![Header](/_next/image?url=https%3A%2F%2Fapi.client.giaophanphucuong.org%2Fstorage%2Fimages%2F097f4a4f-f12e-abdc-e0d8-22a8a4f8fa48.jpg&w=1920&q=75)
Giáo lý 10 điều răn - Điều răn 4 - Đức Giáo Hoàng Phanxicô
![avatar](/webp/logo-for-web.webp)
Giáo Lý Đức Tin
Điều Răn Thứ Tư Hãy Thảo Kính Cha Mẹ
Anh Chị Em thân mến,
Trong hành trình giáo lý về Mười Lời, hôm nay chúng ta sẽ đến với Điều răn thứ tư bàn về việc thảo kính cha mẹ. Điều răn này nhắc nhớ chúng ta về sự thảo kính đối với bậc sinh thành. Nhưng “sự thảo kính” ấy nghĩa là gì? Thuật ngữ Do Thái của từ này diễn tả vinh dự, giá trị, theo nghĩa đen là “tầm quan trọng”, tương xứng với thực tại. Đây không phải là vấn đề hình thức bề ngoài, nhưng là vấn đề sự thật. Theo Thánh Kinh, tôn thờ Thiên Chúa có nghĩa là nhìn nhận sự thật về Ngài, chân nhận sự hiện diện của Ngài; việc tôn thờ này cũng được biểu thị qua các nghi lễ, nhưng trên tất cả, nó có nghĩa là dành cho Thiên Chúa vị trí xứng hợp trong cuộc sống. Hiểu như thế, việc thảo kính cha mẹ cũng có nghĩa là nhìn nhận tầm quan trọng của các ngài bằng những hành động thực tiễn, diễn tả sự dâng kính, yêu thương và chăm sóc. Tuy nhiên, việc thảo kính còn ý nghĩa hơn những điều đó.
Lời thứ tư có một đặc tính riêng biệt: điều răn này hàm chứa một hệ quả. Thật thế, điều răn này nói rằng: “ Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi; để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi ” (Đnl 5,16). Việc thảo kính cha mẹ dẫn tới một đời sống trường thọ và hạnh phúc. Trong trình thuật Mười Lời, thuật ngữ “hạnh phúc” chỉ xuất hiện ở đây trong sự nối kết cùng mối tương quan với cha mẹ.
Sự khôn ngoan này, được đúc kết từ nhiều thiên niên kỷ trước, diễn tả điều mà các ngành khoa học nhân văn chỉ mới xác minh được từ hơn một thế kỷ thôi, đó là: dấu ấn tuổi thơ sẽ tác động đến suốt cả đời sống chúng ta. Điều đó thường cũng dễ hiểu nơi một người trưởng thành trong một môi trường lành mạnh và quân bình. Nhưng cũng dễ hiểu nơi một người đã từng nếm trải sự bỏ mặc hay bạo lực. Tuổi thơ của chúng ta cũng tựa như vết mực khó phai, biểu hiện rõ nơi những sở thích, trong những lối sống, ngay cả khi một số người cố che giấu những thương tổn về gốc gác của chính mình.
Nhưng điều răn thứ tư còn nói với chúng ta nhiều hơn thế nữa. Điều răn này không nói về sự tốt lành của bậc cha mẹ, cũng không đòi những người làm cha làm mẹ phải hoàn hảo. Điều răn này nói đến chính hành động của những đứa con, không xét đến công đức của cha mẹ mình, và cũng đề cập tới một điều gì đó ngoại thường và mang tính giải phóng: cho dẫu không phải mọi cha mẹ đều tốt lành, cũng như không phải mọi tuổi thơ đều được sống thanh bình, nhưng mọi đứa trẻ đều có thể hạnh phúc, bởi lẽ việc đạt được một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc tùy thuộc vào sự nhìn nhận thích đáng đối với những ai đã mang chúng ta đến thế giới này.
Chúng ta hãy nghĩ xem Lời này có thể có giá trị xây dựng biết bao cho nhiều người trẻ xuất thân từ những câu chuyện đau thương, cũng như cho những người đã phải đau khổ nhiều trong giai đoạn tuổi trẻ của mình. Nhiều vị thánh - và vô số các Kitô hữu - sau tuổi thơ bất hạnh, đã sống một cuộc đời chói sáng, bởi họ đã được giao hòa với cuộc sống, nhờ Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hãy nhìn xem, bạn trẻ Sulprizio - một chân phước, và tháng tới sẽ được tuyên thánh - đã mất đi lúc 19 tuổi, trong sự hòa giải với rất nhiều biến cố, dù phải gặp nhiều đau thương, chỉ vì trái tim anh đã bình an và không bao giờ chối bỏ cha mẹ mình. Chúng ta cũng hãy nghĩ về Thánh Camillus de Lellis, dù trải qua tuổi thơ đầy biến loạn nhưng cũng đã làm nên một đời sống yêu thương và phục vụ; hay về Thánh Josephine Bakhita, một thiếu nữ phải lớn lên trong cảnh nô lệ đầy khiếp đảm; hay về chân phước Carlo Gnocchi mồ côi và nghèo khổ; và về chính Thánh Gioan Phaolô II khi đời ngài được ghi dấu bằng việc mồ côi mẹ thuở còn non yếu…
Dù phát xuất từ bối cảnh nào, con người đều nhận được từ điều răn này lối đường dẫn tới Đức Kitô: thật vậy, nơi Người phản chiếu dung nhan Chúa Cha, Đấng mời gọi chúng ta “ sinh lại bởi ơn trên ” (x. Ga 3,3-8). Điều bí ẩn của đời sống chúng ta được soi sáng khi chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa luôn chuẩn bị cho ta một cuộc đời làm con của Ngài, trong cuộc đời ấy, mỗi hành động của chúng ta là một sứ vụ lãnh nhận từ nơi Ngài.
Những vết thương của chúng ta sẽ bắt đầu trở thành những năng lực khi nhờ ân sủng chúng ta khám phá ra rằng điều bí ẩn thật sự không còn là “tại sao?” nữa, nhưng là “cho ai?”: điều này xảy đến với tôi là vì ai, cho ai? Vì mục đích nào mà Thiên Chúa đã nắn đúc tôi xuyên suốt lịch sử đời tôi? Khi đó, mọi thứ trở nên đảo chiều; mọi thứ trở nên quý giá; và mọi thứ đều mang giá trị xây dựng. Làm sao mà cả kinh nghiệm đau đớn buồn chán của tôi, trong ánh sáng tình thương, lại có thể trở nên nguồn mạch cứu độ cho người khác - “cho ai đó”? Như thế, chúng ta có thể bắt đầu thảo kính cha mẹ với sự tự do của những người con trưởng thành và với thái độ đón nhận đầy thương xót đối với các giới hạn của các ngài.
Hãy thảo kính cha mẹ: các ngài đã cho ta sự sống! Nếu bạn đang còn xa cách cha mẹ thì hãy cố gắng quay về, trở về với họ; có lẽ họ đang già đi mất rồi… Cha mẹ đã cho bạn sự sống. Vậy mà, chúng ta thường có thói quen nói xấu, thậm chí nói những điều tồi tệ… Xin đừng, đừng bao giờ lăng mạ cha mẹ người khác! Đừng bao giờ! Chúng ta không bao giờ được phép sỉ nhục một người làm cha làm mẹ nào cả! Không bao giờ! Không bao giờ! Chính bạn phải quyết định trong lòng: kể từ nay, tôi sẽ không bao giờ lăng mạ cha hay mẹ của ai khác nữa. Họ đã trao ban sự sống! Không bao giờ được phép xúc phạm đến họ!
Cuộc sống diệu kì này được trao tặng cho chúng ta chứ không phải áp đặt lên chúng ta: tái sinh trong Đức Kitô là một hồng ân cần được đón nhận trong tự do (x. Ga 1,1113), và đó là kho tàng Bí tích Rửa tội của chúng ta, trong bí tích này, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta chỉ có một Cha duy nhất là Đấng ngự trên trời (x. Mt 23,9; 1Cr 8,6; Ep 4,6). Xin cám ơn mọi người!