Header

Tháng 11 - Suy Tư Về Thân Phận Con Người

avatarby
03/11/2022
2.3K
Cuộc sống con người là một cuộc hiện sinh. Một cuộc hiện sinh đích thực và đúng nghĩa không đòi buộc con người phải khước từ cái thế giới thực tại này, nhưng luôn mời gọi con người sống trọn vẹn thân phận làm người của mình, chìm sâu trong chính mình, ngụp lặn trong chính những vui, buồn, sướng, khổ, … Người Kitô hữu không sống kiếp người trong tuyệt vọng, mà là sống trong sự xác tín vào Đức Kitô Phục Sinh. Tháng 11 - Suy Tư Về Thân Phận Con Người, góc nhìn, tháng cầu nguyện cho các linh hồn, truyền thông giáo phận phú cường,

Góc Nhìn
THÁNG 11 - SUY TƯ VỀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI

Khi nền khoa học- kinh tế phát triển vượt bậc, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời với hàng loạt các công nghệ mới được ứng dụng trong mọi mặt của đời sống, con người lại càng thêm khao khát làm chủ tương lai và muốn nắm chắc số phận cuộc đời mình trong lòng bàn tay. Nhưng những trận đại dịch, động đất, sóng thần, bão lũ, hay những vụ tai nạn thương tâm… xảy đến đã đánh đổ mọi tư tưởng, quan điểm về những tiêu chuẩn thành công hạnh phúc mà thời đại công nghệ số mang lại, bắt con người phải nhìn lại và suy gẫm về cuộc đời mình. Dưới góc nhìn triết học, chúng ta cùng suy tư đôi chút về thân phận con người.

Những ngày trong tháng 11 - tháng Hội thánh dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn - chúng ta có thêm cơ hội để suy nghĩ về cuộc đời mỗi khi tham dự thánh lễ và viếng đất thánh; khi chiêm ngắm các nấm mồ; khi nhớ tới những người đã ra đi trong cơn đại dịch, lũ quét và gần đây nhất, là nhớ đến hơn 150 người thương vong trong vụ giẫm đạp lên nhau ở Hàn Quốc đêm 29/10 vừa qua… những người còn sống mang trong mình nhiều tâm trạng, nỗi niềm, trăn trở khác nhau về thân phận làm người:

Con người mang thân phận “di dân”[i].

Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ bức ảnh thi thể bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, trôi dạt vào nằm úp mặt trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015, gây chấn động thế giới và được coi là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nhập cư vào châu Âu; ngày 23/10/2019, nước Anh phát hiện 39 thi thể người Việt Nam trong thùng container vượt biên từ Bỉ sang Anh; ngày 28/06 vừa qua, Mỹ phát hiện 50 thi thể người di cư trong một thùng xe đầu kéo… tất cả đã làm rúng động thế giới về nạn buôn người và vấn đề nhập cư trái phép. Mỗi năm, nhân loại có hàng ngàn người thiệt mạng và mất tích vì di cư…

Không riêng gì các anh chị em vượt biên để tìm cuộc sống sung túc hạnh phúc, nhưng tất cả chúng ta đều mang thân phận “di dân”, theo nghĩa là tất cả đều phải đối diện với hiện trạng hoặc viễn tượng bất ổn, có lẽ điều đó thuộc về bản chất mầu nhiệm cuộc sống con người ở trần thế này, bởi chẳng ai có thể tự đảm bảo hay chọn lựa cho mình một nơi chốn hoàn toàn ổn định và an bình. Cuộc sống tự nó mang tính mầu nhiệm: Nó vượt qua mọi mong muốn kiểm soát, mọi tính toán làm chủ của con người. Dù tiến bộ đến đâu đi nữa, chúng ta cũng không thể hy vọng về một cuộc sống hoàn toàn an bình và ổn định, thư thái và thoả mãn, mà trong đó con người không hề có bất cứ một nỗi lo âu hay sợ sệt nào. Vì thế, con người cần ý thức rằng chúng ta chỉ mang thân phận lữ hành mà thôi.

Con người là hiện hữu luôn bị dang dở [ii]

Ba năm qua (2019-2022), đại dịch CoViD-19 đã gây ra căng thẳng và lo lắng cho toàn nhân loại, con người sợ ốm, sợ chết, tránh chăm sóc sức khỏe do sợ bị lây nhiễm, sợ mất việc làm và sinh kế, sợ bị xã hội loại trừ, sợ bị cách ly, cảm thấy bất lực trong việc bảo vệ bản thân và những người thân yêu, sợ khi bị chia cắt khỏi những người thân yêu và người chăm sóc, thiếu lòng tự trọng để làm bất cứ điều gì trong cuộc sống hàng ngày, buồn chán, cô đơn, và trầm cảm do bị cô lập, lại cộng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần...[iii]

Con người luôn sợ và sợ, quả thật, hiện hữu của con người là hiện hữu luôn bị dang dở với những nỗi sợ hãi, khổ đau. Nhưng con người cũng có tự do: hoặc để dìm mình trong cái cô đơn, cái lo âu, cái tuyệt vọng đó; hoặc để tự giải thoát và đạt tới cái vui vẻ tuyệt vời, tuyệt đối, nhờ tin tưởng vào Thiên Chúa. Biết bao người có đức tin đã luôn ý thức được điều đó, trong mọi hoàn cảnh sống, họ đã biết thân phận dang dở của mình để bám víu vào Thiên Chúa, không để bản thân rớt vào sự cô đơn tuyệt vọng nhưng luôn “sống trong tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, sống “hiện sinh dưới mắt Thiên Chúa”, “dám sống thân phận làm người của chính mình cách triệt để, dám đối mặt với những dở dang của phận người trong sức cố gắng và trách nhiệm vô biên, đó chính là hùng khí Kitô hữu”[iv]. Ai ý thức thân phận dang dở, yếu đuối của mình để chỉ nương tựa vào Thiên Chúa, đó thực sự là người mạnh mẽ nhất.

Con người như là một “hiện hữu để chết”[v]

Khi con người nhìn nhận phẩm giá của mình là trên hết mọi sự và nó đến từ chính con người thì quả thật là người ta không thể tưởng nổi đến cái chết, sự mỏng dòn và hữu hạn của kiếp nhân sinh này. Ta đến đóng góp cho đời biết bao cái hay cái đẹp để rồi ra đi lặng lẽ dưới nấm mồ lạnh lẽo, im lìm đáng sợ của lớp đất dưới chân ta hay sao? Số phận ta rồi sẽ ra hư vô vì dường như ta chả thể níu kéo được gì vào cái lúc ta phải ra đi ấy. Ta sẽ trở lại là bụi đất, là vật chất mà trước đó ta đã là cái gì đó trổi vượt hơn thế sao? Ta sẽ còn là gì, còn là gì nếu như một ngày kia không còn được suy nghĩ, cảm nhận, sáng tạo, yêu thương chia sẻ... Hành trình của đời người là gì ngoài một chuyến tàu thời gian mà ta đã gắn chặt với nó trong cái quy luật bắt buộc đến ga của ai thì người đó phải xuống và rồi không ai trên chuyến tàu ấy còn nhớ đến những hành khách đã bước xuống, dù cho họ có để lại trên đó những tên tuổi của họ! Đời người là một cuộc đấu tranh mà nơi đó chúng ta nỗ lực hết mình để đạt đến niềm vui thỏa mãn thực sự, con người phức tạp hơn tất cả những gì con người biết về chính mình, thật ra chúng ta chỉ chạm tới được một chút gì đó nơi bản tính của chúng ta mà chúng ta không thể tiếp chạm đến một cái gì đó sâu xa ở dưới nước kia của tảng băng ngầm to lớn mà ta vẫn gọi là bản tính con người.[vi]

Cái chết là một hiện tượng trờ trờ trước mặt, không thể nào chối cãi được. Như triết gia Seneca đã nói, không có gì chắc chắn hơn là cái chết. Thánh Augustinô cũng viết: “Tất cả mọi sự đều không chắc; chỉ duy có cái chết là chắc chắn”. Con người không phải là một hữu thể một ngày kia sẽ chết, nhưng nó đang chết ở trong cuộc đời. Triết gia Martin Heidegger mời gọi mọi người hãy đón nhận cái chết cách tự do và ý thức: Cuộc sống con người trở thành “tự do để chết”; chính khi chết là lúc con người chứng tỏ mình làm chủ, tự do chấp nhận chết mà không sợ hãi, “chính tôi sẽ chết cái chết của tôi, không ai chết giúp tôi được; vậy thì cũng chính tôi phải sống cuộc sống độc đáo của tôi, đừng để người ta sống mất cuộc sống đó, nghĩa là tôi đừng sống theo đuôi ‘người ta’”[vii].

Thực vậy, không có gì có thể đem lại cô đơn thất vọng cho người đời bằng sự chết, vì chết rồi, ta sẽ bất lực không thông cảm với ai được nữa. Nhưng sự chết cũng có thể làm cho thông cảm trở nên một thực tại vĩnh viễn: bao lâu còn sống, tâm tình ta còn có thể thay đổi, sự tâm đầu ý hiệp của ta còn có thể mất đi, chỉ có sự chết mới kết liễu nổi sự bấp bênh ấy[viii]. Với G Marcel, sự chết không làm cho con người thất vọng, nhưng là đảm bảo một tình thông cảm lâu bền. Chết với chính mình trong đời sống mới là điều khó[ix]. “Sống là chết mỗi ngày”, câu nói đã đưa biết bao tâm hồn Kitô hữu được tiếp chạm với giá trị thật của cuộc sống: trong ta có quá nhiều thứ không cần thiết, nên phải làm chúng chết đi mỗi ngày.

Con người chúng ta là hữu thể hữu hạn

Là con người hiện sinh, bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Cả cái hiểu biết của ta về ta cũng thật giới hạn. Con người có thể là gì ngoài sự hữu hạn của đời mình. Con người là hữu hạn của cái hữu hạn mà thôi. Hữu hạn trong hữu hạn của kiếp người. Hữu hạn trong chính sự hiểu biết của mình. Bất lực với những hậu quả, tai hại mà cuộc sống mang lại; con người tự bản chất mang đầy giới hạn và yếu hèn.

Con người vừa vĩ đại vừa mang trong mình sự yếu đuối, bạc nhược mà bất kì ai chân thành-nghiêm túc nhìn nhận về cuộc đời mình và về dòng lịch sử nhân loại đều chân nhận điều ấy. Ba năm qua, ngoài việc gây ra cái chết thể xác, đại dịch CoViD-19 còn gây ra cái chết tinh thần cùng sự ám ảnh và đau khổ cho những người còn sống: Hơn 6 triệu người tử vong, sức khỏe tinh thần-thể xác của hàng triệu người bị suy kiệt và để lại di chứng nặng nề sau CoViD-19; những tổn thất về kinh tế, chính trị, những xúc phạm về nhân phẩm con người.... Vật lộn để sinh tồn trong cơn đại dịch, con người suy ngẫm về thân phận của mình, thấm thía về sự phù du và phi lý của kiếp người, nhưng đồng thời cũng thấy rõ giá trị của nhân phẩm hơn bao giờ hết. Rằng, thân phận con người là hữu thể hữu hạn, luôn cần nương nhờ đến Đấng tối cao là Thiên Chúa.

Con người là hữu thể hữu hạn nhưng có khả năng đón nhận cái “vô hạn triệt để của Thiên Chúa”[x]

Hay nói cách khác, con người là hữu thể tôn giáo. Sống mà không hướng về Thiên Chúa là sống lạc lõng và vô ý nghĩa. Qua những đau khổ, vui buồn của cuộc sống ta nhận thấy rằng: Tôn giáo có một chức năng yên ủi, nâng đỡ con người yếu đuối, vốn mỏng dòn cả về thể xác lẫn tinh thần và luân lý… Nếu không “là hữu thể tôn giáo”, con người sẽ luẩn quẩn bế tắc, tuyệt vọng trong những giới hạn của phận người. Nếu loại bỏ Thượng Đế khỏi đời sống mình thì con người chỉ là một cái gì đó được ném vào trong đời sống này, như Jean Paul Sartre đã nói: “tôi đã bị quẳng ra như thế đó”. Tôn giáo không phải là một cái gì thêm vào đời sống, nhưng là chính sự làm cho đời sống nên thực thụ.

Vì thế nên đức tin, đức cậy và đức mến không phải là cái gì khác ngoài kinh nghiệm làm cho con người hiểu biết rằng mình sinh tồn và tin có một Đấng siêu việt. Bao lâu con người chưa biết đến cầu khẩn Thiên Chúa là chưa có kinh nghiệm về đời sống, và vì Thiên Chúa không phải là một hoài vọng của đời sống, nhưng là chính sự làm cho đời sống có một giá trị và có một ý nghĩa (Gabriel Marcel).

Tạm kết

Cuộc sống con người là một cuộc hiện sinh. Một cuộc hiện sinh đích thực và đúng nghĩa không đòi buộc con người phải khước từ cái thế giới thực tại này, nhưng luôn mời gọi con người sống trọn vẹn thân phận làm người của mình, chìm sâu trong chính mình, ngụp lặn trong chính những vui, buồn, sướng, khổ, những nỗi uẩn khúc của kiếp người, những thành công thất bại của cuộc sống, những u uẩn, chán chường, những tư tưởng và suy nghĩ của chính mình, những buồn thảm bi ai của đồng loại… Người Kitô hữu không sống kiếp người trong tuyệt vọng, mà là sống trong sự xác tín vào Đức Kitô Phục Sinh. Sống đúng là một người sống chiều kích tôn giáo. Như thế chúng ta mới hy vọng có được một cuộc sống đúng nghĩa và có được những cảm nghiệm sâu thẳm nhất về đời người mà Thiên Chúa ban tặng.


[i] KHẮC BÁ, SJ - CTV Vatican News. Từ đại dịch Corona, nghĩ về thân phận di dân của nhân loại. 2020

[ii] GIUSE BÙI VĂN SOẠN. Soren kierkegaard và thần học về con người.

[iii] WIKIPEDIA. Sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19

[iv] TRẦN HOÀN, CSC. Suy tư về thân phận con người qua đại dịch CoViD-19. 2021

[v] Triết gia Martin Heidegger

[vi] TRẦN NGỌC ĐỨC. Con người là gì dưới góc nhìn của triết học tôn giáo?

[vii] TRẦN THÁI ĐỈNH. Triết học Hiện sinh. trang 32

[viii] THÂN VĂN TƯỜNG. Gabriel Marcel hay con người là một “huyền nhiệm”. x trang 49-72

[ix] ĐẠI CHỦNG VIỆN PHANXICO XAVIE. Quan điểm của Hegel và Kierkegaard

[x] NGUYỄN HỮU QUANG. Nhân học thần học: Con người trong dòng mặc khải. x.trang 193

TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT