng cúng của các tín hữu trong dịp ấy đều phải bỏ vào quỹ của giáo xứ, trừ khi đối với những đóng góp tự nguyện, ý định của người dâng đã rõ cách nào khác. Giám Mục giáo phận, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Ðồng Linh Mục, phải ban hành những quy tắc dự liệu về các dâng cúng ấy được dành cho ai cũng như về thù lao cho các giáo sĩ được hưởng khi thi hành chức vụ đó.

Ðiều 532: Trong tất cả mọi hành vi pháp lý, Cha Sở là người đại diện của giáo xứ chiếu theo quy tắc luật định; ngài phải lo để mọi tài sản của giáo xứ được quản lý theo quy tắc của các điều 1281-1288.

Ðiều 533: (1) Cha Sở có bổn phận phải cư trú trong nhà xứ gần thánh đường; tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt vì lý do chính đáng, Bản Quyền sở tại có thể cho phép Cha Sở trọ ở nơi khác, nhất là ở trong nhà chung dành cho nhiều linh mục, miễn là phải dự liệu sao để các nhiệm vụ thuộc giáo xứ được chu toàn cách chu đáo và đắc lực.

(2) Trừ khi có lý do nào hệ trọng, Cha Sở mỗi năm được phép vắng mặt khỏi giáo xứ để đi nghỉ trong thời kỳ tối đa là một tháng liên tục hay gián đoạn; thời gian đi nghỉ này không bao gồm những ngày mà Cha Sở phải dự cuộc tĩnh tâm mỗi năm một lần. Tuy nhiên, để có thể vắng mặt khỏi giáo xứ quá một tuần lễ, Cha Sở buộc phải báo cho Bản Quyền sở tại biết.

(3) Giám Mục giáo phận có bổn phận ban hành những quy tắc để trong thời gian Cha Sở vắng mặt, việc săn sóc giáo xứ sẽ được bảo đảm bởi một tư tế với những năng ân cần thiết.

Ðiều 534: (1) Sau khi đã nhận giáo xứ, Cha Sở có nghĩa vụ phải dâng thánh lễ cho đoàn dân đã ủy thác cho mình vào các ngày Chúa Nhật và lễ buộc trong giáo phận; ai bị ngăn trở hợp lệ thì phải nhờ một người khác dâng lễ thay trong chính các ngày đó hoặc chính mình dâng lễ vào các ngày khác.

(2) Cha Sở nào lo săn sóc nhiều giáo xứ thì chỉ buộc dâng một thánh lễ cho tất cả đoàn dân đã ủy thác cho ngài vào những ngày nói ở triệt 1.

(3) Cha Sở nào không chu toàn nghĩa vụ nói ở các triệt 1 và 2, thì ngài phải lo dâng thánh lễ cho dân sớm hết sức, tất cả số lễ mà ngài đã bỏ sót.

Ðiều 535: (1) Trong mỗi giáo xứ phải có các sổ sách hàng xứ, tức là Sổ Rửa Tội, Sổ Hôn Phối, Sổ An Táng và các Sổ khác mà Hội Ðồng Giám Mục hoặc Giám Mục giáo phận đã quy định; Cha Sở phải lo ghi chép các Sổ Sách đó cách kỹ lưỡng và giữ gìn cẩn thận.

(2) Trong Sổ Rửa Tội phải ghi chú thêm cả việc Thêm Sức và tất cả những gì liên hệ tới tình trạng giáo luật của các tín hữu vì lý do Hôn Phối, trừ quy định của điều 1133, vì lý do dưỡng tử cũng như sự lĩnh chức thánh, khấn trọn đời trong Dòng Tu và sự thay đổi lễ điển; tất cả những ghi chú đó luôn luôn phải được ghi lại trong chứng thư đã chịu phép Rửa Tội.

(3) Mỗi giáo xứ phải có triện ấn riêng; các chứng thư về tình trạng giáo luật của các tín hữu, cũng như tất cả các văn kiện có thể có giá trị pháp lý đều phải được ký nhận bởi Cha Sở hoặc người được ủy quyền và mang triện của giáo xứ.

(4) Mỗi giáo xứ phải có Công Hàm hoặc Văn Khố trong đó lưu trữ các Sổ Sách của giáo xứ, cùng với các văn thư của các Giám Mục và các tài liệu khác cần được bảo tồn vì nhu cầu hoặc vì lợi ích; tất cả các Sổ Sách và các tài liệu đó cần được kiểm soát bởi Giám Mục giáo phận hoặc người được ủy quyền trong lúc kinh lý hoặc trong thời gian nào khác thuận tiện. Cha Sở phải đề phòng đừng để cho tất cả các Sổ Sách đó lọt vào tay người ngoại cuộc.

(5) Những Sổ Sách lâu đời của giáo xứ cũng phải lo lưu giữ cẩn thận, chiếu theo các quy định của luật địa phương.

Ðiều 536: (1) Nếu Giám Mục giáo phận xét là thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Ðồng Linh Mục, thì trong mỗi giáo xứ nên thành lập Hội Ðồng Mục Vụ, do Cha Sở chủ tọa, và trong đó các tín hữu cùng với những người chiếu theo chức vụ tham gia vào việc săn sóc mục vụ trong giáo xứ cùng đóng góp sự cộng tác của mình vào việc cổ võ sinh hoạt mục vụ.

(2) Hội Ðồng Mục Vụ chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo các quy tắc do Giám Mục giáo phận đã ấn định.

Ðiều 537: Mỗi giáo xứ phải có Hội Ðồng Kinh Tế được điều hành bởi luật phổ quát và bởi các quy tắc do Giám Mục giáo phận ban hành; trong Hội Ðồng ấy, các tín hữu được tuyển chọn theo các quy tắc vừa nói, giúp Cha Sở trong việc quản lý mọi tài sản của giáo xứ, tuy vẫn tôn trọng quy định của điều 532.

Ðiều 538: (1) Cha Sở mãn chức vụ vì bị bãi chức hoặc thuyên chuyển do Giám Mục giáo phận chiếu theo quy tắc của luật; vì sự tự ý từ chức có lý do chính đáng, và để được hữu hiệu, đơn xin từ chức phải được Giám Mục chấp nhận; kể cả vì hết hạn kỳ nếu Cha Sở đã được bổ nhiệm với thời hạn nhất định chiếu theo các quy định của luật địa phương nói ở điều 522.

(2) Việc bãi chức của một Cha Sở phần tử của Dòng Tu hoặc đã nhập tịch vào một Tu Ðoàn được chi phối bởi các quy tắc của điều 682 triệt 2.

(3) Khi đã được bảy mươi lăm tuổi trọn, Cha Sở được yêu cầu đệ đơn từ chức lên Giám Mục giáo phận; chính Giám Mục cứu xét mọi hoàn cảnh về cá nhân và nơi chốn và sẽ quyết định chấp nhận hoặc khoan giãn việc từ chức. Giám Mục giáo phận phải dự liệu việc cấp dưỡng và nhà ở xứng hợp cho người đã từ chức, dựa theo các quy tắc do Hội Ðồng Giám Mục đã định.

Ðiều 539: Khi giáo xứ khuyết vị hoặc khi Cha Sở bị ngăn cản không thể thi hành nhiệm vụ mục vụ trong giáo xứ vì bị giam tù, quản thúc hoặc phát lưu, vô năng lực hoặc sức khỏe sa sút, hoặc vì những lý do nào khác, Giám Mục giáo phận phải chỉ định sớm hết sức một Giám Quản giáo xứ, tức là một tư tế thay thế Cha Sở theo quy tắc của điều 540.

Ðiều 540: (1) Giám Quản giáo xứ buộc phải thi hành các nghĩa vụ và được hưởng những quyền lợi cũng như Cha Sở, trừ khi Giám Mục giáo phận ấn định thể khác.

(2) Giám Quản giáo xứ không được phép làm điều gì có thể làm thương tổn đến quyền lợi của Cha Sở hoặc có thể làm thiệt hại cho tài sản của giáo xứ.

(3) Sau khi đã hoàn tất chức vụ, Giám Quản giáo xứ phải thanh toán sổ sách với Cha Sở.

Ðiều 541: (1) Trong lúc giáo xứ khuyết vị và cũng như khi Cha Sở bị ngăn cản thi hành nhiệm vụ mục vụ, trước khi Giám Quản được đặt lên, thì việc quản trị tạm thời giáo xứ sẽ do cha phó đảm nhiệm; nếu có nhiều cha phó, thì cha phó nào được bổ nhiệm trước hết; và nếu không có cha phó, thì do Cha Sở nào được luật địa phương chỉ định.

(2) Ai lo quản trị giáo xứ theo quy tắc triệt 1 nói trên đây, phải lập tức báo tin cho Bản Quyền sở tại biết về việc giáo xứ khuyết vị.

Ðiều 542: Các tư tế, theo quy tắc của điều 517 triệt 1, được ủy thác liên đới săn sóc mục vụ cho một giáo xứ hoặc cho nhiều giáo xứ một trật thì:

1. cần phải có đủ mọi tư cách như nói ở điều 521;

2. được bổ nhiệm hoặc được thiết lập theo quy tắc của những điều 522 và 524;

3. chỉ đảm nhiệm việc săn sóc mục vụ kể từ lúc tựu chức; trưởng ban điều hành được dẫn tới tựu chức chiếu theo quy tắc của điều 527 triệt 2; còn đối với các linh mục khác thì việc tuyên thệ Ðức Tin cách hợp lệ sẽ thay thế lễ nghi tựu chức.

Ðiều 543: (1) Nếu nhiều tư tế được ủy thác cách liên đới việc săn sóc mục vụ cho một giáo xứ hoặc cho nhiều giáo xứ khác nhau một trật, thì mỗi người, theo sự phân phối do họ ấn định, buộc phải chu toàn mọi nhiệm vụ và mọi trách vụ của Cha Sở theo các điều luật 528, 529 và 530; năng ân chứng giám Hôn Phối và mọi quyền hành miễn chuẩn mà luật định đã dành cho Cha Sở thì cũng thuộc thẩm quyền của tất cả các vị, nhưng các vị cần phải thi hành dưới sự điều khiển của trưởng ban điều hành.

(2) Tất cả các tư tế thuộc nhóm:

1. buộc phải giữ luật về cư trú;

2. đồng ý với nhau đặt ra thứ tự mà mỗi người trong ban phải dâng Thánh Lễ cho đoàn dân chiếu theo quy tắc của điều 534;

3. trong các công việc pháp lý, chỉ duy có trưởng ban điều hành giữ vai trò đại diện cho một giáo xứ hoặc cho nhiều giáo xứ đã ủy thác cho nhóm.

Ðiều 544: Khi một linh mục thuộc nhóm nói ở điều 517 triệt 1 hoặc trưởng ban điều hành của nhóm mãn chức, cũng như khi một người trong nhóm trở thành bất lực để thi hành nhiệm vụ mục vụ, thì giáo xứ hoặc các giáo xứ đã ủy thác cho cả nhóm săn sóc không trở thành khuyết vị; tuy nhiên, Giám Mục giáo phận phải bổ nhiệm một trưởng ban điều hành khác; và bao lâu Giám Mục chưa bổ nhiệm trưởng ban thì linh mục nào trong nhóm được bổ nhiệm trước hết sẽ giữ chức vụ đó.

Ðiều 545: (1) Mỗi khi xét thấy cần thiết hay thuận lợi cho việc săn sóc mục vụ tốt đẹp của một giáo xứ, thì ngoài Cha Sở ra, có thể đặt một hoặc nhiều cha phó như cộng sự viên của Cha Sở và san sẻ mọi nỗi lo âu với Cha Sở, đồng tâm nhất trí và dưới quyền của Cha Sở để thi hành nhiệm vụ mục vụ.

(2) Một cha phó có thể được đặt hoặc để lo toàn thể tác vụ mục vụ trong một giáo xứ hay một phần nhất định của giáo xứ hay một nhóm tín hữu nào đó thuộc giáo xứ, hoặc để đảm trách một tác vụ đặc định trong nhiều giáo xứ khác nhau một trật.

Ðiều 546: Ðể một người có thể được bổ nhiệm cách hữu hiệu làm cha phó, thì cần đương sự đã lãnh chức linh mục.

Ðiều 547: Giám Mục giáo phận được tự do bổ nhiệm cha phó, sau khi bàn hỏi ý kiến, nếu thấy tiện, với Cha Sở hoặc với các Cha Sở của những giáo xứ mà cha phó được cử tới, và cả với cha Quản Hạt, đừng kể quy định của điều 682 triệt 1.

Ðiều 548: (1) Mọi nghĩa vụ và mọi quyền lợi của cha phó được xác định bởi những điều luật của chương này, và bởi quy chế của giáo phận và văn thư bổ nhiệm của Giám Mục giáo phận, và nhất là do ủy nhiệm của Cha Sở.

(2) Nếu văn thư bổ nhiệm của Giám Mục không quy định minh thị cách nào khác, cha phó, chiếu theo chức vụ, có nghĩa vụ giúp Cha Sở trong toàn thể tác vụ thuộc giáo xứ, ngoại trừ việc dâng thánh lễ cho dân, và có nghĩa vụ thay thế Cha Sở nếu trường hợp xảy ra, theo quy tắc luật định.

(3) Cha phó phải thường xuyên báo cáo cho Cha Sở biết mọi chương trình mục vụ đã hoạch định hoặc đang tiến hành, ngõ hầu Cha Sở và cha phó hoặc các cha phó sẽ cùng hợp lực với nhau để dự liệu việc săn sóc mục vụ cho giáo xứ, mà họ đồng lãnh trách nhiệm.

Ðiều 549: Khi Cha Sở vắng mặt, nếu Giám Mục giáo phận không dự liệu cách nào khác theo quy tắc điều 533 triệt 3 và nếu không đặt Giám Quản giáo xứ, thì phải giữ những quy định của điều 541 triệt 1; trong trường hợp ấy, cha phó cũng có tất cả mọi nghĩa vụ của Cha Sở, trừ việc dâng thánh lễ cho dân.
Ðiều 550: (1) Cha phó buộc phải cư trú trong giáo xứ, hoặc trong một trong các giáo xứ nếu đương sự được đặt làm phó cho nhiều giáo xứ. Tuy nhiên, khi có lý do chính đáng, Bản Quyền sở tại có thể cho phép cha phó cư trú nơi khác nhất là trong nhà chung dành cho các linh mục, miễn sao việc chu toàn các nhiệm vụ mục vụ không vì thế mà bị thiệt thòi.

(2) Ở đâu có thể, Bản Quyền sở tại nên lo liệu để Cha Sở và các cha phó thực hành thói quen sống chung với nhau cách nào đó trong nhà xứ.

(3) Về thời gian đi nghỉ, cha phó cũng được hưởng quyền lợi giống như Cha Sở.

Ðiều 551: Ðối với những của dâng cúng mà các tín hữu dành cho cha phó trong khi thi hành tác vụ mục vụ, thì phải tuân giữ các quy định của điều 531.

Ðiều 552: Khi có lý do chính đáng, cha phó có thể bị Giám Mục giáo phận hoặc Giám Quản giáo phận bãi chức, miễn là tôn trọng quy định của điều 682 triệt 2.
Chương VII: Các Cha Quản Hạt

Ðiều 553: (1) Cha Quản Hạt, cũng gọi là Niên Trưởng hoặc Tổng Linh Mục hoặc một danh xưng nào khác, là một tư tế được đặt làm đầu một Giáo Hạt.

(2) Nếu luật địa phương không ấn định cách khác, thì Cha Quản Hạt do Giám Mục giáo phận bổ nhiệm; tùy theo sự nhận định khôn ngoan, ngài nên tham khảo ý kiến các linh mục hiện đang thi hành tác vụ trong Giáo Hạt.

Ðiều 554: (1) Chức vụ Cha Quản Hạt không được gắn liền với chức vụ Cha Sở của một giáo xứ nào nhất định; Giám Mục hãy lựa chọn tư tế nào mà ngài nhận xét thấy có khả năng, sau khi ngài đã thẩm định mọi hoàn cảnh về nơi chốn và thời thế.

(2) Cha Quản Hạt được bổ nhiệm với thời hạn nhất định, do luật địa phương xác định.

(3) Tùy theo sự quyết định khôn ngoan, Giám Mục giáo phận có thể tự do bãi chức Cha Quản Hạt khi có lý do chính đáng.

Ðiều 555: (1) Cha Quản Hạt, ngoài những năng ân mà luật địa phương đã dành cho ngài cách hợp lệ, có nghĩa vụ và quyền lợi:

1. cổ võ và phối hợp hoạt động mục vụ chung trong Giáo Hạt;

2. lo liệu để các giáo sĩ trong hạt sống xứng đáng với bậc mình, và siêng năng chu toàn mọi nghĩa vụ của mình;

3. dự liệu mọi nghi lễ tôn giáo được cử hành theo đúng mọi quy định của Phụng Vụ; để ý đến việc trang hoàng và sự sạch sẽ trong các thánh đường và các đồ thánh, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ và trong việc lưu trữ Thánh Thể; trông coi về việc ghi chép và lưu trữ các sổ sách nhà xứ, về việc quản lý chu đáo mọi tài sản của Giáo Hội; sau cùng, về sự bảo trì cẩn thận các nhà xứ.

(2) Trong Giáo Hạt đã ủy thác, Cha Quản Hạt phải:

1. làm sao để các giáo sĩ, theo những quy định của luật địa phương, đi tham dự vào những thời kỳ đã định, các khóa học, các lớp hội thảo về Thần Học hoặc những buổi thuyết trình chiếu theo quy tắc của điều 279 triệt 2;

2. phải lo để giúp đỡ các linh mục trong Hạt về mặt thiêng liêng, và phải tỏ ra ân cần đối với các linh mục hiện đang gặp phải những hoàn cảnh khó khăn hoặc đang bị dày vò về nhiều vấn đề.

(3) Cha Quản Hạt phải lo để các Cha Sở thuộc Hạt mà mình biết là hiện bị đau nặng, sẽ không bị thiếu thốn về phương diện tinh thần cũng như vật chất, và lo cho việc an táng các Cha Sở được cử hành xứng đáng; cũng phải dự liệu để khi Cha Sở lâm bệnh hoặc qua đời, thì mọi sổ sách, mọi tài liệu, mọi đồ vật thánh và tất cả những gì khác thuộc về thánh đường không bị hư hại hoặc mất mát.

(4) Cha Quản Hạt có bổn phận thăm viếng tất cả các giáo xứ thuộc Hạt của mình theo thể thức mà Giám Mục giáo phận đã ấn định.

Chương VIII: Các Quản Ðốc Nhà Thờ Và Các Tuyên Úy

Mục I: Các Quản Ðốc Nhà Thờ

Ðiều 556: Các Quản Ðốc nhà thờ được hiểu ở đây là các tư tế được ủy thác săn sóc một nhà thờ để cử hành lễ nghi ở đó. Nhà thờ ấy không thuộc giáo xứ, cũng không thuộc Hội Kinh Sĩ, cũng không phải phụ thuộc vào tu viện của Dòng Tu hay Tu Ðoàn Tông Ðồ.

Ðiều 557: (1) Quản Ðốc nhà thờ sẽ do Giám Mục giáo phận tự do bổ nhiệm, miễn là tôn trọng quyền bầu cử hoặc đề cử mà người nào đó đã có cách hợp lệ; trong trường hợp này, Giám Mục giáo phận có quyền phê chuẩn hoặc thiết lập.

(2) Cho dù nhà thờ thuộc một dòng tu giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng, thì Giám Mục giáo phận vẫn có thẩm quyền thiết lập Quản Ðốc nhà thờ do Bề Trên đề cử.

(3) Giám Ðốc của chủng viện hoặc của trường học do các giáo sĩ điều hành sẽ làm Quản Ðốc của một nhà thờ gắn liền với chủng viện hoặc với trường học ấy, trừ khi Giám Mục giáo phận định thể khác.
Ðiều 558: Ngoại trừ điều 262, Quản Ðốc không được phép thi hành trong nhà thờ đã ủy thác cho mình những trách vụ giáo xứ nói ở điều 530 số 1-6, nếu không có sự đồng ý của Cha Sở hoặc sự ủy quyền của Cha Sở nếu sự việc đòi hỏi.

Ðiều 559: Trong nhà thờ đã ủy thác cho mình, Quản Ðốc có thể thi hành mọi nghi lễ phụng vụ kể cả một cách trọng thể, miễn là giữ những luật lệ thành lập hợp lệ và miễn là, theo thẩm định của Bản Quyền sở tại, không làm thiệt hại gì cho tác vụ của giáo xứ.

Ðiều 560: Ở đâu xét thấy thuận lợi, Bản Quyền sở tại có thể truyền cho Quản Ðốc phải cử hành trong nhà thờ vài nghi lễ nhất định dành cho giáo dân, tuy dù thuộc trách vụ giáo xứ, cũng như phải mở cửa nhà thời cho một vài nhóm tín hữu tới đó để cử hành những nghi lễ Phụng Vụ.

Ðiều 561: Nếu không có phép của Quản Ðốc hoặc của một Bề Trên hợp lệ nào khác, không ai được phép cử hành Thánh Lễ, ban các Bí Tích hoặc thi hành các nghi lễ trong nhà thờ; sự cho phép này phải được cấp ban hoặc từ chối dựa theo quy tắc luật định.

Ðiều 562: Dưới quyền của Bản Quyền sở tại và tôn trọng mọi quy chế hợp lệ và những quyền lợi thủ đắc, Quản Ðốc nhà thờ buộc phải lo liệu để mọi nghi lễ thánh được cử hành xứng đáng trong nhà thờ theo đúng quy tắc Phụng Vụ và các quy định của các luật; để các trách vụ được thi hành chu đáo, để tài sản được quản lý cách chuyên cần, các đồ thánh và nơi thánh được bảo trì và trang hoàng, và đừng để xảy ra điều gì không thích hợp bằng bất cứ cách nào đối với nơi thánh và sự tôn kính phải có đối với nhà Chúa.

Ðiều 563: Khi có lý do chính đáng và tùy theo sự quyết định khôn ngoan của mình, Bản Quyền sở tại có thể bãi chức Quản Ðốc nhà thờ cho dù vị đó đã được bầu cử hoặc đã được đề cử bởi những người khác, miễn là tôn trọng quy định của điều 682 triệt 2.
Mục II: Các Tuyên Úy

Ðiều 564: Tuyên Úy là một tư tế được ủy thác việc săn sóc mục vụ cách thường xuyên, ít là một phần nào, của một cộng đoàn hoặc cho một nhóm tín hữu đặc biệt, và phải thi hành theo đúng quy tắc của luật phổ quát và luật địa phương.

Ðiều 565: Bản Quyền sở tại có quyền bổ nhiệm Tuyên Úy, cũng như có quyền thiết lập người đã được đề cử hoặc phê chuẩn người đã được bầu cử, trừ khi luật đã dự liệu cách khác hoặc người nào khác đã có quyền đặc biệt hợp lệ.

Ðiều 566: (1) Tuyên Úy cần được cấp cho mọi năng ân mà công việc săn sóc mục vụ đòi hỏi. Ngoài những năng ân đã được hưởng do luật địa phương hoặc do ủy nhiệm đặc biệt. Tuyên Úy chiếu theo chức vụ, có năng ân giải tội cho các tín hữu đã ủy thác cho ngài săn sóc, rao giảng Lời Chúa cho họ, ban của Ăn Ðàng và ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân, cũng như Bí Tích Thêm Sức cho những ai hiện đang trong tình trạng nguy tử.

(2) Trong các bệnh viện, khám đường và trong các hành trình hàng hải, Tuyên Úy còn được năng ân được giải các vạ tiền kết không dành riêng cho Tòa Thánh và chưa tuyên bố, đừng kể quy định của điều 976; năng ân ấy chỉ được thi hành trong những nơi vừa nói.

Ðiều 567: (1) Bản Quyền sở tại không nên bổ nhiệm Tuyên Úy cho một Dòng Tu giáo dân mà không tham khảo ý kiến của Bề Trên; Bề Trên có quyền đề cử một linh mục, sau khi đã hội ý với cộng đoàn.
(2) Tuyên Úy có quyền cử hành hoặc điều khiển mọi nghi lễ Phụng Vụ; nhưng không được phép can thiệp vào việc quản trị nội bộ của Dòng.

Ðiều 568: Ðối với những người vì điều kiện sinh sống không thể được hưởng sự săn sóc thông thường của các Cha Sở, chẳng hạn như những người di cư, lưu vong, tỵ nạn, du mục, thủy thủ, thì tùy mức độ có thể, nên đặt các Tuyên Úy để giúp họ.

Ðiều 569: Các Tuyên Úy của quân đội được chi phối bởi những luật đặc biệt.

Ðiều 570: Nếu là một nhà thờ không phải là giáo xứ gắn liền với trụ sở của một cộng đoàn hoặc của một nhóm, thì Tuyên Úy sẽ làm Quản Ðốc nhà thờ ấy, trừ khi việc săn sóc cộng đoàn hoặc nhà thờ đòi hỏi cách khác.

Ðiều 571: Trong khi thi hành nhiệm vụ mục vụ, Tuyên Úy cần duy trì sự phối hiệp đúng mức với Cha Sở.

Ðiều 572: Về việc bãi chức Tuyên Úy, phải tuân giữ quy định của điều 563.

Phần III: Các Tu Hội Dòng Tận Hiến Và Các Tu Ðoàn Tông Ðồ

Tiết 1: Các Hội Dòng Tận Hiến

Thiên 1: Các Quy Tắc Chung Cho Tất Cả Các Hội Dòng Tận Hiến

Ðiều 573: (1) Ðời sống tận hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Ðức Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Ðấng đáng mến yêu tột bậc, ngõ hầu, một khi đã hiến thân, với một danh nghĩa mới và đặc biệt, cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc kiến thiết Giáo Hội và cho phần rỗi thế giới, họ nhắm tới đức ái hoàn thiện trong việc phục vụ nước Chúa, và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội tiên báo vinh quang trên trời.

(2) Các tín hữu được tự do chấp nhận lối sống ấy trong các hội dòng tận hiến đã được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thiết lập theo giáo luật, bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh, khó nghèo, và vâng lời, nhờ lời khấn hay các mối dây ràng buộc khác. Những người ấy kết hợp với Giáo Hội và mầu nhiệm Giáo Hội cách đặc biệt do đức ái mà các lời khuyên này đưa tới.

Ðiều 574: (1) Hàng ngũ của những người tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm trong các hội dòng tận hiến thuộc về sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội; do đó cần được hết mọi người trong Giáo Hội nâng đỡ và cổ võ.

(2) Thiên Chúa kêu gọi đặc biệt một số tín hữu vào hàng ngũ ấy, để họ hưởng nhờ hồng ân đặc biệt trong đời sống Giáo Hội và giúp ích cho sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội, theo mục tiêu và tinh thần của hội dòng.

Ðiều 575: Các lời khuyên Phúc Âm, dựa trên giáo huấn và gương mẫu của Ðức Kitô như vị Tôn Sư, là hồng ân của Chúa ban và Giáo Hội lĩnh nhận từ Ðức Kitô và, nhờ ơn Người, Giáo Hội luôn luôn bảo toàn.

Ðiều 576: Nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội có nhiệm vụ giải thích các lời khuyên Phúc Âm, điều hành việc thi hành chúng qua các luật lệ, và thiết lập các lối sống bền vững bằng việc phê chuẩn theo giáo luật, cũng như lo liệu, trong phạm vi của mình, để các hội dòng tăng trưởng và phát triển theo tinh thần của sáng lập viên và theo các truyền thống lành mạnh.

Ðiều 577: Trong Giáo Hội có rất nhiều hội dòng tận hiến với những linh ân khác nhau tùy theo ơn sủng được ban cho họ; thực vậy, họ theo sát Ðức Kitô hoặc khi Ngài cầu nguyện, hoặc khi Ngài loan báo Nước Chúa, hoặc khi Ngài thi ân cho nhân loại, hoặc sống giữa người đời, nhưng luôn luôn làm theo ý của Chúa Cha.

Ðiều 578: Tất cả moị người phải trung thành duy trì chủ tâm và ý định của các vị sáng lập đã được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội châu phê, về bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của mỗi hội dòng, cũng như về những truyền thống lành mạnh và tất cả những gì cấu tạo nên gia sản của hội dòng.

Ðiều 579: Trong lãnh thổ của mình, các Giám Mục giáo phận có thể thành lập các hội dòng tận hiến bằng nghị định hợp thức, miễn là sau khi đã bàn hỏi ý kiến của Tòa Thánh.

Ðiều 580: Việc kết nạp một hội dòng tận hiến với một hội dòng khác được dành cho nhà chức trách có thẩm quyền của hội dòng đứng kết nạp. Việc kết nạp luôn luôn phải duy trì sự tự trị của hội dòng được kết nạp.

Ðiều 581: Việc phân chia tu hội thành từng phân chi dưới bất cứ danh xưng nào, việc thành lập các phân chi, sát nhập, hoặc thay đổi cương giới của các phân chi đã thành lập, đều thuộc về thẩm quyền của nhà chức trách của hội dòng, chiếu theo quy tắc của hiến pháp.

Ðiều 582: Tòa Thánh dùng quyền sát nhập hay thống nhất các hội dòng tận hiến. Việc liên kết hay liên minh các hội dòng cũng được dành cho Tòa Thánh.

Ðiều 583: Trong các hội dòng tận hiến không được thay đổi các yếu tố đã được Tòa Thánh châu phê khi không có phép Tòa Thánh.

Ðiều 584: Tòa Thánh là thẩm quyền duy nhất có quyền giải tán một hội dòng. Tòa Thánh cũng dành quyền định đoạt về tài sản của hội dòng ấy.

Ðiều 585: Việc giải tán một phân chi của hội dòng thì thuộc thẩm quyền của nhà chức trách của chính hội dòng.

Ðiều 586: (1) Giáo Luật nhìn nhận cho mỗi hội dòng được hưởng một sự tự trị chính đáng về nếp sống, nhất là trong việc cai trị, nhờ đó họ được hưởng một kỷ luật riêng trong Hội Thánh và có thể bảo tồn nguyên vẹn gia sản riêng đã nói ở điều 587.

(2) Bản Quyền địa phương có bổn phận tôn trọng và bảo đảm sự tự trị ấy.

Ðiều 587: (1) Ðể bảo vệ ơn kêu gọi và chân tướng của mỗi hội dòng cách trung thành hơn, bộ luật nền tảng hay hiến pháp của bất cứ hội dòng nào cũng cần phải chứa đựng những quy tắc nền tảng về việc cai trị hội dòng và kỷ luật của các phần tử, việc thu nhận và huấn luyện các phần tử, cũng như đối tượng riêng của các mối ràng buộc thánh, thêm vào những gì mà điều 578 đã ấn định phải duy trì.

(2) Bộ luật vừa nói phải được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội phê chuẩn, và chỉ có thể được thay đổi khi được thẩm quyền ấy thỏa thuận.

(3) Trong bộ luật ấy cần phải dung hợp khéo léo các yếu tố thiêng liêng với các yếu tố pháp lý; nhưng không nên gia tăng các quy tắc khi không cần thiết.

(4) Các quy tắc khác, do nhà chức trách có thẩm quyền của hội dòng quy định, sẽ được thu thập cẩn thận trong các bộ luật khác. Các bộ luật này có thể được tùy nghi duyệt lại và thích ứng cho hợp với những đòi hỏi của nơi chốn và thời thế.

Ðiều 588: (1) Hàng ngũ đời tận hiến, tự bản chất, không phải là giáo sĩ cũng chẳng phải là giáo dân.
(2) Một hội dòng được gọi là "giáo sĩ" khi nào, chiếu theo mục tiêu hay ý định mà vị sáng lập nhằm tới, hoặc chiếu theo truyền thống hợp lệ, hội dòng được đặt dưới sự điều khiển của các giáo sĩ, đảm nhận việc thi hành chức thánh, và được nhà chức trách Giáo Hội nhìn nhận như vậy.

(3) Một hội dòng được gọi là "giáo dân" khi được nhà chức trách Giáo Hội nhìn nhận như vậy. Dựa theo bản chất, đặc tính và mục tiêu của mình, hội dòng có một nhiệm vụ riêng - đã được xác định bởi vị sáng lập hay bởi truyền thống hợp lệ - theo đó không bao hàm việc thi hành chức thánh.

Ðiều 589: Hội dòng tận hiến được coi là thuộc luật giáo hoàng nếu được Tòa Thánh thành lập hay phê chuẩn do nghị định hợp thức. Hội dòng tận hiến được coi là thuộc luật giáo phận, nếu được Giám Mục giáo phận thành lập và chưa nhận được nghị định phê chuẩn của Tòa Thánh.

Ðiều 590: (1) Các hội dòng tận hiến, xét vì đã đặc biệt dâng mình phục vụ Thiên Chúa và toàn thể Giáo Hội, nên phải phục tùng nhà chức trách tối cao của Giáo Hội một cách riêng biệt.

(2) Mỗi phần tử của các hội dòng có nghĩa vụ vâng lời Ðức Thánh Cha như bề trên tối cao, kể cả chiếu theo mối ràng buộc thánh của đức vâng lời.

Ðiều 591: Ðể lo liệu thiện ích của hội dòng và các nhu cầu của việc tông đồ cách hoàn hảo hơn, Ðức Thánh Cha, chiếu theo quyền tối thượng trên toàn Giáo Hội và xét đến lợi ích chung, có thể miễn trừ các hội dòng tận hiến khỏi quyền cai trị của các Bản Quyền sở tại, và đặt họ trực tiếp tùy thuộc một mình ngài hay một nhà chức trách khác trong Giáo Hội.

Ðiều 592: (1) Ðể cổ võ sự thông hiệp giữa các hội dòng với Tòa Thánh cách hoàn hảo hơn, tất cả các Bề Trên tổng quyền phải gửi cho Tòa Thánh một bản tường trình sơ lược về tình hình và đời sống hội dòng, theo cách thức và thời hạn do chính Tòa Thánh định.

(2) Các Bề Trên của mỗi hội dòng hãy cổ động để các văn kiện Tòa Thánh liên can đến các phần tử được ủy thác cho họ được am tường, và họ hãy theo dõi việc tuân hành các văn kiện ấy.
Ðiều 593: Các hội dòng thuộc luật giáo hoàng tùy thuộc trực tiếp và duy nhất vào quyền Tòa Thánh trong việc cai trị nội bộ và kỷ luật, tuy vẫn tôn trọng điều 586.

Ðiều 594: Các hội dòng thuộc luật giáo phận được đặt dưới sự chăm sóc đặc biệt của Giám Mục giáo phận, tuy vẫn tôn trọng điều 586.

Ðiều 595: (1) Giám Mục của trụ sở chính có thẩm quyền châu phê hiến pháp, chuẩn y các sự thay đổi đã được du nhập cách hợp lệ, ngoại trừ những điều mà Tòa Thánh đã đặt tay vào; Giám Mục cũng có thẩm quyền giải quyết những vấn đề hệ trọng liên can tới toàn thể hội dòng song vượt quá quyền hạn của nhà chức trách nội bộ. Tuy nhiên, nếu hội dòng đã bành trướng qua nhiều giáo phận, thì Giám Mục của trụ sở chính phải bàn hỏi các Giám Mục giáo phận khác nữa.

(2) Trong trường hợp riêng biệt, Giám Mục giáo phận có thể miễn chuẩn hiến pháp.

Ðiều 596: (1) Các Bề Trên và các đại hội của các hội dòng được hưởng quyền hành trên các phần tử; quyền hành ấy do luật phổ quát và hiến pháp xác định.

(2) Ngoài ra, trong các dòng tu giáo sĩ theo luật giáo hoàng, các Bề Trên được hưởng quyền cai trị của Giáo Hội, ở tòa ngoài cũng như tòa trong.

(3) Ðối với quyền hành nói ở triệt 1, sẽ áp dụng các quy định của các điều 131, 133, và 137-144.

Ðiều 597: (1) Hết mọi người công giáo, có ý ngay, hội đủ các đức tính do luật phổ quát và luật riêng đòi hỏi, không vướng mắc các ngăn trở, có thể được thu nhận vào một hội dòng tận hiến.
(2) Không ai được thâu nhận mà không được chuẩn bị thích đáng.

Ðiều 598: (1) Mỗi hội dòng phải quy định trong hiến pháp cách thức tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh, khó nghèo, và vâng lời, trong lối sống của mình, chiếu theo đặc tính và cứu cánh riêng.
(2) Tất cả các phần tử không những phải tuân giữ trung thành và toàn vẹn các lời khuyên Phúc Âm, mà còn phải uốn nắn đời mình hợp với luật riêng của hội dòng, và như vậy cố gắng đạt tới sự trọn lành của hàng ngũ mình.

Ðiều 599: Lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh chấp nhận vì Nước Trời, xét vì là dấu chỉ của thế giới tương lai và nguồn mạch phong nhiêu trù phú trong một con tim không chia sẻ, bao hàm nghĩa vụ tiết chế hoàn toàn trong sự độc thân.

Ðiều 600: Lời khuyên Phúc Âm khó nghèo để bắt chước Ðức Kitô, Ðấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo cả về thực chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén tài sản thế tục, còn mang kèm theo sự lệ thuộc và hạn chế trong việc xử dụng và định đoạt tài sản, chiếu theo quy tắc của luật riêng của từng hội dòng.

Ðiều 601: Lời khuyên Phúc Âm vâng lời, được chấp nhận trong tinh thần tin yêu để theo Ðức Kitô vâng lời cho đến chết, bó buộc ý chí phải tùng phục các Bề Trên hợp pháp, khi họ thay mặt Thiên Chúa truyền khiến hợp theo hiến pháp riêng.

Ðiều 602: Ðời sống huynh đệ, với đặc điểm riêng thích hợp với mỗi hội dòng, nhờ đó các phần tử được kết hợp trong Ðức Kitô dường như trong một gia đình đặc biệt, cần được xác định cách nào để trở nên một sự hỗ trợ cho tất cả các phần tử trong việc chu toàn ơn gọi của mỗi người. Do sự thông hiệp huynh đệ, được đâm rễ và xây dựng trên Ðức ái, các phần tử phải trở nên gương mẫu của sự hòa giải đại đồng trong Ðức Kitô.

Ðiều 603: (1) Ngoài những hội dòng tận hiến ra, Giáo Hội còn nhìn nhận đời sống ẩn tu, trong đó các tín hữu dâng mình để ngợi khen Thiên Chúa và lo phần rỗi của thế giới qua việc tách biệt hơn khỏi trần thế, giữ thinh lặng cô tịch, cầu nguyện liên lỉ và hãm mình.

(2) Một ẩn sĩ được luật nhìn nhận như kẻ dâng mình cho Chúa trong đời tận hiến nếu họ công khai tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm, bằng lời khấn hay dây ràng buộc nào khác, trong tay Giám Mục giáo phận và tuân theo một chương trình sinh sống dưới sự hướng dẫn của Giám Mục.

Ðiều 604: (1) Tương tự với những hình thức đời tận hiến là hàng các trinh nữ, tức những người tuyên bố ý định theo sát Ðức Kitô, được đức Giám Mục giáo phận cung hiến cho Thiên Chúa theo nghi thức phụng vụ được chuẩn y; họ kết hôn cách thần bí với Ðức Kitô Con Thiên Chúa và dâng mình phục vụ Giáo Hội.

(2) Các trinh nữ có thể lập hội để nhờ sự trợ giúp lẫn nhau, họ thực hiện ý định của họ cách trung thành hơn và chu toàn việc phục vụ Giáo Hội hợp với hàng ngũ của mình.

Ðiều 605: Tòa Thánh dành riêng cho mình việc châu phê các hình thức mới của đời tận hiến. Tuy vậy các Giám Mục giáo phận hãy ra sức nhận định các hồng ân mới của đời tận hiến mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội, và giúp đỡ những người khởi xướng để họ thực hiện các ý định cách mỹ mãn, và bảo vệ họ bằng những quy chế thích hợp, nhất là bằng cách áp dụng các quy tắc tổng quát chứa đựng trong phần này.

Ðiều 606: Những gì đã định về các hội dòng và các phần tử của họ đều có giá trị ngang nhau cho cả hai phái nam nữ, trừ khi đã rõ cách nào khác do mạch văn hay do bản chất sự việc.

 
Thiên 2: Các Dòng Tu

Ðiều 607: (1) Ðời sống tu trì, xét vì là sự hiến dâng hoàn toàn bản thân, biểu lộ trong Giáo Hội cuộc kết hôn huyền diệu mà Thiên Chúa đã thiết lập như dấu chỉ của đời sau. Như vậy tu sĩ hoàn tất sự trao hiến toàn vẹn tựa như hy lễ dâng cho Thiên Chúa, nhờ đó tất cả cuộc đời của họ trở nên việc liên lỉ thờ phượng Thiên Chúa trong đức ái.

(2) Dòng tu là một hội xã trong đó các phần tử tuyên giữ các lời khấn công khai, trọn đời hay tạm thời, nhưng lặp lại khi mãn hạn tùy theo luật riêng, và sống chung đời huynh đệ.

(3) Việc các tu sĩ làm chứng công khai cho Ðức Kitô và cho Giáo Hội bao hàm sự xa cách thế tục, theo một hình thức riêng thích hợp với đặc tính và mục tiêu của mỗi dòng.

Chương I: Các Nhà Dòng - Việc Thành Lập Và Giải Tán Các Nhà Dòng

Ðiều 608: Cộng đồng tu sĩ phải ở trong một nhà được thành lập hợp lệ, dưới quyền của Bề Trên được chỉ định theo quy tắc của luật. Mỗi nhà phải có ít là một nguyện đường, tại đó cử hành và lưu trữ Thánh Thể như trung tâm đích thực của cộng đồng.

Ðiều 609: (1) Các nhà của các dòng được thành lập do nhà chức trách có thẩm quyền chiếu theo hiến pháp, sau khi đã được Ðức Giám Mục giáo phận thỏa thuận bằng giấy tờ.

(2) Ðể thành lập một nữ đan viện, cần có thêm phép của Tòa Thánh.

Ðiều 610: (1) Khi thành lập các nhà dòng, cần để ý đến ích lợi của Giáo Hội và của dòng tu, và phải bảo đảm tất cả những gì cần thiết để các phần tử có thể sống đời tu thích đáng, đúng với mục đích riêng và tinh thần của dòng.

(2) Không nên lập một nhà dòng nếu không thể dự trù được các nhu cầu của các phần tử sẽ được chu cấp tương xứng.

Ðiều 611: Sự thỏa thuận của Giám Mục giáo phận cho lập một nhà dòng bao hàm quyền lợi:

1. được sống theo đặc tính và mục đích riêng của dòng;

2. được thi hành các công tác riêng của dòng hợp với quy tắc của luật, tuy phải tôn trọng các điều kiện đặt ra trong sự thỏa thuận;

3. đối với dòng giáo sĩ, được có một nhà thờ, miễn là giữ quy định của điều 1215 triệt 3, và được thi hành các tác vụ chức thánh, hợp với các điều luật định.

Ðiều 612: Cần phải có sự thỏa thuận của Giám Mục giáo phận khi nhà dòng được xử dụng vào một hoạt động tông đồ khác với hoạt động đã định khi lập nhà. Nhưng sự thỏa thuận ấy không cần nếu sự thay đổi chỉ liên hệ tới tổ chức và kỷ luật nội bộ, miễn là tôn trọng các luật lệ của việc thành lập.

Ðiều 613: (1) Nhà dòng của các Kinh Sĩ và đan sĩ ở dưới sự cai quản và săn sóc của Bề trên riêng được gọi là "tự trị" (sui juris), trừ khi hiến pháp ấn định cách khác.

(2) Theo luật, Bề Trên của một nhà "tự trị" được coi là Bề Trên Cao Cấp.

Ðiều 614: Các nữ đan viện được kết nạp với một dòng nam thì vẫn duy trì cách sống và cai quản riêng chiếu theo hiến pháp. Các quyền lợi và nghĩa vụ hỗ tương cần được xác định thế nào để việc kết hợp có thể mang lại thiện ích thiêng liêng cho đôi bên.

Ðiều 615: Giám Mục giáo phận được ủy thác trông coi đặc biệt, chiếu theo quy tắc của luật, đan viện tự trị nào mà ngoài Bề Trên riêng, họ không còn Bề Trên cấp cao nào khác, và cũng không được kết hợp với một dòng nam, vì đó mà Bề Trên của dòng nam được hưởng trên đan viện một quyền hành thực sự, được xác định trong hiến pháp.

Ðiều 616: (1) Một nhà dòng đã được lập hợp lệ có thể bị giải tán do Bề Trên tổng quyền theo quy tắc hiến pháp, sau khi đã bàn hỏi Giám Mục giáo phận. Các tài sản của nhà bị giải tán sẽ do luật riêng dự liệu, với điều kiện là phải tôn trọng ý muốn của các người sáng lập và dâng cúng, cũng như các quyền lợi thủ đắc hợp lệ.

(2) Tòa Thánh dành quyền giải tán nhà duy nhất của dòng. Trong trường hợp này, Tòa Thánh cũng dành quyền định đoạt tài sản của nhà ấy.

(3) Sự giải tán một đan viện tự trị nói ở điều 613, là việc thuộc thẩm quyền của tổng hội, trừ khi hiến pháp định cách khác.

(4) Sự giải tán một nữ đan viện tự trị là việc thuộc quyền của Tòa Thánh, tuy phải tuân theo các quy tắc hiến pháp trong vấn đề tài sản.

Chương II: Việc Cai Trị Trong Dòng

Mục I: Các Bề Trên và hội đồng cố vấn

Ðiều 617: Các Bề Trên thi hành nhiệm vụ của mình và hành sử quyền hành chiếu theo quy tắc của luật phổ quát và luật riêng.

Ðiều 618: Trong tinh thần phục vụ, các Bề Trên hãy hành sử quyền hành đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua tác vụ của Giáo Hội. Vì vậy, các vị hãy tỏ ra ngoan ngoãn với ý Chúa trong khi chu toàn nhiệm vụ, cai trị các người thuộc quyền như những người con của Chúa, biết tôn trọng nhân vị của các người ấy qua việc xúc tiến sự vâng lời tự nguyện, vui lòng lắng nghe họ và cổ xúy sáng kiến của họ nhằm thiện ích của dòng và của Giáo Hội, tuy vẫn duy trì quyền của Bề Trên quyết định và truyền khiến điều gì phải làm.

Ðiều 619: Các Bề Trên hãy tận tâm thi hành nhiệm vụ của mình, và cùng với các phần tử được giao phó, hãy tìm cách xây dựng trong Ðức Kitô một cộng đồng huynh đệ, trong đó mọi người tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Vì vậy các Bề Trên hãy nuôi dưỡng các phần tử với lương thực thường xuyên của lời Chúa và dẫn đưa họ tới cử hành phụng vụ. Các Bề Trên hãy làm gương cho họ về việc trau dồi nhân đức và tuân hành lề luật và truyền thống của Dòng; chu cấp tương xứng các nhu cầu của họ, săn sóc và viếng thăm các người bệnh, sửa trị các người ngỗ nghịch, an ủi những người nhút nhát, nhẫn nại với hết mọi người.

Ðiều 620: Bề Trên cao cấp là những Bề Trên cai trị toàn dòng, một tỉnh của dòng, hay một phần tương đương với tỉnh hay một nhà tự trị, cũng như các đại diện của Bề Trên ấy. Thêm vào đó là các Viện Phụ tổng quyền và các Bề Trên của hội dòng đan tu, tuy những vị này không có tất cả quyền hành mà luật chung dành cho các Bề Trên cao cấp.

Ðiều 621: Ðược gọi là tỉnh dòng, một tổng hợp gồm nhiều nhà với nhau, đặt dưới một Bề Trên, họp thành một phần trực tiếp của dòng, được nhà chức trách hợp pháp thành lập theo giáo luật.
Ðiều 622: Bề Trên tổng quyền có quyền hành trên mọi tỉnh dòng, nhà dòng và tu sĩ, chiếu theo luật. Các Bề Trên khác có quyền hành trong giới hạn của nhiệm vụ.

Ðiều 623: Ðể các phần tử có thể được đặt hay bầu cách hữu hiệu vào một nhiệm vụ, họ cần trải qua một thời gian thích đáng kể từ lúc khấn trọn đời hay vĩnh viễn. Thời gian ấy được ấn định do luật riêng hoặc, nếu là Bề Trên cao cấp, do hiến pháp.

Ðiều 624: (1) Chức vụ Bề Trên phải được thiết lập với một nhiệm kỳ rõ rệt và thích hợp, tùy theo bản chất và nhu cầu của dòng, trừ khi hiến pháp định cách khác về Bề Trên tổng quyền và Bề Trên nhà tự trị.

(2) Luật riêng phải xác định các quy tắc thích hợp để các người làm Bề Trên, được giao với nhiệm kỳ xác định, không ở trong chức vụ cai trị quá lâu mà không cách quãng.

(3) Trong khi tại chức, họ có thể bị bãi chức và thuyên chuyển sang chức vụ khác vì những lý do mà luật riêng đã định.

Ðiều 625: (1) Bề Trên tổng quyền được chỉ định bằng việc bầu cử theo quy tắc của hiến pháp.
(2) Việc bầu cử các Bề Trên đan viện tự trị nói ở điều 615 và các Bề Trên tổng quyền của dòng thuộc luật giáo phận sẽ được chủ tọa bởi Giám Mục tại nơi trụ sở chính.

(3) Các Bề Trên khác được thiết lập theo quy tắc của hiến pháp, bằng cách là nếu họ được bầu, thì cần được phê chuẩn do Bề Trên cao cấp có thẩm quyền; nếu họ được Bề Trên đặt, thì trước đó cần phải có sự thăm dò ý kiến cách xứng hợp.

Ðiều 626: Các Bề Trên khi trao chức vụ, và các phần tử khi bầu cử, phải giữ các quy tắc của luật phổ quát và luật riêng, và phải tránh hết mọi hình thức lạm dụng và thiên tư, và, không nhắm gì khác ngoài Thiên Chúa và thiện ích của dòng, họ hãy đặt hay bầu những người mà họ xét thấy trong Chúa thực là xứng đáng và có khả năng. Ngoài ra trong các cuộc bầu cử, họ hãy tránh việc vận động phiếu trực tiếp hay gián tiếp, cho mình hay cho người khác.

Ðiều 627: (1) Theo quy tắc hiến pháp, các Bề Trên phải có hội đồng cố vấn riêng, và Bề Trên hãy nhờ đến sự cộng tác của họ trong khi thi hành chức vụ.

(2) Ngoài những trường hợp luật chung đã định, luật riêng phải xác định những trường hợp nào đòi hỏi sự thỏa thuận hay tham khảo để hành vi được hữu hiệu theo quy tắc của điều 127.

Ðiều 628: (1) Các Bề Trên nào được chỉ định vào nhiệm vụ kinh lý theo luật riêng thì phải viếng thăm các nhà và các phần tử được giao phó cho họ, vào thời kỳ đã định và chiếu theo các quy tắc của luật riêng.

(2) Giám Mục giáo phận có quyền và nghĩa vụ kinh lý, kể cả về phần kỷ luật tu trì:

1. các đan viện tự trị nói ở điều 615;

2. mỗi nhà của dòng thuộc luật giáo phận ở trong lãnh thổ của ngài.

(3) Ðối với người kinh lý, các phần tử hãy tỏ ra lòng tín nhiệm; nếu được hỏi điều gì hợp pháp, thì phải trả lời theo sự thật và bác ái. Cấm không ai được làm cách nào để các phần tử thoát khỏi nghĩa vụ kinh lý, hoặc ngăn trở mục tiêu của việc kinh lý bằng cách nào khác.

Ðiều 629: Các Bề Trên phải cư ngụ trong nhà của mình và không được vắng nhà, trừ trường hợp đã được định bởi quy tắc của luật riêng.

Ðiều 630: (1) Các Bề Trên hãy nhìn nhận cho các phần tử sự tự do thích đáng trong việc lãnh bí tích thống hối và linh hướng, miễn là bảo toàn kỷ luật của dòng.

(2) Các Bề Trên, chiếu theo luật dòng, hãy lưu tâm sao cho có sẵn các vị giải tội cho các phần tử, để họ có thể năng xưng tội.

(3) Trong các nữ đan viện, các nhà huấn luyện, các cộng đoàn đông tu sĩ không giáo sĩ, thì nên có các vị giải tội thường xuyên do Bản Quyền sở tại phê chuẩn, sau khi đã hỏi ý kiến của cộng đoàn. Tuy nhiên họ không buộc phải xưng tội với các vị ấy.

(4) Các Bề Trên đừng nên nghe các thuộc cấp xưng tội, trừ khi chính các phần tử tự ý yêu cầu.
(5) Các phần tử hãy đến với các Bề Trên với lòng tin tưởng, và có thể thong dong và tự ý cởi mở tâm hồn. Tuy nhiên cấm các Bề Trên không được bằng bất cứ cách nào xui giục họ bày tỏ lương tâm cho mình.

Mục II: Các Ðại Hội

Ðiều 631: (1) Tổng hội giữ quyền bính tối cao trong dòng chiếu theo các quy tắc của hiến pháp. Tổng hội cần được cấu tạo cách nào để có thể thay mặt toàn dòng, và như vậy trở nên dấu chỉ thực sự của sự duy nhất trong bác ái. Tổng hội có nhiệm vụ chính là: bảo vệ gia sản của dòng đã nói ở điều 578, và xúc tiến việc thích nghi và canh tân hợp với gia sản ấy; bầu cử Bề Trên tổng quyền; bàn các vấn đề hệ trọng; cũng như ban hành các quy tắc có tính cách bó buộc tất cả mọi phần tử.
(2) Hiến pháp phải xác định thành phần và phạm vi quyền hành của tổng hội. Luật riêng cũng sẽ xác định rõ hơn thủ tục tiến hành của tổng hội, nhất là về các việc bầu cử và cách nghị sự.

(3) Dựa theo các quy tắc đã định trong luật riêng, không những các tỉnh dòng và các cộng đồng địa phương, mà cả mỗi phần tử đều có thể tự do gửi thỉnh nguyện và đề nghị lên tổng hội.

Ðiều 632: Luật riêng phải xác định tỉ mỉ những gì thuộc thẩm quyền của các đại hội khác nhau hay những hiệp nghị tương tự của dòng, nghĩa là: về bản chất, quyền hạn, thành phần, cách tiến hành và thời gian cử hành chúng.

Ðiều 633: (1) Các cơ quan tham luận hay cố vấn phải trung thành thi hành nhiệm vụ đã được trao phó dựa trên quy tắc của luật phổ quát và luật riêng. Lại nữa, các cơ quan ấy, tùy cách thức riêng, hãy biểu lộ mối quan tâm và tham gia của tất cả các phần tử vào thiện ích chung của dòng hay của cộng đồng.
(2) Trong việc thành lập và xử dụng các phương tiện tham luận hay cố vấn ấy, cần phải thận trọng khôn khéo. Sự điều hành các phương tiện ấy cũng phải phù hợp với đặc tính và mục đích của dòng.
Mục III: Tài Sản Và Sự Quản Trị Tài Sản

Ðiều 634: (1) Các dòng, tỉnh và nhà, xét vì là các pháp nhân theo luật, có khả năng thủ đắc, chấp hữu, quản trị và chuyển nhượng tài sản, trừ khi khả năng ấy đã bị loại trừ hay hạn chế do chính hiến pháp.
(2) Tuy nhiên, phải tránh bất cứ hình thức xa hoa nào, cũng như tính cách vô độ trong việc trục lợi và tích lũy tài sản.

Ðiều 635: (1) Các tài sản của các dòng, xét vì là tài sản Giáo Hội, nên cũng được chi phối bởi các quy định của quyển V về tài sản Giáo Hội, trừ khi đã minh thị dự liệu cách khác.

(2) Tuy nhiên, mỗi dòng phải ấn định các quy tắc thích hợp về sự xử dụng và quản trị tài sản, nhờ đó sự khó nghèo, hợp với đặc tính của dòng, được cổ võ, bảo vệ và biểu lộ.

Ðiều 636: (1) Trong mỗi dòng cũng như trong mỗi tỉnh có một Bề Trên cao cấp đứng đầu, phải có một người quản lý khác biệt với Bề Trên cao cấp. Quản lý được bổ nhiệm chiếu theo quy tắc hiến pháp, và điều hành việc quản trị tài sản dưới sự hướng dẫn của Bề Trên liên hệ. Nếu có thể được, cả trong các cộng đồng địa phương cũng nên có một quản lý khác biệt với Bề Trên địa phương.

(2) Vào thời kỳ và theo cách thức do luật riêng ấn định, các quản lý và các quản trị viên khác phải trình sổ sách quản trị cho nhà chức trách có thẩm quyền.

Ðiều 637: Các đan viện tự trị nói ở điều 615 cần phải trình bày sổ sách lên Bản Quyền sở tại mỗi năm một lần. Ngoài ra Bản Quyền sở tại có quyền được thông tri về tình hình kinh tế của mỗi nhà dòng thuộc luật giáo phận.

Ðiều 638: (1) Trong khuôn khổ của luật phổ quát, luật riêng có nhiệm vụ xác định những hành vi nào vượt quá mục đích và thể thức của hành vi quản trị thông thường; luật riêng cũng phải xác định những gì cần thiết để cho hành vi quản trị ngoại thường có hiệu lực.

(2) Các chi tiêu và các hành vi quản trị thông thường có thể được thực hiện cách hữu hiệu không những do các Bề Trên mà cả do các viên chức đã được luật riêng chỉ định vào vai trò ấy, trong giới hạn nhiệm vụ của mình.

(3) Ðể được hữu hiệu, việc chuyển nhượng và bất cứ nghiệp vụ nào khiến cho điều kiện tài sản của pháp nhân bị thiệt thòi, cần phải có phép bằng giấy tờ của Bề Trên có thẩm quyền, với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn. Ngoài ra cần phải xin phép Tòa Thánh nếu là một nghiệp vụ vượt quá số tiền đã được Tòa Thánh ấn định cho từng vùng, hoặc nếu là các đồ vật đã biếu Giáo Hội nhằm thực thi một lời khấn, hoặc nếu là các đồ vật quý giá vì giá trị nghệ thuật hay lịch sử.

(4) Ngoài ra, các đan viện tự trị nói ở điều 615 và các dòng thuộc luật giáo phận còn cần sự thỏa thuận bằng giấy tờ của Bản Quyền sở tại nữa.

Ðiều 639: (1) Nếu một pháp nhân mắc nợ và nghĩa vụ, cho dù đã có phép của Bề Trên, thì pháp nhân ấy phải lãnh trách nhiệm.

(2) Nếu một phần tử mắc nợ và nghĩa vụ dựa trên tài sản riêng tư của mình với phép Bề Trên, thì chính đương sự phải đích thân chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu đương sự thực hiện một nghiệp vụ cho dòng do ủy nhiệm của Bề Trên, thì dòng chịu trách nhiệm.

(3) Nếu một tu sĩ kết ước không có phép của Bề Trên, thì chính đương sự phải đích thân lãnh trách nhiệm, chứ không phải pháp nhân.

(4) Tuy vậy, luôn luôn có thể xử dụng tố quyền để đòi lại người đã hưởng lợi lộc tài sản nhờ việc kết ước.

(5) Các Bề Trên dòng hãy thận trọng đừng cho phép kết nợ: trừ khi biết chắc chắn rằng với lợi tức thường xuyên, họ có thể trả tiền lời và hoàn lại số vốn trong thời hạn không quá lâu, bằng cách trả dần.
Ðiều 640: Các dòng tu, chiếu theo hoàn cảnh địa phương, hãy cố gắng nêu cao chứng tá phần nào cách tập thể về bác ái và khó nghèo; tùy theo khả năng, họ hãy dùng tài sản để đóng góp vào nhu cầu của Giáo Hội và giúp đỡ người nghèo.

Chương III: Việc Thu Nhận Các Tuyển Sinh Và Huấn Luyện Các Phần Tử

Mục I: Việc Thu Nhận Vào Tập Viện

Ðiều 641: Việc thu nhận các tuyển sinh thuộc thẩm quyền của các Bề Trên cao cấp, chiếu theo các quy tắc của luật riêng.

Ðiều 642: Các Bề Trên hãy cẩn thận ý tứ, chỉ nên thu nhận những ai đã đủ tuổi cần thiết, có sức khỏe, tính nết thích hợp, các đức tính đầy đủ của kẻ trưởng thành hầu có thể theo đuổi nếp sống tu trì riêng biệt của dòng. Nếu cần, việc chứng minh sức khỏa, tính nết và sự trưởng thành có thể nhờ đến các chuyên viên, miễn là giữ các quy tắc của điều 220.

Ðiều 643: (1) Việc thâu nhận những người sau đây sẽ vô hiệu:

1. ai chưa tới mười bảy tuổi trọn;

2. người đã lập gia đình, bao lâu giá thú còn hiệu lực;

3. kẻ hiện đang bị ràng buộc với một hội dòng tận hiến hay tu đoàn tông đồ, đừng kể trường hợp dự liệu ở điều 684;

4. kẻ vào dòng vì vũ lực, sợ hãi trầm trọng hay lường gạt; hoặc kẻ nào mà Bề Trên phải nhận cũng với tình trạng tương tự;

5. kẻ giấu diếm việc mình đã gia nhập một hội dòng tận hiến hay một tu đoàn tông đồ.

(2) Luật riêng có thể thiết lập các ngăn trở khác của việc thu nhận, kể cả chi phối sự hữu hiệu, hoặc đặt thêm các điều kiện khác.

Ðiều 644: Các Bề Trên không được thu nhận làm tập sinh: các giáo sĩ giáo phận trước khi hỏi ý Bản Quyền riêng của đương sự; hoặc những người mắc nợ nần không trả nổi.

Ðiều 645: (1) Các tuyển sinh, trước khi được nhận vào năm tập, cần phải xuất trình giấy chứng nhận đã lãnh bí tích rửa tội và thêm sức, cũng như chứng nhận tình trạng thong dong.

(2) Nếu tuyển sinh là giáo sĩ, hoặc đã được thu nhận vào một hội dòng tận hiến khác, hay một tu đoàn tông đồ hoặc chủng viện, thì cần thêm giấy chứng nhận của Bản Quyền sở tại liên hệ hoặc của Bề Trên cao cấp của hội dòng, tu đoàn hay của giám đốc chủng việc.

(3) Luật riêng có thể đòi hỏi các tài liệu khác chứng minh tuyển sinh có khả năng và không mắc ngăn trở.

(4) Nếu thấy là cần, các Bề Trên cũng có thể thu thập tin tức cách khác, cho dù phải giữ kín.

Mục II: Năm Tập Và Việc Huấn Luyện Tập Sinh

Ðiều 646: Mục tiêu của năm tập, khởi đầu của đời sống trong dòng, là để các tập sinh hiểu rõ hơn ơn gọi thiên triệu, cách riêng ơn gọi đặc biệt của dòng, thử nghiệm lối sống của dòng, rèn luyện lòng trí của mình theo tinh thần của dòng, cũng như được trắc nghiệm về ý định và khả năng của mình.

Ðiều 647: (1) Việc thành lập, di chuyển và giải tán tập viện phải được thực hiện do nghị định, bằng giấy tờ, của Bề Trên tổng quyền với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn.

(2) Ðể được hữu hiệu, năm tập phải được thực hiện trong một nhà được chỉ định cách hợp lệ để làm tập viện. Trong trường hợp đặc biệt và ngoại lệ, Bề Trên tổng quyền, với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn, có thể cho phép một tuyển sinh qua năm tập tại một nhà khác của dòng, dưới sự điều khiển của một tu sĩ từng trải, giữ vai trò giám tập.

(3) Bề Trên cao cấp có thể cho phép đoàn tập sinh lưu trú một thời gian tại một nhà khác của dòng do chính vị ấy chỉ định.

Ðiều 648: (1) Ðể được hữu hiệu, năm tập phải kéo dài mười hai tháng trong chính cộng đồng tập viện, trừ trường hợp quy định ở điều 647, triệt 3.

(2) Ðể kiện toàn việc huấn luyện các tập sinh, hiến pháp có thể quy định thêm thời gian nói ở triệt 1, một hay nhiều thời gian thực tập tông đồ ngoài cộng đồng tập viện.

(3) Năm tập không được kéo dài quá hai năm.

Ðiều 649: (1) Ðừng kể những quy tắc của các điều 647, triệt 3 và 648, triệt 2, sự vắng mặt khỏi tập viện quá ba tháng, dù liên tục hay cách quãng, sẽ làm năm tập vô hiệu. Sự vắng mặt quá mười lăm ngày phải được bù lại.

(2) Với phép của Bề Trên cao cấp, việc khấn lần đầu có thể dời lên trước, nhưng không được quá mười lăm ngày.

Ðiều 650: (1) Mục đích của năm tập đòi hỏi các tập sinh phải được huấn luyện dưới sự điều khiển của một giám sư, dựa theo chương trình huấn luyện mà luật riêng đã định.

(2) Việc điều hành các tập sinh dành riêng hoàn toàn cho giám sư, dưới quyền hành của các Bề Trên cao cấp.

Ðiều 651: (1) Giám tập phải là phần tử của dòng, đã khấn trọn đời và được chỉ định hợp lệ.

(2) Nếu cần, có thể đặt thêm các phụ tác giám sư. Những người phụ tác tùy thuộc giám sư trong việc điều khiển tập viện và chương trình huấn luyện.

(3) Những người đảm trách việc huấn luyện tập sinh phải là những phần tử đã được chuẩn bị chu đáo, và không phải bận bịu với các công tác khác, ngõ hầu có thể chu toàn phận sự cách bền vững và có hiệu quả.

Ðiều 652: (1) Giám tập và các vị phụ tá có nhiệm vụ nhận định và trắc nghiệm ơn gọi của các tập sinh; rèn luyện họ dần dần để sống đời trọn lành theo bản chất của dòng.

(2) Các tập sinh phải được hướng dẫn để phát huy các đức tính nhân bản và Kytô giáo. Họ cần được đưa vào đường trọn lành sung mãn nhờ việc cầu nguyện và từ bỏ mình. Họ cần được chỉ bảo cách chiêm ngắm mầu nhiệm cứu chuộc, đọc và suy gẫm Kinh Thánh. Họ cần được chuẩn bị vào sự thờ phượng Chúa trong phụng vụ. Họ cần được học hỏi về đời sống tận hiến cho Thiên Chúa và cho nhân loại trong Ðức Kitô qua các lời khuyên Phúc Âm. Họ cần được dạy dỗ về đặc tính, tinh thần, mục đích, kỷ luật, lịch sử, đời sống của dòng, và cần được thấm nhuần lòng yêu mến Giáo Hội cùng các vị Chủ Chăn Giáo Hội.

(3) Các tập sinh, ý thức trách nhiệm của mình, hãy cộng tác tích cực với giám sư để đáp lại ơn Chúa gọi một cách trung thành.

(4) Về phía mỗi phần tử của dòng, họ hãy tìm cách hợp tác vào việc huấn luyện tập sinh bằng gương mẫu đời sống và bằng lời cầu nguyện.

(5) Năm tập, theo như điều 648, triệt 1 đã định, phải được dành riêng cho việc huấn luyện. Vì vậy các tập sinh không nên bận rộn với việc học hành và các công tác nào khác không giúp trực tiếp vào việc huấn luyện ấy.

Ðiều 653: (1) Tập sinh có thể tự do bỏ dòng. Nhà chức trách có thẩm quyền trong dòng cũng có thể loại bỏ tập sinh.

(2) Khi mãn thời gian tập, tập sinh sẽ được thâu nhận khấn tạm nếu được xét thấy là có khả năng; còn không, thì sẽ bị loại. Nếu còn hoài nghi về khả năng, Bề Trên cao cấp có thể kéo dài thời gian thử luyện, dựa theo luật riêng, nhưng không được quá sáu tháng.

Mục III: Sự Tuyên Khấn

Ðiều 654: Do việc tuyên khấn, các phần tử khấn hứa công khai giữ ba lời khuyên Phúc Âm. Họ được tận hiến cho Chúa qua tác vụ của Giáo Hội, được gia nhập vào dòng, với những quyền lợi và nghĩa vụ do luật định.

Ðiều 655: Việc khấn tạm phải được thực hiện trong kỳ hạn mà luật riêng ấn định, không dưới ba năm và không trên sáu năm.

Ðiều 656: Ðể việc khấn tạm được hữu hiệu, thì cần:

1. người khấn đã được ít là mười tám tuổi trọn;

2. năm tập hữu hiệu;

3. được thu nhận cách thong dong và hợp luật do Bề Trên có thẩm quyền, với ý kiến của hội đồng cố vấn;

4. phát biểu ra ngoài, và không bị ảnh hưởng của vũ lực, sợ hãi trầm trọng hay lường gạt;

5. được Bề Trên hợp pháp, hoặc đích thân hoặc nhờ người khác, tiếp nhận.

Ðiều 657: (1) Khi đã mãn kỳ hạn khấn, tu sĩ nào tự ý xin và được xét thấy có khả năng thì sẽ được nhận lặp lại lời khấn hoặc khấn trọn đời. Nếu không thì phải bỏ dòng.

(2) Tuy nhiên, nếu thấy tiện, Bề Trên có thẩm quyền, tùy theo luật riêng, có thể kéo dài thời gian khấn tạm, với điều kiện là tất cả thời gian mà một phần tử bị ràng buộc bởi lời khấn tạm không được quá chín năm.

(3) Việc tuyên khấn vĩnh viễn có thể dời lên trước kỳ hạn khi có lý do chính đáng, nhưng không được quá ba tháng.

Ðiều 658: Ðừng kể các điều kiện đã nói ở các điều 656, số 3, 4 và 5, cùng các điều kiện khác mà luật riêng thêm vào, thì, để việc tuyên khấn vĩnh viễn được hữu hiệu, cần người khấn:

1. đã được ít là hai mươi mốt tuổi trọn;

2. đã tuyên khấn tạm thời ít là ba năm, miễn là không phương hại đến điều 657, triệt 3.

Mục IV: Việc Huấn Luyện Các Tu Sĩ

Ðiều 659: (1) Sau khi đã tuyên khấn lần đầu, việc huấn luyện tất cả các phần tử trong mỗi dòng phải được tiếp tục, nhằm giúp họ sống đời tu riêng của dòng cách sung mãn hơn và chu toàn sứ mạng của dòng cách hoàn hảo hơn.

(2) Bởi vậy, luật riêng phải ấn định chương trình và thời hạn của việc huấn luyện ấy, xét theo các nhu cầu của Giáo Hội, và các điều kiện của nhân loại và thời cuộc, theo như mục đích và đặc tính của dòng đòi hỏi.

(3) Việc huấn luyện các phần tử chuẩn bị lãnh chức thánh được chi phối bởi chương trình học vấn riêng của dòng.

Ðiều 660: (1) Sự huấn luyện phải có hệ thống, thích hợp với trình độ của các phần tử, bao gồm lãnh vực thiêng liêng và tông đồ, đạo lý và thực hành. Nếu thấy tiện, có thể lấy các bằng cấp đạo và đời.
(2) Trong suốt thời gian huấn luyện này, đừng nên trao cho các phần tử những chức vụ và công tác nào làm ngăn trở việc huấn luyện.

Ðiều 661: Các tu sĩ hãy chăm chỉ tiếp tục việc huấn luyện thiêng liêng, đạo lý và thực hành trong suốt cuộc đời. Các Bề Trên hãy cung cấp cho họ các phương tiện và thời giờ cần thiết cho việc ấy.

Chương IV: Các Nghĩa Vụ Và Quyền Lợi Của Các Dòng Và Của Các Phần Tử

Ðiều 662: Các tu sĩ hãy đặt mẫu mực tối cao của đời sống nơi việc theo dõi Ðức Kitô, như đã được đề ra trong Phúc Âm và diễn tả trong hiến pháp của dòng mình.

Ðiều 663: (1) Sự chiêm ngắm các thực tại thần linh và sự kết hợp liên lỉ với Thiên Chúa phải là nhiệm vụ đầu tiên và chính yếu của hết mọi tu sĩ.

(2) Các phần tử hãy cố gắng hết sức để hàng ngày tham dự lễ Misa, lĩnh nhận Mình Thánh Chúa và thờ lạy chính Thiên Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

(3) Họ hãy để dành thời giờ cho việc đọc Sách Thánh và tâm nguyện; cử hành xứng đáng phụng vụ giờ kinh theo quy định của luật riêng -- đừng kể nghĩa vụ của các giáo sĩ đã nói ở điều 276, triệt 2 số 3 --; và thực hành các việc đạo đức khác.

(4) Ðối với Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, gương mẫu và Người che chở đời sống tận hiến, họ hãy tỏ lòng sùng kính đặc biệt, kể cả bằng việc đọc kinh Mân Côi.

(5) Họ hãy trung thành giữ việc cấm phòng hàng năm.

Ðiều 664: Các tu sĩ hãy ra sức hoán cải nội tâm về với Chúa, xét mình hằng ngày và năng lĩnh bí tích thống hối.

Ðiều 665: (1) Các tu sĩ hãy ở nhà dòng của mình và giữ đời sống chung. Họ không được vắng nhà nếu không có phép của Bề Trên. Nếu phải vắng nhà lâu ngày, thì Bề Trên cao cấp, với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn và với lý do chính đáng, có thể cho phép một phần tử sống ngoài nhà của dòng, nhưng không quá một năm, trừ khi vì lý do chữa bệnh, học hành hay hoạt động tông đồ nhân danh dòng.

(2) Các Bề Trên hãy ân cần tìm kiếm phần tử nào vắng nhà cách bất hợp pháp với chủ ý thoát khỏi quyền hành Bề Trên; Bề Trên hãy giúp đỡ họ trở về và bền đỗ với ơn gọi của mình.

Ðiều 666: Trong việc xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, các tu sĩ phải giữ sự thận trọng cần thiết, tránh những gì có hại đến ơn gọi riêng và nguy hiểm cho đức khiết tịnh của người tận hiến.

Ðiều 667: (1) Trong tất cả mọi nhà dòng phải giữ nội vi, do luật riêng ấn định phù hợp với đặc tính và sứ mạng của dòng. Luôn luôn phải dành riêng một vài phần của nhà chỉ cho các phần tử.

(2) Luật nội vi phải được giữ ngặt hơn trong các đan viện sống đời chiêm niệm.

(3) Các nữ đan viện sống thuần túy chiêm niệm phải giữ nội vi "giáo hoàng", nghĩa là theo các quy tắc do Tòa Thánh đã ra. Các nữ đan viện khác hãy giữ nội vi thích ứng với đặc tính riêng đã được xác định trong hiến pháp.

(4) Khi có lý do chính đáng, Giám Mục giáo phận có năng quyền vào trong nội vi của các nữ đan viện tọa lạc trong lãnh thổ giáo phận. Khi có lý do trầm trọng, Giám Mục giáo phận, với sự đồng ý của Bề Trên, có năng quyền cho phép những người khác vào trong nội vi, và cho các nữ đan tu ra khỏi nội vi trong thời gian thực là cần thiết.

Ðiều 668: (1) Trước khi tuyên khấn lần đầu, các phần tử phải nhượng lại việc quản lý tài sản riêng cho ai mà mình muốn; và nếu hiến pháp không nói gì khác, thì họ được tự do định đoạt về việc xử dụng và hưởng dụng các tài sản ấy. Ít là trước khi khấn vĩnh viễn, các phần tử phải làm chúc thư, với giá trị đối với cả dân luật.

(2) Họ cần có phép Bề Trên có thẩm quyền, chiếu theo quy tắc của luật riêng, để thay đổi các định đoạt nói trên khi có lý do chính đáng, cũng như để thi hành bất kỳ hành vi nào trong phạm vi tài sản.

(3) Bất cứ vật gì tu sĩ thủ đắc do công lao riêng hoặc với danh nghĩa của dòng thì thủ đắc cho dòng. Những gì tu sĩ nhận được bằng bất cứ cách nào với danh nghĩa hưu bổng, trợ cấp và bảo hiểm thì được thủ đắc cho dòng, trừ khi luật riêng ấn định cách khác.

(4) Kẻ nào phải khước từ hoàn toàn các tài sản chiếu theo bản chất của dòng, thì phải làm sự khước từ ấy trước khi khấn vĩnh viễn, với hiệu lực kể từ ngày khấn. Nếu có thể được, việc từ khước nên làm theo thể thức có giá trị trước dân luật. Ðiều này cũng áp dụng với người nào ước ao khước từ toàn phần hay bán phần các tài sản khi khấn vĩnh viễn, chiếu theo luật riêng, với phép của Bề Trên tổng quyền.

(5) Người nào do lời khấn đã khước từ hoàn toàn các tài sản chiếu theo bản chất của dòng thì mất khả năng thủ đắc và sở hữu; do đó các hành vi làm ngược lại lời khấn khó nghèo sẽ vô hiệu. Những gì thủ đắc sau khi đã khước từ đều thuộc về dòng, dựa trên các quy tắc của luật riêng.

Ðiều 669: (1) Như dấu chỉ của sự tận hiến và làm chứng cho sự khó nghèo, các tu sĩ phải mặc tu phục của dòng, theo hình thức quy định trong luật riêng.

(2) Nếu dòng không có tu phục riêng, thì các tu sĩ giáo sĩ sẽ mặc y phục giáo sĩ theo quy tắc của điều 284.

Ðiều 670: Dòng phải cung cấp cho các phần tử hết mọi phương tiện cần thiết, chiếu theo hiến pháp, để đạt tới mục đích của ơn gọi.

Ðiều 671: Các tu sĩ không nên nhận lãnh các phận sự và chức vụ ngoài dòng khi không có phép của Bề Trên hợp pháp.

Ðiều 672: Các tu sĩ bị ràng buộc bởi các quy định của các điều 277, 285, 286, 287, và 289. Ngoài ra, các tu sĩ giáo sĩ còn phải giữ các quy định của điều 279, triệt 2. Trong các dòng giáo dân thuộc luật giáo hoàng, các Bề Trên cao cấp có thể ban phép nói ở điều 285, triệt 4.

Chương V: Hoạt Ðộng Tông Ðồ Của Các Dòng

Ðiều 673: Hoạt động tông đồ của các tu sĩ tiên vàn hệ tại việc chứng tá của đời tận hiến. Họ có bổn phận hun đúc đời sống chứng tá nhờ lời cầu nguyện và việc đền tội.

Ðiều 674: Các dòng sống đời thuần túy chiêm niệm luôn luôn giữ một phần cao trọng trong nhiệm thể của Ðức Kitô; bởi vì họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ ngợi khen tuyệt vời; họ trang điểm dân Chúa với những hoa trái trù phú của sự thánh thiện; họ thúc đẩy dân Chúa bằng gương sáng và làm nó phát triển nhờ sự phong nhiêu tông đồ kín nhiệm của mình. Vì lẽ ấy, dù nhu cầu hoạt động tông đồ thật là khẩn cấp, nhưng các phần tử của các dòng ấy không thể được gọi hoạt động hợp tác vào các công việc mục vụ khác.

Ðiều 675: (1) Hoạt động tông đồ làm nên phần cốt yếu của các dòng chuyên biệt tông đồ. Vì vậy toàn thể đời sống của các phần tử phải được thấm nhuần tinh thần tông đồ, và toàn thể hoạt động tông đồ phải được chất chứa tinh thần tu trì.

(2) Hoạt động tông đồ phải luôn luôn bắt nguồn từ việc kết hợp mật thiết với Chúa và củng cố, hun đúc việc kết hợp ấy.

(3) Hoạt động tông đồ cần được thực hiện nhân danh và với sự ủy nhiệm của Giáo Hội, cũng như trong sự thông hiệp với Giáo Hội.

Ðiều 676: Các dòng giáo dân, dù nam hay nữ, tham gia vào nhiệm vụ mục vụ của Giáo Hội và phục vụ nhân loại bằng nhiều cách khác nhau qua những công tác từ thiện về phần thiêng liêng hay thể xác. Vì vậy họ hãy trung thành duy trì ơn gọi riêng của họ.

Ðiều 677: (1) Các Bề Trên và các phần tử hãy trung thành duy trì sứ mạng và các công tác riêng của dòng. Tuy nhiên, họ hãy biết thích ứng chúng các khôn ngoan chiếu theo nhu cầu của thời thế và địa phương, kể cả bằng việc xử dụng các phương tiện mới mẻ và thích ứng.

(2) Các dòng nào có các hiệp hội giáo dân được kết nạp, thì hãy giúp đỡ họ cách chuyên cần đặc biệt, để họ được thấm nhuần tinh thần tinh túy của dòng.

Ðiều 678: (1) Trong các lãnh vực coi sóc các linh hồn, cử hành phụng vụ công khai, và các hoạt động tông đồ khác, thì các tu sĩ phải thuộc quyền của các Giám Mục: họ phải tỏ ra lòng suy phục và kính cẩn với các ngài.

(2) Trong khi hoạt động tông đồ bên ngoài, các tu sĩ cũng còn tùy thuộc các Bề Trên riêng của mình, và phải trung thành với kỷ luật của dòng. Các Giám Mục không nên bỏ qua việc thúc bách nghĩa vụ ấy, khi gặp hoàn cảnh.

(3) Trong sự điều hành hoạt động tông đồ của các tu sĩ, các Giám Mục giáo phận và các Bề Trên dòng cần phải tiến hành với sự trao đổi ý kiến giữa đôi bên.

Ðiều 679: Khi có lý do trầm trọng, Giám Mục giáo phận có thể ngăn cấm một phần tử của dòng không được lưu trú trong giáo phận, nếu Bề Trên cao cấp đã được thông báo mà không chịu áp dụng biện pháp. Tuy nhiên phải lập tức trình sự việc lên Tòa Thánh.

Ðiều 680: Giữa các dòng khác nhau và giữa các dòng với giáo sĩ triều, cần phải cổ võ sự hợp tác có tổ chức, cũng như sự phối hợp tất cả các công tác và hoạt động tông đồ dưới sự lãnh đạo của Giám Mục giáo phận, tuy phải tôn trọng đặc tính, mục đích của mỗi dòng và luật thành lập cơ sở.

Ðiều 681: (1) Các công tác được Giám Mục giáo phận ủy thác cho các tu sĩ thì ở dưới quyền hành và sự chỉ đạo của Giám Mục ấy, tuy phải duy trì quyền của các Bề Trên của các tu sĩ theo quy tắc của điều 678, các triệt 2 và 3.

(2) Trong những trường hợp ấy, phải ký hợp đồng giữa Giám Mục giáo phận với Bề Trên có thẩm quyền trong dòng. Trong hợp đồng ấy, đừng kể các khoản khác, cần phải xác định cách minh thị và tỉ mỉ những công tác, và chế độ tài sản.

Ðiều 682: (1) Khi phải trao một giáo vụ trong giáo phận cho một tu sĩ, thì chính Giám Mục là vị bổ nhiệm, sau khi có sự đề cử hay ít là đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền.

(2) Tu sĩ nói trên có thể bị bãi chức đã được trao phó hoặc tùy ý của nhà chức trách đã ủy thác chức vụ sau khi đã báo cho Bề Trên của tu sĩ, hoặc tùy ý Bề Trên sau khi đã báo cho kẻ ủy thác, mà không cần có bên kia thỏa thuận.

Ðiều 683: (1) Trong thời gian kinh lý mục vụ hay trong trường hợp cần thiết, Giám Mục giáo phận có thể, tự mình hay nhờ người khác, thanh tra các nhà thờ và nhà nguyện có giáo dân thường xuyên lui tới, các học đường và các cơ sở khác có tính cách tôn giáo và bác ái về tinh thần hay vật chất đã được ủy thác cho các tu sĩ. Nhưng Giám Mục không được thanh tra các học đường chỉ dành riêng cho các học sinh của dòng.

(2) Nếu nhận thấy có lạm dụng nào, và sau khi đã khuyến cáo Bề Trên dòng mà không có kết quả, thì Giám Mục có thể dùng quyền hành của mình để đối phó.

Chương VI: Các Phần Tử Rời Bỏ Dòng

Mục I: Việc Di Chuyển Sang Dòng Khác

Ðiều 684: (1) Một phần tử đã khấn vĩnh viễn không thể chuyển từ dòng mình sang dòng khác nếu không có phép của Bề Trên tổng quyền của hai dòng với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn của mỗi vị.
(2) Sau khi đã được thử luyện một thời gian ít là ba năm, đương sự có thể được nhận khấn vĩnh viễn trong dòng mới. Nếu đương sự không muốn khấn hay không được các Bề Trên có thẩm quyền chấp nhận cho khấn, thì phải trở về dòng cũ, đừng kể khi đã nhận được đặc quyền hồi tục.

(3) Ðể một tu sĩ thuộc một đan viện tự trị có thể chuyển sang một đan viện tự trị thuộc cùng một dòng hay cùng liên hiệp hay liên minh, thì điều kiện cần và đủ là sự thỏa thuận của Bề Trên cao cấp của cả hai đan viện và của công hội đan viện muốn nhận, đừng kể khi luật riêng quy định thêm các điều kiện khác. Nhưng không đòi hỏi phải khấn lại.

(4) Luật riêng phải xác định thời kỳ và cách thức thử luyện mà một người phải trải qua trước khi khấn trong dòng mới.

(5) Sự di chuyển sang một tu hội đời hay sang một tu đoàn tông đồ, hoặc từ hai nơi đó sang một dòng, cần phải có phép của Tòa Thánh.

Ðiều 685: (1) Cho đến khi được khấn trong dòng mới, các quyền lợi và nghĩa vụ mà đương sự có trong dòng cũ bị đình chỉ; còn các lời khấn thì vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, kể từ lúc bắt đầu thử luyện, đương sự buộc phải tuân hành luật riêng của dòng mới.

(2) Do việc khấn trong dòng mới, đương sự được sát nhập vào dòng mới; từ lúc ấy, chấm dứt các lời khấn, quyền lợi và nghĩa vụ trước đây.

Mục II: Việc Ra Khỏi Dòng

Ðiều 686: (1) Bề Trên tổng quyền, với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn, khi có lý do trầm trọng, có thể cho phép một tu sĩ đã khấn vĩnh viễn được xuất viện, nhưng không quá ba năm; nếu là giáo sĩ, cần có sự thỏa thuận của Bản Quyền sở tại nơi đương sự phải lưu trú. Việc triển hạn đặc quyền xuất viện hay ban một đặc quyền quá ba năm được dành riêng cho Tòa Thánh, hoặc cho Giám Mục giáo phận nếu là dòng giáo phận.

(2) Ðối với các nữ đan tu, việc ban đặc quyền xuất viện được dành riêng cho một mình Tòa Thánh.

(3) Theo lời yêu cầu của Bề Trên tổng quyền với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn, sự xuất viện có thể bị cưỡng bách do Tòa Thánh, nếu là tu sĩ thuộc dòng giáo hoàng, hay do Giám Mục giáo phận, nếu tu sĩ thuộc dòng giáo phận; nhưng cần phải có lý do trầm trọng và phải bảo vệ lẽ phải và bác ái.

Ðiều 687: Các phần tử xuất viện được coi như không bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ bất khả kham với hoàn cảnh sinh sống mới. Ðương sự phải tùy thuộc sự coi sóc của các Bề Trên dòng của mình, và kể cả của Bản Quyền sở tại, nhất là khi đương sự là giáo sĩ. Ðương sự có thể mặc y phục của dòng, trừ khi trong đặc quyền đã định cách khác. Nhưng đương sự không có quyền bầu cử và ứng cử.
Ðiều 688: (1) Kẻ muốn ra khỏi dòng khi mãn hạn khấn, có thể bỏ dòng.

(2) Trong thời gian khấn tạm thời, vì lý do trầm trọng xin rời bỏ dòng, thì Bề Trên tổng quyền, với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn, có thể ban đặc quyền bỏ dòng, nếu là dòng thuộc luật giáo hoàng. Trong các dòng thuộc luật giáo phận và trong các đan viện tự trị nói ở điều 615, đặc quyền bỏ dòng, để được hữu hiệu, cần được châu phê bởi Giám Mục của nhà mà đương sự được bổ nhiệm.

Ðiều 689: (1) Khi một phần tử đã mãn hạn khấn tạm thời, nếu có lý do chính đáng, thì Bề Trên cao cấp có thẩm quyền, sau khi đã bàn với hội đồng cố vấn, có thể loại bỏ đương sự, không cho khấn tiếp.

(2) Tật bệnh thể chất hay tâm linh, cho dù mắc phải sau khi khấn, khiến cho đương sự không có khả năng sống trong dòng, theo sự thẩm định của các chuyên viên, làm thành nguyên nhân để đương sự không được lặp lại lời khấn hay tuyên khấn vĩnh viễn, miễn là bệnh ấy không mắc phải do sự chểnh mảng của dòng hay do một công tác làm trong dòng.

(3) Tuy nhiên, nếu trong thời kỳ khấn tạm, tu sĩ đâm ra mất trí, thì cho dù không có khả năng để tuyên lời khấn mới, song đương sự không thể bị trục xuất khỏi dòng.

Ðiều 690: (1) Kẻ nào, sau khi mãn năm tập hay hết hạn khấn, đã ra khỏi dòng cách hợp lệ, thì có thể được thu nhận trở lại mà không buộc phải làm lại năm tập, do phép của Bề Trên tổng quyền với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn. Nhưng Bề Trên tổng quyền sẽ chỉ định một thời gian thử luyện thích hợp trước khi khấn tạm và khấn vĩnh viễn, dựa theo quy tắc của các điều 655 và 657.

(2) Bề Trên đan viện tự trị cùng với hội đồng cố vấn cũng có năng quyền như vậy.

Ðiều 691: (1) Ai đã khấn vĩnh viễn thì không được xin đặc quyền ra khỏi dòng khi không có lý do rất trầm trọng đã suy xét trước mặt Chúa. Ðương sự sẽ đệ đơn lên Bề Trên tổng quyền; vị này sẽ chuyển đơn lên nhà chức trách có thẩm quyền, kèm theo ý kiến riêng của mình và của hội đồng cố vấn.

(2) Việc ban đặc quyền nói trên được dành riêng cho Tòa Thánh đối với các dòng thuộc luật giáo hoàng; đối với các dòng thuộc luật giáo phận, thì đặc quyền cũng có thể ban do Giám Mục của giáo phận nơi tọa lạc của nhà tu sĩ được bổ nhiệm.

Ðiều 692: Ðặc quyền bỏ dòng, một khi đã được ban hợp lệ và thông tri cho đương sự, đương nhiên mang theo sự miễn chuẩn các lời khấn cũng như tất cả các nghĩa vụ phát xuất từ việc tuyên khấn, đừng kể khi đương sự bác bỏ đặc quyền ngay chính lúc được thông tri.

Ðiều 693: Nếu đương sự là giáo sĩ, thì đặc quyền không được ban trước khi tìm được một Giám Mục muốn nhận đương sự nhập tịch vào giáo phận hoặc ít là nhận thử nghiệm. Trong trường hợp được nhận thử nghiệm, thì mãn hạn năm năm, đương sự được đương nhiên nhập tịch vào giáo phận, trừ khi bị Giám Mục từ chối.

Mục III: Sự Trục Xuất Các Phần Tử

Ðiều 694: (1) Các phần tử sau đây được kể như đương nhiên bị trục xuất:

1. kẻ đã lìa bỏ tỏ tường về đức tin Công Giáo;

2. kẻ đã kết hôn hoặc mưu toan kết hôn, dù là hôn nhân dân sự.

(2) Trong các trường hợp ấy, sau khi đã thu thập các bằng chứng, Bề Trên cao cấp cùng với hội đồng cố vấn không phải chần chừ gì để tuyên bố sự kiện, ngõ hầu sự trục xuất trở thành minh bạch theo pháp lý.

Ðiều 695: (1) Một phần tử phải bị trục xuất do các trọng tội đã nói ở các điều 1397, 1398 và 1395; trừ khi nào đối với trọng tội nói ở điều 1395, triệt 2, Bề Trên xét thấy sự trục xuất không cần thiết và đương sự có thể sửa mình, cũng như việc bồi thường và sửa chữa gương mù có thể được thỏa mãn cách khác.

(2) Trong các trường hợp ấy, sau khi đã thu thập bằng chứng về sự kiện và sự quy trách, Bề Trên cao cấp sẽ thông báo cho đương sự biết sự tố cáo và các bằng chứng; cùng dành cho đương sự khả năng biện hộ. Tất cả hồ sơ cùng với chữ ký của Bề Trên cao cấp và lục sự, và kèm theo các câu trả lời do đương sự viết và ký, sẽ được chuyển lên Bề Trên tổng quyền.

Ðiều 696: (1) Một phần tử cũng có thể bị loại vì các lý do khác, miễn là các lý do ấy trầm trọng, xuất hiện ra ngoài, có thể quy trách và có thể chứng minh theo pháp lý, tỉ như: thường xuyên chểnh mảng các nghĩa vụ của đời tận hiến; nhiều lần vi phạm các lời khấn; cố chấp bất tuân các chỉ thị hợp pháp của Bề Trên trong vấn đề can hệ; gây gương mù trầm trọng phát sinh từ tác phong có lỗi của đương sự; cố chấp bênh đỡ hay truyền bá các học thuyết đã bị kết án bởi quyền giáo huấn của Hội Thánh; công khai tán trợ các ý thức hệ nhiễm mùi duy vật hay vô thần; vắng nhà bất hợp pháp -- theo nghĩa đã nói ở điều 665, triệt 2 -- kéo dài 6 tháng; các lý do trầm trọng tương tự mà luật riêng của dòng có thể đã xác định.

(2) Trong những trường hợp nói ở điều 696, nếu Bề Trên cao cấp, sau khi đã bàn với hội đồng cố vấn, xét rằng phải xúc tiến thủ tục trục xuất, thì:

1. hãy thu thập và bổ túc các bằng chứng;

2. khuyên bảo đương sự bằng giấy tờ hay trước mặt hai nhân chứng với lời cảnh cảo minh thị sẽ tiến hành sự trục xuất nếu đương sự không sửa mình; đương sự cần biết rõ nguyên nhân và được tự do biện hộ. Nếu lời khuyên bảo không có công hiệu, thì trong khoảng cách ít là mười lăm ngày sau, phải lặp lại lời khuyên bảo.

3. nếu lời khuyên bảo lần sau cũng không có công hiệu mà Bề Trên cao cấp, cùng với hội đồng cố vấn, nhận thấy rõ sự ngoan cố của đương sự cũng như những lời biện hộ không đủ, thì, sau khi đã qua mười lăm ngày kể từ lời khuyên bảo thứ hai không có hiệu quả, tất cả hồ sơ được gởi lên Bề Trên tổng quyền, với chữ ký của Bề Trên cao cấp, của lục sự, cùng với những câu trả lời của đương sự và chữ ký của người ấy.

Ðiều 698: Trong tất cả mọi trường hợp nói ở điều 695 và 696, phải luôn luôn tôn trọng quyền lợi của đương sự được liên lạc thẳng với Bề Trên tổng quyền và trực tiếp trình bày với ngài các lời biện hộ.

Ðiều 699: (1) Bề Trên tổng quyền, cùng với hội đồng cố vấn, sẽ tiến hành, cách tập đoàn, việc cân nhắc cẩn thận các bằng cớ, lý chứng và biện hộ. Ðể thủ tục được hữu hiệu, cần phải có ít là bốn nhân viên của hội đồng cố vấn. Qua việc bỏ thăm kín, nếu họ quyết định trục xuất, thì sẽ thảo nghị định trục xuất. Nghị định này, để được hữu hiệu, cần phải bao gồm, ít là sơ lược, các lý do về luật pháp cũng như về sự kiện.

(2) Trong những đan viện tự trị, nói ở điều 615, quyền quyết định việc trục xuất thuộc Giám Mục giáo phận. Bề Trên phải đệ hồ sơ, được hội đồng cố vấn chấp thuận, lên Giám Mục.

Ðiều 700: Nghị định trục xuất và hồ sơ phải được chuyển lên Tòa Thánh, và nghị định chỉ có hiệu lực khi được Tòa Thánh phê chuẩn. Nếu là dòng thuộc luật giáo phận, việc phê chuẩn thuộc quyền Giám Mục của giáo phận nơi tọa lạc nhà mà đương sự được bổ nhiệm. Ðể nghị định được hữu hiệu, cần phải nêu rõ quyền lợi của đương sự được thượng cầu lên nhà chức trách có thẩm quyền trong vòng mười ngày kể từ lúc nhận được thông trị. Việc thượng cầu có hậu quả đình chỉ.

Ðiều 701: Do sự trục xuất hợp lệ, đương nhiên chấm dứt các lời khấn cũng như các quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh từ việc tuyên khấn. Tuy nhiên nếu đương sự là giáo sĩ, thì không được thi hành chức thánh cho đến khi nào tìm được một Giám Mục nhận họ vào giáo phận, sau một thời gian thử luyện theo quy tắc của điều 693, hoặc ít là cho phép họ thi hành chức thánh.

Ðiều 702: (1) Ai đã ra khỏi dòng cách hợp lệ hoặc bị trục xuất khỏi dòng cách hợp lệ, thì không được đòi hỏi gì nơi dòng về bất cứ công tác nào đã làm trong dòng.

(2) Tuy nhiên, dòng phải giữ lẽ phải và bác ái Phúc Âm đối với phần tử lìa bỏ dòng.

Ðiều 703: Trong trường hợp xảy ra gương mù trầm trọng bên ngoài hoặc trước một hiểm họa rất nguy hại cho dòng, thì một phần tử có thể bị đuổi ra khỏi nhà tức khắc, do Bề Trên cao cấp, hoặc do chính Bề Trên địa phương với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn, nếu có nguy hiểm do việc trì hoãn. Nếu cần, Bề Trên cao cấp sẽ lo liệu lập thủ tục trục xuất theo quy tắc pháp luật, hoặc trình nội vụ lên Tòa Thánh.

Ðiều 704: Về các phần tử lìa bỏ dòng vì bất cứ lý do nào, cần phải đề cập đến trong bản tường trình lên Tòa Thánh đã nói ở điều 592, triệt 1.

Chương VII: Các Tu Sĩ Ðược Thăng Chức Giám Mục

Ðiều 705: Tu sĩ nào được thăng chức Giám Mục thì vẫn còn là phần tử của dòng, nhưng do lời khấn vâng lời, họ chỉ phải tùy thuộc duy một mình Ðức Giáo Hoàng. Tu sĩ ấy không bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ mà chính mình xét thấy cách khôn ngoan rằng chúng không thể am hợp với điều kiện mới.
Ðiều 706: (1) Tu sĩ nói trên:

1. nếu do lời khấn, đương sự mất quyền làm chủ tài sản, thì bây giờ họ được hưởng quyền xử dụng, hưởng dụng và quản trị các tài sản đến sau đó. Tuy nhiên, đối với Giám Mục giáo phận và các vị khác đã nói ở điều 381, triệt 2, thì các tài sản được thủ đắc cho Giáo Hội địa phương; còn đối với các vị khác, thì các tài sản được thủ đắc cho dòng hay cho Tòa Thánh, tùy theo dòng có khả năng chấp hữu hay không.

2. nếu do lời khấn, đương sự không mất quyền làm chủ tài sản, thì quyền dụng ích, hành dụng và quản trị các tài sản có trước đó sẽ được hồi phục. Còn các tài sản đến sau, thì được thủ đắc toàn vẹn.

3. trong cả hai trường hợp, đương sự phải xử dụng các tài sản theo ý muốn của người dâng cúng, khi chúng được thủ đắc không vì danh nghĩa cá nhân.

Ðiều 707: (1) Tu sĩ làm Giám Mục khi hồi hưu có thể chọn nơi cư ngụ cho mình kể cả ở ngoài nhà của dòng mình, trừ khi Tòa Thánh đã dự liệu cách khác.

(2) Về việc cấp dưỡng thích hợp và xứng đáng cho đương sự, trong trường hợp họ đã phục vụ một giáo phận, thì phải giữ điều 402, triệt 2, trừ khi dòng muốn lo liệu việc cấp dưỡng ấy. Nếu không, Tòa Thánh sẽ liệu cách khác.
Chương VIII: Các Hội Nghị Các Bề Trên Cao Cấp

Ðiều 708: Các Bề Trên cao cấp có thể tụ họp nhau cách hữu ích qua các hội nghị hay hội đồng, ngõ hầu hợp lực với nhau để cộng tác vào việc theo đuổi mục tiêu của mỗi dòng cách mỹ mãn hơn, tuy vẫn giữ sự tự trị, đặc tính, và tinh thần của mỗi dòng; hoặc để thảo luận các vấn đề chung; hoặc để thiết lập sự phối trí và hợp tác thích hợp đối với các hội đồng Giám Mục cũng như đối với từng Giám Mục.

Ðiều 709: Các hội nghị của các Bề Trên cao cấp cần có quy chế được Tòa Thánh phê chuẩn. Tòa Thánh là thẩm quyền duy nhất có thể thành lập hội nghị, ban cấp tư cách pháp nhân, và giữ quyền lãnh đạo tối cao của hội nghị.

 
Thiên 3: Các Tu Hội Ðời

Ðiều 710: Tu hội đời là một hội dòng tận hiến, trong đó các tín hữu sống giữa đời nhắm tới sự trọn lành của đức ái và dấn thân mưu cầu sự thánh hóa đời ngay từ ở giữa đời.

Ðiều 711: Do sự tận hiến, một phần tử của tu hội đời không làm thay đổi thể chế giáo luật của mình trong dân Chúa, dù là giáo dân dù là giáo sĩ, mặc dù vẫn phải tuân giữ các quy định của luật chi phối của hội dòng tận hiến.

Ðiều 712: Ngoài những quy định đã nói ở điều 598-601, hiến pháp còn phải ấn định các mối ràng buộc thánh nhờ đó các phần tử tự bó buộc giữ các lời khuyên Phúc Âm trong tu hội. Hiến pháp cũng xác định các nghĩa vụ phát sinh từ các mối ràng buộc ấy, tuy luôn phải giữ lối sống thế tục của tu hội.

Ðiều 713: (1) Các phần tử của các tu hội diễn tả và thực hành sự tận hiến qua hoạt động tông đồ, và tựa như men bột, họ hãy cố gắng thấm nhiễm hết mọi sự với tinh thần Phúc Âm, ngõ hầu củng cố và tăng triển nhiệm thể Ðức Kitô.

(2) Các phần tử giáo dân tham gia vào nhiệm vụ giảng truyền Phúc Âm của Giáo Hội giữa đời và từ môi trường đời, hoặc bằng chứng tá của đời sống Kitô Giáo và của lòng trung thành với sự tận hiến của mình, hoặc bằng sự cộng tác nhằm việc quy hướng các sự việc thế trần về với Thiên Chúa cùng lấy sức mạnh Phúc Âm để làm sống động thế giới. Họ cũng cộng tác vào việc phục vụ giáo đoàn, dựa theo lối sống ngoài đời của họ.

(3) Các phần tử giáo sĩ, nhờ việc chứng tá của đời tận hiến, nhất là giữa linh mục đoàn, hỗ trợ các anh em đồng nghiệp do đức ái tông đồ trổi vượt; và khi thi hành chức vụ thánh trong dân Chúa, họ kiện toàn sự thánh hóa trần thế.

Ðiều 714: Các phần tử sinh sống trong những điều kiện bình thường của trần thế, hoặc đơn thân, hoặc trong gia đình của mình, hoặc trong nhóm huynh đệ, dựa theo các quy tắc của hiến pháp.

Ðiều 715: (1) Các phần tử giáo sĩ, được nhập tịch trong giáo phận, lệ thuộc Giám Mục giáo phận, trừ những gì liên can đến đời sống tận hiến trong tu hội của mình.

(2) Những người được trạch cử vào các công tác riêng của tu hội hoặc vào việc quản trị tu hội, thì được nhập tịch vào tu hội, chiếu theo quy tắc của điều 266, triệt 3, và lệ thuộc Giám Mục giống như các tu sĩ.

Ðiều 716: (1) Tất cả các phần tử phải tham gia tích cực vào đời sống của tu hội, dựa theo luật riêng.

(2) Các phần tử thuộc cùng một tu hội phải sống thông hiệp với nhau, ân cần bảo vệ sự hợp nhất trong tinh thần và tình huynh đệ chân thật.

Ðiều 717: (1) Hiến pháp phải quy định hình thức cai trị của tu hội, xác định nhiệm kỳ của các người lãnh đạo và cách thức chỉ định họ vào chức vụ.

(2) Không ai được chỉ định làm Lãnh Ðạo tối cao nếu chưa được gia nhập vĩnh viễn vào tu hội.

(3) Những ai có trách nhiệm điều khiển tu hội phải lo duy trì tinh thần hợp nhất và cổ võ sự tham gia tích cực của hết mọi phần tử.

Ðiều 718: Việc quản trị tài sản của tu hội cần phải bộc lộ và cổ võ sự khó nghèo Phúc Âm. Việc quản trị được chi phối do các quy tắc của quyển thứ V về Tài Sản của Giáo Hội cũng như luật riêng của tu hội. Luật riêng cũng phải xác định các nghĩa vụ, nhất là về kinh tế, của tu hội đối với các phần tử làm việc cho tu hội.

Ðiều 719: (1) Ðể đáp ứng trung thành với ơn gọi và để hoạt động tông đồ phát xuất từ sự kết hợp với Ðức Kitô, các phần tử phải siêng năng cầu nguyện, và chăm chỉ đọc Sách Thánh, giữ việc tĩnh tâm thường niên và thực hành các việc đạo đức khác chiếu theo luật riêng.

(2) Việc cử hành Thánh Thể, nếu có thể được mỗi ngày, phải là nguồn mạch và sức mạnh của toàn thể đời tận hiến.

(3) Họ hãy lãnh nhận bí tích thống hối cách tự do và thường xuyên.

(4) Họ cần được tự do nhận việc linh hướng cần thiết; nếu họ muốn, họ có thể bàn hỏi việc thiêng liêng với các vị lãnh đạo của họ.

Ðiều 720: Quyền thu nhận vào tu hội, hoặc vào giai đoạn thử luyện hoặc để cam kết tạm thời hay vĩnh viễn, là điều thuộc thẩm quyền của các vị Lãnh Ðạo cao cấp, dựa theo quy tắc của hiến pháp.

Ðiều 721: (1) Việc thu nhận những người sau đây vào giai đoạn thử luyện khởi đầu trở thành vô hiệu:

1. kẻ chưa đến tuổi trưởng thành;

2. kẻ hiện đang bị ràng buộc trong một hội dòng tận hiến hoặc tu đoàn tông đồ;

3. kẻ đã lập gia đình, bao lâu giá thú còn hiệu lực.

(2) Hiến pháp có thể ấn định các ngăn trở khác của việc thu nhận, kể cả chi phối sự hữu hiệu, hoặc đặt thêm các điều kiện khác.

(3) Ngoài ra, để được tiếp nhận, đương sự phải có sự trưởng thành cần thiết để có thể theo đuổi nếp sống của tu hội cách thích đáng.

Ðiều 722: (1) Mục tiêu của giai đoạn thử luyện khởi đầu là để các tuyển sinh hiểu rõ hơn ơn thiên triệu và ơn gọi đặc biệt của tu hội, và tập luyện theo tinh thần và lối sống của tu hội.

(2) Các tuyển sinh cần được huấn luyện cách thích đáng để sống cuộc đời theo các lời khuyên Phúc Âm, và để diễn tả toàn thể cuộc sống ấy ra việc tông đồ, bằng cách xử dụng những hình thức rao truyền Phúc Âm thích hợp hơn hết với mục đích và tinh thần, đặc tính của tu hội.

(3) Hiến pháp phải xác định cách thức và thời gian của giai đoạn thử luyện trước khi cam kết lần đầu trong tu hội. Thời gian ấy không được dưới hai năm.

Ðiều 723: (1) Khi đã mãn thời kỳ thử luyện khởi đầu, tuyển sinh nào được xét thấy có khả năng thì sẽ chấp nhận ba lời khuyên Phúc Âm với dây ràng buộc thánh. Nếu không, thì phải lìa bỏ tu hội.

(2) Sự gia nhập lần đầu có tính cách tạm thời, dựa theo quy tắc của hiến pháp. Thời hạn này không được dưới năm năm.

(3) Khi đã mãn thời hạn đó, phần tử nào được xét thấy có khả năng sẽ được thu nhận gia nhập trọn đời hay vĩnh viễn, nghĩa là với những giây ràng buộc thánh tạm thời nhưng luôn luôn được lặp lại.

(4) Việc gia nhập vĩnh viễn được đồng hóa với việc gia nhập trọn đời. Hiến pháp phải ấn định những hiệu quả pháp lý của hành vi đó.

Ðiều 724: (1) Sau khi đã cam kết lần đầu, việc huấn luyện cần phải tiếp tục liên lỉ, chiếu theo hiến pháp.

(2) Các phần tử cần được huấn luyện vừa về phương diện thần học vừa về phương diện nhân bản. Các cấp lãnh đạo tu hội phải lưu tâm đến việc huấn luyện liên tục về phần thiêng liêng.

Ðiều 725: Hiến pháp sẽ quy định hình thức của mối dây ràng buộc nhờ đó tu hội có thể kết nạp các tín hữu nào ước mong đạt đến sự trọn lành Phúc Âm dựa theo tinh thần của tu hội, và tham gia vào sứ mạng của tu hội.

Ðiều 726: (1) Sau khi đã mãn thời kỳ gia nhập tạm thời, một phần tử có thể tự do lìa bỏ tu hội, hay, khi có lý do chính đáng, có thể bị vị Lãnh Ðạo cao cấp, sau khi đã bàn với hội đồng cố vấn, loại bỏ không cho lặp lại sự cam kết.

(2) Khi có lý do trầm trọng, vị Lãnh Ðạo tối cao, với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn, có thể ban đặc quyền lìa bỏ tu hội cho một phần tử đã gia nhập tạm thời tự ý xin.

Ðiều 727: (1) Một phần tử đã gia nhập trọn đời, nếu muốn bỏ tu hội, thì, sau khi đã suy nghĩ chín chắn trước mặt Chúa, hãy đệ đơn xin đặc quyền lên Tòa Thánh qua vị Lãnh Ðạo tối cao, trong trường hợp tu hội thuộc luật giáo hoàn. Nếu là tu hội thuộc luật giáo phận, thì xin Giám Mục giáo phận, theo như hiến pháp đã định.

(2) Nếu đương sự là giáo sĩ đã nhập tịch vào tu hội, thì phải giữ quy tắc nói ở điều 693.

Ðiều 728: Một khi đã được đặc quyền lìa bỏ tu hội cách hợp lệ, thì sẽ chấm dứt mọi ràng buộc cùng các quyền lợi và nghĩa vụ phát xuất do sự gia nhập.

Ðiều 729: Sự trục xuất một phần tử sẽ được thi hành dựa theo các điều 694 và 695. Hiến pháp sẽ định các lý do trục xuất khác, miễn là các lý do ấy phải trầm trọng cân xứng, xuất hiện ra ngoài, có thể quy trách và có thể chứng minh theo pháp lý. Thủ tục trục xuất phải theo các quy tắc của các điều 697-700. Quy định của điều 701 cũng được áp dụng cho kẻ bị trục xuất.

Ðiều 730: Khi một phần tử của một tu hội đời muốn chuyển sang một tu hội khác, thì phải theo các quy định của các điều 684, triệt 1, 2 và 4 và 685. Còn nếu muốn chuyển sang hay chuyển từ một dòng tu và một tu đoàn tông đồ, thì phải có phép của Tòa Thánh, và phải tuân theo các chỉ thị của Tòa Thánh.

Tiết 2: Các Tu Ðoàn Tông Ðồ

Ðiều 731: (1) Các tu đoàn tông đồ được coi như tương đương với hội dòng tận hiến. Các phần tử của các tu đoàn tông đồ, tuy không có lời khấn dòng, nhưng theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của tu đoàn, và nhắm tới sự trọn lành của đức ái do việc sống chung theo một nếp sống đặc thù, và do việc tuân giữ hiến pháp.

(2) Trong số các tu đoàn ấy, có những đoàn trong đó các phần tử chấp nhận các lời khuyên Phúc Âm với một dây ràng buộc do hiến pháp xác định.

Ðiều 732: Những gì đã ấn định trong các điều 578-579 và 606 cũng được áp dụng cho các tu đoàn tông đồ, miễn là tôn trọng bản chất của mỗi tu đoàn. Riêng đối với các tu đoàn nói ở điều 731, triệt 2 thì cũng có thể áp dụng các điều 598-602.

Ðiều 733: (1) Sự thành lập một nhà và cấu tạo một cộng đồng địa phương là việc thuộc thẩm quyền của nhà chức trách của tu đoàn, sau khi đã có sự thỏa thuận bằng giấy tờ của Giám Mục giáo phận. Khi bãi bỏ một nhà, cũng phải hội ý Giám Mục.

(2) Sự thỏa thuận cho thành lập nhà kèm theo quyền được có ít là một nhà nguyện, trong đó cử hành và lưu trữ Thánh Thể.

Ðiều 734: Sự quản trị tu đoàn được xác định do hiến pháp và phải tuân hành các điều 617-633, tùy theo bản chất của mỗi tu đoàn.

Ðiều 735: (1) Sự thu nhận, thử luyện, gia nhập và huấn luyện sẽ được xác định do luật riêng của mỗi tu đoàn.
(2) Về việc thu nhận vào tu đoàn, phải giữ các điều kiện đã ấn định ở các điều 642-645.

(3) Luật riêng phải xác định chương trình thử luyện và huấn luyện thích hợp với mục đích và đặc tính của tu đoàn, nhất là về phương diện đạo lý, thiêng liêng và tông đồ, ngõ hầu các phần tử hiểu rõ ơn thiên triệu và chuẩn bị thích đáng vào việc tông đồ và vào đời sống của tu đoàn.

Ðiều 736: (1) Trong các tu đoàn giáo sĩ, các giáo sĩ được nhập tịch vào tu đoàn, đừng kể khi hiến pháp định cách khác.

(2) Về những gì liên can đến chương trình học vấn và chịu chức thánh, thì phải giữ các quy tắc của các giáo sĩ triều, tuy phải bảo toàn triệt 1.

Ðiều 737: Về phía các phần tử, sự gia nhập kèm theo các nghĩa vụ và quyền lợi do hiến pháp xác định. Về phía tu đoàn, sự gia nhập bao hàm sự ân cần hướng dẫn các phần tử theo mục đích của ơn gọi riêng, dựa trên hiến pháp.

Ðiều 738: (1) Tất cả các phần tử phải phục tùng các vị Lãnh Ðạo riêng, chiếu theo các quy tắc của hiến pháp, trong phạm vi đời sống nội bộ và kỷ luật tu đoàn.

(2) Các phần tử cũng phục tùng Giám Mục giáo phận trong phạm vi phụng tự công cộng, coi sóc các linh hồn và các hoạt động tông đồ khác, chiếu theo các điều 679-683.

(3) Các tương quan của một phần tử được nhập tịch vào giáo phận với Giám Mục riêng sẽ được xác định bởi hiến pháp hay hợp đồng riêng.

Ðiều 739: Ngoài các nghĩa vụ mà hiến pháp đã định, các phần tử còn phải giữ các nghĩa vụ chung của các giáo sĩ, trừ khi đã rõ cách nào khác do bản chất sự việc hay do lời lẽ của văn mạch.

Ðiều 740: Các phần tử phải ở trong nhà hay trong cộng đoàn đã được thành lập hợp lệ, và sống đời sống chung dựa theo luật riêng. Sự vắng nhà hay vắng cộng đoàn cũng do luật riêng chi phối.

Ðiều 741: (1) Các tu đoàn, các khu vực và các nhà có tư cách pháp nhân, trừ khi hiến pháp định cách khác. Vì vậy, các thực thể ấy có khả năng thủ đắc, chấp hữu, quản trị, chuyển nhượng tài sản, dựa theo các quy tắc của quyển V về Tài sản của Giáo Hội, và các điều 636, 638 và 639, cũng như luật riêng.

(2) Dựa theo các quy tắc của luật riêng, các phần tử cũng có khả năng thủ đắc, chấp hữu, quản trị và định đoạt tài sản. Tuy nhiên những gì họ thủ đắc với danh nghĩa tu đoàn thì thuộc về tu đoàn.

Ðiều 742: Sự ly khai và trục xuất của một phần tử chưa gia nhập vĩnh viễn sẽ được chi phối do hiến pháp của mỗi tu đoàn.

Ðiều 743: Tuy vẫn phải giữ điều 693, vị Lãnh Ðạo tối cao, với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn, có thể ban đặt quyền lìa bỏ tu đoàn cho một phần tử đã gia nhập vĩnh viễn, trừ khi quyền ấy đã được dành riêng cho Tòa Thánh chiếu theo hiến pháp.

Ðiều 744: (1) Vị Lãnh Ðạo tối cao, với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn, là thẩm quyền duy nhất có thể ban phép cho một phần tử đã gia nhập vĩnh viễn được chuyển sang một tu đoàn tông đồ khác, với hiệu quả đình chỉ tạm thời các quyền lợi và nghĩa vụ của tu đoàn. Tuy nhiên, đương sự có quyền trở về tu đoàn trước khi gia nhập vĩnh viễn vào tu đoàn mới.

(2) Khi muốn chuyển từ một hội dòng tận hiến sang một tu đoàn tông đồ hay ngược lại, thì phải xin phép Tòa Thánh và tuân theo chỉ thị của Tòa Thánh.

Ðiều 745: Vị Lãnh Ðạo tối cao, với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn, có thể ban đặc quyền cho một phần tử đã gia nhập vĩnh viễn được sống ngoài tu đoàn, với hiệu quả đình chỉ những quyền lợi và nghĩa vụ không thể dung hợp với điều kiện mới. Thời hạn không được quá ba năm, và đương sự vẫn ở dưới sự chăm sóc của các vị Lãnh Ðạo. Nếu là giáo sĩ, thì cần phải có sự thỏa thuận của Bản Quyền sở tại nơi đương sự phải lưu trú; và đương sự cũng phải tùy thuộc sự chăm sóc của Bản Quyền sở tại nữa.

Ðiều 746: Về sự trục xuất một phần tử đã gia nhập vĩnh viễn, phải giữ các điều 694-704, tuy phải thích nghi tùy trường hợp.


Xem tiếp Quyển III: Nhiệm Vụ Giáo Huấn Của Giáo Hội 

G. Trần Ðức Anh, OP( Theo Radio Vatican)

Nguồn: http://gpcantho.com/ArticlesDetails.aspx?ArticlesID=458#_Toc292198790
TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT