Header

Chúa Nhật V Mùa Chay - Hạt Lúa Mì Mục Nát

avatarby Admin
16/03/2024
1.0K
Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa ấy phải chịu mục nát, nhất thiết phải chết đi để tự mỗi người sẽ có lời giải đáp rằng theo quy luật của sự sống và để duy trì, cái chết của Người là quá trình bắt buộc để Người tiến vào vinh quang, là điều kiện để Hội thánh được sinh ra và rộng khắp. Qua đó, với những người Hy Lạp tìm đến với Người và những ai muốn làm môn đệ Chúa, để gia tăng và củng cố ơn đức tin thì cũng sẽ không đi con đường khác được: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY (B)

Bài đọc I: Gr 31,31-34

“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai Cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50,3-4.12-13.14-15

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c.12a).

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Bài đọc II: Dt 5,7-9

“Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.

Trích thư gởi tín hữu Do Thái.

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng trước Tin Mừng: Ga 12,26

Chúa phán: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 12,20-33).

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philipphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào. Ðó là lời Chúa.

Suy niệm

Giêrêmia được mệnh danh là vị tiên tri của những tai họa, ông không ngừng cảnh báo quốc họa rất gần kề. Vì thế, người ta đã âm mưu hãm hại ông và tống giam ông. Những sấm ngôn của vị tiên tri bị vua Giôgiakim xé từng trang và bỏ vào lò sưởi. Tuy nhiên, những lời sấm nầy đã được ứng nghiệm. Kinh thành Giêrusalem bị quân đội của vua Nabucôđônôxo đánh chiếm vào năm 597 trước Chúa Giáng Sinh, thành phần ưu tú bị lưu đày sang Babylon, Đền thờ bị thiêu hủy mười năm sau đó tức vào năm 587 sau khi thành Giêrusalem bị chiếm lần thứ hai.

Qua thảm kịch này, tiên tri Giêrêmia đọc được những ý định của Thiên Chúa: cuộc tái lập Giao Ước tỏ ra thất bại, thành thánh hoang tàn đổ nát, Đền thờ chẳng bao lâu sau bị tàn phá. Đây không phải là những dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa có một kế hoạch khác sao, vì lòng chai dạ đá của dân Ngài? Chính như vậy mà ngay vào lúc kinh thành Giêrusalem bị tàn phá, Đền thờ bị thiêu hủy, vị tiên tri loan báo một tia sáng rằng không có gì phải mất cả khi diễn tả niềm hy vọng bất diệt của Israel bằng những lời lẽ tuyệt vời: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa”. Giao ước này không giống như giao ước được khắc trên bia đá như Ngài đã ban cho tổ phụ là ông Môisen trong ngày Chúa cầm tay dắt dân chúng ra khỏi đất Ai Cập mà chính họ sau đó đã phản bội, cũng không trong cuốn sách Luật như được tìm gặp trong Đền thờ, nhưng được khắc ghi vào tâm khảm con người: “Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta.” Giao ước này sẽ được ký kết bởi Chúa Giêsu, Con Một của Thiên Chúa bằng giá máu của Người.

Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, Đấng Messia mà lời Chúa hứa, một kỷ nguyên cứu độ được mở ra. Dần dà, danh tiếng của Người được nhiều người biết tới. Cha Inhaxiô Hồ Thông, chuyên viên Kinh Thánh chú giải rằng cả những người Hy Lạp ngoại quốc thuộc vào số những lương dân có thiện cảm với Độc Thần Giáo Do Thái, họ lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Sách Công Vụ gọi họ là “những người sùng mộ Thiên Chúa” hay “những người kính sợ Thiên Chúa”. Việc họ muốn gặp để đàm đạo với Người cho thấy họ đang trên con đường đức tin vào Chúa. Những người “Hy Lạp” này đang báo trước rằng dân ngoại sẽ gia nhập Giáo hội. Họ ngỏ lời với ông Philípphê xin được gặp Chúa Giêsu, vì Philípphê xuất thân từ Bétsaiđa, nơi có nhiều người Hy Lạp nên ông biết được một số tiếng ngoại ngữ. Ông Philípphê bàn với Anrê, sau đó cả hai đến thưa chuyện với Thầy mình. Sự việc những người Hy Lạp đến với Chúa Giêsu  đã làm cho những người Pharisêu ghen ăn tức ở, nên to nhỏ với nhau: “Các ông thấy không, thiên hạ bắt đầu theo hắn cả rồi!” Chính sự ghen tị này mà họ rắp tâm quyết định loại trừ Người.

Chúa Giêsu nhìn thấy trước sứ vụ cứu độ của Người, cũng như giờ ơn cứu độ ban tặng cho hết thảy mọi người đã điểm. Nên thay cho câu trả lời, Chúa Giêsu tuyên bố: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”, giờ Khổ Nạn-Chịu Chết-Sống Lại của Chúa Giêsu sẽ mở ra cho mọi người ơn cứu độ. Với những người Hy Lạp mà ta được biết đến là nơi mà nhiều nhà toán học, thiên văn giỏi dang xuất thân, Chúa Giêsu lại lấy một ví dụ hết sức đơn giản không lý luận nhiều lời nhưng hết sức logic và đầy hiện thực khi Chúa Giêsu cho biết Người đương đầu trước cái chết như thế nào: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.

Khi suy niệm về đoạn Lời Chúa hôm nay, đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt cảm nghiệm và đã mường tượng một hình ảnh như sau:

Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.

Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.

Vâng, với hai ý sống – chết tương phản nhau, nhưng không hẳn là hai điều luôn đối nghịch nhau, mà là một sự biện chứng giữa chết và sống, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau: sự chết nuôi sự sống và sự sống sống được là nhờ sự chết. “Không chịu thối đi: trơ trọi một mình” hay “chịu mục nát đi: sinh được nhiều hạt”. Vài thí dụ:

– Nơi thực vật: những thứ phải chết đi như các lá cây rụng xuống và mục nát thì mới thành phân bón, dưỡng chất cho cây.

– Nơi sinh vật: các thức ăn phải “tiêu” mới “hóa” thành lương thực.

– Trong cõi nhân sinh: những người già chết đi để nhường đất và hoa màu của đất cho các thế hệ sau dùng đó mà sống.

– Ngọn nến muốn thắp sáng thì phải chịu đốt nóng và sáp tan chảy tiêu hao đi.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa ấy phải chịu mục nát, nhất thiết phải chết đi để tự mỗi người sẽ có lời giải đáp rằng theo quy luật của sự sống và để duy trì, cái chết của Người là quá trình bắt buộc để Người tiến vào vinh quang, là điều kiện để Hội thánh được sinh ra và rộng khắp. Qua đó, với những người Hy Lạp tìm đến với Người và những ai muốn làm môn đệ Chúa, để gia tăng và củng cố ơn đức tin thì cũng sẽ không đi con đường khác được: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.

Thánh Phaolô trong thơ gởi tín hữu Do thái (Dt 5,7-9) cũng không giấu khi cho biết rằng với thân phận con người, Chúa Giêsu cũng cảm thấy xao xuyến tận đáy lòng trước tấn thảm kịch của sự chết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Vâng, nhờ cuộc Tử Nạn của Người, sự chết trở nên “nguồn ơn cứu độ đời đời” cho nhân loại.

Câu chuyện Hy sinh cho em kể rằng có hai anh em nhà kia, cậu bé trai 8 tuổi và cô em gái của cậu 6 tuổi. Cả hai đều gầy yếu và thường đau ốm luôn. Một hôm cô em gái bị chứng xuất huyết nội và được mang đi cấp cứu. Cô bé bị mất máu khá nhiều cần được mau chóng tiếp máu. Thế nhưng vì cô bé mang trong mình nhóm máu hiếm, bệnh viện lại không có sẵn máu cùng nhóm để truyền. Các bác sĩ thử hết người nhà, và rất may chỉ duy nhất máu của cậu bé cùng nhóm máu với cô em. Khi được hỏi có muốn cho máu để cứu sống em gái không, thì lúc đầu cậu bé hơi ngần ngại và lo lắng. Nhưng rồi không lâu sau đó, cậu bé đã lấy lại bình tĩnh và trả lời bác sĩ rằng: “Vâng, con thương em con lắm, và bằng lòng hiến máu cho em. Xin bác sĩ làm cho em con sống”. Các y ác sĩ đã lấy máu của cậu truyền cho cô em và tích cực cứu chữa cho em. Đến khi tỉnh dậy và hồi phục sau khi truyền máu, cậu bé đã làm cho mọi người trong phòng ngạc nhiên khi nói: “Ủa! Con chưa bị chết hay sao? Sao bác sĩ không mau lấy máu của con cho em đi? Em con bây giờ ra sao rồi?” Thì ra cậu bé đã tưởng lầm rằng khi bằng lòng hiến máu cho em, là cậu phải cho em tất cả số máu trong con người mình và đổi lại mình sẽ bị chết! Nhưng vì quá thương em và muốn cứu em bằng mọi giá, nên sau khi suy nghĩ, cậu bé sẵn lòng quyết định hy sinh chịu chết để cho em gái mình được sống!

Lạy Chúa, với lời Chúa hứa: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó.”Đó là niềm hy vọng và là cùng đích của mỗi chúng con khi tin và sống niềm xác tín vào Chúa. Xin cho con được sống mãi trong tình yêu mà chính Chúa Cha đã mạc khải tình yêu và sự sống ấy nơi Người Con là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc con muôn đời. Amen.

 

CHIA SẺ BÀI VIẾT