Header

Giáo lý 10 điều răn - Điều răn 5 - Đức Giáo Hoàng Phanxicô

avatarby
24/08/2022
823
Bài giáo lý hôm nay được dành riêng cho Lời thứ năm: ngươi không được giết người. Điều răn thứ năm: ngươi không được giết người. Vậy giá trị cơ bản trong các mối tương quan giữa con người là gì? Đó là giá trị sự sống1. Vì vậy, ngươi không được giết người. 10 điều răn, giáo lý, ĐGH Phanxicô, Giáo phận phú Cường,truyền thông phú cường, truyền thông giáo phận phú cường, phú cường,

Giáo Lý Đức Tin
Điều Răn Thứ Năm Chớ Giết Người

Anh Chị Em thân mến,

Bài giáo lý hôm nay được dành riêng cho Lời thứ năm: ngươi không được giết người. Điều răn thứ năm: ngươi không được giết người. Chúng ta đã ở phần thứ hai của Mười Điều răn, phần này đề cập đến các mối tương quan với tha nhân. Cũng vậy, với công thức ngắn gọn và rõ ràng, điều răn này nổi lên như một bức tường thành để bảo vệ các giá trị cơ bản của các mối tương quan giữa người với người. Vậy giá trị cơ bản trong các mối tương quan giữa con người là gì? Đó là giá trị sự sống1. Vì vậy, ngươi không được giết người

Chúng ta có thể nói rằng mọi sự ác xảy ra trên thế gian này được tóm gọn trong điều này: sự khinh thường đối với sự sống. Sự sống bị tấn công bởi chiến tranh, bởi các tổ chức bóc lột con người chúng ta đọc trên các tờ báo hoặc thấy trên các bản tin nhiều sự thật – bởi những suy diễn về sự sáng tạo, bởi nền văn hóa vứt bỏ và bởi mọi hệ thống bắt buộc con người phải làm nô dịch cho những toan tính cơ hội, trong khi tồn tại một số lớn những người phải sống trong tình trạng không xứng hợp với nhân loại. Đó là sự xúc phạm đối với sự sống, nghĩa là giết người cách nào đó.

Một lối tiếp cận tự mâu thuẫn thậm chí còn cho phép chấm dứt sự sống của con người khi còn trong bụng mẹ, nhân danh việc bảo vệ các quyền lợi khác. Nhưng làm sao một hành động vốn kết liễu một mầm sống vô tội, không có khả năng tự vệ và đang trong giai đoạn phôi thai lại được cho là giải pháp trị liệu, văn minh hay đơn giản là nhân văn? Tôi hỏi anh chị em: liệu có đúng khi ‘loại bỏ’ một mạng sống con người để giải quyết một vấn đề? Liệu có đúng chăng khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề? Chỉ một mạng sống thôi cũng không thể giết. Quả là không đúng khi ‘loại bỏ’ một mạng người, dù là nhỏ bé, để giải quyết một vấn đề. Điều đó giống như việc thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề vậy.

Tất cả những điều đó đến từ đâu? Bạo lực và việc loại bỏ sự sống; chúng thực sự đến từ đâu? Từ sự sợ hãi. Thật vậy, tiếp nhận người khác là một thách thức đối với chủ nghĩa cá nhân. Ví dụ, chúng ta thử nghĩ về thời điểm phát hiện ra một mầm sống mới bị khuyết tật, thậm chí là một khuyết tật nghiêm trọng. Trong những trường hợp thương tâm này, bậc làm cha mẹ cần sự gần gũi thực sự, sự liên đới thực sự để đối mặt với thực tế và vượt qua những nỗi sợ hãi vốn có thể cảm thông được. Tuy nhiên, họ thường nhận được những lời khuyên vội vàng là ngừng thai (interrupt the pregnancy). Thật ra, lối diễn tả “ngừng thai” có nghĩa là trực tiếp “loại bỏ một con người”. Một con trẻ bệnh tật thì cũng giống như bất kỳ người nghèo túng nào đó trên mặt đất này, như một người già cần đến sự giúp đỡ, như nhiều người nghèo đang phải vật lộn để kiếm sống. Con trẻ bệnh tật ấy, được nhìn như một vấn đề, thực tế lại là một món quà từ Thiên Chúa, vốn có thể cứu tôi thoát khỏi chủ nghĩa ích kỷ và giúp tôi lớn lên trong tình yêu thương. Sự sống dễ bị tổn thương ấy lại chỉ cho chúng ta lối thoát, con đường cứu chúng ta khỏi lối sống cô lập nơi chính mình, để khám phá ra niềm vui yêu thương. Và ở đây tôi xin dừng lại để cảm ơn, cảm ơn rất nhiều tình nguyện viên, cảm ơn tinh thần thiện nguyện mạnh mẽ của nước Ý, tinh thần thiện nguyện mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết đến. Xin cảm ơn.

Và điều gì khiến con người loại bỏ sự sống? Đó là những ngẫu tượng của thế gian này: tiền bạc – tốt hơn hết nên loại bỏ người này đi vì giữ lại sẽ rất tốn kém – quyền lực, thành công. Đây là những thông số sai lầm để lượng giá sự sống. Thước đo sự sống đáng tin cậy duy nhất là gì? Đó là tình yêu, thứ tình yêu mà Thiên Chúa yêu! Tình yêu mà Thiên Chúa yêu sự sống: đó là thước đo. Tình yêu mà Thiên Chúa yêu mọi mạng sống con người.

Thật ra, ý nghĩa tích cực của Lời “ngươi không được giết người” là gì? Là thế này: Thiên Chúa “yêu sự sống”, như chúng ta vừa nghe trong đoạn trích Kinh Thánh. Bí ẩn sự sống được mặc khải cho chúng ta qua cách thức đối xử với sự sống của Con Thiên Chúa làm người, đến độ đảm nhận từ trên Thập giá mọi sự ruồng rẫy, yếu đuối, nghèo hèn và đau khổ (x. Ga 13,1): trong mỗi con trẻ bệnh tật, trong mỗi người già yếu, trong mỗi người di cư tuyệt vọng, trong mỗi sự sống mong manh và bị đe dọa. Đức Kitô đang tìm kiếm chúng ta (x. Mt 25,34-46), Người đang tìm kiếm trái tim chúng ta, để khai mở cho chúng ta hiểu niềm vui yêu thương.

Thật đáng giá để đón nhận mỗi đời sống vì mỗi người đều mang giá máu của chính Đức Kitô (x. 1 Pr 1,18-19). Chúng ta không thể khinh thường những gì Thiên Chúa đã yêu thương rất nhiều! Chúng ta phải nói với những người nam và nữ trên thế giới: đừng khinh thường sự sống! Mạng sống của người khác, cũng như mạng sống của chính mình bởi vì Điều răn “ngươi không được giết người” cũng áp dụng cho mạng sống của chính mình.

Cần phải nói cho những người trẻ biết: đừng khinh thường mạng sống của bạn. Hãy dừng việc loại bỏ công trình của Thiên Chúa! Bạn là công trình của Thiên Chúa! Đừng hạ thấp bản thân, đừng khinh thường bản thân bằng những nghiện ngập vốn sẽ hủy hoại bạn và dẫn bạn đến sự chết!”

Xin đừng có ai đo lường sự sống bằng những dối lừa của thế gian này, nhưng thay vào đó, xin mỗi người hãy tiếp nhận chính mình và người khác nhân danh Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta. Người là Đấng “yêu quý sự sống”: điều này thật đẹp. “Thiên Chúa là Đấng yêu quý sự sống”. Và tất cả chúng ta đều quý giá đối với Ngài, đến nỗi Ngài đã sai Con của Ngài đến cho chúng ta. Thật vậy, Tin Mừng nói: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để tất cả những ai tin ở Con của Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga

3,16).

Chúng ta đã nhấn mạnh là Điều răn này mặc khải đặc tính quý giá, thiêng liêng và bất khả xâm phạm của sự sống con người trong mắt Thiên Chúa. Không ai có thể khinh thường mạng sống của bản thân hoặc của người khác; thật vậy, con người tự thân mang hình ảnh Thiên Chúa và là đối tượng của tình yêu vô bờ bến của Ngài, dù bất cứ hoàn cảnh nào, nơi họ được gọi vào hiện hữu

Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta một ý nghĩa sâu sắc hơn về Điều răn này. Người khẳng định rằng, trước tòa Thiên Chúa, ngay cả việc nổi giận với anh chị em của mình thôi cũng là một hình thức giết người. Đây là lý do tại sao Thánh Gioan Tông đồ đã viết: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga 3,15). Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở điều đó, và theo cùng một lý lẽ, Người nói thêm rằng ngay cả lời xúc phạm và khinh thường cũng có thể giết chết. Và dường như chúng ta đã quen với việc xúc phạm, đó là sự thật. Chúng ta có xu hướng xúc phạm như việc thở ra vậy. Và Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Hãy dừng lại, vì một lời xúc phạm gây tổn hại; nó giết chết”. Sự khinh thường. “Nhưng tôi ghét cay ghét đắng những người này, con người này nè”. Và đó là một cách giết chết phẩm giá của một con người. Thật tốt nếu lời dạy này của Chúa Giêsu đi vào tâm trí chúng ta, và mỗi chúng ta sẽ nói: “Tôi sẽ không bao giờ xúc phạm ai cả”. Đó sẽ là một mục tiêu tốt, vì Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Hãy nhìn xem, nếu con khinh thường, nếu con xúc phạm, nếu con thù ghét, đó là giết người đấy.”

Không một bộ luật nhân loại nào đặt ngang hàng các hành vi khác nhau như vậy, khi xác định cho chúng cùng một mức độ công lý. Và một cách nhất quán, Chúa Giêsu còn khuyên dạy chúng ta nên dừng việc dâng của lễ trong đền thờ nếu chúng ta nhớ rằng mình đã xúc phạm một người, để đi tìm người ấy và làm hòa với họ. Cũng vậy, khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta nên có thái độ hòa giải như thế với những người mà chúng ta từng có những mối bất hòa. Ngay cả khi chúng ta đã nghĩ xấu về họ, thì chúng ta đã xúc phạm đến họ rồi. Nhưng nhiều lần, khi chờ linh mục đến dâng Thánh Lễ, chúng ta lại buôn chuyện một chút và bắt đầu nói xấu người khác. Nhưng chúng ta không thể làm điều này. Chúng ta hãy nghĩ về tính nghiêm trọng của một sự xúc phạm, sự khinh bỉ, sự thù hận: Chúa Giêsu đặt chúng ngang bằng với tội giết người Chúa Giêsu muốn nói gì khi mở rộng phạm vi của Lời thứ năm đến điều đó? Con người có đời sống cao quý, rất nhạy cảm, và có một cái ‘tôi’ tiềm ẩn cũng quan trọng như hiện hữu thể lý của họ vậy. Thật thế, một lời nói không đúng lúc cũng đủ xúc phạm đến sự ngây thơ của một đứa trẻ. Một cử chỉ lạnh lùng cũng đủ làm tổn thương một người phụ nữ. Để làm tan nát trái tim của một người trẻ chỉ cần đánh mất đi lòng tin của người ấy. Để hủy diệt một con người, chỉ cần bỏ mặc người ấy. Sự dửng dưng là giết người. Điều đó giống như nói với người khác: ‘đối với tôi, anh đã chết rồi’, vì bạn đã giết chết người ấy trong lòng bạn. Không yêu thương là bước đầu tiên đưa đến việc giết người; và không giết chết là bước đầu tiên để yêu thương.

Khởi đầu Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy cụm từ khủng khiếp phát ra từ môi miệng của kẻ sát nhân đầu tiên là Cain, sau khi Thiên Chúa hỏi anh ta rằng em anh ta ở đâu. Cain trả lời: “Con không biết, con là người giữ em con hay sao?” (St 4,9)1. Đây là cách mà những kẻ sát nhân thường nói: ‘không liên can gì tới tôi’, ‘đó là chuyện của anh’, và những khẳng định tương tự như thế. Chúng ta thử trả lời câu hỏi này: chúng ta là những người canh giữ anh chị em mình ư? Vâng, đúng như vậy! Chúng ta là những người canh giữ của nhau! Và đây là con đường dẫn đến sự sống; đó là con đường không giết chóc.

Đời sống con người cần đến tình yêu. Vậy tình yêu đích thực là gì? Đó là điều mà Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta, ấy là lòng thương xót. Thứ tình yêu mà chúng ta không thể không cần đến chính là sự tha thứ, nghĩa là đón nhận những người đã gây tổn hại cho chúng ta. Không ai trong chúng ta có thể tồn tại nếu không có lòng thương xót; tất cả chúng ta đều cần đến ơn tha thứ. Vì vậy, nếu việc giết chết có nghĩa là hủy diệt, chấm dứt, loại trừ một ai đó, thì việc không giết chết có nghĩa là quan tâm, đề cao, đón nhận. Và cũng có nghĩa là tha thứ.

Không ai có thể tự dối mình: “Tôi ổn vì tôi không làm gì sai cả”. Một khoáng chất hay thực vật có kiểu tồn tại này, tuy nhiên, con người thì không. Một con người – nam hay nữ – thì không như thế. Một con người, cả nam lẫn nữ, đều được đòi hỏi nhiều hơn thế. Có điều thiện cần được thực thi, được trang bị cho mỗi chúng ta, mỗi người phần riêng mình, điều thiện vốn làm cho chúng ta trở nên chính mình tận thâm tâm. “Ngươi không được giết người” là một lời kêu gọi hướng đến tình yêu và lòng thương xót; đó là lời kêu gọi sống theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mạng sống mình vì chúng ta và đã sống lại cho chúng ta. Trước đây, tại Quảng trường này, tất cả chúng ta đã cùng nhau nhắc lại câu nói của một vị thánh về điều trên. Có lẽ câu này sẽ giúp ích cho chúng ta: “Không làm điều sai trái là tốt, nhưng không làm điều tốt là sai trái”. Chúng ta phải luôn làm điều tốt; hãy tiến thêm một bước xa hơn nữa.

Qua việc nhập thể, Chúa đã thánh hóa sự hiện hữu của chúng ta; bởi máu của mình, Người đã làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên vô giá; nhờ Người, “Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3,15), mỗi người trong chúng ta trở nên một món quà của Chúa Cha. Trong Người, trong tình yêu mạnh hơn sự chết của Người, và nhờ quyền năng của Thần Khí mà Chúa Cha ban cho chúng ta, chúng ta có thể đón nhận Lời “Ngươi không được giết người” như lời gọi quan trọng và thiết yếu nhất, nghĩa là: “Ngươi không được giết người” diễn tả lời gọi sống yêu thương.

TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT