Header

Bộ Giáo Luật - The Code of Canon Law: QUYỂN IV: NHIỆM VỤ THÁNH HÓA CỦA GIÁO HỘI

avatarby
25/02/2016
5.2K
Ðiều 834: (1) Giáo Hội chu toàn nhiệm vụ thánh hóa cách riêng nhờ phụng vụ. Thực vậy, phụng vụ được coi là việc thi hành chức vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô...
QUYỂN IV: NHIỆM VỤ THÁNH HÓA CỦA GIÁO HỘI
 
Ðiều 834: (1) Giáo Hội chu toàn nhiệm vụ thánh hóa cách riêng nhờ phụng vụ. Thực vậy, phụng vụ được coi là việc thi hành chức vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô, trong đó, việc thánh hóa loài người được diễn nghĩa bằng những dấu chỉ hữu hình và được thể hiện theo từng cách thế riêng cho từng dấu chỉ; đồng thời, việc phụng thờ Thiên Chúa cách công khai và nguyên vẹn được thực thi bởi nhiệm thể của Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là bởi Ðầu và bởi các Chi Thể.
 
(2) Việc phụng tự như vậy được thực hiện mỗi khi được cử hành nhân danh Giáo Hội, bởi những người được đề cử cách hợp pháp và bằng những hành động được giáo quyền chấp nhận.
 
Ðiều 835: (1) Các Giám Mục là những người phải thi hành nhiệm vụ thánh hóa trước tiên, bởi vì các Ngài là những đại tư tế, những người phân phát chính yếu các mầu nhiệm của Thiên Chúa và những người điều hành, cổ võ và bảo toàn tất cả đời sống phụng vụ trong Giáo Hội đã được ủy thác cho các Ngài.
 
(2) Nhiệm vụ ấy cũng được thi hành bởi các linh mục, vì là những người dự phần vào chính chức vụ tư tế của Chúa Kitô, như những thừa tác viên của Ngài; họ được cung hiến để cử hành phụng tự và thánh hóa dân chúng, dưới quyền của Giám Mục.
 
(3) Các Phó Tế dự phần vào việc cử hành phụng tự, chiếu theo các quy tắc luật định.
 
(4) Trong nhiệm vụ thánh hóa, các tín hữu cũng có phần vụ riêng: theo cách thế riêng của mình, họ tham dự tích cực vào mọi cử hành phụng vụ, nhất là việc cử hành Thánh Thể. Các cha mẹ Công Giáo cũng tham dự vào nhiệm vụ ấy cách đặc biệt khi sống đời vợ chồng với tinh thần Kitô giáo, và lưu tâm đến việc giáo dục Kitô giáo cho con cái.
 
Ðiều 836: Việc phụng tự Kitô giáo, trong đó chức tư tế phổ quát của các tín hữu được thực thi, là một công cuộc phát xuất từ Ðức Tin và dựa trên Ðức Tin. Do đó, các thừa tác viên thánh phải để tâm khởi động và làm sáng tỏ Ðức Tin ấy, đặc biệt bằng tác vụ rao giảng, nhờ đó, Ðức Tin được phát sinh và nuôi dưỡng.
 
Ðiều 837: (1) Hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động của tư nhân, nhưng là những cử hành của chính Giáo Hội, "Bí Tích của sự Hiệp Nhất", nghĩa là dân thánh được đoàn tụ và điều hành bởi Giám Mục. Do đó, hoạt động phụng vụ thuộc về toàn thể thân thể của Giáo Hội, biểu lộ và thể hiện thân thể ấy. Tuy nhiên, hoạt động phụng vụ cũng liên hệ đến từng chi thể của thân thể bằng cách thế khác nhau, theo những phẩm chức, phận vụ và việc tham dự thực sự khác nhau.
 
(2) Xét theo bản tính, hoạt động phụng vụ hàm chứa việc cử hành chung. Do đó, nơi nào có thể, phải cử hành các nghi lễ phụng vụ với sự hiện diện và tham dự tích cực của các tín hữu.
 
Ðiều 838: (1) Việc điều hành phụng vụ tùy thuộc hoàn toàn vào quyền bính của Giáo Hội; trong thực tế thuộc quyền Tòa Thánh và, theo quy tắc luật định, thuộc quyền Giám Mục giáo phận.
 
(2) Tòa Thánh có quyền điều hành phụng vụ trong toàn thể Giáo Hội, ấn hành các sách phụng vụ, duyệt y các bản dịch sách phụng vụ ra tiếng địa phương, và canh chừng để mọi quy luật phụng vụ được cẩn thủ khắp nơi.
 
(3) Các Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền soạn thảo các bản dịch sách phụng vụ ra tiếng địa phương, thích nghi cách xứng hợp các bản dịch vào văn hóa địa phương theo những giới hạn đã xác định trong các sách phụng vụ, và ấn hành các bản dịch ấy sau khi được Tòa Thánh duyệt y.
 
(4) Giám Mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ, trong Giáo Hội đã được ủy thác cho Ngài và trong giới hạn thẩm quyền của Ngài.
 
Ðiều 839: (1) Giáo Hội cũng chu toàn nhiệm vụ thánh hóa bằng những phương thế khác nữa, hoặc bằng những lời cầu nguyện, nhờ đó Giáo Hội nài xin Chúa cho các tín hữu được thánh hóa trong sự thật, hay bằng những công việc thống hối và bác ái để Nước Chúa Kitô được thực sự bén rễ và củng cố thêm trong các tâm hồn và đem lại phần rỗi cho thế gian.
 
(2) Các Bản Quyền sở tại phải chăm lo để việc cầu nguyện cũng như những việc đạo đức và thánh thiện của dân Kitô giáo được hoàn toàn phù hợp với quy luật của Giáo Hội.
 
PHầN I: CÁC BÍ TÍCH
 
Ðiều 840: Các Bí Tích của Tân Ước do Chúa Giêsu thiết lập và ký thác cho Giáo Hội, xét như những hoạt động của Chúa Kitô và của Giáo Hội, là những dấu chỉ và những phương thế bộc lộ và củng cố Ðức Tin, thực hiện sự phụng tự Thiên Chúa và thánh hóa loài người. Do đó, các Bí Tích đóng góp rất đắc lực vào việc kiến tạo, củng cố và phát hiện sự hiệp thông trong Giáo Hội. Bởi vậy, các thừa tác viên thánh cũng như các tín hữu khác phải cử hành các Bí Tích với hết lòng kính cẩn và chăm chú.
 
Ðiều 841: Vì các Bí Tích có tính cách đồng nhất cho cả Giáo Hội và thuộc về kho tàng thần linh, cho nên chỉ duy quyền bính tối cao của Giáo Hội có thẩm quyền chuẩn nhận và xác định những điều thiết yếu cho việc hữu hiệu của các Bí Tích. Việc minh định những điều liên quan đến việc cử hành, việc ban và lãnh các Bí Tích cách hợp pháp, cũng như nghi thức phải giữ trong khi cử hành Bí Tích, đều phải tùy thuộc quyền bính tối cao hay quyền bính khác có thẩm quyền trong Giáo Hội, dựa theo quy tắc của điều 838, triệt 3 và triệt 4.
 
Ðiều 842: (1) Người nào chưa lãnh Bí Tích Rửa Tội thì không thể lãnh nhận cách hữu hiệu các Bí Tích khác.
 
(2) Các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Mình Thánh liên hệ chặt chẽ với nhau đến nỗi tất cả đều cần thiết cho việc khai tâm đầy đủ đời sống Kitô giáo.
 
Ðiều 843: (1) Thừa tác viên thánh không được từ chối ban Bí Tích khi có người xin lãnh nhận một cách thích đáng, đã được chuẩn bị hợp lệ và không bị giáo luật cấm nhận lãnh Bí Tích.
 
(2) Các vị chủ chăn và các tín hữu khác, mỗi người tùy theo nhiệm vụ của mình trong Giáo Hội, có bổn phận phải lo liệu để cho những người xin lãnh các Bí Tích được chuẩn bị bằng sự rao giảng Phúc Âm và huấn giáo đầy đủ, dựa theo các quy luật do nhà chức trách có thẩm quyền ban bố.
 
Ðiều 844: (1) Các thừa tác viên Công Giáo chỉ ban các Bí Tích cách hợp pháp cho những người Công Giáo. Cũng vậy, người tín hữu Công Giáo chỉ lãnh nhận các Bí Tích cách hợp pháp nơi các thừa tác viên Công Giáo, đừng kể những trường hợp nói ở các triệt 2, 3 và 4 của điều luật này và ở triệt 2 của điều 861.
 
(2) Mỗi khi nhu cầu đòi hỏi, hay thực sự một ích lợi thiêng liêng thúc đẩy, và miễn là tránh được nguy cơ sai lầm và lãnh đạm, những tín hữu Công Giáo nào không thể đến với một thừa tác viên Công Giáo, do tình trạng bất khả kham về thể lý hay luân lý, được phép lãnh nhận các Bí Tích Thống Hối, Mình Thánh và Xức Dầu Bệnh Nhân với những thừa tác viên không Công Giáo, nếu trong Giáo Hội của họ có các Bí Tích ấy hữu hiệu.
 
(3) Các thừa tác viên Công Giáo cũng ban các Bí Tích Thống Hối, Mình Thánh và Xức Dầu Bệnh Nhân một cách hợp pháp cho các phần tử thuộc các Giáo Hội Ðông Phương không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ tự ý xin và chuẩn bị sẵn sàng lãnh nhận Bí Tích. Ðiều này cũng có giá trị đối với các phần tử của các Giáo Hội khác, ở trong cùng điều kiện như các Giáo Hội Ðông Phương nói trên về phương diện các Bí Tích, dựa theo sự phán đoán của Tòa Thánh.
 
(4) Trong khi nguy tử hay, theo sự nhận định của Giám Mục giáo phận hoặc của Hội Ðồng Giám Mục, có nhu cầu quan trọng khác đòi hỏi, thì các thừa tác viên Công Giáo được phép ban các Bí Tích ấy cách hợp pháp cho những người Kitô hữu không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, khi những người này không thể đến với thừa tác viên thuộc cộng đoàn của họ và tự ý xin lãnh Bí Tích, với điều kiện là họ tuyên xưng Ðức Tin Công Giáo về các Bí Tích ấy và họ đã chuẩn bị hợp lệ.
 
(5) Về những trường hợp nói đến trong triệt 2, 3 và 4, Giám Mục giáo phận hay Hội Ðồng Giám Mục không được đưa ra những quy luật tổng quát khi chưa tham khảo ý kiến với người có thẩm quyền, ít ra là cấp địa phương, của Giáo Hội hay cộng đoàn không công giáo liên hệ.
 
Ðiều 845: (1) Các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức, vì là ấn tích, nên chỉ được lãnh một lần.
 
(2) Sau khi đã điều tra cẩn thận, nếu xét theo sự khôn ngoan mà còn hồ nghi không biết những Bí Tích nói ở triệt 1 đã được ban hành thật sự và hữu hiệu hay không, thì sẽ được ban với điều kiện.
 
Ðiều 846: (1) Khi cử hành các Bí Tích, phải tuân giữ trung thành các sách phụng vụ đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn; vì thế, không ai được tự ý thêm vào, bỏ bớt hay thay đổi điều gì.
 
(2) Thừa tác viên phải cử hành các Bí Tích theo lễ điển của mình.
 
Ðiều 847: (1) Khi ban các Bí Tích đòi phải dùng dầu thánh, thừa tác viên phải dùng dầu ô liu hay dầu ép của loại cây khác đã được Ðức Giám Mục thánh hiến hay làm phép, đừng kể trường hợp nói ở điều 999, số 2. Ngoài ra, phải dùng dầu mới, không được dùng dầu cũ, trừ trường hợp cần thiết.
 
(2) Cha Sở phải xin dầu thánh nơi Ðức Giám Mục riêng của mình, và phải giữ gìn cẩn thận và xứng đáng.
 
Ðiều 848: Khi ban các Bí Tích, thừa tác viên không được đòi thêm cái gì khác ngoài số tiền thù lao mà nhà chức trách có thẩm quyền đã ấn định; và phải cẩn thận đừng để những người nghèo không được lãnh nhận Bí Tích vì lý do túng thiếu.
 
THIÊN 1: BÍ TÍCH RỬA TỘI
 
Ðiều 849: Bí Tích Rửa Tội là cửa ngõ vào các Bí Tích. Sự lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội cách thực sự hay ít ra bằng nguyện ước là điều cần thiết cho phần rỗi. Bí Tích Rửa Tội giải thoát con người khỏi tội lỗi, tái sinh họ làm con Chúa và kết nạp họ vào Giáo Hội, biến họ nên giống Chúa Kitô bằng ấn tích không thể xóa nhòa. Bí Tích này chỉ được ban hữu hiệu bằng việc rửa bằng nước nguyên chất kèm theo việc đọc đúng mô thức.
 
Chương I: Việc Cử Hành Bí Tích Rửa Tội
 
Ðiều 850: Phải ban Bí Tích Rửa Tội theo đúng nghi thức trong các sách phụng vụ đã được phê chuẩn, trừ khi trong trường hợp nhu cầu khẩn cấp, thì chỉ cần giữ những điều đòi buộc cho Bí Tích được hữu hiệu.
 
Ðiều 851: Việc cử hành Bí Tích Rửa Tội phải được chuẩn bị thích đáng. Vì vậy:
 
1. người lớn muốn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, phải được nhận vào lớp dự tòng và, tùy mức độ có thể, được hướng dẫn khai tâm Bí Tích qua nhiều giai đoạn khác nhau; dựa theo đúng nghi thức khai tâm do Hội Ðồng Giám Mục đã thích nghi cũng như các quy luật riêng do Hội Ðồng Giám Mục ban hành.
 
2. cha mẹ của nhi đồng sắp được nhận Bí Tích Rửa Tội, cũng như những người sẽ lãnh trách nhiệm đỡ đầu, phải được giáo huấn đầy đủ về ý nghĩa của Bí Tích này và về những bổn phận gắn liền với Bí Tích. Cha Sở, tự mình hay nhờ người khác, phải chăm lo huấn luyện đầy đủ các phụ huynh bằng những bài huấn dụ mục vụ, và kể cả bằng sự cầu nguyện chung, trong lúc hội họp nhiều gia đình và bằng cách đi thăm viếng họ khi nào có thể.
 
Ðiều 852: (1) Những điều quy định trong khoản luật về Bí Tích Rửa Tội người lớn, cũng phải được áp dụng cho tất cả những ai đã quá tuổi nhi đồng và biết xử dụng trí khôn.
 
(2) Kể cả trong vấn đề liên can đến Bí Tích Rửa Tội, người thiếu xử dụng trí khôn cũng được đồng hóa với nhi đồng.
 
Ðiều 853: Trừ trường hợp khẩn thiết, nước dùng khi ban Bí Tích Rửa Tội buộc phải được làm phép theo các quy luật của sách phụng vụ.
 
Ðiều 854: Bí Tích Rửa Tội được cử hành hoặc bằng cách dìm xuống nước, hoặc bằng cách đổ nước, tùy theo các quy luật của Hội Ðồng Giám Mục đã định.
 
Ðiều 855: Cha mẹ, người đỡ đầu và Cha Sở phải lo liệu để đừng đặt một tên không hợp với ý nghĩa Kitô giáo.
 
Ðiều 856: Mặc dầu có thể cử hành Bí Tích Rửa Tội vào bất cứ ngày nào, tuy nhiên, thường nên cử hành vào ngày Chủ Nhật, hay nếu có thể, vào đêm vọng Phục Sinh.
 
Ðiều 857: (1) Ngoài trường hợp cần thiết, nơi thích hợp để Rửa Tội là nhà thờ hay nhà nguyện.
 
(2) Theo luật, người lớn phải chịu phép Rửa Tội tại nhà thờ riêng của giáo xứ, nhi đồng tại nhà thờ xứ của cha mẹ, trừ khi có lý do chính đáng khuyên nhủ cách khác.
 
Ðiều 858: (1) Mỗi nhà thờ giáo xứ phải có giếng rửa tội, tuy vẫn duy trì quyền lợi hỗn nhập mà các nhà thờ khác đã thủ đắc.
 
(2) Ðể tiện lợi cho giáo dân, Bản Quyền sở tại, sau khi hội ý với Cha Sở, có thể cho phép hay ra lệnh đặt giếng rửa tội trong nhà thờ hay trong nhà nguyện khác nằm trong ranh giới của giáo xứ.
 
Ðiều 859: Nếu người chịu rửa tội, vì ở xa hay vì hoàn cảnh khác, gặp bất tiện lớn nếu đi đến hay được chở đến nhà thờ xứ hoặc nhà thờ hay nhà nguyện khác nói trong điều 858, triệt 2, thì có thể hay phải cử hành Bí Tích Rửa Tội trong một nhà thờ hay một nhà nguyện khác gần hơn, hay tại một nơi khác xứng đáng.
 
Ðiều 860: (1) Ngoài trường hợp cần thiết, không được cử hành Bí Tích Rửa Tội trong các nhà tư, trừ khi được Bản Quyền sở tại cho phép vì một lý do quan trọng.
 
(2) Nếu Giám Mục giáo phận không định thể khác, thì không được cử hành Bí Tích Rửa Tội trong nhà thương, trừ trường hợp cần thiết hay có lý do mục vụ khác đòi buộc.
 
Chương II: Thừa Tác Viên Bí Tích Rửa Tội
 
Ðiều 861: (1) Thừa tác viên thông thường của Bí Tích Rửa Tội là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, miễn là giữ quy định của điều 530, số 1.
 
(2) Khi thừa tác viên thông thường vắng mặt hay bị cản trở, một giáo lý viên được Bản Quyền trao cho nhiệm vụ Rửa Tội sẽ cử hành Bí Tích Rửa Tội cách hợp pháp. Trong trường hợp cần thiết thì bất cứ người nào, với một chủ ý nghiêm chỉnh, cũng có thể cử hành. Các chủ chăn, đặc biệt Cha Sở, phải lo dạy các tín hữu biết cách rửa tội cho đúng.
 
Ðiều 862: Ngoại trừ trường hợp cần thiết, không ai được cử hành Bí Tích Rửa Tội trên lãnh thổ của người khác, dù rằng cho một người thuộc quyền của mình, nếu không có phép hợp lệ.
 
Ðiều 863: Việc Rửa Tội cho người lớn - ít ra đã chẵn mười bốn tuổi - nên được trình lên Giám Mục giáo phận để chính Ngài đích thân cử hành nếu xét thấy thuận lợi.
 
Chương III: Những Người Lãnh Bí Tích Rửa Tội
 
Ðiều 864: Tất cả và chỉ những người chưa được rửa tội mới có khả năng lãnh Bí Tích Rửa Tội.
 
Ðiều 865: (1) Ðể có thể được rửa tội, người lớn phải tỏ ý muốn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, phải được giáo dục đầy đủ về các chân lý Ðức Tin và các nghĩa vụ Kitô giáo, được thử luyện vào đời sống Kitô giáo qua thời gian dự tòng; ngoài ra, phải khuyên nhủ họ thống hối về tội lỗi của mình.
 
(2) Trong trường hợp nguy tử, người lớn có thể được rửa tội khi đã biết phần nào về các chân lý chính yếu của Ðức Tin, đã bày tỏ cách nào đó ý muốn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và hứa sẽ tuân giữ các điều răn của đạo công giáo.
 
Ðiều 866: Nếu không có lý do quan trọng cản trở, người lớn, liền ngay sau khi đã được rửa tội, cần được lãnh Bí Tích Thêm Sức, tham dự lễ Thánh Thể và rước lễ ngay đó.
 
Ðiều 867: (1) Cha mẹ có bổn phận lo cho con mình được rửa tội ngay trong những tuần lễ đầu tiên. Vào dịp sớm nhất sau ngày sinh, hay kể cả trước ngày sinh, cha mẹ hãy đến gặp Cha Sở để xin rửa tội cho con và xin được chuẩn bị kỹ lưỡng về Bí Tích.
 
(2) Nếu hài nhi gặp cơn nguy tử, phải rửa tội cho nó ngay, không chút trì hoãn.
 
Ðiều 868: (1) Ðể một nhi đồng được rửa tội cách hợp pháp, cần thiết phải:
 
1. có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha mẹ theo luật;
 
2. có hy vọng vững chắc rằng em bé sẽ được giáo dục trong đạo công giáo. Nếu hoàn toàn không có hy vọng, thì phải hoãn việc rửa tội dựa theo các quy định của luật địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do.
 
(2) Trong cơn nguy tử, một nhi đồng con của cha mẹ công giáo, và thậm chí không công giáo, có thể được rửa tội cách hợp pháp, cho dù trái ý cha mẹ.
 
Ðiều 869: (1) Nếu hồ nghi không biết một người đã được rửa tội hay chưa, hoặc Bí Tích Rửa Tội đã ban có hữu hiệu hay không, và sự hồ nghi vẫn còn dù sau khi đã điều tra cặn kẽ, thì được ban Bí Tích Rửa Tội với điều kiện.
 
(2) Những người đã được rửa tội trong một giáo đoàn không Công Giáo, thì không cần rửa tội lại với điều kiện, trừ khi có lý do quan trọng hồ nghi về sự hữu hiệu của Bí Tích sau khi đã điều tra chất liệu và công thức dùng trong lúc ban Bí Tích Rửa Tội, cũng như đã lưu ý đến chủ ý của người trưởng thành được rửa tội và của thừa tác viên cử hành Bí Tích.
 
(3) Trong những trường hợp ở triệt 1 và 2 trên đây, nếu có hoài nghi về việc đã ban hoặc về sự hữu hiệu của Bí Tích Rửa Tội, thì chỉ cử hành lại cho người lớn khi đã trình bày giáo lý Bí Tích, và cho đương sự hay cha mẹ, nếu là nhi đồng, biết những lý do hoài nghi về việc hữu hiệu của Bí Tích Rửa Tội đã cử hành trước đây.
 
Ðiều 870: Ðứa trẻ bị bỏ rơi hay vô thừa nhận phải được rửa tội, trừ khi đã điều tra cẩn thận và biết chắc em đã được rửa tội rồi.
 
Ðiều 871: Bào thai bị sảy, nếu còn sống, thì phải được rửa tội, tùy theo mức độ có thể được.
 
Chương IV: Người Ðỡ Ðầu
 
Ðiều 872: Trong mức độ có thể được, phải liệu cho người sắp chịu Bí Tích Rửa Tội có một người đỡ đầu. Nhiệm vụ của người đỡ đầu là tham dự vào việc khai tâm Kitô giáo của người lớn sắp rửa tội; còn đối với nhi đồng sắp rửa tội, người đỡ đầu phải cùng với cha mẹ đem em nhỏ đến chịu rửa tội, rồi cộng tác với cha mẹ giúp em bé đã được rửa tội sống đời sống Kitô giáo cách xứng đáng và tận tụy chu toàn những bổn phận gắn liền với Bí Tích Rửa Tội.
 
Ðiều 873: Có thể chỉ nhận một cha đỡ đầu hoặc một mẹ đỡ đầu, hay cả cha và mẹ đỡ đầu.
 
Ðiều 874: (1) Ðể được nhận giữ vai trò đỡ đầu, cần:
 
1. phải được chọn lựa bởi chính người sắp được rửa tội, hay cha mẹ của đương sự hoặc người thế quyền cha mẹ; nếu không có cha mẹ và người thế quyền thì Cha Sở hay thừa tác viên rửa tội sẽ chọn lựa. Người được chọn phải có khả năng và chủ ý thi hành nhiệm vụ đỡ đầu;
 
2. đã được mười sáu tuổi trọn, trừ khi Giám Mục giáo phận ấn định tuổi khác, hoặc Cha Sở hay thừa tác viên thấy có thể nhận một ngoại lệ vì lý do chính đáng;
 
3. phải là người công giáo, đã chịu Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Mình Thánh, lại có đời sống xứng hợp với Ðức Tin và chức vụ sắp lãnh nhận;
 
4. không mắc một hình phạt giáo luật đã được tuyên kết và tuyên bố hợp lệ;
 
5. không phải là cha hay mẹ của người được rửa tội.
 
(2) Người nào đã được rửa tội nhưng thuộc về một giáo đoàn không Công Giáo, thì chỉ được nhận cùng với một người đỡ đầu Công Giáo, và với tư cách chứng nhân của Bí Tích Rửa Tội mà thôi.
 
Chương V: Bằng Chứng Và Ghi Chú Về Việc Ban Bí Tích
 
Ðiều 875: Người ban Bí Tích Rửa Tội phải liệu để, nếu không có người đỡ đầu, ít ra có một chứng nhân hầu có thể xác nhận việc ban hành Bí Tích Rửa Tội.
 
Ðiều 876: Nếu không gây thiệt hại cho ai hết, thì lời xác quyết của một chứng nhân đáng tin cậy hay lời thề của chính đương sự nếu họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội vào tuổi trưởng thành, cũng đủ để chứng minh việc Bí Tích đã được ban.
 
Ðiều 877: (1) Cha Sở nơi cử hành Bí Tích Rửa Tội phải cẩn thận ghi ngay vào sổ Rửa Tội: tên của người lãnh Bí Tích Rửa Tội, của thừa tác viên, của cha mẹ, của người đỡ đầu và nếu có, của cả người làm chứng; nơi và ngày rửa tội, ngày và nơi sinh.
 
(2) Nếu là đứa con của người mẹ không có chồng, thì sẽ ghi tên người mẹ vào sổ, khi có thể minh định công khai được mẫu hệ hay khi chính người mẹ tự ý xin ghi tên mình vào qua một đơn viết hay trước mặt hai người chứng. Tên của người cha cũng ghi vào sổ nếu phụ hệ được chứng minh do một văn kiện công chứng nào đó, hoặc chính đương sự tuyên bố trước mặt Cha Sở và hai người chứng. Trong những trường hợp khác, sẽ chỉ ghi tên trẻ được rửa tội mà không cần nhắc đến tên của người cha hay của cha mẹ.
 
(3) Nếu là đứa con nuôi, thì phải ghi tên cha mẹ nuôi và cả cha mẹ ruột theo quy tắc của các triệt 1 và 2, ít là khi đã ghi như vậy trong chứng thư dân sự tại địa phương; tuy nhiên phải lưu ý đến các chỉ thị của Hội Ðồng Giám Mục.
 
Ðiều 878: Nếu không phải Cha Sở hay người đại diện Cha Sở ban Bí Tích Rửa Tội, thì thừa tác viên Bí Tích Rửa Tội, bất cứ là ai, phải báo cho Cha Sở tại nơi cử hành Bí Tích Rửa Tội biết, để ngài ghi vào sổ Rửa Tội theo điều 877, triệt 1.
 
THIÊN 2: BÍ TÍCH THÊM SỨC
 
Ðiều 879: Nhờ Bí Tích Thêm Sức ghi ấn tích thiêng liêng, các tín hữu đang tiếp tục con đường khai tâm Kitô giáo được trau giồi bởi hồng ân Chúa Thánh Thần và gắn bó hoàn hảo hơn với Giáo Hội. Bí Tích Thêm Sức giúp họ thêm kiên cường, đòi buộc họ cách mãnh liệt hơn phải trở nên nhân chứng của Ðức Kitô, bênh vực và loan truyền Ðức Tin bằng lời nói và việc làm.
 
Chương I: Việc Cử Hành Bí Tích Thêm Sức
 
Ðiều 880: (1) Bí Tích Thêm Sức được ban qua việc xức dầu thánh trên trán, đồng lúc với sự đặt tay và đọc những lời đã quy định trong các sách phụng vụ được chuẩn nhận.
 
(2) Dầu dùng trong Bí Tích Thêm Sức phải được thánh hiến bởi Giám Mục, cả khi Bí Tích được một Linh Mục ban.
 
Ðiều 881: Bí Tích Thêm Sức nên được cử hành trong nhà thờ và ngay trong thánh lễ. Tuy nhiên, nếu có lý do chính đáng và hợp lý, có thể cử hành ngoài thánh lễ và ở một nơi xứng đáng.
 
Chương II: Thừa Tác Viên Bí Tích Thêm Sức
 
Ðiều 882: Thừa tác viên thông thường của Bí Tích Thêm Sức là Ðức Giám Mục. Linh Mục cũng ban hành Bí Tích này cách hữu hiệu khi có năng quyền do luật phổ quát cấp hay do ủy nhượng riêng của nhà chức trách có thẩm quyền.
 
Ðiều 883: Theo luật, những người sau đây được hưởng năng quyền ban hành Bí Tích Thêm Sức:
 
1. trong phạm vi quyền tài phán của mình, những người mà luật đồng hóa với Giám Mục giáo phận;
 
2. đối với chính đương sự, Linh Mục nào, do chức vụ hay ủy nhiệm của Giám Mục giáo phận, rửa tội cho một người đã quá tuổi nhi đồng hoặc đón nhận một người đã chịu rửa tội vào hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo;
 
3. đối với người nguy tử, Cha Sở, và thậm chí bất cứ Linh Mục nào.
 
Ðiều 884: (1) Giám Mục giáo phận phải đích thân ban Bí Tích Thêm Sức hay liệu xin một Giám Mục khác ban. Khi nhu cầu đòi hỏi, Ngài có thể cấp năng quyền cho một hay nhiều Linh Mục nhất định để ban Bí Tích Thêm Sức.
 
(2) Vì lý do trầm trọng, Giám Mục và cả Linh Mục được cấp năng quyền ban phép Thêm Sức do luật chung hay do sự ủy nhượng riêng của nhà chức trách có thẩm quyền, có thể kết nạp các Linh Mục để cùng ban Bí Tích với mình trong từng trường hợp.
 
Ðiều 885: (1) Giám Mục giáo phận có bổn phận ban Bí Tích Thêm Sức cho những người thuộc quyền khi họ xin cách hợp lệ và hợp lý.
 
(2) Linh Mục có năng quyền ban Bí Tích Thêm Sức, phải xử dụng năng quyền ấy đối với những người mà năng quyền đã được ủy nhượng nhằm ích lợi cho họ.
 
Ðiều 886: (1) Giám Mục ban Bí Tích Thêm Sức cách hợp pháp trong giáo phận của mình, kể cả đối với các tín hữu không thuộc quyền, trừ khi Bản Quyền riêng của họ minh thị ngăn cấm.
 
(2) Ðể ban Bí Tích Thêm Sức cách hợp pháp trong giáo phận khác, nếu không phải là cho người thụ quyền của mình, Giám Mục phải có phép, ít là suy đoán hợp lý, của Giám Mục giáo phận ấy.
 
Ðiều 887: Trong khu vực lãnh thổ đã được chỉ định, Linh Mục hưởng năng quyền ban Bí Tích Thêm Sức, cũng ban hành hợp pháp Bí Tích này cho những người lạ mặt, trừ khi Bản Quyền của họ ngăn cấm rõ rệt. Tuy nhiên, Linh Mục ấy không thể ban hành Bí Tích Thêm Sức cách hữu hiệu cho bất cứ ai ở trên lãnh thổ của người khác, ngoại trừ quy định của điều 883, số 3.
 
Ðiều 888: Trong khu vực lãnh thổ mà mình có năng quyền, các thừa tác viên, có thể ban Bí Tích Thêm Sức ngay trong các nơi miễn trừ.
 
Chương III: Những Người Lãnh Bí Tích Thêm Sức
 
Ðiều 889: (1) Tất cả và chỉ những người đã lãnh Bí Tích Rửa Tội và chưa lãnh Bí Tích Thêm Sức mới có khả năng lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức.
 
(2) Ngoài trường hợp nguy tử, muốn lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức cách hợp pháp, nếu đương sự biết xử dụng trí khôn, thì phải học hỏi đầy đủ, chuẩn bị xứng đáng và có khả năng lặp lại những lời hứa khi chịu Bí Tích Rửa Tội.
 
Ðiều 890: Các tín hữu có bổn phận phải lãnh nhận Bí Tích này vào thời gian thích hợp. Do đó, cha mẹ, các Chủ Chăn, nhất là các Cha Sở, phải lo liệu để các tín hữu được dạy dỗ kỹ lưỡng để lãnh nhận Bí Tích, và được lãnh nhận vào thời gian thích hợp.
 
Ðiều 891: Bí Tích Thêm Sức được ban cho tín hữu vào tuổi biết phán đoán, trừ khi Hội Ðồng Giám Mục hạn định một tuổi khác, hoặc gặp trường hợp nguy tử, hay, theo sự nhận định của thừa tác viên, một lý do quan trọng đòi hỏi thể khác.
 
Chương IV: Người Ðỡ Ðầu
 
Ðiều 892: Trong tầm mức có thể, người lãnh Bí Tích Thêm Sức cần có một người đỡ đầu. Bổn phận của người này là lo giúp người chịu Bí Tích Thêm Sức sống như nhân chứng đích thực của Chúa Kitô và trung kiên chu toàn những bổn phận gắn liền với Bí Tích Thêm Sức.
 
Ðiều 893: (1) Ðể có thể nhận làm người đỡ đầu, cần hội đủ những điều kiện đã nói đến ở điều 874.
 
(2) Nên chọn chính người đỡ đầu lúc rửa tội để làm người đỡ đầu Thêm Sức.
 
Chương V: Bằng Chứng Và Ghi Chú Về Việc Ban Bí Tích
 
Ðiều 894: Ðể chứng minh rằng Bí Tích Thêm Sức đã được ban, phải tuân giữ các quy định của điều 876.
 
Ðiều 895: Phải ghi tên của những người lãnh Bí Tích Thêm Sức, của thừa tác viên, cha mẹ và người đỡ đầu, nơi và ngày ban Bí Tính Thêm Sức, vào sổ Thêm Sức của phủ giáo phận hay vào sổ giữ tại văn khố giáo xứ nếu Hội Ðồng Giám Mục hoặc Giám Mục giáo phận truyền như vậy. Cha Sở phải báo việc lãnh Bí Tích Thêm Sức cho Cha Sở nơi đương sự đã được rửa tội, để ngài ghi chú vào sổ Rửa Tội theo quy tắc của điều 535, triệt 2.
 
Ðiều 896: Nếu Cha Sở địa phương đã không có mặt, thì thừa tác viên phải tự mình hay nhờ người khác báo cho Cha Sở biết càng sớm càng hay về việc ban Bí Tích Thêm Sức.
 
THIÊN 3: BÍ TÍCH THÁNH THỂ
 
Ðiều 897: Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích cao trọng nhất, trong đó, chính Chúa Giêsu Kitô hiện diện, tự hiến và trở nên lương thực; nhờ đó, Giáo Hội tiếp tục được sống và tăng trưởng. Hy lễ Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa, tiếp diễn mãi mãi Hy Lễ Thánh Giá, là tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả phụng tự và đời sống Kitô giáo. Nhờ Hy Lễ Thánh Thể, sự hiệp nhất của dân Chúa được biểu lộ và thể hiện, việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô được hoàn tất. Bởi đấy, các Bí Tích khác và mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội đều quy hướng về và liên kết chặt chẽ với Bí Tích Thánh Thể.
 
Ðiều 898: Các tín hữu phải hết sức tỏ lòng tôn kính Bí Tích Thánh Thể: tham dự tích cực vào việc cử hành Hy Lễ cực trọng này; siêng năng và sốt sắng nhận lãnh Bí Tích, lại hết lòng thờ phượng kính bái Thánh Thể. Trong khi giải thích đạo lý về Bí Tích Thánh Thể, các chủ chăn phải ân cần dạy cho các tín hữu về nghĩa vụ sùng kính này.
 
Chương I: Việc Cử Hành Thánh Thể
 
Ðiều 899: (1) Việc cử hành Thánh Thể là một tác động của chính Chúa Kitô và của Giáo Hội. Trong việc cử hành này, Chúa Giêsu Kitô, qua tác vụ của tư tế, hiện diện trót bản tính dưới hình thức bánh và rượu, dâng chính mình cho Ðức Chúa Cha, trao mình làm lương thực thiêng liêng cho các tín hữu kết hợp với lễ tế của Ngài.
 
(2) Trong cộng đoàn Thánh Thể, dưới sự chủ tọa của Giám Mục hay của một Linh Mục dưới quyền của Ngài, những kẻ làm hiện thân Chúa Kitô, dân Chúa được quy tụ làm một; tất cả các tín hữu hiện diện, dù là giáo sĩ hay giáo dân, đều góp phần tham dự tích cực, mỗi người theo cách thế riêng của mình, tùy theo sự khác biệt về chức thánh và phận sự phụng vụ.
 
(3) Việc cử hành Thánh Thể phải nhắm tới mục tiêu là làm sao để moị người tham dự đều lãnh nhận dồi dào những kết quả như Chúa Kitô mong muốn khi thiết lập Hy Lễ Thánh Thể.
 
Mục I: Thừa Tác Viên Bí Tích Thánh Thể
 
Ðiều 900: (1) Chỉ duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu làm thừa tác viên hiện thân của Ðức Kitô, mới có khả năng cử hành Bí Tích Thánh Thể.
 
(2) Thánh Thể được cử hành hợp pháp do tư tế không bị cản trở giáo luật và giữ các quy định của những điều luật sau đây.
 
Ðiều 901: Tư tế được tự do chỉ lễ cho bất cứ người nào, còn sống hay đã qua đời.
 
Ðiều 902: Trừ khi ích lợi của tín hữu đòi hỏi hay khuyến khích cách khác, các tư tế có thể đồng tế Thánh Lễ. Tuy nhiên, mỗi người hoàn toàn tự do cử hành lễ Thánh Thể một mình, miễn là không cùng một lúc với lễ đồng tế trong cùng một nhà thờ hay nhà nguyện.
 
Ðiều 903: Một tư tế có thể được vị quản đốc nhà thờ nhận cho làm lễ tuy không phải là người quen biết, miễn là tư tế xuất trình chứng thư do Bản Quyền hay Bề Trên cấp chưa quá một năm, hoặc có thể nhận định cách khôn ngoan rằng không có gì ngăn trở tư tế ấy được dâng lễ.
 
Ðiều 904: Các tư tế nên luôn tâm niệm rằng công việc cứu chuộc hằng được tiếp tục thi hành trong mầu nhiệm Hy Lễ Thánh Thể; do đó, họ nên siêng năng dâng lễ. Hơn nữa, rất đáng mong ước các tư tế dâng lễ mỗi ngày, cả khi giáo dân không thể hiện diện, bởi lẽ Thánh Lễ là tác động của Ðức Kitô và của Giáo Hội; chính khi cử hành Thánh Lễ mà các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình.
 
Ðiều 905: (1) Ngoại trừ những trường hợp giáo luật cho phép cử hành hay đồng tế Thánh Lễ nhiều lần trong một ngày, tư tế chỉ được quyền dâng lễ mỗi ngày một lần.
 
(2) Nếu thiếu tư tế, Bản Quyền sở tại có thể cho phép các tư tế, khi có lý do chính đáng, được làm hai lễ mỗi ngày; hơn nữa, khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi, làm ba lễ các ngày Chủ Nhật và lễ buộc.
 
Ðiều 906: Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành lễ Thánh Thể nếu không có ít là một vài giáo dân tham dự.
 
Ðiều 907: Trong khi cử hành Thánh Lễ, Phó Tế và giáo dân không được phép đọc các lời nguyện, nhất là Kinh Nguyện Thánh Thể, hay làm những công việc chỉ dành riêng cho tư tế chủ lễ.
 
Ðiều 908: Cấm các tư tế Công Giáo đồng tế Thánh Lễ với các tư tế hay thừa tác viên của các giáo hội và các giáo đoàn không thông hiệp hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo.
 
Ðiều 909: Linh Mục không nên bỏ qua việc dọn mình xứng đáng trước khi dâng lễ, và cám ơn sau Thánh Lễ.
 
Ðiều 910: (1) Thừa tác viên thông thường cho rước lễ là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế.
 
(2) Thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ là người lãnh tác vụ giúp lễ và tín hữu nào khác được chỉ định theo điều 230, triệt 3.
 
Ðiều 911: (1) Những người có bổn phận và quyền đem Mình Thánh như của ăn đàng đến cho người đau ốm là: Cha Sở, các cha phó xứ, các tuyên úy, các Bề Trên cộng đoàn của các dòng tu giáo sĩ hay tu đoàn tông đồ giáo sĩ đối với mọi người ở trong nhà.
 
(2) Trong trường hợp khẩn thiết, hoặc khi có phép, ít ra suy đoán, của Cha Sở, Cha tuyên úy hay Bề Trên tu viện, bất cứ Linh Mục hay thừa tác viên cho rước lễ nào cũng đều phải đem Mình Thánh như của ăn đàng cho bệnh nhân; nhưng sau đó, phải thông báo các người hữu trách nói trên.
 
Mục 2: Việc Tham Dự Thánh Thể
 
Ðiều 912: Bất cứ ai đã chịu phép Rửa Tội và không bị luật cấm, đều có thể và phải được nhận cho rước lễ.
 
Ðiều 913: (1) Ðể được rước lễ, các trẻ em phải có ý thức đầy đủ và được chuẩn bị chu đáo ngõ hầu các em nhận biết mầu nhiệm Chúa Kitô tùy theo khả năng của mình, và có thể lãnh lấy Mình Chúa với lòng tin và sùng kính.
 
(2) Tuy nhiên, có thể cho trẻ em lâm cơn nguy tử rước lễ, nếu các em có thể phân biệt Mình Chúa Kitô khác với của ăn thông thường, và kính cẩn rước lễ.
 
Ðiều 914: Trước tiên là cha mẹ, rồi đến những người thay quyền cha mẹ và kể cả Cha Sở, có bổn phận lo cho các trẻ em đã đủ trí khôn dọn mình thích đáng để có thể, sau khi đã xưng tội, các em được bổ dưỡng nhờ của ăn thần linh này càng sớm càng tốt. Cha Sở cũng có bổn phận canh chừng không cho các trẻ em rước lễ khi chúng chưa đủ trí khôn hoặc chưa chuẩn bị đủ.
 
Ðiều 915: Không được nhận rước lễ: những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố; những người khác cố chấp trong một tội nặng công khai.
 
Ðiều 916: Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể.
 
Ðiều 917: Ngoại trừ quy định ở điều 921, triệt 2, ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong Thánh Lễ mà họ tham dự.
 
Ðiều 918: Hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ trong chính Thánh Lễ. Tuy nhiên, nếu có người xin với lý do chính đáng, thì có thể cho rước lễ ngoài Thánh Lễ, miễn là giữ các nghi thức phụng vụ.
 
Ðiều 919: (1) Ai muốn rước lễ phải kiêng ăn và uống, chỉ trừ nước lã và thuốc men, ít là một giờ trước khi rước lễ.
 
(2) Tư tế nào dâng lễ hai hay ba lần trong một ngày có thể ăn uống chút đỉnh trước lễ thứ hai hoặc lễ thứ ba, cho dù quãng cách thời gian không đủ một giờ.
 
(3) Những người cao niên, những người đau yếu và cả những người săn sóc họ, có thể rước lễ, cho dù đã ăn uống chút đỉnh trong vòng một tiếng đồng hồ trước đó.
 
Ðiều 920: (1) Mọi tín hữu, sau khi rước lễ vỡ lòng, buộc phải rước lễ ít nhất mỗi năm một lần.
 
(2) Mệnh lệnh ấy phải được chu toàn vào mùa Phục Sinh, trừ khi có lý do chính đáng, có thể chu toàn vào mùa khác trong năm.
 
Ðiều 921: (1) Các Kitô hữu lâm cơn nguy tử, dù vì bất cứ lý do nào, cần được bổ dưỡng bằng việc rước lễ như của ăn đàng.
 
(2) Cho dù ngày ấy họ đã rước lễ rồi, cũng rất nên cho họ rước lễ lần nữa nếu mạng sống của họ bị lâm nguy.
 
(3) Bao lâu cơn nguy tử kéo dài, nên cho họ rước lễ nhiều lần, vào những ngày khác nhau.
 
Ðiều 922: Không được khoan giãn việc đem của ăn đàng cho bệnh nhân. Các Chủ Chăn phải cẩn thận canh chừng để các bệnh nhân được bổ dưỡng khi còn tỉnh trí.
 
Ðiều 923: Các tín hữu có thể tham dự hy lễ Thánh Thể và rước lễ theo bất cứ lễ điển Công Giáo nào,
miễn là giữ quy định của điều 844.
 
Mục 3: Nghi Lễ Và Nghi Thức Khi Cử Hành Thánh Thể
 
Ðiều 924: (1) Hy Lễ Thánh Thể phải được cử hành bằng bánh và rượu có pha chút nước.
 
(2) Bánh phải làm bằng bột mì tinh tuyền và còn mới để tránh nguy cơ hư mốc.
 
(3) Rượu phải là tự nhiên từ trái nho, và không bị hư chua.
 
Ðiều 925: Mình Thánh sẽ được trao chỉ dưới hình thức bánh, hay dưới cả hai hình thức, tùy theo quy luật phụng vụ; trong trường hợp cần thiết, cũng có thể chỉ dưới hình thức rượu.
 
Ðiều 926: Theo truyền thống lâu đời của Giáo Hội Latinh, khi cử hành Thánh Thể bất cứ ở đâu, tư tế phải dùng bánh không men.
 
Ðiều 927: Cho dù nhu cầu khẩn thiết tột độ, tuyệt đối cấm chỉ truyền phép một chất thể này mà không có chất thể kia, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài Thánh Lễ.
 
Ðiều 928: Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Latinh hay bằng tiếng nào khác, miễn là các bản văn phụng vụ đã được phê chuẩn hợp lệ.
 
Ðiều 929: Tư Tế và Phó Tế khi cử hành Thánh Thể và khi giúp lễ phải mặc y phục thánh như chữ đỏ quy định.
 
Ðiều 930: (1) Tư Tế đau yếu và già cả, nếu không thể đứng được, có thể ngồi khi cử hành Thánh Lễ, nhưng luôn phải giữ các luật phụng vụ; tuy nhiên không được ngồi làm lễ trước mặt dân chúng nếu không có phép của Bản Quyền sở tại.
 
(2) Linh Mục mù lòa hay bị tật bệnh nào khác, vẫn có thể cử hành Thánh Thể hợp pháp, khi dùng bất cứ bản văn Thánh Lễ nào đã được phê chuẩn, với sự hiện diện, nếu cần, của một Tư Tế khác hay một Phó Tế hoặc một giáo dân đã được huấn luyện thích đáng để giúp.
 
Mục 4: Thời Gian Và Nơi Cử Hành Thánh Thể
 
Ðiều 931: Có thể cử hành Thánh Thể và trao Mình Thánh ngày nào và giờ nào cũng được; ngoại trừ những trường hợp luật phụng vụ không cho phép.
 
Ðiều 932: (1) Thánh Thể phải được cử hành ở nơi thánh, trừ khi, trong trường hợp riêng, nhu cầu đòi hỏi cách khác; dù vậy, trong trường hợp ấy, phải cử hành Thánh Thể ở một nơi xứng đáng.
 
(2) Hy Lễ Thánh Thể phải được cử hành trên một bàn thờ đã cung hiến hay đã làm phép; ở ngoài nơi thánh, có thể cử hành trên một bàn xứng đáng, nhưng phải luôn có khăn phủ bàn và khăn thánh.
 
Ðiều 933: Khi có lý do chính đáng và có phép minh thị của Bản Quyền sở tại, tư tế được phép cử hành Thánh Thể trong đền thờ của một Giáo Hội nào khác hay của một giáo đoàn không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo; nhưng phải đề phòng mọi gương xấu.
 
Chương II: Việc Lưu Trữ Và Tôn Sùng Thánh Thể
 
Ðiều 934: (1) Thánh Thể:
 
1. phải được lưu trữ trong nhà thờ chính tòa hoặc nhà thờ tương tự, trong nhà thờ giáo xứ, trong nhà thờ hay nhà nguyện của một tu viện hoặc của tu đoàn tông đồ;
 
2. có thể được lưu trữ trong phòng nguyện của Giám Mục, và nếu có phép của Bản Quyền sở tại, trong các nhà thờ, nhà nguyện và phòng nguyện khác.
 
(2) Tại những nơi lưu trữ Thánh Thể, luôn luôn phải có người chăm nom và, trong mức độ có thể, một tư tế phải cử hành Thánh Lễ ít nhất mỗi tháng hai lần.
 
Ðiều 935: Không ai được phép giữ Thánh Thể trong mình, hoặc đem đi đường với mình; trừ khi nhu cầu mục vụ khẩn trương đòi hỏi, và phải giữ các chỉ thị của Giám Mục giáo phận.
 
Ðiều 936: Trong nhà của một Dòng Tu hay trong một nhà đạo đức nào khác, chỉ được lưu trữ Thánh Thể trong nhà thờ hay nhà nguyện chính gắn liền với nhà ấy; tuy nhiên, khi có lý do chính đáng, Bản Quyền có thể cho phép lưu trữ Thánh Thể cả ở trong nhà nguyện khác của cùng một nhà.
 
Ðiều 937: Nếu không có một lý do quan trọng ngăn trở, nhà thờ lưu trữ Thánh Thể phải mở cửa mỗi ngày ít ra một vài giờ, để giáo dân có thể cầu nguyện trước Mình Thánh.
 
Ðiều 938: (1) Thánh Thể thường chỉ được lưu trữ trong một nhà tạm của nhà thờ hay nhà nguyện.
 
(2) Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể được đặt vào một vị trí cao trọng và dễ nhìn thấy trong nhà thờ hay nhà nguyện; lại phải được trang hoàng đẹp đẽ và thuận tiện cho việc cầu nguyện.
 
(3) Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thường xuyên phải bất di dịch, làm bằng chất liệu vững chắc, không nhìn qua được, và phải khóa cẩn thận để tránh tối đa nguy cơ xúc phạm.
 
(4) Vì lý do quan trọng, được phép lưu trữ Thánh Thể, nhất là ban đêm, trong một nơi khác xứng đáng và an toàn hơn.
 
(5) Người coi sóc nhà thờ hay nhà nguyện phải liệu giữ chìa khóa nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thật chu đáo.
 
Ðiều 939: Phải giữ trong bình thánh đủ số Bánh Thánh cần thiết cho tín hữu; phải năng thay bánh mới, khi đã tiêu thụ hợp lệ hết bánh cũ.
 
Ðiều 940: Trước nhà tạm lưu trữ Thánh Thể, phải luôn luôn thắp một chiếc đèn đặc biệt, để ghi dấu và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô.
 
Ðiều 941: (1) Trong các nhà thờ hay nhà nguyện được phép lưu trữ Thánh Thể, có thể đặt Bình Thánh hay Hào Quang ra ngoài để Chầu Mình Thánh; miễn là phải tuân giữ các quy luật phụng vụ.
 
(2) Ðang khi cử hành Thánh Lễ, không được phép đặt Mình Thánh ra chầu trong cùng một gian chính của nhà thờ hay nhà nguyện.
 
Ðiều 942: Trong các nhà thờ và nhà nguyện, khuyên nên tổ chức hàng năm một buổi chầu Mình Thánh trọng thể suốt một thời gian xứng hợp, cho dù không liên tục, ngõ hầu cộng đoàn địa phương suy niệm và thờ lạy mầu nhiệm Thánh Thể cách sâu xa hơn. Tuy nhiên, buổi chầu Mình Thánh như vậy chỉ nên tổ chức khi biết trước có đông giáo dân đến tham dự, và phải giữ trọn các quy luật đã ban hành.
 
Ðiều 943: Thừa tác viên đặt Mình Thánh ra chầu và ban phép lành Thánh Thể là tư tế hay phó tế. Trong những hoàn cảnh riêng, người đã lãnh tác vụ giúp lễ, thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ hay một người nào khác được Bản Quyền chỉ định cũng được phép đặt và cất Mình Thánh, nhưng không được ban phép lành; song phải tuân giữ các chỉ thị của Giám Mục giáo phận.
 
Ðiều 944: (1) Ở đâu Giám Mục giáo phận xét có thể được, nên tổ chức kiệu Mình Thánh qua các công lộ để tuyên chứng công khai lòng tôn kính Thánh Thể, đặc biệt trong ngày lễ kính trọng thể Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.
 
(2) Giám Mục giáo phận có thẩm quyền ra những chỉ thị về việc kiệu Thánh Thể, hầu bảo đảm việc tham dự và tính cách trang nghiêm của cuộc rước.
 
Chương III: Bổng Lễ
 
Ðiều 945: (1) Theo tập tục đã được Giáo Hội công nhận, một tư tế cử hành hay đồng tế Thánh Lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt.
 
(2) Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo, cả khi không có bổng lễ.
 
Ðiều 946: Khi dâng bổng lễ để Thánh Lễ được áp dụng theo ý chỉ của mình, các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Giáo Hội; bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Giáo Hội.
 
Ðiều 947: Trong vấn đề bổng lễ, phải xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán hay thương mại.
 
Ðiều 948: Phải áp dụng từng Thánh Lễ cho mỗi ý chỉ vì đó mà bổng lễ đã được dâng và nhận, cho dù bổng lễ đã nhận là bé nhỏ.
 
Ðiều 949: Ai có nghĩa vụ phải dâng lễ và áp dụng Thánh Lễ theo ý chỉ của người dâng bổng lễ vẫn còn trách nhiệm ấy cả khi bổng lễ bị mất không tại lỗi của mình.
 
Ðiều 950: Nếu người ta dâng một món tiền xin lễ mà không nói rõ số lễ phải làm, thì số ấy sẽ được chỉ định dựa theo giá bổng lễ hiện hành tại nơi người xin lễ cư trú, trừ khi có lý do phỏng đoán hợp lệ là họ có hảo ý khác.
 
Ðiều 951: (1) Khi tư tế dâng nhiều Thánh Lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi Thánh Lễ theo một ý chỉ có bổng lễ dâng. Tuy nhiên, đừng kể ngày lễ Giáng Sinh, tư tế chỉ được hưởng một bổng lễ thôi, còn những bổng lễ khác phải nhường về các mục đích do Bản Quyền quy định, tuy rằng đương sự có thể nhận một phần thù lao vì danh nghĩa ngoại tại.
 
(2) Tư tế đồng tế Thánh Lễ thứ hai trong một ngày, không có quyền nhận bổng lễ nữa dưới bất cứ danh nghĩa nào.
 
Ðiều 952: (1) Công đồng tỉnh hay Hội Ðồng Giám Mục giáo tỉnh phải ra nghị định ấn định bổng lễ phải dâng để áp dụng Thánh Lễ trong toàn giáo tỉnh. Tư tế không được đòi bổng lễ cao hơn mức ấn định. Tuy nhiên, tư tế được phép nhận bổng lễ cao hơn khi người ta tự nguyện dâng cúng, cũng như cũng được phép nhận bổng lễ thấp hơn.
 
(2) Nơi nào không có nghị định đã nói, thì phải theo tập tục hiện hành trong địa phận.
 
(3) Các phần tử thuộc bất cứ dòng tu nào cũng phải giữ nghị định hay thói quen của địa phương nói ở triệt 1 và 2.
 
Ðiều 953: Không ai được phép nhận cho mình nhiều bổng lễ đến độ không thể chu tất trong vòng một năm.
 
Ðiều 954: Nếu tại những nhà thờ hay nhà nguyện người ta xin cử hành lễ quá số có thể cử hành ở đó, thì có thể cử hành ở nơi khác, trừ khi những người xin lễ minh thị bày tỏ ý định ngược lại.
 
Ðiều 955: (1) Ai muốn chuyển ý lễ cho những người khác, thì phải chuyển sớm ngần nào có thể cho các tư tế muốn lãnh nhận, miễn là biết chắc họ hoàn toàn đáng tín nhiệm. Lại phải chuyển y nguyên bổng lễ đã nhận, trừ khi biết chắc rằng số tiền trội hơn giá bổng lễ trong giáo phận là do thiện cảm cá nhân. Người chuyển ý lễ còn phải mang nghĩa vụ lo dâng lễ cho đến khi nào chắc chắn có người nhận nghĩa vụ dâng lễ và bổng lễ.
 
(2) Thời gian phải dâng lễ bắt đầu từ ngày tư tế nhận được ý lễ, trừ khi đã rõ cách nào khác.
 
(3) Ai chuyển ý lễ cho người khác, phải lập tức ghi vào sổ cả những ý lễ đã nhận lẫn những ý lễ đã chuyển cho người khác, cũng như phải ghi bổng lễ nữa.
 
(4) Mỗi linh mục phải ghi cẩn thận những ý lễ đã nhận sẽ làm và những ý lễ đã làm xong.
 
Ðiều 956: Tất cả và mỗi người quản trị các thiện ý hay có trách nhiệm nào đó về việc lo dâng lễ, dù là giáo sĩ hay giáo dân, đều buộc phải chuyển về Bản Quyền của mình những ý lễ không làm hết trong một năm, theo cách thế Bản Quyền đã ấn định.
 
Ðiều 957: Bổn phận và quyền lợi trông nom cho mọi ý lễ được chu toàn đối với các nhà thờ của giáo sĩ triều thì thuộc về thẩm quyền của Bản Quyền sở tại; còn đối với nhà thờ của dòng tu hay tu đoàn tông đồ thì thuộc các Bề Trên của họ.
 
Ðiều 958: (1) Cha Sở cũng như vị quản đốc nhà thờ hay cơ sở đạo đức khác, nơi quen nhận các bổng lễ, phải có cuốn sổ riêng, ghi chép cẩn thận số lễ phải làm, ý lễ, bổng lễ và nghĩa vụ đã chu toàn.
 
(2) Bản Quyền có bổn phận đích thân hay nhờ người khác, kiểm soát hằng năm các sổ sách đó.
 
THIÊN 4: BÍ TÍCH THỐNG HỐI
 
Ðiều 959: Trong Bí Tích Thống Hối, những tín hữu nào thú tội với một thừa tác viên hợp pháp, hối hận về những tội ấy và dốc lòng sửa mình, thì được Thiên Chúa tha thứ những tội đã phạm sau khi chịu Bí Tích Rửa Tội, qua sự xá giải do tác viên ấy ban, và đồng thời họ được giao hòa với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội.
 
Chương I: Việc Cử Hành Bí Tích
 
Ðiều 960: Việc thú tội cá nhân và toàn vẹn cùng với việc xá giải cấu tạo nên phương cách duy nhất và thông thường, nhờ đó người tín hữu ý thức mình có tội nặng được hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội. Chỉ sự bất khả kham về thể lý hay luân lý mới chuẩn khỏi cách thú tội như vậy; trường hợp ấy, người ta có thể lãnh ơn hòa giải bằng những cách khác.
 
Ðiều 961: (1) Không thể ban ơn xá giải chung một trật cho nhiều người khi chưa có việc xưng tội cá nhân trước. Trừ ra:
 
1. khi gần cơn nguy tử và một linh mục hay nhiều linh mục không đủ thời giờ nghe từng hối nhân xưng tội;
 
2. khi có sự khẩn thiết trầm trọng, nghĩa là, khi nào xét vì số đông hối nhân và không có đủ cha giải tội để nghe từng người xưng tội hợp lệ trong một thời gian thích đáng, đến nỗi vì vậy mà các hối nhân không phải lỗi tại họ đành thiệt mất ơn Bí Tích xá giải hay ơn rước lễ trong một thời gian lâu dài. Tuy nhiên, không được coi là có sự khẩn thiết thực sự, khi không có đủ các cha giải tội chỉ nguyên vì lý do hối nhân đông đảo, như có thể xảy ra trong một vài đại lễ hay hành hương.
 
(2) Giám Mục giáo phận có thẩm quyền nhận định về những điều kiện đòi hỏi ở triệt 1, số 2. Sau khi xét đến các tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các thành viên khác của Hội Ðồng Giám Mục, ngài có thể xác định những trường hợp nào được coi là khẩn thiết.
 
Ðiều 962: (1) Ðể hưởng cách hữu hiệu ơn xá giải ban một trật cho nhiều người, các tín hữu không những phải có tâm tình thích đáng, nhưng còn phải dốc lòng cách riêng sẽ đi xưng vào lúc thuận tiện các tội nặng mà trong lúc này không thể xưng được.
 
(2) Trong tầm mức có thể, kể cả vào chính lúc ban ơn xá giải chung, phải dạy cho tín hữu bổn phận nói ở triệt 1; và trước khi ban ơn xá giải chung, cho dù là trong trường hợp nguy tử, nếu thời giờ cho phép, phải mời gọi mỗi người giục lòng thống hối.
 
Ðiều 963: Ðừng kể bổn phận nói ở điều 989, ai đã được tha các tội trọng nhờ việc xá giải chung phải đi xưng tội cá nhân vào dịp nào sớm nhất, trước khi lãnh nhận ơn xá giải chung lần nữa, nếu không xảy đến một lý do chính đáng khác.
 
Ðiều 964: (1) Nơi dành riêng để xưng tội là nhà thờ hay nhà nguyện.
 
(2) Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy luật liên hệ đến tòa giải tội, liệu sao để có tòa giải tội đặt nơi công khai và với một vách ngăn giữa hối nhân và cha giải tội, ngõ hầu các tín hữu có thể tự do đến tòa giải tội khi họ muốn.
 
(3) Không được nhận xưng tội ở ngoài tòa giải tội, trừ khi có lý do chính đáng.
 
Chương II: Thừa Tác Viên Bí Tích Thống Hối
 
Ðiều 965: Chỉ duy tư tế mới là thừa tác viên của Bí Tích Thống Hối.
 
Ðiều 966: (1) Ðể việc xá giải được hữu hiệu, luật đòi hỏi thừa tác viên, ngoài quyền thánh chức, còn phải hưởng năng quyền thi hành quyền thánh chức ấy đối với các tín hữu mà ngài ban ơn xá giải.
 
(2) Linh mục có thể lãnh nhận năng quyền này hoặc do chính luật, hoặc do nhà chức trách có thẩm quyền cấp ban theo quy tắc của điều 969.
 
Ðiều 967: (1) Ngoài Ðức Giáo Hoàng ra, các Hồng Y được hưởng, theo luật, năng quyền giải tội đối với các tín hữu ở mọi nơi; các Giám Mục cũng được hưởng năng quyền như vậy, và được xử dụng năng quyền cách hợp pháp ở mọi nơi, trừ khi Giám Mục giáo phận phản đối trong một trường hợp cụ thể.
 
(2) Ai được hưởng năng quyền giải tội, hoặc do chức vụ hoặc do Bản Quyền sở tại nơi mình nhập tịch hay nơi mình cư trú, ban cấp, thì có thể xử dụng năng quyền ấy ở mọi nơi, trừ khi Bản Quyền sở tại ở một nơi nào phản đối trong một trường hợp cụ thể, miễn là tuân hành các quy định của điều 974, triệt 2 và triệt 3.
 
(3) Ai được hưởng năng quyền giải tội do chức vụ hay sự ban cấp của Bề Trên có thẩm quyền dựa theo các điều 968, triệt 2 và 969, triệt 2, cũng được quyền giải tội, theo luật, cho các phần tử và những người khác cư ngụ ngày đêm trong nhà của một dòng tu hay tu đoàn, và họ có thể xử dụng năng quyền ấy cách hợp pháp, trừ khi có Bề Trên cao cấp phản đối trong một trường hợp cụ thể đối với những người thuộc cấp của mình.
 
Ðiều 968: (1) Bản Quyền sở tại, kinh sĩ xá giải, cũng như các Cha Sở và những người khác thế Cha Sở được hưởng năng quyền giải tội do chức vụ, trong phạm vi lãnh thổ của họ.
 
(2) Các Bề Trên dòng tu hoặc tu đoàn tông đồ, nếu là dòng giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng và có quyền cai trị hành pháp chiếu theo hiến pháp, thì được hưởng năng quyền giải tội, do chức vụ, trên tất cả những người thuộc quyền và những người cư ngụ ngày đêm trong nhà, tuy vẫn phải giữ quy định của điều 630, triệt 4.
 
Ðiều 969: (1) Duy Bản Quyền sở tại mới có thẩm quyền ban cấp cho bất cứ linh mục nào được năng quyền giải tội cho bất cứ tín hữu nào. Tuy nhiên, các linh mục thuộc dòng tu không nên xử dụng năng quyền ấy nếu không có phép của Bề Trên, ít là cách suy đoán.
 
(2) Bề Trên của dòng tu hoặc tu đoàn tông đồ nói ở điều 968, triệt 2, có thẩm quyền ban cho bất cứ linh mục nào được hưởng năng quyền giải tội cho những người thuộc cấp của mình và những người khác cư ngụ ngày đêm trong nhà.
 
Ðiều 970: Năng quyền giải tội chỉ được cấp cho những linh mục được coi là có khả năng qua việc khảo hạch hoặc đã rõ bằng cách nào khác.
 
Ðiều 971: Bản Quyền sở tại không được cấp năng quyền giải tội thường xuyên cho một linh mục, cho dù linh mục ấy có cư sở hay bán cư sở trong lãnh thổ của mình, trước khi tham khảo ý kiến với Bản Quyền của linh mục ấy, tùy theo tầm mức có thể.
 
Ðiều 972: Nhà chức trách có thẩm quyền nói ở điều 969 có thể cấp năng quyền giải tội với thời gian có hạn định hay vô hạn định.
 
Ðiều 973: Năng quyền giải tội thường xuyên phải được cấp bằng giấy tờ.
 
Ðiều 974: (1) Bản Quyền sở tại cũng như Bề Trên có thẩm quyền không nên thu hồi năng quyền giải tội thường xuyên đã cấp nếu không có lý do quan trọng.
 
(2) Một khi năng quyền giải tội bị thu hồi bởi chính Bản Quyền sở tại đã cấp theo điều 967, triệt 2, thì linh mục mất năng quyền ở mọi nơi. Còn khi năng quyền giải tội bị thu hồi bởi Bản Quyền địa phương khác, thì linh mục chỉ mất năng quyền trong lãnh thổ của Bản Quyền ấy thôi.
 
(3) Bất cứ Bản Quyền sở tại nào thu hồi năng quyền giải tội của một linh mục, thì phải báo cho Bản Quyền riêng nơi linh mục nhập tịch, hoặc cho Bề Trên có thẩm quyền nếu linh mục ấy là một phần tử của dòng tu.
 
(4) Một khi bị Bề Trên cao cấp riêng của mình thu hồi năng quyền giải tội, thì linh mục mất năng quyền giải tội ở mọi nơi đối với các phần tử của dòng tu; còn khi bị một Bề Trên khác có thẩm quyền thu hồi, thì linh mục chỉ mất năng quyền giải tội đối với các tu sĩ thuộc cấp của Bề Trên ấy.
 
Ðiều 975: Ngoại trừ trường hợp bị thu hồi, năng quyền giải tội nói ở điều 967 triệt 2 còn bị chấm dứt khi mãn chức vụ hay khi xuất tịch hoặc đổi cư sở.
 
Ðiều 976: Bất cứ tư tế nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn xá hết các tội và vạ cách hữu hiệu và hợp pháp cho mọi hối nhân lâm cơn nguy tử, cho dù lúc ấy có sự hiện diện của một linh mục được chuẩn nhận.
 
Ðiều 977: Sự xá giải cho đồng lõa về tội phạm điều răn thứ sáu thì vô hiệu, đừng kể khi nguy tử.
 
Ðiều 978: (1) Tư tế phải nhớ rằng: khi giải tội, ngài đóng vai thẩm phán và y sĩ, ngài được Thiên Chúa đặt làm thừa tác viên vừa của công lý và vừa của lòng từ bi của Chúa, ngõ hầu làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
 
(2) Khi ban bí tích, cha giải tội, vì là thừa tác viên của Giáo Hội, phải gắn bó trung thành với giáo huấn của Giáo Hội và các quy luật do nhà chức trách có thẩm quyền ban hành.
 
Ðiều 979: Khi đặt các câu hỏi, tư tế phải khôn ngoan và thận trọng để ý đến điều kiện và tuổi tác của hối nhân; lại phải tránh hỏi tên của đồng lõa.
 
Ðiều 980: Nếu không có gì hoài nghi về sự thành tâm của hối nhân và đương sự xin ơn xá giải, thì cha giải tội không được khoan giãn hay từ chối việc xá giải.
 
Ðiều 981: Tùy theo tính chất và số lượng của tội, và cũng tùy theo hoàn cảnh của hối nhân, cha giải tội phải ra việc đền tội hữu ích và cân xứng. Hối nhân có bổn phận đích thân thi hành việc đền tội.
 
Ðiều 982: Ai thú nhận đã cáo gian cho giải tội ngay lành trước giáo quyền về tội quyến dũ phạm điều răn thứ sáu, thì chỉ được xá giải sau khi đã minh thị rút lại lời cáo gian và bồi thường thiệt hại nếu có.
 
Ðiều 983: (1) Ấn tích giải tội là điều bất khả vi phạm; do đó, tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được tiết lộ về hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì.
 
(2) Nghĩa vụ phải giữ bí mật buộc cả những người thông ngôn nếu có, và mọi người khác, vì một cách nào đó, đã nghe biết các tội khi hối nhân xưng trong tòa.
 
Ðiều 984: (1) Tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được xử dụng những điều biết được trong tòa giải tội để làm hại hối nhân, cho dù không có nguy cơ tiết lộ.
 
(2) Những người cầm quyền không bao giờ được dùng vào việc cai trị ở tòa ngoài những điều nghe biết trong tòa giải tội bất cứ vào thời gian nào.
 
Ðiều 985: Giám tập và người phụ tá, giám đốc của chủng viện hay của một cơ sở giáo dục nào khác, không được phép giải tội cho các học sinh trọ trong cùng một nhà, trừ khi học sinh tự ý yêu cầu trong những trường hợp riêng.
 
Ðiều 986: (1) Tất cả những người có trách nhiệm coi sóc các linh hồn buộc phải dự liệu cho giáo dân của mình được xưng tội mỗi khi họ yêu cầu cách hợp lý; lại phải ấn định ngày và giờ thuận lợi để họ tùy tiện đến xưng tội riêng.
 
(2) Trong trường hợp khẩn cấp, bất cứ cha giải tội nào cũng buộc phải giải tội cho tín hữu; và trong lúc nguy tử, bất cứ tư tế nào cũng buộc phải giải tội.
 
Chương III: Hối Nhân
 
Ðiều 987: Ðể lãnh nhận linh dược cứu rỗi của Bí Tích Thống Hối, tín hữu phải thành tâm từ bỏ những tội đã phạm và quyết chí sửa mình, trở về với Thiên Chúa.
 
Ðiều 988: (1) Tín hữu buộc xưng thú, sau khi xét mình kỹ lưỡng, hết mọi tội nặng, theo từng loại và số, mà mình ý thức đã sa phạm sau khi chịu phép Rửa Tội mà chưa được trực tiếp tha thứ bởi quyền tháo gỡ của Giáo Hội hoặc chưa thú nhận trong việc xưng tội riêng.
 
(2) Tín hữu được khuyến khích nên xưng hết cả những tội nhẹ nữa.
 
Ðiều 989: Mọi tín hữu, sau khi đã đến tuổi khôn, buộc phải xưng kỹ càng các tội trọng ít là mỗi năm một lần.
 
Ðiều 990: Không cấm xưng tội bằng thông ngôn, miễn là phải tránh mọi lạm dụng, gương xấu, và giữ quy định của điều 983, triệt 2.
 
Ðiều 991: Mọi tín hữu được toàn quyền xưng tội với một cha giải tội được chuẩn nhận hợp lệ mà họ ưng ý, tuy dù vị ấy thuộc lễ điển khác.
 
Chương IV: Các Ân Xá
 
Ðiều 992: Ân xá là sự tháo giải trước mặt Chúa các hình phạt thế tạm vì các tội lỗi đã được xóa bỏ. Người tín hữu dọn mình xứng đáng và thi hành ít nhiều điều kiện đã chỉ định thì được hưởng ơn tha thứ ấy nhờ sự trung gian của Giáo Hội. Với tư cách thừa tác viên ơn cứu chuộc, Giáo Hội dùng quyền phân phát và áp dụng kho tàng đền tạ của Chúa Kitô và các Thánh.
 
Ðiều 993: Ân xá là toàn phần hay từng phần, tùy theo sự giải thoát hình phạt thế tạm vì tội lỗi là hoàn toàn hay chỉ một phần.
 
Ðiều 994: Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá toàn phần hay từng phần, hoặc cho chính mình hoặc để chuyển cầu cho những người đã qua đời.
 
Ðiều 995: (1) Ngoại trừ thẩm quyền tối cao của Giáo Hội, chỉ những ai được giáo luật nhìn nhận hay được Ðức Giáo Hoàng cấp quyền riêng mới có thể ban các ân xá.
 
(2) Không quyền bính nào dưới Ðức Giáo Hoàng có thể cấp cho người khác quyền ban ân xá, nếu không được Tòa Thánh minh định dành cho một đặc quyền ấy.
 
Ðiều 996: (1) Ðể có năng cách hưởng ân xá, cần phải là người đã rửa tội, không bị vạ tuyệt thông, sống trong tình trạng ân sủng ít là vào lúc kết thúc công tác phải làm.
 
(2) Tuy nhiên, để đương sự có năng cách được thực thụ hưởng ân xá, cần phải có ý định muốn thủ đắc ân xá và thi hành những công tác vào thời gian và theo cách thức mà giáo quyền đã định.
 
Ðiều 997: Ngoài ra, để ban ân xá và hưởng dùng ân xá, còn phải tuân giữ những quy định khác trong luật riêng của Giáo Hội.
 
Thiên 5: Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân
 
Ðiều 998: Bằng Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân, Giáo Hội ký thác các tín hữu yếu đau nguy cấp cho Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển, để Ngài xoa dịu và cứu chữa họ. Bí Tích Xức Ðầu bệnh nhân được cử hành bằng việc xức dầu cho bệnh nhân kèm theo việc đọc những lời đã được quy định trong sách phụng vụ.
 
Chương I: Việc Cử Hành Bí Tích
 
Ðiều 999: Ngoài Giám Mục ra, những người có thể làm phép dầu để dùng vào việc xức dầu là:
 
1. những người được Giáo Luật đồng hóa với Giám Mục giáo phận;
 
2. khi khẩn thiết, thì bất cứ Linh Mục nào cũng được, tuy chỉ giới hạn trong chính lần cử hành bí tích này.
 
Ðiều 1000: (1) Sự xức dầu phải cử hành nghiêm chỉnh cùng với những lời đọc, theo thứ tự và cách thức đã quy định trong sách phụng vụ. Tuy nhiên, khi khẩn thiết, chỉ xức dầu trên trán hay trên một phần khác của thân thể cũng đủ; nhưng phải đọc trọn vẹn mô thức của Bí Tích.
 
(2) Thừa tác viên phải xức dầu bằng chính tay của mình, trừ khi có lý do quan trọng khuyên nên dùng một dụng cụ.
 
Ðiều 1001: Các Chủ Chăn và các thân nhân của người bệnh phải liệu để đương sự được lãnh Bí Tích này vào lúc thuận tiện.
 
Ðiều 1002: Dựa theo các chỉ thị của Giám Mục giáo phận, có thể cử hành Bí Tích Xức Dầu tập thể cho nhiều bệnh nhân, nếu họ được chuẩn bị chu đáo và với tâm tình chính đáng.
 
Chương II: Thừa Tác Viên Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân
 
Ðiều 1003: (1) Tất cả và chỉ tư tế mới được ban hành Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cách hữu hiệu.
 
(2) Tất cả các tư tế mang trọng trách coi sóc các linh hồn, có bổn phận và quyền lợi ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cho các tín hữu được trao phó cho trách nhiệm mục vụ của mình. Khi có lý do chính đáng, thì bất cứ tư tế nào khác cũng có thể ban Bí Tích này, miễn là có sự đồng ý, ít ra là suy đoán, của tư tế nói trên.
 
(3) Bất cứ tư tê nào cũng được đem dầu thánh theo mình, để khi cần thiết, có thể ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân.
 
Chương III: Những Người Cần Ðược Xức Dầu
 
Ðiều 1004: (1) Có thể ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cho một tín hữu đã biết xử dụng trí khôn, khi họ lâm cơn hiểm nghèo vì bệnh tật hay tuổi già.
 
(2) Bí Tích này có thể lặp lại, nếu bệnh nhân, sau khi phục sức, lại ngã bệnh nặng, hay, nếu trong cùng một cơn bệnh kéo dài, bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
 
Ðiều 1005: Nếu hồ nghi không biết bệnh nhân đã đến tuổi khôn chưa, hoặc bệnh tình có hiểm nghèo hay không, hoặc đã chết chưa, thì cũng hãy ban Bí Tích này.
 
Ðiều 1006: Bí Tích này cũng được ban cho những bệnh nhân nào mà lúc còn tỉnh táo, đã xin lãnh nhận ít là cách mặc nhiên.
 
Ðiều 1007: Không được ban hành Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cho những người cố chấp trong một tội nặng công khai.
 
THIÊN 6: BÍ TÍCH TRUYỀN CHứC
 
Ðiều 1008: Do Bí Tích Truyền Chức đã được Chúa thiết lập, một số người giữa các tín hữu được đặt làm những thừa tác viên thánh với ấn tích không thể xóa nhòa. Họ được cung hiến và trạch cử để, tùy theo cấp bậc, thay mặt Ðức Kitô dẫn dắt dân Chúa bằng cách chu toàn các nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và cai trị.
 
Ðiều 1009: (1) Các chức thánh là chức Giám Mục, chức Linh Mục và chức Phó Tế.
 
(2) Các chức thánh được ban bằng việc đặt tay và lời nguyện cung hiến riêng mà sách phụng vụ đã quy định cho từng cấp.
 
Chương I: Việc Cử Hành Và Thừa Tác Viên Bí Tích Truyền Chức
 
Ðiều 1010: Sự truyền chức phải được cử hành trong thánh lễ trọng thể ngày Chúa Nhật hay ngày lễ buộc. Tuy nhiên, vì lý do mục vụ, cũng có thể cử hành trong những ngày khác, kể cả những ngày thường.
 
Ðiều 1011: (1) Lễ truyền chức thường thường nên được cử hành tại nhà thờ chính tòa. Tuy nhiên vì lý do mục vụ, có thể cử hành tại nhà thờ hay nhà nguyện khác.
 
(2) Trong ngày lễ truyền chức, phải mời các giáo sĩ và các tín hữu khác, để họ tham dự hết sức đông đảo có thể được.
 
Ðiều 1012: Thừa tác viên bí tích truyền chức là Giám Mục đã được thụ phong.
 
Ðiều 1013: Không một Giám Mục nào được phép truyền chức Giám Mục cho ai khi chưa có ủy nhiệm thư của Ðức Giáo Hoàng.
 
Ðiều 1014: Trừ khi có phép chuẩn của Tòa Thánh, trong lễ phong chức Giám Mục, Giám Mục chủ phong phải có ít là hai Giám Mục trợ phong; hơn nữa, cùng với các vị ấy, tất cả các Giám Mục hiện diện cũng nên cùng tấn phong người được tuyển chọn.
 
Ðiều 1015: (1) Mỗi người nên được truyền chức Linh Mục hay Phó Tế do Giám Mục riêng của mình, hoặc với thơ giới thiệu hợp lệ của Ngài.
 
(2) Nếu không bị cản trở vì lý do chính đáng, chính Ðức Giám Mục riêng phải đích thân truyền chức cho những người thuộc quyền. Tuy nhiên, nếu không có đặc quyền của Tòa Thánh, ngài không thể truyền chức hợp pháp cho một người thuộc quyền nhưng theo lễ điển đông phương.
 
(3) Ai có thể cấp thơ giới thiệu để chịu các chức thánh thì cũng có thể tự mình truyền các chức ấy nếu đã có chức Giám Mục.
 
Ðiều 1016: Ðối với việc truyền chức Phó Tế cho những người có ý định gia nhập hàng giáo sĩ triều, thì Giám Mục riêng là Giám Mục của giáo phận nơi người tiến chức có cư sở; hay của giáo phận nơi người tiến chức sẽ hiến thân phục vụ. Ðối với việc truyền chức Linh Mục cho các giáo sĩ triều, thì Giám Mục riêng là Giám Mục của giáo phận nơi người tiến chức đã nhập tịch khi chịu chức Phó Tế.
 
Ðiều 1017: Ngoài khu vực thẩm quyền của mình, Giám Mục chỉ có thể truyền chức khi có phép của Giám Mục giáo phận.
 
Ðiều 1018: (1) Những người có thể cấp thơ giới thiệu cho giáo sĩ triều:
 
1. Giám Mục riêng, như đã nói ở điều 1016;
 
2. Giám Quản tông tòa và, với sự đồng ý của Hội Ðồng Tư Vấn, Giám Quản giáo phận, Quyền Ðại diện tông tòa và Quyền Phủ doãn tông tòa với sự đồng ý của Hội Ðồng nói ở điều 495, triệt 2.
 
(2) Giám Quản giáo phận, Quyền Ðại diện tông tòa, và Quyền Phủ doãn tông tòa không được cấp thơ giới thiệu cho những người mà Giám Mục hay Ðại Diện tông tòa, hay Phủ Doãn tông tòa đã từ chối không cho tiến chức.
 
Ðiều 1019: (1) Bề Trên cao cấp của một dòng tu giáo sĩ thuộc luật Giáo Hoàng, hoặc của một tu đoàn giáo sĩ tông đồ thuộc luật Giáo Hoàng, có thẩm quyền cấp thơ giới thiệu cho những người thuộc quyền được kết nạp trọn đời hay vĩnh viễn theo hiến pháp, vào dòng tu hay tu đoàn để họ được chịu chức Phó Tế và chức Linh Mục.
 
(2) Việc truyền chức cho mọi phần tử khác, thuộc bất cứ một dòng tu hay tu đoàn nào, sẽ được chi phối bởi luật dành cho giáo sĩ triều; mọi đặc quyền đã được ban trước đây cho các Bề Trên đều bị thu hồi.
 
Ðiều 1020: Không được phép cấp thơ giới thiệu khi chưa có đủ những chứng thư và văn kiện mà luật đòi hỏi theo các điều 1050 và 1051.
 
Ðiều 1021: Có thể gửi thư giới thiệu đến hết mọi Giám Mục hiệp thông với Tòa Thánh; tuy nhiên, cần có một đặc quyền của Tòa Thánh mới được gửi thư ấy cho một Giám Mục thuộc lễ điển khác với lễ điển của người tiến chức.
 
Ðiều 1022: Khi đã nhận được thơ giới thiệu, Giám Mục truyền chức không được truyền chức trước khi chưa hoàn toàn chắc chắn về tính cách xác thực của thơ ấy.
 
Ðiều 1023: Thơ giới thiệu có thể bị đặt giới hạn hay bị thu hồi lại bởi chính người đã cấp hay bởi người kế vị họ. Nhưng một khi đã cấp, thơ không mất giá trị vì người cấp thơ mãn chức vụ.
 
Chương II: Người Chịu Chức
 
Ðiều 1024: Chỉ người nam đã chịu phép Rửa Tội mới được lãnh nhận bí tích truyền chức cách hữu hiệu.
 
Ðiều 1025: (1) Ðể truyền các chức Linh Mục hay Phó Tế cách hợp pháp, luật đòi hỏi các ứng viên phải trải qua các sự khảo hạch luật định, hội đủ những đức tính cần thiết theo sự nhận định của Giám Mục riêng hay Bề Trên cao cấp có thẩm quyền; không bị ràng buộc bởi một điều bất hợp luật hay một ngăn trở nào; và đã chu toàn những điều kiện dự liệu ở các điều 1033-1039. Ngoài ra còn phải có các văn kiện nói ở điều 1050, và thực hiện cuộc điều tra quy định ở điều 1051.
 
(2) Ngoài ra, luật còn đòi hỏi là ứng viên được xét là hữu ích cho tác vụ của Giáo Hội, theo sự phán đoán của Bề Trên hợp lệ.
 
(3) Giám Mục nào truyền chức cho một người thuộc cấp sẽ đi phục vụ ở một giáo phận khác phải chắc chắn rằng người chịu chức sẽ được kết nạp vào giáo phận ấy.
 
Mục 1: Những điều buộc đối với những người chịu chức
 
Ðiều 1026: Người chịu chức cần phải có tự do thích đáng. Do đó, tuyệt đối cấm không được cưỡng ép ai lãnh nhận chức thánh, dù bằng cách nào hay với lý do nào. Cũng không được phép cản ngăn lãnh nhận chức thánh một người có đủ điều kiện theo Giáo Luật.
 
Ðiều 1027: Các ứng viên Phó Tế và Linh Mục phải được huấn luyện và chuẩn bị kỹ càng theo quy tắc luật định.
 
Ðiều 1028: Giám Mục giáo phận hay Bề Trên có thẩm quyền hãy lo liệu cho các ứng viên trước khi tiến lên một chức thánh, phải được học hỏi đầy đủ về chức ấy và các nghĩa vụ kèm theo.
 
Ðiều 1029: Dựa theo sự phán đoán khôn ngoan của Giám Mục riêng hoặc của Bề Trên cao cấp có thẩm quyền và sau mọi cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ nên cho tiến chức những người có đức tin tinh tuyền, chí hướng ngay thẳng, kiến thức đầy đủ, danh thơm tiếng tốt, tác phong đoan chính, nhân đức đã được thử luyện và những đức tính khác về thể lý và tâm lý tương ứng với chức thánh sẽ lãnh nhận.
 
Ðiều 1030: Duy chỉ vì một lý do giáo luật, cho dù còn kín đáo, Giám Mục riêng hay Bề Trên cao cấp có thẩm quyền mới có thể ngăn cấm các Phó Tế thuộc quyền, được trạch cử lên chức Linh Mục, không được tiến tới chức thánh này; dù sao, đương sự vẫn có quyền thượng cầu theo quy tắc luật định.
 
Ðiều 1031: (1) Chỉ được truyền chức Linh Mục cho người đã được 25 tuổi trọn, có sự trưởng thành đầy đủ, và đã chịu chức Phó Tế ít là sáu tháng. Ứng viên được trạch cử lên chức Linh Mục, chỉ có thể chịu chức Phó Tế khi đã được 23 tuổi trọn.
 
(2) Ứng viên Phó Tế vĩnh viễn, nếu không lập gia đình chỉ được chịu chức Phó Tế khi đã được 25 tuổi trọn; nếu đã lập gia đình, thì ít là 35 tuổi trọn và có sự đồng ý của người vợ.
 
(3) Các Hội Ðồng Giám Mục có quyền ra luật đòi hỏi tuổi cao hơn để chịu chức Linh Mục và Phó Tế vĩnh viễn.
 
(4) Tòa Thánh dành quyền miễn chuẩn tuổi chịu chức theo các triệt 1 và 2 trên đây, nếu quá một năm.
 
Ðiều 1032: (1) Ứng viên lên chức Linh Mục chỉ có thể chịu chức Phó Tế sau khi đã học hết năm năm triết lý và thần học.
 
(2) Sau khi mãn chương trình học, trước khi chịu chức Linh Mục, Phó Tế phải thi hành chức thánh bằng cách tham gia làm việc mục vụ trong một thời gian tương xứng tùy theo Giám Mục hay Bề Trên cao cấp có thẩm quyền xác định.
 
(3) Ứng viên lên chức Phó Tế vĩnh viễn chỉ lãnh nhận thánh chức này sau khi đã mãn thời gian huấn luyện.
 
Mục 2: Những điều buộc trước khi chịu chức
 
Ðiều 1033: Chỉ những người đã chịu phép thêm sức mới được lãnh chức thánh cách hợp pháp.
 
Ðiều 1034: (1) Ứng viên lên chức Phó Tế hay chức Linh Mục, sẽ không được lãnh chức thánh nếu chưa được giáo quyền nói ở các điều 1016 và 1019 kết nạp vào hàng ứng viên qua nghi lễ tiếp nhận. Trước đó, ứng viên phải tự tay viết và ký đơn xin; và đơn này được giáo quyền chấp nhận bằng giấy tờ.
 
(2) Nghi lễ tiếp nhận vừa nói không bó buộc những người đã gia nhập và dòng tu giáo sĩ bằng lời khấn.
 
Ðiều 1035: (1) Trước khi lãnh chức Phó Tế dù là vĩnh viễn hay chuyển tiếp, ứng viên buộc phải lãnh nhận các tác vụ đọc sách và giúp lễ, và phải thi hành các tác vụ ấy trong một thời gian tương xứng.
 
(2) Giữa tác vụ giúp lễ và chức Phó Tế phải có một thời gian cách quãng ít là sáu tháng.
 
Ðiều 1036: Ðể có thể lãnh chức Phó Tế hay chức Linh Mục, ứng viên phải đệ nạp lên Giám Mục riêng hay Bề Trên cao cấp có thẩm quyền một tuyên cáo tự tay viết và ký, trong đó xác nhận rằng họ hoàn toàn tự nguyện và tự do lãnh nhận thánh chức, và họ sẽ trọn đời dấn thân vào thừa tác vụ của Giáo Hội, đồng thời xin được nhận cho lãnh chức.
 
Ðiều 1037: Người không lập gia đình muốn tiến đến chức Phó Tế vĩnh viễn, cũng như người muốn tiến đến chức Linh Mục, sẽ không được nhận vào hàng Phó Tế nếu không công khai đảm nhận trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội nghĩa vụ sống độc thân qua một nghi thức luật định, hoặc chưa tuyên khấn trọn đời trong một dòng tu.
 
Ðiều 1038: Phó Tế không thể bị cấm thi hành thánh chức đã lãnh nhận chỉ vì đương sự từ chối không tiến lên chức Linh Mục; trừ khi họ mắc một ngăn trở giáo luật, hay do một lý do quan trọng khác theo sự phán đoán khôn ngoan của Giám Mục giáo phận hoặc của Bề Trên cao cấp có thẩm quyền.
 
Ðiều 1039: Trước khi lãnh một chức nào, mọi ứng viên phải cấm phòng ít là năm ngày tại nơi và theo cách mà Bản Quyền chỉ định. Trước khi truyền chức, Ðức Giám Mục phải được thông báo về việc các ứng viên đã cấm phòng hợp lệ.
 
Mục 3: Những Ðiều Bất Hợp Luật Và Những Ngăn Trở Khác
 
Ðiều 1040: Những người vướng mắc một ngăn trở nào đó hoặc vĩnh viễn, - luật gọi là "điều bất hợp luật" -, hoặc đơn thường, phải bị loại trừ không được lãnh chức thánh. Tuy nhiên, không ai bị coi là mắc ngăn trở, ngoài những ngăn trở liệt kê trong các điều luật sau đây.
 
Ðiều 1041: Những trường hợp "bất hợp luật" để chịu chức là:
 
1. người mắc bệnh điên khùng, hay bị một tâm bệnh khác mà theo ý kiến các nhà chuyên môn, đương sự không thể chu toàn đúng phép thừa tác vụ cách thích đáng được;
 
2. người phạm tội bội giáo, lạc giáo hay ly giáo;
 
3. người đã kết hôn, cho dù chỉ kết hôn dân sự, khi bị ngăn trở hôn nhân vì đã thành hôn trước đó, hoặc vì có chức thánh, hay có lời khấn công khai giữ khiết tịnh trọn đời; hoặc vì đương sự kết hôn với một người nữ đã kết hôn hữu hiệu hay đã bị ràng buộc bởi lời khấn khiết tịnh như vậy;
 
4. người phạm tội cố sát hoặc phá thai có hiệu quả, và tất cả những người cộng tác tích cực vào các tội đó;
 
5. người chủ tâm cưa cắt thân thể của mình hay của người khác cách nặng nề, hoặc đã mưu toan tự vẫn;
 
6. người đã thi hành một hành vi thánh chức dành riêng cho Giám Mục và Linh Mục, khi không có chức thánh đó hay đã có thánh chức nhưng đã bị cấm thi hành do một hình phạt giáo luật đã tuyên bố hay tuyên kết.
 
Ðiều 1042: Những trường hợp ngăn trở đơn thường không được chịu chức là:
 
1. người nam đang có đôi bạn, trừ khi được tiến cử hợp lệ lên chức Phó Tế vĩnh viễn;
 
2. người đang đảm nhiệm một chức vụ hay một việc quản trị có kèm theo việc tường trình mà giáo luật điều 285 và 286 cấm giáo sĩ. Ngăn trở này chấm dứt khi đương sự hết đảm nhiệm những công việc đó, hay đã hoàn tất việc tường trình;
 
3. người tân tòng, trừ khi Bản Quyền xét thấy họ đã vững vàng.
 
Ðiều 1043: (1) Những trường hợp bất hợp luật để hành sử các chức thánh đã lãnh nhận là:
 
  1. người đã lãnh nhận thánh chức cách bất hợp pháp, bởi vì mắc một điều bất hợp luật để chịu chức;
  2.  
2. người đã phạm tội nói đến trong điều 1041, số 2, nếu tội đã thành công khai;
 
3. người đã phạm tội nói đến trong điều 1041, các số 3, 4, 5, 6.
 
(2) Những trường hợp ngăn trở không được hành sử chức thánh là:
 
1. người đã chịu chức cách bất hợp pháp vì bị ngăn trở không được chịu chức.
 
2. người mắc bệnh điên rồ hay một tâm bệnh nào khác đến nói trong điều 1041, số 1, cho đến chừng nào Bản Quyền cho phép hành sử chức thánh, sau khi đã bàn hỏi ý kiến của nhà chuyên môn.
 
Ðiều 1045: Việc không biết các trường hợp bất hợp luật và các ngăn trở không giải trừ cho các đương sự.
 
Ðiều 1046: Các điều bất hợp luật và các ngăn trở tăng thêm lên do những nguyên nhân khác nhau, chứ không do cùng một nguyên nhân lặp đi lặp lại, trừ trường hợp bất hợp luật do tội cố sát hay phá thai có hiệu quả.
 
Ðiều 1047: (1) Tòa Thánh dành quyền miễn chuẩn các điều bất hợp luật, nếu sự kiện làm nền tảng đã bị đưa ra tòa án.
 
(2) Tòa Thánh cũng dành quyền miễn chuẩn các điều bất hợp luật và các ngăn trở cấm chịu chức sau đây:
 
1. những bất hợp luật do tội phạm công khai nói ở điều 1041, các số 2 và 3;
 
2. bất hợp luật do tội phạm hoặc công khai hoặc kín đáo nói ở điều 1041, số 4;
 
3. ngăn trở nói ở điều 1042, số 1.
 
(3) Tòa Thánh cũng dành quyền miễn chuẩn các điều bất hợp luật để hành sử chức thánh đã lãnh, nói ở điều 1041, số 3, nhưng chỉ trong những trường hợp đã trở thành công khai; và nói ở điều 1041, số 4, cả trong những trường hợp còn kín đáo.
 
(4) Bản Quyền có thể miễn chuẩn những điều bất hợp luật và ngăn trở không dành cho Tòa Thánh.
 
Ðiều 1048: Trong những trường hợp còn kín và rất khẩn cấp, nếu không thể đến với Bản Quyền được, hoặc không thể đến Tòa Ân Giải Tòa Thánh khi gặp những bất hợp luật nói ở điều 1041, số 3 và 4, và có nguy cơ thiệt hại nặng hay nguy cơ mất tiếng tốt, thì ai mắc phải bất hợp luật để hành sử chức thánh vẫn có thể cứ hành sử, nhưng họ có bổn phận phải đến sớm hết sức với Bản Quyền hay Tòa Ân Giải Tòa Thánh để xin miễn chuẩn, qua trung gian cha giải tội và không cần xưng danh tánh.
 
Ðiều 1049: (1) Trong đơn xin chuẩn các điều bất hợp luật và các ngăn trở, phải kê khai tất cả mọi bất hợp luật và ngăn trở. Tuy nhiên, ơn miễn chuẩn tổng quát có giá trị cho cả những bất hợp luật và ngăn trở đã vô tình quên kê khai, trừ những bất hợp luật nói ở điều 1041, số 4 và những bất hợp luật khác đã đưa ra tòa án; nhưng không có giá trị cho bất hợp luật và ngăn trở đã giấu diếm vì gian ý.
 
(2) Nếu là bất hợp luật cố sát hoặc phá thai, thì để sự miễn chuẩn được hữu hiệu, cần phải nói rõ số lần phạm tội nữa.
 
(3) Ơn miễn chuẩn tổng quát về các bất hợp luật và ngăn trở cấm lãnh thánh chức, có giá trị cho mọi chức thánh.
 
Mục 4: Những Văn Kiện Cần Thiết Và Việc Ðiều Tra
 
Ðiều 1050: Ðể có thể tiến cử người nào lên chức thánh, cần phải có các văn kiện sau đây:
 
1. chứng thư đã học hết chương trình cách hợp lệ theo điều 1032;
 
2. nếu đương sự được tiến cử lên chức linh mục, chứng thư đã chịu phó tế;
 
3. nếu được tiến cử lên chức phó tế, chứng thư rửa tội, thêm sức, chứng thư đã nhận các tác vụ theo điều 1035; chứng thư đã làm tờ tuyên cáo theo điều 1036; nếu là người đã lập gia đình được tiến cử lên chức phó tế vĩnh viễn, chứng thư về hôn phối và giấy thỏa thuận của người vợ.
 
Ðiều 1051: Việc điều tra về những tư cách cần thiết của người được tiến chức phải theo những quy luật sau đây:
 
1. phải có chứng thư của giám đốc chủng viện hay giám đốc cơ sở huấn luyện về những tư cách luật buộc để chịu chức, nghĩa là về giáo thuyết ngay thẳng, lòng đạo đức chân thành, hạnh kiểm tốt, khả năng thi hành thừa tác vụ của ứng viên, chứng thư về tình trạng sức khỏe thể lý và tâm lý sau khi đã được khám nghiệm kỹ lưỡng;
 
2. để thực hiện việc điều tra cách thích hợp, Giám Mục giáo phận hay Bề Trên cao cấp có thể xử dụng những phương thế khác xét là hữu ích, tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn; chẳng hạn các chứng thư, bố cáo hay những hình thức thông tin khác.
 
Ðiều 1052: (1) Ðể Giám Mục có thể tiến hành việc truyền chức cho người thuộc quyền của mình, ngài cần phải chắc chắn đã nhận được các tài liệu nói trong điều 1050, cũng như ngài phải nắm vững những bằng chứng tích cực về khả năng của ứng viên, sau khi đã thực hiện việc điều tra luật định.
 
(2) Ðể Giám Mục có thể tiến hành việc truyền chức cho người không thuộc quyền mình, ngài chỉ cần thơ giới thiệu chứng nhận đã có đủ các tài liệu, đã hoàn tất việc điều tra theo giáo luật, và đã rõ khả năng của ứng viên. Hơn nữa, nếu người được tiến chức là tu sĩ của một dòng tu hay tu đoàn tông đồ, thơ giới thiệu còn phải khẳng định rằng đương sự đã được gia nhập vĩnh viễn vào dòng tu hay tu đoàn, và là thuộc cấp của Bề Trên cấp thơ ấy.
 
(3) Mặc dù đã thi hành tất cả các điều trên, nếu Giám Mục còn có những lý do chắc chắn để hoài nghi về khả năng chịu chức của ứng viên, ngài không được truyền chức.
 
Chương III: Ghi Chú Và Chứng Thư Chịu Chức
 
Ðiều 1053: (1) Sau khi truyền chức, phải ghi tên của người chịu chức, của người truyền chức, nơi và ngày truyền chức, vào một cuốn sổ riêng được lưu giữ cẩn thận tại giáo phủ nơi truyền chức. Cũng phải lưu giữ tỉ mỉ tất cả mọi văn kiện liên can đến mỗi lần truyền chức.
 
(2) Giám Mục truyền chức phải cấp cho mỗi người đã chịu chức một chứng thư công chính về chức thánh đã lãnh nhận. Những người đã được giới thiệu để chịu chức không do chính Giám Mục riêng thì sau đó phải trình chứng thư lên Bản Quyền riêng để ghi chú vào sổ riêng giữ tại văn khố.
 
Ðiều 1054: Bản Quyền sở tại, nếu người chịu chức là giáo sĩ triều, hoặc Bề Trên cao cấp có thẩm quyền, nếu người chịu chức là tu sĩ thuộc quyền, phải báo cho Cha Sở nơi người chịu chức đã chịu phép rửa tội, về lễ truyền chức đã cử hành, để Cha Sở ghi chú vào sổ rửa tội theo quy định của điều 535, triệt 2.
 
THIÊN 7: BÍ TÍCH HÔN PHỐI
 
Ðiều 1055: (1) Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép rửa tội lên hàng Bí Tích.
 
(2) Bởi vậy, giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là Bí Tích.
 
Ðiều 1056: Những đặc tính căn bản của hôn phối là sự duy nhất và bất khả phân ly. Nhờ tính cách Bí Tích, những đặc tính ấy được kiện toàn đặc biệt trong hôn phối Kitô giáo.
 
Ðiều 1057: (1) Hôn phối thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật; sự ưng thuận ấy không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào.
 
(2) Sự ưng thuận kết hôn là một hành vi của ý chí do đó người nam và người nữ trao thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân, bằng một giao ước không thể thu hồi lại.
 
Ðiều 1058: Mọi người không bị luật cấm đều có thể kết hôn.
 
Ðiều 1059: Hôn phối của các người công giáo, cho dù chỉ một bên là người công giáo, bị chi phối không những bởi luật Thiên Chúa, mà còn bởi luật Giáo Hội nữa, tuy vẫn tôn trọng thẩm quyền của luật dân sự về hiệu quả thuần túy dân sự của hôn nhân.
 
Ðiều 1060: Hôn phối được hưởng sự che chở của pháp luật. Bởi đó, trong trường hợp hoài nghi, giá trị của hôn nhân được nhìn nhận bao lâu chưa chứng minh ngược lại.
 
Ðiều 1061: (1) Hôn phối hữu hiệu giữa những người đã chịu phép rửa tội được gọi là chỉ mới thành nhận, nếu chưa có sự hoàn hợp; hôn phối là thành nhận và hoàn hợp khi đôi bạn đã giao hợp với nhau một cách hợp với nhân tính. Sự giao hợp là hành động hướng đến việc sinh con cái, tức là một mục tiêu tự nhiên của hôn nhân, và do hành động ấy, đôi bạn trở nên một xác thể.
 
(2) Sau khi đã cử hành hôn phối, nếu đôi bạn đã sống chung với nhau thì sự hoàn hợp được suy đoán cho đến khi chứng minh ngược lại.
 
(3) Hôn phối vô hiệu được gọi là giả định, nếu đã được cử hành với sự ngay tình, ít ra là của một bên, cho đến khi cả hai bên biết chắc chắn về sự vô hiệu của hôn phối.
 
Ðiều 1062: (1) Lời hứa hôn hoặc của một bên hoặc của cả hai bên, tục gọi là đính hôn, thì được chi phối bởi luật địa phương do Hội Ðồng Giám Mục quy định, và dựa theo phong tục và luật dân sự, nếu có.
 
(2) Lời hứa hôn không phát sinh tố quyền đòi phải cử hành hôn lễ; tuy nhiên, có thể phát sinh tố quyền xin bồi thường thiệt hại nếu đã bị gây ra.
 
Chương I: Sự Săn Sóc Mục Vụ Và Những Việc Phải Làm Trước Khi Cử Hành Hôn Phối
 
Ðiều 1063: Các Chủ Chăn có bổn phận lo liệu sao cho cộng đoàn Giáo Hội của mình biết trợ giúp các tín hữu bảo toàn bậc sống hôn nhân theo tinh thần Kitô giáo, thăng tiến bậc sống hôn nhân trên đường trọn lành. Sự trợ giúp này tiên vàn phải được thực hiện:
 
1. bằng việc rao giảng, huấn luyện giáo lý thích hợp cho vị thành niên, thanh niên và người lớn, kể cả qua việc xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, ngõ hầu các tín hữu được giáo dục về ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo và về nghĩa vụ của vợ chồng và của cha mẹ Công Giáo;
 
2. bằng việc chuẩn bị riêng cho những người sắp kết hôn để đôi bạn được sửa soạn để lãnh nhận sự thánh thiện và những bổn phận của bậc sống mới;
 
3. bằng việc cử hành phụng vụ hôn phối cách chu đáo, để làm sáng tỏ rằng đôi bạn trở thành dấu chỉ và tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội;
 
4. bằng sự giúp đỡ cho đôi bạn sống trung thành với giao ước vợ chồng, đễ mỗi ngày họ thêm thánh thiện và hoàn hảo hơn trong đời sống gia đình.
 
Ðiều 1064: Bản Quyền sở tại phải lo liệu để sự trợ giúp nói trên được tổ chức cẩn thận và nếu thấy thuận tiện, nên bàn hỏi với những nam nữ từng trải, kinh nghiệm và chuyên môn.
 
Ðiều 1065: (1) Những người công giáo chưa chịu Bí Tích Thêm Sức, thì phải lãnh Bí Tích ấy trước khi được nhận kết hôn, nếu có thể được và không có khó khăn trầm trọng.
 
(2) Ðể việc lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối được dồi dào công hiệu, hết sức khuyên nhủ các đôi bạn nên lãnh Bí Tích Thống Hối và Thánh Thể.
 
Ðiều 1066: Trước khi cử hành Bí Tích Hôn Phối, phải chắc chắn không có gì cản trở việc cử hành hữu hiệu và hợp pháp.
 
Ðiều 1067: Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy luật về việc khảo hạch đôi bạn, việc rao hôn phối, và về những phương thế tùy tiện khác để hoàn tất công việc điều tra phải có trước khi kết hôn. Sau khi tuân hành kỹ lưỡng những điều đó, Cha Sở mới có thể tiến hành việc chứng giám hôn phối.
 
Ðiều 1068: Trong trường hợp nguy tử, nếu không thể thu thập những bằng chứng khác, và miễn là không có dấu chỉ nào trái ngược, thì chỉ cần đôi bạn cam kết, với lời thề nếu thấy cần, rằng mình đã rửa tội, và không vướng mắc ngăn trở.
 
Ðiều 1069: Mọi tín hữu có bổn phận phải bá cáo lên Cha Sở hay Bản Quyền sở tại, trước khi cử hành hôn phối, những ngăn trở mà họ biết được.
 
Ðiều 1070: Nếu những người xúc tiến việc điều tra không phải là Cha Sở có thẩm quyền chứng hôn, thì họ phải thông báo cho ngài biết kết quả, càng sớm càng tốt, bằng một văn kiện công chính.
 
Ðiều 1071: (1) Ðừng kể trường hợp cần thiết, nếu không có phép của Bản Quyền sở tại, không ai được chứng hôn cho:
 
1. hôn phối của những người vô gia cư;
 
2. hôn phối nào không thể được nhìn nhận hay cử hành theo dân luật;
 
3. hôn phối của những người còn bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ tự nhiên, phát sinh do một sự phối hợp trước đó, đối với người phối ngẫu và đối với con cái;
 
4. hôn phối của người đã công khai bỏ Ðức Tin Công Giáo;
 
5. hôn phối của người đang bị án vạ;
 
6. hôn phối của vị thành niên, nếu cha mẹ không hay biết hoặc đã phản đối cách hợp lý;
 
7. hôn phối qua đại diện nói đến ở điều 1105.
 
(2) Bản Quyền sở tại không được phép chứng giám hôn phối của người đã công khai bỏ Ðức Tin công giáo, nếu không giữ những quy luật nói ở điều 1125 với những thích nghi cần thiết.
 
Ðiều 1072: Các Chủ Chăn nên giãn việc cử hành hôn phối cho những bạn trẻ chưa tới tuổi mà phong tục địa phương đã chấp nhận cho việc kết hôn.
 
Chương II: Về Những Ngăn Trở Tiêu Hôn Nói Chung
 
Ðiều 1073: Ngăn trở tiêu hôn làm cho người ta mất khả năng kết hôn cách hữu hiệu.
 
Ðiều 1074: Ngăn trở được coi là công khai khi có thể chứng minh ở tòa ngoài; đối lại là ngăn trở kín đáo.
 
Ðiều 1075: (1) Chỉ duy quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thẩm quyền tuyên bố chính thức khi nào luật Chúa cấm đoán hay tiêu hủy hôn phối.
 
(2) Cũng vậy, chỉ duy quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thẩm quyền đặt ra các ngăn trở khác dành cho những người đã chịu phép rửa tội.
 
Ðiều 1076: Bất cứ một tục lệ nào du nhập một ngăn trở mới hay tục lệ trái nghịch với những ngăn trở hiện hành đều bị bài bác.
 
Ðiều 1077: (1) Trong một trường hợp riêng, Bản Quyền sở tại có thể cấm những người thuộc quyền mình hiện cư ngụ bất cứ ở đâu, và tất cả những người hiện đang ở trong lãnh thổ riêng của mình, không được cử hành hôn phối; nhưng sự cấm đoán chỉ có tính cách tạm thời, do một lý do quan trọng và bao lâu lý do ấy kéo dài.
 
(2) Chỉ có quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thể thêm vào điều ngăn cấm một khoản tiêu hôn.
 
Ðiều 1078: (1) Bản Quyền sở tại có thể chuẩn mọi ngăn trở giáo luật cho những người thuộc quyền mình cư ngụ bất cứ ở đâu và tất cả những người hiện đang ở trong lãnh thổ riêng của mình, trừ những ngăn trở mà Tòa Thánh dành quyền miễn chuẩn.
 
(2) Những ngăn trở Tòa Thánh dành quyền miễn chuẩn:
 
1. ngăn trở do chức thánh hoặc do lời khấn công khai giữ khiết tịnh trọn đời trong một dòng tu thuộc luật giáo hoàng;
 
2. ngăn trở do tội ác nói ở điều 1090.
 
(3) Không bao giờ được miễn chuẩn ngăn trở do huyết tộc trực hệ hay bàng hệ cấp thứ hai.
 
Ðiều 1079: (1) Trong trường hợp nguy tử, Bản Quyền sở tại có thể chuẩn cho những người thuộc quyền mình cư ngụ bất cứ ở đâu, và mọi người hiện đang ở trong lãnh thổ riêng của mình, vừa về thể thức phải giữ trong việc cử hành hôn phối, vừa về tất cả và từng ngăn trở theo luật Giáo Hội, hoặc công khai hoặc kín đáo, ngoại trừ ngăn trở do chức linh mục.
 
(2) Trong những hoàn cảnh nói ở triệt 1, nhưng chỉ trong trường hợp không thể đến với Bản Quyền sở tại được, thì Cha Sở hay thừa tác viên thánh được ủy quyền hợp lệ, hay linh mục hoặc phó tế chứng hôn theo điều 1116, triệt 2, có năng quyền miễn chuẩn tương tự.
 
(3) Trong trường hợp nguy tử, cha giải tội được hưởng quyền chuẩn miễn các ngăn trở còn kín đáo, ở tòa trong, vào lúc hay ngoài lúc ban Bí Tích Thống Hối.
 
(4) Trong trường hợp nói ở triệt 2, được coi là không thể đến với Bản Quyền sở tại nếu chỉ có thể liên lạc bằng điện thoại hay điện tín.
 
Ðiều 1080: (1) Khi nào khám phá ra ngăn trở vào lúc mọi sự đã sẵn sàng làm lễ cưới, và nếu giãn hôn lễ lại cho đến khi được phép chuẩn của nhà chức trách có thẩm quyền, thì hầu chắc sẽ có nguy cơ thiệt hại nặng nề, lúc ấy, Bản Quyền sở tại có quyền miễn chuẩn tất cả các ngăn trở, trừ những gì đã liệt kê ở điều 1078, triệt 2, số 1; và nếu ngăn trở còn kín đáo, thì tất cả những người nói ở điều 1079, các triệt 2 và 3 có quyền chuẩn, miễn là giữ những điều kiện quy định ở đó.
 
(2) Quyền này cũng có giá trị để hữu hiệu hóa hôn phối, mà nếu giãn lại sẽ có nguy cơ như trên, và cũng không còn thời giờ để nại đến Tòa Thánh hay Bản Quyền sở tại, khi liên can đến các ngăn trở thường vốn được miễn chuẩn.
 
Ðiều 1081: Cha Sở hay tư tế hoặc phó tế, nói đến ở điều 1079, triệt 2, phải báo ngay cho Bản Quyền sở tại biết về ơn chuẩn đã ban ở tòa ngoài. Sự miễn chuẩn phải được ghi chú vào sổ hôn phối.
 
Ðiều 1082: Trừ khi phúc nghị của Tòa Ân Giải Tòa Thánh định cách khác, ơn miễn chuẩn một ngăn trở kín đáo ban ở tòa trong nhưng ngoại bí tích, cũng phải ghi vào sổ, giữ tại văn khố mật của giáo phủ. Nếu sau đó, ngăn trở thành công khai, thì không cần phải xin ơn miễn chuẩn ở tòa ngoài nữa.
 
Chương III: Những Ngăn Trở Tiêu Hôn Nói Riêng
 
Ðiều 1083: (1) Người nam chưa đủ 16 tuổi, người nữ chưa đủ 14 tuổi, không thể kết hôn hữu hiệu.
 
(2) Hội Ðồng Giám Mục có quyền ấn định tuổi lớn hơn để kết hôn hợp pháp.
 
Ðiều 1084: (1) Bất lực để giao hợp, có trước khi kết hôn và vĩnh viễn, hoặc về phía người nam, hoặc về phía người nữ, dù tuyệt đối, dù tương đối, tự bản tính của nó khiến cho hôn phối vô hiệu.
 
(2) Nếu ngăn trở bất lực có tính cách hoài nghi, dù hoài nghi về luật hay về sự kiện, thì không nên ngăn cản hôn phối hay tuyên bố vô hiệu bao lâu còn hoài nghi.
 
(3) Sự son sẻ không ngăn cấm cũng không tiêu hủy hôn phối, đừng kể quy định của điều 1098.
 
Ðiều 1085: (1) Người còn bị ràng buộc bởi một hôn nhân trước, cho dù chưa hoàn hợp, không thể kết hôn hữu hiệu.
 
(2) Cho dù hôn phối trước vô giá trị hay bị đoạn tiêu vì bất cứ lý do nào, nhưng không thể vì thế mà được phép kết hôn lại khi chưa biết chắc chắn và hợp lệ sự vô hiệu hoặc sự đoạn tiêu của hôn phối trước.
 
Ðiều 1086: (1) Hôn phối cũng vô hiệu giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội công giáo và chưa công khai bỏ Giáo Hội, với một người không rửa tội.
 
(2) Không được chuẩn ngăn trở này nếu chưa chu toàn những điều kiện nói đến trong các điều 1125 và 1126.
 
(3) Nếu vào lúc kết hôn, một bên vốn được coi là đã rửa tội hoặc có hoài nghi về sự rửa tội, thì dựa theo điều 1060, hôn phối phải được suy đoán là hữu hiệu cho đến khi nào chứng minh được cách chắc chắn là một bên đã rửa tội và một bên không được rửa tội.
 
Ðiều 1087: Những người đã chịu chức thánh không thể kết hôn hữu hiệu.
 
Ðiều 1088: Những người đã gia nhập vào một dòng tu bằng lời khấn công khai giữ khiết tịnh trọn đời cũng không thể kết hôn hữu hiệu.
 
Ðiều 1089: Hôn phối sẽ vô giá trị giữa người nam với người nữ bị bắt cóc hay ít ra bị giam giữ để ép buộc kết hôn, trừ khi nào sau đó, người nữ được thả ra ở một nơi an ninh và tự do, đã tự ý lựa chọn kết hôn.
Ðiều 1090: (1) Kẻ nào, với chủ ý kết hôn với một người nào đó, đã gây ra sự chết cho người phối ngẫu của người đó hay cho người phối ngẫu của mình, thì hôn phối với người đó sẽ vô hiệu.
 
(2) Cả những người đã cộng tác một cách thể lý hay luân lý để giết người phối ngẫu, cũng không thể kết hôn với nhau cách hữu hiệu.
 
Ðiều 1091: (1) Trong trực hệ, hôn phối giữa tất cả thân thuộc, dù chính thức hay tự nhiên, đều là vô hiệu.
 
(2) Trong bàng hệ, hôn phối vô hiệu cho đến hết cấp thứ bốn.
 
(3) Ngăn trở về huyết tộc không nhân cấp.
 
(4) Không bao giờ được cho phép kết hôn khi có hoài nghi đôi bên có cùng liên hệ huyết tộc trong bất cứ cấp nào của trực hệ hay trong cấp thứ hai của bàng hệ.
 
Ðiều 1092: Hôn thuộc theo trực hệ dù ở cấp bậc nào cũng tiêu hủy hôn phối.
 
Ðiều 1093: Ngăn trở về liêm sỉ phát sinh từ hôn phối vô hiệu sau khi đã có sự sống chung, hoặc sự tư tình công khai và hiển nhiên. Ngăn trở này tiêu hủy hôn phối trong trực hệ ở cấp thứ nhất, giữa người nam với những người có liên hệ huyết tộc với người nữ, hay ngược lại.
 
Ðiều 1094: Hôn phối vô hiệu giữa những người thân thuộc do dưỡng hệ đã được pháp luật nhìn nhận, trong trực hệ hay trong cấp thứ hai của bàng hệ.
 
Chương IV: Sự Ưng Thuận Kết Hôn
 
Ðiều 1095: Những người sau đây không có khả năng kết hôn:
 
1. Những người thiếu xử dụng trí khôn một cách vừa phải.
 
2. Những người thiếu sót trầm trọng trong sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân.
 
3. Những người vì lý do tâm lý, không thể đảm nhận những nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân.
 
Ðiều 1096: (1) Ðể có sự ưng thuận kết hôn, điều cần thiết là hai người kết hôn phải biết ít ra rằng: Hôn nhân là đời sống chung vĩnh viễn giữa người nam và người nữ, nhằm đến việc sinh sản con cái bằng việc giao hợp sinh lý cách nào đó.
 
(2) Sau tuổi dậy thì, phải suy đoán là họ đã biết những điều đó rồi.
 
Ðiều 1097: (1) Sự lầm lẫn về thể nhân làm cho hôn phối vô hiệu.
 
(2) Sự lầm lẫn về một tư cách của thể nhân, cho dù là nguyên nhân kết ước, không làm cho hôn phối vô hiệu, trừ khi tính chất này được nhằm đến cách trực tiếp và chính yếu.
 
Ðiều 1098: Ai kết hôn do một sự lường gạt được bày ra vì mưu chước để cho mình ưng thuận, nếu sự lường gạt ấy liên hệ đến một tư cách của người bạn, mà tự nó, tư cách này có thể làm phiền nhiễu nặng nề cuộc sống chung của vợ chồng, thì sự kết hôn vô hiệu.

Ðiều 1099: Sự lầm lẫn về đặc tính duy nhất hay bất khả phân ly hoặc về tính cách bí tích của hôn nhân, sẽ không làm sự ưng thuận hôn nhân bị hà tì, miễn là sự lầm lẫn ấy không chi phối vào ý muốn.
 
Ðiều 1100: Việc biết hay tưởng rằng hôn phối bị vô hiệu, không nhất thiết loại trừ sự ưng thuận hôn nhân.
 
Ðiều 1101: (1) Sự ưng thuận bên trong của tâm hồn được suy đoán là tương hợp với những lời lẽ và cử chỉ bộc lộ lúc kết hôn.
 
(2) Tuy nhiên, nếu một bên hay cả hai bên, do một hành vi tích cực của ý chí, loại bỏ chính hôn phối hay một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn phối, thì việc kết hôn vô hiệu.
 
Ðiều 1102: (1) Sự kết hôn với điều kiện về tương lai thì không thể hữu hiệu.
 
(2) Sự kết hôn với điều kiện về quá khứ hay về hiện tại thì hữu hiệu hay không tùy theo đối tượng của điều kiện đã xảy ra hay không.
 
(3) Tuy nhiên, điều kiện nói ở triệt 2, không thể được đặt ra cách hợp pháp, nếu không được Bản Quyền sở tại cho phép bằng giấy tờ.
 
Ðiều 1103: Hôn phối sẽ vô hiệu nếu được kết lập vì bạo lực hay sợ hãi trầm trọng do một duyên cớ ngoại tại, cho dù không chủ ý trực tiếp gây ra, nhưng để thoát nó, người ta bị bó buộc đành phải lựa chọn kết hôn.
 
Ðiều 1104: (1) Ðể kết hôn hữu hiệu, cần hai người kết ước phải hiện diện đồng thời hoặc đích thân hoặc qua một người đại diện.
 
(2) Ðôi bạn phải phát biểu sự ưng thuận kết hôn bằng lời nói; nếu không thể nói được, thì bằng những dấu hiệu tương đương.
 
Ðiều 1105: (1) Ðể có thể kết hôn hữu hiệu bằng đại diện, luật đòi buộc:
 
1. Phải có một ủy nhiệm thư đặc biệt để kết hôn với một người nhất định;
 
2. Người đại diện phải được chỉ định bởi chính người ủy nhiệm, và chính họ phải đích thân chu toàn nhiệm vụ.
 
(2) Ðể được hữu hiệu, ủy nhiệm thư phải được ký nhận bởi chính người ủy nhiệm, và hơn nữa, bởi Cha Sở hay bởi Bản Quyền sở tại của nơi cấp ủy nhiệm thư, hoặc bởi ít là hai nhân chứng, hoặc phải được thảo ra bằng hình thức văn kiện công chính theo luật dân sự.
 
(3) Nếu người ủy nhiệm không thể viết, thì phải nói rõ điều đó trong ủy nhiệm thư, và phải có thêm một người chứng nữa và người này cũng ký vào thư. Nếu không, ủy nhiệm thư sẽ vô giá trị.
 
(4) Nếu trước khi người đại diện kết lập hôn phối nhân danh người ủy nhiệm mà chính người này thu hồi ủy nhiệm thư hoặc trở nên mất trí, thì hôn phối sẽ vô hiệu, cho dù người đại diện hoặc người kết ước kia không hay biết gì.
 
Ðiều 1106: Hôn phối có thể kết lập bằng thông ngôn, nhưng Cha Sở không được chứng hôn nếu không biết chắc chắn về sự trung thành của người thông ngôn.
 
Ðiều 1107: Cho dù hôn phối đã cử hành cách vô hiệu vì lý do ngăn trở hay thiếu thể thức, sự ưng thuận đã cam kết phải được suy đoán là vẫn tồn tại bao lâu chưa chắc chắn về sự thu hồi.
 
Chương V: Thể Thức Cử Hành Hôn Phối
 
Ðiều 1108: (1) Hôn phối chỉ hữu hiệu nếu được kết lập trước mặt Bản Quyền sở tại hoặc Cha Sở, hoặc một tư tế hay phó tế được các vị ấy ủy nhiệm chứng hôn, và trước mặt hai người làm chứng; tuy nhiên, phải theo các quy luật trong các điều nói dưới đây, và tôn trọng các biệt lệ nói ở các điều 144, 1112 triệt 1, 1116 và 1127 các triệt 2 và 3.
 
(2) Người chứng hôn chỉ được hiểu là người hiện diện để đòi hỏi hai bên kết ước bày tỏ sự ưng thuận và, nhân danh Giáo Hội, đón nhận sự bày tỏ ấy.
 
Ðiều 1109: Bản Quyền sở tại và Cha Sở, nếu không bị một án lệnh hay nghị định tuyên phạt hay tuyên bố tuyệt thông, hay cấm chế, hay huyền chức, thì chiếu theo chức vụ, được chứng hôn cách hữu hiệu, trong lãnh thổ của mình, các hôn phối không những của những người thuộc quyền mà cả những người không thuộc quyền, miễn là một trong hai người kết hôn thuộc lễ điển Latinh.
 
Ðiều 1110: Bản Quyền sở tại và Cha Sở tòng nhân, chiếu theo chức vụ, chứng hôn cách hữu hiệu hôn phối của đôi nào mà ít ra một người là thuộc quyền mình, trong giới hạn lãnh thổ của mình.
 
Ðiều 1111: (1) Bản Quyền sở tại và Cha Sở, bau lâu còn hành sử chức vụ cách hữu hiệu, có thể ủy cho các tư tế và phó tế, năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, để chứng hôn trong phạm vi lãnh thổ của mình.
 
(2) Ðể việc thừa ủy năng quyền chứng hôn được hữu hiệu, cần phải xác định minh thị danh tánh những người được ủy; nếu là sự thừa ủy đặc định, thì phải xác định cụ thể hôn phối nào; nếu là sự thừa ủy tổng quát, thì phải cấp bằng giấy tờ.
 
Ðiều 1112: (1) Nơi nào thiếu tư tế và phó tế, Giám Mục giáo phận, sau khi được Hội Ðồng Giám Mục chấp thuận và Tòa Thánh ban phép, có thể thừa ủy cho các giáo dân được chứng hôn.
 
(2) Phải lựa chọn một người giáo dân xứng hợp, có khả năng huấn luyện các người sắp kết hôn, và đủ tư cách cử hành phụng vụ hôn phối cách hợp thức.
 
Ðiều 1113: Trước khi cấp thừa ủy đặc định, phải chu toàn tất cả những gì luật đã quy định để xác nhận tình trạng thong dong.
 
Ðiều 1114: Người chứng hôn sẽ hành động bất hợp pháp, nếu chính họ không chắc chắn về tình trạng thong dong của hai người kết hôn theo quy định của Giáo Luật, và nếu không có phép của Cha Sở khi có thể xin phép, trong trường hợp sự thừa ủy là tổng quát.
 
Ðiều 1115: Hôn phối phải được cử hành tại giáo xứ mà một trong hai người kết hôn có cư sở, bán cư sở hay nơi cư trú được một tháng; nếu là những người vô gia cư, thì tại giáo xứ mà đương sự đang ở. Hôn phối có thể cử hành ở nơi khác, khi có phép của Bản Quyền riêng hay Cha Sở riêng.
 
Ðiều 1116: (1) Nếu không có ai có thẩm quyền theo Giáo Luật để chứng hôn, hoặc phải gặp khó khăn lớn để đến với họ, thì những người thành tâm muốn kết hôn có thể kết ước hữu hiệu và hợp pháp trước mặt hai người làm chứng:
 
1. trong trường hợp nguy tử;
 
2. ngoài trường hợp nguy tử, miễn là tiên đoán theo sự khôn ngoan rằng tình trạng khó khăn sẽ kéo dài một tháng;
 
(2) Trong cả hai trường hợp ấy, nếu hiện có một tư tế hay phó tế khác có thể đến được, thì phải mời các vị đến chứng kiến việc cử hành hôn phối cùng với hai người làm chứng, tuy dù hôn phối vẫn hữu hiệu nếu chỉ cử hành trước hai người làm chứng.
 
Ðiều 1117: Phải giữ thể thức quy định ở trên, nếu ít là một trong hai người kết hôn đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo, hay đã được nhận vào Giáo Hội công giáo và chưa công khai bỏ Giáo Hội; đừng kể quy định của điều 1127, triệt 2.
 
Ðiều 1118: (1) Hôn phối giữa những người công giáo, hay giữa một bên là công giáo với một bên đã được rửa tội ngoài công giáo, phải được cử hành tại nhà thờ giáo xứ; nếu có phép của Bản Quyền sở tại hay Cha Sở, thì cũng có thể được cử hành trong nhà thờ hoặc nhà nguyện khác.
 
(2) Bản Quyền sở tại có thể có phép cử hành hôn phối tại một nơi khác xứng đáng.
 
(3) Hôn phối giữa một bên công giáo và một bên không rửa tội có thể được cử hành trong nhà thờ hay tại một nơi khác xứng đáng.
 
Ðiều 1119: Ngoài trường hợp khẩn thiết, khi cử hành hôn phối phải giữ các nghi thức đã được quy định trong các sách phụng vụ do Giáo Hội chuẩn y, hoặc được du nhập bởi các tập tục hợp lệ.
 
Ðiều 1120: Với sự duyệt y của Tòa Thánh, Hội Ðồng Giám Mục có thể soạn thảo nghi thức riêng về hôn phối thích ứng với các tập tục thấm nhuần tinh thần công giáo của dân chúng và địa phương. Tuy nhiên, phải bảo vệ quy luật về sự hiện diện của người chứng hôn để đòi hỏi hai người kết hôn bày tỏ sự ưng thuận và đón nhận sự bày tỏ ấy.
 
Ðiều 1121: (1) Sau khi cử hành hôn phối, Cha Sở ở nơi cử hành hay người thay thế Cha Sở, cho dù cả hai đã không chứng hôn, phải sớm ghi vào sổ hôn phối tên của đôi bạn, của người chứng hôn, và các nhân chứng, nơi và ngày cử hành hôn phối, theo cách thức mà Hội Ðồng Giám Mục hoặc Giám Mục giáo phận đã ban hành.
 
(2) Khi hôn phối được kết lập theo điều 1116, thì tư tế hay vị phó tế nếu hiện diện trong lễ cử hành, hoặc nếu không, thì các nhân chứng, có nghĩa vụ liên đới với đôi tân hôn phải báo cho Cha Sở hoặc Bản Quyền sở tại biết sớm hết sức về hôn phối đã cử hành.
 
(3) Ðối với hôn phối đã kết ước với phép chuẩn khỏi giữ thể thức theo giáo luật, Bản Quyền sở tại đã ban phép chuẩn phải liệu ghi chú phép chuẩn và lễ cử hành vào sổ hôn phối của phủ giáo phận và của giáo xứ riêng của phía người công giáo, tại nơi mà Cha Sở đã điều tra về tình trạng thong dong. Người phối ngẫu công giáo buộc phải trình cho Bản Quyền và Cha Sở biết sớm hết sức về hôn phối đã cử hành, cũng như về nơi cử hành và cả thể thức công khai đã giữ.
 
Ðiều 1122: (1) Việc kết hôn cũng phải được ghi chú vào sổ rửa tội trong đó đã ghi việc rửa tội của những người tân hôn.
 
(2) Nếu một người phối ngẫu đã kết hôn ở ngoài giáo xứ nơi họ rửa tội, thì Cha Sở nơi cử hành hôn phối phải thông báo sớm hết sức cho Cha Sở nơi họ đã chịu phép rửa tội.
 
Ðiều 1123: Mỗi lần hôn phối, hoặc được hữu hiệu hóa ở tòa ngoài, hoặc được tuyên bố vô hiệu, hoặc được tháo gỡ hợp pháp vì một lý do nào khác ngoài sự chết, thì Cha Sở nơi cử hành hôn phối phải được thông báo để ghi chú hợp lệ vào sổ hôn phối và sổ rửa tội.
 
Chương VI: Hôn Phối Hỗn Hợp
 
Ðiều 1124: Nếu không có phép minh thị của nhà chức trách có thẩm quyền, hôn phối bị cấm chỉ giữa hai người đã rửa tội, mà một người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo, hoặc đã được nhận vào Giáo Hội công giáo sau khi rửa tội và chưa công khai bỏ Giáo Hội công giáo, với một người thuộc về một Giáo Hội hay giáo đoàn không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội công giáo.
 
Ðiều 1125: Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản Quyền sở tại có thể ban phép ấy; tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều kiện sau đây:
 
1. Bên công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất Ðức Tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội công giáo.
 
2. Vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà người công giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên công giáo.
 
3. Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn phối, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy.
 
Ðiều 1126: Hội Ðồng Giám Mục có nhiệm vụ quy định cả về cách thức làm tờ công bố và tuyên hứa mà luật đòi hỏi, lẫn về thể thức để những lời công bố và tuyên hứa ấy được bảo đảm ở tòa ngoài, và được thông báo cho bên không công giáo.
 
Ðiều 1127: (1) Về thể thức phải áp dụng trong hôn phối hỗn hợp, cần giữ những điều đã quy định trong điều 1108. Tuy nhiên, nếu bên công giáo kết hôn với bên không công giáo thuộc lễ điển đông phương, thì thể thức cử hành theo giáo luật chỉ buộc với tính cách hợp pháp mà thôi; còn để được hữu hiệu, cần phải có sự chứng giám của một thừa tác viên thánh, sau khi đã tuân hành những điều khác luật định.
 
(2) Nếu có những khó khăn trầm trọng cản trở việc tuân giữ thể thức giáo luật, thì Bản Quyền sở tại của bên công giáo có quyền chuẩn thể thức giáo luật cho từng trường hợp; tuy nhiên, ngài phải tham khảo Bản Quyền sở tại nơi cử hành hôn phối, và để hôn phối hữu hiệu, phải giữ một hình thức cử hành công khai nào đó. Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền ấn định các quy luật để việc miễn chuẩn nói trên được ban cấp theo một tiêu chuẩn đồng nhất.
 
(3) Trước hay sau khi cử hành theo thể thức giáo luật nói ở số 1 trên, cấm không được có một cử hành tôn giáo khác, trong đó, người chứng hôn công giáo và thừa tác viên không công giáo cùng hiện diện và mỗi người tra hỏi về sự ưng thuận của đôi bạn theo nghi thức riêng của mình.
 
Ðiều 1128: Các Bản Quyền sở tại và các Chủ Chăn phải lo liệu cho người phối ngẫu công giáo và con cái sinh ra do hôn phối hỗn hợp được giúp đỡ về tinh thần hầu chu toàn mọi nghĩa vụ, đồng thời giúp đôi bạn bảo trì sự hiệp nhất của đời sống vợ chồng và đời sống gia đình.
 
Ðiều 1129: Những quy định trong các điều 1127 và 1128 cũng phải được áp dụng cho các hôn phối vướng ngăn trở dị giáo, nói đến ở điều 1086, triệt 1.
 
Chương VII: Hôn Phối Cử Hành Kín Ðáo
 
Ðiều 1130: Vì lý do trầm trọng và khẩn cấp, Bản Quyền sở tại có thể cho phép cử hành hôn phối cách kín đáo.
 
Ðiều 1131: Phép được cử hành hôn phối kín đáo bao hàm rằng:
 
1. Mọi cuộc điều tra phải làm trước hôn lễ đều phải diễn tiến cách kín đáo;
 
2. Bản Quyền sở tại, người chứng hôn, người làm chứng và những người phối ngẫu phải giữ bí mật về hôn phối đã cử hành.
 
Ðiều 1132: Bổn phận giữ bí mật nói đến trong điều 1131, triệt 2, không còn ràng buộc Bản Quyền sở tại nữa, nếu việc giữ bí mật sinh ra gương xấu trầm trọng hay thiệt hại nặng nề cho sự thánh thiện của hôn phối. Phải thông báo điều đó cho đôi bạn trước khi cử hành hôn phối.
 
Ðiều 1133: Hôn phối được cử hành kín đáo phải được ghi vào sổ riêng, lưu trữ trong văn khố mật của giáo phủ.
 
Chương VIII: Những Hiệu Quả Của Hôn Nhân
 
Ðiều 1134: Do hôn phối hữu hiệu, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất. Ngoài ra trong hôn phối Kitô giáo, do một bí tích riêng biệt, vợ chồng được củng cố và như thể được thánh hiến nhằm tới thiên chức và những trách nhiệm của bậc sống.
 
Ðiều 1135: Cả hai vợ chồng đều có nhiệm vụ và quyền lợi bằng nhau trong tất cả những gì liên hệ đến đời sống chung của vợ chồng.
 
Ðiều 1136: Cha mẹ có trách nhiệm rất nặng nề và quyền lợi nguyên ủy phải hết sức chăm lo việc giáo dục con cái về thể lý, xã hội và văn hóa, về luân lý và tôn giáo.
 
Ðiều 1137: Những con cái được thụ thai hoặc sinh ra do hôn phối hữu hiệu hay giả định đều là con cái hợp thức.
 
Ðiều 1138: (1) Người cha là kẻ được hôn nhân chính đáng chỉ định, trừ khi có những lý chứng hiển nhiên chứng minh ngược lại.
 
(2) Ðược suy đoán là con hợp thức, những đứa con sinh ra tối thiểu 180 ngày sau lễ thành hôn, hay trong vòng 300 ngày sau khi đời sống vợ chồng tan rã.
 
Ðiều 1139: Các con bất hợp thức được hợp thức hóa do hôn phối của cha mẹ được kết lập sau đó, dù là hữu hiệu hay giả định, hoặc do một phúc nghị của Tòa Thánh.
 
Ðiều 1140: Các con cái được hợp thức hóa được đồng hóa với các con cái hợp thức về mọi công hiệu giáo luật, trừ khi luật minh thị dự liệu cách khác.
 
Chương IX: Sự Phân Ly Vợ Chồng
 
Mục 1: Việc Tháo Gỡ Dây Hôn Phối
 
Ðiều 1141: Hôn phối thành nhận và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào, ngoài sự chết.
 
Ðiều 1142: Hôn phối bất hoàn hợp giữa những người đã lĩnh bí tích rửa tội, hay giữa một người đã được rửa tội với một người không được rửa tội, có thể được tháo gỡ bởi Ðức Giáo Hoàng khi có lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai bên hay của một bên, dù bên kia phản đối.
 
Ðiều 1143: (1) Hôn phối kết ước giữa hai người không được rửa tội được tháo gỡ bởi đặc ân Thánh Phaolô nhằm ích lợi Ðức Tin của bên đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, do chính sự kiện là người đã được rửa tội kết lập hôn phối mới, miễn là người không rửa tội đã đoạn tuyệt với họ.
 
(2) Hiểu là đoạn tuyệt khi người không rửa tội không muốn chung sống với người đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, hay không muốn chung sống thuận hòa mà không xúc phạm tới Ðấng Tạo Hóa; đừng kể khi nào người đã được rửa tội, sau khi lãnh nhận bí tích, đã gây cho bên kia một duyên cớ chính đáng để đoạn tuyệt.
 
Ðiều 1144: (1) Ðể người đã được rửa tội có thể tái hôn cách hữu hiệu, luôn luôn cần phải chất vấn người không rửa tội, xem rằng:
 
1. họ có muốn lĩnh phép rửa tội không;
 
2. họ có muốn ít ra chung sống thuận hòa với người đã được rửa tội và không xúc phạm tới Ðấng Tạo Hóa không.
 
(2) Sự chất vấn như vậy được thực hiện sau khi rửa tội. Vì lý do quan trọng, Bản Quyền sở tại có thể cho phép thực hiện sự chất vấn trước khi rửa tội, hay kể cả miễn chuẩn việc chất vấn hoặc trước hoặc sau khi rửa tội, miễn là ngài thấy rõ ràng, ít là sau một thủ tục đơn giản ngoại tố tụng, rằng việc chất vấn không thể thực hiện được, hay sẽ vô ích.
 
Ðiều 1145: (1) Thường lệ, việc chất vấn được thực hiện do quyền hành của Bản Quyền sở tại của người đã trở lại đạo. Nếu bên kia xin, ngài có thể cho khoan giãn một thời hạn để trả lời; nhưng phải nói cho họ biết, nếu thời hạn trôi qua vô ích thì sự yên lặng của họ được coi như trả lời tiêu cực.
 
(2) Nếu không thể giữ được thể thức truyền buộc như trên, thì việc chất vấn được thực hiện cách riêng tư do chính bên đã trở lại cũng hữu hiệu và hợp pháp nữa.
 
(3) Trong cả hai trường hợp, việc chất vấn và phúc đáp phải được minh xác hợp lệ ở tòa ngoài.
 
Ðiều 1146: Người đã chịu phép rửa tội có quyền tái hôn với một người công giáo:
 
1. nếu bên kia trả lời sự chất vấn cách tiêu cực, hay sự chất vấn đã được bỏ qua cách hợp pháp;
 
2. nếu bên không rửa tội, dù đã được chất vấn hay không, lúc đầu tiếp tục chung sống thuận hòa không xúc phạm tới Ðấng Tạo Hóa; nhưng sau đó, lại đoạn tuyệt khi không có lý do chính đáng; tuy nhiên, phải giữ các quy định của các điều 1144 và 1145.
 
Ðiều 1147: Tuy nhiên, khi có lý do quan trọng, Bản Quyền sở tại có thể ban cho người đã được rửa tội và hưởng đặc ân Phaolô, được phép kết hôn với một người ngoài công giáo, dù đã được rửa tội hay không, nhưng phải giữ những điều truyền luật định về hôn phối hỗn hợp.
 
Ðiều 1148: (1) Một người nam chưa được rửa tội có nhiều vợ cũng không được rửa tội, sau khi lãnh Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội công giáo, nếu khó sống mãn đời với người vợ thứ nhất, thì ông có thể chọn sống với một trong các bà vợ và bỏ những bà khác. Ðiều này cũng có giá trị cho một người nữ chưa được rửa tội mà có một lúc nhiều chồng không được rửa tội.
 
(2) Trong những trường hợp nói ở triệt 1, sau khi đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, hôn phối phải được kết lập theo thể thức hợp lệ, và nếu cần, còn phải giữ những quy định về hôn phối hỗn hợp và những điều khác theo luật.
 
(3) Sau khi đã thẩm định về điều kiện luân lý, xã hội, kinh tế của địa phương và nhân sự, Bản Quyền sở tại phải lo liệu đê� người vợ cả và những người vợ khác bị rẫy, được chu cấp theo lẽ phải bác ái Kitô giáo, và sự công bình tự nhiên.
 
Ðiều 1149: Một người chưa rửa tội, sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội công giáo và không có thể lặp lại đời sống chung với người phối ngẫu không rửa tội vì lý do tù đày hay bắt bớ, thì có thể kết lập một hôn phối khác, cho dù trong thời gian ấy người phối ngẫu kia cũng đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, miễn là giữa điều 1141.
 
Ðiều 1150: Trong trường hợp hồ nghi, pháp luật suy đoán thuận lợi cho đặc ân Ðức Tin.
 
Mục 2: Sự Ly Thân
 
Ðiều 1151: Ðôi bạn có bổn phận và quyền lợi duy trì đời sống chung vợ chồng, trừ khi được miễn chước vì một lý do hợp lệ.
 
Ðiều 1152: (1) Mặc dù phải thiết tha khuyên nhủ người phối ngẫu, vì bác ái Kitô giáo thúc đẩy và vì lợi ích gia đình đòi hỏi, không nên khước từ việc tha thứ cho người bạn ngoại tình và đừng để tan vỡ đời sống vợ chồng, tuy nhiên, nếu họ không minh thị hay mặc nhiên tha thứ lỗi lầm ấy, thì họ có quyền tháo gỡ đời sống chung vợ chồng, trừ khi chính họ đã chấp nhận việc ngoại tình, hay đã gây nguyên cớ ngoại tình, hay cũng đã phạm tội ngoại tình.
 
(2) Sự tha thứ mặc nhiên xảy ra khi người phối ngẫu vô tội, sau khi biết rõ bên kia ngoại tình, vẫn tự nguyện sống thân mật với người đó. Sự tha thứ được suy đoán nếu trong vòng sáu tháng, họ vẫn giữ đời sống chung vợ chồng và không khiếu nại với quyền bính Giáo Hội hay dân sự.
 
(3) Nếu người phối ngẫu vô tội đã tự ý tháo gỡ đời sống chung vợ chồng, thì trong vòng sáu tháng, phải trình nguyên cớ ly thân lên nhà chức trách Giáo Hội có thẩm quyền. Sau khi đã cân nhắc mọi hoàn cảnh, Giáo Quyền phải liệu xem có thể thuyết phục người phối ngẫu vô tội tha thứ lỗi lầm và đừng kéo dài việc ly thân vĩnh viễn.
 
Ðiều 1153: (1) Nếu một trong hai người phối ngẫu gây nguy hiểm nặng nề, hoặc về phần hồn, hoặc về phần xác cho người kia hoặc cho con cái, hay nếu làm cho đời sống chung trở nên quá cơ cực, thì người kia có lý do hợp lệ để xin Bản Quyền sở tại cho phép ly thân. Nếu thấy sự khoan giãn sẽ có nguy hiểm, thì chính Bản Quyền có thể tự tiện cho phép ấy.
 
(2) Trong mọi trường hợp, khi nguyên cớ ly thân đã chấm dứt, thì phải tái lập đời sống vợ chồng, trừ khi giáo quyền ấn định thể khác.
 
Ðiều 1154: Một khi đã thực hiện việc ly thân, phải luôn luôn dự liệu một cách thích hợp về việc chu cấp và giáo dục con cái theo lẽ phải.
 
Ðiều 1155: Người phối ngẫu vô tội có thể đón nhận người kia trở về đời sống vợ chồng, và là điều rất tán thưởng. Trong trường hợp đó, họ khước từ quyền ly thân.
 
Chương X: Sự Hữu Hiệu Hóa Hôn Phối
 
Mục 1: Sự Hữu Hiệu Hóa Ðơn Thường
 
Ðiều 1156: (1) Ðể hữu hiệu hóa hôn nhân vô hiệu do một ngăn trở tiêu hôn, thì cần là ngăn trở đã chấm dứt hay được miễn chuẩn và phải lặp lại sự ưng thuận ít ra về phía người biết có ngăn trở.
 
(2) Việc lặp lại ấy được luật Giáo Hội yêu sách như điều kiện hữu hiệu cho sự hữu hiệu hóa, cho dù lúc ban đầu hai người đã bày tỏ sự ưng thuận và sau đó không rút lại.
 
Ðiều 1157: Việc lặp lại sự ưng thuận phải là một hành vi mới của ý muốn kết hôn, do người biết chắc hoặc tưởng nghĩ rằng hôn phối đã vô hiệu ngay từ đầu.
 
Ðiều 1158: (1) Nếu sự ngăn trở là công khai, thì đôi bên phải lặp lại sự ưng thuận theo thể thức giáo luật, tuy vẫn bảo toàn giá trị của quy định ở điều 1127, triệt 2.
 
(2) Nếu ngăn trở không thể chứng minh được, thì chỉ cần lặp lại sự ưng thuận cách riêng tư và kín đáo bởi người bạn nào biết có sự ngăn trở, miễn là người bạn kia còn giữ vững sự ưng thuận đã bày tỏ; hoặc bởi cả hai người, nếu cả hai người đều biết có sự ngăn trở.
 
Ðiều 1159: (1) Hôn phối vô hiệu vì thiếu sự ưng thuận được hữu hiệu hóa nếu người bạn trước đây không ưng thuận đã tỏ dấu ưng thuận, miễn là người bạn kia còn giữ vững sự ưng thuận đã bày tỏ.
 
(2) Nếu sự thiếu ưng thuận không thể chứng minh được, thì chỉ cần người bạn đã không ưng thuận bày tỏ sự ưng thuận cách riêng tư và kín đáo.
 
(3) Nếu sự thiếu ưng thuận có thể chứng minh được, thì việc bày tỏ sự ưng thuận phải được thực hiện theo thể thức giáo luật.
 
Ðiều 1160: Hôn phối vô hiệu vì thiếu thể thức, để được hữu hiệu, cần phải kết lập lại theo thể thức giáo luật, tuy vẫn duy trì giá trị của quy định ở điều 1127, triệt 2.
 
Mục 2: Sự Ðiều Trị Tại Căn
 
Ðiều 1161: (1) Sự điều trị tại căn một hôn phối là việc hữu hiệu hóa hôn phối ấy mà không phải lặp lại sự ưng thuận, do nhà chức trách có thẩm quyền ban cấp; nó bao hàm việc chuẩn ngăn trở, nếu có, chuẩn thể thức giáo luật, nếu đã không giữ; cũng như hồi tố các hiệu quả giáo luật của hôn phối về quá khứ.
 
(2) Việc hữu hiệu hóa có hiệu lực kể từ lúc ban đặc ân. Sự hồi tố được hiểu là bao trùm cho đến lúc cử hành hôn phối, đừng kể khi đã minh thị dự liệu cách khác.
 
(3) Chỉ được ban sự trị liệu tại căn khi có hy vọng đôi bạn muốn duy trì đời sống vợ chồng.
 
Ðiều 1162: (1) Hôn phối không thể được điều trị tại căn, nếu cả hai hay một trong hai người bạn đã thiếu sự ưng thuận ngay tự ban đầu, hoặc lúc đầu đã bày tỏ nhưng về sau đã rút lại.
 
(2) Nếu quả thật sự ưng thuận đã thiếu ngay từ đầu nhưng về sau đã bày tỏ, thì có thể cho trị liệu kể từ lúc bày tỏ sự ưng thuận.
 
Ðiều 1163: (1) Hôn phối bị vô hiệu vì ngăn trở hay vì thiếu thể thức hợp lệ có thể được trị liệu, miễn là đôi bạn còn giữ vững sự ưng thuận.
 
(2) Hôn phối bị vô hiệu vì một ngăn trở theo luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa thiết định, chỉ có thể được điều trị khi ngăn trở đã chấm dứt.
 
Ðiều 1164: Việc điều trị có thể được ban cách hữu hiệu cả khi một trong hai, hay cả đôi bạn không hay biết; nhưng chỉ nên ban khi có lý do quan trọng.
 
Ðiều 1165: (1) Việc điều trị tại căn có thể được ban do Tòa Thánh.
 
(2) Việc điều trị tại căn có thể được ban do Giám Mục giáo phận trong từng trường hợp, cho dù khi có nhiều lý do vô hiệu quy tụ trong cùng một hôn phối. Việc điều trị hôn phối hỗn hợp chỉ được ban khi đã hội đủ những điều kiện nói đến trong điều 1125. Tuy nhiên, Giám Mục giáo phận không thể ban điều trị tại căn, nếu hôn phối mắc một ngăn trở mà Tòa Thánh dành riêng việc miễn chuẩn theo điều 1078, triệt 2; hoặc một ngăn trở theo luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa thiết định, dù ngăn trở đã chấm dứt.
 
PHẦN II: CÁC VIỆC PHỤNG TỰ KHÁC
 
THIÊN 1: CÁC Á BÍ TÍCH
 
Ðiều 1166: Các Á Bí Tích là những dấu chỉ thánh, phỏng theo phần nào các bí tích, nhờ đó nhiều hiệu quả, nhất là hiệu quả thiêng liêng, được biểu thị và được thông ban do lời cầu khẩn của Giáo Hội.
 
Ðiều 1167: (1) Chỉ duy Tòa Thánh mới có thể thiết lập các Á Bí Tích mới, hoặc giải thích cách chính thức những Á Bí Tích hiện hành, phế bỏ hay thay đổi một vài thứ.
 
(2) Khi cử hành hay ban các Á Bí Tích, phải cẩn thủ các nghi lễ và các mô thức đã được giáo quyền chuẩn y.
 
Ðiều 1168: Thừa tác viên của Á Bí Tích là giáo sĩ nào có quyền hành do luật đòi hỏi. Tuy nhiên, tùy theo quy định của sách phụng vụ và phán quyết của Bản Quyền sở tại, những giáo dân có những tư cách xứng hợp cũng có thể ban một số Á Bí Tích.
 
Ðiều 1169: (1) Chỉ những người có chức Giám Mục, và các linh mục được luật pháp hay một sự ủy nhượng hợp lệ cho phép, mới có thể cử hành việc thánh hiến và cung hiến cách hữu hiệu.
 
(2) Mọi linh mục đều có thể ban các phép lành, trừ những phép lành được dành riêng cho Ðức Giáo Hoàng hoặc cho các Giám Mục.
 
(3) Phó tế chỉ có thể ban những phép lành mà giáo luật đã minh thị cho phép.
 
Ðiều 1170: Những phép lành được ban trước tiên cho những người công giáo; nhưng có thể ban cho cả các dự tòng, và hơn thế, cho cả các người ngoài công giáo, trừ khi giáo hội ngăn cấm.
 
Ðiều 1171: Các đồ vật đã được cung hiến hay làm phép để dùng vào việc phụng tự phải được xử dụng cách kính cẩn, không được dùng vào việc phàm tục hay bất xứng, cho dù những vật thánh ấy thuộc sở hữu của tư nhân.
 
Ðiều 1172: (1) Không ai được trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, nếu không được Bản Quyền sở tại ban phép đặc biệt và minh thị.
 
(2) Bản Quyền sở tại chỉ ban phép này cho linh mục đạo đức, nổi tiếng về học thức và khôn ngoan, cùng có đời sống vẹn toàn.
 
THIÊN 2: PHỤNG VỤ GIỜ  KINH
 
Ðiều 1173: Trong khi chu toàn nhiệm vụ tư tế của Ðức Kitô, Giáo Hội cử hành phụng vụ giờ kinh, nhờ đó Giáo Hội lắng nghe Thiên Chúa nói với dân Ngài, tưởng nhớ mầu nhiệm ơn cứu chuộc, ca tụng Ngài không ngớt bằng lời kinh và khẩn cầu phần rỗi cho cả thế giới.
 
Ðiều 1174: (1) Các giáo sĩ có nghĩa vụ buộc cử hành phụng vụ giờ kinh theo quy tắc của điều 276, triệt 2, số 3. Các phần tử của hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ có nghĩa vụ chiếu theo hiến pháp của họ.
 
(2) Tùy theo hoàn cảnh, cả các tín hữu khác cũng được tha thiết mời gọi tham dự phụng vụ giờ kinh, xét vì đó là hoạt động của Giáo Hội.
 
Ðiều 1175: Khi cử hành phụng vụ giờ kinh, hãy gắng giữ đúng thời khắc của mỗi giờ kinh, tùy mức độ có thể.
 
THIÊN 3: VIỆC AN TÁNG
 
Ðiều 1176: (1) Các tín hữu đã qua đời phải được an táng theo nghi thức Giáo Hội, do luật định.
 
(2) Qua lễ nghi an táng, Giáo Hội cầu xin ơn trợ giúp thiêng liêng cho người quá cố, tôn kính thi hài của họ, và đồng thời đem lại ủi an và hy vọng cho người còn sống. Các lễ nghi phải được cử hành đúng theo quy luật phụng vụ.
 
(3) Giáo Hội thiết tha khuyên nhủ nên duy trì phong tục đạo đức chôn cất thi hài người quá cố. Tuy nhiên, Giáo Hội không cấm hỏa táng, trừ khi nào sự hỏa táng được chọn lựa vì những lý do trái ngược với đạo lý Kitô giáo.
 
Chương I: Việc Cử Hành Lễ An Táng
 
Ðiều 1177: (1) Thường lệ, lễ an táng cho một tín hữu quá cố phải cử hành tại nhà thờ giáo xứ của người ấy.
 
(2) Tuy nhiên, mọi tín hữu hay những người lo tang lễ cho tín hữu quá cố, được phép lựa chọn một nhà thờ khác để cử hành lễ an táng, miễn là được vị quản đốc nhà thờ đồng ý, và phải thông báo cho Cha Sở riêng của người quá cố biết.
 
(3) Nếu ai chết ở ngoài giáo xứ riêng, và thi hài không được đem về đó, cũng không có nhà thờ nào được chọn lựa hợp lệ để cử hành tang lễ, thì lúc đó phải cử hành lễ an táng tại nhà thờ của giáo xứ nơi người ấy chết, trừ khi luật địa phương chỉ định thể khác.
 
Ðiều 1178: Lễ an táng của Giám Mục giáo phận phải được cử hành tại nhà thờ chính tòa của giáo phận, trừ khi chính Ngài đã chọn một nhà thờ khác.
 
Ðiều 1179: Lễ an táng của các tu sĩ hay các phần tử của tu đoàn tông đồ thường được cử hành tại nhà nguyện hay nhà thờ riêng, do cha Bề Trên, nếu đó là dòng tu hay tu đoàn giáo sĩ; và do cha tuyên úy trong những trường hợp khác.
 
Ðiều 1180: (1) Nếu giáo xứ có nghĩa trang riêng, thì phải mai táng các tín hữu quá cố ở đó, trừ khi chính người quá cố hay những người đứng lo mai táng, đã chọn lựa cách hợp lệ một nghĩa trang khác.
 
(2) Nếu không bị luật cấm, mọi người đều được phép chọn nghĩa trang để mai táng.
 
Ðiều 1181: Về phí tổn an táng, phải giữ khoản 1264. Tuy nhiên, phải tránh mọi sự thiên vị cá nhân, và đừng để người nghèo không được an táng xứng đáng.
 
Ðiều 1182: Sau khi an táng rồi, phải ghi tên người quá cố vào sổ tử theo luật địa phương.
 
Chương II: Những Người Ðược Hay Không Ðược Nhận An Táng Theo Nghi Thức Giáo Hội
 
Ðiều 1183: (1) Về việc an táng, các người dự tòng được đồng hóa với người Kitô hữu.
 
(2) Bản Quyền sở tại có thể ban phép cử hành an táng theo nghi thức Giáo Hội cho các trẻ em mà cha mẹ có ý rửa tội nhưng đã chết trước khi được rửa tội.
 
(3) Tùy theo sự phán đoán khôn ngoan, Bản Quyền sở tại có thể cho những người đã rửa tội và gia nhập vào một Giáo Hội hay Giáo Ðoàn ngoài công giáo, được an táng theo nghi lễ Giáo Hội, trừ khi biết rõ ý muốn ngược lại của họ và miễn là không thể có một thừa tác viên riêng để cử hành.
 
Ðiều 1184: (1) Nếu họ không tỏ một dấu hiệu thống hối nào trước khi chết, thì phải từ chối an táng theo nghi lễ Giáo Hội:
 
1. những người bội giáo, lạc giáo và ly giáo cách tỏ tường;
 
2. những người chọn hỏa táng thi hài của mình vì những lý do nghịch với Ðức Tin Kitô Giáo;
 
3. những tội nhân trống trải khác, mà việc an táng theo nghi thức Giáo Hội chắc chắn sẽ sinh gương xấu công khai cho các tín hữu.
 
(2) Khi gặp trường hợp hoài nghi, thì phải hỏi ý kiến Bản Quyền sở tại và làm theo sự phán quyết của Ngài.
 
Ðiều 1185: Người nào không được mai táng theo nghi thức Giáo Hội, thì cũng không được làm lễ quy lăng cho họ.
 
 
THIÊN 4: VIỆC TÔN KÍNH CÁC THÁNH ẢNH TƯỢNG VÀ HÀI CỐT
 
Ðiều 1186: Với mục đích cổ võ việc nên thánh của dân Chúa, Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Ðức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Ðức Kitô đặt làm Mẹ của cả loài người; cũng vậy, Giáo Hội cổ động lòng tôn kính chân chính và thành thực đối với các thánh, vì lẽ các tín hữu được kiên vững nhờ gương sáng và được nâng đỡ bởi lời bầu cử của các Ngài.
 
Ðiều 1187: Chỉ được phép tôn kính công khai những Tôi Tớ của Thiên Chúa đã được giáo quyền liệt kê vào sổ bộ chân phước hay hiển thánh.
 
Ðiều 1188: Tập tục trưng bày ảnh tượng thánh để tôn kính trong các nhà thờ cần được duy trì; tuy nhiên, phải giữ chừng mực về số lượng và thứ tự cân xứng, ngõ hầu không gây ngỡ ngàng cho dân Kitô Giáo, hoặc mở lối cho những lối sùng kính lệch lạc.
 
Ðiều 1189: Khi cần phải tu bổ những ảnh tượng quý giá, nghĩa là có giá trị cổ kính nghệ thuật hay văn hóa và được trưng bày để giáo dân tôn kính trong các nhà thờ hay nhà nguyện, thì chỉ được tiến hành việc tu sửa khi có phép bằng giấy tờ của Bản Quyền. Trước khi ban phép, Bản Quyền phải hội ý với những người chuyên môn.
 
Ðiều 1190: (1) Tuyệt đối cấm không được bán các hài cốt thánh.
 
(2) Nếu không có phép Tòa Thánh, thì sẽ vô hiệu việc chuyển nhượng bằng bất cứ cách nào hoặc di chuyển vĩnh viễn những di tích nổi tiếng và những vật thánh khác, mà dân chúng sùng kính đặc biệt.
 
(3) Ðiều quy định ở triệt 2 cũng có giá trị đối với các ảnh tượng được dân chúng sùng kính đặc biệt trong một nhà thờ nào đó.
 
Thiên 5: Lời Khấn Và Lời Thề
 
CHƯƠNG I: LỜI KHẤN
 
Ðiều 1191: (1) Lời khấn là lời hứa cách ý thức và thong dong đối với Thiên Chúa, về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được. Xét vì thuộc về đức thờ phượng, lời khấn buộc phải được chu toàn.
 
(2) Nếu không bị luật cấm, mọi người biết xử dụng trí khôn đều có năng cách tuyên khấn.
 
(3) Lời khấn bị thúc đẩy vì sợ hãi trầm trọng và bất công, hay bởi lường gạt, thì bị vô hiệu do chính pháp luật.
 
Ðiều 1192: (1) Lời khấn là công, nếu được Bề Trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội; đối lại, là lời khấn tư.
 
(2) Lời khấn là trọng thể nếu được Giáo Hội nhìn nhận như vậy; đối lại, là lời khấn đơn thường.
 
(3) Lời khấn là tòng nhân, nếu người khấn hứa đích thân thi hành; lời khấn là tòng vật, nếu hứa một đồ vật gì; lời khấn là hỗn hợp, nếu có dính líu tới bản chất vừa của lời khấn tòng nhân vừa của lời khấn tòng vật.
 
Ðiều 1193: Tự nó, lời khấn chỉ ràng buộc người đã tuyên.
 
Ðiều 1194: Lời khấn chấm dứt vì hết thời gian cam kết chu toàn nghĩa vụ; vì chất liệu đối tượng lời khấn đã thay đổi tận bản thể; vì không xảy ra điều kiện do đó lời khấn đã được đặt ra hay thiếu mục tiêu; vì sự miễn chuẩn; vì sự hoán cải.
 
Ðiều 1195: Ai có quyền hành trên chất liệu của lời khấn thì có thể đình chỉ nghĩa vụ của lời khấn, bao lâu việc thi hành lời khấn gây thiệt hại cho họ.
 
Ðiều 1196: Ngoại trừ Ðức Giáo Hoàng, những người sau đây, khi có lý do chính đáng, có thể chuẩn những lời khấn tư, miễn là việc chuẩn không phương hại đến quyền lợi thủ đắc của người khác:
 
1. Bản Quyền sở tại và Cha Sở, đối với những người thuộc quyền và cả những người lữ khách.
 
2. Bề Trên dòng tu hay tu đoàn tông đồ, nếu là dòng tu hay tu đoàn giáo sĩ thuộc luật Giáo Hoàng, đối với các phần tử, tập sinh và những người ngày đêm trọ trong nhà của dòng hay của tu đoàn.
 
3. Những người được Tòa Thánh và Bản Quyền sở tại đã ủy quyền miễn chuẩn.
 
Ðiều 1197: Một công việc đã hứa do lời khấn tư có thể được hoán cải ra một việc khác tốt hơn hay tương đương do chính người đã khấn; còn việc hoán cải ra một điều thiện kém hơn chỉ có thể cấp bởi người có quyền miễn chuẩn theo điều 1196.
 
Ðiều 1198: Những lời khấn đã tuyên trước khi khấn dòng sẽ bị đình chỉ, bao lâu đương sự còn ở trong dòng tu.
 
CHƯƠNG II: LỜI THỀ
 
Ðiều 1199: (1) Lời thề, nghĩa là việc kêu cầu danh Chúa để làm chứng cho sự thật, chỉ được tuyên trong chân lý, hợp lý và ngay chính.
 
(2) Lời thề do giáo luật đòi hỏi hay đón nhận, sẽ không thể được tuyên cách hữu hiệu bởi người đại diện.
 
Ðiều 1200: (1) Ai đã thề một cách thong dong rằng mình sẽ làm một việc gì, thì bị bó buộc, do nghĩa vụ riêng của đức thờ phượng, phải thi hành điều mà họ đã xác quyết bằng lời thề.
 
(2) Lời thề bị thúc đẩy vì bị lường gạt, bạo lực hoặc sợ hãi trầm trọng, thì vô hiệu do chính pháp luật.
 
Ðiều 1201: (1) Lời thề đoan hứa sẽ đi theo bản tính và những điều kiện của hành vi mà nó bổ sung.
 
(2) Nếu một hành vi trực tiếp làm hại người khác hoặc làm tổn thương công ích hay phần rỗi đời đời thì, dù được bổ sung bởi lời thề, hành vi ấy không cấu thành nghĩa vụ.
 
Ðiều 1202: Nghĩa vụ phát sinh do lời thề đoan hứa được chấm dứt:
 
1. Nếu được giải trừ bởi người mà lời thề đã tuyên vì ích lợi của họ.
 
2. Nếu chất liệu lời thề đã bị thay đổi tự bản chất; hoặc trở nên xấu xa hay hoàn toàn vô nghĩa bởi vì hoàn cảnh biến đổi; hoặc sau hết, nó làm cản trở sự thiện ích lớn hơn.
 
3. Bởi thiếu nguyên nhân chủ đích, hoặc thiếu điều kiện chính yếu của lời thề.
 
4. Do sự miễn chuẩn, sự hoán cải theo điều 1203.
 
Ðiều 1203: Ai có thể đình chỉ, miễn chuẩn, hoán cải lời khấn thì cũng có quyền như vậy đối với lời thề đoan hứa. Nhưng nếu việc miễn chuẩn lời thề gây thiệt hại cho người khác, và họ từ chối giải trừ nghĩa vụ, thì chỉ duy Tòa Thánh mới có thể miễn chuẩn lời thề ấy.
 
Ðiều 1204: Phải giải thích lời thề cách chặt chẽ theo quyền lợi và ý định của người thề. Nhưng nếu người này hành động do gian ý, thì phải giải thích theo ý hướng của người nhận lời thề.
 
Phần III: Các Nơi Thánh Và Thời Gian Thánh
 
THIÊN 1: NƠI THÁNH
 
Ðiều 1205: Nơi thánh là những nơi dành vào việc thờ phượng Thiên Chúa và việc mai táng các tín hữu, do sự cung hiến hay làm phép theo các quy định của sách phụng vụ.
 
Ðiều 1206: Việc cung hiến một nơi thì được dành cho Giám Mục giáo phận và những người được giáo luật đồng hóa với Giám Mục. Các Ngài có thể ủy nhiệm cho một Giám Mục nào khác, hay trong những trường hợp ngoại lệ, cho một linh mục, để cử hành việc cung hiến trong lãnh thổ của mình.
 
Ðiều 1207: Các nơi thánh được làm phép bởi Ðấng Bản Quyền; tuy nhiên, việc làm phép nhà thờ được dành cho Giám Mục giáo phận. Cả hai vị đều có thể thừa ủy cho một linh mục khác làm thay.
 
Ðiều 1208: Cần phải thảo văn kiện làm vi bằng về việc làm phép hay cung hiến nhà thờ cùng về việc làm phép nghĩa trang. Một bản được lưu trữ tại phủ giáo phận, một bản trong văn khố của nhà thờ.
 
Ðiều 1209: Việc cung hiến hay đã làm phép một nơi thì có thể được chứng minh do một nhân chứng đáng tin cập cũng đủ, miễn là không làm hại ai.
 
Ðiều 1210: Trong nơi thánh, chỉ được nhận điều gì giúp vào sự thi hành hay tăng gia việc thờ phượng, đạo đức, và tôn giáo; phải cấm những gì trái nghịch với sự thánh thiện của nơi thánh. Tuy nhiên, Bản Quyền có thể cho phép xử dụng vào những sinh hoạt khác, nhưng chỉ từng lần một, miễn là không trái với sự thánh thiện của nơi thánh.
 
Ðiều 1211: Các nơi thánh bị xúc phạm do những hành động bất xứng trầm trọng, sinh gương xấu cho giáo dân tại đó và, theo sự phán đoán của Bản Quyền sở tại, có tính cách nặng nề và trái nghịch với sự thánh thiện của nơi thánh đến nỗi không thể cử hành việc thờ phượng tại đó được nữa cho đến khi phạt tạ mọi bất xứng bằng một lễ nghi thống hối theo quy định của sách phụng vụ.
 
Ðiều 1212: Các nơi thánh mất sự cung hiến và làm phép, nếu bị phá hủy một phần lớn, hay bị xử dụng thường xuyên vào những công việc phàm tục, do một nghị định của Bản Quyền có thẩm quyền, hoặc do một sự kiện thực tế.
 
Ðiều 1213: Giáo quyền được tự do hành sử quyền bính và trách nhiệm của mình trong những nơi thánh.
 
Chương I: Nhà Thờ
 
Ðiều 1214: Danh từ nhà thờ được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công.
 
Ðiều 1215: (1) Nhà thờ chỉ được xây cất khi có sự đồng ý minh thị bằng giấy tờ của Giám Mục giáo phận.
 
(2) Giám Mục giáo phận chỉ nên ban phép sau khi đã tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và các linh mục quản đốc các nhà thờ kế cận, và Ngài xét thấy rằng nhà thờ mới sẽ sinh ích cho các linh hồn, cũng như không lo thiếu phương tiện xây cất nhà thờ và những sự cần thiết khác cho việc phượng tự.
 
(3) Các dòng tu, dù đã được Giám Mục giáo phận đồng ý cho lập tu việc trong giáo phận, cũng còn phải có sự đồng ý của Ngài trước khi xây nhà thờ trong một địa điểm chắc chắn và xác định.
 
Ðiều 1216: Khi xây và sửa nhà thờ, ngoài việc hỏi ý các nhà chuyên môn, cần phải tuân giữ những nguyên tắc và những quy luật của phụng vụ và nghệ thuật thánh nữa.
 
Ðiều 1217: (1) Khi đã hoàn tất việc xây cất, nhà thờ mới phải được cung hiến hay làm phép theo quy luật phụng vụ thánh càng sớm càng tốt.
 
(2) Các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, phải được cung hiến với nghi lễ trọng thể.
 
Ðiều 1218: Mỗi nhà thờ phải mang một tước hiệu riêng, và một khi đã cung hiến, không thể thay đổi tước hiệu nữa.
 
Ðiều 1219: Trong nhà thờ đã cung hiến hay làm phép hợp lệ, có thể cử hành tất cả các sinh hoạt phụng tự, nhưng phải tôn trọng các quyền lợi của giáo xứ.
 
Ðiều 1220: (1) Những người có trách nhiệm coi sóc nhà thờ phải lo giữ nhà thờ sạch sẽ và trang nghiêm, xứng đáng là nhà của Chúa, cùng ngăn cản tất cả những gì nghịch với sự thánh thiện của nơi ấy.
 
(2) Ðể giữ gìn các đồ vật thánh và quý giá, cần phải xử dụng những phương tiện bảo trì thường lệ và những biện pháp an ninh thích hợp.
 
Ðiều 1221: Việc lui tới nhà thờ trong giờ cử hành phụng tự phải được tự do và miễn phí.
 
Ðiều 1222: (1) Nếu một nhà thờ không còn cách nào có thể xử dụng vào việc phụng tự và không thể nào trùng tu được nữa, thì Giám Mục giáo phận có thể cho phép xử dụng vào công việc phàm tục không uế tạp.
 
(2) Khi có những lý do khác quan trọng xui khiến không tiện xử dụng một nhà thờ vào việc phụng tự nữa, thì Giám Mục giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và được sự thỏa thuận của những người có quyền lợi hợp lệ trong nhà thờ, có thể cho xử dụng vào việc phàm tục không uế tạp, miễn là không vì thế mà làm thiệt hại đến ích lợi của các linh hồn.
 
Chương II: Nhà Nguyện Và Phòng Nguyện
 
Ðiều 1223: Danh từ Nhà nguyện được hiểu là một nơi được Bản Quyền ban phép dành vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì ích lợi của một cộng đoàn hay một nhóm giáo dân lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, các giáo dân khác cũng có thể lui tới.
 
Ðiều 1224: (1) Bản Quyền chỉ được cho phép lập nhà nguyện sau khi đã đích thân hay nhờ người khác đến thị sát nơi muốn dành làm nhà nguyện, và thấy nơi ấy xứng đáng.
 
(2) Khi đã xin được phép rồi, nhà nguyện không được xử dụng vào công việc phàm tục nữa, nếu không có phép của chính Bản Quyền ấy.
 
Ðiều 1225: Trong nhà nguyện đã thiết lập hợp lệ, có thể cử hành mọi nghi lễ phụng vụ, trừ những gì mà giáo luật hay chỉ thị của Bản Quyền địa phương hạn chế, hay trái với quy luật phụng vụ.
 
Ðiều 1226: Danh từ Phòng nguyện được hiểu là nơi mà Bản Quyền địa phương cho phép dành vào việc thờ phượng vì ích lợi của một người hay một số người.
 
Ðiều 1227: Các Giám Mục có thể lập một phòng nguyện riêng cho mình. Phòng nguyện ấy được hưởng các quyền lợi như một nhà nguyện.
 
Ðiều 1228: Ðừng kể quy định của điều 1227, để cử hành thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác trong phòng nguyện tư, cần phải có phép của Bản Quyền sở tại.
 
Ðiều 1229: Nên làm phép nhà nguyện và phòng nguyện riêng theo nghi thức đã định trong sách phụng vụ; và phải dành riêng vào việc phụng tự, tránh xử dụng vào bất cứ công việc thường khác trong nhà.
 
Chương III: Thánh Ðiện
 
Ðiều 1230: Danh từ thánh điện được hiểu là một nhà thờ hay một nơi thánh khác, mà vì một lý do đạo đức đặc biệt, giáo dân thường xuyên lui tới hành hương, với sự chuẩn nhận của Bản Quyền sở tại.
 
Ðiều 1231: Ðể một thánh điện trở thành thánh điện toàn quốc, cần được sự chuẩn nhận của Hội Ðồng Giám Mục; để trở thành thánh điện quốc tế, cần được sự chuẩn nhận của Tòa Thánh.
 
Ðiều 1232: (1) Việc phê chuẩn quy chế của thánh điện giáo phận thuộc thẩm quyền của Bản Quyền sở tại; việc phê chuẩn quy chế của thánh điện toàn quốc thuộc thẩm quyền của Hội Ðồng Giám Mục; và chỉ Tòa Thánh mới có thẩm quyền phê chuẩn quy chế của thánh điện quốc tế.
 
(2) Trong quy chế phải xác định nhất là về mục đích, quyền hạn của vị quản đốc, quyền sở hữu và việc quản trị.
 
Ðiều 1233: Một số đặc ân có thể được ban cho các thánh điện mỗi khi thấy hoàn cảnh địa phương, số khách hành hương đông đảo và nhất là ích lợi của tín hữu đòi hỏi.
 
Ðiều 1234: (1) Tại các thánh điện, cần phải cung cấp dồi dào những phương thế cứu rỗi cho các tín hữu như: chuyên cần rao giảng Lời Chúa, cổ võ đời sống phụng vụ, đặc biệc bằng việc cử hành Thánh Lễ và việc thống hối, cũng như thực hành các hình thức đạo đức bình dân đã được công nhận.
(2) Những di tích tạ ơn bày tỏ lòng đạo đức và có giá trị nghệ thuật bình dân được trưng bày trong thánh điện hay các nơi kế cận, phải được duy trì và gìn giữ an toàn.

Chương IV: Bàn Thờ

Ðiều 1235: (1) Bàn thờ, tức là bàn trên đó cử hành Hy Lễ Thánh Thể, được nói là cố định khi nó được xây gắn liền với nền nhà đến nỗi không thể xê dịch được; là lưu động nếu có thể xê dịch được.

(2) Trong mỗi nhà thờ nên có một bàn thờ cố định; còn ở những nơi khác dành cho việc cử hành phụng vụ, bàn thờ có thể là cố định hay lưu động.

Ðiều 1236: (1) Theo tập tục lưu truyền của Giáo Hội, mặt bàn thờ cố định phải làm bằng đá, và hơn nữa, bằng một tảng đá tự nhiên duy nhất. Tuy nhiên, mặt bàn thờ cũng có thể làm bằng chất liệu khác, xứng đáng và vững chắc tùy theo sự phán đoán của Hội Ðồng Giám Mục. Chân hay đế bàn thờ có thể làm bằng chất liệu khác.

(2) Bàn thờ lưu động có thể làm bằng bất cứ chất liệu gì vững chắc thích hợp với công tác phụng vụ.
Ðiều 1237: (1) Bàn thờ cố định phải được cung hiến; bàn thờ lưu động phải được cung hiến hay làm phép theo nghi thức trong sách phụng vụ.

(2) Cần giữ tập truyền lâu đời lưu giữ hài cốt các vị tử đạo hay các thánh khác dưới bàn thờ cố định, theo quy luật của sách phụng vụ.

Ðiều 1238: (1) Bàn thờ mất sự cung hiến hay làm phép theo điều 1212.
(2) Bàn thờ cố định hay lưu động không mất sự cung hiến hay làm phép dù khi bàn thờ hay nơi thánh bị xử dụng vào việc phàm tục.

Ðiều 1239: (1) Bàn thờ, dù cố định hay lưu động, chỉ được dành riêng cho việc phụng tự; tuyệt đối phải loại trừ mọi xử dụng phàm tục.

(2) Không được chôn táng xác chết dưới bàn thờ; trong trường hợp ngược lại, không được phép cử hành Thánh Lễ trên bàn thờ ấy.

Chương V: Nghĩa Trang

Ðiều 1240: (1) Nơi nào có thể, phải có nghĩa trang riêng của Giáo Hội, hay ít ra một khoảng trong nghĩa trang dân sự được dành riêng cho các tín hữu đã qua đời, và phải làm phép thích đáng.

(2) Nếu không thể có nghĩa trang như trên, thì phải làm phép các phần mộ từng lần một.

Ðiều 1241: (1) Các giáo xứ và các dòng tu có thể có nghĩa trang riêng.

(2) Các pháp nhân khác và các gia đình cũng có thể có phần mộ hay nghĩa trang riêng, và có thể được làm phép theo phán đoán của Bản Quyền sở tại.

Ðiều 1242: Không được táng xác trong nhà thờ; tuy nhiên, thi hài của Ðức Giáo Hoàng, các Hồng Y hay các Giám Mục giáo phận, dù hồi hưu, được phép an táng trong nhà thờ riêng.

Ðiều 1243: Luật địa phương phải ấn định các quy luật thích hợp cần giữ về nghĩa trang, đặc biệt để bảo vệ và đề cao tính cách thánh thiện của nó.

 
THIÊN 2: THỜI GIAN THÁNH

Ðiều 1244: (1) Duy quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thẩm quyền thiết lập, chuyển dịch, bãi bỏ những ngày lễ, cũng như những ngày thống hối chung cho toàn thể Giáo Hội, tuy vẫn giữ giá trị của điều 1246, triệt 2.

(2) Các Giám Mục giáo phận có thể ấn định những ngày lễ hay những ngày thống hối riêng cho giáo phận hay địa phương của các Ngài, nhưng chỉ từng trường hợp thôi.

Ðiều 1245: Ðừng kể quyền của các Giám Mục giáo phận nói đến trong điều 87, Cha Sở, khi có lý do chính đáng và theo chỉ thị của Giám Mục giáo phận, có thể miễn chuẩn từng lần nghĩa vụ phải giữ ngày lễ hay ngày thống hối, hoặc thay thế bằng việc đạo đức khác. Bề Trên dòng tu hay tu đoàn tông đồ, nếu là dòng giáo sĩ thuộc luật Giáo Hoàng, có quyền miễn chuẩn như Cha Sở đối với các thuộc cấp và những người khác ngày đêm trọ trong nhà.

Chương I: Các Ngày Lễ

Ðiều 1246: (1) Ngày Chủ Nhật, tức ngày cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, do truyền thống từ các thánh tông đồ, phải được giữ trong toàn thể Giáo Hội như ngày lễ trọng nguyên khởi bắt buộc. Ngoài ra, còn phải giữ các ngày lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu, lễ Hiển Linh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu, lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ, lễ Các Thánh.

(2) Tuy nhiên, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh, Hội Ðồng Giám Mục có thể bỏ bớt vài ngày lễ buộc hay chuyển dời qua ngày Chủ Nhật.

Ðiều 1247: Vào ngày Chủ Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ, và hơn nữa, kiêng làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở sự thờ phượng Thiên Chúa, sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa, hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác.

Ðiều 1248: (1) Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi công giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ.

(2) Nếu không có tác viên thánh hay vì lý do quan trọng khác khiến cho việc tham dự Thánh Lễ không thể thực hiện được, thì phải hết sức khuyên nhủ giáo dân tham dự phụng vụ Lời Chúa, nếu được cử hành trong nhà thờ xứ hay tại một nơi thánh khác theo như chỉ thị của Giám Mục giáo phận; hoặc dành một thời giờ phải chăng để cầu nguyện, cách riêng tư hay với gia đình, hoặc nếu thuận tiện, với cả liên gia.

Chương II: Các Ngày Thống Hối

Ðiều 1249: Luật Chúa buộc mọi tín hữu làm việc thống hối theo cách thức riêng của mỗi người. Nhưng để các tín hữu liên kết với nhau trong một vài nghĩa vụ thống hối chung, luật quy định những ngày thống hối, để trong những ngày ấy, các tín hữu chú trọng đặc biệt đến sự cầu nguyện, thi hành việc đạo đức và việc bác ái, từ bỏ bản thân, bằng cách trung thành chu toàn các bổn phận riêng và nhất là bằng cách giữ chay và kiêng thịt, dựa theo các điều luật sau đây.

Ðiều 1250: Những ngày và mùa thống hối chung cho toàn thể Giáo Hội là các ngày thứ sáu trong năm và mùa chay.

Ðiều 1251: Vào các ngày thứ sáu, nếu không trùng với ngày lễ trọng, thì phải giữ việc kiêng thịt hay kiêng một thức ăn khác theo Hội Ðồng Giám Mục đã quy định. Vào ngày thứ tư Lễ Tro và ngày thứ sáu Tuần Thánh kính nhớ sự Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu Kitô, phải giữ việc kiêng thịt và ăn chay.

Ðiều 1252: Luật kiêng thịt buộc những người đã 14 tuổi trọn. Luật ăn chay buộc hết mọi người đã đến tuổi trưởng thành cho tới lúc bắt đầu 60 tuổi. Tuy nhiên, các Chủ Chăn và các phụ huynh phải lo dạy cho các em chưa đến tuổi buộc ăn chay và kiêng thịt để chúng hiểu biết ý nghĩa đích thực của việc thống hối.

Ðiều 1253: Hội Ðồng Giám Mục có thể xác định rõ rệt hơn việc giữ chay và kiêng thịt, cũng như thay thế chúng cách toàn phần, hay từng phần bằng những hình thức thống hối khác, nhất là bằng những việc từ thiện và việc đạo đức.

XEM TIẾP QUYỂN V: TÀI SẢN CỦA GIÁO HỘI

G. Trần Ðức Anh, OP( Theo Radio Vatican)

Nguồn: http://gpcantho.com/ArticlesDetails.aspx?ArticlesID=458#_Toc292198790
TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT