
CHÚA NHẬT I PHỤC SINH: LỄ PHỤC SINH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 16,1-8)
Hết ngày Sabbat, bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Giacôbê và bà Salômê mua thuốc thơm để đi xức xác Chúa Giêsu. Và từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi mặt trời hé mọc, các bà đến mồ, họ bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mồ cho chúng ta?” Khi đưa mắt nhìn, các bà thấy tảng đá đã được lăn ra bên cạnh. Mà tảng đá đó rất lớn. Các bà đi vào trong mồ, thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng nên các bà khiếp sợ. Nhưng người đó bảo các bà rằng: “Các bà đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nazaréth chịu đóng đinh, nhưng Người đã sống lại, không còn ở đây nữa. Đây là chỗ người ta đã đặt Người. Các bà hãy nói với các môn đệ Người, nhất là với Phêrô rằng: Người đến xứ Galilêa trước các ông. Ở đó các ông sẽ thấy Người như Người đã từng nói trước”. Nhưng các bà chạy ra khỏi mồ trốn đi, run rẩy kinh hồn chẳng dám nói gì với ai vì sợ hãi. Đó là lời Chúa.
Suy niệm
Đêm nay, đêm Canh thức Phục Sinh! Mẹ Giáo hội chuẩn bị cho chúng ta tâm hồn để đón mừng đại lễ Chúa Phục Sinh một cách long trọng bằng việc cho chúng ta nghe nhiều bài đọc Kinh Thánh dọc dài lịch sử nhân loại từ cổ chí kim. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, Mẹ Giáo hội mong muốn con cái mình nhận ra tình thương của Thiên Chúa để đáp lại tình yêu của Ngài.
Trình thuật Sáng Thế mời gọi ta nhận ra vũ trụ kỳ vĩ đi vào trật tự cũng như mỗi người chúng ta cũng được gọi là một tiểu vũ trụ diệu kỳ không phải do ngẫu nhiên mà có, cũng không phải “không đời đời”, nhưng khởi nguồn từ tình thương của Thiên Chúa tạo dựng nên. Cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa, có giá trị trước mặt Chúa nên Ngài không bỏ mặc mà đã giải thoát con người khỏi nô lệ qua hình ảnh của cuộc Xuất hành, một Thiên Chúa đồng hành, bên cạnh dân đêm cũng như ngày. Ngay cả khi con người phản bội thì Thiên Chúa không quên giao ước của Người. Người hứa quy tụ và thanh tẩy con người, ban cho con người một quả tim mới, đặt thần khí của Ngài vào lòng chúng ta. Cho nên, không phải chúng ta muốn sống ra sao cũng được, nhưng cần sống sao cho xứng đáng là họa ảnh của Thiên Chúa.
Giao ước giờ đây được thực hiện và hoàn thiện nơi Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Cả bốn Tin mừng đều đồng thuận về điểm lịch sử này, đó là biến cố Phục sinh xảy ra vào hôm sau ngày Sabáth, hôm sau ngày Lễ Vượt qua của người Do Thái. Năm nay, chúng ta được nghe trích Tin mừng theo thánh Marcô thuật lại câu chuyện về những phụ nữ là bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Giacôbê và bà Salômê mua thuốc thơm để đi đến mộ xức xác Chúa Giêsu sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi mặt trời hé mọc. Đó là vì chiều hôm thứ sáu Chúa chết lúc giờ thứ chín, giờ quá muộn sắp bước vào ngày Sabath kiêng việc nặng nhọc, nên không kịp xức dầu thơm để ướp xác Chúa. Thế nên các bà nóng lòng chợ đợi tới sáng ngày thứ nhất trong tuần liền vội vã đi ra mộ kèm với nỗi băn khoăn: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mồ cho chúng ta?”
Thế nhưng, khi tới mộ, các bà đã cảm nhận được điều gì đó khác thường, tảng đá đã được lăn ra bên cạnh tự bao giờ mà tảng đá đó rất lớn và rất nặng. Tiếp tục đi vào trong mồ, các bà thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng, dấu chỉ của Thiên Thần đến loan tin Chúa đã sống lại, khi ngài trấn an: “Các bà đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nazaréth chịu đóng đinh, nhưng Người đã sống lại, không còn ở đây nữa. Đây là chỗ người ta đã đặt Người”. Thiên thần không quên gởi tới các bà một thông điệp nữa là: “Các bà hãy nói với các môn đệ Người, nhất là với Phêrô rằng: Người đến xứ Galilêa trước các ông. Ở đó các ông sẽ thấy Người như Người đã từng nói trước”. Hẳn là các bà hồn vía lên mây, nổi da gà chứ chẳng chơi vì một sự kiện thật lạ lùng không thể tả nổi.
Đối diện với biến cố này, chúng ta sé phản ứng thế nào? Liệu chúng ta có nghĩ rằng một trò lừa đảo “vũ như cẩn” cũ rích, trong khi ngày nay đối diện với những trò gian lận trên mạng, đánh cắp thông tin, thậm chí dùng cả công nghệ AI nhận diện khuôn mặt để lừa đảo nữa thì nhiêu đó ăn thua gì. Nhưng thật lòng nhìn lại, đó hẳn là một biến cố của đức tin mà hơn 2000 năm qua, Hội thánh Chúa Kitô thiết lập đá tảng tông đồ cả Phêrô và các môn đệ, trải qua bao cuộc bách hại, bao vị tử đạo vì đức tin, Giáo hội Chúa luôn sống động, vì khởi nguồn từ cuộc hẹn của Chúa Phục Sinh ở Galilê với các môn đệ Người, nơi chứa đầy những kỷ niệm: “Người đến xứ Galilêa trước các ông. Ở đó các ông sẽ thấy Người như Người đã từng nói trước”.
Ngôi mộ trống với cừa mồ được mở toang đâu có trống rỗng, đâu có hoang vu, đâu có bay mùi chết chóc. Có người nghĩ rằng chết là dấu chấm hết. Nhưng với ngôi mộ của Đấng chịu đóng đinh giờ đây mở toang, một mầu nhiệm vĩ đại loan báo sự sống có tên là Phục sinh. Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết, Người không còn chết nữa. Và số phận của chúng ta cũng vậy, ta sẽ được giống Chúa. Nếu ta có chết vì già, vì bệnh hay vì tai ương đi nữa, thì mai ngày ta cũng sẽ được phục sinh với Người.
Chúa Giêsu phục sinh, Người không còn bị ràng buộc bởi không gian thời gian nữa. Người về cùng Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì ở khắp mọi nơi, nên ta có thể gặp Ngài bất cứ nơi nào trên đường đời của ta, miễn là ta tin Ngài đã sống lại và ao ước gặp gỡ Ngài. Ngày mai giáo xứ Bình Sơn sẽ tổ chức cho các thiếu nhi và một số anh chị em chuyến thăm Ủy lạo tới Mái ấm Người già và Mái ấm Trẻ em trong Giáo phận Phú Cường, để cùng chia sẻ niềm vui Chúa Phục sinh cho họ. Vâng, khi ta yêu thương, thì có Chúa trong tình yêu của ta; khi ta tha thứ, có Ngài trong sự tha thứ của ta; khi ta hy sinh, có Ngài trong sự hy sinh của ta. Khi ta cố gắng sống chân thành thì có Ngài ngay trong sự thật của ta. Điều chắc chắn đêm nay là, với lòng tin, ta sẽ gặp Chúa cách đặc biệt trong Thánh lễ, vì Giáo hội cử hành thánh lễ là đón tiếp Chúa đến trong mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Ngài.
Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã suy niệm về những mầu nhiệm Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiến mình trên cây Thánh giá. Người đã đưa ra một nguyên tắc sống mới, đó là qui luật của sự quên mình để sống cho người khác, để phục vụ cho anh chị em của mình. Như Chúa Kitô được tượng trưng bằng hình ảnh của ngọn nến sáng đêm nay, ngọn nến dùng chính bản thân mình chịu tan chảy, chịu tiêu hao đi để soi sáng cho đời, cho người.
Điều này làm nhớ tới bài hát lúc nhỏ:
Từ nay, Chúa ơi, Chúa ơi con thề ước rồi
Trọn niềm dâng Chúa mà thôi,
Tình yêu Chúa là hạnh phúc,
Phụng sự Chúa là ước mơ cao vời.
Như chiến sĩ tiền phương bỏ xác nơi sa trường,
Đời con xin tiêu tan như sáp ong lụi tàn.
Nguyện chọn nhà Chúa, tựa chết nơi bàn thờ.
Một tình yêu theo Chúa Kitô tự hiến đến tận cùng, và sẽ nhận lại được là sự sống, là tình yêu, là hiệp thông.
Câu chuyện “Hy sinh cho em” kể rằng có hai anh em nhà kia, cậu bé trai 8 tuổi và cô em gái của cậu 6 tuổi. Cả hai đều gầy yếu. Một hôm cô em gái bị chứng xuất huyết nội và được mang đi cấp cứu. Cô bé bị mất máu khá nhiều cần được mau chóng tiếp máu. Thế nhưng vì cô bé mang trong mình nhóm máu hiếm, bệnh viện lại không có sẵn máu cùng nhóm để truyền. Các bác sĩ thử hết người nhà, và rất may chỉ duy nhất máu của cậu bé cùng nhóm máu với cô em. Khi được hỏi có muốn cho máu để cứu sống em gái không, thì lúc đầu cậu bé hơi ngần ngại và lo lắng. Nhưng rồi không lâu sau đó, cậu bé đã lấy lại bình tĩnh và trả lời bác sĩ rằng: “Dạ, con rất là thương em con, con đồng ý hiến máu cho em. Xin bác sĩ hãy làm sao cho em con sống”. Các y ác sĩ đã lấy máu của cậu truyền cho cô em. Đến khi tỉnh dậy và hồi phục sau khi truyền máu, cậu bé đã làm cho mọi người trong phòng ngạc nhiên khi nói: “Ủa! Con chưa bị chết hay sao? Sao bác sĩ không mau lấy máu của con cho em đi? Em con bây giờ ra sao rồi?” Thì ra cậu bé đã tưởng lầm rằng khi bằng lòng hiến máu cho em, là cậu phải cho em tất cả số máu trong con người mình và đổi lại mình sẽ bị chết! Nhưng vì quá thương em và muốn cứu em bằng mọi giá, nên sau khi suy nghĩ, cậu bé sẵn lòng quyết định hy sinh chịu chết để cho em gái mình được sống!