Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024
UỶ BAN PHỤNG TỰ
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Chiếu theo “Bảng Ghi Ngày Phụng Vụ” [sắp xếp theo thứ tự ưu tiên] được trích từ văn kiện Những Quy Luật Tổng Quát Về Năm Phụng Vụ Và Lịch Chung Rôma (NPVRM, số 59) thì cử hành Tam Nhật Thánh được ưu tiên hàng đầu (số 1), tiếp theo là các lễ Giáng sinh, Hiển linh, Thăng thiên và Hiện xuống (số 2)… Đây là tài liệu trình bày hệ thống xếp hạng cho tất cả các ngày lễ diễn ra trong Lịch Chung Rôma và tất cả các ngày phụng vụ đã được xếp hạng theo mối tương quan với mầu nhiệm Chúa Giêsu. Thêm nữa, Những Quy Luật Tổng Quát Về Năm Phụng Vụ Và Lịch Chung Rôma nêu rõ, "Nếu gặp nhiều lễ phải kính trong cùng một ngày, thì cử hành lễ nào có địa vị cao hơn trong “Bảng Ghi Ngày Phụng Vụ” (NPVRM, số 60).
Năm nay, lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, 2 tháng 11, là ngày thứ Bảy, và được xếp hàng thứ 3 trong khi ngày hôm sau là Chúa Nhật XXXI Thường Niên được xếp hàng thứ 6 trong “Bảng Ghi Ngày Phụng Vụ” như đã trích dẫn. Trong trường hợp này, chuẩn mực được đưa ra trong Những Quy Luật Tổng Quát Về Năm Phụng Vụ Và Lịch Chung Rôma dường như dễ dàng áp dụng, nghĩa là lễ nào có thứ hạng cao hơn theo“Bảng Ghi Ngày Phụng Vụ” thì sẽ được tuân thủ" (NPVRM, số 60). Điều này phù hợp và logic khi lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (ngày 2 tháng 11) rơi đúng vào Chúa nhật Thường niên bởi vì chúng ta đã có quyết định thực hành rõ ràng theo chữ đỏ của Sách Lễ Rôma: “Khi ngày 2 tháng 11 trùng vào Chúa nhật, vẫn phải cử hành lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tich đã đưa ra phán quyết dựa trên mầu nhiệm cứu rỗi và theo phép tính Kitô học hơn là mọi tính toán khác. Bởi thế, Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tich đã trả lời rằng, trong các câu hỏi liên quan đến việc cử hành Thánh lễ thì “thì luôn luôn phải dành ưu tiên cho cử hành theo luật buộc tuân giữ [de praecepto], mà không tuỳ thuộc vào bậc phụng vụ của hai cử hành trùng nhau” (xem “De Calendario Liturgico Exarando pro Anno 1984–1985,” Notitiæ 20 [1984], 603–605).
Như vậy, với những câu hỏi về lịch phụng vụ, đôi khi chúng ta cần phải xem xét không chỉ thứ hạng của những ngày cụ thể mà còn phải lưu ý tới khía cạnh mục vụ của sự phân loại này. Ở đây, như đã nói trên, tinh thần cho mọi tính toán và phán quyết chính là dựa vào Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô. Đây là nền tảng cho cử hành năm phụng vụ theo cách thức mà Mầu nhiệm Chúa Kitô được phản ánh một cách trọn vẹn trong mọi khía cạnh. Chúng ta cũng thấy rằng ngay cả các chuẩn mực mà Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tich đề xuất cũng không phải là đáp án cuối cùng cho mọi câu hỏi, nhưng đúng hơn, đó là một chuẩn mực chắc chắn để tiến xem xét. Nói như vậy, Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tich muốn minh định rằng một Hội đồng Giám mục hoặc một Giám mục giáo phận, khi lưu ý đến các hoàn cảnh mục vụ tại địa phương mình, có thể xác định thực hành cần tuân theo (x. “De Calendario Liturgico Exarando pro Anno 1984–1985,” Notitiæ 20 [1984], 605).
Riêng đối với Phụng vụ Các Giờ, việc áp dụng nghiêm ngặt “Bảng Ghi Ngày Phụng Vụ” chỉ dẫn chúng ta cử hành Kinh Chiều II lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời vào chiều tối thứ Bảy 2/11/2024 vì có thứ hạng cao hơn lễ Chúa Nhật XXXI Thường Niên (x. Notitiæ 10 (1974): 222–223). Tuy nhiên, như chữ đỏ trong Phụng Vụ Các Giờ nêu rõ, mặc dù Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời có thứ hạng cao hơn, nhưng “giờ kinh được lấy từ Chúa Nhật hiện tại trong Mùa Thường Niên”, do đó chúng ta phải cử hành Kinh Chiều I Chúa Nhật XXXI Thường niên vào chiều tối thứ Bảy 2/11/2024, trừ khi cử hành chung với cộng đoàn, chúng ta mới đọc Kinh Chiều II Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (x. LH, q. IV, 1250).
Vì thế, cử hành Thánh lễ chiều thứ Bảy ngày 2 tháng 11 năm nay phải ưu tiên cho Chúa Nhật XXXI Thường Niên, nhưng các Giám mục giáo phận hoàn toàn có thể cho phép cử hành Thánh lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời vào chiều tối thứ Bảy 2/11/2024 trong giáo phận của các ngài. Những ai tham dự thánh lễ Cầu Cho Tín Hữu Đã Qua Đời vào chiều thứ Bảy 02/11/2024, thì chu toàn luật buộc tham dự thánh lễ Chúa Nhật (x. Bộ Giáo Luật 1983, số 1248, triệt 1).
Nguồn: hdgmvietnam.com