Header

Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria

avatarby
08/12/2022
3.0K
Nói đến Đức Maria, người ta có thể trình bày nhiều hình ảnh tổng quát về Mẹ, nhưng một khi muốn tìm hiểu các tín điều về Đức Maria, thì điều đơn sơ nhưng cần thiết hơn hết, là bắt đầu tìm hiểu đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” mà Mẹ đã nhận được trong đời của Mẹ. Nghĩa là trong nhãn quan đưa tin, người Kitô hữu tìm hiểu, gẫm suy mầu nhiệm “Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria, Đức Mẹ Maria, giáo phận phú cường, truyền thông giáo phận phú cường,

Đức Mẹ Maria
Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria

Dàn bài tổng quát:

A. DẪN NHẬP:

B. NỘI DUNG:

I. Khái niệm, hoàn cảnh lịch sử và chiều kích Phụng vụ:

1. Khái niệm tổng quát

2. Hoàn cảnh lịch sử

3. Chiều kích Phụng vụ

II. Mạc Khải – Nền tảng Thánh Kinh

III. Những cuộc tranh luận thần học và ý nghĩa thần học của Tín Điều “Vô Nhiễm Nguyên Tội”

1. Những cuộc tranh luận Thần học

2. Ý nghĩa thần học về Tín Điều “Vô Nhiễm Nguyên Tội”

IV. Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội nhìn dưới lăng kính “Mẫu Tính”

C. KẾT LUẬN:

A. DẪN NHẬP :

Từ thời các Giáo Phụ đã có những tín biểu cổ điển tuyên xưng chân lý về Đức Maria đồng trinh – Mẹ của Chúa Giêsu. Nhưng mãi đến thế kỷ XIX, Tín Điều “ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ” mới được công bố. Tín Điều này liên hệ tới ơn cứu độ của Chúa Kitô. Hồng ân cứu độ này ảnh hưởng trên cuộc đời Đức Maria từ lúc khởi đầu cho đến lúc kết thúc. Nói đến Đức Maria, người ta có thể trình bày nhiều hình ảnh tổng quát về Mẹ, nhưng một khi muốn tìm hiểu các tín điều về Đức Maria, thì điều đơn sơ nhưng cần thiết hơn hết, là bắt đầu tìm hiểu đặc ân “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ” mà Mẹ đã nhận được trong đời của Mẹ. Nghĩa là trong nhãn quan đưa tin, người Kitô hữu tìm hiểu, gẫm suy mầu nhiệm “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ”. Với người Công Giáo, nhờ được học giáo lý, nên ít nhiều có thể hiểu ý nghĩa của Tín Điều này. Tuy nhiên trong thực tế, vẫn luôn có nhiều hiểu lầm về Tín Điều “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ” của Đức Maria, một sự hiểu lầm không chỉ nơi người ngoài Công Giáo, nhưng có cả nơi người Công Giáo. Vấn đề đặt ra là, phải hiểu Tín Điều này thế nào? Phải trình bày Tín Điều này theo phương thức nào cho đủ sức thuyết phục? Và mục đích của việc tìm hiểu Tín Điều “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là để làm gì? Xin được từng bước trình bày.

B. NỘI DUNG :

I. Khái niệm, hoàn cảnh lịch sử và chiều kích Phụng vụ

1. Khái niệm tổng quát:

Cụm từ “ Vô Nhiễm Vô Tội ” không hề mang ý nghĩa là: Đức Maria được cha mẹ sinh ra một cách khác biệt với loài người ở góc độ thể lý. Với cụm từ “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ”, Hội Thánh muốn lý giải cho các tín hữu rằng: “Đức Maria, Nữ Trinh chí thánh và là Mẹ Thiên Chúa, đã được Thiên Chúa ban cho ơn thánh sủng ngay từ giây phút đầu tiên của đời Mẹ, bằng cứ vào công nghiệp của Chúa Giêsu, Con của Mẹ” . [1] Điều này có nghĩa, Thiên Chúa áp dụng cho Mẹ những hiệu quả của công nghiệp cứu chuộc do Chúa Giêsu thực hiện. Vì vậy, Đức Maria không ở trong tình trạng tội nguyên tổ. Tội nguyên tổ là sự thiếu vắng ơn thánh trong con người, một hậu quả gây nên bởi tội con người tiên khởi đã phạm trong buổi đầu của lịch sử loài người. Với Đức Maria, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội có nghĩa là ngay từ giây phút đầu tiên trong đời, Mẹ đã có đời sống ơn thánh trong tâm hồn. Đây là đặc ân cao quý mà Thiên Chúa ban cho Mẹ, do lòng ưu ái của Thiên Chúa. Một khi được tràn đầy ơn thánh ngay buổi đầu, Đức Maria được trở thành Mẹ của Thiên Chúa, theo phương cách mà Thiên Chúa đã tiền định cho Con Một yêu dấu của Ngài. Nói một cách gảy gọn, ngay từ giây phút đầu tiên trong đời, Mẹ Maria đã được bao bọc trong tình yêu cứu chuộc và thánh hoá của Thiên Chúa. Trên đây là khái niệm sơ lược Tín Điều “Vô Nhiễm Nguyên Tội” bằng những thuật ngữ có vẻ cổ điển, giờ đây xin đi vào phần hoàn cảnh lịch sử

2. Hoàn cảnh lịch sử:

Ngay trong Thánh Kinh, hình ảnh Đức Maria đã xuất hiện (phần này xin được trình bày ở mục Mạc Khải – Nền tảng Thánh Kinh). Riêng ở phần hoàn cảnh lịch sử, người ta nhận ra từ thời các Giáo Phụ đã xuất hiện việc trình bày sự thánh thiện “ tràn đầy ” của Đức Maria – Người Nữ cộng tác đặc biệt vào công trình cứu độ của Chúa Kitô. Tuy nhiên, thời Giáo Phụ vẫn chưa minh nhiên bàn đến vấn đề Vô Nhiễm, tức tình trạng khỏi tội của Đức Maria. Các Giáo Phụ chú trọng việc bảo vệ chân lý Chúa Kitô, nhằm chống lại các thứ lạc thuyết. Vì lý do đó, các Giáo Phụ không đặt trọng tâm vào Đức Maria. Hơn nữa, Giáo Hội tiên khởi xác tín rằng, chỉ Chúa Kitô – Ngôi Lời là Đấng Toàn Thánh, và toàn thể con cháu Ađam cần được cứu độ. Trong hoàn cảnh như vậy, dễ dẫn đến quan niệm: Đức Maria được nhận ơn cứu chuộc sau khi Chúa Giêsu Kitô phục sinh; hơn nữa, xét vì Đức Maria là con người, cũng cần được cứu chuộc, nên vấn đề thánh thiện và Vô Nhiễm của Đức Maria không nghe nhắc đến. Dù vậy, Giáo phụ Origène đã tuyên xưng Đức Maria là Đấng: “ Toàn Thánh, vì sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa dành cho Mẹ; sự thánh thiện của Mẹ bắt nguồn từ ơn cứu chuộc mà Con của Mẹ mang lại ”. (In Luc.hom.7:PG 13, 1817). [2]

Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, vấn đề tội nguyên tổ chưa là một học thuyết có hệ thống, nên có người chủ trương đó là sự chết thể lý hoặc cái chết lần hai – tức bị khổ hình hoả ngục; thậm chí có người xem nguyên tội là dục vọng. Đến thời các Giáo Phụ Hy Lạp, La Tinh như: Origène, Athanasiô, Cyrillô, Tertulianô, Cyprianô, Ambrôsiô… Và đặc biệt là Augustinô, vấn đề “ Tội Nguyên Tổ ” đã được hệ thống hoá chặt chẽ xoay quanh học thuyết “ Ơn Sủng, ơn Công Chính Hóa ”. [3] Đối với Augustinô, nguyên tội là sự bất lực hoàn toàn của loài người để đạt được ơn cứu độ. Thêm vào đó, quan niệm của các tín hữu cổ thời chưa rõ: Nguyên Tội truyền lại cách nào; khi nào con người xuất hiện – tức là có linh hồn để lãnh nhận ơn thánh hay mắc tội. Nếu như người ta quan niệm nguyên tội truyền lại qua đường sinh sản; thì biết đâu chừng, cũng có người nghĩ Đức Maria cũng vướng nguyên tội, vì Mẹ cũng được sinh ra bằng con đường thường tình! Tuy nhiên, qua dòng thời gian đã xuất hiện nhiều nhân tố về đạo lý Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đó là nhân tố nào?

3. Chiều kích Phụng vụ:

Nhân tố được xem như “ phát pháo ” tiên khởi là Phụng vụ. Bởi lẽ, từ lâu đời, các Kitô hữu đã có thói quen gần như truyền thống, là mừng kính Lễ sinh nhật Đức Maria vào ngày 08 tháng 09. Đối với Giáo Hội Đông Phương từ thế kỷ thứ VIII đã xuất hiện “ Lễ Đức Maria Thụ Thai ” vào ngày 08 tháng 12. Theo phỏng đoán của các nhà nghiên cứu, có lẽ Lễ này lúc đầu người tín hữu mừng việc “ Thụ Thai Kỳ Lạ ” của Đức Maria, dựa vào Ngụy Thư Giacôbê. Nhưng đến thế kỷ IX, Lễ này đã sang đến Tây Phương. Và bước vào đầu thế kỷ XI, Anh quốc gọi Lễ này là “ Lễ Thụ Thai Vô Nhiễ m”. Từ đó, Lễ này được lan tràn nhiều nơi, cụ thể năm 1130 Lễ này đã nhập vào Pháp quốc. Dù vậy, cũng có một thời gian Lễ này bị quên lãng, do sự chống đối của một vài thần học gia.

Sau thời gian tưởng chừng không còn ai nhớ đến, thì đột nhiên vào thế kỷ XIV, Lễ Đức Mẹ “ Thụ Thai Vỗ Nhiễm ” lại bùng phát và được truyền bá, đặc biệt dưới sự cổ động của Gioan Duns Scôtô. Đến năm 1477, Đức Giáo Hoàng Sixtô IV đã phê chuẩn Lễ và lời nguyện Lễ Vô Nhiễm. Lúc này xuất hiện vài tư tưởng đối kháng, nên Đức Giáo Hoàng Sixtô IV đã kết án kẻ nào dám chống lại các nhà giảng thuyết về chân lý “ Vô Nhiễm ”. Vào thế kỷ XV, xuất hiện phong trào cấp bằng cho các nghiên cứu sinh nào tuyên thệ bảo vệ chân lý “ Vô Nhiễm ”. Chẳng hạn: năm 1497 ở Pháp, năm 1499 ở Colonia, năm 1530 ở Valencia, v.v… [4] Mãi đến năm 1708, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI đã nâng Lễ Vô Nhiễm lên bậc Lễ buộc; và năm 1863, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã phê chuẩn Bài Lễ và Bài Nguyện đã được nhiều nhà nghiên cứu trong Giáo Hội duyệt lại. Nhìn chung, chiều kích phụng vụ được xem là nhân tố đi đầu cho việc hình thành Tín Điều “ Vô Nhiễm Nguyên Tộ i”. Dĩ nhiên, bên cạnh phụng vụ còn có yếu tố thần học, nhưng đây là vấn đề dài (xin được bàn kỹ ở mục III). Tiếp theo đây, xin đi vào phần nền tảng. Nền tảng đó là gì?

II. Mạc Khải – Nền tảng Thánh Kinh :

Nhìn tổng thể trong toàn bộ cuốn Thánh Kinh, không có đoạn văn nào nói đến vấn đề “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ” của Đức Maria. Nhưng bằng sự khôn ngoan nhờ hoạt động Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đã tìm thấy những nền tảng trong Thánh Kinh, để phát triển và quả quyết đạo lý “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ” của Đức Maria là một chân lý Mạc Khải. Nói như thế nhằm minh định, người Kitô hữu không chỉ đọc Thánh Kinh thuần túy theo nghĩa văn chương, nhưng điều quan trọng là phải đọc Thánh Kinh trong truyền thống đức tin ngàn đời của Hội Thánh.

Trong Tin Mừng, Đức Maria được tôn xưng là “ Đấng đầy ơn Chúa ” (x. Lc 1,28), hoặc Đức Maria là người được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn trong Chúa Kitô (x. Ep 1,4-5), hoặc “ Thiên Chúa đoái nhìn phận nữ tỳ hèn mọn ” (x. Lc 1,47-48), v.v…Tất cả là để làm nổi bật tình trạng “ đầy ân sủng ” của Đức Maria. Thiên Chúa đã ưu ái tuyển chọn Đức Maria làm Thân Mẫu Con Một của Thiên Chúa – Đấng Ngôi Lời cứu chuộc loài người. Điều tuyệt vời là ở chỗ, Đức Maria đáp trả bằng cuộc dâng hiến trót cả cuộc đời cho Thiên Chúa, qua hai tiếng “ Xin Vâng ” đầy khiêm tốn, khi Thiên Sứ Truyền Tin. Chính điểm này mang lại xác tín, trọn đời Đức Maria thuộc về Thiên Chúa, mà một khi đã thuộc trọn Thiên Chúa rồi, thì tội lỗi tuyệt nhiên không thể nhập vào cuộc đời của Đức Maria, vì tội đồng nghĩa với việc khước từ Thiên Chúa.

Quay lại với Thánh Kinh Cựu Ước, ngay buổi đầu của sáng tạo, Thiên Chúa đã đặt: “ Sự thù nghịch giữa người nữ và con rắ n” (x. St 3,15). Điều này nhằm diễn tả cuộc chiến đấu trường kỳ giữa dòng dõi Evà – tức mẹ chúng sinh, với con cháu của bà là loài người. Dù Sách Sáng Thế không nhắc gì đến Đức Maria, nhưng Tác Giả của chương trình Mạc Khải là Thiên Chúa đã có chủ ý nhắm đến Người Nữ Sủng Ái là Đức Maria; bởi lẽ, Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước muôn đời. Đến thời Tân Ước, sau khi nhiệm cuộc cứu độ được hoàn tất, thì nhân loại nhận ra Chúa Kitô là “ Ađam mới ” (x. Rm 5), và Chúa Kitô chính là miêu duệ của Tổ Phụ Abraham làm thừa kế Giao Ước (x. Gl 3,16). Sau này các thánh Giáo Phụ khai triển thần học về Chúa Kitô – Ađam mới đã đem lại ơn cứu độ cho nhân loại nhờ tuân phục (x. Rm 5; Pl 2,5-11). Chính ở điểm này mà Giáo Hội nhận ra Đức Maria là “ Evà mới ” – Người Nữ tuyệt đối tin cậy và vâng phục Thiên Chúa; Mẹ trở thành thù địch của con rắn. Tất nhiên, chính Chúa Kitô tiêu diệt con rắn, nhưng mẹ Maria đứng bên cạnh Chúa Kitô, tuỳ thuộc vào Chúa Kitô – Đấng hoàn toàn thánh thiện, nên Mẹ cũng được hoàn toàn thánh thiện đứng sau Thiên Chúa; và Mẹ cũng là thù địch truyền kiếp của con rắn.

Trong các sách Tin Mừng áp dụng nhiều hình ảnh Cựu Ước để thể hiện nơi Đức Maria. Chẳng hạn, Đức Maria là biểu tượng của dân Israel – Dân Thiên Chúa tuyển chọn, qua các hình ảnh “ Thiếu Nữ Sion ” hoặc “ Hòm Bia Thiên Chúa ”. Trong truyền thống, Đức Maria mang hình ảnh có ý nghĩa đặc biệt, đó là “ Cung Thánh của Đấng Tối Cao ”, nghĩa là Đức Maria được ví như Thành Thánh Giêrusalem – nơi Thiên Chúa hiện diện và gặp gỡ dân Ngài. Các trình thuật Cựu Ước cho thấy, khi Thiên Chúa hiển ngự nơi Lều Thánh, thì phàm nhân không được đến gần (x. Xh 40,35). Từ đó suy ra, khi Thiên Chúa chọn Đức Maria làm “ Cung Điện ” để Người ngự đến, thì tất nhiên Thiên Chúa phải thanh luyện và thánh hoá Mẹ trở nên xứng đáng, ngõ hầu đón tiếp Ngôi Lời nhập thể. Vì lẽ đó, Thiên sứ Gabriel nói: “ Quyền năng của Đấng Tối Cao bao phủ trên Bà ” (x. Lc 1,35). Thánh ý Thiên Chúa muốn Đền Thờ Người ngự phải thuộc trọn về Người. Do vậy, Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria không bị lệ thuộc dưới bóng tội lỗi. Vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên, khi Hội Thánh soạn lời nguyện cho Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm như sau: “ Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một Cung Điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần, khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội Tổ Tông ngay từ trong lòng mẹ… [5] Khởi đi từ mạc khải - nền tảng Thánh Kinh, tiếp đến là các cuộc tranh luận thần học và ý nghĩa thần học. Chiều kích thần học đã trình bày thế nào về đạo lý Vô Nhiễm?

III. Những cuộc tranh luận thần học và ý nghĩa thần học của Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội” :

1. Những cuộc tranh luận thần học:

Các nhà nghiên cứu tìm ra những khảo luận thần học về Đức Maria Vô Nhiễm, được khởi sự từ thánh Anselmô Cantebury. Thánh nhân đã nêu vấn đề: “ Nếu Đức Maria được sạch tội ngay từ lúc thụ thai, thì hoá ra Mẹ không cần đến ơn cứu chuộc hay sao? ”. Và ngài đã giải quyết vấn đề này bằng câu trả lời ngắn gọn, Mẹ được “ tiền cứu chuộc ”; nghĩa là ngay trước khi được sinh ra, Mẹ đã hoàn toàn được cứu chuộc, nhờ vậy mà Mẹ được tôn vinh là “ Toàn Thánh ”. Sau Anselmô, người đồ đệ của ngài là Eadmêrô đã nói đến quyền năng và sự khôn ngoan tuyệt đối của Thiên Chúa. Một khi Thiên Chúa muốn Đức Maria được sinh ra nguyên tuyền giữa bụi gai, thì có khó khăn gì đâu! Bởi Thiên Chúa chỉ cần muốn, thì mọi sự đều có thể. [6] Dù vậy, lập luận của Anselmô và Eadmêrô không phải đều được mọi người đồng thuận. Đương cử, thánh Bernađô và Phêrô Lombarđô không ủng hộ đạo lý “ Đức Maria Vô Nhiễm ”, vì những vấn nạn ơn cứu độ. Mãi đến thế kỷ XIII, thánh Albertô và thánh Tôma Aquinô cũng gặp khó khăn trong việc dung hợp đạo lý “ Đức Maria Vô Nhiễm ” với đạo lý “ mọi người cần được Chúa Kitô cứu độ ”. Chung cuộc, thánh Tôma Aquinô, vẫn chấp nhận “ Đức Maria được thánh hoá trong lòng mẹ ngay từ lúc thụ thai ”.

Hai gương mặt kế tiếp là Gulielmô và Gioan Scôtô trình bày hậu quả ơn cứu chuộc của Chúa Kitô theo hai hướng: ơn thánh “ rào đón ” và ơn thánh “ chữa trị ”. Với Đức Maria, Mẹ đã lãnh nhận ơn thánh “ dự phòng ”, tức là Mẹ đã được Thiên Chúa bảo vệ khỏi tội, vì thấy trước công nghiệp cao cả của Chúa Kitô. Duns Scôtô quả quyết: “ Gìn giữ ai khỏi sự dữ thì tuyệt vời hơn là để họ rơi vào sự dữ rồi mới cứu ra ”. Chúa Kitô là Đấng Trung Gian và Cứu Độ, đã mang lại ơn sủng và vinh quang cho loài người, thì chính Người cũng có đủ thẩm quyền gìn giữ linh hồn Đức Maria được tinh tuyền. Nói theo cách của Phanxicô Mayrônis: Thiên Chúa làm được mọi sự, Ngài thấy điều gì đáng làm, thì Ngài thực hiện. Cách luận giải của Scôtô đã khai mở và giải quyết những vấn nạn cho các thần học gia. Thật ra, vấn nạn không hệ tại từ chỗ tâm tình tôn kính Đức Maria, mà vấn đề làm sao dung hợp Tín Điều Vô Nhiễm với đức tin cốt lõi của Kitô giáo là “ mọi người đều cần được cứu chuộc nhờ Chúa Kitô ”.

Đạo lý về Đức Maria Vô Nhiễm dần dần được Hội Thánh bênh vực. Cụ thể, từ Đức Giáo Hoàng Sixtô IV, Toà Thánh đã can thiệp vào những cuộc tranh cãi thần học. Đức Sixtô IV một mặt, kêu gọi các thần học gia đừng tố cáo nhau là rối đạo, và đừng “ chụp mũ ” nhau; mặt khác, ngài phê chuẩn Bài Lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đến năm 1546, Công Đồng Trentô công bố: không đặt Đức Maria vào trong số những người mắc tội tổ tông. Đến Đức Giáo Hoàng Alexandrô VII, ngài đã khẳng định đạo lý Vô Nhiễm đã mang tính phổ quát, cấm nói ngược lại dưới mọi hình thức. Năm 1849, Đức Giáo Hoàng Piô IX long trọng công bố Tín Điều: “ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ”.

Nguyên văn Tín Điều là: “ Chúng tôi tuyên bố rằng đây là một đạo lý được Thiên Chúa mạc khải: Trinh Nữ rất thánh Maria, vào lúc đầu tiên thụ thai đã được gìn giữ không mắc phải tì ố của tội nguyên tổ, do ơn thánh đặc biệt và đặc ân Thiên Chúa toàn năng, và vì nhắm tới các công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô – Đấng cứu chuộc loài người. Vì vậy, hết mọi tín hữu phải tin vững chắc điều đó ”. [7] Nhìn chung, Tín Điều này có nội dung tuyên bố đạo lý Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là một chân lý mạc khải. Đức Maria nhận được một hồng ân phi thường – tức đặc ân được thánh hóa theo cách ngoại lệ; sự khác thường hệ tại ở chỗ, Đức Maria được hưởng ơn cứu chuộc trước những người khác; và Đức Maria được giữ gìn không mắc tỳ ố của tội nguyên tổ. Đến đây, ý nghĩa của “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ” đã rõ ràng: từ muôn thuở và một cách hoàn toàn nhưng không, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ của Con mình. Để chu toàn sứ mạng này, Mẹ đã được ơn Vô Nhiễm ngay từ lúc được thụ thai. Điều này có nghĩa là, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và đón nhận trước công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ ngay từ lúc được thụ thai. [8]

2. Ý nghĩa thần học của Tín Điều “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội”:

Chân lý Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội được nhìn trong toàn bộ khung cảnh mạc khải. Muốn hiểu ý nghĩa thần học của Tín Điều này, đòi hỏi phải lồng nó vào toàn bộ lịch sử cứu độ. Từ trong lịch sử cứu độ, Tín Điều Đức Maria Vô Nhiễm được nhìn trong các mối: tương quan với Thiên Chúa; tương quan với Giáo Hội và nhân loại.

Trong kế hoạch cứu độ, Tín Điều “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ” nói lên ơn tuyển chọn của Thiên Chúa. Trong tương quan với Chúa Cứu Thế, không những Đức Maria được khỏi tội nguyên tổ do hậu quả ơn cứu chuộc của Đức Kitô; mà còn có thể hiểu rằng, Đức Maria được ơn Vô Nhiễm để phục vụ ơn cứu chuộc loài người. Mẹ được cứu khỏi mọi tội, để có khả năng cộng tác với Chúa Kitô trong chương trình cứu độ. Sau cùng, trong tương quan với Giáo Hội và nhân loại, Tín Điều này không chỉ dừng lại cho cá nhân Đức Mẹ, mà quan trọng là nhắm đến chương trình cứu rỗi loài người. Nơi Đức Maria, Giáo Hội chiêm ngưỡng một thành phần ưu tú của mình đã thắng tội lỗi nhờ hồng ân Chúa Kitô; bên cạnh đó, nơi Đức Maria, Giáo Hội chiêm ngắm sức mạnh ơn Thánh Chúa. Nhờ đó, con người có quyền tin vào quyền năng Chúa, để xin Chúa cứu thoát khỏi mọi sự dữ. [9]

IV. Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội nhìn dưới lăng kính “ Mẫu Tính :

Nơi Đức Maria có “ Mẫu Tính thần linh ”, vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu. Giáo Hội ý thức việc nghiên cứu Đức Maria có tính liên hệ với công trình tạo dựng và cứu độ - tức đối tượng của Mạc Khải. Nơi Chúa Giêsu Kitô, thụ tạo được tạo dựng trong tương quan với Thiên Chúa; nhờ đó, con người được cứu độ. Nói chung, mọi sự đều liên hệ tới Chúa Giêsu Kitô.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Maria xuất hiện ở phần đầu và phần cuối – tức là cuộc Giáng Sinh của Chúa Giêsu và việc sinh hạ Giáo Hội. Lúc ấy, Đức Maria được xưng là “ Mẹ của Chúa Giêsu ”; và chính Chúa Giêsu trao tặng cho Mẹ danh hiệu “ ”. Chính Chúa Giêsu đưa con người vào sự hiện hữu đích thực của Thiên Chúa, vì Người là Thiên Chúa – Đấng tự hạ, mặc lấy thân phận con người để nâng con người lên tới Thiên Chúa. Đây là hồng ân độc đáo của Kitô giáo – một hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho con người. Sở dĩ Đức Maria liên hệ với con người, vì nơi Mẹ có sự liên hệ đến hồng ân cao cả này, mà Thiên Chúa thực hiện cho loài người trong Chúa Giêsu Kitô. Khi bàn đến sự hiện hữu của Đức Maria: “ Mẹ của Chúa Giêsu ”; “ Người được sinh ra bởi một người nữ, để loài người được đón nhận ơn nghĩa tử ”..., là chúng ta khởi đi từ Chúa Giêsu – Ngôi Lời Thiên Chúa vĩnh cửu đã mặc lấy xác phàm để đồng hành và mở đường cho con người trở về với Thiên Chúa. Điều này cho phép xác tín, Ngôi Lời thật sự là Người, được cưu mang trong cung lòng một Người Nữ, để lớn lên giữa loài người. Người Nữ cưu mang Ngôi Lời được xem là khởi điểm cho: “ Hiện hữu của Thiên Chúa, Bà là Mẹ Người ”. [10]

Mẹ Chúa Giêsu ” – tức là Mẹ của Một Thiên Chúa làm người có nghĩa là gì? Theo Laurentin, “ Mẫu Tính ” là yếu tố chung cho mọi sinh vật, nhưng cách đặc biệt đối với con người, mẫu tính là “ hoa trái của một hành động tự do, và là một sự ưng thuận thường hằng ”. Mẫu tính này trở nên mẫu tính nhân linh, khi nó quy chiếu về người cha và con trẻ. Sự ưng thuận mẫu tính rất mạnh mẽ, vì nó phát sinh từ một tình yêu thiêng liêng và bất hủ. Tình yêu của người mẹ vượt lên trên bình diện kế thừa sự sống, để tham dự vào chiều sâu thiêng liêng là khai mở một tự do và xây dựng một tâm hồn. Nơi con người có tự do tương quan chứ không dừng lại ở khía cạnh những cá nhân được xếp cạnh nhau. [11] Sở dĩ bàn đến những điều trên, là để trình bày mối tương quan giữa Đức Maria với Con Trẻ Giêsu – Đấng Cứu Thế mà Mẹ cưu mang trong lòng và đồng hành trong cuộc sống. Một khi Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể, thật sự mặc lấy xác phàm, thì việc nhập thể này đảm nhận mọi khía cạnh của bản tính con người và của mẫu tính. Giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu có mối tương quan rất sống động, bởi Mẹ thường xuyên ưng thuận cho việc chào đời của Người Con, lẫn việc hiện hữu tự do của Người Con ấy. Nhìn vào thực tế, Mẹ Maria không chỉ cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng, mà Mẹ còn chắt chiu nuôi dưỡng Người Con bằng tình yêu và dòng sữa của một Từ Mẫu. Xét theo bình diện phàm nhân, Chúa Giêsu chịu tùy thuộc vào Mẹ Maria; và xét theo góc độ siêu nhiên, Mẹ Maria hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa Giêsu – Đấng Tạo Hóa đã tác tạo nên Mẹ. Tuy nhiên, trong thiên chức Chúa ban, Đức Maria vẫn là người Mẹ với trái tim đầy ắp ưng thuận và tình yêu. Trổi vượt hơn người mẹ bình thường với tâm tình hướng về người con mà mình sinh ra, Đức Maria hướng về Thiên Chúa. Nghĩa là Mẹ thăng hoa và chuyển hóa tâm tình của Mẹ bằng cách sống tâm tình thần linh hướng lên Thiên Chúa – Đấng trở thành Người Con trong vòng tay của Mẹ. Như vậy, trong trái tim Từ Mẫu của Mẹ luôn chất chứa tình yêu và tâm tình thờ phượng xen lẫn nhau. Bởi vì: “Mẹ sống trong sự liên lạc cá vị với Thiên Chúa, ở mức độ cao nhất mà không có vị thánh nào có thể đạt được. Mẹ vẫn là một thụ tạo, nhưng do bởi đặc ân vô song của Thiên Chúa, tình yêu mà Thiên Chúa thúc đẩy nơi Mẹ là một tình yêu ở mức độ đỉnh cao của trái tim Thiên Chúa – một tình yêu trào vọt từ trái tim của Thiên Chúa”. [12]

Người ta nêu vấn đề: Mẫu Tính của Mẹ Maria là gì? Xin thưa, đó là “ ân sủng của Mẹ ”! Thiên Chúa trao ban chính Ngài cho loài người, qua việc Ngài làm cho nhân tính của Đức Maria được nâng lên với khả năng trao tặng cho Ngài một nhân tính hoàn toàn xứng đáng hợp với Con Thiên Chúa làm người. Nói gọn một lời: nơi Đức Maria, bản tính loài người đón nhận được sự cao quý khôn lường của đời sống thần linh. Ở đây cần phải phân biệt, Đức Maria không phải là mẹ của xác thể Con Thiên Chúa, nhưng Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa mặc lấy xác thể. Yếu tố này nói lên Thiên Chúa đã thực sự làm người. Thật ra, từ thuở đời đời, Chúa Cha đã nhận ra Chúa Con không chỉ là Ngôi Lời Thiên Chúa, nhưng còn là Con của Mẹ Maria. Chính Thiên Chúa quyết định đón nhận bản tính nhân loại và kết hiệp nhân loại với đời sống thần linh. Đây là thánh ý Thiên Chúa, từ muôn đời xuất phát bởi lòng thương xót và tình yêu – một tình yêu mà Chúa Cha yêu thương và nhận ra nơi Đức Maria là Thân Mẫu của Con Thiên Chúa.

Yếu tố “ Phụ tính thần linh ” luôn cuốn hút “ Mẫu Tính ” của Đức Maria. Vì Thiên Chúa hiện hữu trước muôn đời, nên Ngôi Lời không tùy thuộc vào Mẹ. Tuy nhiên, nơi Đức Maria có mẫu tính của con người trọn vẹn – một mẫu tính của Người Con trong Thánh Thần tình yêu. Nhờ đức tin trọn vẹn, Đức Maria dưới sự hoạt động của Thánh Thần, Mẹ đã tham dự thật sự vào việc sinh hạ Người Con. Do đó, Người Con của Chúa Cha và Người Con của Mẹ Maria cũng chỉ là một Người Con duy nhất mà thôi. Từ đây có thể suy ra, “ Mẫu Tính Thần Linh ” đúng nghĩa và thật sự là Mẫu Tính nơi Đức Maria. Ở đây có sự minh định, Đức Maria là “ Mẹ Thiên Chúa ” không phải theo nghĩa là “ mẹ của một hoàng đế ” như thói thường thế gian. Bởi Vương Quyền của Chúa Giêsu là một chức năng; và thần tính làm đặc trưng hóa toàn vẹn con người của Người. Chúa Giêsu mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi, qua việc Người vâng phục Chúa Cha, vâng phục mẹ Maria và vị cha nuôi là Giuse; và nhờ ân sủng - hồng ân sự sống Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa làm người diễn tả thiết yếu liên hệ với Mẫu Tính của Mẹ Maria.

Chiêm ngưỡng Đức Maria, sẽ nhận ra nơi Mẹ có hai thực tại song song: Vừa là “ môn đệ Chúa Kitô ” vừa là “ Mẹ của Chúa Kitô ”; hai thực tại nhưng cũng chỉ là một. Mẹ Maria được Chúa Thánh Thần thánh hóa để xứng đáng thành nơi “ chứa đựng hồng ân Thiên Chúa ”. Điều này được Thiên Chúa thực hiện cách hoàn hảo nơi thân xác và linh hồn của Mẹ Maria. Bởi đó, Mẹ được tôn xưng là “ Đầy ơn phúc ”, với Mẫu Tính là Mẹ Chúa Giêsu – Mẹ của Người Con duy nhất; và như thế, Mẹ là “ Ái Nữ của Chúa Cha, Cung Thánh của Chúa Thánh Thần ”. Nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria hoàn toàn được quy hướng về sứ vụ làm Mẹ, đến độ có thể nói cách nào đó, Mẹ được nâng lên tầm mức “ tái tạo nhân tính của Con Thiên Chúa ”. [13] Đối với Chúa Giêsu, Mẹ Maria có một mối tương quan mật thiết, rất giống mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Điều này cho phép, một cách nào đó, để tôn xưng “ Đức Maria thuộc về trật tự của những ngôi vị Thần Linh ”. [14]

C. KẾT LUẬN :

Tín Điều “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ” của Mẹ Maria nay đã sáng tỏ. Dù đã và đang còn xảy ra những tranh luận thần học, nhưng chân lý vẫn thuộc về chân lý. Trong nhãn quan đức tin Kitô giáo, Tín Điều “ Vô Nhiễm ” diễn tả: Một Thiên Chúa mặc lấy xác phàm nơi phôi thai bé nhỏ trong cung lòng Thân Mẫu Maria, để Người trở nên người đi gặp gỡ con người. Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria không chỉ dừng lại ở nghĩa hạnh phúc, trong sạch… nhưng hơn thế nữa, điều quan trọng là nói lên nguồn gốc chung thủy từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng trung thành tuyệt đối, việc gì Ngài khởi sự, thì Ngài cũng ra tay hoàn thành. Thiên Chúa luôn có tầm nhìn bao quát; và giá trị tình yêu của Thiên Chúa trước tiên được dành cho Mẹ Maria. Khi Thiên Chúa thực hiện giá trị này một lần cho Mẹ Maria, thì cũng có nghĩa là con người có quyền hy vọng tràn trề vào Thiên Chúa. Hồng ân “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ” của Mẹ Maria giúp người Kitô hữu nhận ra rằng, ngay từ thuở đời đời Thiên Chúa đã tỏ lòng từ bi bao bọc con người, làm cho nhân loại trở thành con cái Chúa. Nói chung, Tín Điều: “ Vô Nhiễm Nguyên Tội ” bao hàm ý nghĩa, Thiên Chúa bao phủ cuộc sống con người bằng cả tấm lòng yêu thương chung thủy; Thiên Chúa đã ban ơn thánh cho Mẹ Maria ngay từ buổi đầu; và tiếng Chúa mời gọi mỗi người đáp trả cách tự do. Nên chăng, mỗi người Kitô hữu đặt ra cho mình câu hỏi: “ Tôi phải sống thế nào đối với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria? ”. Bên cạnh việc mỗi người tự nỗ lực tìm lối sống cho bản thân, thì Giáo Hội từ lâu đã thấy: Thiên Chúa thực hiện mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi Đức Maria, cũng có nghĩa là Ngôi Lời trở thành thụ tạo, để đồng hành và ban cho nhân loại giá trị vĩnh cửu, ân sủng, lòng trung tín và sự sống đích thực. Ðiều còn lại, là sự đáp trả của con người cách tự do, cốt yếu sao cho sự đáp trả ấy ăn khớp với khởi điểm mà Thiên Chúa đã đặt định. Đồng thời, trong tâm tình con thảo, mỗi người nỗ lực chiêm ngắm Mẹ Maria. Nhờ đặc sủng Vô Nhiễm Nguyên Tội ngay từ phút đầu đời của Mẹ, Mẹ sẽ cầu bầu cho hết thảy người Kitô hữu trở nên những người con như lòng Chúa mong muốn.


Tài liệu tham khảo.

1. Phêrô Lê Văn Chính, Giáo Trình Thánh Mẫu Học, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, niên học 2010-2011.

2. Phêrô Lê Văn Chính, Nhân học Kitô Giáo, ĐCV Thánh Giuse, 2006.

3. Karl Rahner, Maria Kẻ Đã Tin, Nhà xuất bản Tôn Giáo.

4. Phan Tấn Thành, Vầng Trăng Tuyệt Vời, Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ.

5. HĐGMVN, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Bản Toát yếu sách giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, NXB. Tôn Giáo Hà Nội – 2007.

6. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN.


[1] x. Karl Rahner, Maria Kẻ Đã Tin , NXB Tôn Giáo, trang 78.

[2] x. Phan Tấn Thành, Vầng Trăng Tuyệt Vời, Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ, tr. 105.

[3] x. Lm. Phêrô Lê văn Chính, Nhân học Kitô giáo, Đại chủng viện thánh Giuse, 2006, tr. 39-43.

[4] x. Phan Tấn Thành, Vầng Trăng Tuyệt Vời, Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ, tr. 106.

[5] x. Sách Lễ Rôma.

[6] x. Phan Tấn Thành, Vầng Trăng Tuyệt Vời, Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ, tr. 107.

[7] x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 487-492.

[8] x. HĐGM Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Bản Toát Yếu, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, NXB Tôn Giáo Hà Nội – 2007, tr. 65.

[9] x. Sách Giáo Lý HTCG Số 2853-2854.

[10] x. Lm. Phêrô Lê Văn Chính, Giáo Trình Thánh Mẫu Học, ĐCV Thánh Giuse, niên học 2010-2011 tr. 79.

[11] x. Lm. Phêrô Lê Văn Chính, Giáo Trình Thánh Mẫu Học, ĐCV Thánh Giuse, niên học 2010-2011 tr. 80.

[12] x. Lm. Phêrô Lê Văn Chính, Giáo Trình Thánh Mẫu Học, ĐCV Thánh Giuse, niên học 2010-2011 tr. 81.

[13] x. sđd, tr.84-85.

[14] x. sđd, tr.85.

TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT