Giáo lý 10 điều răn - Điều răn 7 - Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Giáo Lý Đức Tin
Điều Răn Thứ Bảy Chớ Lấy Của Người
Mến chào anh chị em!
Tiếp tục giải thích về Mười Lời, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về Lời thứ bảy: “ Ngươi không được trộm cắp ”.
Khi nghe Điều răn này, chúng ta nghĩ đến vấn đề trộm cắp và việc tôn trọng tài sản của người khác. Không có nền văn hóa nào chấp nhận việc trộm cắp và lạm dụng tài sản của người khác là hợp pháp; thật ra tâm thức của con người rất nhạy cảm với việc bảo vệ tài sản
Nhưng thật thích đáng khi chúng ta mở ra với một giải thích sâu rộng hơn về Lời này, bằng cách tập trung vào vấn đề quyền sở hữu tài sản trong ánh sáng khôn ngoan Kitô giáo.
Học thuyết Xã hội của Giáo hội nói về mục tiêu phổ quát của tài nguyên. Điều đó có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy lắng nghe những gì Sách Giáo lý dạy: “ Từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã trao trái đất và các tài nguyên của nó cho nhân loại chung sức quản lý, để con người chăm sóc, chế ngự chúng bằng lao động và hưởng dùng hoa trái từ đất đai. Tài nguyên của công trình tạo dựng được dành cho toàn thể nhân loại ” (số 2402). Hơn thế nữa: “ Quyền chung hưởng của cải vẫn đứng hàng đầu, mặc dù sự thăng tiến công ích đòi hỏi phải tôn trọng quyền tư hữu và việc thực thi quyền này ” (số 2403)
Tuy nhiên, Đấng Quan phòng không tạo ra một thế giới “chuỗi đồng bộ”; nhưng là một thế giới có những khác biệt, những điều kiện khác biệt, những văn hóa khác biệt, do đó người ta có thể sống nhờ việc người này chu cấp cho người khác. Thế giới giàu có về nguồn tài nguyên để bảo đảm những nhu cầu tất yếu căn bản cho mọi người. Tuy nhiên lại có nhiều người sống trong cảnh nghèo khó ô nhục và nguồn tài nguyên, được sử dụng cách bừa bãi, đang dần hao mòn. Nhưng chỉ có một thế giới mà thôi! Chỉ có một nhân loại mà thôi!. Ngày nay sự phồn thịnh của thế giới nằm trong tay của một thiểu số, một vài người, trong khi đó sự nghèo đói, hoặc hơn thế nữa sự khốn cùng và đau khổ lại là số phận của nhiều người, của đa số.
Nếu có sự nghèo đói trên trái đất thì không phải vì thiếu lương thực! Ngược lại, do những đòi buộc của thị trường, đôi khi người ta hủy hoại lương thực, vứt bỏ nó. Những gì đang thiếu là tinh thần kinh doanh tự do và minh bạch, đảm bảo việc sản xuất phù hợp trong một khuôn khổ liên đới và đảm bảo việc phân phối công bằng. Sách Giáo lý cũng nói rõ: “ Khi sử dụng của cải, con người phải coi những của cải bên ngoài mà mình sở hữu cách hợp pháp, không chỉ như của riêng mình, nhưng còn như của chung, theo nghĩa là chúng có thể mang lại lợi ích không những cho mình, mà còn cho những người khác nữa ” (số 2404). Để thật sự tốt lành, mọi sự phồn vinh đều phải mang chiều kích xã hội
Ý nghĩa tích cực và mở rộng của Điều răn “ngươi không được trộm cắp” xuất hiện trong viễn cảnh này. “ Việc sở hữu của cải làm cho chủ sở hữu thành một người quản trị của Chúa quan phòng ” (số 2404). Không ai là chủ sở hữu tuyệt đối của các tài sản: chúng ta chỉ là những người quản lý tài sản. Quyền sở hữu phải đi đôi với trách nhiệm: “Nhưng tôi giàu có về mọi thứ…” - đó là trách nhiệm mà bạn phải đảm nhận. Mọi tài sản tách khỏi lý lẽ quan phòng của Thiên Chúa đều bị phản bội . Đó là sự phản bội theo nghĩa sâu sắc nhất. Những gì tôi thật sự sở hữu là những gì tôi cần học biết trao ban. Đây là thước đo để đánh giá cách thức tôi có thể quản lý sự giàu có, liệu nó tốt hay xấu; cụm từ này rất quan trọng; những gì tôi thật sự sở hữu là những gì tôi cần học biết trao ban. Tôi có thể trao ban, tôi có thể mở ra, như thế tôi trở nên giàu có không chỉ trong những gì tôi sở hữu, nhưng còn trong sự rộng lượng, sự rộng lượng cũng giống như một bổn phận trao ban tài sản để mọi người có thể dự phần vào đó. Thật ra, nếu tôi không thể trao ban một điều gì đó là bởi vì điều đó đang chiếm hữu tôi, có quyền lực trên tôi và tôi trở thành kẻ nô lệ. Việc sở hữu tài sản là cơ hội để làm chúng sinh lợi cách sáng tạo, sử dụng chúng cách rộng lượng và nhờ đó tăng trưởng trong tình bác ái và tự do .
Chính Chúa Kitô “ vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang ” (Pl 2,6-7) và làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người (x. 2Cr 8,9).
Trong khi nhân loại gắng sức để có nhiều hơn, Thiên Chúa lại cứu độ họ bằng cách trở nên nghèo khó: Đấng Chịu Đóng Đinh ấy đã trả một giá chuộc vô song cho mọi người thay cho Chúa Cha “giàu lòng thương xót ” (Ep 2,4; x. Ga 5,11). Những gì làm cho chúng ta giàu có không phải là tài sản mà là tình yêu thương . Vì vậy chúng ta thường nghe dân Chúa nói: “Ác thần xâm nhập qua những cái túi”. Người ta bắt đầu bằng việc ham mê tiền bạc, thèm khát tài sản; sau đó là hư danh: “À tôi giàu có và tôi huênh hoang về nó”; và kết cuộc là sự kiêu căng và ngạo mạn. Đó là cách ác thần hoạt động trong chúng ta. Nhưng lối vào là những cái túi.
Anh chị em thân mến, một lần nữa Chúa Giêsu Kitô mặc khải cho chúng ta ý nghĩa trọn vẹn của Kinh Thánh. “Ngươi không được trộm cắp” có nghĩa là hãy yêu thương bằng tài sản của anh chị em, hãy sử dụng những phương tiện anh chị em có để yêu thương cách tốt nhất như anh chị em có thể. Như thế, cuộc sống của anh chị em sẽ trở nên tốt đẹp và tài sản của anh chị em thật sự trở thành một hồng ân. Vì cuộc sống không phải là thời gian dành cho việc chiếm hữu nhưng là để yêu thương . Cám ơn anh chị em rất nhiều./.