
Giáo lý 10 điều răn - Điều răn 6, 9 - Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Giáo Lý Đức Tin
Điều Răn Thứ Sáu Và Thứ Chín Chớ Ngoại Tình
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, lộ trình giáo lý của chúng ta về Mười Lời dẫn chúng ta đến Lời thứ sáu, đề cập đến lãnh vực tình cảm và tính dục, khi dạy rằng: “ Ngươi không được ngoại tình ”.
Điều răn này trực tiếp kêu gọi lòng trung thành, và thực vậy, không có mối tương quan nào giữa con người là chân thực mà không có sự trung thành và trung thực.
Người ta không thể chỉ yêu bao lâu thấy còn ‘ích lợi’, tình yêu chỉ biểu tỏ thật sự khi người ta biết vượt qua ngưỡng cửa tư lợi, để cho đi cách trọn vẹn. Như Giáo lý dạy: “ Tình yêu phải là vĩnh viễn; tình yêu không thể chỉ tồn tại ‘cho tới khi có một quyết định mới’ .” (GLGHCG,1646). Lòng trung thành là yếu tính của mối tương quan tự do, trưởng thành và trách nhiệm giữa con người với nhau. Cũng thế, những người bạn chứng tỏ họ là bằng hữu đích thật vì họ vẫn là bằng hữu trong mọi hoàn cảnh, bằng không họ không còn là những người bạn. Đức Kitô tỏ cho chúng ta thấy tình yêu chân thật; nhờ sống trong tình yêu vô biên của Chúa Cha, Người trở nên người Bạn trung thành luôn đón nhận chúng ta cả khi chúng ta sai lỗi, và luôn muốn điều tốt lành cho chúng ta cho dù chúng ta bất xứng.
Con người cần được yêu thương vô điều kiện và những ai không nhận được một tình yêu như thế sẽ mang trong lòng mình một sự trống vắng nào đó mà họ thường không hay biết. Trái tim con người tìm cách lấp đầy sự trống vắng ấy bằng những thay thế, chấp nhận những thỏa hiệp và những điều tầm thường vốn chỉ mang hương vị mơ hồ của tình yêu. Mối nguy cơ hệ tại việc họ gọi những mối tương quan hời hợt và chưa trưởng thành ấy là ‘tình yêu’, với ảo tưởng sẽ tìm thấy tia sáng cho cuộc đời nơi những điều mà giỏi lắm chỉ là một tia phản chiếu của tình yêu đích thật mà thôi.
Do đó, có thể xảy ra trường hợp, chẳng hạn, người ta chú ý thái quá đến sự hấp dẫn của thân xác, điều vốn tự nó là một ân ban của Thiên Chúa, nhưng chỉ nhằm mở đường cho một mối tương quan chân thực và trung thành với một con người. Như Thánh Gioan Phaolô II thường nói: con người “ được kêu gọi đạt đến một sự hồn nhiên trong những mối tương quan trọn vẹn và trưởng thành ”, vốn là “ kết quả tiệm tiến của việc phân định những rung động nơi chính tâm hồn mình ”. Đó là điều cần đạt đến, bởi vì mỗi người phải “ học biết ý nghĩa của thân xác mình cách kiên quyết và bền đỗ ” (x. Bài Giáo lý,12.11.1980).
Vì vậy, ơn gọi hướng đến đời sống hôn nhân đòi hỏi một sự phân định thật cẩn thận về phẩm chất của mối tương quan và một thời gian đính hôn cần thiết để chấp thuận nó. Để tiến tới Bí tích Hôn phối, hai người đã đính hôn phải xác tín chắc chắn rằng, trong mối liên kết của họ có sự hiện diện của bàn tay Thiên Chúa, Đấng dẫn đường và đồng hành với họ, nhờ đó họ có thể nói: nhờ ân sủng Chúa Kitô, anh (em) xin hứa sẽ chung thủy với em (anh) luôn mãi . Họ không thể thề hứa chung thủy với nhau “khi thuận lợi cũng như lúc gian nan, khi đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe”, không thể yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày trong suốt đời họ, đơn giản chỉ dựa trên thiện chí hay niềm hy vọng rằng mọi sự ‘rồi sẽ ổn thôi’. Họ cần phải xây dựng mối tương quan ấy trên nền tảng vững chắc là Tình yêu trung tín của Thiên Chúa. Và đó là lý do cần phải chuẩn bị kỹ càng trước khi lãnh nhận Bí tích Hôn phối; tôi muốn nói đến lộ trình học giáo lý, bởi vì chúng ta đánh đổi trọn cuộc đời cho tình yêu, và chúng ta không nên đùa giỡn trong tình yêu. Ba bốn cuộc gặp mặt tại nhà xứ không thể gọi là ‘chuẩn bị hôn nhân’: không, đó không phải là chuẩn bị, đó là sự chuẩn bị giả tạo. Và trách nhiệm thuộc về những ai thực hiện điều đó: cha sở, vị giám mục đã cho phép các sự ấy xảy ra. Việc chuẩn bị phải chín chắn và phải có thời gian. Đó không phải là vấn đề hình thức: đó là Bí tích. Phải chuẩn bị hôn nhân bằng một lộ trình giáo lý thực thụ .
Thật vậy, trung thành là một cách hiện hữu, một phong cách sống. Người ta làm việc với thái độ trung thực, người ta nói năng với sự chân thành, người ta trung tín với sự thật trong tư tưởng và trong hành động của họ. Một đời sống được đan quyện bởi lòng trung thành sẽ biểu hiện trong mọi chiều kích và hình thành nên những con người trung tín, đáng tin cậy trong mọi hoàn cảnh.
Tuy nhiên, để đạt được cuộc sống xinh đẹp như thế, chỉ với bản tính nhân loại của chúng ta thôi thì chưa đủ. Cần phải có lòng trung tín của Thiên Chúa thấm nhập vào đời sống chúng ta và lan tỏa trong chúng ta. Lời thứ sáu này mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Kitô , Đấng bởi lòng trung tín của mình, có thể biến đổi trái tim phụ bạc của chúng ta thành một trái tim chung thủy. Chính nơi Người và chỉ nơi Người mới tìm thấy tình yêu trọn vẹn và không thay đổi, sự cho đi tuyệt đối và không suy giảm, cũng như sự kiên trì chịu đựng cho đến cùng.
Chính từ cái chết và sự phục sinh của Người khơi nguồn lòng chung thủy của chúng ta, từ tình yêu nhưng không của Người khơi nguồn sự bền vững trong các mối tương quan của chúng ta. Chính nhờ sự hiệp thông với Người, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần khơi nguồn sự hiệp thông giữa chúng ta và năng lực sống trung tín trong các mối tương quan của chúng ta.
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, tôi muốn hoàn tất bài Giáo lý về Lời thứ sáu trong Mười Lời. “ Ngươi không được ngoại tình ”, bằng cách nhấn mạnh rằng tình yêu trung tín của Chúa Kitô là ánh sáng để sống vẻ đẹp của tình cảm con người. Thật vậy chiều kích tình cảm của chúng ta là một lời mời gọi vươn đến tình yêu, vốn được biểu lộ nơi lòng trung tín, thái độ tiếp nhận và tình thương xót. Điều này rất quan trọng. Tình yêu được thể hiện như thế nào nơi sự trung tín, thái độ tiếp nhận và lòng thương xót?
Tuy nhiên đừng quên rằng điều răn này minh nhiên qui chiếu về lòng chung thuỷ trong hôn nhân, do đó, chúng ta nên suy tư sâu hơn về ý nghĩa hôn nhân của nó. Đoạn Kinh Thánh này, đoạn thư của thánh Phaolô (Ep 5,25), mang tính đột phá! Xét theo quan điểm về con người thời ấy, mà bảo rằng người chồng phải yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Giáo hội thì thật là một cuộc cách mạng! Có lẽ vào thời ấy, nói về hôn nhân như thế là điều có tính cách mạng nhất. Vẫn luôn trên nẻo đường tình yêu, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Điều răn về lòng chung thủy này dành cho ai? Chỉ dành cho các cặp vợ chồng thôi sao? Thực ra, Điều răn này dành cho tất cả mọi người; đây là Lời đầy tình phụ tử của Thiên Chúa nói với mọi người, cả nam và nữ.
Chúng ta hãy nhớ rằng hành trình đi đến sự trưởng thành của đời người cũng giống như nẻo đường tình yêu vậy, tức là, đi từ chỗ đón nhận sự chăm sóc của người khác đến chỗ có thể trao hiến sự chăm sóc cho người khác, từ chỗ đón nhận sự sống đến chỗ có thể trao ban sự sống . Trở nên con người trưởng thành nghĩa là phát triển năng lực phu thê và phụ mẫu của mình, biểu hiện qua những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, như khả năng đảm nhận lấy gánh nặng của tha nhân trên chính bản thân mình, và yêu thương người ấy cách dứt khoát. Vì vậy, đó là năng lực toàn diện của một người biết đón nhận thực tại và biết dấn thân vào mối tương quan sâu sắc với tha nhân.
Thế thì ai là kẻ ngoại tình, dâm đãng, bội bạc? Đó là người thiếu trưởng thành, là kẻ chỉ sống cho riêng mình và diễn giải mọi tình huống trên cơ sở phúc lợi và thỏa mãn cho riêng mình mà thôi. Bởi đó, để kết hôn với nhau, tổ chức những nghi lễ cưới xin thôi thì chưa đủ! Cần phải thực hiện một hành trình đi từ cái tôi đến cái chúng ta, từ suy nghĩ một mình đến suy nghĩ chung với nhau, từ sống một mình đến sống chung với nhau: đó là một hành trình tốt lành, một hành trình tuyệt đẹp. Một khi chúng ta không còn chỉ qui chiếu vào chính mình nữa, thì mọi hành động của chúng ta đều có tính hôn ước: chúng ta làm việc, chúng ta nói năng, chúng ta quyết định, chúng ta gặp gỡ người khác với thái độ ân cần và trao hiến .
Theo nghĩa này, mọi ơn gọi Kitô hữu - giờ đây ta có thể mở rộng tầm nhìn thêm một chút nữa và nói rằng: theo nghĩa này, mọi ơn gọi Kitô hữu - đều mang tính hôn ước. Thiên chức linh mục là như vậy, vì đó là ơn gọi trong Chúa Kitô và trong Giáo hội, để phục vụ cộng đoàn với tất cả nhiệt tâm, việc chăm sóc cụ thể và sự khôn ngoan mà Chúa ban cho. Giáo hội không cần những kẻ tham vọng địa vị linh mục - không, chúng ta không cần họ, họ nên ở lại vị trí của họ thì tốt hơn - đúng hơn, chúng ta cần những người nam với tâm hồn được đánh động bởi Chúa Thánh Thần bằng một tình yêu tận hiến cho Hiền thê của Chúa Kitô. Thừa tác vụ linh mục có nghĩa là yêu thương dân Chúa bằng thái độ chăm sóc đầy tình phụ tử, với lòng trìu mến và dũng lực của một người chồng và một người cha. Tương tự như thế, ơn gọi khiết tịnh thánh hiến trong Chúa Kitô cũng được sống với lòng trung tín và niềm vui, giống như mối tương quan hôn ước và sinh sản của những người làm cha và làm mẹ vậy.
Tôi xin nhắc lại: mọi ơn gọi Kitô hữu đều mang tính hôn ước vì là hoa trái của mối liên kết yêu thương trong đó chúng ta được tái tạo, một mối liên kết yêu thương với Chúa Kitô, như đoạn trích thư của Thánh Phaolô (Ep 5,25) được đọc lúc mở đầu đã nhắc nhở chúng ta. Khởi đi từ lòng trung tín, trìu mến và bao dung của Người, chúng ta nhìn về ơn gọi hôn nhân và các ơn gọi khác trong tinh thần đức tin, và chúng ta hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của tính dục.
Thụ tạo người, trong sự hiệp nhất bất khả phân ly giữa tinh thần và thể xác, cũng như trong sự khác biệt nam nữ, là một thực tại rất tốt lành, được tạo dựng để yêu thương và được yêu thương. Thân xác con người không phải là một công cụ của khoái lạc, nhưng là nơi thể hiện ơn gọi yêu thương của chúng ta, và trong tình yêu đích thật không có chỗ cho sự dâm đãng và tính hời hợt giả tạo. Con người đáng quí hơn thế rất nhiều!
Do đó, Lời thứ sáu “ Ngươi không được ngoại tình ”, dù mang hình thức tiêu cực, lại hướng chúng ta đến ơn gọi độc đáo của mình, là tình yêu hôn ước trọn vẹn và chung thủy mà Chúa Giêsu Kitô đã mặc khải và trao ban cho chúng ta (x. Rm 12,1).